Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 15


Chương trước Chương tiếp

Hai giờ chiều, linh mục Engman đi bộ từ khu an toàn về đến nơi. Ông lôi ra từ trong áo choàng năm sáu cân gạo. Fabbi nấu cháo chín rồi gọi mọi người đến phòng ăn. Linh mục Engman bảo họ rằng, hôm kia lính Nhật ngang nhiên đến khu an toàn bắt đi mấy chục người đàn bà. Chúng dùng thủ đoạn cực kỳ đê tiện, trước hết bịa ra chuyện lùng bắt lính Trung Quốc, dùng kế điệu hổ li sơn, đưa mấy vị lãnh đạo khu an toàn đến cổng Học viện Nữ học Kim Lăng, đồng thời dùng xe tải bố trí sẵn đưa mấy chục người đàn bà đi ra cửa bên. Linh mục Engman nói điều kiện sinh hoạt ở khu an toàn còn tồi tệ hơn ở nhà thờ, quá chật chội phóng uế mọi chỗ mọi nơi, bệnh truyền nhiễm lan tràn, giữa nạn nhân với nhau luôn luôn xảy ra xung đột vì miếng ăn, cho nên lãnh đạo khu an toàn cho rằng mười mấy em mười bốn mười lăm tuổi ở đó không hề an toàn hơn so với ở nhà thờ. Bà Whittlyn và linh mục Engman đã thoả thuận, đêm nay đưa xe cấp cứu đến nhà thờ chuyển các em nữ sinh đến nhà riêng bác sĩ Robinson.

Sự kiện xảy ra hồi bốn giờ chiều ngày 21 tháng 12 năm 1937 đã được cô Thư Quyên của tôi ghi chép lại sau khi thoát hiểm. Nhiều năm sau cô viết lại. Tôi đã được đọc bản ghi chép với văn chương điêu luyện. Tôi không phải là nhà văn sử học như cô, tôi viết tiểu thuyết, đọc bản ghi chép đó tôi không thể kìm lại được sự tưởng tượng theo tư duy tiểu thuyết. Bây giờ tôi dựa vào trí tưởng tượng để phục hồi sự kiện đó bằng ngôn ngữ tiểu thuyết.

Nam Kinh tháng 12 trời chóng tối, bốn giờ chiều đã nhá nhem. Lại thêm có mưa, sáng sớm chưa kịp qua trưa đã ngả về chiều.

Linh mục Engman đã ngủ gà gật trong phòng đọc sách – ông đã dọn vào ở trong phòng đọc sách để khỏi mất thêm củi lửa đốt lò phòng ngủ, cũng để nghe tiếng Fabbi lên xuống gác, ra vào cửa, những âm thanh khiến ông cảm thấy đỡ trống vắng, có cảm giác được Fabbi làm bạn một cách gián tiếp, giúp ông can đảm hơn.

Fabbi từ đầu cầu thang chạy đến kêu lên: “Thưa Cha!…”

Đó là thứ âm thanh hồn siêu phách lạc.

Linh mục Engman ngồi trong ghế bành đứng dậy, nhưng hai chân yếu quá lại ngồi phịch xuống. Fabbi đã đến cửa.

“Có hai xe tải đến! Con đứng trên gác chuông nhìn thấy!”

Fabbi tội nghiệp lúc này như đứa trẻ vô tâm, linh mục Engman đứng lên, tấm áo choàng lông ngỗng ngực bị xẻ một miếng dài lộ ra lớp vải lót màu đỏ trông y như vết thương.

“Bảo mọi người chuẩn bị. Không được gây tiếng động, nhà có sập cũng không ra.” Ông vừa nói vừa đổi sang mặc áo tang màu đen, cầm lấy cây trượng.

Ra đến ngoài, trước mắt linh mục Engman là mảng sân rộng vàng khè, lính Nhật mặc quân phục ngồi kín mít trên bờ tường, tựa như loài chim lạ lông vàng rơi từ trên trời xuống trong nạn dịch chim.

Chuông cổng kêu. Lần này âm thanh có vẻ rụt rè, kêu một tiếng lại dừng một quãng lại kêu… Linh mục Engman đã trông thấy Fabbi từ trong bếp đi ra, ông biết đám đàn bà con gái đã được báo tin. Ông hất hàm ý nói đến lúc rồi đó, phải đối đáp rồi.

Linh mục Engman và Fabbi Atonado sánh vai đi ra cổng, lần này ô cửa nhỏ không có lưỡi lê thọc vào mà là một màu đỏ rực. Linh mục Engman nhìn rõ rồi, viên thiếu tá tay trái nâng chậu hoa nhỏ, tay phải nắm chuôi kiếm.

“Tại sao phải bấm chuông? Các ông không thích đi cửa chính mà.” Linh mục Engman nói.

“Xin ông nhận lời xin lỗi của tôi.” Viên thiếu tá nói. Đôi giày đi ngựa dập gót nghe chói tai, hắn cúi rạp người xuống để chào, “vì hôm qua đã quấy quả ngài linh mục.”

Vì hai câu xin lỗi mà hắn phải luyện tiếng Anh đến khổ sở.

“Mang hơn trăm binh lính lăm lăm súng ống đến xin lỗi ư?” Linh mục Engman nói.

Viên thông ngôn xuất hiện, một Hán gian nho nhã chừng năm mươi tuổi đeo kính gọng vàng.

“Sắp đến ngày Giáng sinh, sĩ quan binh lính chúng tôi đến chúc mừng ngày lễ.” Viên thông ngôn nói, chủ của y chỉ cười cười, đài từ do y soạn, có vẻ như y đã thuộc.

“Cám ơn. Xin nhận tấm lòng tốt.” Linh mục Engman nói: “Bây giờ có thể xin binh lính của ông trên tường lui xuống được không?”

“Xin ngài linh mục mở cổng cho ạ.” Viên thông ngôn truyền đạt câu nói lịch sự hết mức của viên thiếu tá.

“Mở hay không đối với các ông có khác gì đâu?”

“Ngài linh mục nói đúng lắm, đã không khác gì thì tại sao không mở cho lịch sự?”

Linh mục Engman lắc đầu kéo Fabbi đi.

“Ông linh mục, chọc tức những người khách như chúng tôi là không khôn ngoan đâu ạ.” Viên thông ngôn nói bay bướm.

“Tôi cũng tưởng thế,” Engman dừng chân, quay đầu nói với cánh cổng đóng: “nhưng sau mới biết đối với các ông, chọc tức hay không chọc tức cũng thế thôi.”

Fabbi nói nhỏ: “Đừng để câu chuyện xấu thêm nữa.”

Linh mục Engman nói: “Hãy còn có thể xấu thêm được hay sao?” Ông cương quyết không để bọn chó dại mặc quân phục màu vàng này vào bằng cổng chính. Để chúng nó vào cổng chính là nâng chúng lên tầm con người rồi.

Ông quay đầu lại, mảnh sân rộng trong ánh trời nhá nhem đã ngập trong cơn lũ màu vàng. Một tốp lính kiếm được cái rìu chặt đứt chốt cổng. Viên thiếu tá dẫn hơn chục tên lính sải chân bước tới như muốn tiếp quản nhà thờ.

“Lần này thì tìm bắt ai đây?” Linh mục Engman hỏi.

Viên thiếu tá lại cúi gập người. Dân tộc này lắm nghi lễ rắc rối thật. Viên thông ngôn dùng ngôn từ cao sang nói với linh mục Engman: “Thưa ngài linh mục, chúng tôi đến đây với tấm lòng thành.” Y nói tiếng Anh một cách khổ sở, viên thiếu tá cũng khổ sở vào vai: “Làm thế nào mới có thể hàn gắn được rạn nứt trong mối quan hệ giữa chúng ta?”

Linh mục Engman mỉm cười, trong tròng mắt sâu, ánh mắt xanh xám lạnh như đóng băng.

