Tôi là một nữ sinh cấp hai. Khi học cấp một, thành tích học của tôi tương đối tốt. Bố mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên tôi. Sau khi lên cấp hai, không biết tự lúc nào tôi bị học lệch; các môn như ngữ văn, ngoại ngữ tôi thường đạt chín mươi điểm trở lên; thế nhưng các môn toán học, vật lí thì chưa bao giờ vượt quá tám mươi điểm. Chính vì thế mà tổng điểm của tôi thường bị kéo xuống. Tôi cảm thấy rất buồn. Thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở tôi là không được học lệch như vậy. Cô giáo tôi nói: “Mặc dù em thi đại học khoa văn, nhưng môn toán cũng được tính vào tổng điểm thi. Nếu như để một môn ảnh hưởng đến thành tích chung thì quả thật rất đáng tiếc! Hơn nữa, năm sau em còn phải đối mặt với kì thi hết cấp đấy!”. Mà ai cũng biết, thi hết cấp bao giờ cũng có môn toán, còn có cả vật lí nữa. Nghĩ đến đây, tôi thấy đầu mình như muốn nổ tung ra.
Cô giáo còn nói, năm nay là năm học quan trọng của cấp hai; có được lên cấp ba hay không còn phải chờ kết quả học tập của năm nay quyết định. Tôi rất muốn học môn lý tốt hơn, thế nhưng, nói ra thật xấu hổ. Hằng ngày cứ đến giờ ôn bài, chuẩn bị bài mới của môn lí là tôi lại mang môn văn ra học say sưa. Lúc nào tôi cũng hoàn thành bài tập ngữ văn trước rồi mới ép bản thân hoàn thành bài tập lí. Tôi thừa biết mình không nên làm vậy, nhưng lúc nào tôi học văn cũng có hứng thú hơn và bản thân tôi rất ghét môn lí. Nghe chị họ tôi nói, học đại học khoa văn không phải học môn lí. Tôi nghĩ nếu có một ngày mình được lên đại học, như vậy chẳng phải là đã được giải phóng khỏi môn lí rồi hay sao? Khi kiểm tra, nếu là kiểm tra văn, tôi chẳng hề căng thẳng, vì tôi biết chắc mình sẽ đứng đầu lớp. Ngược lại, nếu kiểm tra môn lí, trước ngày kiểm tra tôi không sao ngủ được, chợp mắt được một lúc là lại nằm mơ thấy ác mộng, mơ thấy bài thi của tôi bị sai be bét. Cơn ác mộng đáng sợ khiến tôi tỉnh giấc rồi mà vẫn còn cảm thấy kinh hãi.
Nhưng điều làm tôi cảm thấy bất an nhất vẫn là thái độ của bố mẹ. Mỗi lần đi học phụ huynh là bố mẹ tôi như bị “ép” phải đi vậy. Khi bố mẹ về, tôi lại nghĩ rằng bố mẹ sẽ mắng cho tôi một trận (như thế tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn). Thế nhưng bố mẹ tôi chẳng nói gì cả, để tôi tự giày vò bản thân. Lúc lên cấp hai, tôi thi không tốt, bố mẹ mắng tôi, thậm chí mẹ còn đánh tôi nữa. Lúc đó tôi rất ghét bố mẹ. Nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy bấy lâu nay bố mẹ đã gửi gắm vào tôi rất nhiều hy vọng. Bây giờ bố mẹ không quản tôi không như xưa nữa, cũng không mắng mỏ tôi. Nhưng điều đó lại khiến cho tôi càng buồn bã hơn.
