Những Đứa Con Của Nửa Đêm
Chương 13: Tình yêu ở Bombay
Sau đó là chuyến đi trên chiếc Rover đến rạp chiếu bóng nơi chúng tôi chẳng được chén Coca-Cola hay khoai tây chiên, không kem Kwality hay samosa bọc trong giấy nhờn mỡ. Nhưng ít nhất thì ở đó cũng có điều hòa, rồi phù hiệu Cub Club gắn trên quần áo, rồi các cuộc thi, rồi tuyên bố sinh nhật do người dẫn chương trình có hàng ria thưa thực hiện. Và rốt cuộc, bộ phim, sau phần trailer với lời thiệu “Bom Tấn Tiếp Theo” hay “Sắp Khởi Chiếu”, rồi phim hoạt hình (“Sắp Đến Rồi, Bộ Phim Lớn, Nhưng Trước Hết...!”): Quentin Durward, có thể, Scaramouche.
“Táo tợn!” bọn tôi sẽ bảo nhau khi hết phim, vào vai nhà phê bình, rồi, “Một phim giải trí om sòm, tục tĩu!” – dù cả bọn chẳng biết thế nào là táo tợn với tục tĩu. Gia đình tôi không siêng cầu nguyện lắm (trừ dịp Eid-ul-Fltr[2], khi cha tôi đưa tôi đến nhà thờ vào thứ Sáu để đón ngày lễ bằng cách thắt mùi soa quanh đầu tôi rồi gí trán tôi xuống đất) ... nhưng bọn tôi luôn sẵn lòng nhịn ăn, vì mê rạp chiếu bóng.
[1] Metro là một rạp chiếu phim lớn ở Bombay, ra đời năm 1938, có chính sách chiếu phim ưu đãi vào cuối tuần dành cho trẻ em (Cub Club có nghĩa là Câu lạc bộ Thiếu Nhi).
[2] Kỳ lễ kéo dài ba ngày, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.
Evie Burns và tôi cùng nhất trí: ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất thế giới là Robert Taylor. Tôi thích Jay Silverheels trong vai Tonto; nhưng kenmo-sabay[3] của anh, Clayton Moore, theo ý tôi, quá béo để vào vai chàng Kỵ sĩ Độc hành.
[3] Biệt danh Tonto dùng để gọi chàng Kỵ sĩ Độc hành.
Evelyn Lilith Burns đến vào ngày đầu năm mới, 1957, cùng ông bố góa vợ của nàng dọn đến một căn hộ ở một trong hai tòa nhà bê tông chè bè, xấu xí đã mọc lên, mà hầu như không ai để ý, ở mặt thấp hơn của ngọn đồi nhà tôi, và được phân chia một cách kỳ lạ: người Mỹ và những người ngoại quốc khác sống (như Evie) ở Noor Ville; những câu chuyện thành công của người Ấn mới phất kết thúc ở Laxmi Vilas. Từ độ cao của Điền trang Methwold, chúng tôi trông xuống tất cả bọn họ, da trắng cũng như da nâu; nhưng chưa một ai dám trông xuống Evie Burns – trừ một lần. Chỉ duy nhất một lần có người được leo lên trên nàng.
Trước khi tôi xỏ vào chân chiếc quần dài đầu đời, tôi đã phải lòng Evie; nhưng tình yêu, năm ấy, là một điều kỳ lạ, phản ứng dây chuyền. Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ đặt cả bọn lên cùng một hàng ghế trong rạp Metro; Robert Taylor được phản chiếu trong mắt bọn tôi khi cả bọn ngồi trong cơn đê mê chớp bóng – và theo thứ tự mang tính biểu tượng: Saleem Sinai ngồi-bên-cạnh-và-đem-lòng-yêu Evie Burns người ngồi-bên-cạnh-và-đem-lòng-yêu Sonny Ibrahim người ngồi-bên-cạnh-và-đem-lòng-yêu con Khỉ Đồng người ngồi bên cạnh lối đi và đang đói muốn chết... Tôi yêu Evie trong khoảng sáu tháng cuộc đời mình; hai năm sau, nàng trở về Mỹ, cầm dao đâm một bà già và bị gửi vào trường giáo dưỡng.
Một sự bày tỏ ngắn gọn lòng biết ơn của tôi ở thời điểm này là thích hợp: nếu Evie không đến sống giữa chúng tôi, câu chuyện đời tôi có lẽ đã chẳng bao giờ vượt khỏi những chuyến-du-lịch-trong-tháp-đồng-hồ và ăn gian ở lớp... và sẽ không có cao trào ở một nhà trọ cho góa phụ, không có bằng chứng rõ ràng về ý nghĩa của tôi, không có hồi kết tại một nhà máy nức mùi nơi có sự ngự trị của hình hài nhảy múa nhấp nháy, màu nghệ-và-lục của nữ thần Mumbadevi bằng đèn neon. Nhưng Evie Burns (nàng là rắn hay thang? Câu trả lời quá hiến nhiên: cả hai) đã đến, hoàn mỹ với chiếc xe đạp màu bạc đã giúp tôi không chỉ khám phá ra những đứa trẻ nửa đêm, mà còn đảm bảo việc chia cắt Bombay sẽ thành hiện thực.
Để bắt đầu với buổi đầu: tóc nàng làm bằng rơm nhồi bù nhìn, da nàng rắc rải đầy tàn nhang và răng nàng ngụ trong lồng kim loại. Hàm răng này dường như là thứ duy nhất trên trái đất mà trước nó nàng bất lực – chúng mọc bừa bãi, chen chúc chồng lấn nhau một cách hiểm ác, làm nàng đau ghê gớm mỗi khi ăn kem (tôi tự cho phép mình khái quát vấn đề: người Mỹ đã làm chủ vũ trụ, nhưng lại không thể kiểm soát được miệng mình; trong khi đó Ấn Độ thì bất lực, nhưng những đứa con của nó lại có xu hướng sở hữu hàm răng hoàn hảo).
Bị chứng nhức răng hành hạ, Evie của tôi hào hùng vượt lên khỏi cơn đau. Từ chối thần phục trước xương và lợi, nàng ăn bánh và uống Coca mỗi khi nhức răng; và không một lần ca thán. Một đứa trẻ cứng cỏi, Evie Burns: cuộc chế phục nỗi đau đớn đã khẳng định quyền uy của nàng với tất cả chúng tôi. Người ta tổng kết rằng mọi người Mỹ đều cần một biên giới: đau đớn là biên giới của nàng, và nàng quyết tâm mở rộng nó.
