Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 16


Chương trước Chương tiếp

Khi linh mục Engman nói với viên sĩ quan Nhật rằng các em cần tắm gội chải chuốt để đi dự hội, Thư Quyên và các bạn giương mắt lên nghe. Linh mục lẩn thẩn rồi sao? Không phải ông đã kể cho các cô nghe kết cục của Đậu Hoàn hay sao? Ông lại muốn từng người từng người trong các cô chịu cực hình như Đậu Hoàn hay sao? Sự việc mà người đàn ông dùng để hủy diệt đàn bà nó như thế nào? Làm sao dùng nó để tàn phá những Sô-phi, Thư Quyên thành Hồng Lăng, Ngọc Mặc, Na Ni, cuối cùng là tấm thân tan nát như Đậu Hoàn, các cô bé đã hiểu và chính vì hiểu mà cuộc hủy diệt sắp tới đây càng trở nên khủng khiếp.

“Có thật là người Nhật sẽ đưa chúng mình về không?” Một cô bé hỏi. Bây giờ mà hãy còn ngu ngơ như thế.

Các bạn chẳng ai đáp lời. Cô bé này học dưới Thư Quyên một lớp, nhà ở vùng quê An Khánh, mẹ là một quả phụ giàu có, không hiểu lấy đâu ra ý nghĩ kỳ quặc là đưa con về Nam Kinh để được giáo dục kiểu phương Tây.

“Không nghe à? Có đồ ăn ngon, có hoa,” Cô bé ngốc nghếch nói.

“Thế thì cậu đi đi!” Sô-phi nói. Đó là câu chửi.

“Cậu đi thì tớ đi.” Cô bé An Khánh đáp lại.

“Cậu đi tớ cũng không thèm đi!”

Cô bé không nói gì nữa.

“Cậu đi đi mà!” Sô-phi hét lên. Lúc này tìm được chỗ để trút cái bực dọc không dễ.

“Bọn Nhật có đồ ăn thức uống ngon, có cả chỗ ngủ ấm nữa đấy!”

Không biết cô bé An Khánh chồm đến cạnh Sô-phi từ lúc nào, giáng cho Sô-phi một cái tát. Sô-phi không thấy đau lại còn muốn cám ơn vì có được chỗ để trút giận. Thế là nắm đấm, móng tay, chân, toàn thân đồng loạt trút giận. Cô bé An Khánh bật khóc, Sô-phi cũng lập tức khóc theo, khóc một cách oan ức như là cô bé đánh người ta đánh bị thương luôn cả mình, các cô bé đến can, can mãi, can mãi rồi khóc cả lượt.

“Đồ đĩ rạc, đồ điếm!” Sô-phi vừa đấm đá vừa chửi. Cô bé đánh trúng ai thì người đó chịu. Cục giận của cô lớn quá, có cả nỗi giận Từ Tiểu Ngu, nó coi Sô-phi là con ngốc nó chơi xấu thảm quá, chơi đúng vào lúc tính mạng treo sợi tóc này…. “Đồ đĩ rạc!…” Những câu chửi của Sô-phi bị những cú đấm cú đã của chính cô làm đứt từng đoạn.

“Này, mày chửi ai?” Tấm rèm vén lên, xuất hiện Hồng Lăng, đằng sau là Na Ni và Ngọc Sênh.

“Đĩ cũng là người nhá.” Hồng Lăng có vẻ như chán ngấy chuyện các nữ sinh cãi nhau: “Đừng có thối mồm nữa.”

Ngọc Mặc nói: “Trước đây ăn nói tử tế cả, học đâu ra cái thói dã man thế hả? Học ai thế hả?”

Na Ni nói: “Bắt chước chúng tao phải không?… Tại sao chúng mày lại bắt chước loại người như chúng tao?”

Đám nữ sinh thôi đánh nhau, ngồi im lau nước mắt, sửa sang quần áo đầu tóc.

Cô bé An Khánh vẫn khóc hu hu.

Tấm rèm lại vén lên, Ngọc Mặc đi tới, hai cánh tay nuột nà chống eo, một dáng người ghê gớm.

“Có câm miệng đi không?” Ngọc Mặc dùng giọng chợ búa Nam Kinh nói: “Khóc nữa con mẹ mày không nghe thấy đâu nhưng bọn Nhật nghe thấy đó, mấy đứa chúng mày,” cô chỉ tay vào Hồng Lăng: “Lắm mồm.”

Nói xong cô đi vào phía bên kia rèm, nơi của đám đàn bà.

Các bé gái im thin thít. Cũng lạ, Triệu Ngọc Mặc nói thật bình thường, như người mẹ trẻ trách mắng các con, hay như cô giám quản nhà trường ngăn chặn những nữ sinh nghịch ngợm phá phách.

Lúc này các nữ sinh rất cần cô nói một lời như thế, vô tư, hơi thô lỗ, chẳng coi việc gì là ghê gớm cả.

Khi linh mục Engman đứng dậy, tư duy và tri giác bỗng chốc bay đi hết, ông biết mình đang ở bên bờ suy sụp. Mệt mỏi, đói khát, buồn đau suốt hơn năm trời đã vắt kiệt con người ông, chút sức lực còn lại hầu như không đủ để thực hiện được những điều ông phải nói, phải làm. Những điều ông phải nói, phải làm nó quá ư tàn nhẫn, để bảo vệ một số sinh mạng ông phải hy sinh một số khác. Sở dĩ những sinh mạng phải chịu hy sinh là bởi vì họ không thuần khiết, là những sinh mạng cấp thấp hơn, không đáng để ông phải bảo vệ, không đáng được nhận sự bảo hộ của nhà thờ và của thượng đế của ông. Ông buộc phải đưa ra sự lựa chọn này, đưa những sinh mạng không thuần khiết lắm, những sinh mạng cấp thấp hơn lên đài tế thần để bảo vệ những sinh mạng thuần khiết hơn, đáng bảo vệ hơn.

Phải vậy không? Trước mặt thượng đế, có phải ông có quyền quyết định cuối cùng sự sống và cái chết, có quyền thay mặt thượng để chọn lựa cái nào tốt cái nào xấu?…

Ông đi qua khoảng sân xuống nhà bếp.

Ông sẽ gọi “Các con…” để bắt đầu bài diễn thuyết về sự lựa chọn, như hàng ngàn hàng vạn lần ông gọi các nữ sinh: “Các con của ta”. Lẽ nào những người đàn bà kia cũng là các con của ông? Lạ thật, ông cảm thấy một sự xúc động dâng trào, gọi họ là các con mà ông không hề cảm thấy giả tạo và gượng ép. Vậy thì từ lúc nào ông thay đổi cách nhìn của ông đối với những người đàn bà đó? Tất nhiên không hoàn toàn thay đổi, nếu không ông đã chẳng chọn họ làm vật hy sinh và đưa đi cung phụng. Ông vẫn không tôn trọng họ nhưng không còn ghét họ.

Ông phải tỏ ra đau lòng: Sự tình phải là như thế, người Nhật bắt đi chỉ có thể là họ. Chỉ có thể hy sinh họ mới có thể cứu các nữ sinh. Ông sẽ nói với họ: “Các con của ta, hy sinh mình để cứu người khác có thể khiến một nhân cách đạt đến thang bậc thần thánh nhất. Qua sự hy sinh, các con trở nên người đàn bà thuần khiết nhất…”

Nhưng khi bước chân đến cửa nhà bếp, ông bỗng thấy những lời nói đó vô cùng vớ vẩn, vô cùng sống sượng và giả dối, thậm chí khiến ông khó xử.

Vậy thì nói cái gì?

Thậm chí ông mong họ chống lại ông, trở mặt với ông, mạt sát ông, như vậy ông sẽ đủ sức nói xẵng với họ: “Rất tiếc, các cô phải đi theo người Nhật, lập tức rời khỏi nhà thờ.”

Không thể lãng phí một giây nhưng linh mục Engman lòng dạ như lửa đốt vẫn đang lãng phí thời gian.

“Thưa Cha!” Fabbi chạy từ sân sau đến: “Khu mộ đầy những lính Nhật! Chúng nhảy qua tường mai phục ở đó!”

Engman lập tức đẩy cửa bếp. Trong đầu ông chỉ còn một ý nghĩ: Mong sao những người đàn bà này được như tất cả những người đàn bà con nhà lành Trung Quốc, bằng lòng chấp nhận số phận của mình.

Nhưng ông đứng sững lại.

Những người đàn bà đang vây quanh một cái bàn, giữa có một ngọn nến sắp tắt như đang có cuộc hội nghị bí mật.

“Tại sao các cô lại ở đây?”

“Tôi gọi các cô ấy đến ạ.” Ngọc Mặc nói.

“Mười mấy lính Nhật không theo chỉ huy về mà phục ở khu mộ!” Fabbi nói.

Ngọc Mặc dửng dưng nhìn anh ta, ánh mắt quay sang linh mục Engman: “Chị em chúng tôi vừa bàn nhau…”

Ngọc Sênh nói: “Chị bàn với ai nào?!”

Ngọc Mặc nói tiếp: “Chúng tôi sẽ đi theo người Nhật. Để các em học sinh ở lại.”

Linh mục Engman bỗng cảm thấy nhẹ người, nhưng ông bị cắn rứt bởi chính sự nhẹ người đó và giận mình quá tàn nhẫn.

Fabbi nói xen vào: “Các cô nghĩ có rượu có thịt ư?”

Nan Ni nói: “Có rượu có thịt chúng tôi cũng không đi.”

Ngọc Mặc nói: “Tôi không ép các cô, bản thân tôi thay được người nào hay người ấy.”

Hồng Lăng uể oải đứng dậy và nói: “Chúng mày tưởng chúng mày quí giá hơn chị Triệu Ngọc Mặc? Thối hơn bùn dưới ao, còn tự coi mình là báu lắm!” Cô đi đến bên Triệu Ngọc Mặc, một tay vòng sau lưng đàn chị và nói: “Em kết với chị, em đi với chị.”

Ngọc Sênh nói to: “Hèn và sang đều là mạng người, ai nên đi thì đi!…”

Mấy người khác lầu bầu: “Tôi còn phải nuôi mẹ nuôi em.”

“Chẳng điểm danh tôi, việc gì tôi phải đi?”

Triệu Ngọc Mặc giận dữ nói: “Các cô cứ ở đây mà trốn đến cùng, chiếm chỗ của người ta, ăn tranh của người ta, giương mắt nhìn bọn Nhật lôi lũ nhãi con đi hành hạ! Thế còn các cô trốn ở lại để dành cho ai? Ở lại để có người thương có người yêu ư?” Lúc này Triệu Ngọc Mặc như người đàn bà quê mùa đanh đá, một lời nói ra mấy người bị chửi nhưng lại chẳng biết cô chửi người nào. “Cứ trốn đi, trốn đến đổi đời đầu thai, đầu thai cho tốt, cũng làm học sinh, làm đệm cho bọn Nhật chó má của các cô!”

Những điều Triệu Ngọc Mặc nói, linh mục Engman không hiểu lắm. Có chỗ không hiểu chữ, có chỗ hiểu chữ nhưng không hiểu nghĩa. Nhưng Fabbi hiểu hết, anh lớn lên ở vùng quê Giang Bắc, có rất nhiều đàn bà bất hạnh, họ thường giận cá chém thớt, mượn chuyện dạy con để kể khổ. Điều khiến người ta cảm thấy buồn cho họ là chịu để cho số phận an bài, sự chống lại của họ trước mọi bất công cuối cùng đều kết thúc bằng việc chấp nhận nó, và chấp nhận với vẻ cam phận. Lời của Ngọc Mặc quả nhiên khiến hầu hết những người đàn bà ở đây đều cam phận, họ ngồi yên lặng.

“Các cô không nhất thiết phải thay nữ học sinh.” Fabbi nói với Ngọc Mặc.

Ngọc Mặc ngỡ ngàng, Fabbi cảm thấy ánh mắt của linh mục Engman đâm vào bên má. “Không ai đi cả.”

Engman nói bằng tiếng Anh: “Hãy nói những câu có ích, Fabbi!”

“Hãy giấu họ dưới hầm, có thể người Nhật không tìm ra.” Fabbi nói.

“Sự mạo hiểm đó chúng ta không làm được!”

“Sau sự kiện Nam Kinh, quân Trực Lỗ và quân Giang Hữu mấy lần vào nhà thờ, chúng ta đều trốn được kia mà?” Fabbi gợi ý linh mục Engman.

“Nhưng người Nhật đã biết có nữ sinh trốn trong nhà thờ…”

“Đó là khi thừa nhận với họ, Cha đã nghĩ hy sinh những người này.” Fabbi quá xúc động, phát âm không rõ nhưng nói rất nhanh. Anh thấy vị linh mục già nghe khá vất vả để hiểu anh nói gì, anh nhắc lại những lời buộc tội vừa rồi. Anh chưa bao giờ như thế này, anh cảm thấy mình là người đàn ông Trung Quốc từ đầu tới chân, đó là bài ngoại, phong kiến, muốn ngăn chặn tất cả những người đàn ông nước ngoài ức hiếp đàn bà dân tộc mình.

“Fabbi Atonado, việc này tôi không bàn với anh!” Giọng trầm của linh mục Engman chặn đứng giọng cao của Fabbi.

Chuông cổng vang lên. Ngọn nến lay động một cái.

“Xuống hầm mau!” Fabbi nói với đám đàn bà: “Tôi còn sống không ai có thể nghĩ đến chuyện lôi các người đi làm đệm cả!”

“Không ai lôi cả, chúng tôi tự nguyện.” Ngọc Mặc nhìn Fabbi. Vì ánh mắt này mà Fabbi phải chờ bao ngày bao đêm, ánh mắt đã khiến Fabbi nhiễm độc và bị nghiện, giờ đây đôi mắt phát ra ánh sáng đó sẽ cùng thân thể rời đây mà đi, để lại cơn nghiện cho Fabbi.

“Tôi đi nói với viên thiếu tá, xin thêm mười phút nữa.” Engman nói.

“Hai mươi phút. Đóng giả nữ sinh, ít nhất phải hai mươi phút.” Ngọc Mặc nói.

Linh mục Engman mắt sáng lên, ông không nghĩ Ngọc Mặc lại còn giỏi hơn ông, thông thạo hơn ông, đóng giả luôn nữ sinh!

“Cô thấy đóng có giống được không?” Ông hỏi.

Hồng Lăng nói: “Linh mục cứ yên tâm, chúng em đóng chính vai mình không giống còn đóng vai ai cũng giống hết!”

Ngọc Mặc nói: “Fabbi, hãy mang trang phục học sinh đến đây, không phải đồ hàng ngày mặc, lấy thứ trang trọng nhất đó, mau lên!”

Fabbi chạy đến xưởng đóng sách, khi lên gác bỗng nhớ lại vừa rồi Ngọc Mặc không gọi anh ta là “phó linh mục” mà gọi “Fabbi”, phát âm Fabbi theo đúng tên Trung Quốc.

Yêu cầu của linh mục Engman được viên thiếu tá chấp thuận. Lính của hắn đứng yên trong giá lạnh hai mươi phút. Lý do ông đưa ra nghe xuôi tai: Lễ phục để mặc khi hát đồng ca lâu ngày chưa mang ra dùng, có cái phải đính cúc, có cái phải khâu lại, rồi phải là cho phẳng phiu. Binh lính sát vai nhau đứng phía ngoài tường, lưỡi lê chĩa lên trời. Hai mươi phút thì hai mươi phút, của ngon vật lạ cũng đáng để chờ. Người Nhật trọng nghi thức lắm. Một đĩa cá nóc bày lên bàn cũng trang điểm thành tác phẩm nghệ thuật huống chi món mỹ vị gái trinh.

Sau hai mươi phút, cửa nhà bếp mở ra, một bầy thiếu nữ mặc váy đen thủy thủ, đầu đội mũ lễ thánh xuất hiện, những gương mặt hơi cúi xuống, cô nào cũng kẹp một cuốn sách thánh ca, cánh tay khép lại, tựa như các cô gái trinh trắng khó chịu với khuôn ngực đầy đặn của mình.

Các cô là một bầy “nữ sinh” xinh đẹp nhất thành Nam Kinh. Đó là tôi tưởng tượng ra thế, bởi vì với các cô, nữ sinh luôn luôn chỉ là giấc mơ, các cô trang điểm, ăn mặc nữ sinh theo giấc mơ của mình cho nên lại thêm cái đẹp của mộng mơ.

Lại nữa, thành cổ Nam Kinh từ xưa đã thu hút vô số mỹ nữ Giang Nam, biến họ thành giai nhân tuyệt sắc chốn lầu xanh, rất hiếm khi để lọt ra những gái làng chơi xấu xí. Con gái xấu trước tiên không qua được sát hạch nhập môn, nếu không sẽ hạ thấp tên tuổi của kỹ viện, làm mất lòng khách hàng. Vì vậy Giang Nam trong thời kỳ điện ảnh còn manh nha, con gái đẹp nghèo khổ chỉ có hai lối ra, một là nhà hát, hai là lầu xanh.

Cô Thư Quyên của tôi không tận mắt nhìn thấy Triệu Ngọc Mặc và các cô ra đi như thế nào. Sau này nghe Fabbi nói, cô nào cũng lộng lẫy.

Triệu Ngọc Mặc cao nhất cho nên đi sau cùng.

Linh mục Engman đi đầu, làm dấu thánh cầu xin may mắn cho các cô. Đến Triệu Ngọc Mặc, cô cười bẽn lẽn, nhún đầu gối y hệt một nữ sinh.

Linh mục Engman nói nhỏ: “Các cô đến đây ban đầu là để lánh nạn.”

“Cám ơn linh mục lúc đó đã thu nhận chúng em. Nếu không bọn con gái chúng em bây giờ thành cái gì rồi.”

Fabbi xán đến, nhìn Ngọc Mặc không chớp mắt. Ngọc Mặc nói tiếp: “Chúng em sống chỉ gây họa cho người ta.” Cô ranh ma liếc nhanh hai vị linh mục.

Fabbi mở cánh cổng nặng nề cho các cô. Bên ngoài ánh đèn pin chiếu sáng lớp lớp lưỡi lê dày đặc như rừng. Viên thiếu tá đứng ngay như tượng gỗ, khuôn mặt khuất trong bóng tối, nhưng đôi mắt và hàm răng trắng có vẻ hân hoan ra mặt. Fabbi không bao giờ nghĩ rằng mình lại mở toang cánh cửa trực tiếp đưa người ta vào đường cùng.

Fabbi nghĩ, tất cả những vận may mà Ngọc Mặc đã bỏ lỡ lẽ ra còn có hy vọng lấy lại, cho dù chỉ một hai, cho dù hy vọng lấy lại là rất nhỏ, nhưng ra đi lần này thì chẳng còn gì để lấy lại nữa. Nghĩ thế, ruột gan anh đau thắt lại. Anh đã nhiễm bệnh đa sầu đa cảm của người Trung Quốc từ nhỏ vì bà vú hay dẫn đi xem kịch. Bà vú đã cấy hạt giống đa sầu đa cảm trong tâm hồn anh. Hạt giống thì cấy rồi nhưng hạt giống cũng có thể biến dị.

Một chiếc xe tải đỗ ở bên cái cây bị cháy, phía cuối xe có hai tên lính. Khi một “nữ sinh” tới thì chúng mỗi đứa một tay nắm lấy cánh tay giúp cô bước lên thang. Không muốn giúp cũng không được, chúng lập tức giơ súng chặn đường lui.

Viên thiếu tá đi cạnh Ngọc Mặc.

Fabbi đi theo hai người, cách ba bước chân.

Linh mục Engman đứng nơi cổng, bộ râu nhiều ngày chưa cạo khiến dung mạo ông như người cổ đại, hay là ông thoát ly loài người để biến thành thần?

Tôi tưởng tượng ông đứng đó, đầu óc trống rỗng, chỉ mong sao vở kịch suôn sẻ cho đến khi hạ màn, đừng có xảy ra chuyện gì bất thường, ông không thể chịu nổi bất kì trục trặc nào nữa.

Ông đưa mắt tiễn từng “nữ sinh” bước lên bậc thang của chiếc xe và khuất trong mui bạt, qua dáng người và động tác của họ, ông có thể phân biệt được ai với ai nhưng không biết hết tên. Ông ân hận vì đã không hỏi một câu tên của các cô – tên cha mẹ đặt cho chứ không phải tên ở lầu xanh. Ông chỉ nhớ một cái tên, đó là Triệu Ngọc Mặc. Chắc đây là tên bố mẹ đặt cho. Ông sẽ không bao giờ biết được rằng, Triệu Ngọc Mặc chỉ muốn quên cái tên này đi.

Bữa tối hôm đó là súp khoai tây. Sau khi George Trần chết, Fabbi nấu cho mọi người ăn món cháo, món súp gạo.

Chỉ có khác là mỗi em được ăn hai suất vì khi chuẩn bị bữa chiều, anh không nghĩ sẽ thừa ra mười ba suất. Cuối cùng, các em học sinh đã thực hiện được điều cầu nguyện: Xin cho con được ăn một bữa no nê, đừng cho các ả gái điếm tranh mất phần. Các em không tưởng tượng rằng lời cầu nguyện đã được đáp ứng, đáp ứng theo cách tàn khốc đến thế. Các em xúc từng thìa súp, Thư Quyên nhìn trộm Sô-phi ngồi đối diện, trên má Sô-phi có một vết máu, vết móng tay trong cuộc hỗn chiến, vết máu đó là chỗ sinh động nhất trên gương mặt tê dại của cô bé. Chẳng ai thốt lên: Ôi, những người đàn bà đó đã cứu chúng ta. Cũng không có ai nói: Không biết các chị ấy có sống sót được hay không? Nhưng Thư Quyên cũng như các bạn đều day dứt nỗi ân hận: lúc đó mình chỉ muốn được ăn no, đâu có biết lời cầu nguyện của mình lại biến thành lời nguyền rủa độc địa đối với họ.

Phải cần nhiều thời gian, cần một quãng đời trường thành, các cô mới nhìn được rõ cái tối hôm đó và những người đàn bà bị các cô coi là loại mạt hạng.

Trước bữa tối, Fabbi Atonado hướng dẫn các em cầu nguyện rồi hấp tấp ra khỏi nhà thờ.

Mười hai giờ đêm Fabbi quay về, dẫn theo một phụ nữ người châu Âu cao lớn. Các em quen biết bà, khẽ gọi “bà Whittlyn”. Bà cũng như Fabbi, nói thông thạo tiếng Trung Quốc, cái đưa tay cái nhìn đều giống người Trung Quốc. Bà đưa thợ đến cắt tóc cho các em. Sau hai giờ một bầy bé gái biến thành con trai hết. Bà đi chiếc xe cứu thương đến, gần sáng rời đi, trong xe đầy những “bệnh nhân” nhỏ tuổi mặc quần áo sọc, em nào cũng hốc hác vàng vọt, đôi mắt vô hồn. Những bộ quần áo sọc thùng thình như bên trong không có gì cả.

Cô tôi và các bạn đóng giả các bé trai bị bệnh truyền nhiễm, ẩn náu ở phòng bệnh Y học Viện Kim Lăng hai ngày, sau đó được bí mật đưa về một vùng quê sát Nam Kinh, từ đó đi tàu thủy đến Vu Hồ rồi đi Hán Khẩu. Fabbi Atonado đi theo suốt dọc đường, từ linh mục biến thành bác sĩ giám hộ. Chẳng ai ngờ được, cái nghề ngụy trang tạm thời đó vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Fabbi. Nửa năm sau anh quay lại Nam Kinh, rời bỏ chức vụ trong nhà thờ và dạy môn Lịch sử thế giới và lịch sử tôn giáo ở trường đại học giáo hội Wilson và kiêm đứng lớp ở một số trường đại học khác. Trong các cô bé được mười ba người đàn bà Tần Hoài cứu đêm đó, chỉ có mỗi mình cô Mạnh Thư Quyên của tôi vẫn còn thư từ với Fabbi.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...