Bố mẹ ngày càng lạnh nhạt với tôi. Ngày trước mẹ thường sắm hết đồ dùng học tập cần thiết cho tôi; nhưng bây giờ thì không; tôi nói với mẹ rằng tôi thiếu com pa, mẹ sẽ đưa tiền cho tôi tự mua; tôi nói muốn có một chiếc áo khoác gió vì các bạn khác trong lớp đều có, mẹ tôi lạnh lùng nói tại sao không ganh đua học tập với các bạn? Cứ như vậy, tôi muốn mua gì cũng không nói với bố mẹ nữa; có lúc tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi tin rằng nếu không phải vì chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà nước thì bố mẹ tôi đã sinh một đứa con khác rồi, bởi vì họ hoàn toàn thất vọng về tôi. Có lẽ bây giờ bố mẹ đang rất hối hận vì đã sinh một đứa con gái kém cỏi như tôi…
Mấy ngày hôm nay, bố mẹ đột nhiên thay đổi thái độ, quan tâm đến tôi nhiều hơn, không còn lạnh nhạt như trước nữa. Thậm chí, bố còn mua cho tôi một lọ nước xúc miệng, nói rằng để phòng bệnh cảm cúm. Bố mẹ luôn tươi cười với tôi. Tôi biết sự thay đổi thái độ của bố mẹ có liên quan đến cuộc họp phụ huynh mấy ngày trước. Cô giáo tôi đã tuyên bố còn nửa học kì nữa là tiến hành phân lớp, kết quả của các bài kiểm tra sắp tới sẽ là tiêu chuẩn để phân loại học sinh. Sở dĩ bố mẹ tôi làm như vậy là vì họ đang cố gửi gắm tia hy vọng cuối cùng vào tôi. Thế nhưng tôi chẳng có chút tin tưởng nào vào bản thân. Tôi biết làm thế nào để không học lệch đây? Còn nữa, liệu bố mẹ có yêu thương tôi thật lòng hay không? Tôi biết phải làm gì để có thể vượt qua nửa năm gian khổ này đây?
Chat room
Cũng giống như khi mình đang đi trên một con đường thông thoáng, chỉ một giây không để ý là có thể đi nhầm vào ngõ cụt. Đây có phải là cảm giác của Tương Tương đối với chuyện học hành vào lúc này không? Phải làm sao đây? Nếu như cứ cắm đầu đi về phía trước, nhất định sẽ đâm sầm vào vách đá; chi bằng hãy rẽ sang một lối khác.
Nếu như đã biết mình học lệch, vậy thì bạn hãy nhanh chóng chấn chỉnh lại tình hình học tập của mình. Bạn hãy coi trọng những môn học trước đây bạn đã bỏ quên, hãy coi những môn học khó nhằn đó như những người bạn trước nay bạn hững hờ, giờ dành cho họ sự quan tâm và bù đắp đặc biệt, chắc chắn họ sẽ không còn xa cách với bạn nữa. Đương nhiên, trong thời gian học bù kiến thức, bạn cần phải có phương pháp học tập đúng đắn. Chương trình học tập trong giai đoạn tiểu học và trung học có sự khác biệt tương đối lớn. Những học sinh thích nghi nhanh sẽ có sự tiến bộ rõ rệt. Đối với những học sinh như Tương Tương, nguyên nhân chủ yếu là do chưa tìm được phương pháp học tập đúng đắn. Nếu cần thiết, bạn có thể mua thêm một số sách giới thiệu phương pháp học tập để tham khảo.
Bài vở trong giai đoạn cấp hai không phải quá nhiều , những kiến thức mà bạn bỏ sót thực ra rất dễ để học bù lại, chính vì thế Tương Tương không cần phải lo lắng quá. Tôi cho rằng, bố mẹ của Tương Tương không giống như bạn nghĩ. Cũng giống như một giáo viên không nỡ trách mắng một học sinh đang tự trách mắng bản thân, bố mẹ khi nhìn thấy thái độ tự trách bản thân của con cái cũng sẽ không nỡ buông lời trách móc nữa. Con cái lớn khôn rồi, đương nhiên bố mẹ cũng không thể chăm sóc chu đáo, từng li từng tí như khi con còn nhỏ được. Chính vì thế, những cảm giác của Tương Tương về thái độ của bố mẹ mình phần lớn đều do sự mất tự tin vào bản thân mà gây ra những áp lực về tâm lí.
Bây giờ, điều đầu tiên mà Tương Tương cần làm là chỉnh đốn lại tâm lí của mình, lấy lại sự tự tin cho bản thân. Tiếp đó, bạn cần điều chỉnh lại tình hình học tập của mình. Tôi tin rằng không bao lâu nữa, Tương Tương sẽ lại có mặt trong danh sách các học sinh ưu tú của lớp!