Anh Linh Thần Võ Tộc Việt
Chương 35: Hận Tình Chưa Trả Cho Ai -khối Tình Mang Xuống Tuyền Đài Chưa Tan -(đoạn-trường Tân Thanh)
- Ta để con ở lại với sư phụ Bảo-Hòa một thời gian. Con sẽ có dịp giúp sư phụ dạy sư đệ Trí-Cao thêm ít bản sự. Con là Mật-thư tỉnh-sự của Thái-tử, thì phải thông hết mọi vấn đề, không điều gì trong nước được bỏ qua. Thời gian ở đây, con có dịp tìm hiểu các trang động Bắc-cương. Chỉ ít lâu sau sẽ có cuộc Bắc-chinh của Bắc-biên, bấy giờ con khỏi bỡ ngỡ. Ta nói ít, con hiểu nhiều.
Thường-Kiệt vâng dạ.
Ngay ngày đầu tiên đến Trường-sinh, Thường-Kiệt đã dẫn Hồng-Hạc tới xin lỗi Trí-Cao. Trí-Cao là một loại anh hùng sơn lâm, giận đấy, rồi lại quên luôn. Vì vậy y vui vẻ bỏ qua. Y chỉ nhìn sơ cũng biết những gì đã xẩy ra giữa Thường-Kiệt với Hồng-Hạc.
Sau ba ngày hội họp, Trí-Cao rủ Thường-Kiệt, Hồng-Hạc đi săn đêm. Rừng Bắc-biên là nơi nhiều thú hoang nhất Đại-Việt. Trí-Cao dẫn hai người dùng ngựa đi men theo bờ suối. Trí-Cao nói:
- Mùa này là mùa hươu chồi lộc ra. Ban ngày chúng ăn cỏ non, đêm đêm chúng tìm đến suối uống nước. Vì vậy chúng mình cứ phục ở bờ suối là bắn được nai ngay.
Đến một ngọn thác, nước từ cao đổ xuống, ánh trăng chiếu vào như những cột vàng lóng lánh. Trí-Cao nói sẽ vào tai Thường-Kiệt:
- Sư huynh! Đệ giả bầy ra cuộc đi săn để sư huynh với Dương tiểu thư có dịp tận hưởng xuân tình tuổi hoa giữa cảnh trời đất mênh mông. Chứ đi săn thực, đệ phải mang cả đàn chim ưng, mấy bầy sói, chứ có đâu chỉ cung tên.
Thôi sư huynh cứ tự tiện, đệ trốn đây.
Y nói lớn cho Hồng-Hạc nghe:
- Sư huynh với sư tỷ ngồi đây chờ nai nghe. Đệ sang bên kia suối rình hoẵng. Chúc sư huynh, sư tỷ hạnh phúc.
Nói rồi y phi ngựa biến vào rừng. Thường-Kiệt, Hồng-Hạc vừa mới nếm hương vị tình yêu, thì phải xa nhau. Bây giờ hai người đối diện nhau trong cảnh rừng núi u tịch của mùa Xuân. Hồng-Hạc lên tiếng trước:
- Đại ca... Anh, xa nhau ba ngày mà em tưởng như chúng mình xa nhau hằng trăm năm. Em nhớ kinh Thi nói rằng Nhất nhật bất kiến như tam thù hề, nghĩa là một ngày không gặp nhau tưởng như dài bằng ba năm , thực không sai.
Thường-Kiệt nhảy xuống cầm cương ngựa của chàng, của Hồng-Hạc cột vào gốc cây, rồi dìu nàng ngồi lên tảng đá bên suối. Hồng-Hạc dựa đầu vào vai Thường-Kiệt, rồi ngửa mặt nhìn trăng:
- Anh này, anh liệu Thái-tử Nhật-Tông có còn ghét em không?
- Anh nghĩ là không. Sư thúc anh là người quảng đại, đức nhân thực sâu sa vô cùng, lúc nào người cũng nghĩ rằng sau này lên làm vua phải tìm cách giáo hóa dân chúng; để trong nước không còn nhà tù nữa. Việc em nóng nảy ở Bắc-ngạn, người than với anh: Cái tội nóng nảy chỉ đáng đánh đòn, mà Ưng-sơn giết anh của Hồng-Hạc, như vậy là đủ rồi. Xét câu nói này, thì đủ thấy người không còn ghét em nữa đâu.
- Em nghe phò mã Thiệu-Cực nói rằng người đã biết rõ thầy đồ là ai, nội trong một tháng người sẽ bắt thầy đồ xuất hiện. Người đặt điều kiện rằng nếu người bắt thầy đồ xuất hiện thì tiên cô với vua Bà phải đồng ý cho anh được lấy em làm vợ, mà không phải cưới cô em họ Thuần-Khanh, có đúng không?
- Lúc phò mã nói chuyện với sư phụ, với vua Bà, anh đứng cạnh. Không hiểu sao chuyện chúng mình người biết được?
Hồng-Hạc dựa vào vai Thường-Kiệt:
- Thì có khó gì đâu. Em thử giải đoán xem nghe. Khi anh với em gần nhau đêm ấy, thầy đồ ở cạnh, nên thầy bỏ thư vào túi áo cảnh cáo anh. Phò mã Thiệu-Cực nói biết thầy đồ là ai, hẳn hai người thân với nhau lắm. Vậy có thể chính thầy đồ kể chuyện chúng mình cho phò mã nghe, rồi nhờ phò mã giúp anh em mình.
Thường-Kiệt quàng tay ôm sát Hồng-Hạc vào người:
- Anh em mình thành vợ chồng thì coi như oán thù giữa Dương gia với Trường-sinh sẽ xoá hẳn, mà Ưng-sơn sư thúc cũng không còn hằm Dương gia nữa.
- Em nghe nói thời thơ ấu ba sư thúc Tôn Đản, Tự Mai, Lê Văn là ba mỹ nam tử, văn học, võ công cao minh không biết đâu mà lường. Tại sao sư thúc Tôn Đản lại không thích làm quan?
- Em dư biết anh hùng thì đa tình. Ba sư thúc của anh đều thuộc loại đa tình số một số hai thời Thuận-Thiên. Đa tình nhất là sư thúc Tôn Đản, mà sư thẩm Cẩm-Thi lại cực kỳ ôn-nhu, văn-nhã, tài sắc tuyệt vời. Vì vậy sư thẩm Cẩm-Thi bàn gì sư thúc cũng nghe theo. Sư thẩm muốn hai vợ chồng trồng dâu, nuôi tằm, cấy hoa. Sư thúc hưởng ứng ngay.
- Anh thực may mắn là được tới bốn người đàn bà nhân phẩm nhất thế gian yêu thương. Một là sư thúc Thanh-Mai, hai là sư phụ Bảo-Hòa, ba là vua bà Bình-Dương, bốn là sư thẩm Cẩm-Thi. Vậy trong bốn người, anh yêu bà nào nhất?
- Anh kính yêu mỗi vị một cách khác. Mẫu thân anh thì thực là bà mẹ hiền. Mẹ hiền như hoa mẫu đơn, không hương, nhưng cùng máu thịt, tình sâu như biển. Sư phụ Bảo-Hòa thì anh kính như thiên tiên. Vua bà anh thờ như thờ Quan-thế-âm. Còn sư thúc Thanh-Mai, anh yêu người vừa như yêu bố lẫn yêu cô. Riêng sư thẩm Cẩm-Thi thì mỗi lần gặp bà, anh như ấm áp trong lòng vậy.
- Còn em, anh yêu em như thế nào?
Thường-Kiệt đặt lên môi Hồng-Hạc cái hôn.
Một đám mây trắng trôi qua bầu trời che mất mặt trăng, rừng núi bị bóng đen mịt mờ bao phủ. Chim quốc kêu khắc khoải não nuột.
Thường-Kiệt rùng mình tỉnh trước. Hồng-Hạc hỏi:
- Anh này.
- Gì vậy?
- Em nghe luật của tiên cô ban cho đệ tử chỉ được một vợ một chồng thôi phải không? Nếu như thế sau này cưới em rồi anh không thể có thêm thứ thiếp, tỳ nữ nữa à?
- Đúng thế.
- Chả cần tiên cô ra luật, em đã nguyện rồi: anh là người con trai đầu tiên chạm vào cơ thể em, thì vĩnh viễn cuộc đời này em là của anh, anh là của em. Dù hoàn cảnh nào, em cũng không để anh về tay người khác. Anh mà bỏ em, thì em giết anh trước. Không ăn được thì đạp đổ, thế thôi.