Có lần, tôi bẽn lẽn đưa cho nàng một vòng hoa đeo cổ (bà-hoàng-của-đêm[4] cho Lily-of-the-eve[5] của tôi), mua từ một bà hàng rong trên Scandal Point bằng tiền tiêu vặt của tôi.
“Đây không đeo hoa,” Evelyn Lilith nói, và tung chuỗi hoa bị hắt hủi lên trời, xé toạt nó trước khi rơi xuống bằng một viên đạn từ khẩu súng hơi Daisy bách phát bách trúng của nàng. Tàn hủy hoa bằng một khẩu Daisy[6],nàng đã chính thức tuyên cáo rằng nàng không bao giờ chịu xiềng xích, dù chỉ bởi một vòng hoa: nàng là lily-of-the-eve[7] đồng bóng quay cuồng của chúng tôi. Là Eva nữa. Trái táo của Adam trong mắt tôi[8].
[4] Một tên gọi của hoa dạ hương, vốn rất phổ biến ở vùng Tây Ấn.
[5] Hoa dạ bách hợp. Rushdie chơi chữ: Evie đọc gần giống eve, Lilith đọc gần giống Lily.
[6] Nghĩa là hoa cúc.
[7] Lill (Lilith) của ngọn Đồi (nơi tọa lạc của Điền trang Methwold).
[8] Rushdie chơi chữ: trái táo của Adam liên hệ đến câu chuyện trái cấm trong Kinh Thánh. Đồng thời apple of one’s eyes trong tiếng anh có nghĩa là niềm kiêu hãnh tình yêu của ai đó.
Nàng xuất hiện ra sao: Sonny Ibrahim, Mắt Chẻ và Tóc Dầu Sabarmati, Cyrus Dubash, con Khỉ Đồng và tôi đang chơi cricket Pháp tại vòng xuyến giữa bốn tòa cung điện của Methwold.
Cuộc chơi Đầu Năm Mới: Toxy vỗ tay trên cửa sổ có chấn song; ngay cả Bi-Appah cũng đang vui vẻ và, không một lần, rủa xả bọn tôi. Cricket – kể cả cricket kiểu Pháp, và kể cả do trẻ con chơi – vẫn là một trò chơi lặng lẽ: hòa bình xức dầu lanh. Tiếng da và gỗ liễu chạm nhau; tiếng vỗ tay lác đác; tiếng thét thi thoảng[9]
– “Ném! Ném đi, thưa ngài!”
– “Không thì seo??” Nhưng nàng Evie cưỡi xe đạp không tiêu hóa được mấy thứ đó.
[9] Da và gỗ liễu: quả bóng chơi cricket khâu bằng da, còn cây gậy làm bằng gỗ liễu.
“Ê, mày! Kẻ lũ chúng mày! Ê lèmseothếhử? Bọn mày điếc rồi à?”
Tôi đang vụt bóng (phong nhã như Ranji, dũng mãnh như Vinoo Mankad) khi nàng phóng lên đồi trên chiếc xe hai bánh, tóc rơm tung bay, tàn nhang rực cháy, niềng răng nhấp nháy những thông điệp dạng tín hiệu đèn dưới ánh mặt trời, một con bù nhìn cưỡi viên đạn bạc...
“Ê, đồ thò lò mũi xeng! Đừng xem quả bóng ngu ngấc ấy nữa, đồ hãm tài! Để tao cho mài xem cái đáng xem!”
Không thể khắc họa Evie Burns mà không vẽ nên một chiếc xe đạp; và không phải bất cứ chiếc xe hai bánh nào, mà là chiếc cuối cùng của dòng xe cổ trứ danh, một chiếc Arjuna Indiabike mới coóng, tay lái kiểu xe đua quấn băng, năm tầng líp và yên bọc vải giả da báo. Và khung xe màu bạc (màu, tôi khỏi cần nhắc quý vị, con chiến mã của Kỵ sĩ Độc hành)...
Mắt Chẻ nhếch nhác và Tóc Dầu chỉnh chu, Cyrus thần đồng và Khỉ Đồng, Sonny Ibrahim và tôi – lũ bạn chí cốt, những đứa con đích thực của Điền trang, những kẻ kế thừa hợp pháp từ khi ra đời của nó – Sonny với nết ngây thơ chậm chạp vốn có từ khi kẹp forcep bóp lõm não nó và tôi với hiểu biết bí mật đầy nguy hiểm của mình – phải, tất cả bọn tôi, võ sĩ đấu bò và đô đốc hải quân tương lai này nọ, đứng đờ ra, mắt chữ o mồm chữ a khi Evie Burns bắt đầu đạp xe, nhanhnữanhanhnữanhanhnữa chạy quanh chạy quanh vòng xuyến.
“Nhìn đây nè: xem tao đây, lũ quê mùa!”
Hết lên lại xuống cái yên da báo, Evie biễu diễn. Một chân trên yên, một chân vươn ra sau, nàng lượn quanh bọn tôi; nàng tăng tốc rồi chồng cây chuối trên yên! Nàng có thể cưỡi lên bánh trước, mặt quay ra sau, và đạp pêđan ngược... trọng lực là nô lệ, tốc độ và môi trường của nàng, và chúng tôi biết một quyền lực đã giáng hạ giữa chúng tôi, một ma nữ trên bánh xe, và hoa trên bờ giậu rắc cánh lên nàng, bụi trong vòng xuyến trỗi dậy thành những đám mây hoan hô, bởi vì vòng xuyến cũng đã tìm thấy nữ chủ nhân của mình: nó là tấm toan dưới nét cọ của hai bánh xe quay tít của nàng.
Lúc này cả lũ nhận ra nàng nữ kiệt của chúng tôi giắt một cây súng hơi Daisy bên hông phải...
“Chưa hết đâu, lũ vô dụng!” nàng hét lên, và rút súng ra. Đạn của nàng ban cho đá khả năng bay, chúng tôi liệng từng đồng anna lên không và nàng bắn hạ chúng, chết cứng.
“Mục tiêu! Thêm mục tiêu!” và Mắt Chẻ hy sinh bộ bài rummy yêu dấu không một lời oán thán, để nàng có thể bắn rụng đầu những quân vua.
Annie Oakley[10] đeo niềng răng – không ai dám nghi ngờ tài thiện xạ của nàng, trừ một lần, và đó là lúc mà triều đại của nàng kết thúc, trong cuộc đại xâm lược của loài mèo; và sẽ còn có những tình tiết giảm nhẹ.
