Hôm tang lễ Khai Nhạn, mặt trời ló đầu qua mây hé tia ấm áp còn tuyết mơn man lạnh – quá đẹp cho một cuộc hẹn hò nhưng quá nhẫn tâm cho một cái chết. Giữa làn khói nồng gắt mùi thảo dược bốc ra từ chiếc lư hương đeo dây xích trên tay vị thánh sứ và lời cầu nguyện của ông ta, quan tài Khai Nhạn dần hạ huyệt mang theo trảng nắng vàng vọt ban trưa, bụi tuyết lơ thơ lẫn tiếng nức nở từ mẹ hai. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình gần mẹ hai đến vậy. Hai người đàn bà luôn né tránh nhau suốt ba mươi năm giờ cùng khóc, cùng chung nỗi đau mất con. Tôi vẫn nhớ mẹ mình luôn vuốt tóc và hôn lên trán Khai Nhạn mỗi khi cậu về nhà, ở mặt nào đó mẹ yêu thương cậu hơn đứa con đẻ ngỗ ngược như tôi. Ngày ấy, vợ Khai Nhạn khóc ngất mấy lần còn con trai cậu vô cảm trong vòng tay tôi, thằng bé Khai Giã đang cứng rắn quá mức. Tôi dự cảm nếu không ở bên Khai Giã thường xuyên, đứa nhỏ sẽ trở thành khối băng vĩnh cửu, mãi mãi không thể tan dưới ánh mặt trời.
Người tham dự hôm ấy khá đông, một phần vì bạn bè lẫn đồng đội Khai Nhạn, phần khác là những con người muốn thấy viễn cảnh sau đám tang. Gia đình tôi thuộc chi trưởng họ Xuy Hạ, một lúc nào đấy tôi hoặc Khai Nhạn sẽ nắm quyền lãnh đạo dòng họ, dù mang thân phận con hoang song Khai Nhạn vẫn đầy đủ quyền thừa kế. Nhưng hiện người ta có thể chắc chắn rằng tôi sẽ tiếp quản cái ghế trưởng tộc trong tương lai gần. Quan tài yên vị, dòng người nối chân nhau bước quanh huyệt rồi thay phiên ném những cành Khúc Hối – một loại hoa nở ba bông trên một cành, mỗi bông hai tầng cánh màu huyết dụ – lên quan tài. Hoa lấp tuyết lấp nắng, lấp tấm kính che đi gương mặt Khai Nhạn như máu đổ, như đàn ông Băng Thổ chết nơi sa trường. Xong nghĩa vụ bày tỏ thương tiếc, đám người bắt đầu xì xầm về tôi. Cha tôi thường đảm nhận vai chính mỗi dịp tang gia nhưng hôm nay ông vắng mặt, chiến trường đang cần ông nên tôi bất đắc dĩ thế chỗ. Từng cá nhân rồi từng nhóm bắt đầu tiến về phía tôi, chìa tay cùng một nụ cười nhẹ “Thiếu gia Khai Y, tôi là…”. Họ, quý tộc, thương gia giàu có, tướng lĩnh quân đội, tiểu thư quyền quý… tất cả đều muốn tôi nhớ mình. Khung cảnh tang gia quen thuộc tái diễn, tôi phát điên và muốn đấm vỡ mặt từng kẻ bất kể đàn ông hay đàn bà. Điều duy nhất ngăn tôi làm vậy là Mục Á, em đứng phía xa, nép mình dưới tán cây bạch dương cùng ánh mắt luôn trông chừng tôi. Em sợ tôi phá hỏng tang lễ.?
Rốt cục ngày đó chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau lễ tang, gia đình tôi cùng về ăn tối. Nhưng sắp xếp hậu sự chu toàn cho Khai Nhạn chưa phải đã yên, một căn nhà với những người đàn bà buồn khổ mới là vấn đề. Bữa tối đầy lời than tiếng khóc, tôi nuốt không trôi. Những lời an ủi chỉ như liều thuốc giảm đau hiệu nghiệm trong ít phút để đánh lừa bộ não mà cơn đau vẫn ở nguyên đó. Tôi bắt đầu trách cứ ngôi nhà nơi mình sinh ra và lớn lên. Giá như nó bé như bao căn nhà truyền thống của người Băng Hóa với lò sưởi, bàn gỗ cho gia đình quây quần và những tấm thảm ấm áp lót sàn gỗ, hẳn không khí gia đình đã bớt tang tóc. Đằng này nó bề thế như một cung điện, nỗi buồn thảm được thể xô vào những cửa phòng mạ đồng, lan trên cầu thang khảm ngọc rồi tràn xuống phòng khách nguy nga cổ vật. Nó lênh láng khắp tòa biệt thự, bì bõm trên mặt sàn, ủng ùng ục dưới chân các cột trụ chống trần. Bất chấp tôi động viên khuyên nhủ, vợ Khai Nhạn không thôi thương nhớ người chồng và bỏ bữa suốt ngày hôm sau. Khai Giã chẳng nghe lời tôi nữa, rồi mẹ tôi, mẹ hai, họ không buồn trò chuyện dù tôi cố gợi. Rốt cục sự giàu sang chỉ cứu được khốn khổ thể xác chứ không cứu được khốn khổ tinh thần.
