Bạn Gái Máy In Tiền Của Tôi

Chương 24: Làm cẩu thật vui




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thế là, Biên Tà leo lên thuyền giặc, à không, là xe giặc của Trình Bạch. Cảm giác này so với lúc trước ngồi trên xe Chu Di tới công ty luật gặp Trình Bạch còn thêm phần oanh liệt thê lương “phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn”*.

*gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh, câu tiếp là: Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn (Tráng sĩ một khi ra đi sẽ không trở về nữa) là hai câu hát của Kinh Kha khi đi liều chết hành thích vua Tần.

Anh thầm nghĩ sao mình lại có thể bán đứng chính mình được chứ?

Ba bồi xong còn tiếp tục bồi đi xem kịch thì thôi, giờ lại còn vì thêm cái Wechat mà bồi đi ăn cơm!

“Tôi mà còn muốn ăn cơm với Trình Bạch nữa, tôi là cẩu!”

Lời thề độc nói với Chu Dị tối hôm đó văng vẳng bên tai như một lời nguyền, giục giã anh mau mau đạp cửa xe bỏ chạy.

Thế nhưng, mơ hồ có một sức mạnh thần kỳ giữ anh ngồi nguyên tại chỗ.

Không động đậy được.

Dù sao cũng đã lên xe rồi, chẳng phải chỉ là một bữa cơm thôi sao?

Nam nhi đại trượng phu, việc cóc gì phải sợ!

Biên Tà cầm di động một lúc rõ lâu, cuối cùng quyết tâm mở Wechat, gửi tin nhắn cho Chu Dị.

Anh gõ một chữ “gâu” trước rồi gõ thêm một dấu chấm thành: Gâu.

Nhưng gõ xong nhìn chằm chằm một chữ đấy và một dấu chấm đấy một hồi lại thấy chẳng có khí thế mẹ gì hết, thế là bấm lùi lại.

Xóa dấu chấm.

Gõ lại dấu chấm than.

Tin nhắn trong khung nhập biến thành: Gâu!

Tốt rồi, giờ trông đã hung hơn chút, lẫm liệt hơn chút rồi. Biên Tà cân nhắc đi cân nhắc lại ba lượt, cuối cùng yên tâm bấm gửi.

Nhà văn hàng đầu là phải cân nhắc từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy đều phải đạt đến độ hoàn mỹ nhất!

Gửi tin nhắn xong, anh cất điện thoại đi, ngẩng đầu nhìn đường, đêm đã khuya, người đi đường thưa thớt.

Trình Bạch cho xe chạy qua đường Hoài Hải.

Biên Tà giật mình, bất giác cảm thấy đoạn này rất giống đoạn bữa hôm đó Chu Dị chạy xe qua. Anh không kịp nghĩ cho rõ hướng này là đi về đâu thì xe đã rẽ vào một đường nhánh nhỏ rồi nhanh chóng dừng lại.

Mười giờ rưỡi gần mười một giờ đêm, các cửa hàng trên phố đều đã đóng cửa.

Duy chỉ còn một quán nhỏ vẫn mở.

Mặt tiền rộng chừng năm, sáu mét trông tồi tàn chật chội, bên trên chiếc cửa cuốn có treo một chiếc biển, là loại in màu rất phổ thông, chữ trắng nền đỏ, “Mì cháo Trương ký”.



Khoảnh khắc đọc thấy chiếc biển này, rốt cuộc Biên Tà đã nhớ ra.

Bỏ mẹ, chỗ này chẳng phải là chỗ bữa Chu Dị mua cháo cho anh đó sao!

Thấy Trình Bạch đã cởi dây an toàn, xách túi xuống xe, anh cực kỳ không muốn xuống theo: “Khoan đã, luật sư Trình, chúng ta ăn luôn ở đây à? Cô chắc chứ? Tôi thực sự không thiếu tiền! Cô không cần phải khách sáo vậy đâu!”

Trình Bạch dừng lại nhìn anh một cái, thấy phản ứng của anh thật hài hước, cô ngẫm nghĩ rồi cố ý nói: “Nhưng tôi thích mùi vị ở đây, biết làm sao bây giờ?”

Biên Tà nghĩ tới món cháo tim vịt cồi sò điệp khô lần trước ăn, thực sự rất muốn chết quách luôn đi cho rồi. Không phải anh chê quán nhỏ mà đơn giản là vì món đó thực sự không thể nuốt nổi.

Nhưng Trình Bạch đã nói vậy rồi, anh còn phản kháng thế nào được nữa?

Lập tức chơi liều luôn: “Vậy đương nhiên là luật sư Trình nói như thế nào thì làm theo như thế ấy, quán này nhất định là ngon hiếm có trên đời, không cần phải đi đâu chọn nữa!”

Thế là hai người lần lượt đi vào trong quán.

Trình Bạch vào trước.

Biên Tà vào theo sau, lề mà lề mề như thể phải đi ra pháp trường vậy.

Quán mì nhỏ xíu cùng lắm chỉ được ba bốn chục mét vuông, còn chẳng rộng bằng thư phòng của Biên Tà. Ở ngoài trông tồi tàn vậy chứ vào rồi mới thấy hóa ra bàn ghế tường gạch trong quán đều sạch sẽ. Giờ này rồi vẫn còn vài vị khách ngồi ăn cháo trong quán.

Trên tường dán chữ Phúc của năm rồi.

Đợt này sắp Giáng sinh nên chủ quán cũng dán thêm mấy cây thông Giáng sinh treo đầy quà trên tường cho thêm phần không khí.

Đằng trước bày dăm chiếc bàn cho khách ngồi, tủ quầy thu ngân đặt ở sát trong, chủ quán luống tuổi ngồi sau quầy đội một chiếc mũ len xám đang cầm cái máy tính kế toán kiểu cũ, loại mà ấn một cái là kêu tít một cái, để tính sổ sách.

Lúc đẩy mở cửa kính, đám chuông gió treo trên đầu liền kêu lanh canh.

Chủ quán lập tức dời mắt khỏi đống sổ sách, ngẩng đầu lên chào khách: “Hai vị ăn gì?”

Trình Bạch không cần xem thực đơn, thuần thục gọi một xửng bánh bao súp, hai bát cháo trắng, một đĩa dưa leo ngâm tương rồi chọn một góc vắng để ngồi.

Biên Tà đờ đẫn cả người.

Quán không lớn, anh lại cao, lúc mở cửa vào phải hơi cúi thấp đầu xuống một chút sợ đụng phải chuông gió treo ở trên, sự xuất hiện của hai người làm cho quán trông càng thêm chật hẹp.

Khách đang ngồi trong quán coi bộ đều là dân đi làm. Có thể là tăng ca buổi tối xong về chưa kịp ăn cơm, cũng có thể là trước lúc đi ngủ thấy đói nên vào ăn một chút cho ấm dạ.

Mọi người đều ăn mặc rất bình thường.

Biên Tà cảm thấy mình vào quán ngồi cũng chẳng có gì là lạ lùng hay không hài hòa nhưng Trình Bạch mặc bộ âu phục đỏ rượu vào ngồi thì làm người ta thấy rõ là không hợp.

Có điều, anh vừa mới chợt nghĩ như vậy xong thì Trình Bạch liền cởi áo vét ra, để áo và túi sang ghế bên cạnh.

Trong cô mặc sơ mi trắng thắt nơ.

Thế là, khí thế lấn lướt, sự lạnh lùng lẩn khuất liền trút bỏ khỏi người cô, chỉ còn lại sự điềm tĩnh và ôn hòa như một dòng nước lặng.

“Không ngồi à?”

Thấy anh cứ đứng trước bàn nhìn mình chằm chằm mãi không động đậy, cô lấy làm lạ.

Biên Tà lập tức ngồi ngay xuống.

Quán bật máy sưởi nên không lạnh, anh cũng cởi chiếc áo khoác dày trên mình ra để sang bên.

Trình Bạch lại mở túi lấy điện thoại.

Lúc lấy không cẩn thận làm rơi ra ngoài mấy tấm danh thiếp, một tấm bay xuống mặt bàn.

Biên Tà liếc thấy trên đó có viết mấy chữ:

Công ty luật Pháp Ngôn Thượng Hải, Tiền Hưng Thành.

Anh cau mày hỏi Trình Bạch: “Đây chẳng phải là vị luật sư cùng lên tòa với cô hôm nay sao? Sao cô lại có danh thiếp của anh ta vậy?”

“Người này à?”

Trình Bạch nhặt mấy danh thiếp làm rơi lên. Đây đều là danh thiếp hôm nay nhận được sau phiên tòa, cô ngẩng đầu lên xem tấm danh thiếp rơi trên bàn rồi bật cười.

“Người này mặc dù tranh luận thua thảm nhưng mà rất thú vị.”

Rất thú vị.

Lại là cụm từ này!

Biên Tà bỗng nhớ Trình Bạch từng nói anh thú vị, nói Kỳ Trần thú vị, giờ đến luật sư đối thủ cũng bắt đầu trở nên thú vị!

Quả nhiên “thú vị” của cô ấy là bán sỉ.

Biên Tà sầm sì, hừ khẽ một tiếng: “Thua thảm như vậy, không thú vị mà được sao?”

Ồ.

Vẫn còn xị mặt à.

Trình Bạch cất danh thiếp cẩn thận, cầm điện thoại, nhìn anh đầy hào hứng: “Ban nãy ngồi xem kịch, nửa vở đằng sau thấy anh không được vui, giờ nghỉ giải lao đã xảy ra chuyện gì à?”

Sức quan sát của cô xưa giờ rất tốt.

Nhưng chẳng đời nào Biên Tà lại đi nói cho cô biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Ngược lại, tự nhiên cô nhắc vở kịch làm anh bất giác nhớ đến người vợ và vị luật sư bị lừa trong vở kịch “Nhân chứng buộc tội” hôm nay diễn rất hay. Anh nhìn xoáy vào Trình Bạch, im lặng một hồi.

Trình Bạch thắc mắc: “Sao vậy?”

Biên Tà nhìn cô thêm hồi nữa rồi mới đáp: “Tôi thực sự tò mò nếu cô là vị luật sư trong vở kịch này, gặp phải người như nữ chính và bị giăng một cái bẫy như vậy thì sẽ làm như thế nào?”

“Tiểu thuyết tóm lại vẫn chỉ là tiểu thuyết, kịch tóm lại vẫn chỉ là kịch, trên thực tế không có khả năng gặp phải chuyện như vậy, đời thực không gay cấn cũng không giật gân đến thế đâu.”

Trình Bạch không trả lời câu hỏi mà phủ định luôn câu hỏi.

“Phần lớn luật sư gần nửa đời đều làm các vụ kiện cáo nhàm chán.”

“Thế vụ Tằng Niệm Bình thì sao?”

Anh để hai tay trên bàn, mười ngón tay với những khớp xương hiện rõ đan vào nhau, mắt nhìn vào mắt cô, vài sợi tóc rơi xuống trước trán, trông anh bỗng rất trầm tư.

“Tranh tụng trên tòa đã kết thúc nhưng chân tướng thì sao?”

Trình Bạch lắc đầu, trả lời dứt khoát lạ thường: “Tôi không biết.”

Ánh mắt Biên Tà tỏ ra nghiền ngẫm: “Nhưng tôi nhớ lần đầu tiên luật sư Trình ký hợp đồng với tôi đã hỏi tôi ba câu hỏi, còn nói rằng cô luôn luôn hỏi ba câu này. Vậy chắc chắn là cô đã hỏi Tằng Niệm Bình có nói dối hay không rồi chứ?”

Người này…

Đến chi tiết kiểu này cũng chú ý nữa sao?

Trình Bạch ngồi cách anh một chiếc bàn, thong thả ngẩng đầu đối diện với cái nhìn của anh: “Có vẻ như anh có gì đó muốn nói.”

Biên Tà ngẫm nghĩ, lòng ngổn ngang trăm mối, thò tay vào trong túi áo lấy tờ hóa đơn bữa nhét vào đấy ra để lên bàn: “Bữa nhặt được dưới chân giường bệnh của Tằng Thanh.”

Là hóa đơn mua sách.

Trình Bạch không cầm, chỉ cúi xuống xem lướt, thản nhiên như không, làm cho Biên Tà không sao tia ra được chút manh mối nào từ đó: “Cái này thì chứng minh được điều gì?”

“Nếu như đây là hóa đơn mua sách của Tằng Thanh thì ngày tháng mua sách in trên hóa đơn là tháng mười một năm ngoái, mãi tháng mười hai, bệnh viện mới chẩn đoán được Tằng Thanh bị u não*. Theo những gì lão Tằng trình bày trong phiên tòa thì ông ấy nói rằng sau khi nảy sinh ý định lừa tiền bảo hiểm mới bắt đầu tìm hiểu về những thứ liên quan đến bảo hiểm. Nếu điều ông ấy nói là thật thì sách này không phải mua cho lão Tằng đọc mà là cho Tằng Thanh đọc.”

*chỗ này ở phiên tòa chương 19 nói là tháng 9 chứ không phải tháng 12, nhưng bug này không ảnh hưởng đến logic luận cứ: sách được mua trước khi lão Tằng nảy sinh ý định lừa bảo hiểm. Có thể là do lỗi đánh máy của tác giả.

Logic của Biên Tà rất mạch lạc.

“Tôi nhớ thành tích thời đi học của Tằng Thanh rất tốt, còn là sinh viên đại học.”

“Vậy thì sao?”

Trình Bạch điềm tĩnh nhìn anh, chờ nghe đoạn tiếp theo.

Biên Tà cau cau mày: “Mặc dù theo lẽ thường mà nói thì quả thực chẳng có ai lại ngu ngốc đi lừa tiền bảo hiểm giao thông bắt buộc và bảo hiểm trách nhiệm bên thứ ba nhưng nguyên nhân thứ hai Bảo hiểm tài sản An Hòa ra thông báo từ chối bồi thường là người bị tấm xi măng đập trúng bị thương không quá nặng, phía họ cho rằng số tiền Tằng Niệm Bình bồi thường cho người bị thương là quá nhiều, là móc ngoặc với người bị thương cùng lừa tiền của bảo hiểm.”

Trình Bạch bật cười: “Anh muốn nói là nếu như tờ hóa đơn này là của Tằng Thanh thì nhiều khả năng Tằng Niệm Bình đã lừa tiền bảo hiểm, thậm chí còn có thể đưa ra suy đoán đáng sợ hơn thế nữa. Ví dụ như mặc dù bản thân Tằng Thanh không mua bảo hiểm nhưng xe cẩu và Tằng Niệm Bình đều có mua bảo hiểm, trời mới biết là ông cha xấu hay ông con xấu hả?”

Biên Tà im lặng nhìn cô.

Trình Bạch lại đưa mắt nhìn xuống, đổ ra ba viên kẹo bạc hà bày ra bàn, hờ hững đáp: “Tiếc rằng chỉ có nhà văn và cảnh sát mới quan tâm chân tướng. Với tôi mà nói, chân tướng không quan trọng, tôi cũng không quan tâm.”

Luật sư chẳng qua là làm việc cho đương sự mà thôi.

Chuyện trên đời vốn rất khó phân chia đúng sai thật giả rạch ròi.

Cô chỉ quan tâm xem vụ kiện này phải làm như thế nào, có thể thắng hay không, thắng thua thì kết quả thế nào, tạo thành ảnh hưởng ra sao.

“Vậy tại sao cô lại muốn nhận vụ thế này?”

Phí tư vấn của các đại luật sư chỉ để trưng cho đẹp, thực tế chẳng có đại luật sư nào thực sự nhận tư vấn cho người bình thường, ngoại trừ nhận làm án hình sự để lấy tiếng thì hầu hết các vụ khác đều ăn theo tỉ lệ phần trăm nhất định.

Vụ kiện này của Tằng Niệm Bình chắc chẳng đủ cho Trình Bạch mua bông tai.

“Tính tò mò hại chết mèo*, trí tò mò của Biên đại tác gia có vẻ hơi cao quá rồi đấy.” Trình Bạch xếp mấy viên kẹo thành một hàng thẳng rồi ngẩng đầu lên nhìn anh đầy nghiền ngẫm, “Tiếc là tôi không muốn nói cho anh biết đâu.”

*Curiosity killed the cat

“Vậy à?”

Giây phút ấy, Biên Tà nhíu mày nhìn lại cô.

“Có điều vừa rồi tôi chợt nghĩ, tôi chỉ nói ra chút điều mình phát hiện được. Vậy mà hình như luật sư Trình đã lập tức có thể bổ sung hoàn chỉnh suy đoán và ý tưởng của tôi trong khi rõ ràng tôi chưa hề nói gì. Luật sư Trình nói xem, nếu bản thân một người không hề hoài nghi điều ấy thì làm sao lại cảm thấy người khác cũng hoài nghi như vậy được đây?”

Một cái nhìn sắc sảo.

Tựa như ánh sáng sắc lạnh lóe lên ở đầu mũi dao, lập tức soi thấu vào tận sâu trong lòng Trình Bạch.

Khả năng nhìn thấu người khác mạnh mẽ và chẳng hề che giấu.

Trình Bạch lập tức trở nên cảnh giác.

Nhưng không đợi cô kịp làm bất kỳ điều gì, ngay giây tiếp theo, Biên Tà lập tức thu ánh mắt kiểu ấy lại, tỏ ra đắc ý vì đã đạt được mục đích, đuôi như muốn dựng lên đến nơi, học giọng điệu của người nào đó lúc nãy, cười một tiếng: “Luật sư Trình cũng là người rất thú vị đấy.”

Nói xong anh vo tròn tờ hóa đơn trên bàn vứt vào sọt rác.

Trình Bạch hiểu mình vừa bị thử.

Đương nhiên là cô cũng từng nghi ngờ Tằng Niệm Bình, chẳng qua là chưa từng nói với bất kỳ ai khác, hoặc phải nói là vốn chẳng cần phải nói với bất kỳ ai khác. Nghi ngờ mãi mãi chỉ là nghi ngờ. Chỉ cần không có chứng cứ thì đừng bao giờ định tội bất kỳ ai.

Thế nhưng vừa rồi cô đã tiếp lời Biên Tà.

Rõ ràng chỉ là một gã viết sách, nhạy bén như vậy để làm gì?

Hiếm khi Trình Bạch mới có cảm giác muốn ăn miếng trả miếng với người ngoài nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô cảm thấy mình không nên tiếp tục để ý tới cái con người này làm gì, thủng thẳng quẳng ra câu chốt: “Dù sao vụ kiện cũng đã xong rồi, anh thích nghĩ thế nào cũng không ai cấm.”

Biên Tà không nói gì nữa.

Trình Bạch cũng thôi.

Chẳng mấy chốc cháo đã được mang ra.

Hai người bắt đầu dùng bữa.

Biên Tà cầm đũa, thầm nhủ mình tới đây vì Wechat của Trình Bạch, bất kể thế nào cũng phải thể hiện một chút. Thế là mang vẻ mặt như thể xả thân hy sinh oanh liệt, không cần Trình Bạch phải nhắc đã tự giác gắp ngay một cái bánh bao súp.

Sau đó…

“Nóng nóng nóng!”

Da mỏng, đụng tí là có vấn đề liền.

Nước súp đang nóng, Trình Bạch muốn ngăn thì đã muộn, chưa gì đã nghe anh rên xiết lên.

Cô suýt thì sặc vì cười, đẩy bát cháo trắng qua cho anh: “Bánh bao nóng không thể ăn vội được đâu, ăn cháo trước đi đã.”

Biên Tà che miệng, lườm cô.

Rồi mới cầm thìa lên xúc một miếng.

Cháo trên đời mùi vị đều giống nhau, quán này chẳng qua là gạo ngon hơn chút với lại ninh lâu hơn chút, cho cháo nhiều hơn chút.

Còn tưởng là Trình Bạch định dẫn anh đi ăn sơn hào hải vị gì cơ!

Thử một miếng xong, anh lắc đầu ngay: “Quá thường.”

Câu này thực sự không ngoài dự tính.

Dù sao cũng là một đứa trẻ kén ăn.

Trình Bạch không giận, đẩy đĩa dưa leo ngâm tương đặt trước mặt mình qua cho anh: “Thử cái này xem.”

Ăn cháo không thể không có đồ ăn kèm.

Nhất là cháo trắng.

Nhưng Biên Tà cho rằng đây chỉ là lý thuyết suông, với anh mà nói, ăn gì cũng như nhau, thò đũa ra gắp một miếng dưa ngâm tương bỏ vào miệng.

“Rộp.”

Dưa leo ngâm thực ra là mềm vì trước khi trộn đã bị vắt bớt nước ra nhưng khoảnh khắc cắn vào nó thì lại thấy nó giòn.

Dưa leo được trộn với nước tương, giấm đen và đường.

Chẳng qua cũng chỉ đến…

Đù.

Thế mà hóa ra lại ngon chứ!

Biên Tà ngạc nhiên, vốn đang định nói là cũng chỉ đến vậy mà thôi, bỗng dưng kẹt lại, không nói nên lời. Anh nghĩ nhất định là miếng vừa rồi mình bị ảo giác nên không tin, gắp thử thêm miếng thứ hai, thứ ba, thứ tư…

Gắp hết miếng này tới miếng kia.

Đến tận khi gắp tới miếng thứ tám, anh mới chợt nhận ra bầu không khí hình như có hơi yên tĩnh.

Ngẩng đầu lên. Trình Bạch đang lặng lẽ nhìn anh.

Thế là, Biên Tà nhớ ra, nhìn chiếc trần nhà cũ kỹ của quán đột nhiên lại thấy nó mang lại cảm giác của kiến trúc phục cổ và rốt cuộc anh cũng hiểu rõ hình tượng nhân vật của mình…

Có thể là do một tay nhà văn ngu xuẩn nào đó định ra.

Tác gia hàng đầu là phải ăn cơm ngon nhất, làm chú cẩu buông thả nhất!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.