Thuận Thiên Di Sử

Chương 17: Đại Việt Hồng Thiết Giáo


Chương trước Chương tiếp

Cô hàng được dịp trổ tài:

- Không phải thế. Như nếu về mùa Đông, rau muống không có, thì ăn bún với rau riếp. Rau riếp hơi tanh, phải dùng lá tỏi non, lá mùi, hành lá chẻ. Bây giờ đang mùa Thu ăn với rau muống thì phải dùng kinh giới, tiá tô với ngổ. Ấy là lá thơm ăn sống. Còn gia vị nấu với bún ốc, phải là xương xông với lá lốt, nếu không thì tanh lắm.

Phía sau hàng bún ốc là hàng chả cá. Hàng chả cá có nhiều người ăn, bà hàng chả cá cùng cô con gái đang ra sức tiếp khách. Cậu con trai hì hục quạt lửa, khói lên mù mịt. Khách vừa ăn, vừa dụi mắt.

Mỹ-Linh trông thấy chả cá, hỏi bà hàng:

- Bà cho anh em chúng tôi ăn đi.

Nghe hỏi, bà hàng biết ngay hai cô cậu này chưa từng ăn chả cả ở chợ bao giờ. Vì những người ăn quà ở chợ, họ sẽ nói bà cho tôi một xâu, hay hai xâu, chứ không bao giờ nói trống không như vậy.

Bà không nói gì, cười toe toét:

- Cô câu chờ một tẹo đi.

Bà gắp bún cho vào bát. Tay bà bốc đậu lạc xay rắc lên trên, lại ít rau thơm thái nhỏ rắc đều trên mặt bún. Bà lấy một cái bát nhỏ, múc mắm tôm chanh, lẩn vẩn có mấy khoanh ớt đỏ, rồi cầm bình cà cuống nhỏ vào vài giọt.

Cô con gái để bốn xâu cá tẩm nghệ vàng ngậy trên đĩa, lòng đĩa lót đầy thì là, bầy ra trước mặt hai người. Cô lấy rau muống chẻ, rau thơm bỏ vào cái rổ, chỉ lớn bằng cái bát ăn canh đưa cho Mỹ-Linh:

- Cô xem này, rau muống tôi chẻ có tinh không? Rău muống ăn với chả cá phải đủ năm thứ rau thơm: kinh giới, tía tô, tỏi, hành, mùi. Thiếu một thứ là mất ngon.

Cậu con trai quạt nồi đun mỡ sôi sục. Cậu nói lớn:

- Tránh ra, tránh ra, phỏng da, cháy thịt.

Cậu đổ mỡ sôi lên hai đĩa cá. Mỡ gặp cá, nổ lên những tiếng lép bép. Muì cá, mùi gia vị bị mỡ đốt chín bốc lên thơm lừng.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh định cầm đũa ăn. Bà hàng nói:

- Khoan, cô cậu ơi, mỗi gắp cá, một gắp rau thơm, một gặp bún, thêm miếng bánh đa, một hột đậu lạc nữa, mới đủ mùi vị.

Hai người không nói, không rằng, vừa ăn, vừa ngẫm nghĩ hương vị quê hương, đồng ruộng đất Việt. Mỹ-Linh chú ý đến ngón tay cậu con trai. Cậu dùng ngón trỏ vẽ vẽ trên mặt cái mâm, trong khi cậu nháy nàng. Mỹ-Linh kinh hãi:

- Không lẽ cậu là người của Khu-mật-viện?

Cậu vừa viết vừa hát nghêu ngao:

Hò la, hò lẩy,

Con gái bẩy nghề.

Ngồi lê là một.

Dựa cột là hai.

Nói dai là ba.

Ăn quà là bốn,

Trốn việc là năm.

Hay nằm là sáu.

Hay cáu là bẩy.

Trong khi hát, tay cậu viết mấy chữ:

- Theo dõi bọn Tống, chúng đang vào chợ. Không cần về Thăng-long vội.

Mỹ-Linh nheo mắt tỏ vẻ hiểu biết. Nàng vừa ăn vừa quan sát.

Ăn xong Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Ăn ở chợ thế này, vừa ăn, vừa dụi mắt vì khói cay mới ngon. Chứ ăn ở phủ, người đầu bếp dọn lên, thiếu hẳn không khí ồn ào, mất đi một nửa cái ngon.

Nàng vừa nói đến đó, thì thoáng thấy phía bên kia đình chợ, Triệu Huy đi với một người lạ. Cả hai mặc quần áo nâu, đội nón lá như nông dân Việt. Nàng thúc cúi chỏ vào hông Thiệu-Thái. Thiệu-Thái ngơ ngác không hiểu gì. Nhưng chàng vốn tuân phục Mỹ-Linh, thấy Mỹ-Linh đưa mắt ra hiệu, chàng không hỏi thêm. Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Anh trả tiền mau, có chuyện.

Thiệu-Thái vội trả tiền. Mỹ-Linh lôi chàng đứng khuất sau cột đình, rồi chỉ cho thấy Triệu Huy.

Thiệu-Thái kinh ngạc:

- Bọn này âm mưu gì đây, nên mới ẩn thân vào lớp áo dân chúng. Anh em mình theo sát, để có thể khám phá ra kịp thời.

Triệu Huy không biết bị người theo dõi, y thản nhiên len lỏi đi trong chợ. Qua chợ, y theo người kia đi vào một ngõ nhỏ. Ngõ chỉ vừa hai người đi. Hai bên là hai hàng dậu dăm bụt cắt xén cực kỳ tinh vi.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh theo bén gót bọn Triệu Huy. Đi hết hàng dậu dâm bụt, tới hàng dậu trúc, có cái cổng nóc lợp ngói. Người đi cùng Triệu Huy giật chuông. Cánh cổng mở. Hai người bước vào, cổng đóng lại.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhìn trước, nhìn sau không có ai, hai người vọt mình qua hàng dậu trúc vào trong vườn. Một con chó vàng to như con nghé thấy hai người thì đứng xổ dậy định sủa. Thiệu-Thái móc tay vào miệng rít lên mấy tiếng như tiếng chó mừng. Con chó chạy lại vẫy đuôi.