“Được, tôi tiếp nhận sự xin lỗi thành thật của các vị, và cũng tiếp nhận lời chúc của các vị, bây giờ tôi chỉ cho các vị cửa ra ở chỗ nào.” Linh mục Engman nói và quay đầu, tựa như dẫn họ ra cổng.

“Đứng lại!” Viên thiếu tá nói bằng tiếng Anh. Hắn đóng vai kịch câm, để cho viên thông ngôn nói thay, bây giờ không ê a được nữa.

Linh mục Engman dừng chân nhưng không quay lại, tư thế ấy tỏ ra rằng “biết trước là như thế rồi.”

Viên thiếu tá nói nhỏ với viên thông ngôn, vẻ dữ tợn, tên này lại vẫn khách sáo một cách trơ trẽn: “Lễ chúc mừng Giáng sinh của chúng tôi vẫn chưa bắt đầu mà!?”

Linh mục Engman nhìn viên thiếu tá, lại nhìn những luồng đèn pin loang loáng khắp sân. Trời đã tối, đang sẫm dần thành đêm, phía sau ánh đèn là những bóng người đen hơn cả nền trời đêm.

“Trước Giáng sinh, bộ tư lệnh chúng tôi tổ chức dạ hội, cấp trên yêu cầu chúng tôi mời mấy vị khách quí.” Hắn nhận chiếc phong bì lớn từ tay viên sĩ quan xách cặp, trên đó ghi chữ Trung Quốc: “Thiếp mời.”

“Xin nhận tấm lòng, nhưng tôi không nhận lời mời.” Linh mục Engman không chìa tay ra cầm, để cho cái thiếp mời in rất đẹp loay hoay giữa ông và viên thiếu tá.

“Ngài linh mục hiểu lầm rồi, chỉ huy của chúng tôi không mời ngài linh mục.”

Linh mục Engman ngẩng mặt rất nhanh, nhìn viên thiếu tá đang cúi đầu, ánh mắt cung kính. Ông giật lấy tấm thiếp mở ra, một dự cảm chẳng lành khiến bàn tay sớm bị chứng parkingson run lẩy bẩy. Viên thiếu tá bảo một tên lính soi đèn cho ông. Thiếp mời gửi cho các thiếu nữ ban đồng ca.

“Ở đây chúng tôi không có ban đồng ca.” Linh mục Engman nói.

“Ngài linh mục đừng quên, hôm qua ngài cũng bảo ở đây không có lính Trung Quốc.”

Fabbi giật lấy thiếp mời từ tay Engman và đọc, anh sững người rồi đọc lại. Đọc lần đầu anh không tin ở mắt mình, đọc lần hai thì chẳng vào chữ nào. Anh ném tấm thiếp xuống đất gào lên: “Đồ súc sinh!” Tiếng Giang Bắc lúc này là ngôn ngữ rất tốt để biểu hiện. Fabbi quay sang viên thiếu tá, mặt anh xám lại: “Lần trước đã nói với các ông, nữ sinh trường Wilson đã được cha mẹ đón đi cả rồi!”

“Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ lịch sử của Wilson, trường nữ học nổi tiếng của giáo hội. Một số ít trong các nữ sinh không có bố mẹ.” Viên thông ngôn dịch lại ý của viên thiếu tá một cách chậm rãi và rành rọt, có vẻ như cởi mở để cùng tìm ra lẽ phải.

“Các em đó được các cô giáo đưa đi tản cư rồi.” Fabbi nói.

“Không đâu, theo tình báo chính xác, một ngày trước khi Nam Kinh thất thủ, buổi sớm còn nghe thấy các cô bé hát ở đây, quân đội hoàng gia đại Nhật Bản có rất nhiều bạn Trung Quốc, cho nên đừng tưởng chúng tôi điếc, chúng tôi mù.” Viên thiếu tá nói qua phiên dịch.

Linh mục Engman vẫn lặng im, tựa như câu chuyện giữa Fabbi với viên thiếu tá chẳng làm ông để tâm, ông còn việc lớn hơn phải suy nghĩ.

Ai đã bán rẻ các em? Cũng có thể khi cung cấp cái tin chết người này, người đó tưởng là bọn Nhật thật sự muốn nghe các em hát cho nên định lập công chuộc tội với chúng. Đúng là trong quân Nhật có tín đồ Cơ Đốc giáo và Thiên Chúa giáo. Kẻ bán rẻ các em có thể không biết rằng quân Nhật là một lũ cuồng điên bệnh hoạn đến thế nào, chúng tin rằng gái trinh bổ dưỡng tinh thần, chúng lấy lông mới mọc ở chỗ hiểm của gái tơ làm bùa hộ mệnh, đeo trên cổ có thể trừ tà, tránh được cái chết trong mưa bom bão đạn… Linh mục Engman đang mơ màng với những ý nghĩ đó, tỉnh ra thấy Fabbi đang dùng thân mình chặn lính của viên thiếu tá lại.

“Các ông không có quyền lục soát ở đây!” Fabbi nói: “Muốn lục soát hãy giẫm lên xác tôi!”

Fabbi đã thành biểu tượng liệt sĩ.

Sau những chiếc đèn pin, có tiếng động khẽ, hơn trăm lính, kiếm, súng đều ở trong trạng thái chiến đấu, sĩ khí bừng bừng, tất cả sẵn sàng. Linh mục Engman kêu lên và đi đến trước mặt viên thiếu tá: “Các em mới có mười mấy tuổi, chưa bao giờ tiếp xúc với xã hội, chưa nói tiếp xúc với đàn ông, với binh lính…”

Trong bóng tối bộ mặt viên thiếu tá hiện lên nụ cười: Nghe hợp khẩu vị quá, cái hắn cần chính là sự trinh trắng như tuyết đầu mùa đó.

Hắn nói: “Xin ngài linh mục yên tâm, tôi xin lấy danh dự một quân nhân đế quốc đảm bảo, hát xong tự tôi sẽ đưa các em về đây.”

“Thưa Cha, làm sao tin được lời lẽ ma quỷ của hắn?” Fabbi dùng tiếng địa phương Giang Bắc chất vấn linh mục Engman: “Con có chết cũng không để chúng làm điều súc sinh đó!”

“Các em sẽ không nhận lời mời đâu.” Linh mục Engman nói.

Viên thiếu tá nói: “Đối với các em đó là một việc rất tốt lành, hoa tươi, đồ ăn, âm nhạc, tin rằng các cô bé không ngốc nghếch từ chối lòng tốt của chúng tôi để cuối cùng gây ra chuyện không vui.”

“Ngài thiếu tá, mời quá đột ngột. Các em chưa chuẩn bị, nên cho các em ít thời gian để tắm rửa, chải đầu, mặc lễ phục. Hơn nữa cũng cho chúng tôi thời gian để nói chuyện có đầu có đuôi với các em, khuyên giải các em đừng có sợ. Các ông là thù địch của các em, việc phải đi với quân đội thù địch, đối với các em là điều quá ư khủng khiếp, chẳng may các em làm điều quá khích như tự thương, tự sát thì hậu quả thế nào?”

Tài ăn nói nổi tiếng của linh mục Engman lúc này được phát huy tối đa, tựa như ông đứng trên lập trường của người ngoài cuộc, đưa ra một sự thực có sức thuyết phục nhất, vừa thuận lợi cho hắn vừa dễ dàng cho các em.

“Cha nghĩ bọn súc sinh này thật sự muốn nghe hát sao?” Fabbi nói.

“Thưa ngài linh mục, ngài nghĩ cần bao nhiêu thời gian để các cô bé chuẩn bị?”

“Ba tiếng là đủ.”

“Không được, một tiếng phải chuẩn bị xong.”

“Ít nhất phải hai tiếng!”

“Không được!”

“Hai tiếng là ít nhất. Chắc ông không muốn nhìn thấy một bầy em bé đói rét, mặt mũi nhếch nhác, tóc tai bù xù, run rảy sợ sệt đi với các ông chứ? Các ông muốn bọn trẻ sạch sẽ tinh khôi, yên tâm và tự nguyện, đúng không? Tôi cần thời gian khuyên giải các em, nói rằng các ông không giết người, không đốt nhà, không cướp, không hiếp, đúng không? Nếu không các em tự sát tập thể thì tính sao?” Linh mục Engman nói.

Lời nói thống thiết của vị linh muc già khiến viên thiếu tá suy nghĩ cẩn thận, hắn nói: “Tôi cho ngài một giờ hai mươi phút.”

“Một giờ bốn mươi phút.” Linh mục Engman nói với khẩu khí chắc nịch như lời thượng đế.

Linh mục Engman đã thắng trong cuộc đàm phán.

“Đồng thời tôi xin thiếu tá đưa binh lính đi, các ông bày binh bố trận thế này hy vọng gì tôi trấn an được các em, hy vọng gì giúp các em xua đi nỗi sợ hãi? Bọn trẻ không phải những em bé bình thường trong xã hội. Ông nghĩ đi, trường các em rất gần nhà thờ, nhà trường là cái nôi của các em, các em chưa bao giờ rời xa cái nôi. Do đó các em rất nhạy cảm, rất e dè, nhút nhát. Khi tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho các em, những binh lính quân chiếm đóng lăm le gươm súng thế này thì những lời thuyết phục của tôi trở nên vô nghĩa hết.

Viên thiếu tá lạnh lùng nói một câu, viên thông ngôn dịch ra: “Thỉnh cầu đó tôi không thể đồng ý.”

Linh mục Engman cười nhạt: “Lực lượng này của các ông đủ để bao vây một tòa thành, còn sợ mấy đứa bé gái tay không ư?”

Lại một câu phản bác cực kỳ sắc bén, viên thiếu tá đứng yên một lát rồi ra lệnh binh lính rút ra khỏi sân nhà thờ.

“Thưa Cha, con không nghĩ cha lại tin lời ma quỷ của hắn!…” Fabbi nổi nóng.

“Ta không tin một chữ nào.”

“Vậy tại sao không cự tuyệt lời mời?”

“Cự tuyệt thì chúng cũng tìm ra bọn trẻ.”

“Nhỡ không tìm được thì sao? Ít nhất ta có thể gặp may!”

“Ta có thể gặp may muộn một chút. Bây giờ ta có một giờ bốn mươi phút, phải nắm chắc từng phút để tìm ra giải pháp.”

“Giải pháp cứu mạng sống của Cha phải không?” Fabbi đã thực sự phản chủ.

Linh mục Engman không hề tức giận, tựa như ông không nghe thấy câu nói của Fabbi. Khi quá xúc động, Fabbi chẳng làm chủ được tiếng Anh của mình nữa, phát âm, ngữ pháp đều lộn xộn, nói ra thật khó mà hiểu nổi. Linh mục Engman có thể coi như không hiểu anh ta nói gì.

“Chúng ta có hơn một giờ. So với không có phút nào là khá lắm rồi.”

“Con thà chết chứ không thể nộp các em…”

“Ta cũng thế.”

“Vậy tại sao Cha không liều chết cự tuyệt?”

“Dù sao ta cũng có thể liều chết muộn một chút, muộn hơn một giờ… Bây giờ thì anh đi chỗ khác đi.”

Bên ngoài tối đen như giữa đêm, Fabbi rời bỏ linh mục Engman. Anh ta quay lại trông thấy linh mục Engman đi đến trước tượng Chúa tuẫn nạn và quỳ xuống. Fabbi lúc này không biết rằng khi anh nói với viên thiếu tá thì một ý tưởng đã lóe lên trong đầu vị linh mục. Bây giờ ông đang kéo ý tưởng đó lại, xem xét, phân tích nó thật bình tĩnh.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...