[10] Một nhân vật có thật của miền Viễn Tây, nổi tiếng về tài thiện xạ.
Mặt đỏ bừng, mồ hôi vã ra, Evie Burns xuống xe và tuyên bố: “Từ giờ trở đi, ở đây sẽ có thủ lĩnh mới. Được chứ, các chàng Indian? Có ý kiến gì không?”
Không có ý kiến gì; lúc ấy, tôi biết là mình đã yêu.
Ở bãi biến Juhu cùng Evie: nàng thắng cuộc đua lạc đà, uống được nhiều sữa dừa nhất trong cả bọn tôi, mở được mắt dưới làn nước mặn cay sè của Biển Ả Rập.
Lẽ nào sáu tháng lại tạo ra sự khác biệt lớn thế? (Evie lớn hơn tôi nửa tuổi). Lẽ nào nó cho phép ta nói chuyện bằng vai phải lứa với người lớn? Người ta thấy Evie tán gẫu với ông lão Ibrahim Ibrahim; nàng bảo Lila Sabarmati đang dạy nàng trang điểm; nàng đến thăm Homi Catrack để tán gẫu về súng ống. (Một điều trớ trêu đầy bi kịch trong đời Homi Catrack là ông ta, người sẽ có một ngày bị súng chĩa vào, lại là một kẻ đam mê súng ống đích thực...
Ở Evie, ông ta thấy một đồng bạn, một đứa trẻ không mẹ, không như Toxy nhà ông, mà sắc sảo như dao và sáng láng như chai. Rất tình cờ, Evie không phí chút thông cảm nào dành cho Toxy Catrack tội nghiệp.
“Đầu có vấn đề,” nàng hờ hững nhận xét, “Nên bị trừ bỏ như chuột.” Nhưng Evie: chuột không hề yếu! Mặt em toát lên nét của loài gặm nhấm còn nhiều hơn là từ cả người của con bé Tox bị em khinh miệt.
Đó là Evelyn Lilith; và chỉ vài tuần từ khi nàng đến, tôi đã kích phát một phản ứng dây chuyền mà rồi tôi sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn từ hệ quả của nó.
Nó bắt đầu từ Sonny Ibrahim, Sonny-nhà-bên, Sonny đầu bẹp forcep, thằng đã kiên nhẫn ngồi trong cánh gà câu chuyện của tôi, đợi đến lượt mình. Hồi đó, Sonny là đứa suốt ngày bầm tím: không chỉ forcep làm lõm nó. Yêu con Khỉ Đồng (mặc dù theo nghĩa lên-chín-tuổi của từ này) không hề là chuyện dễ dàng.
Như đã nói, em gái tôi, sinh sau và không được tung hô, bắt đầu phản ứng dữ dội trước mọi lời tuyên bố yêu đương. Dù rằng nó được cho là biết nói tiếng chim và mèo, nhưng những lời êm ấm của người tình chỉ khơi dậy trong nó cơn hung bạo gần như dã thú; nhưng Sonny quá thật thà để biết sợ mà tránh.
Đã mấy tháng nay, nó quấy rầy con bé bằng những tuyên bố như, “Em gái Saleem, ấy là mẫu người rất được đấy!” hay, “Nghe này, ấy có muốn làm bạn gái tớ không? Ta có thể đi xem phim cùng ayah của ấy, có thể...”
Và cũng trong ngần ấy tháng, nó đã buộc thằng bé lãnh đủ vì tình yêu của mình – đặt điều với mẹ thằng bé; đẩy nó vào vũng bùn một cách vô-tình-có-chủ-ý; một lần còn tấn công nó, để lại những vết cào dài bằng móng tay và vẻ tổn thương của một con chó ốm trong mắt cu cậu; nhưng cu cậu vẫn không khôn ra. Thế là, cuối cùng, con bé đã âm mưu cú báo thù ghê gớm nhất.
Con Khỉ Đồng học trường nữ sinh Walsingham trên Đường Biển Nepean; một ngôi trường toàn người Âu cao lớn, cơ bắp cực kỳ, bơi như cá và lặn như tàu ngầm. Vào giờ nghỉ, tôi có thể thấy họ từ cửa số phòng ngủ của mình, họ nô giỡn trong cái bể bơi hình bản đồ của Câu lạc bộ Breach Candy, nơi chúng tôi bị, dĩ nhiên, cấm cửa...
Và khi tôi phát hiện ra con Khỉ Đồng không biết vì sao đã gắn bó với đám vận động viên bơi cách biệt thiên hạ ấy, như một kiểu linh vật, có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi thực sự thấy ấm ức với nó... nhưng có tranh cãi với nó cũng chẳng để làm gì; nó cứ đi đường nó. Lũ con gái da trắng đô con mười lăm tuổi cho nó ngồi cùng trên chiếc xe buýt của trường Walsingham. Ba đứa như thế sẽ đợi nó mỗi sáng tại đúng nơi Sonny, Mắt Chẻ, Tóc Dầu, Cyrus đại đế và tôi chờ xe buýt của trường Cathedral.
Một sáng nọ, vì lý do gì đấy tôi quên rồi, chỉ có Sonny và tôi là hai đứa con trai ở bến xe buýt. Hình như lúc ấy đang có dịch ốm hay sao đó. Con Khỉ Đồng chờ đến khi Mary Pereira ra về để bọn tôi lại, dưới sự săn sóc của đám vận động viên bơi đô con. Và rồi bỗng nhiên sự thật của điều nó đang mưu tính lóe lên trong đầu tôi khi, không vì lý do cụ thể, tôi bắt vào suy nghĩ của nó, và tôi hét lên: “Này!” – nhưng đã quá muộn. Con Khi Đồng rít lên, “Anh đừng có dính vào!”, thế rồi nó và ba đứa vận động viên bơi đô con nhảy bổ vào Sonny Ibrahim, đám vô gia cư và ăn mày và thư ký đạp xe đứng xem với vẻ thích thú công khai, bởi bọn nó đang xé từng mảnh quần áo khỏi người thằng bé...
