Những Đứa Con Của Nửa Đêm
Chương 12: Đài phát thanh Toàn Ấn Độ
... Nhưng hôm nay tôi thấy hoang mang, Padma chưa trở lại – tôi có nên báo cảnh sát không? Có phải cô đã thành Người Mất Tích? – và khi vắng mặt cô, những điều tôi chắc chắn đều đang tan rã. Ngay cả cái mũi cũng giở trò với tôi – ban ngày, khi đi giữa những vại rau quả dầm được đội quân chị em khỏe mạnh, tay lông lá, cực kỳ thạo việc coi sóc, tôi bỗng không phân biệt được giữa mùi chanh vàng với chanh xanh.
Đội ngũ nhân công bưng miệng cười khúc khích: sahib tội nghiệp đã vướng phải – cái gì? – hẳn không phải là lưới tình chứ?... Padma, và những vết nứt đang lan khắp người tôi, tỏa ra như mạng nhện từ mũi tôi; và cái nóng... trong những hoàn cảnh như thế này hẳn người ta cũng được phép nhầm lẫn chút đỉnh.
Đọc lại những gì đã viết, tôi phát hiện ra một lỗi về trình tự thời gian. Vụ ám sát Mahatma Gandhi xảy ra, trong bản thảo này, nhầm ngày. Nhưng tôi không thể tiết lộ, vào lúc này, thứ tự thực tế của các sự kiện; ở Ấn Độ của tôi, Gandhi sẽ tiếp tục chết nhầm thời điểm.
Liệu một lỗi lầm có khiến toàn bộ công trình trở nên vô giá trị? Có phải tôi đã đi quá xa, với nhu cầu tuyệt vọng về lẽ sống, đến nỗi sẵn sàng bóp méo tất cả - viết lại trọn vẹn lịch sử thời đại mình chỉ cốt để đặt bản thân vào vị trí trung tâm? Hôm nay, trong cơn bối rối, tôi không phán xét được. Tôi sẽ phải nhường việc này lại cho người khác. Giờ đây, tôi đã hết đường lùi; tôi phải kết thúc những gì tôi đã mở đầu, kể cả khi, vô phương tránh né, cái tôi kết thúc hóa ra không phải là cái tôi đã mở đầu.
Ye Akashvani hai. Đây là Đài phát thanh Toàn Ấn Độ.
Vừa ra ngoài đường nóng như sôi để ăn cho xong bữa ở một quán cà phê Iran gần nhà, tôi đã trở lại ngồi dưới quầng sáng về đêm của ánh đèn Anglepoise, chỉ có chiếc đài bán dẫn rẻ tiền làm bầu bạn. Một đêm nóng, trong không khí sục sôi ngập mùi hương dai dẳng từ những vại rau quả dầm câm lặng, những giọng nói trong đêm tối. Hơi rau quả dầm, nồng nặc nhức mũi trong cái nóng, kích thích thứ nước quả tiết ra từ ký ức, nhấn mạnh những tương đồng và khác biệt giữa hồi ấy và bây giờ...
Hồi ấy trời nóng, bây giờ trời cũng nóng (trái mùa). Hồi ấy cũng như bây giờ, có người thao thức trong bóng tối, nghe thấy những giọng nói vô hình. Hồi ấy cũng như bây giờ, một bên tai bị điếc. Và nỗi sợ hãi, nảy nở trong cái nóng... điều đáng sợ (hồi ấy hay bây giờ) không phải là những giọng nói. Cậu bé, nhóc-Saleem-hồi-ấy, sợ một ý nghĩ – cái ý nghĩ rằng cơn thịnh nộ của cha mẹ cậu có thể dẫn tới việc họ rút lại tình yêu; rằng dẫu có bắt đầu tin cậu đi nữa, họ cũng sẽ xem thiên tư của cậu như một thứ dị tật ô nhục...
Trong khi tôi, bây giờ, vắng Padma, gửi những lời này vào bóng tối và sợ rằng sẽ chẳng ai tin. Cậu ấy và tôi, tôi và cậu... tôi không còn năng lực của cậu; cậu chưa từng có năng lực của tôi. Có những lúc cậu như người lạ, gần như... ở cậu không có vết nứt nào. Không có mạng nhện nào tỏa khắp người cậu trong cái nóng.
Padma sẽ tin tôi, nhưng còn đâu nữa Padma. Hồi ấy cũng như bây giờ, có một cơn đói. Nhưng ở một dạng khác: bây giờ không phải cơn đói-hồi ấy vì bị cắt bữa tối, mà cơn đói vì bị mất đi người đầu bếp.
Và một sự khác biệt khác, hiển nhiên hơn: hồi ấy, những giọng nói không đến qua những lá van dao động của chiếc đài bán dẫn (vốn sẽ không bao giờ, ở xứ chúng tôi, thôi tượng trưng cho sự bất lực – từ khi có vụ hối lộ triệt sản lấy đài đầy tai tiếng, cái máy kêu oe óe ấy đã đại diên cho điều đàn ông có thể làm trước khi lưỡi kéo xoẹt qua và nút buộc thít lại)... hồi ấy, cậubésắplênchín trên giường lúc nửa đêm chẳng cần đến máy móc.
Khác biệt mà tương đồng, chúng tôi gắn kết với nhau nhờ cơn nóng. Một màn sương-nhiệt bập bùng, hồi ấy và bây giờ làm thời kỳ-hồi ấy của nhòa vào của tôi... nỗi hoang mang của tôi, đi qua làn sóng-nhiệt, cũng là của cậu.
Thứ gì mọc khỏe nhất trong cái nóng: mía; dừa; các loại kê như bajra, ragi và jowar; hạt lanh, và (nếu có nước) chè và lúa. Xứ nóng quê ta cũng là nơi sản xuất bông lớn thứ hai thế giới – ít nhất, đấy là vào thời tôi học môn địa lý dưới ánh mắt dữ tợn của ông Emil Zagallo, và cái nhìn sắt lạnh hơn của một hiệp sĩ chinh phạt người Tây Ban Nha trong khung tranh. Nhưng mùa hè nhiệt đới cũng sản sinh ra nhiều kỳ hoa dị thảo: những bông hoa lạ lẫm của sự nở bừng tưởng tượng, để lấp đầy những đêm bức đổ mồ hôi bằng thứ mùi nồng như nùi xạ, mang đến cho người ta những giấc mơ tăm tối của sự bất mãn... hồi ấy cũng như bây giờ, trong không khí sặc mùi bất ổn.
Đám diễu hành ngôn ngữ đòi chia cắt bang Bombay theo biên giới của ngôn ngữ - đầu đoàn người này là giấc mơ về Maharashtra, dẫn dắt đoàn người kia là ảo vọng về Gujarat[1]. Cái nóng ăn mòn ranh giới giữa ảo tưởng và hiện thực trong tâm trí con người, khiến tất cả trở thành như có thể; sự hỗn loạn nửa tình nửa mê của giấc ngủ trưa khiến đầu óc con người mụ mị, và không khí tràn ngập cái dính ráp của niềm ham muốn bị kích thích.
