Anh Linh Thần Võ Tộc Việt
Chương 36: Trường hận thiên thu
Hôm ấy như thường lệ, Thường-Kiệt đến Đông-cung làm việc. Cung nữ hầu cận vương phi chuyển lệnh cho chàng phải tới Ôn-đức đường nghe chỉ dụ. Thường-Kiệt than:
- Chắc Hồng-Hạc hỏi mình về chiến cuộc Chiêm-Việt đây. Chứ mới hôm rồi hội kiến, nay còn gì cần thiết đâu mà hỏi?
Lễ nghi tất.
Tiếng Hồng-Hạc bên kia màn hỏi:
- Thường-Kiệt, ta nghe đồn người sắp cưới vợ phải không? Nàng tên gì vậy ?
Thường-Kiệt chưng hửng, nhưng cũng phải đáp:
- Khải vương phi nàng tên Thuần-Khanh, con gái của Cổ-loa hầu.
- Thuần-Khanh là em họ người à ? Người có yêu thương nàng không mà cưới nàng?
- Khải vương phi, việc dựng vợ gả chồng là do cha mẹ, phận con cái chỉ biết tuân theo mà thôi.
- Tuân theo ! Tuân theo ! Người tuân theo, rồi không yêu nàng, người
bỏ phế nàng để sủng ái thứ thiếp, như vậy thì tội không nhỏ.
Thường-Kiệt biết Hồng-Hạc đang ức uất việc Nhật-Tông bỏ rơi nàng.
Nàng nói câu đó để bắt buộc chàng phải kết tội Nhật-Tông. Chàng nói lảng:
- Phận làm con không được bắt lỗi cha mẹ. Phận làm thần tử không thể tìm lỗi chúa, đó là đạo lý vậy.
- Trước đây người có yêu thương một tiểu cô nương rất xinh đẹp phải không? Người với nàng đã từng âu yếm nhau, từng du ngoạn với nhau khắp núi rừng Trường-sinh. Nay người có còn nhớ đến nàng không?
- Khải vương phi, nay nàng đã có chồng, chồng nàng địa vị, tư cách không nhỏ, muôn ngàn lần thần không thể sánh bằng. Nàng phụ thần, chứ thần đâu có phụ nàng? Nàng đi lấy chồng đã lâu lắm rồi.
- Thế... thế người có còn nhớ đến nàng không?
- Nhớ đến hay không cũng thế thôi. Nàng là gái có chồng, đạo lý tộc Việt không cho thần nhớ hay không nhớ đến nàng được.
Hồng-Hạc hừ một tiếng:
- Ta hỏi người câu này nhé: Ví thử như người có một quả chuối, người không ăn, đem vứt đi, kẻ nào đó đói khát, thèm thuồng vô hạn, nó nhặt lên mà ăn, như vậy người có bắt lỗi nó không?
Thường-Kiệt không nghĩ ngợi, trả lời:
- Thưa muôn ngàn lần không. Chẳng những thần vui vẻ mà còn nghĩ thầm : Tạ ơn trời phật, quả chuối ngon như vậy, ta không ăn, đem bỏ đi thực uổng, nhưng có người nhặt lên ăn, ta khỏi ân hận.
Nói xong câu đó, Thường-Kiệt rùng mình, chửi thầm:
- Mình đáng chết thực, mình ngu thực. Hồng-Hạc đang bị bỏ rơi, nay mình trả lời như thế có nghĩa là...
Tiếng Hồng-Hạc như khóc:
- Này, ví thử như tiểu cô nương năm xưa còn nhớ nhung người, nàng bị chồng bỏ rơi, muốn trở lại với người, thì người có nhận không? Hay người nói một đằng, mà làm một nẻo.
Thường-Kiệt run run:
- Không thể, không nên. Không bao giờ thần làm thế.
- Người thực là tên bạc tình, một tên vô lương lương tâm, thoáng một cái đã quên người cũ. Người coi chừng ta, sẽ có ngày ta chặt cái đầu củ chuối rẻ tiền của người rồi quẳng ra đồng cho quạ ăn thịt, người có hiểu không?
Thường-Kiệt run lên, không trả lời. Hồng-Hạc nói:
- Ta phải điều tra, nếu người phụ tình cũ thì đứng trách ta. Thôi người lui đi. Mẫu hậu ta có chỉ triệu hồi người. Người mau vào chầu hầu mẫu hậu đi.
Thường-Kiệt rập đầu, rồi lui. Từ ngày làm Đông-cung quan, mỗi lần phải triều kiến Thiên-Cảm hoàng hậu là một khổ hình đối với chàng. Chàng vội vào Khôn-cung. Viên thái giám trông thấy chàng thì cung tay:
- Hoàng hậu đang chờ đại nhân.
Thường-Kiệt bước vào rập đầu:
- Lý Thường-Kiệt bái kiến Hoàng-hậu.
Thiên-Cảm hoàng hậu đưa mắt cho cung nữ, thái giám, chúng lục tục lui hết. Hoàng-hậu nói nhỏ:
- Người bình thân. Ta có vài điều cần nói riêng với người. Người đã từng sống với Thái-tử ở trên núi Tản, tiếng thì là sư thúc, sư điệt, nhưng tình thì là sư huynh, sư đệ. Hiện Thái-tử tin tưởng người, người nói gì Thái-tử cũng nghe. Ta muốn nhờ người một việc, khi người làm xong, ta sẽ có chỗ ân thưởng cho người.
- Thần xin lắng nghe chỉ dụ.
- Từ ngày cháu ta tiến cung, tuy được phong là vương phi, nhưng hữu danh vô thực, Thái-tử không hề ngó tới nó. Nó phải thui thủi sống cô quạnh trong Đông-cung, thực đau khổ khôn cùng. Ta biết thái tử căm hận nó vì chuyện Bắc-ngạn, vì chuyện phụ thân ta giam Thái-tử với người. Vậy ta nhờ người khuyên Thái -tử sao... sao... chung chăn gối với nó. Được như vậy nhất định ta sẽ thưởng cho người.
Thường-Kiệt rập đầu:
-- Tâu Hoàng-hậu, khi còn học với nhau trên núi Tản, thì tiên cô đã phân rõ thân phận sư thúc, sư điệt của Thái-tử với thần. Lại sau biến cố Bắc-ngạn, thần phải gọi Thái-tử bằng nghĩa phụ. Rồi bây giờ thần là Đông-cung quan. Cả ba thế, thần đều ở vai dưới, thần có nói, chắc Thái-tử cũng không nghe.
Hoàng hậu nổi giận:
- Tên nô tài vô lương tâm này. Người không tuân chỉ của ta hả? Bộ người tưởng ta không chặt đầu người được sao? Chuyện người với Hồng-Hạc tại Trường-sinh, nó đã thuật hết với ta rồi. Người mà không làm tròn vụ này, ta sẽ cáo hết cho Thái-tử nghe. Dù Thái-tử không chặt đầu người, thì ta cũng thiến người cho thành thái giám, rồi bắt người hầu hạ Hồng-Hạc, hầu nó bớt cô quạnh. Thôi, người lui.
Ra khỏi hoàng-thành, Thường-Kiệt than thầm:
- Trên đường danh lợi đầu dễ bạc. Ta nhớ xưa Đào Tiềm treo ấn, lui về điền viên. Nay ta có nên làm như vậy không? Ừ tại sao ta không làm như sư thúc Tôn Đản nhỉ? Nhưng... nhưng... ta phải thực hiện di chúc của phụ thân,
thực hiện cái chí của Khai-Quốc vương, đòi lại cố thổ thời Lĩnh-Nam.
Chàng rẽ sang cung Uy-viễn, nơi đặt Khu-mật viện. Mấy tháng trước, khi chiến cuộc Chiêm-Việt đang ác liệt, thì ngày nào chàng cũng phải tới đây nghe thuyết trình tin tức. Bây giờ thì Hoàng-đế ca khúc khải hoàn rồi, cung Uy-viễn vắng tanh.
Ruổi ngựa ra khỏi thành, chàng trở về ngôi nhà của của song thân, bây giờ ngôi nhà này chỉ có bà vú họ Dư với đứa em sữa ở. Đứa em sữa tên Phi. Phi là bạn học chữ đồng thời là bạn hồi thơ ấu của chàng. Về võ công chính chàng truyền thụ võ công cho nó. Về sau nó được Tôn Đản thu làm đệ tử. Nó không thích làm quan, mà chỉ thích đọc sách cùng trồng hoa, trồng rau làm kế sinh nhai.
Có tiếng tiêu véo von vọng lại, Thường-Kiệt đưa mắt nhìn: Phi đang ngồi trên cái bàn đá, tấu một khúc nhạc. Trước mặt y là bốn con hạc quay cuồng múa theo điệu nhạc. Dường như không biết có khách đến, Phi đắm mình trong giấc mơ âm thanh. Khúc nhạc dứt, mấy con hạc gật đầu chào chủ rồi bay bổng lên cao, đậu trên cành cây chay.
Bấy giờ Phi mới nhìn lên, mỉm cười:
- Anh Tuấn, tại sao dung nhan lại kém tươi, nét hoa ủ rũ thế kia?
Nghe Phi trêu mình, chàng bật cười:
- Chú làm như ta là con gái không bằng. Vú đâu?
- Mẹ sang nhà sư phụ rồi. À, em chờ anh về nghe thuật vụ bình Chiêm của triều đình đây.
Thường-Kiệt tóm lược cuộc Nam chinh cho Phi nghe:
- Hoàng-đế đem quân đi đường bộ vào đánh Chiêm. Vua Chiêm là Xạ-Đẩu đích thân chỉ huy, lập phòng tuyến trên ở bờ sông Ngũ-bồ rất kiên cố. Quân Việt do nhà vua cùng Vũ-vệ đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu, Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa đích thân chỉ huy. Sau mười lăm ngày giao tranh, quân hai bên đều chết nhiều vô kể, nhưng vẫn không phân thắng bại. Giữa lúc đó thủy quân Việt từ biển đổ vào cửa bể Thi-nại trong đêm, rồi một đạo đánh lên Bắc, chặn đường rút của quân Chiêm, hai đạo tiến thẳng đến kinh thành Chà-bàn. Trời vừa tảng sáng, quân Chiêm gác thành mới mở mắt ra, thì quân Việt đã đột ngột bao vây kinh thành. Tuy vậy quân Chiêm cũng giữ được đội ngũ, lên mặt thành chống trả.
Hai bên giao chiến đến giời Ngọ, thì trong hoàng cung có lửa cháy, rồi một đội võ sĩ chiếm hoàng-thành. Một đội khác đánh vào cửa Đông. Quân Chiêm kinh hoàng, bị tan vỡ, quân Việt chiếm thành ngay trong nửa giờ. Quân Việt tràn vào thành, quân Chiêm đầu hàng. Tướng chỉ huy trận này là sư thúc Tôn Đản gửi hịch đi khắp nơi chiêu an dân chúng, và ra lệnh:
" Quân, tướng Việt, ai lấy của dân dù con gà, dù một trái cây sẽ bị chặt một tay. Cấp chị huy trực tiếp bị cách chức. Ai giết người, thì sát nhân sẽ bị xử tử hình. Cấp chỉ huy bị chặt chân ".
Nhờ vậy các thành còn lại đầu hàng mau chóng. Vua Chiêm là Xạ-Đẩu đang cùng quân tướng chống giữ ở Ngũ-bồ, thì được tin quân Việt chặn mất đường tiếp tế lương thảo, rồi tin kinh thành thất thủ. Binh tướng náo loạn, phòng tuyến bị vỡ. Đang đêm Xạ-Đẩu cùng một số tùy tùng rút chạy. Trên đường rút chạy, bị truy binh theo kịp, Xạ-Đẩu chết trong loạn quân. Hoàng-hậu Mỵ-Ê cùng cung tần mỹ nữ đều bị bắt.
...Tháng bẩy, Hoàng-đế khải hoàn hồi loan, đem theo năm nghìn tù binh và ba trăm thớt voi thu được của quân Chiêm. Quân tướng đều được thăng thưởng tùy theo chiến công, lại ban lệnh xá một nửa tiền thuế trong năm trên toàn quốc. Sư thúc Tôn Đản tuyệt đối không nhận chức tước cùng thăng thưởng của triều đình. Ông trở về Tây-hồ cùng phu nhân trồng dâu, nuôi tằm làm kế sinh nhai.
... Khi hồi loan, Hoàng-đế thiết đại triều, đổi niên hiệu là Thiên-cảm Thánh-vũ. Nhân đó nhà vua cho những thái giám, cung nữ già được về hưu, sai tuyển tân thái giám.
Chàng kết luận:
- Năm trước đây anh đã tuyển cho Đông-cung mười lăm thái giám bẩm sinh. Còn thái giám khoẻ mạnh, thì anh cứ trì hoãn. Được cái Thái-tử Nhật-Tông với anh có tình sư thúc, sư điệt rất tương đắc, nên anh nói gì Thái-tử cũng tin. Nhưng nay có chiếu chỉ nhà vua ra lệnh tuyển tân thái giám. Hoàng-hậu gửi cho Đông-cung mười lăm ứng viên. Bất đắc dĩ anh phải tuân chỉ nhận đám người khốn nạn đó. Viên thái giám phụ trách vụ tĩnh thân này là hoàng-môn cung phụng sứ Trần Văn-Thành, chức vụ khá cao, tuy nhiên so với anh thì thấp hơn nhiều.
- Cao với thấp mà làm gì? Em hỏi anh nhé, tài chí như anh, lao tâm khổ tứ, rút cuộc ngày cũng ba bữa cơm, cái thân lôm lốp bị đàn bà sai khiến hạch hỏi. Em nghĩ, anh nên treo ấn từ quan, trở về thôn dã như sư phụ em sướng hơn. Hằng ngày em chơi với chim chán, lại chơi với cá, với chó với mèo. Nào, em sai cá, sai chim, sai chó nó múa cho anh coi để giải khuây.
