“Thanh Thanh, bình tĩnh chút.” Thiệu Thịnh An thấy cô giận tới độ mặt trắng bệch thì cực kỳ lo lắng. Thấy cô trừng mắt nhìn chằm chằm Hồ Nham Hải thế là anh càng sợ cô không nhịn được đâm kẻ kia một dao.
“Là tôi sai, đều là tôi sai.” Những chỉ trích của Kiều Thanh Thanh khiến Hồ Nham Hải tỉnh lại giữa mơ màng hồ đồ. Vẻ mặt anh chết lặng, “Thanh Thanh, tôi biết cô hận tôi, cô cứ giết tôi đi.”
“Đại Hải!” “Nham Hải!”
“Sao tôi phải giết anh?” Kiều Thanh Thanh đã lấy lại bình tĩnh và xoay người, “Khi nào thì đưa ma?”
Không có lễ tang, Viên Hiểu Văn chỉ được mai táng đơn giản. Hồ Nham Hải không muốn chôn cô ấy trong nghĩa địa của khu nhà.
“Chỗ này quá lạnh, toàn là băng, tôi muốn chôn cô ấy ở Phúc Sơn.”
Sáng sớm ngày hôm sau Kiều Thanh Thanh và Thiệu Thịnh An cùng Hồ Nham Hải và hai người anh họ đi tới Phúc Sơn. Năm người cùng đi, Hồ Nham Hải cõng thi thể dùng giày trượt băng tới Phúc Sơn.
Kiều Thanh Thanh không biết lúc Vương Gia Nhạc mượn giày trượt băng để đưa ông nội với Phúc Sơn đã cảm thấy thế nào nhưng cô biết lúc này trái tim mình như bị khoét một lỗ. Cô không muốn nói chuyện, không muốn làm bất kỳ cái gì, chân và tay hoạt động như máy móc.
Cho dù đã qua một đêm trước mắt cô vẫn hiện lên bộ dạng Viên Hiểu Văn vỡ đầu, máu chảy lênh láng. Lòng cô vẫn bi thương không nguôi.
Thậm chí cô còn nghĩ đời trước mình như tượng đất qua sông, ốc còn không mang nổi mình ốc nên chưa từng đi tìm gặp Viên Hiểu Văn. Sau đó hai người mất liên lạc, liệu có phải lúc ấy Văn Văn cũng qua đời như thế này hay không?
Liệu có phải cô ấy cũng trải qua nỗi tuyệt vọng ngày càng lớn khi bị nhốt trong hoàn cảnh lạnh giá thế này để rồi lựa chọn tự giải thoát hay không?
Kính chắn gió trước mặt cô mờ dần thế là cô tháo nó xuống để gió lạnh thổi tan nước mắt.
Giữa trưa bọn họ tới Phúc Sơn. Nơi ấy có địa thế cao nên được chọn làm một chỗ lánh nạn. Từ xa bọn họ có thể nhìn thấy những nóc nhà và vách tường màu xám. Vật liệu kiến trúc khá giống với khu lánh nạn ở tiểu học Kim Nguyên.
Trước mạt thế Phúc Sơn chính là nghĩa địa công cộng, ngày thường chỉ có người tới phúng viếng và công nhân nghĩa trang phụ trách quét tước. Nhưng từ khi lũ lụt tràn tới cùng nhiệt độ hạ xuống thì chỉ cần có chỗ cao ráo để đặt chân người ta cũng chẳng quan tâm đến việc ở cạnh người chết.
Lúc lên núi mấy người Kiều Thanh Thanh phải trải qua kiểm tra bởi bên này có quân đội quản lý.
Sau khi đăng ký có nhân viên công tác dẫn đường cho bọn họ: “Vị trí tốt đã không còn, chỉ còn lại vài chỗ hẻo lánh, mọi người có thể chọn một chỗ.”
Cuối cùng Hồ Nham Hải chọn một chỗ quay mặt về phía quê nhà của Viên Hiểu Văn.
Thi thể được hỏa táng và biến thành một vò tro cốt nho nhỏ. Đất đã đóng băng nhưng một mình Hồ Nham Hải đào mồ và không cho những người khác nhúng tay vào. Đợi chôn xong vò tro cốt kia thì hồn vía của Hồ Nham Hải cũng như bị chôn dưới lòng đất.
“Tôi rất hận anh, nhưng Văn Văn lại yêu anh. Cô ấy không muốn liên lụy anh vì thế anh phải sống cho tốt, đừng để cô ấy ra đi không được an ổn.”
Hồ Nham Hải không nói gì mà vẫn ngồi quỳ ở nơi đó. Kiều Thanh Thanh cũng chẳng đợi anh ta đáp lại mà nói xong là đi ngay.
Trên đường về Kiều Thanh Thanh vẫn trầm mặc. Lúc về tới nhà trời đã tối hẳn. Mấy người Kiều Tụng Chi đang lo lắng chờ đợi thấy hai người về mới thở nhẹ một hơi.
“Mẹ cứ tưởng con sẽ ở lại nhà Văn Văn một ngày, tình cảm của hai đứa vốn tốt như thế…… Làm sao vậy?” Kiều Tụng Chi nhẹ giọng hỏi, “Đã xảy ra chuyện gì sao?”
“Văn Văn không còn nữa rồi.” Thiệu Thịnh An nói.
Kiều Tụng Chi khiếp sợ: “Sao lại thế? Con bé còn trẻ thế cơ mà!”
“Cô ấy tự sát. Mẹ, để con nghỉ ngơi một chút, con không ăn cơm tối đâu.” Kiều Thanh Thanh vào nhà thay quần áo rồi chui vào trong chăn. Nhưng vừa nhắm mắt cô đã nhớ tới đôi mắt rưng rưng của Viên Hiểu Văn. Hóa ra lúc ấy Văn Văn đang tạm biệt cô.
Con người ta thật kiên cường, cũng thật yếu ớt.
Mạng người có thể ngoan cường như cỏ dại, cũng có thể giống sương mai và nhanh chóng tan đi.
Cửa phòng bị mở ra, cô nghe thấy tiếng sột soạt, một lát sau Thiệu Thịnh An cũng lên giường.
Cô xoay người chui vào lòng anh. “Đói bụng không?”
Cô lắc đầu, hỏi anh ăn chưa.
“Em không ăn thì anh cũng không muốn ăn.”
Kiều Thanh Thanh nhíu mày muốn bò dậy lại bị Thiệu Thịnh An ôm lấy: “”Đừng nhúc nhích, anh biết tâm tình em không tốt. Để anh ôm em một chút, chờ em cảm thấy khá hơn chúng ta sẽ cùng ăn cơm chiều nhé?”
“Em không sao, để em đi lấy ít đồ ăn cho anh.” “Anh muốn ăn mì thịt bò, loại cay rát ấy.”
Thiệu Thịnh An bò dậy dọn một cái bàn nhỏ ra rồi đốt một ngọn nến. Kiều Thanh Thanh lấy từ trong không gian hai bát mì thịt bò cay vẫn còn nóng hổi. Cả không gian lập tức tràn ngập mùi mì cay cay thơm thơm.
“Anh còn muốn ăn sủi cảo chưng, nhân rau hẹ ấy. Cả bánh bao nhỏ nữa, chúng ta có không?” Thiệu Thịnh An gọi món ăn.
“Có.” Kiều Thanh Thanh không ngừng lấy sủi cảo chưng và bánh bao nhỏ cùng một đĩa hoành thánh chiên bày ra bàn.
Trên cái bàn nhỏ, hai vợ chồng vùi đầu ăn một bữa cơm chiều muộn hơn người khác. Lúc mới đầu Kiều Thanh Thanh quả thực không có khẩu vị gì, nhưng ăn được mấy miếng thì vị cay rát của mì khiến cô thấy ngon miệng hơn. Dạ dày cũng phát ra tín hiệu đói khát thúc giục cô nhanh chóng ăn cơm lấp đầy nó.
Thiệu Thịnh An gắp một cái bánh bao nhỏ đút cho cô: “Ăn ngon nhỉ? Anh nhớ trước kia lúc đi học em nói gần nhà em có cửa hàng bán bánh bao cực kỳ ngon. Lúc ấy anh nghe đã thèm, sau đó em gói một phần mang cho anh, tới giờ anh vẫn nhớ rõ mùi vị ấy.”
“Vẫn là mùi vị ấy, Văn Văn cũng thích ăn bánh nhà này. Thịnh An, anh đừng quá lo lắng cho em. Văn Văn đi rồi khiến em rất khổ sở, nhưng em cũng tự nhủ bản thân rằng ít nhất đời này em còn được gặp cô ấy một lần ——” Kiều Thanh Thanh hít sâu một hơi và cố nén nghẹn ngào. Sau đó cô nở một nụ cười mang theo bi thương.