“Mẹ kiếp, mày cứ trơ mắt ra nhìn thế à?” Sonny kêu cứu, nhưng tôi bị bất động, làm sao tôi có thể chọn phe giữa em gái và thằng bạn chí cốt, và nó, “Tao sẽ mách bố tao!”, giọng đầy nước mắt, trong khi con Khỉ “Cho mày chừa thói nói năng bố láo - cho mày chừa nhé,” giày nó, văng mất; sơ mi không còn nữa; áo vét, bị một đứa vận động viên nhảy cầu giật ra, “Cho mày chừa trò viết thư tình ướt át”, giờ tất cũng chẳng còn, và nước mắt giàn giụa, và “Kìa!”, con Khỉ kêu lên; chiếc xe buýt trường Walsingham chạy tới và những kẻ tấn công cùng em gái tôi nhảy lên phóng đi.
“Ta-ta-ba-ta, đồ tình lang!” chúng ré lên, và Sonny bị bỏ lại giữa đường, ở vỉa hè đối diện hiệu Chimalker và Thiên Đường của Độc giả, trần truồng như ngày mới lọt lòng; hõm forcep lấp loáng như hai hốc nước trên đá, vì Vaseline đã từ trên tóc chảy xuống; và mắt nó cũng ướt đẫm, khi nó mếu máo, “Vì sao nó lại làm thế hở mày? Vì sao, tao chỉ nói rằng tao thích...”
“Tao chịu,” tôi nói, không biết nhìn đi đâu, “Nó cứ thế đấy.” Và cũng không hề biết rằng, sẽ có một ngày nó đối xử với tôi còn tồi tệ hơn.
Nhưng đó là chín năm sau... trong khi đấy, đầu 1957, các chiến dịch tranh cử đã bắt đầu: phe Jan Sangh vận động xây nhà nghỉ dưỡng cho bò thiêng đã về già; ở Kerala, E.M.S. Namboodiripad hứa hẹn rằng Chủ nghĩa Cộng sản sẽ đem đến cái ăn việc làm cho mọi người; ở Madras, đảng Anna-D.M.K. của C.N. Annadurai thổi bùng lên ngọi lửa của chủ nghĩa vùng miền; đảng Quốc đại phản công bằng các cải cách như Luật thừa tự Hindu, cho phụ nữ Hindu có quyền thừa kế bình đẳng... tóm lại, mọi người đều mải mê cầu xin cho mục đích của mình; tôi, tuy thế, bị cứng lưỡi trước mặt Evie Burns, và phải tìm đến Sonny Ibrahim để nhờ nó ra mặt cầu xin giúp tôi.
Ở Ấn Độ, chúng tôi luôn dễ tổn thương trước người Âu... Evie mới chỉ ở cùng bọn tôi có mấy tuần, vậy mà chưa gì tôi đã bị hút vào một trò mô phỏng kỳ cục văn học châu Âu[11] (chúng tôi đã học Cyrano, dạng giản lược, ở trường; tôi cũng đã đọc sách tranh Tác phẩm kinh điển có Minh họa.) Có lẽ không có gì quá đáng khi bảo rằng châu Âu lặp lại chính mình, ở Ấn Độ, dưới dạng hí kịch... Evie là người Mỹ. Cũng thế thôi.
[11] Trong vở kịch Cyrano de Bergerac, nhân vật chính (Cyrano) được người bạn nhờ tỏ tình hộ với một cô gái trong khi chính Cyrano cũng đem lòng yêu cô gái đó. Tình cảnh của Sonny và Saleem cũng vậy.
“Ơ kìa, ông bạn, thế không công bằng, sao mày không tự đi mà nói?”
“Nghe này, Sonny,” tôi nài nỉ, “mày là bạn tao, đúng không?”
“Đúng, nhưng mày có thèm giúp...”
“Nó là em tao, Sonny, làm sao tao có thể?”
“Không, cho mày tự đi mà làm cái trò bẩn...”
“Này, Sonny, ông bạn, nghĩ xem. Nghĩ thôi. Với bọn con gái cần phải khéo léo, hả. Mày thấy con Khỉ nổi cơn tam bành rồi đấy. Mày có kinh nghiệm rồi, ờ, mày đã kinh qua chuyện đó. Lần này mày sẽ biết phải nhẹ nhàng ra sao. Tao thì biết gì đâu, ông bạn? Khéo nó còn chả thích tao tẹo nào. Hay mày muốn tao bị xé rách hết quần áo? Như thế sẽ làm mày hả dạ?”
Và thằng Sonny ngây thơ, tốt tính, “...Ờ, không...”
“Thế được rồi. Mày đi đi. Ca tụng tao một tí. Bảo đừng để ý đến mũi tao. Tính cách mới là quan trọng. Mày làm được chứ?”
“...Ừừừừmmm... tao... thôi được, nhưng mày cũng phải nói với em mày nữa, hả?”
“Tao sẽ nói, Sonny. Tao biết hứa gì bây giờ. Mày biết tính nó rồi đấy. Nhưng nhất định tao sẽ nói.”
Quý vị có thể bào binh bố trận kỹ lưỡng bao nhiêu tùy ý, nhưng đàn bà chỉ cần nhấc tay một cái thôi là hủy sạch luôn. Bao nhiêu chiến dịch tranh cử thắng lợi, thì có gấp đôi chỗ ấy thất bại... từ hiên Biệt thự Buckingham, qua khe nan của tấm mành sáo, tôi theo dõi Sonny Ibrahim vận động đối tượng bầu cử tôi lựa chọn... và tôi nghe thấy tiếng cử tri, cái giọng mũi lên cao của Evie Burns, rạch nát không khí bằng vẻ khinh miệt: “Ai? Nó á? Seo cậu không biểu nó đi mà xì mũi đi? Thằng cả khịt ấy? Mỗi đi xe đạp mà cũng không biết!”
Quả có thế thật.
Và sẽ còn tồi tệ hơn thế; bởi vì lúc này (dù tấm mành chia cảnh tượng ra thành từng khe hẹp) tôi có thấy nét mặt Evie bắt đầu dịu lại và thay đổi? – Evie có đưa tay (bị tấm mành chẻ theo chiều dọc) về phía nhân viên vận động tranh cử của tôi? – và các ngón tay của Evie (móng bị cắt cụt lủn) có chạm vào hai lõm thái dương Sonny, đầu ngón tay phủ một lớp Vaseline đang rỏ xuống? và Evie có hay không bảo rằng: “Còn cậu, như cậu đây này, cậu rất đáng yêu”? Tôi xin buồn bã xác nhận rằng tôi có; nó có; chúng có; nàng có.
Saleem Sinai mê Evie Burns, Evie yêu Sonny Ibrahim, Sonny phát cuồng lên vì con Khỉ Đồng, nhưng con Khỉ nói sao?
“Đừng làm em buồn nôn, Allah,” con bé bảo khi tôi cố gắng – khá cao thượng, nếu xét đến cái cách nó đã phụ tôi – bào chữa cho trường hợp của Sonny. Các cử tri đã phủ quyết cả hai chúng tôi.
Tôi vẫn chưa bỏ cuộc. Những cám dỗ yêu mị từ Evie Burns – mà tôi phải thừa nhận là chả bao giờ để ý đến tôi – đã dẫn tôi đến cú ngã bất khả kháng. (Nhưng tôi không giận gì nàng; vì cú ngã lại dẫn đến một sự trỗi dậy.)
Trong bí mật, ở tháp đồng hồ của mình, tôi tạm dừng những cuộc lang thang xuyên tiểu lục địa để cân nhắc việc tán tỉnh nàng Eve tàn nhang. “Quên trò mai mối đi,” tôi tự khuyên mình, “việc này cậu phải tự làm.” Cuối cùng, tôi đã lên kế hoạch: tôi phải chia sẻ những quan tâm của nàng, phải biến đam mê của nàng thành của tôi... súng ống chưa bao giờ hấp dẫn tôi. Tôi bèn hạ quyết tâm học đi xe đạp.
Evie, ngày ấy, đã nhượng bộ trước nhiều đề nghị của bọn trẻ trên đồi xin nàng dạy nghệ-thuật-đạp-xe; thế nên việc tôi phải làm chỉ đơn giản là xếp hàng theo học. Chúng tôi tề tựu giữa vòng xuyến. Evie, nữ chủ nhân tối cao của vòng xuyến, đứng giữa năm đứa nhóc đạp xe đang lẩy bẩy, tập trung cao độ... trong khi tôi đứng bên nàng, không xe đạp. Cho đến khi Evie xuất hiện, tôi chưa tỏ ra hứng thú với xe đạp bao giờ, nên chẳng ai mua cho tôi một cái... khiêm nhường, tôi cam chịu đòn roi từ cái lưỡi của Evie.
“Mày sống ở xó nào thế hả, mũi bự? Tính mượn xe tao sao?”
“Không,” tôi nói dối với vẻ biết lỗi, và nàng dịu lại.
“Thôi được, thôi được,” Evie nhún vai, “Lên yên đi, để xiem trình mày đến đâu nào.”
Tôi xin tiết lộ ngay rằng, khi cưỡi lên chiếc Arjuna Indiabike bạc, lòng tôi ngập tràn cơn phấn khích thuần khiết nhất; rằng, khi Evie đi vòng vòng, tay giữ ghi đông xe, than thở, “Thăng bằng chưa? Chưa à? Giờii, mất thời gian quá!” – khi Evie và tôi sánh đôi cùng bước, tôi thấy... nói sao nhỉ... hân hoan...
Vòng này rồi vòng khác...
Cuối cùng, để nàng đẹp ý, tôi lắp bắp: “Được rồi... tớ nghĩ là tớ... để tớ,” và lập tức tôi còn lại một mình một xe, nàng đã ban cho tôi một cú đẩy tiễn biệt, và sinh vật màu bạc ấy lấp lánh phóng qua vòng xuyến không sao điều khiển được...
Tôi nghe nàng hét to: “Cái phanh! Bóp cái phanh chết tiệt đi, đồ nhà quê!” – nhưng tay tôi không cử động được, người tôi đờ ra như khúc gỗ, và kìa COI CHỪNG trước mặt là hai chiếc bánh màu xanh của Sonny Imbrahim, trên đường va chạm, TRÁNH RA ĐỒ ĐIÊN, Sonny trên yên, cố chuyển hướng và tránh, nhưng màu xanh vẫn lao về phía sắc bạc, Sonny đánh lái phải nhưng tôi cũng đi hướng ấy UIIIIDA XE CỦA TAO và bánh bạc chạm bánh xanh, khung hôn khung, tôi bay lên qua ghi đông về phía Sonny trong khi nó cũng đang theo một đường cong đồng dạng bay về phía tôi RẦM xe đạp đổ xuống đất bên dưới bọn tôi, khóa chặt nhau trong một vòng tay thắm thiết RẦM lơ lửng giữa không trung Sonny và tôi gặp nhau, đầu nó chào đón đầu tôi..
Hơn chín năm trước tôi chào đời với hai thái dương lồi, và Sonny được forcep ban cho hai hốc lõm; tất cả dường như đều có lý do của nó, vì lúc này thái dương lồi của tôi đã tìm thấy đường vào hốc lõm của Sonny. Vừa như in. Đầu lắp khít vào nhau, chúng tôi bắt đầu trở lại mặt đất, may mắn thay không rơi trúng hai chiếc xe, SẦMM trong chốc lát cả thế gian biến mất.
Rồi Evie và đám tàn nhang của nàng bốc hỏa: “Giời ơi thằng đần kia, đống cứt mũi kia, mày làm hỏng xe t...”
Nhưng tôi không nghe gì hết, bởi tai nạn trong vòng xuyến đã hoàn thành điều mà tai họa trong tủ giặt đã bắt đầu, và chúng ở đó trong đầu tôi, giờ đã lên phía trước, không còn là một âm thanh yếu ớt ở hậu trường tôi chưa từng nhận thấy, tất cả bọn chúng, phát đi tín hiệu tôi-ở-đây của mình, từ Đông Tây Nam Bắc... những đứa trẻ khác chào đời vào thời khắc nửa đêm ấy, gọi vang: “Tôi”, “Tôi”, “Tôi” và “Tôi”.
“Này! Này, đầu cứt mũi! Mày có sao không?... Này, mẹ nó đâu rồi?”
Gián đoan, lúc nào cũng gián đoạn! Các phần khác nhau của cuộc đời có phần phức tạp của tôi, với thái độ ương ngạnh hoàn toàn vô lý, từ chối yên vị trong từng ngăn riêng rẽ. Những giọng nói tràn ra khỏi tháp đồng hồ của chúng để xâm chiếm vòng xuyến, nơi đáng lẽ là lãnh địa của Evie... và giờ, chính vào thời điểm lẽ ra tôi phải miêu tả những đứa trẻ phi thường của tiếng tích tắc, tôi lại bị chuyến tàu Frontier Mail giằng ra – lôi biến vào thế giới đang mục nát của ông bà tôi, vậy là Aadam Aziz lại chen ngang vào lúc câu chuyện của tôi đang hé mở tự nhiên. Đành vậy. Cái gì chữa không được thì phải chịu thôi.
