Bữa tối rất bình thường, chẳng có gia vị gì, thức ăn đạm bạc, song cũng đã lâu lắm rồi họ không được ăn thứ gì ngoài lương khô. Cơm nắm, bánh rau dại, một ít nấm ngâm muối hoặc hong khô, trộn với thứ bột cay cay giống như ớt, Mã Cát còn lấy ra một loại thức uống tự chế khá giống rượu gạo, mấy người bọn đội trưởng Hồ Dương đều nức nở khen ngon.
Trong bữa ăn, Trác Mộc Cường Ba hỏi Mã Cát về lịch sử của Thánh vực và tình hình các thôn làng xung quanh. Cô bèn kể lại một lượt những gì mình biết, những truyền thuyết đã được nghe cho họ.
Thánh vực này được ai phát hiện, phát hiện vào lúc nào thì từ lâu đã chẳng còn ai biết được. Chắc là từ rất lâu, rất lâu trước đây, hơn một vạn năm trước, đã có những cư dân nguyên thủy cư trú ở gần núi tuyết phát hiện ra chốn này. Vì nơi này không có gió thốc dữ dội, có thể coi là một ốc đảo giữa vùng băng tuyết, nên lẽ tự nhiên là có người di cư tới đây. Trải qua hơn vạn năm, không biết đã có bao nhiêu bộ tộc thiên di tới. Tính riêng các bộ tộc mà Mã Cát biết, đã có thôn Mã Ba ở gần đây tự xưng là hậu duệ của người Cát, mà người Cát lại phát triển từ người dân tộc Mục mà ra; dân làng Đa Ngưỡng thì cho rằng tổ tiên của mình là người dân tộc Niên đầu sói; các làng Qua Ninh, Na Ninh thì lần lượt là hậu duệ của người Côn Ngô, người Vi; làng Vị Huyết Nhẫn khá lớn mạnh là hậu duệ của bộ tộc Bạch Lang;... gần như mỗi thôn làng đều là một chủng tộc khác nhau.
Pháp sư Á La nghe khá chăm chú, phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc, mấy chủng tộc mà Mã Cát thuận miệng kể ra ấy, không ngờ bao gồm cả những chủng tộc khởi nguyên trong truyền thuyết của người Tạng và cả tộc Khương, tộc Địch trong các ghi chép lịch sử thời Hạ, Thương, Chu. Khoảng cách về cả thời gian và cương vực của những dân tộc này đều cực lớn. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì ở đây vừa có người triều Hạ, vừa có người triều Thương, hay người nước Tần, nước Tề thời Chiến Quốc là hàng xóm, hoặc Hung Nô triều Hán và Đột Khuyết thời Đường ở sát cạnh nhau, đi vài bước là tới.