Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 14


Chương trước Chương tiếp

Sáu giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 1937, hai vị linh mục dẫn đầu 13 nữ sinh tiễn đưa ba người lính, các cô bé hát khúc cầu siêu bằng giọng trầm trầm. Cô Thư Quyên của tôi đứng ở hàng đầu. Sau khi lính Nhật rời đi, các cô lấy những tờ giấy trắng tinh làm mấy chục bông hoa trà, một vòng hoa đơn sơ đặt trước bốn thi thể. Lúc nãy khi các cô bé nâng vòng hoa đi đến sảnh lớn thì Ngọc Mặc cùng các bạn đã ở trong sảnh, các cô vừa bận bịu mấy tiềng đồng hồ tắm rửa thay quần áo cho người chết, các cô còn cạo mặt cho họ. Đầu thiếu tá Đới Đào đã được ghép lại với thân thể, Ngọc Mặc lấy chiếc khăn quàng lông mịn quấn cổ cho anh. Thấy các bé gái đi đến, các cô đều đưa mắt chào.

Khi đó chỉ có Thư Quyên vội vàng đưa mắt đi chỗ khác, cô vẫn hận lắm. Cô nghĩ, trên đời này những sinh mạng rẻ mạt, không hề cao quý thì sống dai như đám đàn bà chuyên nghề mua vui đang đứng kia, còn người cao quí như thiếu tá Đới Đào thì yểu mệnh và còn phải đón nhận cái chết thảm thương đến thế.

Cô thấy đám gái điếm mặc quần áo tang, mặt trắng xanh do không thoa phấn, Triệu Ngọc Mặc mặc chiếc áo dài lụa nhung đen như một góa phụ. Cô này lắm trang phục thật, có cả áo tang. Thư Quyên muốn lườm cô ta một cái nhưng lại thôi. Các cô gái điếm ai cũng cài trên mái tóc một bông hoa trắng tết bằng sợi len tháo ra từ chiếc áo len.

Linh mục Engman mặc chiếc áo choàng trang trọng nhất của ông nhưng vì đã lâu không mặc cho nên bị bọ cắn thủng lỗ chỗ. Mái tóc bạc phơ chải ngược ra sau, ông đội chiếc mũ rất nặng, tay cầm một chiếc gậy lễ cũng rất nặng bước lên bục giảng.

Tang lễ bắt đầu, Thư Quyên rơi nước mắt. Cô Thư Quyên của tôi không phải là người mau nước mắt, cô khóc, chính cô cũng thấy lạ. Cô đã nhiều lần kể với tôi về cái chết của ba người lính và đám tang của họ, bao giờ cũng nói: “Cô không hiểu mình khóc cái gì mà khóc thảm thiết đến thế.” Về già, Thư Quyên là một nhà văn lớn, cô có thể viết ra hàng đống chữ, phân tích rất sâu sắc một chút cảm giác nho nhỏ. Cô nói, lúc đó cô khóc vì cô hoàn toàn vứt bỏ hy vọng đối với cái gọi là con người: Con người tại sao bỗng dưng gây ra cuộc chiến tranh để đánh nhau? Đánh vài ngày thì người chẳng là người nữa, thoái hóa thành con vật, mà con vật cũng không tàn sát đồng loại. Sự chịu đựng, trốn chạy, kinh hoàng của đồng loại… cô không thấy được hết. Đứng giữa đám bạn bè hát khúc An Hồn, Thư Quyên đầm đìa nước mắt nhìn bốn thi hài trên bệ.

Họ bị tàn sát như thế nào, cô chứng kiến từ đầu đến cuối. Sự tàn nhẫn của con người đúng là không có giới hạn, không có điểm dừng. Thiên hạ không hề có công lý, nếu có thì làm sao một nhóm người có thể đến một nước khác mà ngang ngược hành hạ người đàn bà nước khác tàn độc như vậy? Thư Quyên khóc rưng rức như muốn trút ra tất cả những oan khuất chứa chất trong lòng.

