Tiệc Báo Thù
Chương 18
Người đầu tiên phát hiện ra Na Lan mất tích là Trương Lỗi - bác sĩ điều trị đang trực ban ở phòng cấp cứu. Trên giường bệnh, chăn gối bị xếp sang một bên, đầu kim của ống truyền dịch cắm vào ven khuỷu tay Na Lan buông thõng bên cạnh. Dưới sàn cũng không thấy đôi dép lê của bệnh viện. Có thể tin chắc Na Lan bị ai đó lôi ra khỏi giường rồi đưa đi.
Các bệnh nhân nặng nằm ở giường lân cận đều tạm thời không thể trả lời điều gì, người nhà của họ và hộ lý đều nói không nhìn thấy bệnh nhân nào nhang nhác Na Lan rời khỏi phòng, hai cảnh sát hình sự phụ trách giám sát các con tin đã đi tìm khắp các phòng gần kề kể cả nhà vệ sinh ở tầng trệt.
Trước khi chạy đến phòng ICU, Ba Du Sinh đã gọi ban chuyên án huy động năm cảnh sát hình sự hỗ trợ điều tra sục sạo khắp bệnh viện để tìm Na Lan, hai cảnh sát đến phòng bảo vệ của bệnh viện mở xem băng ghi hình của các camera, nghe thì như mò kim đáy biển, nhưng cũng may họ chỉ mất mười lăm phút để xem hết các đoạn băng.
Ba Du Sinh vừa bố trí xong nhân lực thì di động của anh đổ chuông. Cát Sơn gọi. Câu đầu tiên của người tổ trưởng đứng tuổi khiến anh lặng người, “Cậu biết đấy, tôi là anh già vô thần thứ thiệt, thế mà hôm nay tôi đã gặp ma…”
Cúp máy xong, Ba Du Sinh có cảm giác tòa lầu chính Tiêu Tương ở ngay trước mắt anh, miêu tả chi tiết của Cát Sơn khiến anh tưởng chừng mình đang đứng ở hiện trường. Nỗi kinh hoàng phủ trùm lấy anh.
Hai xác người bị lèn trong két sắt!
Cho đến giờ, mọi bút lục phỏng vấn những người sống sót đều gặp nhau tại một điểm: ba tên cướp, một tên bị tan xác bởi vụ nổ, hai tên chạy thoát khỏi hiện trường.
Nhưng hai cái xác bị hun chết, nhét trong két sắt, là ai?
Bộ phận nhiếp ảnh sẽ mau chóng gửi ảnh người chết đến, bấy giờ phải đề nghị những người sống sót xác định xem sao. Trước đó họ đều chưa từng nhắc đến tên cướp thứ ba, thứ tư nào cả.
Máy bộ đàm “tút tút” khiến Ba Du Sinh giật mình.
“Cứ nói đi?”
“Đã tìm thấy Na Lan!” Khương Minh nói, giọng không mấy phấn chấn. “Anh nên đến đây ngay!”
Băng camera của bệnh viện đem lại hiệu quả bất ngờ: phát hiện được Na Lan, cô đi ra cửa chính của khu cấp cứu, được năm phút thì quay lại, ba phút nữa lại đi ra khỏi cửa, và hai phút sau tiến đến cửa chính của khu bệnh xá nhưng bị bảo vệ ngăn cản. Chân Na Lan vẫn đi dép lê của bệnh viện, nhưng lại mặc áo len và quần bò như trước đó, trên mặt có vết thương mà qua băng ghi hình không nhìn rõ, sau gáy dán băng nhưng anh bảo vệ đứng trước mặt không trông thấy. Tức là Na Lan không giống một bệnh nhân hoặc người nhà vào trông nom bệnh nhân, đương nhiên không được vào trong. Cô đứng nghệt ra bên bồn hoa trước mặt tòa nhà.
Các đoạn băng cho thấy trong suốt quá trình Na Lan đi đi lại lại, ánh mắt và vẻ mặt cô đều ngơ ngác, bước đi cứng nhắc, thậm chí là ngớ ngẩn, cứ như vừa ngủ dậy hoặc bị mộng du khiến nhiều người quanh đó tò mò nhìn, thậm chí nhìn chằm chằm, lấy làm lạ vì một cô gái khá xinh xắn, đầu bị thương lại đang mộng du giữa ban ngày!
Ba Du Sinh đi đến trước khu bệnh xá, ba cảnh sát hình sự gồm hai nam một nữ đang vây quanh Na Lan. Nữ cảnh sát đang nói gì đó với cô, nhìn thấy Ba Du Sinh đi đến, bèn hỏi, “Chắc cô sẽ nhớ ra anh ấy chứ?”
Na Lan gượng cười, “Tất nhiên rồi, đó là đội trường Ba Du Sinh của các anh chị.”
Ba Du Sinh cảm thấy có vẻ không ổn, bèn bước lại nắm tay Na Lan, “Cảm ơn trời đất, cô không mất tích, lại đã tỉnh lại! Cô thấy trong người thế nào?”
Khi Na Lan bắt đầu trả lời, Ba Du Sinh biết ngay điều mình lo lắng đã xảy ra, “Em… vẫn ổn! Sao em lại như thế này nhỉ?” Cô nhìn xuống đôi dép lê bệnh viện, rồi lại giơ cánh tay đang băng bó ra, chẳng rõ có biết mình còn bị dán băng ở sau gáy không. “Sao em lại ở đây? Sao lại đến đây nhỉ? Đã có chuyện gì à?”
Ba Du Sinh trấn an, “Cứ từ từ, từ từ nghĩ lại xem. Cô có thể nhớ ra những chuyện gì?”
“Lúc nãy em đang nghĩ… mình ngồi trong phòng ở đại học Giang Kinh… đang đọc sách.” Na Lan cố lục lại trí nhớ mờ nhạt mong manh.
“Có nhớ ra vụ cướp ở hội quán Tiêu Tương không?” Ba Du Sinh hỏi.
Na Lan lắc đầu.
Ba Du Sinh đoán không sai: Na Lan đang ở trạng thái mất trí nhớ tạm thời.
Mười tám ngày trước khi xảy ra vụ án, tại một căn hộ ở khu dân cư Phú Lạc xã Ninh Hồ ngoại thành Giang Kinh.
Kế hoạch tên cướp A đưa ra không phải trộm đêm mà là ngược lại.
Tên C thoáng nghe ý định của hắn, liền lắc đầu, “Khoan đã! Nếu thế thì tức là cướp ngày?”
Tên A, “Phải! Cướp ngày! Then chốt là chữ ‘cướp’. Cướp chứ không lẻn vào ăn trộm! Lúc đầu chúng ta nghĩ là ăn trộm chứ không ăn cướp.”
Tên B trầm ngâm một lát, rồi nói, “Nghe chữ cướp hoành tráng hơn chữ trộm phải không? Nhưng chúng ta không cần nghe sướng tai, mà cần tiền thôi. Đúng chưa?”
Tên A, “Phải! Tiền là quan trọng nhất, nhưng hai chúng mày và tao đều biết mục đích của hành động lần này không phải chỉ vì tiền, đúng chưa?”
Tên B và tên C gật đầu không hề do dự.
Đúng thế, kế hoạch làm vụ cướp này không chỉ vì tiền, điều quan trọng hơn là để thực hiện nguyện vọng của cả ba từ hồi còn nhỏ.
Tên A nói, “Đôi khi cướp và trộm có điểm chung, đều là hành vi phạm pháp chiếm đoạt thứ đáng giá của người khác, nhưng hiệu quả thì rất khác nhau.”
Tên B, “Điều này thì mày khỏi cần dài lời, chúng ta đều biết cướp là trực tiếp làm, tầm ảnh hưởng càng lớn thì càng oai, trộm cắp thì từ đầu đến cuối đều lén lút. Nhưng tao còn hiểu rằng so với trộm thì cướp khó hơn nhiều, vì phải mặt đối mặt, tên cướp nào dám chắc mình sẽ thắng?”
“Cho nên, cần vạch kế hoạch thật chu đáo.” Tên A bước lại cái bàn khác cầm một tờ giấy, rồi sờ túi lấy cây bút. “Sách về đề tài rèn luyện ý chí tao đọc nửa năm qua đều viết về trộm cướp, cướp ngân hàng, cướp công ty, cướp của nhà giàu. Then chốt để thành công, bước thứ nhất của kế hoạch, là phải tính đến mọi khả năng có thể xảy ra ở hiện trường, bao gồm cả những điều không thể thực hiện, cũng tức là các yếu tố bất ngờ. Nếu có thể nghĩ ra hết, có thể tưởng tượng ra mọi bất ngờ, thì thành công sẽ không quá khó. Bây giờ chúng ta thử tính xem lúc bắt đầu hành động thì trở ngại lớn nhất và mối lo lớn nhất là gì?”
Tên B, “Như lúc nãy đã nói: chỉ sợ lực lượng chúng ta mỏng quá, không khống chế nổi tình hình.”
Tên A viết lên tờ giấy mấy chữ “khống chế tình hình”.
“Nếu chỉ chân tay không, hoặc chỉ có con dao cái gậy thôi thì không thể làm ăn gì!” Tên C nói.
Tên A viết chữ “súng” rất nhỏ, bên dưới bốn chữ “khống chế tình hình”.
Tên C suýt nữa nhảy bật dậy, “Kìa, mày đừng cho là thật, lẽ nào cần đến súng thật à? Mày kiếm đâu ra súng? Bọn xã hội đen thì mới dùng súng chứ!”
Tên B cười hì hì, “Ba chúng ta đang bàn kế ăn cướp một hội quán sắp khai trương, không phải xã hội đen thì là xã hội trắng à?”
Tên A, “Súng, tất nhiên khó kiếm nhưng vẫn có cách. Bây giờ chúng ta viết ra các dự định, sau đó sẽ bàn cụ thể thực thi như thế nào. Giả sử là có súng, liệu chúng ta đủ sức khống chế tình hình không? Hai chúng mày tính xem, một ngày bình thường thì lầu chính hội quán có thể có bao nhiêu người? Tạm nói là người ngồi ăn, có bốn phòng ăn, ngồi kín chỗ thì có thể là 25 người, thêm bọn bưng bê, nấu bếp, bảo vệ nữa là hơn ba chục, chúng ta có ba khẩu súng, liệu có uy hiếp được ngần ấy người rải rác khắp ba tầng nhà không?”
Tên B, “Vào tắm, rồi đi ngủ thôi!”
Tên A, “Trước khi ngủ, phải giải xong bài toán tiểu học này: trong tổng số người ở lầu chính, thì bồi bàn, đầu bếp nọ kia là hằng số, số lượng thực khách là biến số…”
Tên B nói, “Đại ca mày nói cho dễ hiểu đi, kẻo tao nhức đầu lắm.”
Tên A mỉm cười, “Số lượng bồi bàn và đầu bếp là cố định, thực khách có thể nhiều hoặc ít, nếu muốn giảm bớt số người bị ba khẩu súng khống chế…”
Tên B, “Ý mày là muốn tìm thời điểm có ít thực khách chứ gì?”
“Buổi trưa, thường ít khách ăn.” Tên C đề xuất.
Tên A lại viết mấy chữ, “Bữa trưa, ngày khai trương.”
“Tại sao lại là ngày khai trương?” Tên B hỏi. “Hôm đó sẽ càng đông người.”
Tên A cười bí hiểm, “Tao đang có một ý này, phải nghiền ngẫm cụ thể đã rồi sẽ nói cho chúng mày nghe. Nói đơn giản là: bữa tối ngày khai trương mới là khách ngồi kín chỗ. Xét về mặt tâm lý và thao tác thực tế, Đới Hướng Dương và Lương Tiểu Đồng thường muốn buổi trưa được thảnh thơi một chút, để chuẩn bị ứng phó với bữa tiệc buổi tối. Hai lầu phụ của Tiêu Tương thường mở rộng cửa với bên ngoài, nhưng lầu chính là hội quán có tính chất tư nhân, cho nên cả hai ông chủ ấy sẽ không cho thực khách đặt chỗ ở đó. Giả sử có cho khách tự do đặt chỗ, thì những nhân vật có máu mặt và những tay chơi tiêu tiền bỏng tay ở Giang Kinh cũng sẽ không chịu ‘hạ mình’ ăn bữa trưa ở đó, mà họ sẽ đến vào buổi tối để ăn dạ tiệc. Cho nên tao đoán rằng bữa trưa của Đới Hướng Dương và Lương Tiểu Đồng sẽ tương đối đơn giản, dù có khách mời thì cũng chỉ là các nhân vật tầm tầm muốn xun xoe để móc nối quan hệ làm ăn nọ kia. Nếu tao đoán không nhầm, thì số người có mặt buổi trưa hôm khai trương sẽ rất ít.”
Cả tên B và C đều gật đầu, “Có lý! Có lý!”
“Còn điều gì đáng ngại nữa không?” Tên A hỏi.
Tên C, “Chỉ sợ bị ai đó nhận ra.”
“Được!” Tên A lại viết ra giấy, “Cải trang.” Rồi nói tiếp, “Cả hội quán lắp 16 camera, chắc chắn chúng ta bị ghi hình và lưu lại trong ổ cứng. Nhưng nếu ống kính chỉ quay được hình người nhưng không rõ mặt mũi và quần áo…”
Tên B nói, “Được, tao hiểu rồi, quá đơn giản: bịt mặt và quần áo càng không có đặc điểm gì thì càng hay.”
Tên A lại viết ra giấy, “Bịt mặt. Đồng phục một màu.” Hắn ngẩng lên nhìn hai thằng bạn, “Đặc trưng của một con người là tổng thể các phương diện. Ngoài khuôn mặt và trang phục ra còn có chiều cao, béo gầy, cách đi đứng, nói năng, chất giọng vân vân…”
Tên C nói, “Chiều cao thì hết cách rồi. Tao vốn dĩ cao to, không thể cưa bớt chân đi được!”
“Chiều cao đương nhiên không thể khắc phục.” Tên A vỗ vai tên C cứ như có thể khiến hắn lùn đi vài phân. “Nhưng mày có thể làm người khác không nhận ra chiều cao của mình. Ví dụ, còng lưng xuống, họ sẽ ngỡ mày hơi thấp, nếu ưỡn ngực phưỡn bụng ra, họ sẽ tưởng mày cao.” Hắn tiếp tục viết ra giấy, “Điều chỉnh chiều cao. Tư thế đi: chân chữ bát, tập tễnh. Chỉnh giọng nói: giọng Đông Bắc, Chiết Giang, Hà Nam, Sơn Đông tương đối dễ bắt chước.”
Tên C nhòm chữ tên A viết, rồi bỗng nghĩ ra một điều, “Còn vấn đề quan trọng này nữa: chúng ta bịt mặt, mặc đồng phục thì không ai nhận ra đã đành, nhưng chẳng lẽ lại ăn mặc như thế mà nhơn nhơn đi vào khu Dư Trinh Lý? Chỉ e chưa đi đến cổng Tiêu Tương đã bị người ta báo cảnh sát rồi! Nhất là phố đi bộ trong khu Dư Trinh Lý. Chúng ta đương nhiên không thể như trong phim Mỹ mặc đồ kẻ cướp, đi ô tô đến tận cửa ngân hàng rồi cả bọn nhất tề xông vào.”
Tên A, “Có lý! Cần nghiên cứu xem lọt vào lầu chính Tiêu Tương bằng cách nào, rồi bịt mặt, thay trang phục.”
“Nói thì dễ ợt. Nhưng vào bằng cách nào đây?” Tên B hỏi.
“Nhất định sẽ có cách.” Câu này, có thời tên A luôn miệng nói, mấy năm nay bơn bớt rồi, nhưng đã nói thì chắc như đinh đóng cột.
Trong ba tên, tên A và tên B đã có bạn gái, tên C vẫn chưa hề cùng ai. Tên A gặp bạn gái và kể lại cho cô ta biết “kế hoạch” này, hắn nói thêm, “Vậy là cái ngày đầy xúc động sắp đến! Em cảm thấy thế nào?”
Bạn gái, “Anh đã nói là ‘đầy xúc động’, nếu em tỏ ra rất bình thường thì có lẽ anh cho rằng em vô tâm, nếu em nói mình cũng rất xúc động thì hình như là em vuốt đuôi anh.”
Tên A thở dài, giả vờ tiu nghỉu, “Đúng là anh đưa ra một câu hỏi rất thiểu năng.”
Bạn gái, “Anh đã nghĩ ra một kế hoạch rất chi tiết, mà lại nói mình thiểu năng, thì là khiêm tốn giả vờ rồi!”
“Nhưng lúc này trong kế hoạch có một điều khúc mắc: bọn anh phải nghĩ cách vào lầu chính từ trước để thay quần áo của kẻ cướp. Khắp nơi đều gắn camera, phải làm gì để không bị nhận dạng khi đi vào đó?” Thật ra A không cho rằng bạn gái có thể giúp gì được, hắn chỉ thuận miệng thổ lộ điều bức xúc mà thôi.
Nhưng bạn gái thì có ý giúp. Đây là nét đáng mến của cô. Trông cô có vẻ đơn thuần, đúng thế, cô rất đơn thuần, đơn thuần về phương diện tình cảm. Cô yêu hắn và cũng biết hắn yêu cô, cô luôn một lòng vì hắn. Nhưng đơn thuần không đồng nghĩa với đơn giản, tâm tư cô phức tạp hơn hẳn các cô gái khác, điều này liên quan đến những điều cô đã trải qua khi còn nhỏ, cũng như những ngày thơ ấu của ba cậu bé đã ấn định chúng trở thành kẻ cướp như hôm nay. Thời thơ ngây của cô bạn gái đã khiến cô không dễ gì tin ai và không dễ mà yêu ai!
Cho nên tên A rất biết, vào lúc này mình là người hạnh phúc nhất trên đời, nhưng hắn cũng không có ý trông chờ bạn gái giúp gì cho mình được. Thế mà, bạn gái bỗng mỉm cười, “Em có cách!”