Martin Eden
Chương 37
Mặc dù những thành kiến của Brissenden đối với các tạp chí - đây là một thứ bệnh cuồng rõ ràng của anh ta - Martin vẫn cho rằng bài thơ vĩ đại ấy phải được in. Tuy nhiên, gã cũng không định cho xuất bản nếu không được phép của Brissenden. Kế hoạch của gã là trước hết tác phẩm đó phải được một trong những tạp chí có tên tuổi nhận đã, rồi mới lấy cái đó làm vũ khí đấu tranh với Brissenden, ép anh ta phải đồng ý.
Sáng hôm đó, Martin bắt tay vào viết một truyện ngắn mà gã đã phác thảo từ mấy tuần trước, và từ bấy đến nay nó luôn luôn làm gã bận tâm dai dẳng, đòi phải được sáng tạo. Đó hiển nhiên là một câu chuyện đẹp về biển, một câu chuyện phiêu lưu và lãng mạn của thế kỷ thứ hai mươi, mô tả những nhân vật chân thực. Nhưng ngoài những nhân vật chân thực trong một thế giới chân thực và trong những hoàn cảnh chân thực; ngoài những tình tiết, nhịp điệu của câu chuyện ra còn có một cái gì khác - cái mà một độc giả nông cạn không thể thấy được, nhưng đối với một độc giả tinh ý, nó lại rất hấp dẫn và hứng thú. Chính cái đó đã thúc Martin viết, chứ không phải bản thân câu chuyện. Nói cho đúng ra, chính cái chủ đề vĩ đại, có tính chất vũ trụ đã gợi cho gã những tình tiết của truyện. Sau khi đã tìm ra chủ đề, gã suy nghĩ xem nên lấy những nhân vật đặc biệt nào, trong điều kiện không gian và thời gian như thế nào để biểu hiện cái chủ đề có tính chất vũ trụ ấy của mình. "Quá hạn" đó là cái tên mà gã định đặt cho truyện, chiều dài của nó, gã tin rằng không quá sáu mươi ngàn chữ - đối với sức sáng tạo mạnh mẽ của gã, thì nó không có nghĩa lý gì. Hôm đầu gã bắt tay vào viết, lòng vui sướng rộn ràng, thấy mình đã nắm chắc được những công cụ. Gã không còn lo lắng gì, không còn sợ những lưỡi dao sắc bén sẽ tuột mất và làm hỏng tác phẩm của mình nữa. Những tháng trời đằng đẵng học tập căng thẳng và ứng dụng đã đem lại phần thưởng cho hắn. Bây giờ gã có thể đem toàn tâm toàn ý với bàn tay chắc chắn đưa cái mà gã tạo nên tới một phạm vi rộng hơn, và càng làm việc giờ nọ qua giờ kia, gã càng cảm thấy gã nắm được chắc chắn và rộng rãi cuộc sống, điều mà trước kia gã không hề cảm thấy. "Quá hạn" với những nhân vật đặc biệt, những sự kiện đặc biệt của nó sẽ là một truyện chân thực, nhưng gã tin chắc, nó cũng còn nói lên những điều vĩ đại và trọng yếu, những cái chân thực với mọi thời gian, mọi vùng và mọi cuộc sống; cái đó nhờ có Herbert Spencer, gã nghĩ bụng và ngả mình ra khỏi bàn một lát. Phải, chính nhờ Herbert Spencer, nhờ tiến hóa luận, cái chìa khóa mở được mọi cánh cửa của cuộc sống mà Spencer đã đặt vào tay gã.
Gã thấy mình đang viết một tác phẩm vĩ đại.