Mọi sự cứ vậy bốn ngày liền chưa kể mấy bận thành viên họ hàng qua hỏi thăm, người thực lòng, kẻ dò xét. Tôi phát chán ngôi nhà mà không thể bỏ đi. Nếu cha ở đây, cha sẽ làm gì? Ngày ông nội tôi bị ám sát, cha làm thế nào để giữ yên gia đình? Ngoài kia tôi là chiến binh tài năng, ở đây tôi chỉ là thằng nhóc Khai Y lóng ngóng việc nhà. Nếu không nhờ người quản gia sắp xếp công việc, tôi đã gục xuống từ lâu. Mệt mỏi lẫn chán chường, tôi tìm đến rượu và khói thuốc. Mục Á thì không muốn tôi trượt dài trong những chất kích thích. Em ôm vai tôi khuyên nhủ:
-Nhà chỉ còn đàn bà trẻ con, anh phải cứng rắn lên, Khai Y. Mẹ anh, mẹ hai, vợ con Khai Nhạn đang dựa vào anh đấy!
-Biết sao đây? – Tôi bóp trán – Mẹ hai khóc suốt, vợ Khai Nhạn nữa. Hình như Khai Giã ghét tôi rồi, thằng bé nghĩ tôi không có mặt đúng lúc để cứu cha nó. Tôi bất lực quá! Em bảo tôi phải làm gì đây, Mục Á?
Mục Á cười:?
-Khai Giã không ghét anh, không ai ghét anh cả. Đừng tự trách mình. Vấn đề là anh không chỉ sống với nỗi đau của mình, anh phải học cách sống với đau đớn của người khác. Chúng sẽ vĩnh viễn ở cùng ngôi nhà này, anh không thể làm khác.?
-Vĩnh viễn? Vậy phải làm sao? An ủi họ? An ủi làm gì khi nỗi đau là vĩnh viễn?
-Nhưng anh vẫn phải làm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác cho tới hết đời. Anh cần làm quen với nó.?
Tôi ôm đầu còn Mục Á ôm lấy tôi vỗ về. Được một lát, em nhỏ giọng:
-Hai tháng nữa em mới phải về Cao Lầu, còn nhiều thời gian, em sẽ giúp anh. Cơ mà đừng uống rượu, được chứ?
Tôi gật gật rồi ôm Mục Á ngủ trên sô-pha dù không chắc em sẽ giúp thế nào. Nhưng tôi thừa nhận Mục Á hiểu nỗi đau hơn mình vì em đã sống với nó quá lâu, gần như là quen thuộc.?
Hôm sau tôi nhận ra Mục Á không ở bên mình. Em dậy từ sớm và xin phép mẹ tôi chuẩn bị bữa sáng. Dưới bàn tay Mục Á, bữa sáng hôm đó lạ mắt và đầy màu sắc thay vì những món ăn đơn điệu từ nền ẩm thực nghèo nàn của Băng Thổ. Khí hậu Diệp quốc ôn hòa nên người xứ ấy dùng nhiều gia vị, thức ăn vì thế đậm đà hơn trong khi người Băng Thổ quen ăn nhạt. Nhưng ở chừng mực nào đó, nó làm cổ họng của người đau buồn đương lạt lẽo khô khốc bỗng chốc có sinh khí. Mọi người hỏi chuyện Mục Á, em cười tươi, trả lời thành thực rồi gợi ý những người đàn bà trong gia đình cùng chuẩn bị bữa trưa. Mọi người nghe theo em. Sau chuỗi ngày im lìm như bãi nghĩa trang, ngôi nhà xuất hiện tiếng nói dưới khu bếp, nỗi đau mất mát nhường chỗ cho đồ ăn cùng mấy chuyện phiếm kiểu phụ nữ, nỗi buồn khổ ảm đạm tạm rút khỏi mẹ hai lẫn vợ Khai Nhạn. Tôi bớt bận tâm về hai người.?
