Bạn Gái Máy In Tiền Của Tôi

Chương 51: Châm biếm vô đối




Cảm giác này giống gì nhỉ?

Có lẽ là giống một con kiến nhỏ đi tới trước mặt một con voi rồi lên tiếng chào hỏi tự cho là thân quen, nói với voi trước đây chúng ta từng gặp nhau. Nhưng voi cúi xuống nhìn nó một hồi xong lại mông lung hỏi lại: Xin lỗi, cậu là ai?

So với voi, Trình Bạch còn bỏ bớt luôn cả chữ “xin lỗi”!

“Ồ” một tiếng toát lên sự tự phụ và miệt thị tới tận cùng!

Cảm giác này chẳng khác nào bị người ta giáng cho một bạt tai.

Du Thừa không ngờ đôi ba năm qua đi…

Trình Bạch vẫn là một Trình Bạch như thế.

Cho dù tình hình không tốt như trước nhưng cảm giác mang đến cho người ta thì chẳng mảy may thay đổi. Năm đó, cô ta chỉ hơi nhíu mày một cái, mở CV của anh ta ra xem rồi chỉ với một câu hỏi vô nghĩa đã đánh trượt anh ta khỏi vòng phỏng vấn, làm anh ta lỡ mất cơ hội được vào Thừa Phương lúc đang giai đoạn tỏa sáng như mặt trời ban trưa. Còn giờ, cô ta lại tỏ ra ngạc nhiên không hiểu gì, vừa rất đương nhiên vừa chẳng buồn để ai vào mắt hỏi xem anh ta là ai.

Quả nhiên là trong mắt đại Par cỡ này…

Luật sư nhỏ thực sự chẳng là gì hết.

Nhưng nay đã khác xưa rồi.

Thừa Phương đã đóng cửa.

Phương Nhượng đã đi.

Trình Bạch xem ra cũng chẳng còn rực rỡ như trước.

Du Thừa thực sự rất muốn châm biếm Trình Bạch nhưng làm vậy thì thật trái với tác phong xưa giờ của anh ta. Ghim thù Trình Bạch là một chuyện, phong độ lại là một chuyện khác.

Cho nên, tái mặt một hồi xong lại chẳng làm gì.

Đứng trước câu hỏi bất kể có trả lời thế nào cũng sẽ làm người ta cảm thấy khó chịu của Trình Bạch, mặc dù khá gượng gạo nhưng coi như anh ta vẫn đáp được một cách lịch sự: “Không thể trách luật sư Trình không nhớ được, từ lần cô đánh trượt tôi khỏi vòng phỏng vấn đến giờ cũng đã mấy năm rồi. Để tôi giới thiệu lại, tôi là Du Thừa, người đại diện cho nguyên đơn, luật sư bình thường của công ty luật Thượng Chính Đạo.”

Nhấn thật mạnh chữ “luật sư bình thường”.

Thẩm phán và thư ký tòa ngồi bên ngẩng đầu lên nhìn.

Trình Bạch là đại Par cơ mà.

Phía nguyên đơn bên Anh vậy mà chỉ thuê một “luật sư bình thường”, chẳng biết là quá khinh địch hay là dùng cách này để sỉ nhục Trình Bạch hoặc là…

Luật sư Du Thừa này thực sự rất giỏi.

Nhưng bất kể là thế nào, đẳng cấp của luật sư nguyên đơn và bị đơn cũng chênh lệch nhau.

Một đại Par và một luật sư bình thường…

Nếu thắng, người ta sẽ thấy là đương nhiên, chẳng có gì đáng khoe; nếu thua thì lại to chuyện, từ nay nó sẽ trở thành một vết nhơ không thể nào rửa sạch trong sự nghiệp.

Đồng thời, vị luật sư bình thường này lại có thể vang danh.

Vụ trước, chẳng phải chính Tiền Hưng Thành cũng ôm suy nghĩ như vậy đấy sao?

Có điều Du Thừa khác Tiền Hưng Thành.