Không đợi Thường-Kiệt trả lời, Phi lấy dùi đánh ba tiếng trống. Một đàn mười con chó từ trong vườn chạy ra, đứng xếp hàng ngay ngắn trước mặt Thường-Kiệt. Phi đánh ba tiếng chiêng, mười con hạc từ trên cây bay xuống đậu trên lưng mười con chó. Y lại cầm cái chũm chọe dập một hồi, thì dưới ao sen, một đàn cá chép vảy vàng óng ánh từ từ nổi lên.
Phi cầm sáo để liên miệng thổi, đàn cá dưới ao bơi lượn tung tăng thành vòng tròn. Đàn hạc bay lên trời lượn cánh múa. Còn đàn chó đi diễu xung quanh, đuôi múa, chân nhún. Mỗi khi tiếng sáo lên cao, thì đàn cá lại vọt khỏi mặt nước, đàn hạc tung cánh lên trời cao, hồi hót hòa nhịp.
Bản nhạc hết, Phi cầm dùi đánh ba tiếng trống, cá từ từ lặn xuống, chó lui vào nhà. Còn đàn hạc vỗ cánh bay lên tuyệt mù mây thẳm. Phi cười:
- Anh thấy được không? Kẻ sĩ lui về vui với cỏ hoa, lúc đất nước hữu sự, ta lại cầm gươm giết giặc, phải không anh.
Thình lình Phi hỏi nhỏ:
- Dường như Thái-sư định rằng sư phụ, sư mẫu chỉ huy cuộc Nam chinh. Nay mai đến cuộc Bắc phạt thì do tiên cô Bảo-Hòa phải không?
- Đúng vậy.
- Em không muốn làm quan, chỉ vì cái xương sống nó cứng quá, với lại bản tính lười biếng, bước vào quan trường, ra luồn vào cúi, áo xiêm ràng buộc, em không chịu nổi. Nhưng nếu như khi quốc gia hữu sự, em đâu có ngồi yên.
Tuy làm quan, có chức vụ lớn, bổng lộc hậu, nhưng Thường-Kiệt vẫn ở trong phủ Khai-Quốc vương. Chiều hôm đó, Thường-Kiệt từ giã Phi về phủ, thì gặp Tôn Đản với Ngô Cẩm-Thi đang thảo luận với vương. Chàng hành lễ. Cẩm-Thi chỉ ghế cạnh:
- Con ngồi đây. Thím theo chú Nam chinh, có mang về ít quà biếu bố Long-Bồ của con, thím cũng mang quà cho con nữa đây.
Nói rồi bà moi từ trong chiếc túi vải ra mấy xấp lụa, trao cho chàng:
- Lụa Chiêm đấy, đẹp đáo để. Thím làm quà cưới cho con với Thuần-Khanh.
Tôn Đản nhìn qua Thường-Kiệt, ông cau mày:
- Con có sự gì không vừa ý chăng? Tại sao mặt kém tươi.
Thường-Kiệt thuật vụ đêm nay, chàng phải dự kiến việc tĩnh thân mười lăm thanh niên đầy sinh lực, mặt mũi khôi ngô, mà lòng bất nhẫn. Khai-Quốc vương vò đầu:
- Tục lệ, luật pháp quái gở từ xưa để lại. Bố dù quyền nghiêng nước, cũng không thể thay đổi được. Con đã làm hết sức mình coi như đủ rồi. Chú Đản muốn chiều nay con ra hồ Tây ăn cơm với chú thím. Bố ăn với vú Hậu được rồi. Thôi, con đi với chú thím. Nhớ về cho kịp để dự kiến cuộc tĩnh thân ở Đông-cung.
Thường-Kiệt từ tạ Khai-Quốc vương, rồi lên ngựa theo Tôn Đản, Cẩm-Thi ra ngoài thành.
Nhà của Tôn Đản ngay bên bờ hồ Tây. Nguyên sau hồi dẹp loạn chư vương thời Thuận-Thiên, cuối cùng đưa đến việc biến mất kỳ lạ của Thông-Mai, Thanh-Mai. Tôn Đản có đôi chút ngờ vực, nên ông không muốn làm quan, dù nhà vua, dù Khai-Quốc vương muốn phong ông tước tới Quốc-công, văn tới Thái bảo, võ tới Phiêu-kị đại tướng quân, trao cho trấn vùng Thanh-hóa. Ông nhất định cùng Cẩm-Thi về quê tiêu dao mây nước.
Khai-Quốc vương biết, trong Thuận-Thiên thập hùng, thì bộ ba Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn là thân với nhau hơn hết. Nay Tự-Mai, Lê Văn đều thành phò mã, mà phải xa nhau khiến Tôn Đản buồn. Hơn nữa Tôn Đản cực kỳ sủng ái Cẩm-Thi, mỗi mỗi đều nghe lời nàng. Mà Cẩm-Thi thì cho rằng ba em Mạnh, Trọng, Quý của chồng đều cầm binh quyền trong tay, trong khi bà là con cháu di thần nhà Ngô, bây giờ thêm Tôn Đản giữ trọng quyền, thì e sẽ bị nghi ngờ. Cho nên Cẩm-Thi khuyên chồng không nên nhận chức tước của triều đình. Phần Tôn Đản, ông cũng muốn được tiêu dao, để có thời giờ điều tra hai vụ án Thông-Mai, Thanh-Mai tường tận hơn.
Nhà vua tặng vàng bạc, châu báu, ông bà đều từ chối. Hồi rời Khúc-giang, Cẩm-Thi có mang theo khá nhiều tư trang. Bà bán bớt đi, rồi mua một thửa đất đến năm mẫu bên bờ hồ Tây. Hai ông bà mượn thêm mấy nông dân cùng họ cuốc đất, trồng ba mẫu dâu, một mẫu hoa, dành một mẫu để nuôi gà. Bà làm một căn nhà mười gian, nuôi tằm. Ông mở võ đường, thu đệ tử. Khách võ lâm lui tới trại của ông bà tấp nập. Họ gọi trại của ông bà là trại Long-thành ẩn sĩ. Tiếng Long-thành ẩn-sĩ dài quá bình dân thu ngắn lại chỉ còn hai tiếng Ẩn-sĩ.