Tháng Một năm ấy, trong quá trình tôi hồi phục từ cú sang chấn nghiêm trọng sau vụ tai nạn xe đạp, bố mẹ đưa chúng tôi đến Agra dự một cuộc đoàn tụ gia đình mà sau đó hóa ra còn tồi tệ hơn vụ Lỗ đen Calcutta đầy tai tiếng (và có thể là hư cấu)[12]. Suốt hai tuần chúng tôi buộc phải nghe Emerald với Zulfikar (đã lên Thiếu tướng nhưng cứ đòi được gọi là Đại tướng) khoe quan hệ và nói bóng gió về sự giàu sang ghê gớm của họ, nay đã leo lên thứ bảy trong các gia sản tư nhân lớn nhất Pakistan; thằng Zafar nhà đấy toan (nhưng chỉ đúng một lần!) giật cái đuôi sam đỏ đang nhạt dần của con Khỉ.
Và chúng tôi buộc phải chứng kiến trong sự khiếp đảm câm lặng, cảnh chú Công chức Nhà nước Mustapha và bà vợ lai Iran Sonia đánh và quật lũ ranh con không tên tuổi giới tính nhà ấy đến mức không ai nhận ra; và cái mùi vị cay nghiệt từ phận gái già của Alia ngập trong không khí làm hỏng hết đồ ăn; và cha tôi sẽ rút lui sớm để bắt đầu cuộc chiến ban đêm bí mật chống lại các tửu tinh; và còn tồi tệ hơn nữa, hơn nữa, hơn nữa.
[12] Một nhà tù ở Pháo đài William, Calcutta. Theo một số tư liệu lịch sử, năm 1756, Thống đốc Belgal đã giam giữ một số tù nhân chiến tranh người Anh ở đây, dẫn đến cái chết của nhiều người trong số họ.
Một đêm tôi tỉnh dậy đúng mười hai giờ đêm và thấy giấc mơ của ông ngoại ở trong đầu tôi, và vì thế không thể tránh khỏi nhìn ông theo cách ông nhìn nhận bản thân – một ông già lụ khụ mà ở giữa cơ thể, khi ánh sáng thích hợp, có thể thấy một cái bóng khổng lồ. Khi niềm tin đã tiếp cho tuổi trẻ của ông sức mạnh khô kiệt dần dưới tác động tổng hợp của tuổi già, Mẹ Bề trên và sự thiếu vắng bạn bè chung chí hướng, một cái lỗ cũ đã tái xuất hiện chính giữa người ông, biến ông thành một ông già dăn deo, trống rỗng như bao ông già khác, nơi Chúa (và các sự mê tín khác) mà ông đã đối đầu bấy lâu nay đang bắt đầu tái lập sự thống trị của Người... trong khi đó, Mẹ Bề trên dành trọn hai tuần tìm đủ mọi tiểu xảo để sỉ nhục cô vợ diễn viên bị khinh miệt của cậu Hanif tôi.
Và đó cũng là lúc tôi được chọn vào vai con ma trong một vở kịch trẻ con, và tìm thấy, trong chiếc cặp da cũ trên gác xép của ông tôi, một tấm ga giường đã bị nhậy cắn, nhưng cái lỗ to nhất lại do người gây ra: vì phát hiện này tôi được đền đáp (quý vị còn nhớ) bằng tiếng gầm từ cơn thịnh nộ của ông bà.
Nhưng cũng có một thành tựu. Tôi được làm bạn với chú Rashid kéo xe (chính là người, hồi còn trẻ, đã hét lên trong im lặng ở ruộng ngô và dẫn Nadir Khan trốn vào nhà vệ sinh của Aadam Aziz): xòe cánh ra ấp tôi – và không cho bố mẹ tôi biết, sau tai nạn của tôi họ chắc hẳn sẽ cấm tiệt vụ này – chú dạy tôi đi xe đạp. Đến khi ra về, tôi đã giấu bí mật này đi cùng những cái khác: chỉ có điều, tôi không định giữ bí mật vụ này quá lâu.
Và trên tàu về nhà, có những giọng nói bấu víu phía ngoài khoang: “Đi mà, maharaj! Mở đi, thưa ngài tôn kính!” – giọng những kẻ lậu vé giao tranh với những giọng tôi muốn nghe, những giọng mới trong đầu tôi – thế rồi về đến Nhà ga Trung tâm Bombay, rồi tới chuyến xe về nhà, qua trường đua và ngôi đền, và giờ Evelyn Lilith Burns đang đòi hỏi tôi kết thúc phần của nàng trước khi tập trung vào những thứ cao hơn.
“Về nhà rồi!” con Khỉ kêu lên.
“Hu raa... Bay-về-Bom!” (Nó đang bị thất sủng. Ở Agra, nó đã hỏa thiêu đôi bốt của ngài Đại tướng.)
Do yêu cầu về lưu trữ nên Ủy ban Tái cơ cấu Liên bang đã đệ trình báo cáo lên Ngài Nehru bắt đầu từ tháng Mười năm 1955; một năm sau đó các khuyến nghị của nó đã được thực hiện. Ấn Độ đã được chia mới, thành mười bốn bang và sáu “vùng lãnh thổ” trực thuộc trung ương. Nhưng đường biên giới các bang này không được cấu thành bởi sông, hay núi, hay bất cứ đặc điểm địa hình tự nhiên nào; mà chúng là, thay vào đó, những bức tường từ ngữ. Ngôn ngữ chia cắt chúng tôi: Kerala là của những người nói tiếng Malayalam, ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có tên đọc xuôi hay ngược đều như nhau; ở Karnataka nghĩa là quý vị phải nói tiếng Kanarese; còn bang Madras bị cắt cụt – ngày nay gọi là Tamil Nadu – chứa đựng những người am hiểu tiếng Tamil.