[1] Năm 1956, sau khi mở rộng, bang Bombay bao gồm hai khu vực chính là vùng nói tiếng Gujarat ở phía Bắc và vùng nói tiếng Maharashtra (Marathi) ở phía Nam. Xung đột giữa hai cộng đồng này dẫn tới việc năm 1960 Bombay bị tách ra, trên cơ sở ngôn ngữ, thành hai bang Maharashtra và Gujarat như ngày nay.
Thứ gì mọc khỏe nhất trong cái nóng: ảo tưởng ; sự điên rồ; dục vọng.
Năm 1956, hồi ấy, ngôn ngữ hành quân trên đường phố lúc ban ngày; về đêm, chúng nổi loạn trong đầu tôi.
“Chúng ta sẽ dõi theo cuộc đời của cháu với sự quan tâm sát sao nhất; nó sẽ là, theo một nghĩa nào đó, tấm gương của bản thân chúng ta.”
Đã đến lúc nói về những giọng nói.
Nhưng giá mà Padma của chúng ta ở đây...
Tôi đã nhầm về các Đại thiên sứ, tất nhiên rồi. Bàn tay cha tôi, giáng vào tai tôi trong một hành động (cố ý? vô tình?) tái hiện một bàn tay khác, không cơ thể, từng táng thẳng vào mặt ông – ít ra cũng có tác dụng khai sáng; nó buộc tôi phải xem xét lại và rốt cuộc là từ bỏ cái vị thế ban đầu, tập tọng làm Nhà Tiên tri của tôi. Nằm trên giường vào chính cái đêm bị ruồng rẫy ấy, tôi rút sâu vào trong nội tâm của mình, mặc cho con Khỉ Đồng lấp đầy căn phòng màu xanh của bọn tôi với những lời vặn vẹo: “Nhưng mà anh làm thế làm gì, Saleem? Người lúc nào cũng vô cùng ngoan ngoãn như anh?”
... Tới khi nó ngủ thiếp đi trong bất mãn, môi vẫn mấp máy không thành tiếng, và tôi còn lại một mình với dư âm trận lôi đình của cha tôi, lùng bùng bên tai trái, rì rầm: “Không Michael hay Anael; chẳng phải Gabriel; quên đi Cassiel, Sachiel và Samael! Các Đại thiên sứ không còn giao tiếp với người trần. Thần tụng đã được hoàn thành ở Ả Rập từ lâu; nhà tiên tri cuối cùng sẽ chỉ xuất hiện để báo hiệu Ngày Tận Thế.”
Đêm đó, hiểu ra những giọng nói trong đầu mình vượt xa các thiên sứ về số lượng, tôi quyết định, không phải là không có chút nhẹ nhõm, rằng tôi cuối cùng đã không được chọn chủ trì ngày tận thế. Những giọng nói trong tôi, không có chút gì là hoảng hốt, hóa ra lại trần tục, và đông đảo, như cát bụi.
Ngoại cảm, phải rồi, cái kiểu quý vị vẫn luôn đọc được trên báo lá cải. Nhưng xin quý vị kiên nhẫn – chờ đợi. Chỉ đợi thôi. Nó là ngoại cảm thật; nhưng đồng thời còn hơn cả ngoại cảm. Đừng gạch tên tôi dễ dàng quá thế.
Ngoại cảm, phải rồi: tiếng độc thoại nội tâm của tất cả cái được gọi là ức triệu con người, của mọi tầng lớp và giai cấp, chen vai thích cánh trong đầu tôi. Ban đầu, khi tôi còn thỏa mãn với vai trò khán giả - trước khi tôi bắt đầu hành động – có một vấn đề về ngôn ngữ.
Những giọng nói rầm rì bằng đủ thứ tiếng từ thổ ngữ Malayalam đến Naga, từ cái thuần khiết của tiếng Urdu ở Lucknow đến giọng líu ríu của tiếng Tamil miền Nam. Tôi chỉ hiểu đôi chút những gì được nói bên trong bốn vách sọ của mình. Chỉ sau này, khi bắt đầu thăm dò kỹ hơn, tôi mới phát hiện ra, dưới những tín hiệu bề mặt ấy – những chuyện bề nổi mà tôi “bắt” được từ đầu tới giờ - ngôn ngữ nhòa đi, và bị thay thế bằng những hình-thái-ý nghĩ mà bất kỳ ai cũng hiểu được và ưu việt vượt xa ngôn từ...
Nhưng đấy là sau khi tôi nghe thấy, bên dưới sự hỗn loạn đa ngôn ngữ trong đầu mình, những tín hiệu quý giá kia, khác hẳn tất cả mọi thứ khác, hầu hết đều khẽ và xa xăm, như từng hồi trống vẳng vọng mà nhịp đập dai dẳng cuối cùng đã xuyên qua cái lao xao chợ cá của những giọng nói trong tôi...
Những bí mật ấy, những tiếng gọi nửa đêm ấy, người gọi người giống mình... những ngọn đèn hiệu vô thức của những đứa trẻ của nửa đêm, không phát tín hiệu gì khác ngoài sự tồn tại của mình, truyền đi vỏn vẹn: “Tôi.”
Từ phương Bắc xa xăm: “Tôi.”
Và Nam Đông Tây: “Tôi.” “Tôi.” “Tôi nữa.”
Nhưng tôi không được đi trước chính tôi. Ban đầu, trước khi đột phá đến cảnh giới hơn-cả-ngoại-cảm, tôi tự thỏa mãn với việc lắng nghe; và từ sớm tôi đã “chỉnh” được cái tai nội thể của mình hướng về những giọng nói mà tôi hiểu được; và cũng không bao lâu sau tôi đã đã dò ra, trong đám đông, tiếng của gia đình tôi; và của Mary Pereira; và của bạn bè, bạn học, thầy cô. Ngoài phố, tôi học cách xác định dòng-suy-nghĩ của khách bộ hành – hiệu ứng Doppler tiếp tục vận hành ở những môi trường siêu nhiên này, những giọng nói cũng to lên và nhỏ dần khi người ta đi qua.
Tất cả những chuyện này, bằng cách nào đấy tôi đã giữ kín trong lòng. Bị nhắc nhở mỗi ngày (bởi tiếng ù trong tai trái, tức cái tai ma quái) về cơn thịnh nộ của cha tôi, và nóng lòng muốn giữ tai phải hoạt động tốt, tôi câm như thóc. Với một thằng bé chín tuổi, nỗi khó khăn khi phải giấu kín điều mình biết gần như không thể vượt qua; nhưng may mắn thay, những người gần gũi nhất và thân yêu nhất cũng nóng lòng quên đi sự bồng bột của tôi như tôi nóng lòng che giấu sự thật.
“Ôi, cậu Saleem! Gớm thay những gì cậu nói hôm qua! Thật là xấu hổ: cậu nên súc miệng xà phòng đi!”