Mỹ-Linh không ngạc nhiên, vì hồi đi cùng Bảo-Hòa, nàng đã thấy bà chị họ giả tiếng chó nhiều lần. Hôm ở Hồng-hương cốc, Thiệu-Thái cũng dùng tiếng loài chó, dụ được đàn chó của Cao Thạch-Phụng.

Mỹ-Linh núp vào dưới bụi hoa Mẫu-đơn, ghé mắt theo dõi bọn Triệu Huy. Còn Thiệu-Thái thì xoa đầu con chó.

Từ cổng vào, qua cái ngõ nhỏ lót bằng những viên đá xanh dày. Hai bên có hàng rào trồng bằng những cây ngâu. Ngâu đang độ hoa nở vàng ối hương thơm ngào ngạt. Hết ngõ, tới cái sân gạch vuông mầu gạch cua. Trong sân, hai chậu cảnh, cắt tỉa thành hình đôi hạc, cao hơn đầu người. Giữa tọa lạc cái bể cạn. Trên bể trồng trúc.

Sau sân sừng sững ngôi nhà ngói kiến trúc theo kiểu thời Văn-lang: bốn mái cong, lợp ngói đỏ. Giữa nóc, tượng một đôi hổ chầu ngọn lửa đỏ chói. Nhà làm trên nền khá cao. Từ sân phải leo lên chín bục mới tới hành lang. Bốn góc hành lang dựng thẳng bốn cột bằng ỗ lim, khảm xà cừ. Ánh sáng chiều vào xà cừ, phản chiếu ngũ sắc lung linh như ngọc. Sau lớp hành lang tới những cánh cửa rộng, lớn.

Từ trong nhà, một người quần trắng, áo dài xanh, đầu quấn khăn như Nho sinh bước ra. Y chắp tay hành lễ với Triệu Huy:

- Kính chào Triệu an phủ sứ. Tại hạ ngưỡng mộ uy danh an phủ sứ đã lâu. Hôm nay mới được diện kiến.

Mỹ-Linh nghe tiếng nói của người này, bất giác nàng rùng mình. Y chính là Trương Yêm, một tên quản gia của phụ vương nàng.

Nguyên niên hiệu Thuận-Thiên tứ tư (1013), ông nội nàng thân cầm quân đánh dư đảng của Hồng-thiết giáo ở vùng Hạc-xác, Kim-hoa, Vĩ-long. Phụ vương nàng theo trong quân. Sau khi phá giặc, quan quân giải phóng một số tù binh bị gịăc bắt giam. Trong số tù binh đó có Trương Yêm. Trương Yêm cảm kích, nguyện một đời xin làm nô bộc cho phụ vương nàng. Thuận-thiên hoàng đế thấy Trương Yêm tinh khôn, biết võ công, có ý muốn phong cho y chức quan nhỏ. Nhưng y từ chối, muốn làm nô bộc trả nghĩa mà thôi. Dần dần y trở thành người quản gia. Y làm việc liên miên ngày đêm. Tỳ nữ, bộc phụ, vệ sĩ trong vương phủ đều kính trọng y.

Mỹ-Linh tự hỏi:

- Tại sao tên Trương Yêm này lại đi với Triệu Huy. Nghe nói, y không vợ, không con. Tại sao y lại có dinh cơ to lớn như thế này?

Triệu Huy vái dài:

- Hoàng Văn tiên sinh quá khen, làm tại hạ ngượng ngùng.

Mỹ-Linh kinh hãi:

- Không lẽ tên Trương Yêm này lại là Hoàng Văn, một trưởng lão khét tiếng độc ác của Hồng-thiết giáo?

Hoàng Văn mời Triệu Huy vào nhà. Mỹ-Linh nói nhỏ vào tai Thiệu-Thái:

- Anh leo lên cây chay kia ẩn thân, bảo vệ em. Để em nghe xem xem chúng bàn truyện gì nghe.

Thiệu-Thái không tâm vận sức vào hai chân, chàng nhún mình, vọt lên cành cây chay, ẩn vào chỗ lá rậm rạp, đưa mắt nhìn xung quanh. Không thấy có người, chàng bắt chước tiếng chim, hú sẽ ba tiếng. Mỹ-Linh phóng mình lên mái ngói. Nàng dùng chân móc vào mái nhà, rồi chuyền theo kèo, ghé mắt nhìn vào trong. Bất giác nàng ngẩn người ra.

Bên trong, hơn mười người, ngồi xung quanh cái bàn hình bầu dục. Người ngồi đầu bàn là Triệu Thành, cạnh y còn Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Vương Duy-Chính, Triệu Huy, lão họ Hoàng. Phía bên kia ba người mặc quần áo theo lối Bắc-biên của người Nùng. Một người cụt tay, tuổi đã già. Một người khoảng sáu mươi, thân thể hùng vĩ. Một người nàng đã biết mặt, đó là tên Lý Tự, thủ lĩnh châu Thất-nguyên, nằm giữa biên giới Ung-châu nhà Tống với Đại-việt. Ngoài ra còn môt ni cô, tuổi đã già, và một người đàn ông tuổi khoảng bẩy chục, mặt lúc nào cũng cúi gầm xuống.

Tên Trương Yêm đứng lên chắp tay hướng Triệu Thành hành lễ:

- Khải tấu vương gia, anh em thần tuy ở phương trời xa, lúc nào cũng mỏi mắt ngưỡng cổ nhìn về Bắc, mong đại quân Thiên triều, chỉ ngọn cờ xuống Nam, cùng nhau ra sức phò tá, để tỏ tấm lòng trung nghĩa. Thần xin trình với vương gia, các anh hùng hiện diện hôm nay.

