Martin Eden

Chương 38


Chương trước Chương tiếp

"Nào, chúng ta đến trụ sở đi."

Brissenden nói, người anh yếu hẳn vì bị thổ huyết nửa tiếng đồng hồ trước đây, lần thổ huyết thứ hai trong ba ngày. Cầm cốc rượu whiskey "thường trực" trong tay, ngón tay run run, anh nâng lên uống cạn.

"Tôi cần gì với chủ nghĩa xã hội?" Martin hỏi.

"Những người ngoài đảng được năm phút để phát biểu," anh bạn ốm yếu thúc giục. "Đứng dậy, đi mà trổ tài hùng biện. Hãy nói với họ tại sao cậu không cần đến chủ nghĩa xã hội. Hãy nói cho họ biết cần nghĩ thế nào về họ và về cái đạo đức công nhân của họ. Đem Nietzsche mà nhét vào đầu óc họ, và hãy cho họ đập cho cậu tơi bời ra. Hãy tranh luận cho thật căng vào. Cái đó sẽ làm cho họ sáng mắt ra. Họ rất thích tranh luận và cả cậu nữa. Cậu biết đấy, trước khi tớ nhắm mắt, tớ muốn được thấy cậu trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội. Như thế nó mới làm cho sự tồn tại của cậu có ý nghĩa. Chỉ có cái đó mới có thể cứu cậu trong những lúc thất vọng sẽ đến với cậu."

"Mình vẫn không thể hiểu tại sao trong tất cả mọi người, cậu lại theo chủ nghĩa xã hội." Martin trầm ngâm. "Cậu ghét quần chúng lắm cơ mà. Chắc chắn không có một cái gì ở cái chốn đê tiện ấy hợp với tâm hồn yêu cái đẹp của cậu?" Martin giơ tay chỉ vào cốc rượu whiskey Brissenden đang lại rót đầy, như buộc tội. "Chủ nghĩa xã hội hình như cũng không cứu nổi cậu."

"Tớ ốm lắm," Brissenden trả lời. "Với cậu lại khác. Cậu có sức khỏe, có nhiều cái để mà sống, và dù sao cậu cũng bị ràng buộc vào cuộc đời. Còn như đối với tớ, cậu không hiểu tại sao tớ lại là một người theo chủ nghĩa xã hội. Tớ sẽ nói để cậu rõ. Chính vì chủ nghĩa xã hội là cái không thể nào tránh được, bởi vì cái chế độ hiện tại thối nát và phi lý không thể nào kéo dài được, bởi vì cái thời một con người hùng trên lưng ngựa của cậu đã qua rồi. Những người nô lệ không chịu để yên đâu. Họ rất đông, dù muốn hay không họ cũng sẽ lôi cái anh chàng cứ làm vẻ như là hiệp sĩ anh hùng kia xuống, trước khi anh kịp ngồi lên mình ngựa. Cậu không thể tránh họ được và cậu sẽ phải nuốt tất cả đạo đức nô lệ. Tớ thừa nhận rằng những cái đó không hay ho gì. Nhưng rượu đã rót ra, cậu phải uống thôi. Dù sao cậu đã quá lỗi thời với những tư tưởng Nietzsche của cậu. Quá khứ là quá khứ, và kẻ nào nói rằng lịch sử sẽ tự điền lại là kẻ ấy nói dối. Tất nhiên, tớ không ưa gì quần chúng, nhưng một kẻ tội nghiệp như tớ còn làm gì được? Chúng ta không thể có con người hùng trên lưng ngựa, và gì gì đi nữa thì cũng còn hơn cái bọn lợn nhút nhát đang trị vì hiện nay. Thôi, dù sao thì cậu cũng nên đến đấy. Rượu đã ngập đến cổ tớ rồi, nếu tớ ngồi đây lâu hơn nữa, tớ sẽ say mất. Và cậu biết bác sĩ nói - mẹ kiếp cái anh bác sĩ. Tớ sẽ lừa nó lần nữa à xem!"

