"Kha kha, A Mễ về đấy hả, sao lớn tiếng thế, lại gây họa gì bên ngoài rồi phải không?"
Mã Cát vừa xấu hổ vừa bối rối, vội nói: "Địch ô đại nhân nói bừa nhé, có khách quý đến đây nè."
"Ủa." Lúc này ông già kia mới quay người lại, chú ý đến bọn Trác Mộc Cường Ba: "Người Hạ Qua Ba à? Sao có thể được?" Địch ô An Cát Mẫu khoảng tầm sáu mươi đến bảy mươi tuổi, trông vẻ bề ngoài còn già nua hơn pháp sư Á La, gương mặt đầy những nếp nhăn sâu hõm, trên đầu chít khăn, nhưng không để tóc, mà chỉ có hai hàng râu dài bên mép và chòm râu dưới cằm tụ lại một chỗ.
Mã Cát cười cười nói: "Địch ô cũng có lúc không linh rồi nhé! Họ không phải người Hạ Qua Ba đâu, họ là quý khách từ bên ngoài tới đấy!" Tiếp đó, cô lần lượt giới thiệu từng người trong bọn Trác Mộc Cường Ba, rồi tự tiện lấy trong phòng trong của Địch ô đại nhân ra rất nhiều nệm cho mọi người ngồi xuống.
Sau khi biết được thân phận của mấy người bọn Trác Mộc Cường Ba, vị Địch ô đại nhân ấy liền thẳng thừng nói luôn: "Nói mục đích của các vị đi, những vị khách phương xa."
Pháp sư Á La nói: "Chúng tôi tìm kiếm vết chân của Bạc Ba La quang vinh, đến vùng đất này, chúng tôi..."
"A!" Tuy biết rằng làm vậy là rất thiếu lễ độ, nhưng vị Địch ô An Cát Mẫu vẫn không sao nén nổi cất tiếng ngắt lời: "Người Qua Ba! Bạc Ba La thần miếu! Tôi hiểu rồi." Ông đứng dậy, bất an đi đi lại lại mấy bước, đoạn nói: "Hình như tất cả những người từ bên ngoài đến, đều vì Bạc Ba La thần miếu cả. Nơi đó không dễ gì đến được đâu." Ông đưa mắt liếc sang phía Mã Cát, rồi thở dài nói tiếp: "Thôi được, tôi có thể nói cho các vị biết chuyện về Bạc Ba La thần miếu và bộ tộc Qua Ba. Chỉ hiềm nỗi, những điều tôi biết cũng chẳng nhiều nhặn gì."
Ông già vuốt vuốt lại vạt áo, ngồi trở xuống, chầm chậm cất tiếng: "Người Vi Đạt chúng tôi đã đến định cư ở nơi này từ rất sớm, rất sớm, chỉ hơi muộn hơn so với người ở hang và người núi tuyết thôi."
"Người núi tuyết!" Nhạc Dương vừa nghe thấy cách phát âm đó đã kinh ngạc thốt lên. Cách phát âm chữ "người núi tuyết" của Địch ô An Cát Mẫu gần giống với "sa tư mã tang mễ" hoặc "cáp tư khoa ngưỡng hĩ", còn khi Nhạc Dương ghép các âm "núi tuyết" và "người" trong tiếng Tạng cổ vào, thì lại nhận ra phát âm không giống thế. Pháp sư Á La bèn giải thích, cách phát âm "người núi tuyết" chắc là của tiếng Tượng Hùng, hoặc một loại ngôn ngữ cổ còn sớm hơn cả tiếng Tượng Hùng và vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay, vì vậy không thể dùng tiếng Tạng cổ để ghép âm lại được.