... Buổi sáng sau sự hổ nhục của tôi, Mary Pereia, run lên vì phẫn nộ như món thạch của cô, đề xuất phương thức hoàn hảo cho quá trình cải tạo của tôi. Gục đầu xuống vẻ ăn năn, tôi đi, không nói câu nào, vào nhà tắm, và tại đó, dưới cái nhìn kinh ngạc của cô ayah và con Khỉ, chà xát răng lưỡi vòm họng lợi bằng cái bàn chải đánh răng phết thứ Xà phòng Coal Tar hôi cay đầy bọt. Tin tức về màn sám hối đầy kịch tính của tôi lan nhanh khắp nhà, do Mary và con Khỉ truyền đi, và mẹ ôm lấy tôi: “Thế chứ, bé ngoan; chúng ta sẽ không nhắc chuyện này nữa,”
Còn Ahmed Sinai gục gạc gầm gừ ở bàn ăn sáng, “Ít ra nó cũng biết dũng cảm nhận lỗi khi đùa quá trớn.”
Khi những vết thủy tinh cứa mờ dần, dường như những tuyên bố của tôi cũng bị xóa mờ theo; và đến sinh nhật thứ chín của tôi, ngoài tôi ra không ai còn nhớ gì đến cái ngày tôi đã đem các Đại Thiên sứ ra bỡn cợt. Vị thuốc tẩy còn bám trên lưỡi tôi suốt nhiều tuần, nhắc nhở tôi về sự cần thiết phải kín miệng.
Ngay cả con Khỉ Đồng cũng thỏa mãn với cách tôi trình diễn sự ăn năn – trong mắt nó, tôi đã lấy lại phong độ, và một lần nữa là Cô Tấm trong nhà. Để thể hiện sự sẵn lòng tái lập trật tự cũ, nó châm lửa đốt đôi dép ưa thích của mẹ tôi, và giành lại vị trí hợp pháp của mình trong sổ đen gia đình. Đối với người ngoài, còn nữa – thể hiện sự bảo thủ không ai có thể nghi ngờ ở một đứa con gái “liền anh” như thế - nó sát cánh với cha mẹ tôi gữi bí mật về phút lầm lạc của tôi với bạn bè của cả tôi lẫn nó.
Ở một đất nước nơi bất kỳ sự dị thường nào về thể chất hay thần kinh của đứa trẻ cũng là căn nguyên nỗi hổ nhục sâu xa của gia đình, cha mẹ tôi, những người đã quen với những vết bớt trên mặt, mũi dưa chuột và chân vòng kiềng, kiên quyết từ chối tìm thấy ở tôi bất kỳ điều gì đáng hổ thẹn nữa; về phần mình, tôi không một lần nào đả động đến tiếng ong ong ở tai đến tiếng chuông báo hiệu chứng điếc thi thoảng lại reo lên, đến những cơn đau rời rạc. Tôi học được rằng bí mật không phải lúc nào cũng xấu.
Nhưng hãy tưởng tượng sự náo loạn trong đầu tôi! Nơi, sau gương mặt xấu xí, trên cái lưỡi đầy vị xà phòng, sát bên màng nhĩ bị thủng, ẩn náu một tâm trí không lấy gì làm ngăn nắp, chứa trăm thứ bà rằn như túi áo một thắng bé lên chín... hãy tưởng tượng quý vị bằng cách nào đó ở trong đầu tôi nhìn ra qua đôi mắt tôi, nghe thấy những âm thanh, những giọng nói, và rồi không kể được với ai, điều khó nhất là giả bộ ngạc nhiên, như khi mẹ bảo Này Saleem đoán xem nhà ta sẽ đi dã ngoại ở Aarey Milk Colony và tôi phải Ôii hay quá!, khi tôi đã biết tỏng từ lâu vì nghe được giọng nói nội tâm không thành lời của bà.
Và vào ngày sinh nhật tôi nhìn thấy mọi món quà trong óc người tặng từ trước cả khi chúng được mở ra Và trò chơi tìm kho báu phá sản vì ở đó trong đầu cha tôi là vị trí của từng chỉ dẫn tới mọi giải thưởng Rồi những chuyện khó khăn hơn nhiều như chạy vào tìm cha tôi trong văn phòng ở tầng triệt, đây rồi, và ngay khi bước vào, đầu tôi đã tràn ngập những thứ nhớp nhúa cóChúamớibiết bởi vì ông đang nghĩ đến cô ả thư ký, Alice hoặc Fernanda, cô nàng Coca – Cola mới nhất của ông, ông chậm rãi lột đồ cô ả trong đầu mình và nó trong cả đầu tôi nữa, cô nàng trần truồng ngồi trên cái ghế mặt mây và bây giờ đứng dậy, những vệt mắt lưới lằn khắp trên mông, đấy là cái cha tôi đang nghĩ, CHA TÔI, giờ ông nhìn tôi rất buồn cười Sao thế con trai con không khỏe à Dạ khỏe Abba khỏe ạ, con đi đây CON PHẢI ĐI CÓ VIỆC phải làm bài tập, Abba, và bỏ chạy, dông thẳng trước khi ông phát hiện ra vẻ khả nghi trên mặt tôi (cha tôi vẫn bảo rằng mỗi khi tôi nói dối trên trán tôi liền xuất hiện một tia sáng đỏ)
Quý vị bảo có khó không, cậu Hanif đến đưa tôi đi xem đấu vật, và từ trước khi đến sân vận động Vallabhai Patel trên đê biển Hornby Vellard tôi đã thấy buồn Chúng tôi hòa cùng đám đông đi qua hình nộm bìa cứng của Dara Singh và Tagra Baba và các võ sĩ khác và nỗi buồn của cậu, ông cậu yêu thích của tôi đang rót vào tôi, nó như một con thằn lằn sống ngay dưới bờ dậu ở sự vui tươi của cậu, ẩn giấu dưới tiếng cười rền vang một thời từng là tiếng cười của lão lái đò Tai.
Chúng tôi ngồi hai chỗ cực đẹp khi quầng sáng đèn pha nhảy múa trên lưng đôi đô vật đang khóa chặt nhau và tôi bị nghẹt trong gọng kìm không thể phá vỡ của nỗi buồn phiền của cậu tôi, nỗi buồn phiền vì sự nghiệp điện ảnh thất bại, hết bom xịt này đến bom xịt khác, có lẽ cậu sẽ chẳng bao giờ kiếm được bộ phim nào nữa Nhưng tôi không được để nỗi buồn ứa ra trên mắt Cậu chen vào dòng suy nghĩ của tôi.
"Này phaelwan, này chú nhóc đô vật, làm gì mà mặt chảy ra thế, trông dài hơn cả một bộ phim dở rồi, cháu ăn channa nhé? pakora? gì hả?"
Và tôi lắc đầu: "Không, không có gì ạ." Hanif mamu, thế là cậu yên tâm, quay đi, bắt đầu hò hét Cố lên Dara, phải thế chứ, cho hắn nếm mùi vị đi, Dara yara!
Và khi về nhà mẹ tôi đang ngồi xổm ngoài hành lang với hộp kem, nói bằng giọng-nói-bên-ngoài của bà: ""Muốn giúp mẹ làm kem không, con trai, vị hạt dẻ cười khoái khẩu của con đấy."