Thường-Kiệt rùng mình, nói gượng:
- Việc đó lọ là em phải đe, nếu anh vợ nọ con kia, thì chính tiên cô rút gân, chặt đầu anh trước.
Có tiếng chân người lại gần. Thường-Kiệt nói nhỏ:
- Chắc là Trí-Cao.
Quả nhiên Trí-Cao tới thực, y cười:
- Sư huynh với Dương cô nương bắn được mấy con nai rồi?.
Thường-Kiệt xấu hổ:
- Chả được con nào cả.
Trí-Cao cười, tay chỉ sang bên kia bờ suối:
- Không phải sư huynh bắn, thế ba con nai kia tự nhiên lăn đùng ra chết đấy?
Thường-Kiệt kinh ngạc, vì quả bên kia bờ suối có ba con nai nằm chết. Một con nửa người ngâm dưới nước, một con nằm vắt bên tảng đá, một con còn đang dẫy dụa. Chàng xấu hổ nghĩ thầm:
- Mình với Hồng-Hạc mải tình tứ, không ngờ ba con thú đến gần cũng không biết, Trí-Cao nhanh tay bắn chúng, mà mình không hay.
Chàng xấu hổ:
- Phải chăng sư đệ đã bắn?
- Không. Đệ có ở đây đâu mà bắn.
Nói rồi y lội qua suối. Thường-Kiệt cũng lội theo sau. Chàng kinh ngạc, khi không thấy tên ghim trên thân thú. Mỗi con đều có lỗ thủng trên đầu bằng quả chanh. Trong lỗ thủng là một viên đá.
Trí-Cao móc ba viên đá trong đầu ba con nai ra xem, kinh nghiệm săn bắn nhiều y nói:
- Ba con thú này đi uống nước, bị một người bắn đá từ phía trái, xuyên thủng từ tai vào đầu. Vậy người này nấp ở phía phải sư huynh.
Hồng-Hạc cầm viên đán xem rồi than:
- Lối dùng kình lực bắn đá là thủ pháp của phái Tản-viên. Người này vận âm kình, nên không có tiếng kêu vi vu. Xét kỹ trong phái Tản-viên chỉ tiên cô mới có công lực này mà thôi. Không lẽ tiên cô ra tay?
Thường-Kiệt lắc đầu:
- Tiên cô hành động đường đường, chính chính, chứ có đâu lại dấu thân phận? Ngu huynh nghĩ là thầy đồ. Chắc thầy ở quanh đây chứ không xa.
Chàng lên tiếng:
- Sư thúc, xin sư thúc cho cháu được tương kiến.
Có tiếng cười khành khạch ngay trên đầu. Ba người kinh hãi nhìn lên: thầy đồ ngồi vắt vẻo trên cành cây. Ông đáp xuống như chiếc lá rụng. Thường-Kiệt vội quỳ gối:
- Đệ tử tham kiến sư thúc.
Hồng-Hạc vốn úy kị thầy đố, nên nàng núp vào sau thân cây. Trí-Cao cung tay:
- Tiểu bối tham kiến tiên sinh. Từ đây về Trường-sinh không xa, tiểu bối lớn mật dám mời tiên sinh ghé tệ xá, để được nghe lời dạy dỗ.
Thầy đồ vỗ vai Trí-Cao:
- Lời nói của đấng anh hùng. Cháu hơn cha, anh cháu nhiều. Hôm nay gặp cháu đây, ta chỉ dặn cháu một điều: Cháu lập chí đòi lại đất tổ, thực hùng tráng bao la vô cùng. Cứ bình tĩnh mà làm, lúc nào ta cũng ở cạnh cháu.
Ông nói nhỏ:
- Khi ngọn cờ Trường-sinh chỉ lên Bắc, hôm nay cháu đánh châu này, thì đêm trước ta đã giết viên tướng trấn châu ấy dùm cháu rồi. Cháu phá thành không nổi ư? Ta sẽ cùng đoàn đệ tử nhập thành phá cửa cho cháu vào. Nhớ đấy.
Ông nhìn Hồng-Hạc:
- Ta vì hai đứa Thường-Kiệt, Trí-Cao mà tạm tha cho ông nội ngươi cùng toàn thể Dương gia.
Thấp thoáng một cái thầy đồ đã biến mất.
Thường-Kiệt, Trí-Cao hướng theo thầy đồ hành lễ. Thường-Kiệt than:
- Sư thúc thực chu đáo, hôm ở Bắc-ngạn người hứa rằng lúc nào cũng theo sát bên huynh. Quả nhiên người giữ đúng lời hứa. Chính người giúp huynh bắt tên Trần Thự. Không biết người là ai? Hồi sinh tiền, thân phụ huynh kết giao quá rộng, mà huynh còn nhỏ nên không biết hết. Vì vậy đoán không ra.
Thường-Kiệt, Trí-Cao ngơ ngẩn cả người. Trí-Cao nói:
- Không cần biết thầy là ai, anh em ta chỉ cần biết thầy cùng chí hướng với chúng ta như vậy là được rồi.
Sau đêm đi săn, thì Hồng-Hạc tiếp thư của Dương tể tướng gọi về Thăng-long khẩn cấp. Nàng với Thường-Kiệt đành tạm chia tay. Thường-Kiệt với Trí-Cao được tiên cô Bảo-Hòa hết sức truyền bản lĩnh cho. Ngoài thời giờ luyện võ, hai người lo huấn luyện binh sĩ, nghiên cứu tình hình các châu, huyện Tống. Thời gian trôi thực mau, hôm ấy có thư của thái-sư Khai-Quốc vương gửi lên nói với Bảo-Hòa cho Thường-Kiệt về kinh giúp việc Thái-tử, vì Hoàng-đế phải thân chinh Chiêm-thành.
Tiên cô Bảo-Hòa có bốn nữ đệ tử còn rất trẻ. Bà đặt tên là Mai, Lan, Cúc, Trúc, cho mang họ Thân. Khi truyền lệnh cho đệ tử, bà thường sai một trong bốn cô đem đi. Hôm nay Thân-Lan mang thư đến cho Thường-Kiệt. Kiệt vội lấy ngựa lên đường ngay trưa hôm đó. Buổi chiều, thì đến Thăng-long. Chàng về tới phủ Thái-sư, vừa bước xuống ngựa, thì gặp vú Hậu. Vú Hậu mừng lắm:
- Thế tử về mau, vương gia đang chờ thế tử đấy.
Thường-Kiệt vào thư phòng, Khai-Quốc vương vẫy tay ra lệnh miễn lễ rồi chỉ cho chàng ngồi xuống bên cạnh:
- Bố chờ con về để biết rõ tình hình Tống hơn.
Thường-Kiệt thưa:
- Tây-hạ lại đem quân đánh vào Tống, Ngũ-hổ cùng Tam-anh Tống bị bại trận liên tiếp, nên triều Tống lệnh cho Phạm Trọng-Yêm giảng hòa với Liêu, rồi cử Ngũ-hổ cùng Tam-anh thay vương trấn Bắc. Còn Tần-vương thì về trấn phía Tây. Công chúa Huệ-Nhu không chịu cho vương đi, lấy lý do: trước kia vương thắng Tây-hạ, vây kinh đô Linh-châu cực khẩn, chỉ dơ tay là lấy được nước, trị dứt mầm mống nguy khốn Tây thùy. Triều đình bắt vương phải lui quân, tha cho Tây-hạ với lý luận của bọn hủ nho đem Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang ra bàn.
- Công chúa Huệ-Nhu thực là người cương nghị, bên mình chỉ có Bảo-Hòa với Kim-Thành là sánh được. Thế ngũ hổ, tam anh là ai?
- Thưa bố Ngũ-hổ tướng là năm anh em kết nghĩa của Địch Thanh gồm Địch Thanh, Trương Trung, Lý Nghĩa, Lưu Khánh, Thạch Ngọc. Tam-anh là Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết.