Đêm đó là đêm chủ nhật, họ thấy cái gian phòng nhỏ chật ních những người thuộc đảng xã hội khu Oakland, phần lớn đều là những người thuộc giai cấp công nhân. Diễn giả, một người Do Thái thông minh, ngay từ phút đầu đã chiếm được sự cảm phục của Martin, nhưng đồng thời cũng làm gã đối lập lại. Dáng gù gù, vai hẹp, ngực lép, chứng tỏ anh ta là một người con chân chính của khu lao động đông dân cư; và ấn tượng về cuộc chiến tranh dai dẳng của những người yêu, của những người nô lệ khốn khổ chống lại một nhóm người thống trị, đã thống trị và sẽ còn thống trị họ cho đến ngày tận thế, đã khiến Martin xúc động mạnh. Đối với gã, cái mẫu người gầy còm này là một biểu tượng. Anh ta là hình ảnh nổi bật đại diện cho tất cả đám quần chúng khốn cùng, những kẻ yếu đuối, bất tài đã bị chết đi theo qui luật sinh vậy học của cuộc sống phức tạp. Họ là những người không có sức đấu tranh để tồn tại. Mặc cái triết học khôn ngoan của họ, mặc cái khuynh hướng hợp tác như một bầy kiến của họ, tạo hóa cứ đào thải họ, dành chỗ cho con người kiệt xuất. Tạo hóa tung từ bàn tay mầu mỡ của mình ra rất nhiều mầm sống, nhưng tạo hóa chỉ chọn những mầm tốt nhất. Bắt chước tạo hóa, con người cũng áp dụng một phương pháp như thế để nuôi ngựa đua hoặc trồng dưa. Tất nhiên, kẻ sáng tạo ra vũ trụ có thể áp dụng một phương pháp tốt hơn; nhưng những sinh vật của cái vũ trụ đặc biệt này phải khuôn theo phương pháp đặc biệt ấy. Đương nhiên, những sinh vật đó có thể quằn quại vùng vẫy khi bị hủy diệt, cũng như những người thuộc đảng xã hội quằn quại vùng vẫy, cũng như người diễn giả đang đứng trên bục kia, và đám quần chúng mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngay lúc này cũng đang quằn quại vùng vẫy, bàn bạc cùng nhau để cùng nhau tìm ra một phương sách mới nào đó; đặng làm giảm bớt hình phạt của cuộc sống và chiến thắng vũ trụ.

Martin nghĩ như vậy, và gã nói như vậy khi Brissenden giục giã quật cho họ một vố. Gã theo lời, bước lên bục diễn đàn, theo như tập quán ở hội trường và xin phép chủ tịch hội nghị. Gã bắt đầu nói khẽ, vấp váp, sắp xếp lại cho có thứ tự những ý nghĩ nảy ra trong đầu óc gã trong khi người Do Thái nói. Trong những buổi họp như thế này, mỗi diễn giả chỉ được phép phát biểu năm phút, nhưng khi năm phút của Martin đã hết, gã nói đang sôi nổi, lời phát biểu tấn công vào chủ nghĩa của họ mới chỉ được một nửa. Gã đã lôi cuốn được sự hứng thú của họ, thính giả hò reo xin chủ tịch hội nghị kéo dài thêm thời gian phát biểu của Martin. Họ thấy gã là một địch thủ xứng đáng với trí tuệ của họ, họ chăm chú nghe, theo dõi từng lời. Gã nói say sưa và tin tưởng, không dè dặt trong khi gã tấn công vào bọn người nô lệ, vào quan niệm đạo đức của đám người này, vào sách lược đấu tranh của họ - gã nói thẳng không rào đón, ám chỉ chính đám thính giả là những người nô lệ gã đang nói đến. Gã trích dẫn Spencer và Malthus, nói lên qui luật phát triển của sinh vật học.

"Vì thế," gã kết luận vắn tắt, "không một quốc gia nào gồm toàn những loại người nô lệ lại có thể tồn tại. Cái quy luật có từ xưa về sự phát triển vẫn còn thích dụng. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, như tôi đã nói, kẻ mạnh và dòng giống của kẻ mạnh sẽ sống sót, và chừng nào mà đấu tranh còn tồn tại, thì sức mạnh của mỗi thế hệ càng lớn lên. Đó là sự phát triển. Nhưng những người nô lệ các bạn - làm nô lệ thật là quá tồi tệ, tôi thừa nhận là như thế - nhưng những người nô lệ các bạn lại mơ tưởng một xã hội, nơi mà quy luật phát triển sẽ bị thủ tiêu, nơi mà không một kẻ yếu đuối, không một kẻ bất tài nào sẽ bị tiêu diệt, nơi mà mọi kẻ bất tài trong xã hội muốn ăn bao nhiêu cũng có, một ngày muốn ăn bao nhiêu bữa cũng được, nơi mà mọi người đều lập gia đình và sinh con đẻ cái - kẻ yếu cũng như kẻ mạnh. Kết quả sẽ như thế nào? - kết quả là sức mạnh và giá trị của cuộc sống ở mỗi thế hệ sẽ không còn tăng lên nữa. Trái lại, nó sẽ giảm đi. Đó là thần Nemesis 1 đối với cái triết học nô lệ của các bạn. Cái xã hội nô lệ của các bạn - của những người nô lệ, bởi những người nô lệ và vì những người nô lệ - nhất định phải yếu đi không sao có thể tránh khỏi được và sẽ tan vụn ra từng mảnh vì cuộc sống của nó sẽ yếu đi và tan vụn ra từng mảnh.

"Hãy nhớ rằng, tôi giải thích theo sinh vật học chứ không phải đạo đức tình cảm đâu. Không một quốc gia của những người nô lệ nào có thể đứng vững..."

"Thế nước Mỹ thì sao?" Một người trong đám thính giả hét lên.

"Còn sao nữa?" Martin trả lời. "Mười ba nước thuộc địa lật đổ kẻ thống trị của họ và lập nên cái gọi là nước Cộng Hoà. 2Những người nô lệ tự làm chủ mình, không còn những ông chủ thống trị bằng gươm giáo. Nhưng không thể kéo dài tình trạng không thể có một thứ ông chủ nào đó, và thế lại là có một loại chủ mới lại nảy ra - không phải là những con người cao quý, cường tráng, vĩ đại mà là bọn con buôn, bọn cho vay lãi láu cá và quay quắt. Bọn chúng lại nô dịch các bạn một lần nữa, nhưng không phải thẳng thắn như những người chân chính cao quý vẫn làm với sức mạnh của chính cái vũ khí thích hợp của họ, mà bằng cách lén lút, dùng những thủ đoạn quay quắt, bằng cách lừa lọc, tán tỉnh, dối trá. Bọn chúng đã mua chuộc những tên chánh án nô lệ của các bạn, bọn chúng đã trụy lạc hóa những viên lập pháp nô lệ của các bạn, bọn chúng còn cưỡng bức nam nữ thanh niên nô lệ của các bạn làm việc còn tồi tệ hơn cả bầy nô lệ như súc vật nữa. Hai triệu con em của các bạn đang phải quần quật làm việc trong cái chế độ thiểu số con buôn ấy ở cái nước Mỹ này. Mười triệu những người nô lệ các bạn hiện nay đang không có một chỗ ở cho tươm tất, mà cũng không được ăn cho no đủ.

"Nhưng ta trở lại vấn đề. Tôi đã nói rằng không một xã hội nào của những người nô lệ có thể tồn tại lâu dài bởi vì theo chính bản chất của nó, một xã hội như thế sẽ thủ tiêu mất quy luật phát triển. Một xã hội nô lệ vừa lập lên thì lập tức sự suy sụp sẽ tới ngay. Các bạn nói đến thủ tiêu quy luật phát triển thì dễ, nhưng thử hỏi đâu là cái quy luật phát triển mới nó sẽ giữ vững sức mạnh phát triển của các bạn? Các bạn hãy nói ra đi? Nó đã được đặt ra chưa? Các bạn nói xem?"

Martin ngồi xuống giữa những tiếng reo hò ồn ào náo nhiệt. Hai chục người đứng lên tranh nhau đề nghị chủ tịch cho họ được phát biểu trước. Và lần lượt, được sự cổ vũ ầm ĩ của thính giả, họ phát biểu sôi nổi, đầy nhiệt tình với những cử chỉ nóng nảy trả lời lại cuộc tấn công của Martin. Đó là một đêm cuồng nhiệt - nhưng cuồng nhiệt một cách có tri thức, một cuộc chiến đấu về tư tưởng. Một vài người đi lạc đề, nhưng hầu hết những diễn giả đã trực tiếp trả lời Martin. Họ làm gã kinh ngạc với những tư tưởng rất mới đối với gã: họ làm cho gã nhìn một cách sâu sắc hơn, không phải là về những quy luật mới về sinh vật học mà chính là ở trong cách áp dụng mới những quy luật cũ. Họ hăng say quá, luôn luôn quên cả lịch sự, nhiều lần chủ tịch phải gõ và đập xuống bàn để lấy lại trật tự. Lúc đó, trong những thính giả tình cờ có một anh chàng ký giả non choẹt, anh ta ngồi nghe vì hôm đó thiếu tin tức và tòa soạn cần những tin giật gân.

Anh ta không phải là một ký giả có tài. Anh ta chỉ là một ký giả nói năng giảo hoạt, lẻm mồm. Anh ta quá ngốc nghếch không theo dõi được cuộc tranh luận. Thực ra, anh ta có một cảm giác thoải mái rằng mình hơn cái bọn điên lắm lời thuộc giai cấp công nhân này nhiều. Hơn nữa, anh ta còn hết sức kính trọng những người ở địa vị cao, những người đặt ra chính sách của quốc gia và của báo chí. Đi xa hơn nữa, anh ta còn có một lý tưởng là trở thành một ký giả toàn thiện, toàn mỹ, một con người từ chỗ không có gì cả mà có thể làm nên một sự nghiệp nào đó - một sự nghiệp lớn nữa cơ.

Anh ta không hiểu tất cả câu chuyện bàn tới cái gì. Cái đó không cần thiết. Những từ như cách mạng, thế là đủ rồi. Giống như một nhà cổ-sinh-vật-học chỉ căn cứ vào một mẫu xương hoá thạch mà có thể dựng được cấu tạo của toàn bộ bộ xương, anh ta cũng chỉ căn cứ vào từ "cách mạng" là có thể dựng lại toàn bộ bài nói chuyện của người khác. Đến hôm nay, anh ta đã làm như thế đấy, và đã thành công: và vì hôm đó Martin bị kích động ghê gớm cho nên anh ta đặt những câu nói đó vào miệng Martin, biến Martin trở thành một kẻ cực kỳ vô chính phủ, trong tấn trò, biến cái chủ nghĩa cá nhân phản động của gã thành lời lẽ một người theo chủ nghĩa xã hội một cách cuồng tín nhất. Cái anh ký giả non choẹt này quả là một nghệ sĩ - anh ta đã phác một nét vẽ lớn lên các màu sắc của hội nghị - những con người tóc dài, mắt dữ tợn, những người mắc bệnh thần kinh và sa đọa, giọng nói run lên vì giận dữ, tay nắm lại giơ cao, tất cả những cái đó được phóng lên một bối cảnh đầy những lời chửi rủa, hò hét, và những tiếng gầm gừ của những con người giận dữ.

Chú thích:

1. Theo thần thoại Hy lạp: Nemesis là nữ thần trả thù và trừng phạt.

2. Câu này ý nói đến Cách mạng độc lập của Mỹ năm 1776.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...