Nhưng vẫn còn đó Khai Giã. Thằng bé ngày càng ương bướng. Nó liên tục bỏ bữa, cả ngày tha thẩn với đám chim chóc chó mèo ở khu vườn sau nhà. Mọi người hết nói nổi Khai Giã, mẹ nó quát tháo thì may ra. Chẳng ai muốn nặng lời với đứa nhỏ mất cha nhưng cũng chẳng ai tìm được cách dỗ dành. Biết tôi phiền lòng với Khai Giã, Mục Á bèn nhận trông nom nó. Không nhắc nhở cũng không khuyên nhủ, Mục Á làm bạn cùng thằng bé, hết đắp người tuyết lại trốn trong chiếc lều mà thằng bé gọi là “căn cứ”. Dĩ nhiên Khai Giã không thích, thậm chí to tiếng nhưng Mục Á chỉ cười và kiên nhẫn chờ đứa nhỏ chấp nhận mình là một “phần tử” trong trò chơi phiêu lưu quanh khu vườn. Rốt cục Khai Giã phải chịu, nó thà ở đây với người xa lạ còn hơn trở vào nhà. Thay vì nhọc công lôi kéo Khai Giã vào bữa như mẹ nó thường làm, Mục Á mang đồ ăn tới rồi cùng thằng nhỏ ăn trong cái lều “căn cứ” nọ, cười đùa đủ thứ chuyện linh tinh kiểu trẻ con. Tôi nể Mục Á, nếu là tôi thì chắc không chịu nổi quá hai ngày.
Độ non một tuần, tôi ngạc nhiên khi thấy Mục Á dắt thằng bé dạo phố, bằng một cách thần kỳ nào đó mà đứa nhỏ chịu để em bồng bế. Có vẻ Khai Giã quấn em. Sau đấy không lâu, Khai Giã cũng chịu vào nhà và xin lỗi mọi người. Nó vẫn không cười nhưng ít nhất đã biết nghe lời. Tôi hỏi chuyện Mục Á, em thở dài:
-Ngôi nhà đầy kỷ vật của Khai Nhạn, mọi người đều nói về cậu ấy trong nước mắt, anh nghĩ thằng bé chịu nổi không? Ngoài kia khác… – Em ngoảnh đầu về khu vườn phía sau nhà – …ở đấy toàn trò chơi vui vẻ, nó không vào nhà cũng phải.?
-Em hiểu trẻ con nhỉ? – Tôi nói.
-Vì em cũng từng như thế sau đợt mẹ mất. – Mục Á thở dài – Em thường loanh quanh con sông gần nhà vì mẹ hay đi qua đấy. Cha dỗ dành nhiều lắm em mới chịu thôi.?
Tôi mỉm cười. Nỗi đau sẽ lưu trú nơi đây vĩnh viễn nhưng chúng tôi bắt đầu chấp nhận nó như một thành viên gia đình. Tôi ôm lấy Mục Á thay lời cảm ơn. Em vuốt tóc vỗ về tôi “Được rồi Khai Y, khách đang tới kìa. Đừng để họ chờ.”. Có Mục Á ở đây, căn nhà lạnh lẽo này dần chấp nhận một cuộc sống không có Khai Nhạn.?
Tạm yên chuyện gia đình, tâm trí tôi có chỗ trống để lo đám họ hàng phiền phức. Nhiều năm lưu lạc nên tôi chẳng rõ ai chú ai bác ai cô ai dì, ấy thực là cái tội cho đám họ hàng chì chiết. Chì chiết chán, họ ưỡn ngực cao giọng khuyên tôi phải gia nhập quân đội để rửa hận cho em trai như người họ Xuy Hạ đích thực. Nực cười ở chỗ mấy lời lẽ thống thiết đó lại tuôn ra từ miệng những kẻ thường coi khinh Khai Nhạn – mẹ tôi kể rằng họ luôn thì thầm gọi cậu là “con hoang”. Chẳng có thứ báo thù nào trong chiến tranh, họ chỉ muốn ngôi nhà này nhận thêm một chiếc quan tài nữa. Dù vậy tôi không muốn sinh sự lúc tang gia.?