Khai-Quốc vương gật đầu:
- Tam-anh Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết ta đã biết qua hồi đi sứ. Địch Thanh là sư đệ của Dư Tĩnh, là đệ tử Đông-Sơn lão nhân, hồi thi võ Biện-Kinh y đỗ trạng nguyên. Còn Trương Ngọc y thuộc phái Không-động; Tôn Tiết thuộc phái Côn-luân. Hồi tuyển phò mã, Trương Ngọc được triều Tống gả quận chúa con gái Sở-vương Nguyên-Tá tức cháu gọi Yên-vương Nguyên-Nghiễm bằng chú. Tôn Tiết được gả quận chúa con gái Thương-vương Nguyên-Phận. Hai người này về võ công ngang với Tự-Mai, Lê Văn. Về văn học, chúng có tài không thua bọn tiến sĩ. Thế còn bọn ngũ hổ tướng?
- Bốn tên Trương Trung, Lý Nghĩa, Lưu Khánh, Thạch Ngọc đều là đệ tử của Đông-Sơn lão nhân, võ công, tài trí, tuổi tác ngang với Địch Thanh. Triều đình lại sai Phạm Trọng-Yêm đánh Tây-Hạ. Trong bốn trận thì bại ba, một hòa. Quân Tây-Hạ đuổi theo quân Tống, chiếm mất một vùng đất khá rộng. Triều đình rúng động. Nhà vua thỉnh Yên-vương về đánh Tây-Hạ. Yên-vương từ chối. Nhà vua phải thuyết phục mãi Tần-vương với công chúa mới đồng ý trấn Tây biên, nhưng đòi ba điều kiện.
- Điều kiện gì vậy?
- Một là phải cho phò mã toàn quyền điều động binh tướng phía Tây Trung-nguyên. Hai là chặt đầu những nho thần đã ăn hối lộ của Tây-hạ, xin lui binh hồi trước. Ba là kể từ nay, tất của việc Tây thùy hoàn toàn do vương quyết định, chứ nhị phủ cùng Khu-mật viện không được bàn đến. Triều đình chỉ đồng ý điều một và ba. Còn điều hai, không thể thực hiện được, bởi quần thần chỉ bàn thôi, còn quyết định thì chính là nhà vua kia mà. Công chúa với phò mã vui vẻ lên đường.
- À, cái ông vua Tống kết bạn với Tự-Mai mà không biết y. Khi y còn lý luận, còn cương quyết thì có thể chỉ chém mấy tên tội nặng, rồi xin y tha cho bọn hủ nho còn lại. Nay ông ta cứ khăng khăng không chịu, tất y tự xử bọn hủ nho. Lúc y vui vẻ lên đường tức là y đã có chủ tâm tự mình hành sự, bố e bọn hủ nho không có đất mà chôn.
- Vâng, đúng như bố đoán, phò mã tới Tây-biên đánh một trận lớn, quân Tống, Hạ chết không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng, Tống đuổi binh Hạ ra khỏi đất Trung-nguyên. Triều đình nhận được biểu thắng trận, mở tiệc ăn mừng, thì ngay đêm đó toàn gia ba đại thần ở tòa Thượng-thư lệnh, năm người ở tòa Trung-thư lệnh, chín người ở Khu-mật-viện bị giết sạch, cả trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt, chim muông. Tổng số người chết lên đến hai nghìn. Cũng trong đêm đó, khắp Biện-kinh có tờ hịch kể tội năm đại thần đó nhận vàng của Hạ hầu xin triều đình ép phò mã rút quân. Trên hịch vẽ hình chim ưng bay qua núi. Triều đình đều biết Tần-vương ra tay, mà không có chứng cớ. Sĩ dân thì khoan khoái trong lòng.
- Như vậy được rồi. Hà ! Giết tàn nhẫn như thế, bố nghĩ không thể là Tự-Mai, có khi là quốc trượng Tự-An hay Thiên-trường ngũ kiệt. Bây giờ bàn việc của ta. Hoàng thượng hiện đang xuất chinh Chiêm-thành. Bố giúp Thái-tử nhiếp chính. Hôm nay con nghỉ, ngày mai vào điện Tập-hiền làm việc với Thái-tử.
Sau đó vương giảng giải tất cả những vấn đề đang diễn ra trên Đại-Việt cho Thường-Kiệt nắm vững. Cuối cùng vương dặn:
- Hoàng hậu mới tuyển vương phi cùng sáu thứ phi cho Thái-tử. Theo đúng điển lệ của bản triều, Thái- tử có một tiểu triều đình riêng. Các quan của phủ Thái- tử gọi là Đông-cung quan. Thường thì các quan của triều đình kiêm luôn quan của phủ Thái-tử. Phủ Thái-tử có các chức quan Thái-sư, Thái-phó, Thái-bảo, Thiếu-sư, Thiếu-phó, Thiếu-bảo như triều đình, nhưng thêm chữ Thái-tử ở đầu. Như Dương Bình là Thái-tử thái phó. Trong khi Dương Đức-Thành là Thái-phó của triều đình. Dưới nữa có Thái-tử thiềm sự, Tả thứ tử, Hữu thứ tử, Tả dụ đức, Hữu dụ đức, Thị độc,Thị giảng. Chức của con là Thái-tử mật-thư tỉnh-sự tức là đọc, trình tất cả mọi tấu chương cho Thái-tử. Thái tử ban lệnh gì, thì chính con truyền lại, cũng chính con theo dõi lệnh đó có thi hành không. Đúng ra một tháng nhà vua thiết đại triều ba lần, Thái-tử thiết tiểu triều ba lần. Đại triều để quyết định việc lớn. Tiểu triều để quyết định việc nhỏ, cùng thi hành quyết định của đại triều. Nhưng nay hoàng huynh ta viễn chinh, thì Thái-tử nhiếp chính, kiêm luôn đại, tiểu triều. Con chỉ dự tiểu triều thôi. Tất cả các chức quan khác, thì không liên hệ gì đến vương phủ Thái-tử, chỉ mình con là phải kiêm quản trị cung nga, thái giám, gia tướng, vệ sĩ cùng chi tiêu của phủ Thái-tử. Nên ngày mai, sau khi bãi triều con phải vào bái kiến vương phi của Thái-tử.
Vương trầm tư một lúc rồi tiếp:
- Những gì liên quan đến học hành của Nhật-Tông, bố với Bảo-Hòa có thể xen vào được. Duy có một điều, bố muốn cản mà không thể. Nhưng với chức vụ Thái-tử mật-thư tỉnh-sự, con tìm cách thay đổi được.
- Thưa là ?
- Kể từ thời Đinh, thời Lê, thì thái giám có hai loại, một là bẩm sinh, nam không ra nam, nữ không ra nữ, được tuyển ưu tiên. Trường hợp không đủ loại này, thì lấy người tình nguyện đem thiến, gọi là tĩnh-thân. Những người tình nguyện, một là họ không đủ tài năng làm quan, mà muốn có chút danh với cha mẹ họ hàng. Hai là họ nghèo, muốn có bổng lộc. Vì vậy họ cam phận làm tôi tớ cho nhà ta rồi phải bỏ một phần thân thể, mất cái hùng khí, cái lạc thú cuộc đời, mất luôn sự truyền tử lưu tôn. Tuy họ tình nguyện, nhưng tĩnh thân như vậy thì phạm đến đức hiếu sinh của thượng đế.
Thường-Kiệt rùng mình:
- Kể từ đời đức Thái-Tổ dường như chỉ có loại bẩm sinh. Không lẽ nay loại này không đủ sao?
- Đúng thế. Khi đức Thái-tổ lên ngôi vua, người cực kỳ ưu đãi thầy thuốc. Lại thêm phái Sài-sơn mỗi năm tung ra cả trăm y sư. Vì vậy dân gian ít bệnh tật, đàn bà không đẻ ra loại ái nam, ái nữ nhiều. Hoá cho nên thái giám bẩm sinh coi như không còn. Lại nữa, hồi nổi loạn của chư vương, trong lúc Ưng-sơn song hiệp đánh chiếm phủ Vũ-Đức, Đông-Chinh, Dực-Thành, đã thẳng tay tàn sát hết gia thuộc, đám thái giám ba phủ này chết sạch. Loạn hết, các phủ lại tuyển thái giám, nhưng không đủ người bẩm sinh, thành ra phải tuyển người lành để tĩnh thân. Bố can thiệp bằng cách đem đám thái giám trong bản phủ tặng các phủ kia. Cho nên con thấy trong phủ ta không có thái giám.
Thường-Kiệt vốn cực kỳ thông minh, chàng đoán ra những gì vương sắp nói:
- Thưa bố, chắc bây giờ phủ Khai-Hoàng thành lập, lại tuyển thêm thái giám, vì không đủ loại bẩm sinh, nên phải lấy người lành mà tĩnh thân. Bố muốn con khuyên Thái-tử không nên tuyển loại tĩnh thân, để đỡ thất đức. Có phải vậy không?