Và tôi ngồi quay cái cần, nhưng giọng-nói-bên-trong của bà cứ nảy qua nảy lại bên trong đầu tôi, tôi có thể thấy bà đang cố gắng lấp đầy mọi ngóc ngách suy nghĩ của mình bằng những chuyện hằng ngày, giá cá chim, danh mục các việc vặt trong nhà, phải gọi tay thợ điện đến sửa cái quạt trần ở phòng ăn, bà đang tập trung một cách tuyệt vọng vào các bộ phận của chồng mình để yêu. Nhưng cái từ không được phép nhắc tới kia vẫn án ngữ ở đó, hai âm tiết đã rỉ ra khỏi bà trong phòng tắm vào ngày hôm đó, Na Dir Na Dir Na, đối với bà, việc gác máy khi có người gọi nhầm số ngày một khó khăn hơn MẸ TÔI tôi cho các vị biết khi một đứa trẻ chui vào những suy nghĩ của người lớn chúng có thể làm thằng bé phát điên thực sự.
Và kể cả về đêm, vẫn không thôi, tôi thức dậy vào đúng nửa đêm với giấc mơ của Mary Pereira trong đầu Đêm này qua đêm khác Luôn vào cái giờ ma thịnh của tôi[2], mà cũng có ý nghĩa đặc biệt với cô Giấc mơ của cô bị giày vò bởi hình ảnh của một gã đàn ông đã chết từ nhiều năm trước, Joseph D’Costa, giấc mơ mách cho tôi cái tên, nó phủ trong một lớp cảm giác tội lỗi tôi không hiểu được, đúng thứ tội lỗi vẫn rỉ sang tất cả chúng tôi mỗi lần chúng tôi ăn món chutney cô làm, ở đây có một điều bí ẩn, nhưng vì nó không ở bề mặt tâm trí cô nên tôi không thể tìm ra, và trong lúc ấy, Joseph ở đó, hằng đêm, đôi khi mang hình người, nhưng không phải luôn luôn, có khi gã là chó sói, hoặc ốc sên, hoặc cây chổi, nhưng chúng tôi (cô-mơ, tôi-nhìn vào) biết đó là gã, tà ác không dung tha đầy vẻ buộc tội, nguyền rủa cô bằng ngôn ngữ của những hóa thân của gã, tru lên với cô khi là Joseph-chó-sói, phủ lên cô những vệt bò nhớp nhúa của Joseph-con-sên, quật cô bằng đầu quét của cái chổi hóa thân của gã... v
Và sáng ra khi cô bảo tôi tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đi học tôi phải nuốt vào những câu hỏi, tôi chín tuổi và bị lạc trong mớ hỗn độn những mảnh đời người khác đang nhòa lẫn với nhau trong cái nóng.
[2] Theo dân gian châu Âu, nửa đêm là giờ ma lực tối thịnh, là lúc phù thủy thi triển pháp thuật. Ý Saleem nói đây là lúc năng lực siêu nhiên của mình đạt đến cực điểm.
Để kết thúc câu chuyện về những ngày đầu cuộc sống được biến cải của mình, tôi phải bổ sung một lời thú tội đau lòng: tôi nhận ra mình có thể cải thiện đánh giá của bố mẹ về tôi bằng cách sử dụng năng lực mới này vào chuyện bài vở - nói ngắn gọn, tôi bắt đầu ăn gian ở lớp. Như thế nghĩa là, tôi bắt sóng giọng nói nội tâm của giáo viên và các bạn học thông minh hơn, và lấy thông tin từ trong đầu họ.
Tôi phát hiện ra rằng trong số thầy cô có rất ít người có thể ra đề kiểm tra mà không duyệt trước đáp án tối ưu trong đầu – và tôi cũng biết rằng trong những trường hợp hiếm hoi khi giáo viên còn bận tâm về việc khác, chuyện tình ái riêng tư hay khó khăn về tài chính, tôi vẫn luôn có thể tìm được lời giải trong bộ óc phát triển sớm, phi thường của thằng thần đồng lớp tôi, Cyrus-đại-đế.
Điểm số của tôi bắt đầu cải thiện rõ rệt – nhưng không quá lộ liễu, vì tôi luôn luôn làm cho bài mình khác đi với bản gốc bị ăn trộm; kể cả khi đạo bằng ngoại cảm nguyên bài luận Anh văn của Cyrus, tôi cũng thêm thắt vài sửa đổi tầm thường của riêng tôi. Mục đích của tôi là để tránh bị hoài nghi; dù không thành công, song tôi cũng không bị phát hiện. Dưới cặp mắt sục sôi, tra xét của Emil Zagallo tôi vẫn thánh thiện đầy vô tội; trước sự ngỡ ngàng lắc đầu khó hiểu từ thầy Tandon dạy tiếng Anh, tôi tiến hành gian lận trong im lặng – biết rằng họ sẽ không tin sự thật ngay cả khi, vì tình cờ hay rồ dại, tôi để lòi đuôi.
Tóm lại là: vào thời khắc quyết định trong lịch sử quốc gia non trẻ của chúng ta, vào thời điểm các Kế hoạch Năm Năm đang được xây dựng và các cuộc bầu cử đang tới gần và những đoàn biểu tình ngôn ngữ đang giành giật Bombay, một đứa trẻ chín tuổi tên là Saleem Sinai bỗng có được một năng lực kỳ diệu. Bất chấp nhiều mục đích quan trọng mà năng lực ấy có thể được sử dụng phục vụ đất nước nghèo khổ, kém phát triển của mình, thằng bé đã quyết định che giấu tài năng, phung phí nó vào những trò thị dâm tầm phào và gian dối vụn vặt.
Cách hành xử này – không phải, tôi thừa nhận, cách hành xử của anh hùng – là hệ quả trực tiếp của sự bấn loạn trong tâm trí thằng bé, luôn lẫn lộn giữa đạo đức - khát vọng muốn làm điều đúng – và được lòng người khác – cái khát vọng có phần mơ hồ hơn là làm điều được tán thành. Sợ thất sủng với phụ huynh, nó bưng bít thông tin về sự biến hóa của mình; tìm kiếm sự tán dương từ phụ huynh, nó lạm dụng năng lực này ở trường. Khuyết điểm này trong tính cách của nó có thể được tha thứ một phần bởi tuổi đời non nớt; song chỉ có một phần thôi. Tư duy lẫn lộn sẽ còn đeo đẳng sự nghiệp của nó nhiều.
Tôi có thể rất khắt khe khi phán xét bản thân nếu muốn.
Thứ gì tọa lạc trên mái Nhà trẻ Breach Candy – cái mái, quý vị hẳn còn nhớ, có thể leo lên từ vườn trong Biệt thự Buckingham, chỉ cần trèo qua bức tường bao? Thứ gì, không còn khả năng thực hiện chức năng như thiết kế ban đầu, đã dõi theo chúng tôi năm đó khi ngay đến mùa đông cũng quên trở lạnh – thứ gì đã quan sát Sonny Ibrahim, Mắt Chẻ, Tóc Dầu và tôi, khi chúng tôi chơi kabaddi, và critket kiểu Pháp, và ném tháp, thi thoảng có sự tham gia của Cyrus-đại-đế và những đứa bạn khác đến chơi: Perce Fishwala Mập và Keith Colaco Nội Tiết?
Thứ gì có mặt mỗi khi Bi-Appah, bảo mẫu của Toxy Catrack, từ trên gác thượng nhà Homi quát vọng xuống: “Bọn nhãi ranh! Đồ phá làng phá xóm! Có im đi không!”
... Thế là cả bọn ù té chạy, rồi quay lại (khi bà ta đã mất dạng) làm mặt câm về phía ô cửa sổ bà ta vừa đứng? Nói tóm lại, đó là thứ gì, cao và xanh và bong tróc, trông xuống cuộc đời chúng tôi, thứ dường như, có một thời, là vật ghi dấu thời gian, chờ đợi không chỉ quãng thời gian sắp tới khi bọn tôi bắt đầu mặc quần dài, mà có lẽ còn chờ cả sự xuất hiện của Evie Burns?
Có lẽ quý vị cần gợi ý: thứ gì có lần từng chứa bom? Đâu là nơi Joseph D’Costa chết vì rắn cắn?... Khi, sau vài tháng dằn vặt nội tâm, rốt cuộc cũng muốn tìm nơi lẩn tránh tiếng người lớn, tôi đã tìm thấy nó ở ngọn tháp đồng hồ cũ, nơi không có ai buồn khóa cửa.
Và tại đây, giữa nỗi cô đơn của thời gian đang rỉ sét, tôi đã, trong tự mâu thuẫn, bước những bước ngập ngừng đầu tiên vào cuộc đời tiếng tăm mà tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi nữa... không bao giờ, tới khi mụ Góa phụ...
Bị cấm cửa khỏi tủ giặt, tôi bắt đầu, khi nào có thể, thừa lúc không ai nhìn thấy lẻn vào ngọn tháp của thời gian què quặt. Khi ở vòng xuyến sạch bóng người vì trời nóng hay vì tình cờ hay vì ánh mắt soi mói. Khi Ahmed cùng Amina đến Câu lạc bộ Willingdon chơi bài canasta buổi tối. Khi con Khỉ Đồng vắng mặt, mải lân la quanh các nữ thần tượng mới kiếm được, đội bơi lặn của Trường Nữ sinh Walsingham... tức là, khi hoàn cảnh cho phép, tôi lại chui vào nơi ẩn náu bí mật, nằm dài trên tấm thảm rơm lấy trộm từ dãy nhà của người ở, nhắm mặt lại, và thả cho bên tai nội thể vừa thức tỉnh (thông với mũi tôi, như mọi cái tai) tự do lang thang khắp thành phố - và xa hơn, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, lắng nghe đủ mọi chuyện. Để thoát khỏi áp lực khó gánh từ việc nghe trộm người thân, tôi đem thuật này học tập với người lạ. Như vậy việc tôi tham gia vào những vấn đề thời sự của Ấn Độ xuất phát hoàn toàn từ những lý do thấp hèn – rầu rĩ vì tiếp xúc với quá nhiều riêng tư, tôi sử dụng thế giới bên ngoài ngọn đồi nhà tôi để tiêu sầu.
Thế giới được khám phá từ ngôi tháp đồng hồ hỏng: ban đầu, tôi chỉ là một du khách không hơn, một đứa trẻ dòm qua những cái lỗ kỳ diệu từ cỗ máy “Dilli-dekho” riêng tư. Tiếng trống dugdugee lốc cốc bên tai trái (đã hỏng) của tôi khi tôi lần đầu nhìn thấy Taj Mahal qua đôi mắt một bà người Anh to béo bị tiêu chảy.
Sau đó để cân bằng giữa Nam và Bắc, tôi nhảy xuống đền Meenakshi ở Madurai và yên ấm tọa trong góc nhìn trùm len, thần bí của một thầy tu đang tụng niệm. Tôi thăm thú Connaught Place tại New Delhi trong bộ dạng của một anh lại xe tuktuk, chua chát càm ràm với khách về việc xăng lên giá.
Ở Calcutta, tôi ngủ vạ vật trong một đoạn ống nước thải. Lúc này đã bị con bọ du hành cắn cho tơi tả, tôi lao xuống Mũi Comorin và biến thành một ả dân chài có tấm sari chặt bao nhiêu thì tiết hạnh lỏng bấy nhiêu... đứng trên cát đỏ dạt vào từ ba biển, tôi đong đưa với một gã đồng nát bờ biển người Dravida bằng một thứ tiếng tôi không hiểu; rồi trèo lên dãy Himalaya, chui vào túp lều tiền sử rêu phong của một bộ lạc Goojar, dưới ánh hào quang của cây cầu vồng tròn tuyệt đối và tầng băng tích chênh vênh của băng hà Kolahoi.
Tại pháo đài vàng của Jaisalmer tôi nếm thử cuộc sống nội tâm của một phụ nữ dệt váy đính thủy tinh và ở Khajuraho tôi là một cậu trai làng đang tuổi lớn, bối rối tột độ trước những bức phù điêu Tantra hoa tình ở đền Chandela tọa giữa cánh đồng, nhưng chẳng thể móc mắt mình ra được... trong cái giản đơn lạ lẫm của viễn du tôi tìm được một chút bình yên. Nhưng, cuối cùng, viễn du cũng thôi không thỏa mãn, cơn tò mò bắt đầu ngó ngoáy.
“Thử xem,” tôi tự nhủ, “điều gì đang thực sự diễn ra quanh đây.”
Được cái tinh thần chiết trung của tuổi lên chín thôi thúc, tôi nhảy vào đầu các ngôi sao điện ảnh và cầu thủ bóng chày – tôi biết được sự thật đằng sau câu chuyện lá cải của tờ Filmfare về vũ công Vyjayantimala, và tôi đứng trên vạch với Polly Umrigar tại sân vận động Brabourne; tôi là Lata Mangeshkar ca sĩ hậu trường[3] và Bubu anh hề ở rạp xiếc phía sau khu Civil Lines... và một cách tất yếu, từ quá trình nhảy-cóc-tâm-trí ấy, tôi khám phá ra chính trị.
[3] Playback singer, ca sĩ chuyên thu âm giọng hát trong những bộ phim ca nhạc để diễn viên hát nhép theo.
Lần này tôi là một tay địa chủ ở Uttar Pradesh, mỡ bụng trùm lên dải rút quần khi ra lệnh cho nông nô châm lửa đốt ngũ cốc thừa... lần khác tôi chết đói ở Orissa, nơi vẫn thiếu lương thực như thường lệ: tôi hai tháng tuổi và mẹ tôi đã kiệt sữa.
Tôi chiếm lĩnh, trong giây lát, tâm trí một nhân viên đảng Quốc đại, đang đút lót một ông giáo làng để ông ta đem uy tín ủng hộ cho đảng của Gandhi và Nehru tại chiến dịch tranh cử sắp tới; và cả suy nghĩ của một nông dân Kerela người đã quyết định bầu cho đảng Cộng sản. Độ táo tợn của tôi tăng dần: một buổi chiều nọ tôi cố ý xâm nhập vào đầu ngài Thủ hiến Bang, do vậy tôi phát hiện ra, hơn hai mươi năm trước khi nó thành trò cười khắp nước, rằng Morarji Desai hằng ngày đều “uống nước của mình”... tôi ở trong ông ta, nếm thấy vị ấm khi ông ta ừng ực tu hết cốc nước tiểu sủi bọt.
Và cuối cùng tôi đạt đến đỉnh cao: tôi hóa thành Jawaharhal Nehru, Thủ tướng và tác giả của bức thư lồng khung kính: tôi ngồi với con người vĩ đại ấy giữa một đám chiêm tinh gia răng khuyết, râu xờm mà điều chỉnh Kế hoạch Năm Năm sao cho nó hài hòa với nhạc điệu của các vì tinh tú... đời sống thượng lưu là chuyện rất đau đầu.
“Nhìn ta đây!” tôi hãnh diện trong im lặng. “Ta có thể đi bất cứ nơi nào ta muốn!” Ở tòa tháp nơi có lần từng chất đầy tận nóc thứ thuốc nổ của lòng thù hận của Joseph D’Costa, cụm từ này (đi kèm hiệu ứng âm thanh tích tắc phù hợp) nảy ra hoàn chỉnh trong tâm trí tôi: “Ta là quả bom ở Bombay... xem ta nổ đây!”
Vì trong tôi bỗng nảy sinh cảm giác rằng tôi bằng cách nào đó đang tạo ra một thế giới, rằng những suy nghĩ mà tôi nhảy vào ấy chính là của tôi rằng những cơ thể tôi chiếm lĩnh hành động theo lệnh tôi. Rằng, khi thời sự, nghệ thuật, thể thao, toàn bộ sự đa dạng phong phú của một đài phát thanh hạng-nhất rót vào trong tôi, tôi bằng cách nào đó đang khiến chúng xảy ra... như thế để nói rằng, tôi đã lâm vào ảo tưởng của người nghệ sĩ, và xem hằng hà sa số sự vật hiện tượng trên xứ sở này là thứ vật liệu thô chưa định hình của tài năng ở tôi.
“Cái quái gì ta cũng tìm ra được!” tôi đắc thắng “Chẳng có gì là ta không thể biết!”
Hôm nay, với sự chiêm nghiệm từ những năm tháng đã qua, đã mất, tôi có thể nói rằng cái tinh thần vĩ đại hóa bản thân chiếm lĩnh tôi hồi ấy là một phản xạ, sinh ra từ bản năng tự phòng vệ. Ví thử tôi không tin rằng chính chính mình nắm quyền kiểm soát đám đông thác lũ ấy, tập hợp các bản thể đó hẳn đã hủy diệt bản thể của tôi... nhưng ở đó trong tháp đồng hồ của mình, ngập tràn sự tự mãn của cơn phấn khích, tôi hóa thành Sin, vị thần mặt trăng cổ đại (không, không phải của Ấn Độ: tôi đã du nhập ông ta từ miền Hadhramaut xa xưa), có năng lực hành-động-từ-xa và thay đổi thủy triều của thế giới.
Nhưng cái chết, khi viếng thăm Điền trang Methwold, vẫn làm tôi bất ngờ.
Mặc dù việc đóng băng tài sản đã kết thúc từ nhiều năm trước, vùng dưới thắt lưng của Ahmed Sinai vẫn tiếp tục lạnh như băng. Kể từ cái ngày ông kêu lên: “Bọn con hoang nhét hai hòn của tôi vào xô đá rồi!!”, và Amina đã ấp chúng vào tay để ủ ấm khiến ngón tay bà dính vào chúng vì lạnh, bộ phận sinh dục của ông đã chuyển sang ngủ đông, một con ma mút trong khối băng, như con người ta tìm thấy ở Nga năm 56.
Mẹ tôi Amina, người kết hôn để có con, cảm thấy từng sự sống chưa thành hình mục ruỗng trong tử cung bà và tự oán trách mình vì đã trở nên không quyến rũ đối với chồng, vì đám mụn cóc rồi các thứ. Bà tâm sự về nỗi buồn này với Mary Pereira, nhưng người ayah chỉ bảo bà rằng chẳng thể tìm được niềm vui nào ở “bọn đàn ông”. Họ vừa nói chuyện vừa cùng làm rau quả dầm, và Anima khuấy những thất vọng của bà vào một món chutney chanh cay không bao giờ thất bại trong việc làm người ăn trào nước mắt.
Mặc dù giờ làm việc của Ahmed Sinai tràn ngập mơ tưởng về các cô nàng thư ký khỏa thân nhận lệnh, những viễn cảnh về các cô nàng Fernanda hay Poppy đi lại giữa phòng trong bộ trang phục ngày họ ra đời với vết ghế mây lằn ngang dọc trên mông, cái cơ quan kia của ông nhất định không đáp ứng. Và một ngày, khi cô Fernanda hay Poppy thật đã ra về, ông đang chơi cờ cùng bác sĩ Narlikar, thì cái lưỡi (cũng như nước cờ của ông) bị các tửu tinh làm mềm ra, và ông vụng về thú nhận: “Narlikar, tôi có vẻ đã hết hứng thú với chuyện ấy rồi.”
Một ánh vui mừng tỏa ra từ viên bác sĩ phụ khoa bừng sáng, gã cuồng hạn chế sinh đẻ trong con người viên bác sĩ da sậm, phát sáng nhào ra từ mắt ông ta và thốt nên bài diễn văn này: “Hoan hô!” Bác sĩ Narlikar kêu lên.
“Người anh em Sinai, phải thế chứ! Anh – và, tôi xin phép, tôi – phải, anh và tôi, Sinai bhai, là những con người có phẩm giá tinh thần hiếm hoi! Những sự ô nhục hào hển của xác thịt không dành cho chúng ta – há chẳng phải là điều tốt đẹp hơn sao, tôi hỏi anh, khi kiêng cữ sinh đẻ - khi tránh đưa thêm một sinh linh khốn khổ nữa vào đám đông lúc nhúc đang ăn mày đất nước ta lúc này, thay vào đó, dồn sinh lực cho nhiệm vụ cho họ thêm đất để trú chân? Tôi nói anh hay, bạn ạ: anh và tôi và những khối tetrapod của ta: từ chính đại dương ta sẽ sản sinh ra đất!”
Để thánh hóa bài diễn thuyết này, Ahmed Sinai lại rót rượu; cha tôi và Bác sĩ Narlikar nâng ly vì giấc mơ bê tông bốn chân của họ.
“Đất, đúng! Tình, không!” Bác sĩ Narlikar nói, giọng hơi run; cha tôi lại rót đầy cốc của mình.
Cho đến những ngày cuối năm 1956, giấc mơ lấn biến với sự trợ giúp của hàng nghìn hàng nghìn khối tetrapod bê tông lớn – chính cái giấc mơ là căn nguyên gây ra vụ đóng băng – còn giờ đây là, với cha tôi, một hình thức thay thế cho sinh hoạt tình dục mà hậu quả của cuộc đóng băng đã tước đi của ông – có vẻ thực sự sắp đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, lần này, Ahmed Sinai đã thận trọng trong việc tiêu tiền. Lần này ông giấu mặt sau hậu trường, và tên ông không xuất hiện trên một giấy tờ nào. Lần này, ông đã học được những bài học từ vụ đóng băng và quyết tâm gây chú ý về mình càng ít càng tốt. Thế nên khi Bác sĩ Narlikar phản bội ông bằng cách lăn ra chết, không để lại tài liệu gì về sự tham gia của cha tôi vào dự án tetrapod, Ahmed Sinai.
(người có xu hướng, như ta đã thấy, phản ứng tiêu cực trước tai họa) bị nuốt chửng vào miệng con rắn dài của sự suy sụp mà từ đó ông sẽ không trỗi dậy được cho tới khi, vào những ngày cuối đời, ông rốt cuộc đã tìm thấy tình yêu với vợ mình.
Đây là câu chuyện đồn về đến Điền trang Methwold: Bác sĩ Narlikar đến thăm bạn gần Marine Drive; kết thúc chuyến thăm, ông quyết định thả bộ xuống Bãi biển Chowpatty làm một đĩa bhel-puri và ít sữa dừa. Đi thoăn thoắt dọc vỉa hè cạnh con đê biển, ông bắt kịp khúc đuôi một đoàn diễu hành ngôn ngữ đang di chuyển chậm rãi, hát trong hòa bình.
Bác sĩ Narlikar tới gần nơi, được sự cho phép của Hội đồng Thành phố, ông đã cho đặt một khối tetrapod biểu trưng, độc nhất trên con đê biển, như một hình thức biểu tượng chỉ đường đến tương lai. Và ở đây ông để ý thấy một chuyện khiến ông mất đi lý trí.
Một toán phụ nữ ăn xin đã bu quanh khối tetrapod và đang làm lễ puja. Họ thắp đèn dầu dưới chân khối bê tông, một người đã vẽ biểu tượng chữ Om lên đầu ngọn của nó. Họ vừa cầu nguyện vừa tẩy rửa cho khối tetrapod một cách kỹ lưỡng và thành kính. Điều kỳ diệu của công nghệ đã bị biến thành Shiva-linga; Bác sĩ Narlikar, địch thủ của sự sinh sản, điên dại lên trước cảnh tượng này, điều khiến ông cảm thấy như tất cả các lực lượng xa xưa đen tối cường dương của Ấn Độ cổ đại, phồn thực đã được giải phóng lên cái vẻ đẹp của bê tông vô sinh thế kỷ 20... xông thẳng đến, ông chửi rủa đám người đang hành lễ, tỏa sáng dữ dội trong cơn thịnh nộ; tới nơi, ông đá văng những ngọn đèn dia nhỏ của họ; người ta kể ông còn toan đẩy họ. Và ông bị cặp mắt của những người diễu hành ngôn ngữ bắt gặp.
Tai những người diễu hành ngôn ngữ nghe thấy sự tục tằn của lưỡi ông, chân những người diễu hành đứng lại, giọng họ cao lên phê phán. Những nắm đấm run lên, những tiếng chửi văng ra. Thế là ông bác sĩ tử tế, giận quá mất khôn, quay sang đám đông mà phỉ báng động cơ của họ, hậu duệ của họ, chị em của họ. Im lặng bao trùm và thực thi quyền lực của nó. Im lặng hướng những đôi chân người diễu hành về phía viên bác sĩ phụ khoa tỏa sáng, đứng giữa khối tetrapod và đám đàn bà rền rĩ.
Trong im lặng những bàn tay diễu hành vươn tới Narlikar và trong câm nín ông bấu chặt khối bê tông bốn chân khi họ cố lôi ông về phía họ. Trong vô thanh tuyệt đối, cơn khiếp đảm cho Bác sĩ Narlikar sức mạnh của loài hà; tay ông dính chặt vào khổi tetrapod không thể tách ra. Đám người diễu hành dồn sức lên khối tetrapod... trong lặng lẽ họ bắt đầu lắc nó; trong câm lặng sức mạnh của số đông áp đảo trọng lượng của nó. Trong một buổi tối bị chế ngự bởi sự tĩnh lặng ma quỷ khối tetrapod nghiêng đi, chuẩn bị trở thành cá thể đầu tiên thuộc loại này hạ thủy và bắt đầu sự nghiệp lấn biển vĩ đại.
Bác sĩ Suresh Narlikar, miệng há ra thành một chữ A không thành tiếng, bám vào nó như một động vật thân mềm phát sáng... người và khối bê tông bốn chân rơi xuống không một tiếng động. Nước bắn lên phá tan ma thuật.
Người ta bảo khi Bác sĩ Narlikar rơi xuống và bị nghiền chết dưới trọng lượng vật ám ảnh yêu dấu của ông, không ai gặp khó khăn gì để xác định vị trí thi thể bởi vì nó phát sáng lung linh xuyên qua làn nước như một đống lửa.
“Mày có biết chuyện gì không?” “Ê mày, vụ gì thế?” - bọn trẻ con, trong đó có tôi, tụ tập ngoài bờ rào khuôn viên Biệt thự Escorial, nơi có căn hộ độc thân của Bác sĩ Narlikar.
Và một người hamal của gia đình Lila Sabarmati, lấy vẻ đau buồn trang trọng, thông báo với chúng tôi: “Họ đã đưa thi hài ông ấy về, liệm trong lụa.”
Tôi không được vào xem thi hài Bác sĩ Narlikar khi nó nằm bọc trong hoa nghệ trên chiếc giường đơn cứng. Nhưng kiểu gì tôi cũng biết hết, bởi tin tức về nó lan xa khỏi phạm vi căn phòng của ông. Chủ yếu tôi nghe từ đám người hầu ở Điền trang, những người thấy rất tự nhiên khi công khai nói về cái chết, nhưng lại hiếm khi nói gì nhiều về cuộc sống, vì trong cuộc sống mọi thứ đều hiển nhiên. Từ chính người hầu của Bác sĩ Narlikar, tôi biết rằng cái xác, do nuốt một lượng lớn nước biển, tiếp thu các đặc tính của nước: nó đã trở thành một khối lỏng, và nhìn vui, buồn hay vô cảm còn tùy thuộc vào cách ánh sáng rọi vào nó.
Người làm vườn nhà Homi Catrack cụt lủn nói: “Nhìn xác chết quá lâu rất nguy hiểm; hoặc ta sẽ hấp thu một phần của nó vào người, rồi còn hậu quả nữa.”
Tụi tôi hỏi: hậu quả? hậu quả gì? hậu quả nào? ra sao?
Và Purushottam vị ẩn giả, lần đầu tiên trong nhiều năm đã rời vị trí dưới vòi nước ngoài Biệt thự Buckingham, bảo: “Xác chết khiến người sống nhìn thấy bản thân quá rõ ràng; sau khi đối diện với nó, họ bị phóng đại lên.”