“Lúc trước em toàn lo được lo mất nhưng giờ em nghĩ kỹ rồi. Thịnh An, được sống lại không có nghĩa mọi thứ có thể theo ý mình. Em đã chuẩn bị tâm lý cho sự biệt ly. Biệt ly cũng không phải điều đáng sợ, ít nhất đời này em và Văn Văn
còn được gặp lại nhau. Qua 10 năm lại gặp lại vì thế mỗi một khắc đều đáng giá và quý trọng. Thế là đủ rồi, cũng là trời cao ban ân rồi.”
Nhìn đôi mắt đỏ bừng của vợ Thiệu Thịnh An chỉ thấy chua xót trong lòng. Anh biết cô hay nghĩ nhiều, không phải chỉ dăm ba câu của anh là đủ giúp cô nghĩ thông. Mười năm sống trong cô độc, không có người thân và bạn bè ở bên nhất định đã mang tới chấn thương tâm lý nghiêm trọng cho cô. Điều anh có thể làm chính là dốc hết sức giúp cô cảm nhận được sự tồn tại của mình, rằng anh sẽ ở bên cạnh cô, sẽ không rời bỏ.
“Được, chúng ta sẽ cùng nhau quý trọng mỗi một giây phút của hiện tại, không để lại bất kỳ tiếc nuối nào.”
Lúc rời khỏi nhà Hồ Nham Hải cô có mang về một ít di vật của Viên Hiểu Văn để làm kỷ niệm.
Đó là một cái áo và một cái vòng cổ.
Kiều Thanh Thanh bỏ chúng vào một cái hộp, trong đó còn có ảnh chụp, thư và quà sinh nhật Văn Văn đưa cho cô lúc còn đi học…… Cô cất cái hộp vào trong không gian như một món đồ quý. Sau đó một thời gian dài cô luôn gặp ác mộng. Trong mơ cô thấy thi thể đầy máu của Viên Hiểu Văn và mặt băng nhuộm đỏ.
Cảnh trong mơ lạnh lẽo, tuyệt vọng nhưng cũng may người thân bên cạnh lại ấm áp, sống động. Mỗi khi cô bừng tỉnh khỏi địa ngục kia thì luôn có người ở bên cạnh an ủi cô.
Thời gian vẫn tiếp tục trôi về phía trước, chưa bao giờ dừng lại vì bất kỳ ai.
Mùa hè rồi mùa đông lại tới, thế giới vẫn bao phủ trong một mảnh lạnh lẽo. Mùa đông này nhiệt độ thấp nhất ở bên ngoài đã xuống tới âm 80 độ. Lúc mời thợ tới làm sưởi sàn cô đã yêu cầu nhãn hiệu có thể chịu lạnh tốt nhất. Cáp điện của loại này không sản xuất ở địa phương, là cô ra giá gấp ba lần để bọn họ nhanh chóng vận chuyển tới từ phương bắc. Loại này có thể hoạt động bình thường ở thời tiết âm 60 độ, ngoại trừ việc giá cả đắt và phí điện thì không có khuyết điểm nào khác.
Sử dụng sưởi sàn mấy ngày nay quả thực tốn xăng nhưng chỉ cần đêm ngủ một giấc ngon thì mọi tiêu hao đều đáng giá.
Lúc nhiệt độ xuống tới âm 80 độ thì sưởi sàn không hoạt động nữa. Cả nhà cô đành phải dùng lò than truyền thống để sưởi. Mỗi đêm trước khi đi ngủ cô đều phải kiểm tra tình huống thông khí trong nhà để tránh cho cả nhà bị ngạt khói.
Điều kiện sinh hoạt của nhà cô đã coi như tốt nhưng trong trời đông giá rét này bọn họ vẫn bị nứt da, đau tới độ Thiệu Thịnh Phi khóc lóc thảm thiết.
Nhưng so với chết thì nứt da có vẻ chỉ là một cái giá quá nhỏ để sống sót. Ngoài kia có bao nhiêu người lịm đi trong đêm đen, những nấm mộ tạm thời mọc lên
như nấm ở khu trống.
Có vài gia đình đột nhiên có một ngày không mở cửa nữa, hàng xóm đi tới khu thuyền vật tư báo cáo cảnh sát mới chạy tới phá cửa sau đó khiêng thi thể đã đông thành đá ở bên trong ra.
Con gái Vương Gia Nhạc, con gái Vương Gia Hân, và con trai một người em họ của Vương Gia Nhạc đều không sống sót nổi trong trời đông giá rét này. Mấy đứa nhỏ bệnh suốt, cuối cùng qua đời.
Cái chết trở thành bi kịnh thường thấy nhất trong lúc này.
Kinh tế sụp đổ, không biết bao nhiêu công ty, nhà xưởng phải đóng cửa hoặc phá sản, vô số người thất nghiệp. Các yếu tố khiến xã hội bất ổn ngày một tăng lên. Đội trị an ở thuyền vật tư tuần tra ngày đêm, nỗ lực ổn định trật tự. Trong thời kỳ đặc thù này không có giam cầm, chỉ có lao động cải tạo hoặc tử hình.
“Khu bên cạnh có một kẻ bị bắt ra ngoài đào băng, nghe nói vì cưỡng hiếp một đứa nhỏ mới mười mấy tuổi. Aizzz, đúng là tạo nghiệt mà!” Kiều Tụng Chi đi đổ rác về và nói ra một tin mình nghe được.
“Kẻ xấu xa như thế mà chỉ bị bắt đi đào băng thôi sao?” Mẹ Thiệu cảm thấy phẫn nộ thay cho nạn nhân, “Phải thiến đi mới đúng!”
“Đào băng cũng không dễ đâu, nghe nói có người liên tục đào băng hơn 10 ngày, ngón chân đều lạnh tới độ rụng hết, cuối cùng vì sống sót phải cắt cụt tới đầu gối.” Như thế không khác gì thiến, cũng chẳng có cách nào ra ngoài gây họa cho người khác nữa.
“Đám Thanh Thanh còn chưa về sao?” Kiều Tụng Chi nghe động tĩnh trong phòng và hỏi.
“Còn chưa về đâu, nhưng chắc cũng sắp về rồi. Lát nữa tới lượt chúng ta đi lĩnh vật tư. Bà thông gia đi thay quần áo đi, nhớ quàng khăn che tai. Ngày đó tôi ra ngoài thấy một người không có tai làm tôi sợ quá, thật kinh dị.”
Kiều Tụng Chi gật đầu: “Tôi đi quàng khăn đây.”
Ở chỗ thuyền vật tư Kiều Thanh Thanh, Thiệu Thịnh An và Thiệu Thịnh Phi đã nhận xong vật tư của mình nhưng sở dĩ bọn họ còn chưa về là vì gặp được một người quen.
Công ty của Thiệu Thịnh An trước kia làm về lĩnh vực phần mềm, sau khi duy trì một năm thì tuyên bố phá sản. Công ty của Kiều Thanh Thanh làm về buôn bán y dược cũng bị ảnh hưởng nặng, hiện tại đang lay lắt.
Người quen hôm nay bọn họ gặp chính là đồng nghiệp cũ ở công ty cô. Đã lâu không gặp nên cô ấy nói rất nhiều, cứ lôi kéo Kiều Thanh Thanh nói mãi.
“Tôi đã sớm từ chức rồi, giờ có cho tôi vị trí quản lý tôi cũng chẳng thèm làm. Thời buổi này ai cũng phải đánh cuộc mạng sống, tôi cũng muốn sống…… mấy tháng trước đã không trả lương, mà dù có trả thì cũng đâu có tiêu được! Mang
tiền ra ngoài người ta cũng chẳng bán hàng cho, cũng chẳng có cách nào! Một tháng ba vạn tệ nhưng chẳng thể nuôi sống bản thân, chính phủ hẳn cũng biết chúng ta chẳng thể dùng tiền nên mới phát vật tư cứu tế…… Tiền lương thì làm được cái mẹ gì? Sau đó ông chủ lại mang thực phẩm chức năng ra trả thay cho lương. Nhưng tôi cần đống thực phẩm chức năng ấy để làm gì, có thể no bụng hay ấm người à? Tôi mang đi đổi cái khác cũng khó, thời buổi này chẳng ai muốn lấy mấy thứ kia. Tôi nghĩ công ty muốn bức bộ phận tiêu thụ bỏ việc, dù sao thuốc ở thời kỳ này chả cần gào thét cũng đầy người tranh cướp. Tôi nghe nói phúc lợi bên nhà xưởng tốt muốn chết. Tôi cũng muốn chuyển sang bên ấy nhưng không được……”
Cô nàng tiếp tục kêu gào công ty khôn khéo ranh ma: “Nếu bọn họ chịu trả bằng những loại thuốc có thực dụng thì tôi cũng miễn cưỡng tiếp tục làm. Hiện tại một hộp thuốc hạ sốt cũng khó kiếm…… Công ty đúng là kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người khác, bao nhiêu thuốc đều được chuyển ra nước ngoài, đúng là tâm thần……” Cô ấy ghé sát tai Kiều Thanh Thanh và nhỏ giọng nói, “Nghe nói là để đổi lấy vàng và châu báu. Nghe mọi người kháo nhau là ông chủ công ty chúng ta xây một cái két ngầm rộng mấy trăm mét vuông, tất cả đều chứa vàng!”
Kiều Thanh Thanh nghe xong thì cười nói: “Không tới mức ấy chứ.”
Đồng nghiệp của cô cười haha: “Chắc là cũng có chút nói phét, dù sao cũng chỉ là tin đồn. Có điều mấy trăm mét vuông mà không có thì mấy chục mét ắt có.
Hiện tại ai làm trong ngành sản xuất thuốc cũng đều có tài sản kếch xù!”
Sau này có lần Kiều Thanh Thanh lại gặp được đồng nghiệp kia và nghe cô ấy nói: “Nghe nói công ty bị kê biên tài sản! Ông chủ bị bắt giam rồi! Lâu thế mới bị bắt, chứng tỏ chống lưng của ông ta cũng không vừa.”
Kiều Thanh Thanh ít khi chú ý tới chuyện bên ngoài, mỗi ngày cô đều tập trung vào chuyện của nhà mình. Lúc này nghe chút tin tức bên ngoài của đồng nghiệp cũng coi như giúp cuộc sống phong phú hơn. Nhưng tiếc là cả nhà cô ấy không ở lại đây lâu mà chuyển tới nơi khác một tháng sau.
“Vốn dĩ chỗ này cũng chỉ là nơi ở tạm thời, chồng tôi tìm được một chỗ khác tốt hơn nên chúng tôi lại chuyển đi. Thanh Thanh, về sau có cơ hội gặp lại nhé.”
Kiều Thanh Thanh tặng cô ấy một lọ kem bôi mặt thế là cô ấy vui vẻ ôm lấy cô nói: “Giữ sức khỏe nhé.”
Tiễn đồng nghiệp không phải quá thân thiết này đi khiến cô cũng cảm thấy hơi thương cảm. Trong thời kỳ mạt thế, thiên tai liên tiếp thế này mỗi một người quen đều khó mà gặp được. Gặp một lần cũng đáng quý, bởi không biết lúc nào mới có thể gặp lại.
Đạo lý này cô hiểu rõ nhưng Kiều Thanh Thanh chưa từng nghĩ tới ngày cô phải chia tay bác sĩ Ngụy lại tới đột ngột như thế.
Sau hôm phát vật tư là thứ bảy vì thế cô theo lẽ thường tới nhà bác sĩ Ngụy học tập. Một năm này hai người qua lại nên tình cảm cũng thân thiết hơn. Cháu gái bác sĩ Ngụy nhờ có gạo, mì và sữa bột Kiều Thanh Thanh mang tới mà có thể khỏe mạnh lớn lên, dù thoạt nhìn vẫn gầy yếu.
“Trời lạnh lắm, ngày mai anh không cần đi đón em đâu, em có thể tự về.”
“Cũng không quá lạnh, anh đã quen với nhiệt độ này rồi. Em lên lầu đi, anh bỏ đồ lại rồi sẽ về.” Thiệu Thịnh An cõng nửa túi gạo, một túi mì sợi, còn có chân giò hun khói, ít trứng gà. Đây là đồ ăn và học phí hai ngày này của Kiều Thanh Thanh.
Lúc lên lầu Thiệu Thịnh An gõ cửa, người ra mở cửa là con dâu của bác sĩ Ngụy. Khi sinh đứa nhỏ cô ấy bị rong huyết, tuy được cứu nhưng sức khỏe rất kém, thường ngày chỉ ở trong nhà. Mọi người trong nhà họ đều ra ngoài làm việc kiếm vật tư hỗ trợ gia đình, chỉ có cô ấy và đứa con gái ở nhà làm bạn với bác sĩ Ngụy mỗi khi bà được nghỉ phép.
Cửa vừa mở ra Kiều Thanh Thanh đã thấy khuôn mặt cô ấy tiều tụy trắng bệch, sau đó cô nghe thấy tiếng ồn ào, thậm chí ngửi được mùi máu tươi.
Lòng cô lập tức trầm xuống.