- Con đoán đúng. Phủ Đông-cung cần tới ba mươi thái giám, thế mà chỉ tuyển được có mười lăm người bẩm sinh. Còn mười lăm người tình nguyện sẽ phải tĩnh thân. Với chức vụ của con, con làm thế nào để loại tình nguyện chịu rút lui. Bằng chúng không rút lui, con dùng tiền bạc của ta ban thưởng cho chúng rồi bảo chúng bỏ cuộc.
Vương vò đầu:
- Việc tuyển thái giám là quyền của Hoàng-hậu. Hậu chỉ làm theo luật bản triều. Nhưng ta.Ta bất nhẫn quá. Đám tình nguyện phải uống một thang thuốc ngủ mê đi, rồi ngự y sẽ thiến. Họ phải chịu đau đớn trong mười đến hai mươi ngày cho vết thiến thành thẹo. Sau đó tự nhiên râu họ không mọc ra, tiếng nói eo éo như đàn bà, người xanh xao, bìu cổ từ từ lặn.
Thường-Kiệt định hỏi vương phi cùng thứ phi của thái tử là những ai, nhưng thấy vương nghiêm quá, nên không dám hỏi.
Hôm sau Thường-Kiệt mặc y phục đại triều, rồi tới điện Cao-minh thực sớm. Mấy thái-giám, cung nga có bổn phận lau chùi đã có mặt. Chúng thấy Thường-Kiệt vội hành lễ, rồi trình bày nhiệm vụ. Một cung nga trình cho Thường-Kiệt cái tráp khóa kín. Thường-Kiệt mở ra, lấy những tấu chương cùng chế, biểu ra đọc. Đa số đó là những vấn đề tiếp ứng lương thảo, bổ xung quân số cho cuộc Nam chinh. Ngoài ra Thường-Kiệt còn phải đọc cả những văn kiện về chi tiêu, mua bán, thăng thưởng, trách phạt trong phủ Thái-tử. Thường-Kiệt chú ý thấy chữ của vương phi Khai-Hoàng vương rất đẹp, những phê chuẩn, lời văn trang trọng, như vậy vương phi ắt là loại bút mặc văn chương. Chàng cũng chưa biết vương phi là ai.
Lát sau các Đông-cung quan đến đầy đủ. Người lớn nhất là quan Thái-phó Dương Bình. Thường-Kiệt đi một vòng chào các đồng liêu. Hôm nay quan Tả bộc xạ Dương Đức-Thành bị bệnh nên vắng mặt.
Ba hồi chuông trống, đội nhạc tấu lên, Thái-tử Nhật-Tông xuất triều. Các quan với Thường-Kiệt đều hành lễ, duy Dương Bình là thầy Thái-tử được miễn mọi lễ nghi.
Quan Cần-chính điện thuyết thư Lý Đạo-Thành đem từng bản tấu chương ra đọc, rồi các quan phần hành lĩnh thi hành. Mỗi sự khó khăn, Nhật-Tông lại hỏi ý kiến thầy là Thái-phó Dương Bình. Thường-Kiệt nghĩ thầm:
- Vậy thì ra Dương sư bá quyền lớn thực.
Thường-Kiệt biết chức vụ mình nhỏ, nên chàng cứ âm thầm ngồi ghi chép vào sổ lâm triều (giống như ngày nay là biên bản). Sau buổi triều chàng trình sổ cho Nhật-Tông với Dương Bình kiềm thự, rồi chàng cất vào trong tráp.
Tiếng Dương-Bình hô :
- Bãi triều.
Các quan cùng chắp tay vái. Thái tử nhập cung, Thường-Kiệt ôm sổ theo sau. Vào trong cung rồi, Nhật-Tông dặn Thường-Kiệt:
- Sư điệt. Việc người là con nuôi ta, tạm cất đi. Vì nếu người gọi ta là nghĩa phụ thì phải gọi vương phi là nghĩa mẫu, e có sự khuất tất quá. Ta cho phép người gọi ta là sư thúc, hay chú, mà khỏi gọi là vương gia hay Thái-tử. Người với ta cách nhau có một thời gian, mà ta cảm thấy như lâu lắm. Trong khi người chưa về, ta không có một bạn ngang tuổi bàn chính sự. Bây giờ người phải luôn ở cạnh ta. Ta cho người biết một tin vui, Hoàng-hậu đã đổi thái độ, không kiếm chuyện với ta nữa.
Nhật-Tông nói nhỏ:
- Hoàng-hậu tuyển cho ta tới sáu mỹ nữ, đều là con nhà trung lương. Ta chẳng có quyền quyết định gì cả. Người còn tuyển con quỷ cái Hồng-Hạc cho ta rồi phong làm vương phi mới khổ.
Tai Thường-Kiệt như ù đi, chàng hỏi:
- Thưa sư thúc, vương phi là Dương Hồng-Hạc ư?
Nhật-Tông thấy mặt Thường-Kiệt tái xanh, chân tay run run, thì vương tưởng y lo sợ rằng với cô gái đành hanh mà làm vương phi, thì khó cho y. Vương đâu biết mối tình giữa Thường-Kiệt với Hồng-Hạc.
Hôm trước đây, tại động Giáp, Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực đã điều đình với sư phụ Bảo-Hòa, vua bà Bình-Dương thuận cho Thường-Kiệt với Hồng-Hạc thành hôn. Cho nên suốt thời gian ở Trường-sinh, Thường-Kiệt với Hồng-Hạc đối xử với nhau không còn e thẹn. Sau những đêm đi săn, những buổi dạo chơi núi rừng, tình ý thực sâu đậm. Chàng định kỳ này về Thăng-long, nhờ sư phụ đứng hỏi Hồng-Hạc làm vợ. Bây giờ thình lình nghe Hồng-Hạc lấy chồng, hơn nữa lại lấy sư thúc, nghĩa phụ của mình, hỏi sao chàng không kinh hãi?
Nhật-Tông không hiểu ý Thường-Kiệt, vương nói:
- Người đừng sợ, không bao giờ ta nghe lời con quỷ cái mà hại người đâu. Khi người ra mắt y thị, người cứ gọi y thị là vương phi, khỏi cần gọi là sư thúc chi cho mệt.
Nhật-Tông nói nhỏ:
- Hôm rồi thầy đồ nhập cung gặp ta. Thầy tố cáo âm mưu của họ Dương. Đức-Thành tưởng con mình là Hoàng-hậu, đem cháu vào làm vương phi cho ta, nếu sau này con ta lên làm vua họ Dương sẽ gây thế lực ở triều đình. Bấy giờ Dương Đức-Thành khuynh đảo ngôi vua giống như Vương Mãng đời Hán đấy. Ta tin thầy đồ, nên đề phòng, không bao giờ có con với Hồng-Hạc. Vì vậy từ hôm y thị nhập cung, ta chưa từng gần y thị. Ta thề vĩnh viễn không bao giờ triệu y thị thì sao có con được. Thôi người vào ra mắt y thị đi.
Thường-Kiệt được một cung nga dẫn đến Ôn-đức phòng là phòng tiếp khách của vương phi Đông-cung. Theo luật triều Lý thì vợ của chúa và bầy tôi muốn gặp nhau phải có hai cung nga, hai thái giám hầu hạ. Hai người cách nhau bằng một màn lụa dầy.
Thường-Kiệt ngồi trên ghế chờ đợi. Cung nữ bưng ra cho chàng chung trà. Chàng nhấp một hớp rồi ngồi nghĩ vơ vẩn. Lát sau có tiếng dép lẹp kẹp, tim Thường-Kiệt đập thình thịch, rồi tiếng thái giám hô:
- Vương phi giá lâm.
Bất đắc dĩ Thường-Kiệt phải quỳ gối rập đầu ba lần:
- Thần Lý Thường-Kiệt xin bái kiến vương phi.
Tiếng Hồng-Hạc nói nhỏ như tơ:
- Bình thân.
Hai người im lặng, một lát Hồng-Hạc nói:
- Chiếu chỉ phong người làm Mật-thư tỉnh sự đã hơn năm, sao nay người mới về nhận chức? Ta... ta được phong làm vương phi Khai-Hoàng vương cũng mấy tháng, sao nay người mới bái kiến ta?
Giọng nói cực kỳ ôn nhu tha thiết. Thường-Kiệt đáp:
- Thưa vương phi, thần tuy nhận chức, nhưng Thái-sư dạy thần phải ở lại Bắc-cương giúp đỡ Trường-sinh hầu. Mãi hai ngày trước đây, mới có lệnh triệu hồi về phục thị Thái-tử.
Giọng Hồng-Hạc gần như khóc:
- Người, người chỉ phục thị Thái-tử chứ không phục thị ta ư? Người thực là đứa nô tài không có chút lương tâm nào.
Thường-Kiệt vội đáp:
- Dĩ nhiên nô tài sẽ phải phục thị vương phi.
Hồng-Hạc nói lớn:
- Kể từ nay, mọi việc trong phủ do người trông coi. Vì người không phải thái giám, nên không thể được vào trong phủ. Tuy nhiên người là nghĩa tử của vương gia, thì coi như con cháu trong nhà, ta cho người được tự do vào trong phủ. Thôi, người lui, để kiểm điểm cung nga, thái giám, bộc phụ, mã phu cùng tài vật.
Hồng-Hạc im lặng một lúc rồi nói:
- Đông-cung hiện chưa có thái giám. Mẫu hậu ban cho ta năm thái giám của người, lại ban chỉ tuyển ba mươi thái giám. Đã tuyển được tới mười lăm người bẩm sinh. Còn mười lăm người nữa do người tuyển, rồi giao cho quan Tổng thái giám với ngự y tĩnh thân chúng. Người nhớ tuyển những đứa khoẻ mạnh, mặt mũi khôi ngô. Nếu không được như vậy, ta... ta... sẽ tĩnh thân người để lấy cho đủ số. Người hiểu không?
- Nô tài hiểu.
- Thôi, người lui.
Tiếng viên thái giám hô:
- Vương phi hồi cung.
Thường-Kiệt lại phải quỳ gối rập đầu rồi đứng dậy ra ngoài. Mỗi bước đi chàng cảm thấy như bước trên mây. Chàng lết tới thư phòng.
Thường-Kiệt đến thư phòng dành riêng cho chức vụ Mật thư tỉnh sự. Bọn thư lại, ký lục theo thứ tự trình bày công việc cho chàng. Bọn này không ít thì nhiều đã nghe tiếng Thường-Kiệt từ lâu. Chúng cùng đưa mắt như bảo nhau: cậu thế tử này mặt mũi khôi ngô thực. Trước đây người ta đồn phò mã Đào Cam-Mộc là một mỹ nam tử, nhưng sau còn thua phò mã Thân Thiệu-Thái. Bây giờ họ thấy cái đẹp của Thường-Kiệt là cái đẹp hùng dũng, uy phong. Họ yên tâm rằng cấp trên của họ không khó tính.
Không cần hỏi han bọn ký lục, Thường-Kiệt cũng biết rằng: phủ Đông-cung Thái-tử cũng là phủ Khai-Hoàng vương. Tuy Nhật-Tông được phong vương đã năm sáu năm nay, nhưng vương phủ chưa chính thức hoạt động, vì mỗi năm vương phải ở trên Tản-lĩnh sáu tháng. Còn sáu tháng về Thăng-long thì ngày chẵn làm việc cạnh phụ hoàng, ngày lẻ làm việc tại phủ Thái-sư. Một lý do nữa khiến vương phủ chưa hoạt động là vì vương chưa lập vương phi.
Thường-Kiệt lục lọi những văn kiện thì biết rõ rằng: Nhật-Tông mới cưới Hồng-Hạc ba tháng. Ngay hôm cưới, nàng được phong làm Khai-Hoàng vương phi. Vương phủ chỉ mới hoạt động trước khi tuyển vương phi có một tháng. Cũng may vương phủ chính là phủ đệ Khai-Thiên vương tức của Hoàng-đế khi còn là Thái-tử, cho nên vật dụng không thiếu một thức gì. Quan công-bộ thượng thư chỉ việc cho tu bổ lại mà thôi.
Từ khi Hồng-Hạc vào cung đến nay mới ba tháng, mà Hoàng-đế đã tuyển cho vương tới sáu thứ phi khác. Tất cả các thứ phi tuổi chưa ai quá mười tám, đa số là con các đại thần trong triều hoặc ngoài trấn.
Tò mò Thường-Kiệt mở tới những cuốn sổ của viên Trưởng-sử coi rất kỹ.
Nguyên thời Lý rất coi trọng sử. Triều đình có Chiêu-van-quan đại học sĩ, Tả-bộc xạ kiêm giám tu quốc sử tức Tể-tướng. Dưới Tể-tướng có một cơ quan chép sử gọi là Sử-đài. Trong Sử-đài có rất nhiều nho thần giữ nhiệm vụ chép sử. Tại mỗi trấn lớn, các vương phủ, mỗi vị vương đều có một viên Trưởng-sử để ghi chép mọi biến cố. Viên Trưởng-sử của Thái-tử đặt dưới quyền Mật-thư tỉnh sự. Chàng mở ra trang đầu đọc:
" Niên hiệu Thiên-Thành thứ sáu (Quý-Dậu, 1033) tháng 8, ngày 12, phong con trưởng là Nhật-Tông làm Đông-cung thái tử, tước Khai-Hoàng vương, truyền cho mở phủ đệ riêng. Phủ đệ Khai-Hoàng chính là phủ đệ của Khai-Thiên vương.
Thường-Kiệt lướt qua các sự việc, tới đoạn chép về Bắc-ngạn:
"Niên hiệu Thông-Thụy thứ năm (Mậu-Dần, 1038) tháng chạp, vương nhận sư điệt Ngô Tuấn tức Lý Thường-Kiệt làm nghĩa tử. Dương-gia làm lộng, sai hai đô-thống Phùng Lộc, Đinh Luật phạm giá, bắt vương cùng thế tử Thường-Kiệt giam một đêm. Hoàng-đế ân xá cho Dương gia.
Trường-sinh hầu Nùng Tồn-Phúc và con là Trí-Cao bị Dương gia vu hãm làm phản, trở về Bắc-biên. Hoàng thượng sai vương gia cùng thế tử Thường-Kiệt chiêu dụ. Tồn-Phúc lại trở về với triều đình".
Sau đó ghi chép chi tiết việc Dương gia ám hại Tồn-Phúc, cùng việc Nhật-Tông, Thường-Kiệt chiêu dụ .
Thường-Kiệt đọc xuống dưới:
" Niên hiệu Thông-Thụy thứ sáu (Kỷ-Mão, 1039), tháng giêng, Trường-sinh hầu Nùng Tồn-Phúc cùng công tử Trí-Thông về kinh dâng quý vật, bị gian tế Tống là Trần Thự cùng với đô thống Phùng Lộc, Đinh Luật ám sát. Thứ tử Tồn-Phúc là Trí-Cao cho rằng triều đình ám hại, kéo cờ làm phản. (Nhà vua) sai thế tử Thường-Kiệt chiêu dụ, dọc đường bắt gian tế Trần Thự cùng Phùng Lộc, Đinh Luật".
Còn đoạn tuyển Hồng-Hạc làm vương phi thì chưa chép.
Cạnh cuốn ghi sự kiện lịch sử, còn cuốn sổ mang tên Trường-xuân. Thường-Kiệt hỏi viên Trưởng-sử:
- Sổ này là sổ gì vậy?
Viên Trưởng-sử đáp:
- Thưa Thế-tử, cuốn này ghi chép truyện phòng the trong vương phủ. Nguyên vương gia có vương phi cùng sáu thứ thiếp. Mỗi khi vương gia cần triệu hồi ai lên hầu hạ thì cầm một cái thẻ, viết tên phi tần được tuyên triệu cho thái giám hầu cận biết từ buổi sáng. Thái giám đem thẻ đó báo cho phi tần được hồng ân biết trước để còn tắm rửa, trang điểm, đúng giờ lên tẩm thất hầu. Sau đó thẻ được đưa về đây để ghi chép rõ ngày giờ, sau này có thể kiểm lại những thế tử quận chúa sinh ra có đúng thuộc giòng dõi vương gia hay không?
Thường-Kiệt cười thầm:
- Vua chúa có nhiều bà quá, phải làm thẻ để kiểm soát, vì sợ các bà ăn vụng, sinh con hoang. Mình ở phủ Khai-Quốc vương không thấy việc này, vì vương chỉ có mình sư thúc Thanh-Mai, mà nay không biết sư thúc đâu, nên không có việc lẩm cẩm này.