"Nhất định thành công! Nhất định thành công!" Đó là cái điệp khúc cứ vang lên trong tai gã. Tất nhiên nó sẽ thành công. Cuối cùng, gã đang viết ra những cái mà chính các tạp chí sẽ phải vồ lấy. Cả câu chuyện cứ hiển hiện ra trước mắt gã trong những tia chớp loang loáng. Gã ngừng lại một lúc khá lâu để viết một đoạn vào sổ tay. Đó là đoạn cuối của truyện "Quá hạn", nhưng vì toàn bộ câu chuyện đã thành hình một cách rất rõ rệt trong óc gã rồi, gã có thể viết đoạn kết này nhiều tuần lễ trước khi viết đến phần kết thúc. Gã đem so sánh truyện này, lúc đó chưa viết xong, với những truyện của các nhà văn khác viết về biển và gã thấy nó vượt xa các truyện đó một cách không thể lường được. "Chỉ có một người có thể đụng đến đề tài này," gã nói to. "Đó là Conrad 1. Và tác phẩm này sẽ làm cho ngay cả ông ta cũng phải đứng dậy, bắt tay mình và nói: Khá lắm, Martin, khá lắm, cậu cả của tôi."
Gã cặm cụi làm việc suốt ngày, cho đến phút cuối mới nhớ ra rằng có hẹn ăn cơm tại nhà Morse. Nhờ có Brissenden, bộ quần áo đen của gã được chuộc ở hiệu cầm đồ về, và gã lại có thể đi dự tiệc. Vào đến thành phố, gã còn dừng lại khá lâu để vào thư viện tìm những tác phẩm của Saleeby. Gã mượn cuốn "Vòng luân chuyển của cuộc sống" 2 và khi ngồi trên xe, gã mở ra xem bài luận văn về Spencer mà Norton nói đến. Martin đọc và nổi giận. Mặt gã nóng bừng, quai hàm bạnh ra và bất giác bàn tay gã nắm lại rồi lại buông ra, rồi lại nắm lại, y như thể gã đang nắm lấy một vật gì đáng ghét, bóp cho nó tắt thở. Khi ở trên xe bước xuống, gã bước dọc theo bờ hè như một kẻ giận dữ. Gã rung chuông nhà ông Morse mạnh đến nỗi nó làm gã bừng tỉnh, tự mỉm cười với mình, vui vẻ bước vào. Nhưng vừa bước vào trong nhà gã đã lại cảm thấy chán ngán vô cùng. Gã đã ngã xuống từ đỉnh cao nơi gã bay bổng suốt ngày trên đôi cánh của cảm hứng. "Tư sản", "sào huyệt của tên con buôn" - những hình dung từ của Brissenden cứ nhắc đi nhắc lại trong trí óc gã. Nhưng thế thì làm sao mới được chứ? Gã tự hỏi một cách giận dữ. Gã sẽ lấy Ruth chứ có phải lấy gia đình nàng đâu.
Hình như gã chưa bao giờ thấy Ruth kiều diễm, cao quý, thoát tục, mà lại vừa khỏe mạnh như hôm nay. Má nàng ửng hồng, và đôi mắt của nàng luôn luôn hấp dẫn gã - đôi mắt ở trong đó lần đầu tiên gã đã đọc thấy sự bất tử. Gần đây, gã đã quên mất hai chữ bất tử, vì những tác phẩm khoa học gã đọc xa cách với khái niệm đó, nhưng ở đây, trong đôi mắt Ruth, gã đã đọc thấy một bằng chứng không lời vượt lên trên hẳn mọi bằng chứng có lời. Gã thấy điều đó trong đôi mắt nàng. Trước đôi mắt ấy, mọi lý lẽ tranh cãi đều phải bay biến đi bởi vì gã nhìn thấy tình yêu trong đó. Và chính trong mắt gã cũng là tình yêu, và tình yêu là cái không thể trả lời được. Đó là cái học thuyết say mê của gã.
Nửa giờ bên nàng trước khi hai người vào phòng ăn, làm gã vô cùng sung sướng, vô cùng mãn nguyện với cuộc đời. Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn ăn, cái phản ứng không thể nào tránh được, sự mệt mỏi rã rời, hậu quả của một ngày làm việc gian khổ choán lấy gã. Gã cảm thấy đôi mắt mình mệt mỏi, tâm trạng bực dọc. Gã nhớ lại cũng ở bàn ăn này, nơi lần đầu tiên gã ăn uống với những con người văn minh trong một bầu không khí mà gã tưởng tượng đầy học thức, cao cả và tế nhị, thì bây giờ gã lại cười nhạo, luôn luôn cảm thấy chán ngấy. Gã thoáng nhìn thấy cái bộ mặt đáng thương ấy của mình, cách đây đã lâu lắm rồi, một kẻ man rợ vụng về, lúng túng, mồ hôi vã ra từ khắp các lỗ chân lông, mê mẩn vì sợ hãi, bối rối trước những cái tỉ mỉ đáng sợ của những dụng cụ ăn uống, bị dằn vặt bởi anh người hầu như con quỉ, nhảy một bước lên cái đỉnh cao của xã hội làm cho người ta choáng váng này, rồi cuối cùng lại quyết định phải thành thực với mình, không tìm cách che giấu những kiến thức mình không biết, những cái tao nhã mà mình không có.
Gã đưa mắt nhìn Ruth để yên tâm, giống như một khách đi tàu thủy, bỗng lo sợ khi nghĩ tới con tàu có thể đắm, đưa mắt tìm những chiếc phao cứu đắm.
Phải, tất cả những cái còn lại được gọi là tình yêu và Ruth. Còn tất cả những cái khác đều không chịu đựng được sự thử thách của sách vở. Nhưng Ruth và tình yêu thì đã chịu đựng được; gã đã tìm thấy một chứng thực sinh vật học về cả hai điều đó. Tình yêu là biểu hiện cao quý nhất của cuộc sống. Tạo hóa đã vì tình yêu mà mất công sức để tạo ra gã, cũng như đã mất công sức để tạo ra tất cả những con người bình thường khác. Tạo hóa đã phải tốn mất hàng vạn thế kỷ - không, hàng mười vạn thế kỷ, hàng trăm vạn thế kỷ để làm nhiệm vụ này, và gã chính là cái kiểu mẫu hoàn thiện hoàn mỹ nhất mà tạo hóa có thể sáng tạo được. Tạo hóa đã làm cho tình yêu thành cái mạnh mẽ nhất trong con người gã, đã tặng gã trí tưởng tượng để làm cho sức mạnh của tình yêu tăng lên gấp vạn vạn lần, rồi biến gã thành con phù du để mà rung động, mà tan ra, mà yêu đương. Bàn tay gã tìm bàn tay Ruth bên cạnh gã, lấp dưới bàn, hai người xiết chặt tay nhau nồng nhiệt. Nàng liếc nhìn gã một thoáng nhanh, đôi mắt nàng long lanh. Đôi mắt gã trong niềm xúc động rộn ràng cũng liếc nhìn lại; gã cũng không nhận ra cái đẹp long lanh trong cặp mắt nàng chỉ là phản ánh cái đẹp long lanh mà nàng nhìn thấy trong mắt gã.
Bên kia bàn ở góc đối diện với gã, bên phải ông Morse là ông thẩm phán Blount, một viên thẩm phán ở tòa thượng thẩm địa phương. Martin đã gặp ông ta vài lần và không sao có thể ưa được con người này. Ông ta và cha Ruth đang bàn về đường lối chính trị của Hiệp hội lao động, về tình hình địa phương và về chủ nghĩa xã hội. Ông Morse có ý chê trách Martin về vấn đề này. Cuối cùng, ông thẩm phán Blount nhìn qua bàn với vẻ độ lượng và thương hại của một người cha. Martin mỉm cười một mình.
"Rồi cũng qua thôi, anh bạn trẻ ạ," ông ta nói an ủi. "Thời gian là phương thuốc tốt nhất để trị những loại bệnh ngông cuồng ấy của tuổi trẻ." Rồi ông ta quay sang nói với ông Morse. "Tôi cho rằng trong những trường hợp thế này thì bàn luận cũng không ích gì. Nó chỉ làm cho người bệnh thêm khó chữa."
"Thật thế," ông Morse đồng ý một cách trang trọng. "Nhưng cũng nên thỉnh thoảng báo trước cho người bệnh biết bệnh trạng của họ."
Martin cười vui vẻ, hơi gượng gạo. Ngày đã quá dài, những cố gắng đã quá căng, khiến gã thấy khó chịu. Gã nói:
"Chắc chắn hai ông đều là những vị bác sĩ giỏi, nhưng nếu hai ông để ý một chút ý kiến của người bệnh, thì xin hãy để cho anh ta nói rằng, các ông là những nhà chẩn bệnh tồi. Thực ra, cả hai ông đều mắc cái chứng bệnh mà các ông nghĩ rằng các ông đã tìm thấy ở tôi. Còn tôi, tôi không nhiễm bệnh gì hết. Cái triết học xã hội đang lục đục, chưa tiêu hóa trong mạch máu các ông không hề đụng đến tôi."
"Giỏi, giỏi!" Viên thẩm phán lẩm bẩm. "Một mưu tuyệt diệu đảo lộn vị trí trong tranh luận."
"Tôi đánh giá ông qua chính những lời nói." Mắt Martin tóe lửa, nhưng gã kìm được mình. "Thưa ông thẩm phán, tôi đã được nghe những bài ông diễn thuyết trong các cuộc tranh cử. Theo phương pháp tự kỷ ám thị, phải, tự kỷ ám thị là cái danh từ tôi ưa thích mà không ai có thể hiểu được, theo phương pháp tự kỷ ám thị nào đó ông tự thuyết phục mình rằng ông tin vào chế độ cạnh tranh và nguyên tắc kẻ nào mạnh, kẻ ấy sống, nhưng đồng thời ông lại đem hết sức tán thành mọi biện pháp làm giảm sức lực của kẻ mạnh."
"Anh bạn trẻ của tôi... "
"Xin ông nhớ cho rằng tôi đã nghe những bài diễn thuyết của ông trong các cuộc tranh cử," Martin nói chặn trước. "Nó là sự thực hiển nhiên, chủ trương của ông về sự điều chỉnh việc buôn bán giữa các bang, việc điều chỉnh công ty đường sắt, công ty dầu lửa, bảo vệ rừng và một nghìn lẻ một các biện pháp hạn chế, những biện pháp không có tính chất nào khác ngoài cái tính chất xã hội chủ nghĩa."
"Có nghĩa anh định nói với tôi rằng anh không tin ở sự điều chỉnh những sự lạm dụng quyền hạn một cách ghê gớm ấy chứ gì?"
"Vấn đề không phải như vậy. Tôi chỉ muốn nói với ông rằng ông là một nhà chẩn bệnh tồi. Tôi chỉ muốn nói với ông rằng tôi không bị vi trùng của chủ nghĩa xã hội nhiễm bệnh đâu. Tôi chỉ muốn nói với ông rằng chính ông đang bị thứ vi trùng ấy tàn phá. Còn tôi, tôi là kẻ thù không đội trời chung của chế độ dân chủ lai giống của ông, nó không phải cái gì khác mà chính là cái thứ chủ nghĩa xã hội giả hiệu, núp dưới một cái áo khoác ngụy trang toàn những danh từ không sao có thể chịu đựng nổi sự thử thách của từ điển.
Tôi là một phần tử phản động - phản động đến nỗi các ông nghe mà không thể hiểu nổi ý kiến tôi, các ông, những người sống trong sự dối trá của một tổ chức xã hội, mà mắt các ông lại không đủ sắc để chọc thủng được bức màn che đậy ấy. Ông làm ra vẻ là ông tin ở nguyên tắc kẻ nào mạnh kẻ ấy sống sót và kẻ mạnh cai trị người khác. Tôi cũng tin vào điều đó. Chỗ khác nhau chính là ở đó. Khi tôi còn trẻ tuổi hơn một chút, vài tháng trước đây thôi, tôi cũng tin như vậy. Ông thấy đấy, tư tưởng của các ông đã ảng hưởng đến tôi. Nhưng những con buôn, những bọn thương nhân, có giỏi lắm cũng chỉ là những kẻ thống trị hèn nhát; họ chỉ biết ủn ỉn, cúi đầu suốt đời vào cái máng tiền và xin ông tha lỗi cho, tôi đã quay lại phía quý tộc. Tôi là kẻ cá nhân chủ nghĩa độc nhất trong gian phòng này. Tôi không mong đợi gì ở quốc gia cả. Tôi chỉ mong đợi ở kẻ mạnh, một hiệp sĩ cưỡi ngựa đến cứu quốc gia khỏi cảnh phù phiếm, hủ bại thối rữa của nó.
Nietzsche nói đúng. Tôi không muốn mất nhiều thì giờ để giải thích cho ông biết Nietzsche là ai, nhưng ông ta đã nói đúng. Thế giới thuộc về những kẻ mạnh - những kẻ mạnh cũng là những kẻ cao quý, họ không hục đầu vào chiếc máng lợn của buôn bán, trao đổi. Thế giới thuộc về những người cao quý chân chính, những con dã thú lông vàng 3, những con người làm chủ được mình. Và họ sẽ nuốt sống ông, các ông, những con người xã hội chủ nghĩa, và nghĩ rằng mình là những kẻ cá nhân chủ nghĩa. Cái đạo lý nô lệ của kẻ hèn, kẻ yếu các ông vĩnh viễn không thể cứu nổi các ông đâu. Ồ, thật khó hiểu, tôi biết, thôi, tôi chẳng đem nó ra để làm phiền các ông làm gì nữa. Nhưng xin các ông nhớ ột điều này. Ở Oakland chưa có lấy nổi dăm người cá nhân chủ nghĩa, nhưng Martin Eden này là một trong bọn họ."
Gã ra ý không muốn tranh luận nữa và quay sang Ruth.
"Hôm nay anh kích động quá," gã nói nhỏ với nàng. "Thực ra anh chỉ muốn yêu đương thôi chứ có muốn nói đâu."
Gã không để ý tới ông Morse đang nói:
"Tôi vẫn không tin. Tất cả những người xã hội chủ nghĩa đều là những người Jesuits 4 cả. Phải gọi họ như thế mới đúng."
"Ấy vậy mà chúng tôi sẽ làm anh trở thành một đảng viên xuất sắc của đảng Cộng hòa đấy." Ông thẩm phán Blount nói.
"Nhưng người hiệp sĩ cưỡi ngựa sẽ đến trước lúc đó cơ." Martin vui vẻ đáp lại, và quay về phía Ruth.
Nhưng ông Morse không hài lòng. Ông không thích sự lười biếng và cái khuynh hướng sai lạc, không chịu tìm lấy một công việc làm ăn đứng đắn, chính đáng của cậu con rể tương lai của ông, cái con người mà tư tưởng thì ông không tôn trọng, và bản chất thì ông không hiểu nổi. Ông lại hướng câu chuyện tới Herbert Spencer. Thẩm phán Blount nhiệt liệt tán thành, và Martin, ngay từ phút đầu nghe thấy nhắc đến Spencer, tai gã đã dỏng lên lắng nghe. Viên thẩm phán thốt ra những lời công kích có vẻ tự mãn và trang trọng chống lại Spencer. Thỉnh thoảng ông Morse lại đưa mắt nhìn Martin như muốn nói: "Đấy, anh thấy chưa?"
"Những con người ba hoa thảm hại." Martin lẩm bẩm trong miệng tiếp tục nói chuyện với Ruth và Arthur.
Nhưng một ngày dài làm việc cật lực và "những người hạ lưu chân chính" đêm trước đã ảnh hưởng tới gã, ngoài ra những cái gã đọc trên xe đã làm gã giận dữ, vẫn bừng bừng trong đầu óc gã.
"Anh làm sao thế?" Ruth bỗng hỏi, nàng kinh ngạc thấy gã phải dùng hết sức để tự kiềm chế mình.
"Không có thượng đế, chỉ có "Bất khả tri, và Herbert Spencer là người tiên tri của nó." Vừa lúc đó, lão thẩm phán Blount thốt ra nói.
Martin quay về phía ông ta.
"Thật là một nhận định rẻ tiền," gã bình tĩnh nói. "Lần đầu tiên tôi nghe thấy câu đó tại công viên City Hall, ở cửa miệng một người công nhân, đáng nhẽ anh ta phải hiểu rõ hơn mới phải. Từ đó đến nay tôi thường nghe người ta nhắc đến câu ấy, và lần nào câu nói khoa trương ấy cũng làm tôi buồn nôn. Ông phải tự lấy làm xấu hổ. Nghe thấy tên con người cao quý vĩ đại ấy ở môi ông thốt ra thực chẳng khác gì thấy một bông hoa trong sọt rác. Ông ăn nói kinh tởm quá."
Thật chẳng khác gì một tiếng sét. Thẩm phán Blount nhìn gã, mặt ngớ ra như người bị trúng phong; một sự yên lặng nặng nề bao trùm. Ông Morse thích thú thầm. Ông thấy cô con gái ông đang bị choáng váng. Đó chính là điều ông mong muốn làm lòi ra cái bản chất cục cằn thô bạo của con người này mà ông không ưa.
Bàn tay Ruth năn nỉ tìm bàn tay Martin ở dưới bàn, nhưng máu gã đã bốc lên rồi. Gã sôi máu vì sự tự phụ, giả dối làm ra vẻ trí thức của những con người ngồi ở địa vị cao trong xã hội này. Một ông thẩm phán tòa thượng thẩm! Thế mà chỉ mới cách đây vài năm thôi, từ dưới bùn lầy tăm tối, gã ngước mắt nhìn lên những con người danh giá ấy và coi họ như những thánh thần!
Thẩm phán Blount đã trấn tĩnh lại, ông ta định nói tiếp, cố làm ra vẻ lịch sự, Martin thừa hiểu ông ta làm như thế chỉ vì có mấy người phụ nữ ngồi đây. Chính điều đó lại làm cho gã nổi giận thêm. Trên đời này không có sự thành thật hay sao?
"Ông không thể tranh luận về Spencer với tôi đâu?" Gã kêu lên. "Ông không biết gì về Spencer hơn những bọn đồng hương của ông ta đâu. Nhưng đó không phải lỗi ở ông, tôi thừa nhận như thế. Đó chỉ là một giai đoạn của sự ngu dốt đáng khinh của thời đại mà thôi. Tôi đã tìm thấy một dẫn chứng trên đường tới đây chiều hôm nay. Ông nên đọc bài đó. Kiếm nó rất dễ. Ông có thể ra mua ở bất cứ hiệu sách nào hoặc mượn nó ở thư viện. Ông phải cảm thấy xấu hổ vì những lời báng bổ quá ít ỏi và sự không hiểu biết gì của ông về con người cao quý ấy so với những cái mà Saleeby đã thu thập được. Đó là sự xấu hổ cùng cực, nó sẽ làm xấu cả sự xấu hổ của ông.
"Triết gia của những kẻ học thức dở" một triết gia viện sĩ không xứng đáng được hít thở, làm bẩn cái bầu không khí mà Spencer thở hít đã gọi ông ta như vậy. Tôi nghĩ rằng ông chưa đọc đến mười trang của Spencer, nhưng đã có những nhà phê bình, hẳn là còn thông minh hơn ông, vậy mà họ công khai thách thức những môn đồ của Spencer viện dẫn ra được một tư tưởng trong toàn bộ tác phẩm của ông ta, trong toàn bộ tác phẩm của Spencer, con người đã đóng dấu ấn thiên tài của mình trong mọi lĩnh vực tìm tòi khoa học, và những tư tưởng hiện đại, người cha của tâm lý học, người đã cách tân cả khoa sư phạm, để cho ngày nay con em người nông dân lao động Pháp được học đọc, học viết, học tính theo những nguyên tắc mà ông đã đặt ra. Thế mà những kẻ tiểu nhân sâu bọ lại làm ố bẩn thanh danh của ông ta trong khi chúng vẫn dựa vào những ứng dụng chuyên môn của những tư tưởng của ông ta để kiếm lấy chính khoanh bánh miếng bơ của chúng. Trong đầu óc chúng có được một chút giá trị ít ỏi nào, phần lớn đếu là nhờ ông ta. Chắc chắn nếu không có ông ta thì hầu hết những cái gì gọi là đúng trong cái tri thức học vẹt của chúng đều không thể có được.
Thế mà một người như ông Fairbanks, hiệu trưởng trường đại học Oxford - một người ở địa vị còn cao hơn ông, ông thẩm phán Blount ạ - đã nói rằng Spencer sẽ bị hậu thế gạt xuống, coi ông ta chỉ là một nhà thơ, là một người mơ mộng hơn là một nhà tư tưởng. Bọn chó sủa nhăng, bọn bẻm mép nói láo, cả lũ chúng nó! Một kẻ trong bọn chúng nói: Nguyên lý cơ bản không phải hoàn toàn không có một giá trị văn học nào. Có những kẻ khác lại nói rằng Spencer là một kẻ lao khổ cần cù, hơn là một nhà tư tưởng độc đáo. Thật là một lũ chó sủa nhăng, một lũ bẻm mép nói láo! Một lũ chó sủa nhăng, một lũ bẻm mép nói láo!"
Martin ngừng lại đột ngột, không khí im phăng phắc. Mọi người trong gia đình Ruth vẫn coi ông thẩm phán Blount là một người có quyền lực, một nhân vật thành đạt, nay họ kinh sợ về những lời nói bốp chát của Martin. Từ lúc ấy, bữa ăn diễn ra như nhà có đám, ông thẩm phán và ông Morse chỉ nói chuyện riêng với nhau, những người khác chuyện trò hết sức rời rạc. Cuối cùng, khi chỉ còn Ruth với Martin, hai người mới tranh cãi nhau.
"Anh thật không thể nào chịu được," nàng vừa nói vừa khóc.
Nhưng cơn giận ở Martin vẫn chưa nguôi, gã vẫn lẩm bẩm: "Đồ súc vật! Đồ súc vật!"
Khi nàng cả quyết rằng gã đã sỉ nhục ông thẩm phán, gã cãi lại:
"Anh nói sự thật với ông ấy mà bảo là sỉ nhục ư?"
"Em không cần biết đó là sự thật hay không," nàng nhấn mạnh. "Phải có một giới hạn nào đó trong phép lịch sự không được vượt qua chứ, anh không có quyền sỉ nhục ai cả."
"Thế thì ông thẩm phán Blount kia có quyền gì mà công kích chân lý?" Martin hỏi. "Chắc chắn công kích chân lý còn là một tội lỗi nặng hơn là sỉ nhục một nhân cách bé bỏng như nhân cách của ông thẩm phán. Ông ta còn làm một điều tồi tệ hơn thế nữa. Ông ta đã bôi nhọ tên của một người cao quý, một người vĩ đại đã chết. Ôi! Thật là đồ súc vật! Đồ súc vật!"
Cơn giận dữ phức tạp của gã lại bừng bừng bốc lửa lên, khiến Ruth kinh sợ. Chưa bao giờ nàng thấy gã giận dữ như vậy, mà nó thật là hoàn toàn vô lý, khó hiểu đối với sự hiểu biết của nàng. Tuy vậy, qua sự kinh hãi, nàng vẫn thấy những sợi dây quyến rũ say đắm đã từng kéo nàng lại với gã, và trong phút say sưa cuồng nhiệt nhất, đã khiến nàng đặt tay lên cổ gã. Nàng đang bị tổn thương, xúc phạm vì những chuyện đã xảy ra, tuy nhiên, nàng vẫn nằm trong cánh tay gã và run lên, trong khi gã cứ lẩm bẩm: "Đồ súc vật! Đồ súc vật!" và nàng vẫn còn nằm trong cánh tay gã khi gã nói: "Em yêu quý, anh sẽ không bao giờ đến làm phiền cái bàn ăn nhà em nữa đâu. Họ không ưa anh, anh thật là sai lầm khi cứ vác cái bộ mặt khó chịu đến với họ. Hơn nữa, đối với anh, những bộ mặt của họ cũng rất đáng khó chịu. Hừ! Họ thật đáng lộn mửa. Nghĩ mà xem, anh đã ngây thơ tưởng rằng những người ở địa vị cao trong xã hội, những người sống trong những căn nhà lộng lẫy, có học thức, có tiền gửi ngân hàng đều là ghê gớm lắm!"
Chú thích:
1. Joseph Conrad (1857 - 1924) - một nhà viết tiểu thuyết người Anh, chuyên lấy đề tài về biển.
2. Nguyên văn: The Cycle of Life - Đây là một tập luận văn bàn về tiến hóa luận, xuất bản năm 1904.
3. Nguyên văn: Blond beast - Theo triết học của Niestzsche, đó là những con người lý tưởng, một dân tộc nguyên thủy ở Bắc Âu, tóc vàng, mặt như ngọc. Bọn phát xít Đức thường dùng luận điệu này, cho giống người Ariel là giống người siêu việt.
4. Jesuits: thầy tu dòng gia tô.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp