Hoặc cũng bởi thời giờ gấp gáp nên Vô Phong chưa kịp bận tâm chuyện nọ. Chu Thịnh tiếp lời:
-Khi đó chúng tôi chưa biết từ “mộng lưu” hay ba đặc tính cơ bản của nó: cảm quan – tư duy – tưởng tượng. Chúng tôi đặt cái tên dài hơn: “tín hiệu sóng não thiếu bền vững”. Chữ “thiếu bền vững” nhằm ám chỉ chúng có thể tách rời và tồn tại ngoài bộ não, một dạng vật chất. Chúng tôi phát hiện không phải dưỡng chất mà chính mộng lưu mới kích thích tế bào não phát triển. Nhưng để trích xuất toàn bộ mộng lưu từ một bộ não là không thể. Suy nghĩ vô tận, mộng lưu cũng vô tận, cái vô tận làm nên bộ não con người. Bởi lẽ ấy, tổ cấy ghép phải trích xuất mộng lưu từ nhiều bộ não khác nhau rồi cấy vào đầu cậu. Kết quả vượt ngoài mong đợi, nhờ Ngục Thánh thúc đẩy cộng thêm mộng lưu kích thích, tế bào não sản sinh, cậu bắt đầu có suy nghĩ và tiếp nhận thông tin. Chúng tôi đã tạo nên điều thần kỳ: làm người chết sống lại. Sống đúng nghĩa! Nhưng nhiều dòng mộng lưu lại là vấn đề…
Vị bác sĩ hớp nốt tách trà thiết mộc thứ hai. Ông ta nói trong cái đắng nhăn mặt của lá thiết mộc:
-Chứng tâm thần phân liệt. Các mộng lưu tranh giành quyền kiểm soát não bộ, chúng không hòa hợp nhau. Cậu khi là người này, khi là người khác. Dù lúc đó cậu vẫn ở trạng thái đóng băng nhưng chúng tôi phát hiện chứng tâm thần phân liệt qua biểu đồ chụp sóng não. Sau đấy ban đề án chỉ định Hỏa Phu dạy dỗ cậu, đại khái như huấn luyện một đứa trẻ. Chúng tôi hy vọng Hỏa Phu sẽ giúp cậu định hình nhân cách.
-Kết quả thế nào? – Vô Phong hỏi.
-Tôi không rõ. Sau vụ Liệt Giả tấn công, tôi rời phòng thí nghiệm và chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa. Nhưng theo những gì Mục Á kể lại thì trước khi lẩn trốn ở Băng Thổ năm 7503, Hỏa Phu đã tiếp tục dạy dỗ cậu. Ông ấy nói “kết quả khả quan”. Vả lại nhìn tình trạng của cậu hiện giờ, tôi nghĩ Hỏa Phu thành công.