Chỉ mấy năm sau, khắp đế đô đều khen ngợi hoa của trại Ẩn-sĩ vừa thơm vừa đẹp. Gà của trại Ẩn-sĩ vừa mập vừa to. Lúc đầu hai vợ chồng nuôi tằm rồi bán kén. Sau Cẩm-Thi sang Khúc-giang chơi, có dẫn về mấy thiếu nữ bị cường hào ác bá hiếp chế, họ biết dệt lụa, dệt gấm. Thế là kén của trại Ẩn-sĩ được kéo tơ, rồi dệt gấm, dệt lụa. Gấm, lụa trại Ẩn-sĩ tinh xảo, mịn hơn gấm Thục, lụa Tô-châu của Trung-quốc. Nhà vua mời Cẩm-Thi vào cung dạy cung nữ dệt gấm, dệt lụa.(1)
Lại nói Thường-Kiệt theo Tôn Đản, Cẩm-Thi tới trại Ẩn-sĩ. Không hiểu sao, cứ mỗi lần tiếp xúc với ông chú bà thím này, là Thường-Kiệt lại cảm thấy ấm áp trong lòng. Ông bà đãi cơm Thường-Kiệt trong căn nhà thủy tạ làm bằng gỗ trên bờ ao nuôi cá.
Thường-Kiệt im lặng nghe Tôn Đản, Cẩm-Thi tường thuật cuộc Nam-chinh để rút kinh nghiệm. Tôn Đản kết luận:
- Cuộc Nam chinh có chính nghĩa ở chỗ tuyệt đối cấm giết người Chiêm, cấm cướp của. Nhưng khi về đến Đại-Việt, hoàng thượng truyền gọi hoàng hậu của Xạ-Đẩu là Mỵ-Ê ra múa hát cùng "hầu". Mỵ-Ê nhảy xuống sông tự tử. Hà! Hồi niên hiệu Thông-Thụy thứ nhì ( ất-Hợi, 1035) Hoàng thượng đã phong Thiên-Cảm hoàng hậu, cùng mười ba thứ phi, với mười tám ngự nữ, một trăm ca nữ. Như vậy cũng đủ rồi. Thế mà còn bắt bà Mỵ-Ê hầu làm gì? Xạ-Đẩu vô đạo, đánh chiếm nước nó, giết nó, như vậy cũng là nặng, còn hưởng thụ trên thân xác vợ con nó làm gì?
Ông trầm tư một lúc, rồi thình lình hỏi:
- Chú thấy quầng mắt cháu thâm, như vậy ắt sắp có một tai nạn khủng khiếp. Cháu nên đề phòng.
Thường-Kiệt thuật cuộc hội kiến với Thiên-Cảm hoàng hậu, với Hồng-Hạc cho Tôn Đản nghe. Cẩm-Thi nổi cáu:
- Được rồi, với võ công của cháu, khi nhà vua, Hoàng-hậu, Thái-tử ra lệnh bắt cháu làm tội hay giết, thím cho cháu quyền chống trả, rồi trốn ra đây, xem ai có gan, có tài cứ đến mà bắt.
Thường-Kiệt nhìn bà thím: người đẹp như tiên nga, thông thường bà rất ôn nhu, văn nhã. Hôm nay tự nhiên bà nổi cáu, nhưng nét hoa vẫn tươi như ban mai.
Cơm xong bà âu yếm tiễn Thường-Kiệt về thành. Thường-Kiệt đến thẳng Đông-cung để dự cuộc thiến cho mười lăm thanh niên thành thái giám. Trời đã tối hẳn. Thường-Kiệt đã được chứng kiến tĩnh thân như vậy đến hai lần. Cuộc tĩnh thân được đặt trong một căn phòng lớn, có kê mười lăm chiếc dường bằng gỗ, trên dường trải chiếu hoa. Những thanh niên dâng hiến sẽ được cho uống mỗi người một bát thuốc nóng. Sau khi uống, thì mê man không biết gì. Bấy giờ quan Thái-y mới dùng dao thực sắc cắt dương v*t đi, rồi lấy thuốc bột cầm máu rắc lên, đem kim chỉ may vết thương lại.
Tên thái giám Trần Văn-Thành dáng người xanh xao, mắt hơi lé, chân thọt, thấy Thường-Kiệt đến, thì đon đả đứng dậy chào. Y nói:
- Thưa học sĩ, hôm nay thiến tại Đông-phòng. Xin mời đại hoc sĩ qua đó.
Thường-Kiệt theo Thành tới Đông-phòng. Trong phòng, viên Thái-y tuổi còn trẻ, ba cung nữ, hai thái giám cùng mười lăm thiếu niên dáng dấp thanh nhã, khỏe mạnh, y phục tươm tất ngồi trên hai hàng ghế. Họ cùng đứng lên chào Thường-Kiệt. Viên Thái-y ngồi đối diện với đám thiếu niên, giảng giải về những gì cần kiêng cữ sau khi thiến.
Một cung nữ bưng đến để trước mặt Thường-Kiệt chiếc khay, trên khay để cái bát đậy bởi cái đĩa nhỏ:
- Thưa đại nhân, hoàng-hậu khen đại nhân cần lao chính sự, nên thưởng cho đại nhân bát sâm thang này.
Thường-Kiệt tiếp sâm thang, hướng về Khôn-cung vái tạ rồi uống. Sâm thang thơm ngát, nhưng hơi có vị the the.
Hai cung nữ đang quạt lò than đỏ rực. Trên lò, để một cái nồi nấu thuốc. Cạnh lò là cái bàn, bầy những cuộn vải trắng, những chai thuốc rịt vết thương. Thường-Kiệt hỏi viên thái-y:
- Đại phu làm việc tại cung nào, ty nào, mà tiểu đệ chưa từng gặp bao giờ?
Viên Thái-y cung tay:
- Tiểu nhân tên Lê Bạt, mới được tuyển vào làm việc tại ty Cung-phụng hơn tháng nay.
Thường-Kiệt nói với Lê Bạt:
- Xin đại phu cứ tiếp tục.
Trong khi Lê Bạt dặn đám thiếu niên, Thường-Kiệt thấy chúng đều có vẻ vui tươi, không tỏ ra buồn rầu, sợ hãi cả. Chợt chàng để ý, thấy có một thiếu niên dáng người hùng vĩ, cúi gầm mặt xuống như nuối tiếc.
Thình lình thiếu niên đó đứng lên cúi đầu, cung tay nói với viên thái y:
- Xin đại phu cho phép cháu đi ngoài.
- Được, người cứ đi. Mau trở lại, sắp tới giờ uống thuốc rồi.
Thiếu niên lui khỏi phòng. Thường-Kiệt nghĩ thầm:
- Thiếu niên này dường như đi trốn thì phải. Ta phải theo y mới được.
Thường-Kiệt vờ hỏi han thái giám Thành vài câu rồi ra ngoài theo thiếu niên. Quả nhiên y đang ngơ ngác tìm đường trốn khỏi Đông-cung. Thường-Kiệt nhấp nhô một cái đã đến bên y. Mặt thiếu niên tái xanh, y run run. Thường-Kiệt nói nhỏ:
- Em đừng sợ, ta giúp em.
Chàng điểm vào huyệt Đại-trùy của y. Người y cứng đơ. Chàng cắp y, nhấp nhô mấy cái đã ra khỏi hoàng thành. Đáp xuống cạnh một bụi cây, chàng hỏi y:
- Em tên gì? Tại sao tình nguyện làm thái giám rồi lại trốn?
- Cháu tên Trần Vĩnh. Năm nay cháu mười bẩy tuổi. Vì bố mẹ cháu nghèo, nên bán cháu. Người ta đem cháu bán cho quan phủ, để đưa về kinh làm thái giám.
- Họ bán em bao nhiêu?
- Năm lạng vàng.
Thường-Kiệt móc trong túi ra một tượng thánh Tản, phía sau khắc tên chàng, đó là tín hiệu dành cho đệ tử Tản-viên. Chàng trao tượng cho Vĩnh:
- Em trốn đi như thế này, ta e cha mẹ sẽ bị liên lụy. Vậy em ra bờ hồ Tây, tìm đến trang Long-thành ẩn-sĩ, đưa tượng này cho trang chủ, em và gia đình sẽ được che chở.
Chàng lại móc túi đưa cho nó mươi đồng tiền, rồi chỉ đường cho nó đến hồ Tây.
Xong việc, Thường-Kiệt trở về Đông-phòng. Viên thái giám Trần Văn-Thành thấy chàng thì mừng lắm:
- Thưa đại nhân, có một người bỏ trốn, y tên Trần Vĩnh. Xin đại nhân định liệu.
Thường-Kiệt phất tay:
- Những thiếu niên này đến đây là do lòng hiếu kính đối với Đông-cung, là do dâng hiến. Nay Trần Vĩnh bỏ trốn, thì thôi. Ta cứ tiếp tục.
Các thiếu niên được uống mỗi người một bát thuốc. Sau khi uống khoảng nửa khắc ( 7 phút ngày nay ) họ bắt đầu buồn ngủ. Vốn được dặn trước, họ nằm dài ra dường, lát sau tất cả đều nhập giấc ngủ mê man. Thường-Kiệt tuy đã theo cha mẹ chinh chiến, tuy đã làm tướng đánh giặc, chém giết bao phen, nhưng chàng không can đảm nhìn cảnh này. Chàng nói với Thái-y:
- Xin đại phu cứ tự tiện, tôi sang thư phòng một chút.
Vào thư phòng, Thường-Kiệt cảm thấy nóng nảy bứt rứt, chàng gọi thái giám chầu hầu:
- Người lấy cho ta bình trà.
Tên thái giám nói:
- Thưa đại nhân, vương phi ban thưởng cho đại nhân bình trà Lạng-châu, mời đại nhân xơi.
Rồi y bưng ra bình trà nóng, với chiếc chung bằng bạc. Thường-Kiệt rót trà, uống một chung. Chàng thấy dường như trà có pha bạc hà, nên hương vị bốc lên ngát hơn. Chàng vừa đọc văn thư, vừa uống, phút chốc, bình trà hết. Chàng cảm thấy mắt dí lại, rồi không tự chủ được, chàng gục xuống án thư.
Bỗng Thường-Kiệt cảm thấy như có ai vỗ vào vai mình. Chàng nhìn lại, thì thấy hai con rắn to lớn. Một con quấn quanh mình chàng, rồi cắn vào bụng dưới, một con cắn vào dương v*t. Đau đớn quá, chàng nhảy dựng lên, mà chân vô lực. Chàng nghiến răng phát chưởng đánh rắn, thì chưởng không ra. Chàng lăn lộn, vùng vẫy mãi, mà không thoát. Chàng thấy thầy đồ đang đứng cạnh sư phụ Bảo-Hòa, chàng kêu lớn:
- Sư thúc cứu cháu với.
Thầy đồ lắc đầu tỏ vẻ chán ngán. Sư phụ Bảo-Hòa vỗ vào vai chàng, chàng giật mình, mở mắt, thấy mình nằm trên chiếc dường gỗ. Cạnh dường, nào Khai-Quốc vương, nào sư phụ Bảo-Hòa, nào Tôn Đản, Cẩm-Thi, nào Tạ Đức-Sơn, lại có có cả Thuần-Khanh nữa, mặt người nào cũng có vẻ nghiêm trọng. Thì ra chàng trải qua cơn ác mộng.
Nước mắt Cẩm-Thi chảy dài. Thường-Kiệt kinh hãi hỏi:
- Thưa thím, cái gì đã xẩy ra? Cháu bị bệnh mê man ư?
Thuần-Khanh khóc:
- Anh, anh bị cắt mất, bị cắt mất...
Rồi nàng nấc lên không nói được nữa.
Khai-Quốc vương đáp:
- Hồi nãy, một thái giám trong Đông-cung tới tìm bố, báo cho bố biết sau khi con tình nguyện tĩnh thân, thì nổi cơn điên, vung chưởng đập phá lung tung. Bố vội đến nơi, thì cũng đúng lúc Bảo-Hòa tới. Bảo-Hòa điểm huyệt cho con ngủ mê, rồi chúng ta đem con về đây.
Thường-Kiệt ngơ ngác:
- Con... con có tình nguyện tĩnh thân bao giờ đâu?
Bảo-Hòa gay gắt:
- Khi được báo con tình nguyện tĩnh thân, ta nhất định không tin. Nay quả nhiên đúng. Nhưng... nhưng con đã bị tĩnh thân rồi.
Thường-Kiệt kinh hãi hét lên: quả nhiên dưới háng chàng đầy vải trắng băng bó, chàng cảm thấy vừa đau vừa rát. Chàng la lớn:
- Làm gì có chuyện đó?
Cẩm-Thi ôn tồn:
- Con hãy từ từ thuật lại chi tiết vụ này cho chúng ta nghe.
Tuy sau cơn mê, nhưng nhờ nội công thâm hậu, tâm trí Thường-Kiệt vẫn tỉnh táo như thường. Chàng thuật lại chi tiết những việc đã xẩy ra. Trưởng công chúa Bảo-Hòa nói:
- Như vậy là con bị người ta đánh thuốc mê, rồi đem tĩnh thân, sau đó bịa ra việc con tình nguyện.
Bà lách mình ra cửa, rồi nói vọng vào:
- Đản đệ với Cẩm-Thi ở đây, chị có việc ra ngoài một lát sẽ trở lại.
Bảo-Hòa đi một lúc, thì trở lại, tay cầm bình trà, chung trà, bát đĩa đựng sâm thang để xuống bàn, rồi nói với Khai-Quốc vương:
- Cháu phải giữ hai tang vật này để làm bằng.
Lát sau quan Thái-phó Dương Bình với Thái-tử Nhật-Tông tới. Nhật-Tông nắm tay Thường-Kiệt:
- Kiệt, ta nhất định phải điều tra ra vụ ám hại người, xử tử tất cả chính lẫn tòng phạm. Bằng không thì kinh thành Thăng-long sẽ ngập máu.
Hai thiếu niên nắm lấy tay nhau, nước mắt chan hòa. Thường-Kiệt đau qúa bật lên tiếng rên nho nhỏ. Dương Bình điểm vào huyệt Tam-âm-giao, Quan-nguyên khiến khu hạ bộ chàng tê liệt. Vì thuốc mê chưa rã hết, Thường-Kiệt lại nhập vào giấc ngủ.
Bảo-Hòa hỏi Nhật-Tông:
- Vừa rồi em nói Thăng-long ngập máu. Cái gì đã xẩy ra vậy?
Nhật-Tông cực kỳ kính trọng Bảo-Hòa, vương chắp tay:
- Thưa chị, Ưng-sơn thực khủng khiếp. Sự việc mới xẩy ra chưa đầy hai giờ mà người đã dán hịch tại sáu cửa hoàng thành.
Nhật-Tông móc ra tờ giấy trao cho Cẩm-Thi. Cẩm-Thi cầm lên đọc:
"Thôn-phu Trần Tự-Mai, đất Thiên-trường nước Đại-Việt.
Lĩnh kiểm hiệu Thái-phó, Thượng-thư lệnh, kiêm Trung-thư lệnh
Tả-kim-ngô lãnh vệ đại tướng quân
Tổng-đốc quân mã, chinh Tây đại nguyên soái
Tước phong Tần-vương nhà Đại-Tống
Cùng trưởng đại công chúa Huệ-Nhu.
Cáo tri cùng võ lâm Đại-Việt, Đại-Tống rằng:
Phát huy sĩ khí, đem võ công cứu nước, bênh kẻ yếu, trị kẻ ác là nhiệm vụ của người tập võ. Thời Thuận-Thiên, sư huynh ta là Ngô An-Ngữ, nhân vì sự nghiệp muôn đời của tộc Việt mà làm tướng cầm quân trấn Trường-yên, lập biết bao công trạng. Khi chư vương khởi loạn, tuẫn quốc, để lại hai con thơ là Thường-Hiến, Thường-Kiệt.
Thường-Kiệt được Thái-sư Khai-Quốc vương nhận làm nghĩa tử, tiên cô Bảo-Hòa chưởng môn phái Tản-viên thu làm đệ tử. Khi tuổi mới hai mươi đã nổi danh văn mô, vũ lược, rồi lập biết bao công lao cho triều đình Đại-Việt.
Thế mà bọn gian dám mưu hại, đánh thuốc mê, đem hủy hoại thân thể, rồi cáo rằng tự nguyện làm hoạn quan. Điển chế của triều Lý khi tuyển thái giám có hai loại. Một là bẩm sinh, hai là tự nguyện thiến. Dù loại nào chăng nữa cũng phải qua cuộc sơ tuyển ở các trấn, các huyện. Những người trúng cách thì phụ huynh, được mời đến ký vào tờ biểu dâng hiến. Quan địa phương phát cho mỗi nhà một sắc chỉ khen tặng, bố mẹ được hưởng hàm ngũ phẩm.
Đến khi các ứng sinh về triều được thái y khám bệnh, rồi ty Cung-phụng hỏi lại ba lần, xem có đồng ý không, bấy giờ mới tĩnh thân. Nếu như Thường-Kiệt tự nguyện thì những văn kiện chứng minh đâu? Có ai làm chứng? Không người làm chứng, không có văn kiện thì Thường-Kiệt bị đầu độc cho mê man, bị đem tĩnh thân, rõ ràng bị ám hại.
Trời sầu, đất thảm, núi rên, sông khóc. Dù Thường-Kiệt không phải sư điệt của ta, thì cũng là hòn máu của cố đại thần vị quốc vong thân. Dù có không là con của đại thần, là dân dã chăng nữa, cũng không thể bị ám hại như vậy. Nay ta nhất quyết phải diệt kẻ ác tâm, nêu chính nghĩa võ đạo.
Vậy, nội trong ba tháng, chính phạm, tòng phạm không bị trừng trị theo luật Đại-Việt, ta sẽ xử theo luật Ưng-sơn, nhất định giết hết từ bố mẹ, anh em, vợ con, chó mèo, gà vịt, lừa ngựa, trâu bò, không tha một mạng. Kẻ nào tri tình mà che chở cho chính phạm, tòng phạm, cũng bị xử như vậy ".
Thái-phó Dương Bình cầm bình trà cùng bát đựng sâm thang lên ngửi, nếm, rồi nói:
- Tôi tưởng rằng từ khi Nhật-Hồ lão nhân cùng bọn Hồng-thiết giáo bị diệt rồi, thì những loại thuốc độc này tuyệt chủng. Không ngờ vẫn có người xử dụng được. Người đầu độc Thường-Kiệt có trình độ dùng độc chất rất cao minh. Đầu tiên bỏ một chất độc vào sâm thang. Sau nửa giờ chất độc ngấm, thì gân cốt trở thành vô lực. Cuối cùng họ bỏ một loại thuốc khác vào bình trà. Loại này làm cho Thường-Kiệt mê man. Muốn thiến Thường-Kiệt, họ chỉ cần cho cháu mê man cũng đủ, cớ sao họ lại bỏ thêm thuốc nhuyễn cân? Như vậy khi đầu độc họ vẫn sợ võ công Thường-Kiệt cao thâm, nên mới tính trước.
Khai-Quốc vương hất hàm hỏi Nhật-Tông:
- Thường-Kiệt là Đông-cung quan, phạm trường cũng là Đông-cung, vậy cháu định sao?
Mặt Nhật-Tông đỏ lên:
- Cứ như những lời tường thuật của Thường-Kiệt, thì chính phạm là Thiên-Cảm hoàng hậu và Dương Hồng-Hạc. Cả hai đều thuộc loại bát nghị, nhưng nằm trong thập ác, cháu sợ phụ-hoàng xử dụng quyền ân xá. Như vậy nhất định Ưng-sơn không bỏ qua, máu ngập Thăng-long mất.
Tạ Đức-Sơn lắc đầu:
- Thưa vương gia, thần không nghĩ như thế. Vương gia hẳn còn nhớ vụ ám hại cha con Nùng Tồn-Phúc không? Xin vương gia đặt câu hỏi: Ai gây ra vụ này? Gây để làm gì? Ai được lợi ? Tại sao họ lại làm như thế ? Đúng như lời Thường-Kiệt thuật thì chỉ cần câu lưu Thái-y Lê Bạt, thái giám Trần Văn-Thành, ba cung nữ của Khôn-cung, cùng thái giám Trịnh Ngọc thuộc Đông-cung làm nhân chứng. Nhưng thẩm quyền của thần không thể đến hoàng thành.
Cẩm-Thi hỏi Tạ Đức-Sơn:
- Bát nghị em đã biết rồi, còn thập ác là gì vậy?
- Bộ Hình-thư bản triều định rằng những người trên bẩy mươi, dưới mười lăm tuổi hoặc nằm trong Bát-nghị được miễn tố. Tuy vậy, nếu phạm một trong thập ác, thì không được hưởng Bát-nghị. Mười tội ác là: Phản quốc, đại nghịch (giết vua), giết cha, âm mưu bội phản, hung ác, vô đạo đức, bất kính bất hiếu với cha mẹ, bất mục (không hòa thuận với anh em), bất nghĩa, loạn luân. Nếu như Hoàng-hậu, Vương-phi thái-tử phạm tội gì thì được hưởng quyền nghị thân, tức thân thuộc của vua.
Nhật-Tông nói với Tạ Đức-Sơn:
- Được, cô gia ủy cho Tạ hầu được quyền điều tra trong Đông-cung. Nhưng... trong Khôn-cung, phải tâu lên phụ hoàng.
Mắt phượng quắc lên, đại trưởng công chúa Bảo-Hòa đứng dậy:
- Thưa cậu, cháu không chịu nổi nữa rồi. Đây là vụ công khai khiêu khích phái Đông-a với Tản-viên. Một cách nhục mạ phủ Thái-sư với Đông-cung. Không cần Tự-Mai ra tay, mà chính cháu ra tay. Cháu phải vào cung yết kiến cậu cả.
Bà nhìn Thường-Kiệt nằm trên dường, nét hoa cau lại, bà nói:
- Cậu cả cai trị nước thì hay, nhưng tề gia thì dở. Hết vụ Đinh phi, Hồng-Phúc, nay lại đến Dương gia. Thôi cháu đi.
Khai-Quốc vương hỏi Dương Bình:
- Thưa thái-phó, vết thương của Kiệt nhi bao giờ sẽ lành?
- Khải vương gia, nếu người thường thì mười tới mười lăm ngày. Còn thế-tử, nội công cao thâm, chỉ cần năm, sáu ngày cũng đủ. Nhưng trong năm sáu ngày đó, đau đớn vô cùng. Thần xin gửi vương-gia hộp thuốc trấn thống để thế-tử uống. Thuốc này vừa giảm đau, vừa an thần nên ngủ suốt ngày.
Trời về khuya, Khai-Quốc vương đứng lên ngụ ý tiễn khách. Từ đầu đến cuối, Thuần-Khanh không nói một lời, bây giờ nàng mới lên tiếng hỏi Khai-Quốc vương:
- Thưa bá phụ, cháu... cháu muốn ở lại săn sóc cho anh Kiệt. Xin bá phụ cho phép.
- Được, cháu cứ ở lại. Ta phải vào yết kiến hoàng huynh, e không Bảo-Hòa sẽ giết nhiều người lắm.
Công chúa Bảo-Hòa dùng kiệu vào hoàng thành. Đến lầu Thúy-hoa, đám thị-vệ, cung nga, thái giám đồng loạt hành lễ:
- Bọn đệ tử kính cẩn tham kiến tiên cô.
Nguyên từ khi Bảo-Hòa lập được không biết bao nhiêu công lao với Đại-Việt; lại nữa, công chúa tuy đã quá ba mươi tuổi, mà dung nhan cứ như thiếu nữ mười bẩy mười tám. Tuổi càng lớn, hương thơm từ người công chúa xông ra càng rộng. Người ở cách công chúa mười trượng đã thấy hương rồi. Từ đấy, trong cung, ngoài dân, cho đến võ lâm đều truyền tụng rằng bà là tiên cô con Ngọc-hoàng thượng đế giáng sinh để giúp Đại-Việt, nên ai cũng cầu mong được thấy kim nhan công chúa. Đám cung nga, thái giám, thị vệ thình lình được gặp công chúa trong đêm, người công chúa tỏa ra hương trầm thơm ngát, làm họ sung sướng vô hạn. Họ mừng đến quên cả hỏi công-chúa giá lâm có việc gì.
Công chúa đáp lễ rồi phán:
- Các vị bình thân. Xin các vị tâu với hoàng-thượng rằng có cô cầu kiến.
Một thái giám chạy lên lầu, lát sau y chạy xuống chắp tay:
- Hoàng-thượng thỉnh tiên cô.
Bảo-Hòa thoăn thoắt lên lầu. Công chúa không dùng lễ vua tôi, mà dùng gia lễ:
- Thưa cậu cháu xin tham kiến cậu mợ.
- Cháu ngồi đây đi. Có việc gì khẩn không mà cháu đến đây khuya thế này?
- Cháu biết mợ cùng toàn thể Dương gia sắp chết, nên đến chia buồn với cậu trước.
Tuy là cậu của công chúa Bảo-Hòa, là Hoàng-đế uy quyền vạn năng đối với tộc Việt, nhưng từ khi xẩy ra những lôi thôi trong nhà mình, khiến Bảo-Hòa phải xử tử Hồng-Phúc, rồi mới đây Dương gia làm bậy. Mỗi lần Hoàng-đế thấy Bảo-Hòa là ngài phát ớn xương sống. Nay nghe Bảo-Hòa nói câu đó, bất giác ngài lạnh người:
- Cái gì đã xẩy ra?
Công chúa thuật lại chi tiết vụ án. Thiên-Cảm hoàng hậu rùng mình, núp sau hoàng đế:
- Bệ hạ, oan uổng, oan uổng. Xin bệ hạ cứu mệnh thiếp cùng Dương gia.
Nhà vua nói cứng:
- Hậu đừng sợ, Tần-vương Tự-Mai không phải là người hồ đồ. Võ lâm theo vương rất đông. Vương đa sát thực, nhưng từ xưa đến giờ hàng ngàn hàng vạn vụ án xẩy ra, có bao giờ vương xử oan đâu? Còn tiên cô cũng vậy. Tiên cô là người cực kỳ minh mẫn. Nếu vụ này hậu và Dương gia không dính vào thì việc gì phải sợ.
Đến đó Khai-Quốc vương với Nhật-Tông vào. Nhà vua nắm tay vương:
- Vụ này nhỏ mà to, nó chạm đến danh dự họ Lý nhà ta không ít, nếu không điều tra ra manh mối thì loạn lớn chứ không nhỏ đâu. Ba phái Đông-a, Tản-viên, Sài-sơn đều liên quan đến vụ án, thêm phủ Thái-sư, Đông-cung, Dương phủ.
Nhật-Tông tâu:
- Để giải quyết vụ này, thần nhi xin phụ-hoàng ba điều.
- Con cứ nói.
- Một là giao cho Khu-mật viện toàn quyền điều tra. Hai là sau khi có kết quả thì tội nhân bị xử thẳng tay không thể cho hưởng Bát-nghị. Ba là cần chỉnh đốn lại hoàng-cung, không giảm thái giám cung nga được thì cũng không nên tăng. Tiền dư đó dùng khuyến khích học-phong, an ủi cô nhi. Từ đời Thuận-Thiên đến giờ, chỉ vì ta tuyển người dễ dàng quá, mà gian tế lọt vào trong quân như hai tên Phùng Lộc, Đinh Luật, rồi bây giờ đến cung nga, thái giám.
Nhà vua lưỡng lự một lúc rồi cau mày:
- Hoàng nhi luận đúng, nhưng không lẽ để hoàng-hậu, vương-phi phải đến Khu-mật viên cung khai? Ta đồng ý: cho Khu mật viện toàn quyền, nhưng không được hỏi cung Hoàng-hậu, thứ phi, thân-vương, vương-phi.
Nhật-Tông thấy Hoàng-hậu run rẩy ngồi sau phụ-hoàng, thì đoán chừng bà có dính dáng vào vụ này, vương tâu:
- Như vậy trong thời gian ba tháng vụ án e không thể điều tra xong. Khi triều đình không điều tra xong thì Ưng-sơn sẽ hành sự. Con nghĩ vậy mình chẳng cần điều tra, để Ưng-sơn làm là tiện nhất.
Quả nhiên cái oai của Ưng-sơn làm nhà vua ớn lạnh:
- Thôi được, để chính trẫm điều tra.
Khai-Quốc vương, Bảo-Hòa, Nhật-Tông về đến phủ Thái-sư thì đã quá nửa đêm. Vú Hậu đón vương ở cửa phủ:
- Khải vương gia, Tạ tiểu thư đem thế tử lên xe, nói rằng đưa về Cổ-loa dưỡng bệnh. Tiểu thư nhờ thần khải với vương gia.
- Không sao. Vết thương thiến từ xưa đến giờ có ai bị chết đâu mà sợ.
Vương lên dường chợp mắt một lúc thì trời sáng. Vương ngồi dậy nhập thiền xong, đang ăn cháo rồi vào triều, thì một thái giám từ Đông-cung phi ngựa đến. Y hành lễ rồi nói:
- Khải vương gia.
- Có gì lạ không?
- Năm cung nga, năm thái giám, cùng Thái-y phụ trách vụ hoạn ở Đông-cung đều dùng thuốc độc tự tử. Khi biết họ tự tử, vương-phi cho mời Dương thái-phó vào. Dương thái-phó tới nơi thì họ đều chết cả rồi.
Vương lấy ngựa đến Đông-cung, quan Thái-phó Dương Bình cung tay:
- Khải vương huynh, năm thái giám, năm cung nga đều dùng thứ mê thang làm mê để thiến tự tử. Thông thường muốn làm mê một người thì chỉ cần uống một bát là đủ. Đây họ uống tới ba bát, nên chết luôn. Thần chẩn mạch, thì biết họ chết từ đêm qua.
Nhật-Tông cau mặt lại:
- Thế là thế nào? Đám cung nga thái giám này vốn của Khôn-cung. Sau khi xong việc tĩnh thân tân thái giám thì phải trở về Khôn-cung chứ sao lại ở đây rồi tự tử. Đúng ra việc này do Thường-Kiệt phụ trách điều tra. Nhưng nay y bị bệnh. Con nhờ thầy xem xét dùm.
Khai-Quốc vương đưa mắt cho Dương Bình, rồi kéo Nhật-Tông vào thư phòng, vương hỏi:
- Dương huynh nghĩ sao?
- Thưa Thái-sư, họ không hề tự tử mà bị bức tử. Rõ ràng trên cổ họ đều có vết tay, chứng tỏ họ bị bóp cổ đổ thuốc vào. Như vậy là thủ phạm vụ hại Thường-Kiệt muốn giết người để diệt khẩu đây. Họ tưởng lấy vải thưa mà che mắt thánh được sao?
Nhật-Tông thở dài:
- Thưa thầy, thưa chú, con nghĩ cứ để việc này cho Ưng-sơn làm, dễ dàng hơn là mình làm. Họ có thể sát nhân diệt khẩu để phi tang. Nhưng đối với Ưng-sơn thì khó mà biện luận. Có điều tại Đông-cung, mà họ ra tay giết người như vậy thì còn trời đất nào nữa. Con muốn từ nay dù thu nhận cung nga, bộc phụ, mã phu cũng do thầy kiểm soát rồi nhận. Chứ đám cung nga, thái giám cũ này toàn là người của Dương hậu đưa vào. Có ngày họ hại cả con nữa không chừng.
Khai-Quốc vương an ủi cháu:
- Được rồi, ta nghĩ vụ này không khó. Con đem trả hết đám mã phu, bộc phụ về bên Khôn-cung. Ta sẽ lấy người từ phủ Thái-sư cho con, rồi ta tuyển cho con một số người mới. Ta đề nghị: con mời bà Ngô Cẩm-Thi làm lễ nghi học sĩ dạy dỗ tân cung nga, thái giám. Như vậy trong Đông-cung có một nữ cao thủ, ghé mắt vào mọi chuyện. Dù sao Thường-Kiệt cũng thành thái giám rồi. Đợi cho vết thương của y lành, ta cho y vào Đông-cung ở, bấy giờ đố gian tế nào qua mắt y được.
Vương trở về phủ, thì thấy Tạ Sơn đang chờ. Vương hỏi:
- Sư đệ. Có gì không?
- Thưa sư huynh, đệ đến thăm bệnh cháu Kiệt thì được biết Thuần-Khanh đã mang Kiệt về Cổ-loa từ hôm qua. Thực lạ, nếu chúng về Cổ-loa thì chiều hôm qua phải tới rồi mới phải chứ? Chắc có biến cố gì rồi.
Ông gọi viên đô thống đi theo:
- Đô-thống cho chim ưng đi tìm Thường-Kiệt với Thuần-Khanh xem sao.
Kinh nghiệm về vụ Thông-Mai, Thanh-Mai, Khai-Quốc vương nói:
- Ta sợ lại có nhân vật nào đó đón chúng đi chăng? Chứ với võ công của Thuần-Khanh, không dễ gì ai bắt cóc chúng được.
Hai sư huynh, sư đệ ngồi chờ đến chiều thì viên đô thống trở lại báo cáo:
- Khải vương gia chim ưng không tìm ra vết tích thế tử với tiểu thư. Thần sai tám cặp đi tìm, thì chỉ có bẩy cặp trở về. Vậy có thể một cặp gặp tai nạn.
Tạ Sơn nói với Khai-Quốc vương:
- Đệ sợ cái người đem hai đứa đi đó cũng biết xử dụng chim ưng, nên giữ chim lại để khỏi lộ hình tích. Chắc sư huynh nhớ hồi diễn ra trận đánh Trường-Yên, sư đệ Tự-Mai đã làm chuyện đó.
- Vậy thì có thể Ưng-sơn đã mang chúng đi chăng. Dù ai mang đi, chúng cũng sẽ tìm cách báo tin cho ta.
Ghi chú
(1)Trong các bộ Đại-Việt sử ký toàn thư, Việt-sử lựợc, Khâm-định Việt sử thông giám cương mục, sử gia Việt đều chép rằng:
" Niên hiệu Càn-phù hữu đạo thứ nhì vua Lý Thái-Tông sai cung nữ dệt gấm vóc để dùng trong nước. Lại sai đem gấm vóc của Tống trong kho ban phát cho các quan ".
Sự kiện này có nghĩa gấm vóc Đại-Việt tinh xảo hơn, nên gấm vóc Tống đem đi cho rồi. Người sau đọc sử không rõ ai đã dạy cung nữ dệt gấm, chỉ độc giả Anh-linh thần võ tộc Việt biết rõ ngọn ngành việc này mà thôi.