Bảy giờ sáng, họ an táng những người xấu số ở khu mộ của nhà thờ.

Sau đó linh mục Engman thay đôi giày đế cao su để đi bộ đến khu an toàn. Ông đến đó để báo cáo chuyện xảy ra đêm qua, nhân tiện nghe ngóng xem có thể tìm được phương tiện giao thông nào để bí mật đưa các em nữ sinh đi ra khỏi Nam Kinh. Chỉ cần có một chiếc xe đưa các em đến nhà riêng ông Rabbi, hoặc nhà ông Robinson, chật chội một chút cũng được. Cần có một hai ủy viên của khu an toàn đi theo xe từ nhà thờ đến đó, khoảng năm kilômét, để dọc đường khỏi bị quân Nhật cướp xe. Sau chuyện tối qua, linh mục Engman hiểu rằng không những nhà thờ không còn an toàn mà hơn nữa đã bị quân Nhật để ý. Ông có cảm giác, sau khi lục soát căn gác, quân Nhật nhất định nghi ngờ các em học sinh vẫn còn trong nhà thờ, từ đó hoài nghi lời giải thích của Fabbi rằng: Trước khi Nam Kinh thất thủ, các em đã được cha mẹ đón đi rồi. Thậm chí ông còn kinh hoàng khi nghĩ đến, lính Nhật còn đánh hơi thấy mùi của các em. Ông nhớ lại tối qua có thoảng nghe thấy tiếng một kêu thất thanh. Mong sao đó là ảo giác của ông do thần kinh quá căng thẳng.

Đúng vào lúc ông đang lo ngại điều đó thì ở bên ngoài, nơi thành phố đã thành địa ngục, viên thiếu tá Nhật cũng đang suy nghĩ xem tiếng kêu non nớt hắn nghe thấy tối qua là cái gì.

Tất nhiên, tôi viết như vậy là gượng ép, là tưởng tượng. Nhưng căn cứ vào hành động của hắn chiều hôm nay, tôi có cảm giác tâm lý viên sĩ quan này có lẽ đúng như vậy. Khi người đầu bếp bị bắn gục xuống, hắn nghe thấy tiếng kêu, tiếng đứa bé gái như còn mùi sữa mẹ. Lại nữa, mấy tên lục soát căn gác đã báo cáo đó là buồng ngủ tập thể. Sau khi rời khỏi nhà thờ, kết hợp những hiện tượng, tiếng kêu, hơn chục bộ chăn đệm, hơn chục bộ váy áo lễ phục, hắn nghi ngờ rằng các nữ sinh vẫn còn ở trong nhà thờ. Viên thiếu tá nghĩ đến những thiếu nữ mặc váy dạ đen thủy thủ da thịt thơm tho đến thế nào, được nếm mùi thì chết cũng đáng. Ruột gan hắn cồn cào như lửa đốt. Viên thiếu tá cũng như đa số đàn ông Nhật lúc này có một thứ bệnh hoạn là thích giao cấu với vị thành niên, họ có sự thèm khát rất cổ lỗ và độc ác đối với con gái còn bé hoặc còn trẻ. Viên thiếu tá tưởng tượng tiếng kêu thoảng nghe như có như không đó thành tiếng kêu gào trong đêm đầu tiên. Hắn càng nghĩ càng mê mẩn. Tiếng kêu đó là một bông hồng trong toàn bộ sự kiện đẫm máu này. Nếu cái hưng phấn bệnh hoạn và tội lỗi đó có một phần vạn là đẹp đẽ, nếu không có chiến tranh cái một phần vạn đẹp đẽ đó là trí tưởng tượng đen tối thì cũng mãi mãi không được phép nảy nở sâu tận đáy lòng người đàn ông. Nhưng chiến tranh khiến nó khác đi rồi, cái trí tưởng tượng bệnh hoạn đó trong lòng viên thiếu tá và những người đàn ông đồng hương của hắn lập tức trở thành nỗi khát vọng được thỏa sức bạo ngược. Là kẻ chiến thắng, nếu không chiếm hữu đàn bà của quốc gia thù địch thì chưa gọi là chiến tranh một cách an toàn và chiếm hữu đàn bà của quốc gia thù địch quan trọng nhất là chiếm hữu thành phần đẹp nhất – đó là các thiếu nữ. Do đó viên thiếu tá phải hoàn thành nốt phần cuối cùng của cuộc chiếm đóng, đó là chiếm hữu thiếu nữ của quốc gia thù địch, chiếm hữu cái đêm đầu tiên của họ.

Tôi nghĩ viên thiếu tá chắc phải mất đến nửa ngày trời để tìm được chậu hoa Giáng sinh. Hắn định đem chậu hoa đến, dùng một cách khác để ấn chuông cổng nhà thờ. Có chậu hoa, hắn sẽ không còn là một sĩ quan của quân chiếm đóng buộc phải làm tên đồ tể bất đắc dĩ như tối hôm qua nữa.

Ta hãy quay lại những chi tiết nhạt nhẽo khô khan của của cuộc thương thảo diễn ra trong chuyến đi của linh mục Engman đến khu an toàn để bàn việc đưa các em nữ sinh ra khỏi nhà thờ. Cứ mặc kệ cho viên thiếu tá đi tìm chậu hoa mà hắn cho rằng không thể thiếu được để làm cớ xâm nhập vào nhà thờ chiều nay. Tôi phải quay lại khu mộ nhà thờ một chút, đó là lúc bảy giờ mười lăm, linh mục Engman vừa ra khỏi cổng.

Các cô gái điếm và các em nữ sinh đã về căn hầm, chỉ còn một mình Ngọc Mặc ở lại, cô đứng trước mộ Đới Đào.

Fabbi quay lại trông thấy, nói: “Về thôi, sắp mưa rồi.”

Ngọc Mặc lấy mu bàn tay quệt nhanh má không muốn để cho Fabbi thấy mình khóc.

Fabbi đứng nguyên tại chỗ chờ, thấy Ngọc Mặc không có ý định về, anh quay lại và nói: “Về mau lên, ở ngoài không an toàn đâu.”

Ngọc Mặc quay lại, hai mắt đỏ và sưng húp vì khóc. Lúc này cô không xinh, mà còn xấu đi. Nhưng Fabbi vẫn thấy cô hấp dẫn. Anh còn nhìn thấy cô gái hai lăm tuổi này đã bỏ lỡ hàng ngàn hàng vạn cơ hội làm nữ giáo viên, nữ thư ký, nữ đại gia, bà lớn… Nhưng bây giờ anh tin rằng chính vì cô bỏ lỡ hàng ngàn hàng vạn cơ hội may mắn đó cho nên trông cô vô cùng hấp dẫn. Một trong hàng ngàn hàng vạn cơ hội may mắn là chàng trai hai mươi tuổi Fabbi từ nước Mỹ về tình cờ gặp cô bé hơn mười tuổi đang bị bán vào nhà chứa. Fabbi dốc hết số tiền dành dụm được trả cho người bán cô bé. Cô bé bảo với Fabbi rằng cô tên là Triệu Ngọc Mặc. Đó là một khả năng mà cả hai cùng bỏ qua mất.

Do đó bây giờ Fabbi hỏi cô: “Nhà cô còn ai không?”

“Chắc hãy còn.” Cô lơ đãng trả lời: “Hỏi thế để làm gì?”

“Sợ xảy ra chuyện gì… mất liên lạc, tôi cần tìm người nhà cô.”

“Sợ chẳng may tôi chết đi ư?” Ngọc Mặc cười như mếu. “Đối với người nhà tôi, tôi chết hay tôi sống chẳng khác gì nhau.”

Fabbi không nói gì nữa, vết thương trên vai chốc chốc lại nhói lên.

“Họ chỉ cần có thuốc phiện hút là xong, mấy người chị em đều bị bán đi lấy tiền mua thuốc hút.”

“Cô có mấy chị em?”

“Tôi là chị cả, còn hai em gái một em trai. Khi mẹ chưa nghiện tôi không hề kém các bạn, tôi học trường tốt, tôi đã học một năm trường của giáo hội.”

Cô kể lại chuyện cha cô đem cô gán nợ cho chú họ cô, bà thím lại bán cho nhà chứa. Cô kể với thái độ vô cùng dửng dưng, chính cô cũng cảm thấy quá ư bình thường, nhạt nhẽo. Cô kể đến cả chuyện cái kéo khiến cô bị đánh đập nhục nhã, chuyện chiếc kéo khiến cô nghiến răng lại quyết chí, cho dù phải dùng cái nghề hèn mạt này, cô cũng phải có ngày mở mày mở mặt.

Lúc này Fabbi và cô đã ngồi trong sảnh lớn, mùi thơm của hương và nến của lễ cầu siêu Misa vẫn chưa tan hết.

Ngọc Mặc ngồi xuống hàng ghế đầu, cầm lấy cuốn kinh thánh để sẵn ở đó cho giáo dân, cô cười chua chát. Cô mỉa mai chính mình.

Do đau đớn vì vết thương, Fabbi cứng người đứng trước mặt cô. Cô kể với anh nhiều thế khiến anh khó xử, có chút xấu hổ vì anh không phải linh mục rửa tội, cô cũng không phải con chiên xưng tội. Đối với Fabbi, con người suốt ngày lặng lẽ một mình thì hiểu kỹ quá về người khác là một gánh nặng khiến anh khó chịu. Biết đâu người đàn bà tên là Ngọc Mặc này đang tính toán một điều gì đó chẳng lành.

Đột nhiên cô chuyển sang chuyện khác: “Thế còn ông phó linh mục?” Cô muốn biết đời tư của anh, chuyện đời tư đổi lấy chuyện đời tư.

Không hiểu sao Fabbi cũng bắt đầu kể. Anh kể cho cô nghe cha mẹ anh để anh ở lại Trung Quốc như thế nào, cha nuôi và bà vú nuôi anh lớn lên như thế nào. Vừa kể anh vừa nghĩ, hình như chưa từng có ai cần nghe chuyện của anh, chưa có ai lắng nghe anh kể chuyện như Triệu Ngọc Mặc. Trước sự chăm chú lắng nghe đó, bỗng nhiên trong anh bùng lên nhu cầu khao khát được thổ lộ; những tình tiết đã kể anh quay lại kể chi tiết hơn. Anh nghĩ những chi tiết đó anh kể rất sinh động, bởi vì đôi mắt và gương mặt Triệu Ngọc Mặc nhập thần đến vậy. Khi anh kể đến sự căng thẳng và sợ hãi khi gặp những người thân thích ở Mỹ, Ngọc Mặc mỉm cười thương hại. Người đàn bà này có thể thấu hiểu tình cảnh con người sâu sắc đến vậy!

Fabbi nghĩ, nếu có người chịu nghe anh tâm sự, anh có thể bỏ rượu. Gương mặt chăm chú lắng nghe đến thế đủ làm anh say.

Ngọc Mặc nói: “Tôi chưa hề nghĩ, trong đời này lại có lúc nói chuyện với một linh mục.”

Fabbi càng không nghĩ rằng, anh lại trao đổi chi tiết cuộc đời mình với một cô gái điếm.

“Vậy ông sẽ ở trong nhà thờ suốt đời?”

Fabbi sững người, chưa bao giờ anh nghi ngờ việc anh sẽ gắn bó suốt đời với ngôi nhà thờ này và mộ của anh sẽ đặt cạnh mộ linh mục Engman. Bây giờ nghe Triệu Ngọc Mặc hỏi, anh bỗng thấy hoài nghi. Cũng có thể anh vẫn luôn luôn hoài nghi nhưng anh không để ý, tuy vậy hoài nghi và không hoài nghi luôn tồn tại song song với nhau, tựa như sự tồn tại của thượng đế cũng vậy, như có lại như không.

Nhất là trong sự kiện đêm qua, đấng sáng thế sao mà yếu đuối bất lực đến thế, sao mà cũng dễ bị bắt nạt như dân lành vậy? Anh nhìn người đàn bà đã gợi cho anh sự hoài nghi. Miệng anh đang nói về những gì xảy ra sau khi anh gặp được linh mục Engman nhưng trong đầu lại nghĩ về cơ hội gặp cô gái hăm mốt tuổi đã bị bỏ qua, cô gặp một thanh niên phương Tây nói tiếng Dương Châu, anh đưa cô vào trường Wilson, trường nữ học của giáo hội, lặng lẽ chờ cô lớn lên. Đợi cô tốt nghiệp trung học rồi trở thành người đỗ đạt cao, Fabbi đến trước mặt cô và tuyên bố mình đã hoàn tục… Bây giờ Fabbi đang nhìn đôi môi, đường nét tuyệt đẹp của cái cằm xinh xắn đã được vô số đàn ông hôn. Chiếc áo dài bó sát thân như lớp da của cô; đó là cơ thể của người đàn bà Trung Quốc trong tranh thủy mặc, đường nét uyển chuyển cực kỳ huyền diệu, chỉ có người đàn ông phương Tây hiểu văn hóa Trung Quốc mới biết mơ đến một cơ thể như thế – sau khi người đàn bà có tên Triệu Ngọc Mặc đau đáu nhìn anh, anh đã mơ mấy lần, mơ thấy Triệu Ngọc Mặc trút bỏ từng lớp áo, lộ ra làn da mịn màng, làn da trắng xanh của cuộc sống đêm, anh tỉnh ra và giận mình và càng giận cô.

Có thể giận chính là yêu. Nhưng anh căm ghét một Fabbi dễ yêu, một tình yêu nhục dục và thấp hèn đến thế.

Điều Fabbi cảm thấy an toàn, đó là người đàn bà có tên Triệu Ngọc Mặc không bao giờ yêu anh. Cái nhìn đau đáu mang vô số hàm ý chỉ là xảo thuật, cô dùng nó để tìm kiếm sự thuận lợi cho mình, do đó anh càng thấy giận. Anh bị lẫn rồi, nếu cô thật lòng yêu anh có phải anh xong đời rồi không? Lẽ ra anh phải cám ơn cô, vì với anh, cô chỉ dùng xảo thuật thôi.

“Tôi về đây.” Cô đứng dậy, cặp mắt đỏ đã bớt sưng.

Cô chảy nước mắt quá nhiều vì viên thiếu tá họ Đới, thiếu tá có linh thiêng nên biết rằng mình có diễm phúc lắm, nếu Fabbi ở vào vị trí của viên thiếu tá thì cô thế nào nhỉ? Cô sẽ thương cảm một chút và nghĩ: Ồ, cái anh chàng Fabbi nửa tây nửa ta không còn nữa. Nhưng anh còn sống hay đã chết thì có gì khác nhau nhỉ? Đối với cô, chẳng có gì khác nhau cả.

“Thưa ông linh mục, ông nhớ rồi chứ ạ?”

Fabbi ngơ ngác nhìn cô. Cô ngoẹo đầu như cười, Fabbi hiểu rồi, cô hỏi anh có nhớ chuyện đời tư của cô không. Con người nhẹ tựa bụi hồng như cô, một khi đã rời đi thì tựa hồ như chưa bao giờ đầu thai vào thế gian này. Bây giờ nếu như Fabbi có trí nhớ tốt thì nên nhớ cô như hạt bụi nhưng cũng có gốc có rễ.

Fabbi bỗng thấy nhói đau trong lòng, nỗi đau chưa hề có bao giờ.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...