Chàng kiểm lại các thẻ, thì thấy cả sáu bà phi đều được triệu hồi đều đặn, duy Hồng-Hạc thì chưa được triệu lần nào. Chàng nghĩ thầm:
- Thế là mối tình Hồng-Hạc với mình trở thành thiên thu hận. Mình đau khổ vì mất Hồng-Hạc, còn sư thúc thì ghét nàng, nên không hề triệu hồi nàng lần nào. Cái tước vương phi trở thành nhà tù giam Hồng-Hạc đây. Nghĩ cũng tội.
Mọi việc tạm xong, đúng ra Thường-Kiệt về phủ Khai-Quốc vương ngay. Nhưng sau một ngày làm việc, đầu óc mệt mỏi, chàng ruổi ngựa ra bờ hồ Tây để tìm chút khuây khỏa. Gió hồ thổi làm chàng tỉnh táo hơn. Những kỷ niệm cùng Hồng-Hạc dạo chơi suối rừng lại hiện lên trong đầu óc chàng. Bây giờ hai người gần nhau trong gang tấc, mà như nghìn trùng cách biệt. Chàng tự hỏi:
- Hồng-Hạc được tuyển làm vương phi, không biết nàng có vui vẻ không? Liệu nàng có còn nghĩ đến mình không?
Bất giác nước mắt rơi xuống hai gò má. Rồi không tự chủ được, chàng bưng mặt khóc. Khóc một lúc, thấy đã vơi được niềm đau khổ, chàng trở về phủ Khai-Quốc vương. Vừa bước vào phủ chàng giật mình vì thấy bốn tiểu sư muội Mai, Lan, Cúc, Trúc đang đứng xem hoa. Thân-Mai nói:
- Sư huynh làm quan lớn rồi, có gì thưởng cho bốn con nhỏ cứng đầu không?
Hơn mười năm sống trên Tản-lĩnh với bốn cô tiểu sư muội hay đùa, hay phá, Thường-Kiệt cực kỳ sủng ái các cô. Vì phải về kinh, xa các cô lâu, nay gặp lại, lòng chàng rộn lên niềm vui:
- Sư huynh đang muốn gặp bốn cô để tặng quà đây.
Chàng móc trong túi ra bốn cái hộp bằng bạc, trên mỗi hộp lại khắc một hình khác nhau: mai, lan, cúc, trúc. Chàng đưa ra nói:
- Anh mang từ Trường-sinh về, để trong túi, chờ tặng các em đấy. Đố biết trong này có gì nào?
- Anh làm quan lớn, ắt quà phải quý lắm. Nhưng thôi, anh em mình như chân tay, anh nhớ đến bốn đứa em này là quý rồi.
Thường-Kiệt đưa ra cái hộp có khắc bông mai:
- Của Mai muội đấy.
Thân-Mai mở hộp ra, bất giác bốn chị em đều bật lên tiếng reo:
- Trời. Quý quá.
Thì ra bên trong có đôi vòng ngọc mầu xanh. Thân Mai đeo vòng vào tay rồi nghiêng đầu cười:
- Đa tạ sư huynh.
Thường-Kiệt đưa hộp khắc bông Lan cho Thân-Lan. Nàng mở ra, thì trong có đôi vòng hồng ngọc. Tiếp theo hộp có bông cúc, trong có đôi vòng bạch ngọc. Hộp khắc cây trúc trong có đôi vòng mầu huyền. Bốn nàng Mai, Lan, Cúc, Trúc ríu rít tạ ơn, rồi nói nhỏ:
- Sư phụ chờ sư huynh ở trong thư phòng Thái- sư.
Thường-Kiệt bước chân vào, thấy vua bà Bình-Dương, sư phụ Bảo-Hòa cùng Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực đang ngồi đàm đạo với Khai-Quốc vương. Cả bốn người đều có dáng bộ nghiêm trọng. Chàng hành lễ, rồi chắp tay đứng hầu sau sư phụ.
Thiệu-Cực chỉ ghế bảo Thường-Kiệt:
- Cháu ngồi đó.
Thường-Kiệt kéo ghế lui lại phía sau, rồi khép nép ngồi xuống. Thiệu-Cực thở dài:
- Cháu khóc như vậy đã hết chưa?
- Thưa sư thúc...
- Trong thế gian, cái tình là cái chi chi, chưa ai giảng nổi. Sư thúc Thông-Mai ra đi, sư phụ của con nhất định không lấy ai. Sư thúc Thanh-Mai tuyệt tích, Thái-sư nhất định ăn chay, mỏi mắt trông chờ. Hôm con lên Bắc-cương, thoáng một cái ta biết rõ mối ẩn tình của con với Hồng-Hạc. Ta đã xin sư phụ con, xin vua Bà chuẩn cho con từ hôn với Thuần-Khanh. Ta lại định đem Thuần-Khanh gả cho Trí-Cao. Mọi truyện êm đẹp, ta định rủ sư phụ con cùng vua Bà về kinh để xin hỏi Hồng-Hạc cho con. Nhưng hỡi ơi, Hồng-Hạc đã được tiến cung, được phong làm vương phi cho Thái-tử.
Khai-Quốc vương móc trong bọc ra cái hộp bằng bạc, rồi trao cho Thường-Kiệt:
- Ta cho con món này để tặng Thuần-Khanh. Hôm nay Thuần-Khanh từ Bắc-biên về chơi, hiện ở bên nhà sư thúc Tạ Đức-Sơn, vậy sáng mai con sang đó gặp em đi. Nó đang chờ con đấy.
Thường-Kiệt cảm động vô cùng, chàng mở hộp ra, trong hộp có chiếc nhẫn vàng, nạm viên kim cương rất lớn. Lễ giáo thời bấy giờ rất nghiêm. Trai, gái dù đã có đám hỏi, cũng không được tự do gặp nhau. Thế mà cuộc tình giữa chàng với Hồng-Hạc là cuộc tình trái phép, trái luân lý, vụng trộm. Vương biết, không những vương không ngăn cản, mà còn lờ đi cho hoa nở lớn. Bây giờ Hồng-Hạc với chàng tan vỡ, vương thương hại chàng, muốn chàng dùng bóng dáng cô em Thuần-Khanh để xóa bỏ hình ảnh Hồng-Hạc đây.
Chàng cúi đầu hành lễ rồi ra khỏi thư phòng của vương. Bước ra khỏi phòng, chàng nghe sư phụ Bảo-Hòa hỏi Khai-Quốc vương:
- Truyện Thường-Kiệt với Hồng-Hạc; Trí-Cao thuật cho cháu biết hết. Cháu không hiểu nổi Hoàng- hậu. Khi tuyển vương phi cho Nhật-Tông thì Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh là chị không được thông báo đã đành, mà ngay cháu là sư phụ cũng không được biết là tại sao?
Khai-Quốc vương thở dài:
- Ta tuyệt không ngờ giữa Thường-Kiệt với Hồng-Hạc lại có tình ý với nhau. Còn vụ Hồng-Hạc, hoàng huynh ta chỉ lệnh tuyển bẩy phi tần cho y, đợi xem người nào có đức sẽ được phong làm chính phi. Nhưng, khi hoàng huynh ta viễn chinh, việc nội cung trao cho Thiên-Cảm Hoàng-hậu hết. Hậu ký sắc chỉ phong Hồng-Hạc làm Khai-Hoàng vương phi, ta cũng không hề được tham khảo ý kiến, chứ đừng nói các cháu.
Thiệu-Cực vò đầu suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cái nguy khốn vô cùng là chuyện tình Thường-Kiệt, Hồng-Hạc khắp Bắc-cương đều biết. Miệng thế ai có thể bịt được. Chỉ nay mai chuyện này lan về Thăng-long, cháu e Thường-Kiệt khó giữ nổi tính mạng. Hơn nữa y hiện đang lĩnh Mật-thư tỉnh-sự, hằng ngày phải tiếp xúc với Hồng-Hạc. Nếu như Hồng-Hạc tuyệt tình với Thường-Kiệt, ắt thị phải tìm cách giết nó để bịt miệng. Nếu y thị còn tình ý với nó, ắt sẽ ép nó chuyện nọ kia. Nó từ chối, thì thị phải giết nó để tuyệt hậu hoạn. Còn như nó đồng ý, thì sóng gió không biết đâu mà lường. Vậy chỉ có cách đẩy nó ra trấn biên thùy hơn là để ở gần Nhật-Tông.
Vua bà Bình-Dương lắc đầu:
- Không nên. Thường-Kiệt vừa là cháu của Tần-vương Tự-Mai, vương phi Thanh-Mai và đại hiệp Thông-Mai, vừa là con của đại công thần. Hơn nữa tài của nó thực khó có thiếu niên nào hơn. Không lẽ nó vô tội mà biếm ra biên cương. Triều đình đã phụ phái Đông-a, nên khiến cho đại hiệp Thông-Mai, vương phi Thanh-Mai ra đi rồi. Nay lỗi cũ chưa chuộc, mà gây ra lỗi mới coi sao được?
Thiệu-Cực đưa mắt cho Thái-sư:
- Hay thôi, cậu để cho Thường-Kiệt cưới Thuần-Khanh. Cậu cho làm đám cưới khẩn cấp, hầu giảm bớt dư luận ác ý đi.
Khai-Quốc vương thở dài:
- Chỉ có cách đó.
Tạ Sơn được phong là Cổ-loa hầu, vì vậy dinh thự của ông ở mãi Cổ-loa. Thường-Kiệt lấy ngựa lên đường. Thói quen, chàng cho ngựa ra cửa Đan-phượng rồi mới đổi hướng đi Cổ-loa. Đường Cổ-loa thăng long mất khoảng nửa giờ sức ngựa.
Hồi còn trẻ, Tạ Đức-Sơn với Ngô An-Ngữ là hai người bạn thân, dù họ không cùng môn phái. Trong khi An-Ngữ theo học đại hiệp Trần Tự-An phái Đông-a thì Tạ Đức-Sơn lại theo học đại sư Huệ-Sinh phái Tiêu-Sơn. Tạ Đức-Sơn cưới Ngô Thuần-Trúc em gái Ngô An-Ngữ. Ngô An-Ngữ kết hôn với Hàn Diệu-Chi. Ngô Thuần-Trúc với Hàn Diệu-Chi là cặp bạn thân, cùng theo học với sư thái Tịnh-Tuệ phái Mê-linh. Hai người nổi danh hiệp nghĩa, nhan sắc đế đô thời Thuận-Thiên, nên được võ lâm tặng cho mỹ danh Long-thành song phụng.
Mấy năm trước đây Hàn Diệu-Chi qua đời, Thường-Kiệt thương xót mẫu thân, nên chính tay lo tẩm liệm cho mẹ. Năm sau thì Thuần-Trúc lại bị bạo bệnh mất. Khai-Quốc vương được Tự-Mai gửi tặng hai nàng Thanh và Tử. Vương gả nàng Phùng- Kim-Thanh cho Tôn Quý. Còn nàng Đinh Hương-Tử, vương gả cho Tạ Sơn. Tuy Thuần-Trúc chỉ thua nàng Tử bẩy tuổi, nhưng Hương-Tử là người có văn học, lại khéo đối xử, nên giữa mẹ kế với con chồng rất thân thiết.
Tới Cổ-loa, Thường-Kiệt ra chợ mua một ít hoa quả thời trân, rồi tìm đến dinh Cổ-loa hầu. Chàng vừa xuống ngựa, thì người tỳ nữ của Thuần-Trúc đã đon đả ra đón:
- Thế tử về đấy à? Ông đang chờ thế tử đấy.
Nó nói nhỏ:
- Tiểu thư mới từ Bắc-cương về hôm qua.
Thường-Kiệt móc túi cho người tỳ nữ ít tiền, rồi mỉm cười:
- Tôi biết tiểu thư về, nên đến tìm đây.
Thường-Kiệt bước vào phủ, lễ nghi tất. Tạ Sơn nắm tay Thường-Kiệt:
- Con đã về đấy à? Sao hôm qua bắt đầu làm việc, có gì khó khăn không?
Thường-Kiệt kể qua vụ tuyển thái giám, rồi nói:
- Bố bảo con khuyên bọn tình nguyện rút lui, con đã khuyên, mà chúng vẫn xin như thường.
- Con đã làm hết sức mình như vậy cũng đủ rồi. Ở đời cứ mười điều, thì sự không như ý đến tám chín mà. Thôi con vào chào cô đi. Thuần-Khanh mong con lắm đó.
Thường-Kiệt gặp lại Thuần-Khanh, hai người sống với nhau như anh em từ nhỏ, nên tình cảm không sôi nổi, cũng chẳng e thẹn. Trong lòng Thường-Kiệt nảy ra ý so sánh Thuần-Khanh với Hồng-Hạc. Hồng-Hạc thì linh lợi, thông minh, vẻ đẹp sắc sảo, nhưng tính khí kiêu sa, nóng nảy. Còn Thuần-Khanh thì có vẻ đẹp ôn nhu văn nhã, nói năng cẩn trọng, hơi giống vua bà Bình-Dương.
Hai người rủ nhau dạo chơi cố đô Cổ-loa, tới bờ sông, gió chiều thổi làm tà áo Thuần-Khanh bay tung trước gió. Thuần-Khanh hỏi:
- Anh à, em nghe người ta đồn rằng hôm ở Bắc-ngạn, anh táy máy vào người Dương tiểu thư, nên bị họ giam một đêm. Sư phụ Bình-Dương nhất định không tin anh lại hành động khinh bạc như vậy. Thực sự ra sao?
Thường-Kiệt thuật chi tiết cho Thuần-Khanh nghe. Thuần-Khanh cười:
- Em hỏi thực, từ sau hôm đó, anh có tương tư Dương cô nương không?
Thường-Kiệt thấy cô em ngây thơ quá, chàng không nỡ nói dối:
- Mỗi khi nghĩ đến, là anh lại thẹn muốn chui xuống đất cho rồi.
- Anh đừng nói dối em, nhất định sau vụ này anh sẽ cảm nàng, rồi say mê nàng. Bằng chứng khi đi sứ Trường-sinh, anh đã đem nàng theo. Dọc đường làm sao anh giữ được lòng phải không? Nói thực đi, em không ghen đâu. Dù gì em cũng là vợ anh, còn cô nàng bây giờ thành chủ mẫu anh rồi mà.
Thường-Kiệt đỏ mặt lên, xấu hổ với cô em. Chàng nói lảng:
- Thôi, mình nói chuyện khác đi.
- Anh không muốn nói chuyện đó thì thôi. Ta bàn chuyện nhà vậy. Bố nói tháng sau làm lễ cưới cho chúng mình. Sư phụ em bảo phải bàn với bố Long-Bồ đã.
- Ừ, các cụ bàn phải đấy, ai đời trai mười sáu, gái mười ba là thành gia thất, chỉ có chúng mình được sư phụ, bố mẹ nuông chiều, lớn quá rồi mới bị vào lồng, mới bị mắc câu.
Có tiếng nói trầm trầm, giọng phụ nữ:
- Con gái hai mươi, tồng ngồng ra, rõ ràng chống ề, nay được người ta đắt cho là phúc rồi, mà còn làm cao ra cái điều chim vào lồng biết thủa nào ra, cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Hừ!
Hai người giật mình ngó theo bức tường bên trái thì thấy một phụ nữ tuổi khá già, da dăn deo, ngồi như pho tượng, mắt chiếu ra tia hàn quang nhìn thẳng vào phương trời xa xăm, tay cầm cái roi trúc nhỏ.
Thường-Kiệt, Thuần-Khanh lờ đi như không nghe lời trêu chọc của bà già. Bà già tiếp:
- Trai sắp có vợ, lại là đệ tử danh gia, con nhà nòi, giữa chỗ đông người, đi sờ tí beo lương gia phụ nữ, bị người ta bỏ vào tù. Bây giờ bị cật vấn lại đánh trống lảng.
Thường-Kiệt biết đây là dị nhân, chàng chắp tay:
- Tiểu bối có mắt như mù, xin tiền bối cho biết cao danh quý tính?
Bà lão không nói không rằng, tay rung động, cái roi duỗi ra cuốn lấy chân Thuần-Khanh rồi giật mạnh. Thuần-Khanh bay bổng lên cao. Bà già nhảy vọt tới kẹp nàng vào nách.
Diễn biến xẩy ra quá đột ngột, Thường-Kiệt chưa kinh nghiệm, nên không phản ứng kịp.
Bà lão tung mình chạy. Thường-Kiệt đuổi theo, tới bức tường, bà vọt lên cao, Thường-Kiệt phóng theo một chiêu chưởng. Bà lão đẩy trở lại một chiêu. Chưởng lực gặp nhau, bình một tiếng, Thường-Kiệt bật lui liền hai bước, khí huyết chạy nhộn nhạo cực kỳ khó chịu. Chàng nhận ra đó là chiêu Phong-ba hợp bích trong Đông-a chưởng pháp.
Thường-Kiệt hô:
- Thuần-Khanh, mau điểm huyệt.
Tuy Thuần-Khanh bị bà già kẹp ở nách, nhưng chân tay con cử động được. Nàng vung tay điểm huyệt Đại-trùy của bà. Trong khi Thường-Kiệt xuất chiêu Ác-ngưu nan độ tấn công. Bà già cười khì rồi tung mình chạy, thành ra chưởng của Thường-Kiệt đánh vào chỗ không. Còn tay Thuần-Khanh điểm trúng huyệt của bà đến bộp một cái. Nàng cảm thấy như mình điểm vào phiến đá, tay đau nhức không chịu được.
Bà già vỗ tay vào vai Thuần-Khanh, huyệt Kiên-ngung của nàng bị điểm, toàn thân trở thành tê liệt.
Bà già kẹp Thuần-Khanh chạy trước, Thường-Kiệt đuổi theo sau. Đến bãi cỏ rộng, ở đó đã có hai người dường như ngồi chờ. Thường-Kiệt nhận ra một trong hai người là thầy đồ. Bà già vỗ nhẹ vào vai Thuần-Khanh rồi tung nàng lên cao. Huyệt đạo được giải, nàng lộn đi một vòng, từ từ đáp xuống. Thường-Kiệt đã tới nơi. Bà già vẫy tay ra hiệu cho Thuần-Khanh lui ra, rồi phát chưởng tấn công Thường-Kiệt. Thường-Kiệt vội vận Phục-ngưu thần chưởng chống lại.
Đấu được khoảng trăm hiệp, Thường-Kiệt nhận thấy nội công của bà già là nội công Đông-a, nhưng cực kỳ thâm hậu, có lẽ ngang với sư phụ Bảo-Hòa. Dường như bà già muốn khảo nghiệm võ công của chàng, nên bà chỉ đánh cầm chừng. Đấu thêm mười hiệp nữa, bà già đẩy một chưởng, người chàng bay bổng lên cao, rồi rơi xuống cạnh Thuần-Khanh.
Thầy đồ bảo Thường-Kiệt:
- Con mau quỳ gối ra mắt tiền bối đi.
Thấy sư thúc ra lệnh, Thường-Kiệt vội quỳ gối lạy:
- Đệ tử tham kiến tiền bối.
Bà già để cho Thường-Kiệt lạy, bà không đáp lễ. Khi hết ba lễ, thầy đồ bảo:
- Thôi đủ rồi.
Thường-Kiệt kinh hãi vô cùng, vì theo lễ nghi hồi ấy, khi ra mắt sư thúc, sư bá chàng phải lạy tám lạy, chỉ khi ra mắt bố mẹ, chú thím mới lạy ba lạy. Nhưng thày đồ bảo thôi chàng cũng thôi.
Bà già vẫy Thường-Kiệt, Thuần-Khanh lại bên cạnh. Bà ôm lấy Thuần-Khanh, tay vuốt tóc Thường-Kiệt, nước mắt nhỏ dài trên má. Chàng thấy hương thơm từ bà già bốc ra quen thuộc vô cùng, song chàng không nhớ là hương thơm của ai. Chàng điểm lại, hương thơm của sư phụ Bảo-Hòa ngát như trầm, hơi thoang thoảng hoa dạ lý. Hương thơm của vua bà Bình-Dương nhẹ nhàng như hương sen. Hương thơm của thân mẫu thì giống mùi hoa nhài. Còn hương thơm bà già?
Thường-Kiệt cung kính:
- Xin tiền bối cho biết cao danh quý tính.
Bà già vẫn khóc, nhưng không trả lời.
Một lão già ngồi cạnh thầy đồ từ đầu đến cuối không lên tiếng, bây giờ lão mới nói:
- Bé con, người có mấy cái lưỡi?
- Thưa tiền bối cháu chỉ có một cái.
- Vậy ta sẽ cho người biết chúng ta là ai. Nhưng cuộc tao ngộ hôm nay người không được tiết lộ, bằng không ta cắt lưỡi. Nghe không?
Bà lão ôm lấy đầu Thường-Kiệt rồi tự lột mặt nạ ra. Thường-Kiệt bật lên tiếng kêu đầy kinh ngạc. Tiếp theo lão già với thầy đồ lại lột mặt nạ ra. Chàng lại la úi chà rồi vội đứng dậy sửa quần áo ngay ngắn hướng lão già lạy tám lạy. Lão cười:
- Hay thực.
Tay lão vời một cái, người Thường-Kiệt bay bổng đến bên lão. Lão nói nhỏ:
- Trong suốt mấy năm qua, ta lặn lội khắp Trung-nguyên sưu tầm võ công của các gia các phái, rồi tìm ra yếu quyết phá võ công họ. Nay ta truyền cho cháu. Lúc nhàn rỗi, cháu hãy luyện tập, để sau này Bắc-chinh còn có chỗ xử dụng.
Nói rồi lão đọc vào tai Thường-Kiệt. Vốn thông minh tuyệt đỉnh, Thường-Kiệt chỉ nhẩm có một lần là thuộc làu.
Bỗng thầy đồ chỉ lên trời:
- Ta đi thôi, kẻo chim ưng dẫn tên Tạ Sơn đến thì phiền lắm.
Ba người chuyển động một cái, đã mất hút vào thôn xóm. Thường-Kiệt nhìn lên trời, quả có năm con chim ưng của Khu-mật viện đang bay lượn. Chàng nói nhỏ:
- Chim này của bố em hả?
Thuần-Khanh lắc đầu, chưa kịp trả lời thì thấy Khai-Quốc vương với Tôn Mạnh, và Thanh-Nguyên tới. Hai người vội hành lễ. Thanh-Nguyên hỏi:
- Thường-Kiệt, phải chăng người vừa tương kiến với phụ thân ta, cùng anh Thông-Mai, chị Thanh-Mai?
Thanh-Nguyên tuy ngang tuổi với Thường-Kiệt, nhưng nàng là con út của Trần Tự-An, tức ngang vai với thân phụ chàng. Chàng chắp tay cung kính:
- Thưa sư thúc...
Thanh-Nguyên bật cười:
- Phải chăng phụ thân ta cấm ngưười không được tiết lộ, bằng không sẽ bị cắt lưỡi?
- Đệ tử...
Tôn Mạnh hú lên một tiếng, rồi chỉ vào Thường-Kiệt, Thuần-Khanh, bốn con chó từ xa chạy lại chúi mũi áo hai người mà ngửi, ngửi chán chúng vẫy đuôi. Thanh-Nguyên nhìn Khai-Quốc vương:
- Anh ơi, bố, anh hai, chị ba thực. Nhưng họ còn giận anh, nên chưa muốn xuất hiện, thì đành chịu.
Nàng nói với Thường-Kiệt:
- Ta biết thân phụ mới từ Xiêm về, thế nào cũng cùng với anh cả ta, chị Thanh-Mai tương hội. Anh cả ta tất khen mi hết lời, như vậy ba người sẽ tìm mi để thử võ công. Vì thế ta báo cho bố Long-Bồ của người biết. Bố Long-Bồ vờ sai người đi Cổ-loa, rồi cho chim ưng theo dõi. Quả nhiên suýt nữa bắt được ba người.
- Thưa sư thúc...
- Người sợ bị cắt lưỡi ư? Đừng lo, bố ta chỉ dữ với người ngoài, còn đối với con cháu thì người là ông Phật. Ông đe cắt lưỡi người cũng như đe đánh bọn ta què, nhưng có bao giờ ông đánh đâu? Người chối thế nào được, khi ta cho chó ngửi y phục của chị hai để biết hơi chị. Ban nãy chị hai ôm hai đứa mi, hơi còn đó, chó đã nhận được. Hà, hà...
Sự thực Thường-Kiệt định chối rằng những điều Thanh-Nguyên ước tính sai hết. Nhưng bà không cho chàng nói, nên đành im lặng.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp