Cuộc Sống Mới Hạnh Phúc Của Chu Tiểu Vân

Chương 87: Mua đàn accordion (1)


Chương trước Chương tiếp

Kì nghỉ hè sắp hết, lần đầu tiên Chu Tiểu Vân mong được nghỉ hè mãi. Nghĩ đến cảnh sau khai giảng không được gặp thầy Phương đẹp trai nữa, cô rất đau lòng. Còn có một nguyên nhân quan trọng hơn chính là, tiểu phú bà Chu Tiểu Vân đang độ buôn may bán đắt, mắt thấy lợn đất béo ú chờ làm thịt, cô càng vui vẻ.

Chọn giờ đẹp ngày tốt, cô quyết định cho em nó lên thớt.

“Rắc” một tiếng, trên bàn xuất hiện một đống lớn tiền xu hai giác, một cục tiền giấy hai nguyên, ngoài ra còn có mấy tờ năm nguyên, mười nguyên sáng lấp lánh.

Chu Tiểu Vân cẩn thận đếm nửa ngày, ba tờ mười nguyên, bảy tờ năm nguyên, một xấp dày hai nguyên và một nguyên.

Tổng cộng hai trăm linh tư nguyên năm giác.

Cười ngây ngô nửa ngày, Chu Tiểu Vân buộc tiền thành từng cọc, sau đó cẩn thận từng li từng tí gói kỹ tiền trong khăn tay, để dưới gối. Tiền xu không tiện mang đi, được gần mười giác, được cô nộp lại cho mẹ: “Mẹ, sắp đi học rồi, con không đi bán hàng nước nữa, chỗ tiền lẻ này mẹ cầm đi.”

Triệu Ngọc Trân cười tươi như hoa, hôm sau đến nhà mẹ Vương Tinh Tinh may cho cô một áo sơ mi vải bông màu xanh nhạt và quần xanh tím than mặc đi học.

Có tiền Chu Tiểu Vân muốn lên thị trấn mua đồ, nhưng phải đi cùng người lớn. Trong nhà nhiều việc, mẹ chắc chắn không có thời gian. Cô nhắm đến ba. Mùa hè buôn bán tương đối chậm, dạo này Chu Quốc Cường không quá bận rộn, việc nhà nông không nhiều. Ông hiếm khi có thời gian rảnh hay sang nhà hàng xóm đánh cờ, đến lúc ăn cơm mới về nhà.

Vừa vào nhà, thấy con gái tươi cười cầm cốc nước qua: “Ba ơi, trời nóng chắc ba khát rồi, ba uống nước đi. »

Chu Quốc Cường cảm thấy hôm nay con gái đặc biệt ân cần, bình thường mặc dù cũng chu đáo săn sóc, nhưng số lần chủ động bưng trà rót nước đếm trên đầu ngón tay, trong lòng hiểu rõ: “Đại Nha, có phải con có chuyện gì muốn nhờ ba không ?”

Bị nhìn thấu Chu Tiểu Vân tuyệt không thấy xấu hổ, thẳng thắn thừa nhận: “Đúng ạ, ba thật lợi hại, hiểu rõ cả! Mau mau, ba ngồi xuống đây, ba con mình nói chuyện.”

Chu Quốc Cường bị Chu Tiểu Vân ấn ngồi xuống cái ghế to duy nhất trong nhà, nghe con gái nói: “Tiền kiếm hồi hè con từng nói qua với mẹ. Con muốn mua một cây đàn accordion. Con đếm tiền bán hàng chắc cũng đủ. Mấy ngày nữa vào năm học mới, con muốn tranh thủ ngày nghỉ đi mua. Nhưng con còn bé, không biết đường trên thị trấn. Vì thế, ba xem, ba có thể…”

Thì ra có chuyện như vậy!

Chu Quốc Cường tiếp lời: “Ngày mai ba dẫn con ra cửa hàng nhạc cụ trên thị trấn mua cho con một cây đàn.”

Chu Tiểu Vân gật đầu như gà mổ thóc: “Đúng đúng ạ, ý con là thế.”

Chu Quốc Cường hào phóng nhận lời làm cho cô rất vui đồng thời cũng thấy kỳ lạ, sao trước kia mình có thể nghĩ ba nóng tính, khó gần nhỉ ?

Thật ra ông đồng ý ngay lập tức cũng có nguyên nhân. Nhà xây hơn nửa năm, đã trả hết ba trăm nguyên cho nhà chú Ba. Trong tay ông có tiền nên luôn nhớ mãi việc muốn mua ti vi. Trong thôn, khoảng mười nhà đã có ti vi. Mỗi khi nhìn thấy Đại Bảo chủ nhật tót sang nhà người ta xem ti vi cả ngày không về, trong lòng ông ngũ vị tạp trần, len lén thương lượng với vợ mấy lần.

Triệu Ngọc Trân cũng đồng ý, dân quê nhà nào chẳng so sánh với nhau ? Nhà kia xây nhà ngói, nhà khác cũng xây, nếu ở nhà đất thì không dám mũi ngẩng đầu lên. Giờ trong thôn nhiều nhà đã có ti vi, đương nhiên nhà mình càng mua sớm càng tốt. Không chỉ để con cái xem ti vi tiện hơn, mà còn để trong nhà có thêm đồ đạc giá trị.

Hôm sau lúc gần đi, Triệu Ngọc Trân đưa cho chồng toàn bộ số tiền lãi bán hàng tích cóp ba tháng nay, khoảng ba trăm bốn mươi nguyên. Chu Quốc Cường đạp xe đạp chở Chu Tiểu Vân lên thị trấn. Đại Bảo thấy đi thị trấn cũng muốn đi cùng, nhưng ông sợ chở thêm sẽ không còn chỗ buộc ti vi nữa. Mặt khác, còn mua đàn cho con gái. Chu Tiểu Vân luôn miệng cam đoan nhất định mua đồ ăn ngon mang về mới dỗ được anh trai.

Mua ti vi tất nhiên phải ra cửa hàng bách hoá. Cửa hàng vẫn đông đúc như cũ. Hai năm nay, cuộc sống khấm khá hơn, người vào đây mua đồ cũng đông hơn trước.

Chu Quốc Cường định mua một chiếc ti vi đen trắng hiệu “Gấu trúc”. Nhà người ta mua mười bốn inch, nhà ông mua mười bảy inch, đắt hơn mấy nguyên tiền trong tay vẫn có. Ông nói chuyện với nhân viên của quầy, hỏi cách sử dụng thật kĩ. Giá trong cửa hàng bách hoá là giá niêm yết, miễn mặc cả, đề bao nhiêu phải trả bấy nhiêu.

Sáng nay, lúc đi cô mới biết ba muốn mua ti vi, nghĩ thầm bảo sao hôm qua đồng ý ngay dẫn mình lên thị trấn. Mua cho mình là tiện thể thôi, trọng điểm là việc mua ti vi này nè.

Trả một số tiền lớn như vậy tất nhiên phải cẩn thận, cô đứng bên cạnh nghe ba hỏi đi hỏi lại một vấn đề đến ba bốn lần. Cô buồn chán ngó nghiêng, trong cửa hàng người đến người đi không ít.

Đằng kia có một ông lão hơn sáu mươi tuổi đang mua đồ văn phòng phẩm, chắc là mua bút máy cho cháu. Nhìn thấy bút máy, cô chợt nhớ ra, năm nay cô lên lớp ba, phải dùng bút máy rồi. Trực tiếp mua luôn mấy cây đi, thuận tiện nhìn xem có đồ gì tốt mua cho cả Đại Bảo.

Nói với ba một tiếng, Chu Tiểu Vân đến quầy văn phòng phẩm. Trong số nhân viên bán hàng có một bác gái rất hiền lành, lấy ra nhiều loại bút máy cho cô chọn.

Chu Tiểu Vân xem kĩ, chọn được một cái bút máy Anh Hùng, đắt một chút nhưng chất lượng tốt, dùng cẩn thận phải dùng được hai, ba năm. Cô nhớ bút máy anh trai dùng toàn hai tháng mua một cây, chủ yếu là khi viết anh trai dùng lực quá lớn, lại mua bút máy ở cửa hàng nhỏ chất lượng kém nhanh hỏng. Cô mua thêm cho Đại Bảo một cây, chọn loại dùng bền, cũng là bút máy Anh Hùng. Thời đó, bút máy Anh Hùng rất nổi tiếng, hãng này có cả mực nước, bút chì.

Chu Tiểu Vân mua hai lọ mực, sau đó mua một tá bút chì cho Tiểu Bảo. Năm nay em trai vào lớp một. Cửa hàng văn phòng phẩm rực rỡ muôn màu đúng là khiến cho người ta ngứa ngáy, nhất là đống cặp sách treo trên tường. Cô vẫn dùng túi vải mẹ làm cho, định thừa dịp trong tay có tiền xa xỉ một lần mua một cái cặp sách cho riêng mình. Túi vải màu xanh bộ đội có khoá kéo, nhìn rất là oai.

Lúc này, một thanh âm không ngờ vang lên bên tai: “Chu Tiểu Vân là em à!”

Chu Tiểu Vân quay lại, ngây ngốc nhìn, kinh ngạc xen lẫn vui mừng: “Thầy Phương!”



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...