Kết luận khác thường này, kỳ thực, xuất phát từ thực tế, bởi sau đấy, Bi-Appah bảo mẫu của Toxy Catrack, người giúp tắm rửa cho xác chết, trở nên the thé hơn, cáu bẳn hơn và đáng sợ hơn bao giờ hết; và hình như bất kỳ ai đã thấy xác Bác sĩ Narlikar trong thời gian nằm quan đều bị ảnh hưởng, Nussie Ibrahim trở nên ngu ngốc hơn và vịt hơn, và Lila Sabarmati, ở căn hộ trên đầu người chết và đã giúp dọn dẹp phòng ốc, kể từ đó đã nhượng bộ thói trăng hoa vốn luôn tiềm ẩn trong cô ta, và dấn thân vào một con đường sẽ kết thúc bằng những viên đạn, và ông chồng Trung tá Hải quân Sabarmati điều khiển giao thông trên con đường Colaba bằng cây dùi cui bất thường nhất...
Gia đình tôi, tuy nhiên, tránh xa xác chết. Cha tôi nhất định không đi viếng và không bao giờ nhắc đến tên người bạn quá cố, chỉ gọi ông ta là: “quân phản bội”.
Hai ngày sau, khi báo đưa tin, Bác sĩ Narlikar đột nhiên có một gia đình khổng lồ toàn họ hàng là phụ nữ. Suốt đời là người độc thân và thù ghét đàn bà, ông lại bị nhận chìm, khi chết, dưới một biển các mụ đàn bà đồ sộ, rầm rĩ, bát diện oai phong, bò ra từ mọi ngóc ngách của thành phố. Từ chân vắt sữa bò tại công ty Sản phẩm sữa Amul đến các phòng vé rạp phim, từ những quầy soda vỉa hè đến những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Vào một năm của những cuộc tuần hành những người đàn bà nhà Narlikar hình thành đoàn diễu hành của riêng họ, một dòng chảy vĩ đại của nữ tính ngoại cỡ đổ lên ngọn đồi hai tầng nhà chúng tôi để nhồi vào căn hộ Bác sĩ Narlikar chật ních đến nỗi từ dưới đường nhìn lên có thể thấy khuỷu tay họ nhô ra khỏi cửa sổ và mông họ tràn ra hiên nhà. Suốt một tuần mọi người đều mất ngủ vì không khí ngập tràn tiếng than khóc của đám đàn bà Narlikar. Nhưng bên dưới sự gào rú ấy, họ đã chứng tỏ oai phong đúng như bề ngoài. Họ chiếm quyền quản lý Nhà Hộ sinh, họ điều tra mọi thỏa thuận làm ăn của Narlikar, và họ cắt cha tôi khỏi dự án tetrapod một cách lạnh lùng hết mức.
Sau ngần ấy năm, cha tôi chẳng còn lại gì ngoài một cái lỗ ở túi áo, trong khi đám đàn bà đem xác Narlikar đến Banares để hỏa thiêu, và những người hầu ở Điền trang thì thào với tôi rằng họ nghe nói tro của ông Bác sĩ được rải xuống dòng sông Hằng linh thiêng ở bậc thềm M anikarnika lúc trời sẩm tối, nhưng chúng không chìm, mà lềnh bềnh trên mặt nước như một đàn đom đóm nhỏ li ti, và bị cuốn trôi ra biển, nơi ánh sáng kỳ dị của chúng hẳn đã làm kinh sợ thuyền trưởng của những con tàu.
Về phần Ahmed Sinai: tôi thề rằng từ sau cái chết của Narlikar và sự xuất hiện của những người đàn bà, ông bắt đầu, theo nghĩa đen, phai màu... dần dần, da ông bợt ra, tóc ông mất màu, đến khi chỉ sau vài tháng ông trở nên trắng tuyệt đối, trừ màu sẫm của đôi mắt. (Mary Pereira bảo Amina: “Ông ta lạnh lẽo từ trong máu; nên giờ da ông ấy mới đóng băng, băng trắng như tủ lạnh.”)
Tôi phải nói, với tất cả sự thành thực, rằng mặc dù tỏ vẻ lo âu vì sự biến đổi của mình thành da trắng, rồi đi khám bác sĩ này kia, ông lại ngấm ngầm hài lòng khi họ không giải thích nổi vấn đề hay kê được đơn thuốc, vì đã từ lâu ông ghen ti với sự phân bổ sắc tố của người châu Âu. Một hôm, khi đã được phép cười đùa trở lại, (một khoản thời gian tương đối đã qua từ cái chết của Bác sĩ Narlikar), ông bảo Lila Sabarmati vào giờ cocktail: “Ai ưu tú dưới da đều trắng cả; tôi chỉ là đã ngừng giả bộ đấy thôi.” Hàng xóm của ông, da ai nấy đều sẫm hơn, cười lịch sự và cảm thấy hổ thẹn một cách lạ lùng.
Chứng cứ gián tiếp đã cho thấy cú sốc về cái chết của Narlikar là nguyên nhân mang đến cho tôi một ông bố bạch tuyết để đặt cạnh bà mẹ đen huyền, nhưng (mặc dù tôi không biết quý vị sẵn sàng nuốt được bao nhiêu) tôi sẽ đánh bạo đưa ra một cách giải thích khác, một lý thuyết được phát triển trong sự riêng tư trừu tượng của ngôi tháp đồng hồ của tôi... bởi vì qua những cuộc du hành tâm linh thường xuyên của mình, tôi đã phát hiện một điều khá kỳ lạ: suốt chín năm đầu Độc lập, một hiện tượng rối loạn sắc tố tương tự (mà bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận có lẽ là Quận chúa xứ Cooch Naheen) đã hành hạ một phần không nhỏ giới doanh nhân cả nước.
Trên khắp Ấn Độ, tôi chạm mặt nhiều doanh nhân người Ấn thành đạt, họ phát tài nhờ Kế hoạch Năm Năm lần một, vốn tập trung xây dựng ngành thương nghiệp... những người đã hoặc đang trở nên rất, rất đỗi nhợt nhạt! Dường như những nỗ lực phi thường (thậm chí anh dũng) của việc tiếp quản từ người Anh và trở thành chủ nhân vận mệnh của chính mình đã vắt kiệt màu sắc trên má họ... trong trường hợp này, có lẽ cha tôi là nạn nhân muộn màng của một hiện tượng phổ biến, tuy không mấy ai chú ý. Giới doanh nhân Ấn Độ đang ngả trắng.
Như vậy là đủ cho một ngày nghiền ngẫm. Nhưng Evelyn Lilith Burns sắp tới; Pionee Café đã gần đến đau lòng và – thiết yếu hơn – những đứa trẻ khác của nửa đêm, trong đó có Shiva bản thể đối lập của tôi, hắn với đôi đầu gối chết chóc, đang thúc ép dữ dội. Sớm thôi, những vết nứt sẽ đủ rộng để chúng thoát ra...
Nhân tiện: đâu đó vào cuối năm 1956, có nhiều khả năng là anh hát rong kiêm người chồng mọc sừng Wee Willie Winkie cũng đã qua đời.