Ngục Thánh

Chương 143: Ngục Thánh ngoại truyện: Chuyện của hoa - Trà trắng


Chương trước Chương tiếp

Cảnh báo: nội dung 17+, các bạn nhỏ tuổi trước khi đọc nên cân nhắc?

Ly Đốc – người ta vẫn gọi tôi như thế. Ờ, người đang trò chuyện với mấy người tên là Ly Đốc hay chính tôi đây. Nếu các người có thắc mắc thì “Ly Đốc” phiên âm từ chữ “Uyjiluk”, trong phương ngữ Băng Thổ nghĩa là “con hoang”. Như đã nói, người ta gọi tôi vậy, chứ chẳng bà mẹ nào đặt cái tên khó nghe đó cho con mình. Tôi dám khẳng định luôn! Bởi tôi sống cùng mấy thằng bạn có mẹ làm gái điếm, đứa nào cũng sở hữu cái tên đẹp đẽ hơn nhiều so với quá trình chúng nó được hình thành, nếu các người hiểu ý tôi, khì khì! Tôi cũng giống chúng nó, sinh ra từ nhà thổ và chẳng biết mặt ông bố. Nhưng khác ở chỗ mẹ bán tôi cho lão quản đốc phu thuyền ngay lúc sinh ra tôi mà chưa kịp đặt tên, thế nên lão quản đốc lấy ngay chữ Ly Đốc mà gọi. Người dưng máu lạnh, tôi chẳng mong lão nghĩ ra thứ gì tốt đẹp hơn. Bởi cái tên Ly Đốc, tôi có xu hướng dễ bực mình với thế giới xung quanh. Lúc vui không sao, mà hễ buồn bực là tôi nổi khùng phá hoại mọi thứ. Giải thích dài dòng vậy để các người biết tôi không giấu giếm điều gì về bản thân, kể cả câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây cũng thế.

Nhưng hẳn mấy người vẫn còn thắc mắc về từ “phu thuyền” thì cho phép tôi dài dòng thêm chút nữa. Thuyền ở đây là “thuyền cạn”, những con tàu đóng bằng gỗ khép kín, không boong, chạy hoàn toàn bằng sức gió dùng để vượt Đồng Gió – mảnh đất nối liền hai lục địa Băng Thổ và Đông Thổ. Tôi nghe lão quản đốc kể thuyền cạn là phương tiện bay đầu tiên ở thế giới Tâm Mộng, giúp con người hai lục địa biết về nhau thay vì lầm tưởng Đồng Gió là chốn hoang mạc vô tận suốt thời gian dài. Đám bốc dỡ hàng hóa hoặc phục vụ thuyền cạn gọi là phu thuyền. Giờ tàu siêu tốc hay phi thuyền đầy rẫy nhưng chẳng phải ai cũng đủ sức chi trả phí vận chuyển, mà người ta cũng không thể nhồi nhét lũ gia súc hôi rình hay hàng buôn lậu lên mấy thứ đó. Thành thử thuyền cạn vẫn phổ biến, đám phu bởi vậy còn đất sống, dĩ nhiên không nhiều như xưa. Hai nơi sử dụng thuyền cạn nhiều nhất là Hoàng Hôn Cảng ở Băng Thổ - nơi tôi đang sống, kế đến là Khẩu Lỗ thành phía bên kia Đồng Gió.

Đi thuyền cạn tốn sức, cả khách lẫn phu thuyền chủ yếu là đàn ông, đàn bà con gái hiếm vô cùng. Mà nếu có thì tôi dám chắc ả ta không phải đàn bà! Hoàng Hôn Cảng tập hợp hàng nghìn gã đàn ông thở phì phò sau cuộc hành trình dài hay mệt mỏi vì xa nhà, nhà thổ mọc lên như lẽ tất yếu. Ngay lão quản đốc biết tuốt của tôi cũng chẳng biết gái điếm xuất hiện ở đây từ bao giờ. Theo hệ quả, tôi, đám trẻ giống tôi, đám lớn tuổi hơn tôi chung đội phu cùng bao thế hệ con hoang khác đã trở thành một phần lịch sử thành phố. Hầu hết các bà mẹ gái điếm đều gửi hoặc bán đám con bất đắc dĩ này vào đội phu thuyền, cách duy nhất nhưng cũng tốt nhất. Quản đốc khoái phu trẻ con vì chúng đa năng, ngoài bốc dỡ còn chịu làm mấy việc mà đám người lớn ngại làm như nấu ăn, lau sàn, dọn dẹp mấy thuyền cạn vương vãi phân gia súc, quan trọng hơn cả là tiền công rẻ mạt. Tôi mới mười sáu tuổi nhưng tuổi đã làm phu mười năm, vài đứa khác còn lâu hơn song chẳng đứa nào đòi hỏi chuyện tăng lương. À… thực ra là có đứa lên tiếng với lão quản đốc rồi, nhưng răng của nó bể nhanh hơn lời nó nói, thế nên bọn tôi chẳng dám hó hé thêm lần nào nữa. Gọi lão quản đốc là cha, gọi mấy đứa lớn lên cùng mình là anh em, cuộc đời con hoang lẫn phu thuyền của tôi là vậy.

Nhưng làm phu thuyền không đến nỗi nhàm chán. Tin tôi đi, nhiều thú vui lắm, miễn sao các vị đủ sức khỏe! Tôi có cái thú làm việc cật lực, bốc dỡ lau dọn cả ngày cho đến khi mệt nhoài, thường là tầm chiều muộn. Khi đó tôi sẽ leo lên tường thành, ngửa cổ trông từng chiếc thuyền cạn trượt trên đường ray không tà vẹt cao ba trăm mét và đổ nghiêng góc sáu mươi độ, sau đấy bay ra Đồng Gió giữa màu hoàng hôn cam đỏ. Hôm nào hứng chí, tôi cố sức leo lên đỉnh đường ray, chứng kiến cảnh thuyền cạn khởi hành ở một góc độ hoành tráng gấp nhiều lần. May mắn nhất là một lần được lên thuyền ra Đồng Gió, dù rằng chỉ nửa đường là tôi phải đổi ca quay về, tôi chưa từng đặt chân đến Khẩu Lỗ thành. Nhiều năm như thế, không chán sao? – Nếu các người hỏi. À, nhìn hàng chục năm nên lắm lúc hơi chán nhưng hiện tại tôi vẫn yêu thích nó. Còn chuyện sau này? Đấy là chuyện sau này!
...



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...