Tuy nhiên, do một sơ suất nào đấy, không ai động chạm đến bang Bombay; và tại thành phố của Mumbadevi, các đoàn diễu hành ngôn ngữ ngày một dài hơn và ồn ào hơn và cuối cùng đã chuyển hóa thành những đảng phái chính trị, Samyukta Maharashtra Samiti (“Đảng Maharashtra thống nhất”) đại diện cho tiếng Marathi và đấu tranh đòi thành lập bang Deccan của người Maharashatra, và Maha Gujarat Parishad (“Đảng Gujarat Vĩ đại”), diễu hành dưới khẩu hiệu của ngôn ngữ Gujarat và mơ về một bang phía Bắc Thành phố Bombay, trải dài đến tận Bán đảo Kathiawar và Đầm muối Kutch…
Tôi đang hâm nóng món lịch sử nguội ngắt này, những cuộc đấu tranh xưa cũ giữa cái gai góc khô khan của tiếng Marathi ra đời từ sự oi bức khô cằn vùng Deccan và âm sắc mềm mại lầy lội, rất Kathiawa của tiếng Gujarat, để giải thích vì sao, vào một ngày tháng Hai năm 1957 ngay sau khi chúng tôi trở về từ Agra, Điền trang Methwold lại bị chia cắt với thành phố bởi một dòng người hò hát bao phủ đường Warden kín hơn cả nước mùa mưa, một đoàn diễu hành dài đến mức mất hai ngày mới đi hết, và có tin đồn rằng pho tượng Sivaji đã sống dậy để dẫn đầu đoàn với vẻ lạnh lẽo của đá. Người biểu tình mang cờ đen; nhiều người trong đó là chủ cửa hàng đang đóng cửa[13]; nhiều người là thợ dệt đình công từ Mazagaon và Matunga.
Nhưng ở ngọn đồi nhà mình, chúng tôi chẳng biết gì về công việc của họ; với trẻ con bọn tôi, những vệt kiến bò bất tận của ngôn ngữ trên đường Warden có hấp lực mãnh liệt không kém gì bóng đèn với lũ thiêu thân. Đó là một cuộc biểu tình mãnh liệt, cuồng nhiệt đến độ nó làm cho mọi cuộc diễu hành trước biến mất khỏi tâm trí như thể chúng chưa từng xảy ra – và bọn tôi đều bị cấm xuống đồi dù chỉ để ngó nghiêng tí đỉnh. Vậy ai là đứa táo tợn nhất hội? Ai giục cả bọn lẻn xuống ít nhất nửa đường, đến chỗ con đường đồi lượn vòng lao vào đường Warden ở một khúc quanh dốc chữ U?
Ai bảo, “Việc gì mà sợ? Mình chỉ xuống nửa đường để ngó một tí thôi”?... Lũ nhóc Ấn không vâng lời, mắt tròn xoe, đi theo nữ thủ lĩnh Mỹ mặt tàn nhang. (“Họ giết bác sĩ Narlikar – chính họ đấy,” Tóc Dầu cảnh báo bọn tôi với một giọng run rẩy. Evie nhổ lên giày nó.)
[13] Hartal, hình thức đóng cửa hàng không kinh doanh để bày tỏ thái độ đau buồn hoặc phản kháng.
Nhưng tôi, Saleem Sinai, còn chuyện hệ trọng hơn phải làm.
“Evie,” tôi nói với giọng nhẹ nhàng hờ hững, “Muốn xem tớ đi xe đạp chứ?” Không trả lời. Evie đang chìm đắm vào cảnh tượng ấy... và có phải đó là vân tay nàng trong hõm forcep bên trái của Sonny Ibrahim, hằn lên Vaseline cho cả thế gian nhìn thấy?
Một lần nữa, và hơi có ý nhấn mạnh, tôi nói, “Tớ làm được mà, Evie. Để tớ lấy xe con Khỉ. Cậu thích xem chứ?”
Và giờ Evie, tàn nhẫn, “Tao đang xem cái này. Cái này hay. Sao tao phải xem mày?”
Và tôi, giờ đã hơi rơm rớm, “Nhưng tớ đã biết rồi, Evie, cậu phải...” Tiếng gầm gào từ đường Warden phía dưới nhận chìm lời tôi. Lưng nàng quay về tôi, rồi lưng của Sonny, lưng của Mắt Chẻ và Tóc Dầu, rồi phần hậu trí thức của Cyrus-đại-đế...
Em tôi, cũng thấy dấu vân tay, tỏ ra bất bình, xúi tôi: “Làm đi. Làm đi, cho cô ả xem. Cô ả tưởng mình là ai?”
Tôi leo lên xe nó... “Tớ đi này, Evie, xem này!”
Đạp theo hình tròn, vòng vòng quanh lũ nhóc. “Thấy chưa? Cậu thấy chưa?”
Một giây phút hả hê đắc thắng; và rồi Evie, cụt hứng hết kiên nhẫn chán chả buồn chết, “Lạy Thánh Peter, mày có xê ra không thì bẩu? Tao muốn xem cái đó!” Ngón tay, móng bị gặm cụt các thứ, trỏ xuống về cuộc biểu tình ngôn ngữ; tôi bị hắt hủi vì đoàn diễu hành của Samyukta Maharashtra Samiti!
Và mặc dù con Khỉ, người rất trung thành, “Như thế không công bằng! Anh ấy làm giỏi đấy chứ.” – và bất chấp sự hưng phấn trong bản thân việc đó – trong tôi có gì đó rối tung lên; và tôi đạp vòng quanh Evie, nhanh nữa nhanh nữa nhanh nữa, nước mắt nước mũi dạt dào “Rốt cuộc cậu bị làm sao thế hả? Tớ phải làm gì để...” Thế rồi có gì đó lấn át tất cả, bởi tôi nhận ra tôi chẳng cần hỏi nàng, mà chỉ cần chui vào cái đầu tàn nhang, miệng nẹp kim loại ấy mà tìm kiếm, chỉ một lần là tôi sẽ biết điều gì đang diễn ra... thế là tôi vào, vẫn tiếp tục đạp xe, nhưng ở phía trước tâm trí nàng chỉ toàn những người diễu hành tiếng Marathi, mấy bài hát pop Mỹ kẹt trong góc các suy nghĩ của nàng, nhưng không có điều tôi quan tâm.
Và lúc này, chỉ lúc này, lúc này lần đầu tiên trên đời, lúc này bị thôi thúc bởi nước mắt của tình yêu không được đáp lại, tôi bắt đầu dò dẫm... Tôi thấy mình xô đẩy, ngụp lặn, dùng vũ lực tìm đường đi vào sau phòng tuyến của nàng... vào chốn bí mật nơi có bức ảnh mẹ nàng mặc áo ngủ hồng, cầm đuôi một con cá tí xíu giơ lên, và tôi còn đang sục sạo sâu nữa sâu nữa sâu nữa, nó đâu rồi, cái hấp dẫn nàng, thì nàng bỗng giật mình quay ngoắt lại chằm chằm nhìn vào tôi trong khi tôi đạp xe vòng quanh vòng quanh vòng quanh vòng quanh vòng...
“Ra ngay!” Evie Burns hét lên. Tay giơ lên trán. Tôi đạp xe, mắt đẫm lệ, ngụp vàovàovào: đến nơi Evie đứng ở ngưỡng cửa một phòng ngủ ốp ván, tay cầm một, một thứ gì đó sắc và lóe sáng với màu đỏ đang rỏ xuống, trên ngưỡng cửa một, lạy Chúa và trên giường có một người đàn bà mặc áo hồng, lạy Chúa, và Evie cầm một, và đỏ vấy lên hồng, và có một người đàn ông xuất hiện, lạy Chúa, và không không không không không...
“CÚT RA CÚT RA CÚT RA!” Bọn nhóc ngơ ngác nhìn Evie hét lên, đoàn diễu hành ngôn ngữ bị quên đi, rồi lại bất ngờ được nhớ đến, vì Evie đã nắm lấy đuôi xe của con Khỉ CẬU LÀM GÌ THẾ EVIE rồi đẩy nó CÚT RA MAU ĐỒ VÔ DỤNG CÚT XUỐNG HỎA NGỤC ĐI! – Nàng đẩy tôi thật lực, và tôi mất kiểm soát sầm sập lao xuống dốc vòng qua khúc cua chữ U xuống xuống, LẠY CHÚA ĐOÀN BIỂU TÌNH qua tiệm giặt là Band Box, qua Noor Ville và Laxmi Vila, AAAAA và lao xuống miệng đoàn diễu hành, nào đầu nào chân nào người, những làn sóng biểu tình rẽ ra khi tôi đến, kêu gào thảm thiết, đâm thẳng vào lịch sử trên chiếc xe đạp mất lái, của con gái.
Những bàn tay nắm lấy ghi đông khi tôi chậm lại giữa đám đông cuồng nhiệt. Những nụ cười đầy răng chắc khỏe vây quanh tôi. Nhưng không phải cái cười thân thiện.
“Chà chà, có cậu laad-sahid từ ngọn đồi giàu có xuống gia nhập với chúng ta này!” Bằng tiếng Marathi mà tôi gần như chả hiểu gì, đó là môn bết bát nhất của tôi ở trường, và những nụ cười hỏi, “Cậu muốn gia nhập S.M.S hử, tiểu hoàng tử?”
Và tôi, đại khái cũng biết họ nói gì, nhưng choáng quá đâm ra nghĩ gì nói nấy, lắc đầu Không. Và những nụ cười, “Ô hô! Cậu nawab trẻ không thích tiếng của ta! Thế cậu ta thích gì?”
Lại một nụ cười nữa, “Chắc là Gujarati! Cậu nói tiếng Gujarati chứ, cậu chủ?” Nhưng tiếng Gujarati của tôi cũng chả hơn gì Marathi; tôi chỉ biết có một câu chuyện của thứ tiếng ẩm thấp vùng Kathiawar.
Và những nụ cười, giục giã, và những ngón tay, đâm thọc, “Nói đi, cậu chủ nhỏ! Nói vài câu Gujarati đi!” – thế là tôi nói vài câu tôi biết, một câu vè tôi nghe được ở trường từ Keith Colaco Nội tiết, mà thằng đấy hay dùng khi nó bắt nạt mấy đứa người Gujarat, một câu vè để chế nhạo ngữ điệu của thứ tiếng này:
Soo che? Saru che!
Danda le ke maru che!
Mi thế nào? – Tau khỏe re! – Để tau lấy gậy nện tòe đầu mi! Một câu tầm phào; một bài vớ vẩn; chín từ vô nghĩa... song khi tôi nói lên, những cái cười mỉm chuyển thành cười phá; thế rồi những giọng ở gần tôi rồi xa hơn rồi xa hơn nữa bắt đầu hát tiếp câu vè MI THẾ NÀO? TAU KHỎE RE!, và họ hết hứng với tôi.
“Thôi đi đạp xe tiếp đi, cậu cả,” họ giễu, ĐỂ TAU LẤY GẬY NỆN TÒE ĐẦU MI, tôi chạy biến lên đồi trong khi bài vè của tôi lan ra phía trước và sau, lên tận đầu và xuống tận cuối đoạn người kéo-dài-hai-ngày, trở thành, trên đường đi của nó, một bài hát chiến tranh.
Buổi chiều hôm đó, đầu đoàn diễu hành của Samyukta Maharashtra Samiti va chạm tại Góc Phố Kemp, với đầu đoàn biểu tình của Maha Gujarat Parishad; những giọng S.M.S. cất lên “Soo che? Saru che!!” và những cổ họng M.G.P. há ra phẫn nộ; dưới những tấm poster Tiểu vương Hàng không Ấn Độ và Cậu bé Kolynos, hai bên đâm bổ vào nhau với bầu máu nóng không hề nhỏ, và theo nhịp điệu câu vè nhỏ bé của tôi, cuộc bạo loạn ngôn ngữ đầu tiên nổ ra, mười lăm người chết, hơn ba trăm người bị thương.
Theo cách này, tôi trở thành người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc khơi mào làn sóng bạo lực kết thúc bằng sự chia cắt bang Bombay mà hệ quả của nó là thành phố trở thành thủ phủ của bang Maharashtra – vậy là ít nhất tôi cũng về phe thắng cuộc.
Cái gì ở trong đầu Evie? Tội ác hay giấc mơ? Tôi không bao giờ tìm ra; nhưng tôi đã học được một thứ khác: khi ta đi sâu vào đầu người khác, họ có thể cảm thấy ta ở đó.
Sau ngày hôm ấy, Evelyn Lilith Burns không muốn dính gì với tôi nữa; nhưng, kỳ lạ thay, tôi cũng hết bệnh tương tư. (Đàn bà luôn là người thay đổi đời tôi: Mary Pereira, Evie Burns, Jamila Ca sĩ, Parvati phù thủy phải trả lời câu hỏi tôi là ai; và cả Mụ Góa phụ, người tôi giữ lại cho cái kết.
Và sau cái kết, là Padma, nữ thần phân của tôi. Đàn và đã nhào nặn đời tôi ra trò, song có lẽ họ chưa bao giờ ở trung tâm – có lẽ vị trí lẽ ra họ phải lấp đầy, cái lỗ giữa người tôi mà tôi thừa kế từ ông ngoại Aadam Aziz, đã bị những giọng nói trong tôi chiếm giữ quá lâu. Hoặc cũng có lẽ - cần phải tính đến mọi khả năng – họ luôn luôn làm tôi hơi e sợ.)