Năm ấy cô gọi anh là Bắc Thâm, Lục Bắc Thâm.
Cố Sơ thích lẩm nhẩm cái tên này mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Khi đầu lưỡi nhẹ nhàng cong lên, trong lòng sẽ trào dâng một cảm giác hạnh phúc thanh ngọt như kẹo đường.
Tiêu Tiếu Tiếu hay nghiêng đầu ngước nhìn lên chiếc giường trên đầu mình, giơ chân đá đá vào thành giường và cười cô: “Này, cậu si tình vừa vừa thôi chứ!”.
Thế là cô lại “vô liêm sỉ” đáp trả một câu: “Tớ thích thế, ai bảo Bắc Thâm nhà tớ đẹp trai quá làm gì”.
Lăng Song thì hay tạt một gáo nước lạnh vào lúc cô đang đắc ý rầm trời, không quên tặng cô một cái lườm đầy khinh bỉ: “Sĩ diện nỗi gì chứ!”.
Cô không thích Lăng Song, cũng giống như cô không thích cái biểu cảm mập mờ khó tả của cậu ta mỗi lần nhìn Lục Bắc Thâm.
Ấn tượng của Cố Sơ đối với lễ Giáng sinh luôn dừng lại ở năm năm trước. Bà nội cô là người theo đạo Thiên Chúa, hồi cô còn bé xíu hay đưa cô tới những buổi lễ trong nhà thờ. Lúc ấy cô còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của đêm Noel với người theo đạo Thiên Chúa, chỉ biết rằng cây thông bên ngoài nhà thờ luôn được trang hoàng rất rực rỡ. Cùng với tiếng chuông điểm lúc nửa đêm, những hàng nến trắng dài dằng dặc trang trí cho cả bàn ăn xếp đủ tới nghìn người được thắp sáng, đủ các món ăn và rượu vang trông cực kỳ hấp dẫn dưới ánh nến.
Đó là ở Quỳnh Châu, giáo đường đứng nghiêm trang giữa những ngọn núi, tiếng chuông Noel lan tỏa cả cái ấm áp sưởi ấm cho tiết trời vốn đã ẩm ướt. Lễ Noel năm đó, Quỳnh Châu không có tuyết.
Giáng Sinh là phải ngập tràn màu trắng, đây là kết luận của Cố Sơ vào mấy năm sau khi được cùng bố mẹ du lịch tới Bắc Âu. Nhất là khi tới Thụy Sĩ, tuyết trắng điểm xuyết trên từng cành thông ở mỗi gia đình, râu của ông già Noel cũng trắng muốt.