Du Thừa nhấn mạnh thân phận luật sư bình thường của Thượng Chính Đạo của bản thân chẳng qua là để châm chọc Trình Bạch trước đây có mắt không tròng mà thôi.

Thượng Chính Đạo là công ty luật tiếng tăm lâu đời của Hồng quyển sở.

Một người có đủ tư cách để vào Hồng quyển sở, vậy mà năm xưa lại bị một công ty mới thành lập được dăm năm như Thừa Phương đánh trượt vòng phỏng vấn. Nếu là người bình thường chắc đã mặt đỏ tía tai rồi.

Nhưng Trình Bạch chẳng sao cả.

Nghe Du Thừa tự giới thiệu bản thân xong, cô điềm đạm gật đầu, lại “ồ” lên tiếng nữa, bình thản đáp một tiếng “xin chào”.

Rồi ngồi xuống.

“…”

“…”

“…”

Rồi, ngồi xuống?

Phòng xét xử không có người tham dự bỗng tĩnh lặng đến lạ. Vị chủ tọa đeo kính gọng đen và các hội thẩm tới tham gia xét xử do tính chất phức tạp của vụ việc đổ mồ hôi như thác.

Chẳng nể mặt đối phương chút nào luôn sao?

Du Thừa im lặng nhìn chằm chằm Trình Bạch, có vẻ như anh ta cũng bị bất ngờ.

Nữ thư ký tòa của cuộc họp trước phiên xét xử lần này nhạy cảm đánh hơi ra mùi thuốc súng nồng nặc, suýt thì nổi hết cả da gà da vịt.

Không hiểu sao…

Mặc dù trông thì rất bình lặng nhưng lại có cảm giác như hai bên sắp sửa xông vào choảng nhau tím bầm mặt mũi!

Đương nhiên chuyện như thế gần như sẽ không xảy ra với những người làm nghề luật sư nổi tiếng là nghề của những người có cái đầu lạnh như thế này.

Huống hồ ở đây còn đang có một người rất hòa nhã dễ gần.

Chiêm Bồi Hằng tằng hắng một tiếng, đứng ra làm dịu bầu không khí, cũng “xin chào” một tiếng rồi tự giới thiệu: “Tôi là một trong số những người đại diện cho bị đơn, tên tôi là Chiêm Bồi Hằng.”

“Chào luật sư Chiêm.”

Gặp Trình Bạch ở đây hoàn toàn không ngoài dự tính.

Nhưng gặp Chiêm Bồi Hằng ở đây thì khá là đáng ngạc nhiên.

Chưa từng gặp nhưng cũng có biết tiếng.

Du Thừa không phải chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế, trước đây càng chưa từng tiếp xúc với các vụ việc trả lại cổ vật nhưng trong quá trình chuẩn bị cho phiên kiểm tra chứng cứ đã nghiên cứu rất nhiều các án lệ có liên quan đến trả lại cổ vật. Anh ta biết ba chữ “Chiêm Bồi Hằng” có ý nghĩa ra sao ở lĩnh vực này.

Cơn hăng máu quá mức do tranh cãi với Trình Bạch mà ra đột ngột tắt ngúm, Dư Thừa cười đáp lại một tiếng.

Bầu không khí đôi bên đến lúc này mới hòa dịu trở lại.

Cũng vừa khéo đã đến giờ.

Chủ trì phiên họp lần này là Trương Hữu Phong, tuổi ngoài ba mươi, là chủ tọa được tòa án chỉ định cho vụ kiện này sau khi xem xét kĩ lưỡng.

Thông thường phiên họp kiểm tra chứng cứ hiện nay do trợ lý thẩm phán* chủ trì nhưng biên chế công chức mỗi tòa án khác nhau sẽ có phân công khác nhau.

*trợ lý thẩm phán: chú thích dài ở cuối chương

Mức độ dễ khó của vụ việc khác nhau sẽ có những phân công khác nhau.

Vụ này của Chân Phục Quốc khá lớn, được coi là vụ việc dân sự lớn có yếu tố nước ngoài lại thêm tình tiết vụ việc phức tạp cho nên không chỉ chủ tọa trực tiếp có mặt mà cả các hội thẩm cũng đều có mặt đông đủ.

Trong số hàng chục thẩm phán của tòa án, Trương Hữu Phong là người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.

Mặt mày nghiêm nghị ngay thẳng.

Vừa đến giờ, Trương Hữu Phong liền lên tiếng: “Danh mục chứng cứ của hai bên đều đã được trao đổi, giờ mời tất cả mọi người, bao gồm cả các hội thẩm, đọc thật kỹ. Nếu có ý kiến gì thì đề xuất, thư ký tòa chịu trách nhiệm ghi chép. Mục đích chính của hôm nay là xác định tính chất của vụ việc, xác nhận trọng tâm tranh chấp của hai bên, xem xem áp dụng luật của nước nào, có thể hòa giải hay không.”

Trước khi tòa án chính thức mở phiên tòa xét xử vụ việc, bước kiểm tra chứng cứ được xem là bước quan trọng nhất. Một là để loại trừ các chứng cứ sai lệch, không liên quan hoặc không hợp pháp; hai là để đôi bên nắm được tình hình chứng cứ của đối phương, cho đôi bên có thời gian chuẩn bị, bảo đảm khi mở phiên tòa, không có bên nào đưa ra chứng cứ bất ngờ hay đột nhiên lấy ra chứng cứ quan trọng nào đó làm cho bên còn lại không kịp trở tay, nhờ vậy đảm bảo tính công bằng không thiên vị của phiên tòa.

Vậy nên, một số phim tâm lý xã hội có tình tiết các nhân vật đột ngột mang chứng cứ quan trọng tới tòa án làm thay đổi cục diện phiên tòa thực ra chỉ là viết lung tung.

Có mang chứng cứ bất ngờ tới, chưa chắc tòa án đã chấp nhận.

Cho dù chứng cứ được xác nhận là không có vấn đề, có tác dụng trong xét xử thì luật sư tiến hành tung chứng cứ bất ngờ cũng vẫn sẽ bị xử phạt.

Luật sư thông minh không đời nào tung chứng cứ bất ngờ.

Luật sư cáo già thì sẽ lợi dụng bước kiểm tra chứng cứ, dựa vào chứng cứ của phe đối phương, phán đoán sách lược của họ, đồng thời, trong giới hạn luật pháp cho phép, cố gắng loại bỏ một số chứng cứ bất lợi cho đương sự phe mình.

Bước xét xử công khai đã là phần kết khép lại câu chuyện rồi.

Cuộc đọ sức thực sự đã bắt đầu từ phiên kiểm tra chứng cứ.

Vụ của Chân Phục Quốc, chứng cứ hai bên nộp lên rất đồ sộ, liên quan đến biên bản lập lúc bức tranh bị mất trộm ở Anh, hồ sơ điều tra vụ mất trộm mấy năm qua, báo cáo giám định bức tranh đang trong tay Chân Phục Quốc, v.v… Nguồn chứng cứ đến từ các nước Anh, Ý, Trung.

Trình Bạch ngồi xuống, trước tiên xem lướt qua một lượt danh mục chứng cứ của đối phương.

Đọc sơ qua thấy có bốn mục quan trọng nhất:

1. Một loạt hồ sơ về việc Chân Phục Quốc bị kiện do buôn bán tác phẩm nghệ thuật giả, kém chất lượng và thua kiện;

2. Hồ sơ khiếu nại cửa hàng đồ cổ ở Dự Viên của Chân Phục Quốc được lưu tại hiệp hội người tiêu dùng, cục quản lý công nghiệp và thương mại;

3. Các tác phẩm khác của tác giả bức tượng “Người tình” Chân Phục Quốc mua có giá bán sau cùng dao động trong khoảng 1.3 triệu đến 2.4 triệu, thấp hơn rất nhiều mức giá 7 triệu mà Chân Phục Quốc đưa ra;

4. Biên bản đấu giá do phòng đấu giá ở Ý cung cấp cho thấy Chân Phục Quốc và một người tham gia đấu giá khác liên tục giơ bản nâng giá, chỉ xem biên bản cũng có thể tưởng tượng ra mức độ ganh nhau gay gắt lúc đó.

Du Thừa đúng là không xoàng.

Trình Bạch nhíu mày, chỉ cho Chiêm Bồi Hằng xem bốn mục này.

Chiêm Bồi Hằng tỏ vẻ bất đắc dĩ: Bốn mục này thực ra là ba ý, đúng là ba điểm bất lợi nhất với Chân Phục Quốc họ đã thảo luận phân tích thấy. Không ngờ bị đối phương bắt trúng thóp hết.

Có điều may là họ đã có chuẩn bị trước.

Trình Bạch nhặt cây bút để trên bàn, kéo tờ giấy nằm cạnh tay ghi đại lại mấy dòng.

Vừa dừng bút liền cảm thấy có ai đó đang nhìn mình chằm chằm.

Cô ngẩng đầu lên nhìn, đối đầu trực diện với khuôn mặt căng thẳng của Du Thừa, cặp mắt u ám vô cùng, đốt ngón tay siết chặt tờ giấy A4 in danh mục chứng cứ tới mức trắng cả ra.

Trên đời này, núi cao luôn có núi khác cao hơn, người giỏi luôn có người khác giỏi hơn!

Điều anh ta nghĩ tới được, làm sao Trình Bạch lại không nghĩ tới được đây?

Trình Bạch thấy anh ta tỏ vẻ hơi thái quá còn anh ta lại thấy đám chứng cứ bên Trình Bạch đưa ra đáng sợ!

1. Một loạt hồ sơ về việc Chân Phục Quốc bị kiện do buôn bán tác phẩm nghệ thuật giả, kém chất lượng nhưng là danh sách đã trải qua sàng lọc, chỉ để lại những vụ Chân Phục Quốc thắng kiện;

2. Cho đến nay, cửa hàng đồ cổ ở Dự Viên của Chân Phục Quốc không có vấn đề gì về giấy phép kinh doanh, thậm chí còn nhận được giấy khen một trong một trăm cơ sở kinh doanh xuất sắc có uy tin do quận Hoàng Phố cấp;

3. Một số hồ sơ chứng minh trong ba năm qua, phòng đấu giá ở Ý đã từng đấu giá thành công các tác phẩm có giá đấu sau cùng cao hơn rất nhiều giá trị tác phẩm định giá được và phân tích giá thị trường quốc tế các tác phẩm tượng điêu khắc cùng loại.

Mỗi mục đều đánh trúng ngay điểm cốt lõi!

Hai bên tốn khoảng một tiếng đồng hồ để xem chứng cứ.

Lúc gần xong, trên giấy của luật sư hai bên đều có khá nhiều chỗ đánh dấu.

Chủ tọa không hỏi xem hai bên có ý kiến gì về chứng cứ không trước mà ưu tiên hỏi nguyện vọng của hai bên.

Không có gì phải bàn cãi, phía nguyên đơn chắc chắn muốn bị đơn trả lại bức tranh nhưng bị đơn cho rằng mình có quyền sở hữu bức tranh này.

Xác định tính chất vụ việc khá đơn giản.

Tranh chấp quyền sở hữu.

Chẳng qua về mặt áp dụng luật…

Thẩm phán Trương Hữu Phong cau mày: “Vụ việc này có tình tiết phức tạp, liên quan đến Anh, Ý và Trung Quốc, có khả năng tồn tại tranh chấp về mặt áp dụng luật. Theo nguyên tắc hiện hành, ưu tiên tự do và ý chí của các bên. Mọi người có thể thương lượng xem áp dụng luật nào xem xem có thể đi đến thống nhất được không.”

Du Thừa nói thẳng: “Bên tôi cho rằng có thể áp dụng công ước quốc tế có liên quan đến vấn đề trả lại cổ vật.”

Chiêm Bồi Hằng nhìn cậu ta một cái, sắc mặt khá khó coi.

Trình Bạch cười thành tiếng: “Công ước quốc tế à? Luật sư nguyên đơn cho rằng nên áp dụng công ước quốc tế nào?”

Du Thừa cho là đối phương buột miệng cười, đang định trả lời thì tiếng cười của Trình Bạch liền trở nên thật châm chọc.

Không chờ Du Thừa trả lời, Trình Bạch tự nói tiếp.

“Năm 1995, nước ta ký kết “Công ước 1995 UNIDROIT về các Tài sản văn hóa bị đánh cắp và xuất khẩu trái phép” nhỉ?”

“Ừ, phải rồi.”

“Công ước quy định vấn đề trả lại cổ vật thì áp dụng luật của nước xuất xứ của cổ vật, ở vụ này chính là nước Anh, vô cùng có lợi cho nguyên đơn.”

“Nhưng mà tôi…

“Ngại quá, tôi biết Trung Quốc từ lâu đã là một trong các nước ký kết hiệp ước nhưng nước Anh sau này đã gia nhập hiệp ước chưa ấy nhỉ?”

Cô nhíu nhẹ đầu mày, xùy khẽ.

Gương mặt nhã nhặn của Du Thừa lập tức sầm sì.

Đương nhiên là Anh không gia nhập hiệp ước.

Theo lẽ thường, các quốc gia phát triển là các trung tâm nơi các tài sản văn hóa phi pháp đổ về còn các nước vừa có lịch sử văn hóa lâu đời lại vừa là quốc gia đang phát triển thì cổ vật chảy máu không thể cầm được.

Nước Anh rõ ràng thuộc nhóm các quốc gia ở vế đầu.

Bản công ước này quy định vấn đề trả lại cổ vật thì áp dụng luật ở nước xuất xứ của cổ vật mà luật ở các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ thì đều có những chế tài riêng vô cùng thuận lợi cho việc lấy lại cổ vật bị trộm.

Nước Anh là một nước lớn nơi cổ vật chảy về sao có thể tự đeo gông vào cổ đây?

Đừng nói là Anh.

Mỹ, Pháp và nhiều nước khác đến nay vẫn không gia nhập công ước này.

Nhưng có ai ngờ vận đổi sao dời…

Một nước lớn thu hút dòng cổ vật chảy về cũng có ngày bị trộm.

Thế là thành tự bê đá đập chân mình!

Công ước quốc tế chỉ có hiệu lực với những quốc gia tham gia công ước. Nước Anh không tham gia nhưng lại muốn áp dụng công ước quốc tế ư? E là nằm mơ cho nhanh!

Kể ra, năm 1970 đại hội đồng UNESCO đúng là có thông qua “Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa” gọi tắt là “Công ước Paris”, nước Anh lề mề mãi cuối cùng cũng tham gia công ước vào năm 2002.

Tiếc rằng nội dung bản công ước này khá sơ sài.

Nó chỉ quy định nước có cổ vật bị trộm có thể thông qua con đường ngoại giao để nước là đích đến của cổ vật trả lại, thiếu các quy định liên quan về mặt tố tụng.

Thông qua con đường ngoại giao ư?

Thế thì có tác dụng cóc gì.

Có ai là không biết con đường ngoại giao khó khăn đến thế nào?

Các nước lớn có nước nào là hiền lành ngay thẳng đâu.

Nước Anh không ký công ước 1995, trong bảo tàng ở Vương quốc Anh không biết đang cất chứa biết bao nhiêu là cổ vật của Trung Quốc, mấy năm trước thậm chí còn có phòng đấu giá ở Anh đấu giá công khai cổ vật cướp được ở vườn Viên Minh, phía Trung Quốc phản đối thế nào cũng chẳng ai thèm ngó ngàng chính là bằng chứng rõ nét.

*Không tìm thấy bài vụ Anh nhưng có bài vụ Pháp đấu giá công khai trên báo Công an nhân dân: link

Giờ đến lượt nước đó bị mất cổ vật lại muốn thông qua con đường ngoại giao để lấy về ư?

Xin lỗi.

Bộ ngoại giao nước tôi rất bận, các anh cứ qua bên kia ngồi nghỉ trước đi, lúc nào các ông đây làm xong công chuyện thì sẽ quan tâm đến các anh, đừng sốt ruột.

Trình Bạch không cần hỏi cũng đoán được, dưới tình hình hai nước Anh Mỹ đều tham gia Công ước Paris 1970, cổ vật của Anh bị trộm không thông qua con đường ngoại giao để đòi lại còn phải mất công vượt trùng dương xa xôi đến Trung Quốc thưa kiện xuyên quốc gia thì rõ ràng là đã bị bên bộ ngoại giao Trung Quốc ngó lơ rồi, không chừng còn bị sập cửa đập đánh “uỳnh” vào mặt ấy chứ.

Thật là.

Ký công ước đi có phải là xong rồi không?

Làm cho giờ phải khổ sở mệt mỏi như thế.

Còn biết nói gì đây?

Chỉ có hai chữ thôi: Đáng đời!

Cô không biết vị Townsend Hidley bên phía đối phương nghe hiểu được bao nhiêu phần tiếng Trung nhưng sau khi cô nói một tràng vừa rồi xong, vị luật sư người Anh hơi phát tướng này liền xị mặt, đôi mắt xanh nheo nheo nhìn thẳng vào cô.

Trình Bạch vẫn bình tĩnh như thường.

Cô lật trong xấp hồ sơ chứng cứ lấy ra một tờ đơn trình lên thư ký tòa, sau đó nhếch mép cười một tiếng, rõ ràng vẻ mặt rất ôn hòa nhưng lại chẳng khác gì đang nhe nanh sắc.

“Theo quy định của “Luật tố tụng dân sự”, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì ưu tiên áp dụng công ước quốc tế. Nhưng thật đáng tiếc, những công ước thích hợp với vụ việc này thì nước Anh lại chưa tham gia.”

“Cho nên phía tôi đề xuất với tòa án…”

“Địa điểm giao dịch quan trọng của vụ việc là ở Ý cho nên cần phải áp dụng “Bộ luật dân sự Ý”, phần Ba quyền sở hữu, chương VIII: Chiếm giữ.”

Tác giả có lời muốn nói:

Ôi, đoạn này dài hơn tưởng tượng, chắc phải chương sau mới viết tới Biên lão cẩu.

Thực ra luật sư bên nguyên cũng sẽ nghĩ tới vấn đề này thôi nhưng vẫn cứ phải nói ra như vậy là vì nếu không ai nói thì độc giả không biết (Bàn về sự sai khác giữa viết truyện và thực tế).

Vậy…

Bất kể bạn có đọc đoạn viết về chuyên ngành hay không thì nếu có thể rộng lòng một chút, vô cùng cảm ơn…

Số chữ khất nợ: 17500

Chắc từ mai có thể bắt đầu trả nợ.

Chết mất.

*trợ lý thẩm phán: là nhân viên tòa án toàn thời gian làm việc dưới sự giám sát của thẩm phán theo luật ở Trung Quốc hỗ trợ các thẩm phán trong việc nghiên cứu pháp lý, soạn thảo các văn bản pháp luật và các công việc khác liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ và quản lý hồ sơ, tổ chức trao đổi chứng cứ trước phiên xét xử, thay mặt thẩm phán chủ trì phiên hòa giải trước khi xét xử và thỏa thuận hòa giải đạt được sẽ được thẩm phán xem xét và xác nhận.

Ở Việt Nam, năm 2014, từng có đề xuất bổ sung chức danh Trợ lý thẩm phán trong Dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân nhưng “việc quy định thêm chức danh này để giúp việc cho Thẩm phán trong khi đó ở Tòa án cũng đã có các chức danh Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án giúp việc cho Thẩm phán là không cần thiết, không hiệu quả, làm cho bộ máy cồng kềnh thêm.” Trích: KHÔNG CẦN THIẾT BỔ SUNG CHỨC DANH TRỢ LÝ THẨM PHÁN – Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Theo quy định về phiên họp kiểm tra chứng cứ trong tố tụng dân sự ở Việt Nam, thẩm phán là người tổ chức phiên họp. Xem lại chú thích chương 17.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.