Y chỉ vào người cụt tay:

- Vị này là thủ lĩnh mười châu vùng Quảng-nguyên, họ Nùng tên Dân-Phú. Nùng đại huynh võ công trác tuyệt. Hồi còn trẻ, một thanh kiếm chinh phục hết các sắc dân Nùng, thống nhất thành châu Quảng-nguyên. Trước kia, bản triều chưa lập, Nùng đại huynh khuất thân theo về Đại-lý. Từ khi đức Thái-tổ, Khải-vận, Lập-cực, Anh-võ, Duệ-văn, Thần-đức, Thánh-công, Chí-minh, Đại hiếu hoàng đế dựng nước, Nùng đại huynh là người đầu tiên gửi sứ thần về qui phục.

Mỹ-Linh cười thầm:

- Bọn hủ Nho nhà Tống nịnh chúa đến thế là cùng. Cái ông Triệu Khuông-Duẫn cướp ngôi của người ta, mà khi chết, họ chắp đến hai mươi chữ để gọi. Tại sao không gọi là Tống Thái-tổ có gọn không?

Nùng Dân-Phú đứng dậy, chắp tay hướng Triệu Thành hành lễ. Triệu Thành nở nụ cười nham hiểm. Hai mắt y tít lại:

- Nùng tên sinh có biết tại sao trước đây triều đình chưa phong chức tước cho tiên sinh không?

Vương Duy-Chính đáp:

- Thần đã gửi tấu chương về triều, nhưng chưa thấy chiếu chỉ ban ra.

Triệu Thành lắc đầu:

- Cô gia muốn giữ kín hành tung cho Nùng tiên sinh, nên lưu chiếu chỉ lại cho đến hôm nay, lát nữa cô gia sẽ tuyên đọc thánh chỉ phong chức tước cho Nùng tiên sinh. Chức tước của tiên sinh có đẳng cấp chính đáng, chứ không phải cái chức hàm làm thủ lĩnh mười châu của Đại-lý phong cho đâu. Bọn Đại-lý có mắt như mù, một nhân tài như Nùng tiên sinh mà chúng không phong cho lấy một chức quan xứng đáng.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Triều Tống nhân tài có hàng vạn, thế mà Triệu Thành lãnh đạo được, quả y có tài. Y chỉ nói mấy câu, vừa mua lòng bọn họ Nùng, vừa chia rẽ với Đại-lý. Gớm thật!

Triệu Thành tiếp:

- Tương lai, một giải Bắc-biên, triều đình sẽ phong cho Nùng tiên sinh làm vua. Con cháu đời đời kế nghiệp. Biết đâu, đời sau, con cháu hưng thịnh lên, cất quân chiếm Đại-lý, triều đình cũng sẽ phong cho. Bấy giờ đường đường một triều đại văn thành, võ đức, thua gì Lý Công-Uẩn?

Trương Yêm chỉ người to lớn ngồi cạnh Nùng Dân-Phú:

- Vị này là trưởng nam của Nùng đại huynh tên Tồn-Phúc. Hiện Nùng đại huynh tuổi hạc đã cao, cho nên mọi quyền hành mười châu đều do Tồn-Phúc thống lĩnh. Võ công Tồn-Phúc rất cao thâm. Năm trước đây, đấu với Đặng Đại-Khê chưởng môn phái Tản-viên hơn trăm chiêu, bất phân thắng bại.

Nùng Tồn-Phúc đứng dậy hành lễ.

Triệu Thành gật đầu:

- Đại-Khê là một trong Đại-Việt ngũ long, mà Nùng huynh đấu ngang tay, thì bản lĩnh Nùng huynh đã đến chỗ tối cao vậy.

Mỹ-Linh nghe giọng nói Trương Yêm, nàng càng kinh ngạc:

- Nghe y nói, rõ ra giọng kẻ cả với Nùng Tồn-Phúc, ngang với Nùng Dân-Phú. Vậy trước khi theo phụ vương nàng, địa vị trong võ lâm của y không tầm thường.

Trương Yêm chỉ vào ni cô già:

- Vị này là Hoàng-Liên sư thái, sư thúc của Tịnh-Tuệ, chưởng môn phái Mê-linh.

Bọn Triệu Thành cùng bật lên tiếng "úi chà". Vương Duy-Chính nói:

- Tại hạ ở Trung-nguyên nghe danh sư thái như sét nổ bên tai. Nào kiếm thuật vô địch Đại-Việt, Đại-Lý. Nhất là hai cao đồ của người, nổi danh Hoàng-liên-sơn thần kiếm. Chưởng môn phái Mê-linh Tịnh-Tuệ, sư muội Tịnh-Huyền đều bại dưới tay hai vị. Sư thái ẩn trên tuyệt đỉnh Hoàng-liên-sơn đã lâu. Nay mới hạ sơn, phò tá thánh chúa.

Mỹ-Linh kinh hoàng nghĩ:

- Hôm trước đại hiệp Trần Tự-An bàn về phái Mê-linh có nhắc đến mụ Hoàng Liên này. Nghe nói hồi còn trẻ võ công mụ rất cao thâm, kiếm thuật thần thông. Hoa-Minh thần ni, sư phụ của thái cô Tịnh-Huyền bại dưới tay thị. Đáng lẽ thị được truyền chức chưởng môn, nhưng thị lại tằng tịu với chính nam đệ tử của mình. Việc bại lộ, thị bị khai trừ khỏi môn hộ. Thị tức giận bỏ lên núi Hoàng-liên-sơn thu nhận học trò, lập ra Hoàng-liên bang. Hoàng-liên bang qui phục Nhật-hồ lão nhân, đi lại trên giang hồ làm không biết bao nhiêu việc ác độc. Võ lâm Đại-Việt nghe đến tên mụ đều táng đởm kinh hồn.

Hoàng-Liên cười:

- Hễ thánh thiên tử tỏa hào quang tới đâu, thì dù tiên, dù thánh cũng phải tuân theo.

Trương Yêm lại chỉ lão già to lớn:

- Vị này họ Đỗ tên Xích-Thập, sư thúc Đặng Đại-Khê.

Địch Thanh bật lên tiếng ái chà:

- Đỗ tiên sinh. Phải chăng trước đây tiên sinh chỉ đánh có ba chưởng, khiến vô địch thần quyền Giang-hạ bỏ mình chăng?

Đỗ Xích-Thập mỉm cười:

- Một chút tiếng tăm, không bõ cho Địch trạng nguyên cười.

Địch Thanh hướng Triệu Thành:

- Mừng cho vương gia. Đỗ tiên sinh chịu xuất động theo vương gia, thì không còn sợ gì Đại-việt ngũ long nữa.

Vương Duy-Chính chỉ vào Trương Yêm nói:

- Vị này họ Hoàng tên Văn, trước đây sang Trung-nguyên phò giúp Thiên-triều. Khi đến tuổi già, xin được về Giao-chỉ nghỉ ngơi, nhưng lúc nào cũng hướng về Trung thổ. Hoàng tiên sinh là đại diện của Bình-nam vương gia. Khi vương gia ban lệnh cho các vị, sẽ ban qua Hoàng tiên sinh.

Mỹ-Linh tỉnh ngộ:

- Thì ra Trương Yêm là người của Khu-mật viện nhà Tống cài vào Đại-việt cũng giống như Nguyên-Hạnh. Nguy thực. Y ở trong vương phủ, bất cứ động tĩnh gì của triều đình y cũng biết, rồi cung cấp cho Tống.

Đến đó bỗng Triệu Huy run run chây tay, mặt tái mét đi, dường như đau đớn lắm. Y lui lại phía sau, ngồi vận công. Hoàng Văn, Đỗ Xích-Thập, Hoàng Liên mặt tái mét đưa mắt nhìn nhau, rồi hỏi Triệu Thành:

- Vương gia. Triệu an phủ sứ bị bệnh gì vậy?

Triệu Thành thở đài:

- Cách đây hơn tháng, cô gia cùng sứ đoàn trên đường từ Thiên-trường về Thăng-long. Giữa đường gặp một bọn cướp. Chúng ta giao chiến với chúng, rồi bị trúng độc.

Hoàng-Liên mặt càng sợ hãi hơn:

- Sứ đoàn có bao nhiêu người bị trúng độc?

Triệu Thành thấy tình trạng dường như nguy kịch, y đáp gọn lỏn:

- Toàn thể. Nhẹ nhất là Minh-Thiên đại sư. Nặng nhất là Quách Quỳ.

Hoàng Văn cầm mạch Đông-Sơn lão nhân rồi hỏi:

- Có phải sau khi giao chiến khoảng một giờ, thì lão sư cảm thấy tay sưng lớn, ngứa ngáy, lẫn đau đớn vô cùng. Rồi từ hôm đó tới giờ cứ mỗi ngày lên cơn một lần không?

Đông-Sơn lão nhân chưa trả lời, thì Vương Duy-Chính, Địch Thanh đều lên cơn. Mặt tái mét, chân tay run rẩy, mồ hôi vã ra như tắm.

Đỗ Xích-Thập trầm tư một lúc rồi nói:

- Vương gia! Bọn đánh thuốc độc không thể là trộm cướp được. Bởi hắn biết xử dụng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Như vậy họ là đệ tử của Hồng-thiết giáo. Cứ như thần nghĩ, người có khả năng phát chưởng này, phải có công lực rất cao thâm. Như vậy điạ vị họ trong Hồng-thiết giáo không nhỏ. Giáo chúng Hồng-thiết giáo có thể giết lầm người chứ không bao giờ trộm cướp.

Triệu Thành gật đầu:

- Chúng tôi bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng ư? Tôi tưởng từ khi Quách Ngạn-Uy, Đỗ Ngạn-Tiêu chết rồi thì loại chưởng pháp kịch độc này bị thất truyền. Có ngờ đâu ngày nay vẫn còn người biềt xử dụng.

Nói rồi y tường thuật giản lược vụ giao chiến trên sông Hồng-hà cho Hoàng Văn nghe.

Bọn Hoàng Văn tuy làm tế tác cho Tống, nhưng chúng dấu nhẹm vụ chúng là trưởng lão trong hội đồng giáo vụ trung ương Hồng-thiết giáo. Hoàng Văn thì hoàn toàn lợi dụng Hồng-thiết giáo để phò trợ Tống. Ngược lại Đỗ Xích-Thập lại muốn mượn thế Tống, để làm giáo chủ. Còn mụ Hoàng Liên, là tình nhân của Xích-Thập. Mụ chẳng có chủ kiến gì.

Nghe Triệu Thành tường thuật, Hoàng Văn đưa mắt liếc Xích-Thập, rồi nói bâng quơ:

- Đúng thế thì ít ra người cầm đầu bọn giao chiến với vương gia phải có địa vị trưởng lão của Hồng-thiết giáo Trung-quốc hay Đại-Việt.

Y hỏi lại Đông-Sơn lão nhân:

- Bọn này chỉ giao chiến rồi bỏ đi, hay có gì khác không?

- Có. Sau khi chúng đi, ta khám phá ra việc chúng trộm hết số vàng bạc, châu báu, cùng thơ tín tối mật của vương gia.

Việc lấy trộm sách, cũng như vàng bạc châu báu là do Thanh-Mai sai tráng sĩ Thiên-trường làm, chứ không phải bọn Đại-lý. Nhưng bọn Tống tưởng là bọn Đại-lý.

Triệu Thành là người nắm Khu-mật viện nhà Tống trong tay, gì mà y không hiểu những uẩn khúc của Hồng-thiết giáo Trung-quốc, Đại-Việt. Trước khi sang Đại-Việt, y đã nghiên cứu thực kỹ những người mà Khu-mật viện nhà Tống gửi sang làm gian tế.

Ghi chú:

Nguyên tắc căn bản của phép dụng gián tức gián điệp của Hoa-Việt cổ thời có ba điều. Một là cô tác. Tức người nào, nhóm nào hoạt động chỉ mình người đó, nhóm đó với Khu-mật viện biết mà thôi. Tránh cho nhóm khác, người khác biết. Sợ khi bị lộ, thì chỉ mất một nhóm, để khỏi mất hết. Hai là nghịch hành. Nghiã là hành động ngược lại với chủ đích. Như gian tế Tống gửi sang Việt, phải tỏ ra thù hằn với Tống, không đội trời chung. Ba là nhu nhuyễn. Nhu nhuyễn là lúc nào cũng đóng vai hiền lành, dễ thương, để người xung quanh không bới móc, đễ yên thân.

Vì vậy y không cho nhóm Nguyên-Hạnh biết nhóm Hoàng Văn. Y biết rõ việc bang Nhật-Hồ Trung-quốc bị thất truyền thần công Hồng-thiết, hầu giải vĩnh viễn Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Ngay đến công thức chế thuốc giải, mỗi năm uống một lần, cũng thất truyền nốt. Chính vì vậy, mà Hồng-thiết giáo Trung-quốc chỉ có thể đánh người, làm cho người trúng độc. Bốn mươi chín ngày sau chết. Chứ chúng không thể cho thuốc giải, hầu bắt nạn nhân tuân theo mệnh lệnh chúng.

Khi Triệu Thành gặp Nguyên-Hạnh hỏi về công thức chế thuốc giải, y trả lời rằng người duy nhất biết là Đỗ Lệ-Thanh. Nhưng Lệ-Thanh chết rồi, thành ra y cũng bó tay.

Dọc đường từ Thanh-hóa về Trường-yên, Thiên-trường. Triệu Thành nghe nói Hồng-thiết giáo Trung-quốc sai người sang tìm tông tích Nguyên-Hạnh, Đỗ Lệ-Thanh. Bọn này còn đánh mấy chục thiếu niên Hồng-hương tử thương, mà Nguyên-Hạnh bó tay không trị được.

Xích-Thập đưa mắt hỏi Hoàng Văn:

- Dù người đánh là Hồng-thiết giáo Trung-quốc hay Đại-Việt, thì thuốc chữa cũng giống nhau.

Đông-Sơn lão nhân thấy Xích-Thập nói vậy, lão biết bọn này có thể cứu lão. Lão nói với Triệu Thành:

- Xin vương gia nhờ Hoàng hầu trị cho.

Triệu-Thành khẩn thiết nói với Xích-Thập:

- Xin tiên sinh cứu cô gia cùng các bạn đây. Nguyện không bao giờ quên ơn.

Xích-Thập lấy ra hai bình thuốc. Một bình viên đỏ, một bình viên xanh để lên bàn:

- Nguyên Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng có hai loại. Đầu tiên Nhật-Hồ tiên sinh học Hồng-thiết độc chưởng trong Hồng-thiết kinh. Loại chưởng này đánh trúng ai, mỗi ngày lên cơn một lần khoảng hai giờ, đau đớn cùng cực, rồi trong bốn mươi chín ngày chết. Nếu uống thuốc giải, thì khỏi. Nhưng lần sau bị trúng chưởng, vẫn đau đớn như thường. Còn nếu dùng Hồng-thiết thần công giải chất độc, sau này có trúng độc nữa, cũng không sao.

Y bắt mạch Triệu Thành, tiếp:

- Nhật-Hồ lão nhân học Hồng-thiết kinh, rồi trở về Trung-thổ, phối hợp với chất độc của sâu, bọ, rắn rết chế ra Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, truyền tại Trung-quốc. Nếu trúng loại chưởng này, không trị, mỗi ngày lên cơn một lần, trong bốn mươi chín ngày cũng chết. Còn nếu dùng thuốc giải chỉ khỏi một năm mà thôi. Hàng năm phải uống thuốc giải một lần. Bằng không lại cũng lên cơn mà chết.

Đông-Sơn lão nhân hỏi:

- Thế sau khi uống thuốc giải, nếu trúng độc nữa, có bị đau đớn không?

- Bị như thường. Còn nếu dùng Hồng-thiết thần công hoá giải chất độc, thì hàng năm không phải uống thuốc nữa.

Y móc trong bọc ra viên thuốc xanh:

- Đây là thuốc giải Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng Trung-quốc.

Tần ngần một lát rồi y tiếp:

- Sau này Nhật-Hồ tiên sinh về Đại-Việt, cải biến Nhật-hồ Chu-sa độc chưởng thành Ngũ-độc Nhật-hồ chu sa chưởng. Ai trúng chưởng, thì mỗi năm phải uống thuốc giải một lần. Không có thuốc giải, chết sau bốn mươi chín ngày. Nhưng dù uống thuốc, mỗi tháng lên cơn một lần, đau đớn khủng khiếp trong hai giờ. Còn như dùng Hồng-thiết thần công giải độc hàng tháng không đau nữa. Hàng năm không phải uống thuốc giải.

- Nhưng sau này có trúng độc lại không?

- Có.

Xích-Thập đưa cho Triệu Thành năm viên thuốc mầu xanh:

- Vương gia phân phối cho các vị đây uống. Nếu khỏi hẳn, thì người đánh là bọn Hồng-thiết Trung-quốc. Nếu trong vòng một tháng, thấy lên cơn, ắt do bọn Hồng-thiết Đại-việt đánh, mỗi vị cần uống một viên thuốc đỏ này.

Triệu Thành phân phân phát thuốc cho cả bọn uống. Địch Thanh, Triệu Huy, Vương Duy-Chính vận khí nuốt thuốc vào khoảng nhai dập miếng trầu, cơn đau tan biến hết. Chúng xúm vào tạ ơn Hoàng Văn với Đỗ Xích-Thập.

Triệu Thành hỏi:

- Hoàng quân hầu, người biết chế thuốc này ư?

Hoàng Văn vốn là quân lưu manh. Y nghĩ thầm:

- Tội gì mà khai với Triệu-Thành. Để Thành biết chế thuốc, mình đâu còn được trọng dụng nữa?

Y trả lời lấy lệ:

- Thưa vương gia, tiểu tướng dùng tiền bạc, mua được hai bình này của giáo chúng Hồng-thiết giáo.

Triệu Thành tinh tế hơn:

- Như vậy Hồng-thiết giáo Đại-Việt còn biết cách chế thuốc giải. Nếu Hoàng hầu có thể dùng thực nhiều tiền bạc mua công thức chế thuốc về cho Khu-mật viện thì hay biết bao. Nếu ai cung cấp được đơn chế thuốc. Cô gia sẽ tâu lên thiên tử phong cho tước vạn hộ hầu, thưởng vàng vạn lượng.

Hoàng Văn kính cẩn:

- Thần nguyện sẽ cố gắng.

Triệu Thành hắng rặng một tiếng rồi kéo mọi người trở về với kế hoạch:

- Cô gia nhận chỉ dụ từ thiên tử, sang kinh lược Giao-chỉ, Chiêm-thành, Lão-qua, để chính đốn lại vùng Nam-biên. Khi cô gia sang, mới biết Lý Công-Uẩn lộng hành, phạm thượng. Thứ nhất y chỉ được phong Nam-bình vương, kiểm hiệu thái sư, coi quận Giao-chỉ. Thế mà y tiếm xưng hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận-thiên. Tội này không thể tha. Đất Giao-chỉ là một quận của Thiên-triều, thế mà y tự xưng quốc hiệu Đại-việt. Đó là hai tội không thể tha thứ. Trước đây, nhân Lê Long-Đĩnh hoang dâm quá độ qua đời. Công-Uẩn chỉ là tên tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, nhân chúa mới chết, con còn thơ, cướp sự nghiệp của họ Lê. Ba điều không thể dung thứ.

Y ngừng lại, bưng chén nước trà uống rồi tiếp:

- Cô gia được chỉ dụ toàn quyền giải quyết mọi sự ở Nam biên. Nếu Thiên-triều không trị tội Lý Công-Uẩn, thì các xứ man di sẽ theo đó làm loạn. Bọn gian thần tặc tử từ đó nảy lòng lang dạ thú, làm điều nghịch thiên như bọn Vương Mãng, Tào Phi ở Trung-quốc.

Y đập tay xuồng bàn:

- Mấy hôm nữa, trước anh hùng đại hội đất Giao-chỉ, cô gia sẽ lớn tiếng trách mắng Lý Công-Uẩn, làm cho y không còn uy thế. Sau đó cô gia bắt y bỏ quốc hiệu, niên hiệu. Không phải cô gia có ý đè nén người Việt. Mà cô gia chỉ muốn cho sĩ dân Giao-chỉ biết Lý Công-Uẩn không xứng đáng cai trị đất này. Nếu Lý Công-Uẩn biết cái họa diệt tộc, phải trả ngôi vị cho con cháu nhà Lê. Khi con cháu nhà Lê trở lại, biết thần phục Thiên-triều, chăm lo chăn dắt muôn dân, bấy giờ cô gia tâu với Thiên-tử cho dùng niên hiệu, quốc hiệu.

Y đưa mắt nhìn cử tọa một lượt, rồi tiếp:

- Cô gia gặp các vị hôm nay để bàn kế hoạch tách võ lâm Giao-chỉ với họ Lý, cùng khuông phò con cháu Lê Hoàn.

Đỗ Xích-Thập hỏi:

- Thưa vương gia, không biết vương gia đã tìm ra con cháu của Lê Hoàn chưa? Hiện họ ở đâu?

Triệu Thành đưa mắt cho Vương Duy-Chính. Duy-Chính mỉm cười:

- Vương gia dốc tâm hưng diệt, kế tuyệt, đã tìm ra con trai thứ năm của Lê Hoàn tên Long-Mang, trước đây được phong Nam-quốc vương.

Đỗ Xích-Thập mở to mắt:

- Vương gia mới sang đây chưa đầy một năm, mà đã thành công như vậy sao? Thần ra công tìm kiếm năm năm liền, mà không ra tông tích bất cứ con cháu xa nào của Lê Hoàn thôi chứ đừng nói Lê Long-Mang. Y hiện ở đâu?

Trừ đám tùy tùng của Triệu Thành, còn lại cử tọa đều kinh ngạc vô cùng. Vương Duy-Chính chưa trả lời ngay vào câu hỏi:

- Long-Mang hiện là một người có võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Uy tín, ân đức của y bao trùm khắp Giao-chỉ, Quảng-tây, Quảng-đông. Đệ tử của y hành sự khắp nơi.

Ni sư Hoàng Liên chau mày suy nghĩ, rồi lắc đầu:

- Võ lâm Giao-chỉ bần ni biết hết. Bàn về võ công thì ngoài Đại-Việt ngũ long ra còn Nùng sư huynh. Đỗ sư huynh đây. Long-Mang là ai? Không lẽ y là người của Hồng-thiết giáo?

Vương Duy-Chính mỉm cười:

- Sư thái nghĩ kỹ xem.

- Còn hai lão gìa Sùng-Phạm với Bố-Đại của phái Tiêu-Sơn, hai vị này không thể là Long-Mang.

Đỗ Xích-Thập chợt kêu lên:

- Thôi đúng rồi, y chính là Hồng-Sơn đại phu.

Triệu Thành đáp gọn lỏn:

- Đúng thế!

Hoàng Liên cất giọng the thé như xé lụa:

- Thôi Lý Công-Uẩn ơi, phen này mi chết nhé. Hồng-Sơn đại phu ơn đức trải khắp nơi, đệ tử đông, mỗi người coi một cơ sở. Ông ta cất tay một

cái thì tên chăn trâu họ Lý rồi đời.

Triệu Thành bỗng đứng lên dõng dạc nói:

- Có thánh chỉ của đức kim thượng. Tất cả quì xuống.

Từ Đông-Sơn lão nhân cho tới Đỗ Xích-Thập đồng quì xuống, hướng về phương Bắc. Triệu Thành lấy trục giấy trong cái ống đeo sau lưng xuống. Y mở ra đọc lớn:

Thừa thiên hưng vận Thiên-thánh hoàng đế nhà Đại Tống chiếu phong

Cho các đại thần Nam-biên đã dày công khuông phò xã tắc:

Nùng Dân-Phú

Kiểm hiệu thái bảo,

Quảng-Nguyên tiết độ sứ.

Vạn-nhai hầu.

Thực ấp nhị thiên hộ.

Thực phong nhất thiên hộ.

Nùng-tồn-Phúc

Tuần kiểm thiếu bảo,

Quảng-nguyên chiêu thảo sứ.

Thực ấp nhất thiên hộ,

Thực phong ngũ bách hộ.

Cha con họ Nùng quì gối lạy tám lạy tạ ơn.

Bọn Vương Duy-Chính, Địch Thanh xúm vào chúc mừng cha con họ Nùng. Triệu Thành nói với Hoàng Liên, Đỗ Xích-Thập, Hoàng Văn:

- Cô gia mong các vị lập công, trong việc phù Lê diệt Lý, sau đó ấp phong các vị sẽ ở quanh Thăng-long chứ không phải ở miền Bắc. Cái chức tể tướng triều Lê không ai ngoài Xích-Thập. Thái úy tổng đốc quân mã dành cho Hoàng Văn. Vua Bà Bắc-biên nhất định là sư thái Hoàng Liên.

Hoàng Văn vẫy tay. Từ trong nhà, sáu thiếu nữ quần áo lụa xanh, tha thướt bưng ra sáu cái khay đựng đồ ăn, bầy sang bàn bên cạnh.

Mỹ-Linh lại kinh hoảng. Vì sáu thiếu nữ đó trước đây đều là cung nga hầu hạ trong phủ Khai-Thiên vương. Nhân đến tuổi hai mươi hai, phụ vương nàng cho về lấy chồng. Không hiểu sao nay lại là tỳ nữ của Hoàng Văn?

Hoàng Văn đứng lên nói:

- Vương gia cùng các vị giá lâm tệ trang, tiểu nhân xin kính thỉnh dùng bữa cơm lạt, gọi là làm duyên.

Cả bọn đứng lên, sang bàn bên cạnh. Triệu Thành được mời vào ghế chủ vị. Kế đó đến Vương Duy-Chính, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, rồi mới tới bọn Nùng. Thấp nhất là Đỗ Xích-Thập.

Hoàng Văn cầm bình rượi đưa lên cao nói:

- Đây là rượu cất bằng nếp than. Uống vào không hại người, mà còn bổ đưỡng. Trong bình rượu này ngâm chín con tắc kè đực. Rượu nếp than ngâm với tắc kè vùng Thanh-hóa nổi tiếng bổ thận tráng dương.

Nói rồi y rót rượu mời khách. Triệu Thành cầm chung rượu dơ cao lên:

- Mời các vị. Chung rượu này chúc các vị thành công.

Mọi người nâng chung rượu uống.

Vương Duy-Chính hỏi Hoàng Văn:

- Hoàng quân hầu. Quân hầu đã cắt người canh gác cẩn thận chưa? Trước khi bàn đến mật kế, có cần đi kiểm soát lại xung quanh nhà không?

Hoàng Văn cười:

- Vương chuyển vận sứ đừng lo. Quanh nhà này, tôi cho phục một đội mười con chó. Ngoài các ngả vào đây đều có người canh gác cẩn thận.

Mỹ-Linh cười thầm:

- Thế nhưng chó của mi lại không cắn bọn ta mới tuyệt.

Tuy nghĩ thế, nàng cũng phải qui tức thật cẩn thận, vì với bản lĩnh bọn Hoàng Liên, Đỗ Xích-Thập, Đông-Sơn lão nhân, nàng chỉ cần thở nhẹ một tiếng, là chúng khám phá ra ngay. Dù nàng có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, e cũng không thoát khỏi tay chúng.

Vương Duy-Chính hắng rặng một tiếng rồi nói:

- Chỉ còn mấy ngày nữa là đại hội võ lâm. Không biết mục đích đại hội là gì? Ai đứng ra tổ chức.

Hoàng Liên khúm núm:

- Lệ từ hơn trăm năm nay, mỗi năm một trong bẩy môn phái đứng ra tổ chức một lần. Năm nay đến lươt phái Mê-linh. Địa điểm là bãi Hội-phụ, Lê-xá, Thị-thôn. Chương trình không có gì đặc biệt. Điểm chính là tế Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng vương phi Nguyễn Phương-Dung. Sau đó, tới phần tuyển ngũ anh, ngũ hùng, ngũ hào và ngũ kiệt. Đặc biệt đại hội năm nay, các tôn sư võ phái xét lại vấn đề ngôi vua Đại-Việt.

Triệu Thành ngơ ngác:

- Cuộc thi võ ra sao?

- Võ lâm Đại-Việt định rằng, mỗi phái được cử ra năm người theo thứ tự võ công cao bậc nhất, nhì, ba, tư, năm. Những thí sinh bậc nhất sẽ tranh đấu với nhau. Cuối cùng tuyển năm người võ công cao nhất là Ngũ-anh. Sau đó tuyển tới năm người bậc nhì là Ngũ-hùng, năm người bậc ba là Ngũ-hào, cuối cùng là Ngũ-kiệt. Tất cả hai mươi lăm người trúng cách, đều đươc bổ dụng vào các chức võ quan của triều đình.

Đông-Sơn lão nhân khen:

- Sáng kiến này hay đấy. Nhưng ai sẽ là giám khảo, trọng tài?

Hoàng Liên hỏi Hoàng Văn:

- Quân hầu, người có biết không? Bần ni ở trên tuyệt đỉnh Liên-sơn, không rõ cho lắm.

Hoàng Văn thở dài:

- Sáng kiến này của Vạn-Hạnh quốc sư. Kể từ khi Lý Công-Uẩn lên cầm quyền. Mục đích cung ứng nhân tài cho triều đình. Giám khảo bao giờ cũng có ba người. Một người đo phái võ đứng tổ chức cử ra. Năm nay là phái Mê-linh. Một người do thái-úy cử ra. Như vậy năm nay sẽ do tên ôn con Lý Long-Bồ đề cử. Một người do quốc sư cử ra. Quốc sư hiện thời là Minh-Không, sư huynh của Lý Công-Uẩn. Còn luật lệ, mỗi năm do binh bộ thượng thư đưa ban hành ra. Thể lệ sẽ công bố trước khi đấu.

- Những ai được quyền ứng thí? Ai không được quyền ứng thí?

- Một là do môn phái cử ra, cũng có người không do môn phái cử ra. Những người này phải tới binh bộ thi sơ tuyển. Năm nay nghe đâu số thí sinh tự do tới hai mươi người. Bất cứ ai cũng có quyền ứng thi hết.

Triệu Thành ngồi bật dậy:

- Làm thế nào chúng ta cho một số đệ tử trà trộn vào thi. Sau khi trúng tuyển sẽ nắm binh quyền trong tay. Lúc hữu sự tiện biết bao?

Hoàng Văn gật đầu:

- Vương gia thực minh kiến. Bọn tiểu nhân đã tính đến việc đó rồi. Trong hai mươi người thi tự do, có mười người của bọn thần. Trong đó đệ tử của thần chiếm bốn. Đệ tử của Nùng tiết độ sứ chiếm hai. Đệ tử của Hoàng Liên sư thái chiếm bốn. Đệ tử của Đỗ huynh chiếm hai.

Triệu Thành hài lòng. Y gật đầu tỏ ý khen tặng. Hoàng Văn tiếp:

- Đầu tiên giờ Dần ngày mười rằm, chưởng môn nhân các phái đến trước bàn thờ dâng lễ, dâng hương. Sau đó ai về chỗ người ấy. Tiếp theo là tế. Đến giờ Ngọ thì Lý Công-Uẩn đến dâng hương, cùng lễ vật. Sau đó ngừng. Hôm sau anh hùng đến Cổ-loa xem duyệt binh. Đến chiều Lý Công-Uẩn đãi tiệc cùng bàn quốc sự. Ngày thứ ba thi võ. Thi võ cũng tại Cổ-loa.

Vương Duy-Chính nói với Triệu Thành:

- Thưa vương gia, vậy chúng ta sẽ phá đại hội này như sau. Khi chưởng môn các môn phái đến dâng hương, chúng ta xuất hiện với tư cách quan khách. Hoàng Liên sư thái, chỉ trích Tịnh-Tuệ không đử đức cũng như tài làm tôn sư. Sau đó sư thái đánh bại Tịnh-Tuệ, đoạt bắt y suy cử làm tôn sư. Đỗ Xích-Thập tiên sinh cũng xuất hiện, đánh bại Đặng Đại-Khê chiếm quyền đại tôn sư phái Tản-viên. Thế là trong Đại-Việt ngũ long, ta có hai, đương nhiên thêm Trần Tự-An phái Đông-a, Hồng-Sơn đại phu phái Sài-sơn theo ta. Chúng ta bốn người, trong khi Minh-Không cô độc.

Triệu Thành khoan khoái vỗ vai Vương Duy-Chính:

- Mưu kế tuyệt vời.

Vương Duy-Chính tiếp:

- Khi Đại-Việt ngũ long họp nhau bàn quốc sự, vương gia đứng lên trách Lý Công-Uẩn về việc tiếm quốc hiệu Đại-việt, tiếm xưng hoàng đế. Tất nhiên Công-Uẩn phải lùi bước, xin bỏ quốc hiệu, niên hiệu. Đến đây vương gia rời gót ra đi. Khi vương gia lui rồi, thì Hoàng Liên sư thái, Đỗ Xích-Thập sư huynh đứng lên thống mạ Công-Uẩn hèn hạ, làm nhục quốc thể, yếu cầu Đại-Việt ngũ long bắt y thoái vị. Đương nhiên Trần Tự-An, Lê Long-Mang khoan khoái cùng ép Công-Uẩn. Thế là mọi sư thành công tốt đẹp.

Trên xà nhà Mỹ-Linh nghe bọn gian bàn kế, nàng nhủ thầm:

- Hỏng bét rồi. Như vậy thì ông mình sẽ phải trả ngôi cho Hồng-Sơn đại phu. Không biết chú hai sẽ giải quyết ra sao.

Bỗng Triệu Huy lại kêu lên tiếng ái chà. Mặt y đỏ phừng phừng như người say rượu. Đỗ Xích-Thập chạy lại bắt mạch. Triệu Thành hỏi:

- Cái gì vậy?

- Triệu an phủ sứ bị trúng thêm một thứ phấn độc qua đường hô hấp nữa. Thứ phấn này tác dụng hơi giống Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Vương Duy-Chính ngồi xổm dậy:

- Vậy thì bọn giao chiến với chúng ta thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc. Đúng rồi. Tôi nghe đám đệ tử Nguyên-Hạnh cũng bị trúng thứ phấn này. Có bọn chết. Có bọn còn bị bệnh. Riêng bọn bị trúng trên núi Dục-thúy không hiểu sao tự nhiên khỏi.

Mỹ-Linh cười thầm:

- Cái đó thì sai. Bọn bị trúng độc trên núi Dục-thúy do chị Bảo-Hòa, Thanh-Mai cho thuốc giải.

Vừa lúc đó cả bọn Triệu Thành đều có hiện tượng giống Triệu Huy. Chúng nghiến răng ngồi vận công chống độc. Trong khi đó bọn Hoàng Văn lăng xăng chay đi chạy lại. Hơn giờ sau, cơn đau tự biến mất.

Đỗ Xích-Thập thở dài:

- Như vậy bang Nhật-hồ trung quốc chế ra lối phóng độc mới bằng phấn. Không biết có tác dụng giống như Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng hay khác? Điều quan trọng, chúng ta phải tìm ra bọn này, đòi thuốc giải. Bằng không thì nguy lắm.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...