Yêu Và Chết
Chương 9: Cuộc hội ngộ 3
Ngôi nhà cửa đóng im ỉm, đứng ngoài khá lâu rồi mà Lý vẫn không thấy bóng ai bước ra.
Mặt trời dần xuống thấp càng làm cho Lý hơi lo, bởi nếu không gặp được người cần tìm thì có lẽ anh phải trở về Bà Rịa ngủ trọ, rồi mai trở lại tìm nữa.
Vừa khi ấy, có người lên tiếng hỏi từ phía sau:
- Cậu kiếm ai?
Giật mình quay lại thấy một bà cụ, Lý lễ phép:
- Dạ, cháu muốn tìm ông Năm Lực. Bà già chỉ tay vào nhà:
- Ông ấy ở trong nhà! Cậu phải vô tận nơi để kêu may ra ông nghe, chứ đứng ngoài này thì tới bao giờ ông ấy mới ra!
- Dạ, nhưng cổng ngoài đóng chặt...
- Đẩy mạnh mà vào, không có khoá đâu. Nhưng nói trước để cậu biết, coi chừng khi vào gặp ông già đó!
Lý ngạc nhiên:
- Sao vậy bác? Cháu chỉ hỏi thăm chuyện nhà một chút, chứ có làm phiền gì ông ấy đâu?
Bà cụ khẽ lắc đầu:
- Ông già này tính khí thất thường lắm. Bình sinh ông không chịu tiếp xúc với ai, cũng không gây khó dễ gì cho ai, nhưng nếu ai làm cho ông ta bực mình thì liệu hồn, có khi ông ấy vác cây đuổi chạy không kịp! Ở xứ này ai cũng ngán, không ai dám bước vào nhà nửa bước. Cậu liệu mà tính!
Nói xong bà cụ đi thẳng. Lý hơi lưỡng lự, nhưng cuối cùng anh mạnh dạn đẩy cánh cổng và bước vào sân. Câu nói của người nào đó trong giấc mộng đêm qua như còn văng vẳng bên tai, nó như sự thôi thúc Lý phải gặp ông già cho bằng được:
“Gặp ông Năm Lực thì mọi điều sẽ sáng tỏ. Ông ấy sẽ cho anh biết anh phải làm gì để thoát ra khỏi khổ nạn này. Bằng không, anh sẽ bị mất ngủ triền miên, bị quấy phá suốt đời và thậm chí sẽ tiêu tan hết sản nghiệp do cha anh để lại”.
Lý bước nhanh đến bên cửa trong ngôi nhà và gõ liền mấy cái vào cửa, vừa cất tiếng gọi:
- Bác Năm ơi, bác Năm!
Anh phải gọi đến lần thứ ba thì mới nghe một giọng khàn đục lên tiếng:
- Ai đó?
- Dạ, cháu tìm bác có việc gấp. Cháu từ Sài Gòn ra.
- Ai ở Sài Gòn ra?
Giọng ông già trở nên hằn học và cộc lốc:
- Ai?
- Dạ, cháu là Lý. Cháu cần tìm ông Năm Lực.
- Lý nào?
Lý bắt đầu ngại khi nghĩ mình sắp đối diện với con người hung hăng này. Anh cố dịu giọng:
- Cháu được cô Mỹ Nhung giới thiệu...
Không ngờ câu nói bịa của Lý lại có tác dụng tức thời. Ông già mở ngay cánh cửa, vừa hỏi:
- Con Mỹ Nhung đâu?
Ông đứng đối diện với Lý mà chẳng màng đến anh, chỉ đảo mắt tìm kiếm. Hiểu ý, Lý phải nói:
- Dạ, cháu ra có một mình. Cháu chỉ..
Cánh tay khẳng khiu của ông cụ vung lên và rất nhanh, ông giáng thẳng vào mặt Lý một cái. Nếu không cảnh giác trước thì Lý đã lãnh trọn cái tát đó.
Anh kịp đưa tay chụp cánh tay ông lại vừa lên tiếng:
- Cháu không có ý xấu. Cháu chỉ nghe theo lời mách bảo của Mỹ Nhung ra gặp ông, đem cho ông ít quà...
Cánh tay già nua tuy có dữ dằn, nhưng sức lực đâu bì được với sức trẻ, do vậy khi bị Lý kìm lại, ông đành phải rút tay về và đột nhiên bật thành tiếng khóc. Ông khóc nức nở như một người chưa từng dược khóc, khiến cho Lý lo ngại:
- Kìa bác. Cháu chỉ...
Anh đã chuẩn bị sẵn gói quà theo lời mách bảo của người báo mộng cho anh
đã dặn, mấy bánh thuốc hút.
Vừa đưa nó ra, ông cụ đã reo lên như đứa trẻ được quà:
- Con Mỹ Nhung của ông đây mà! Quà của nó ở đây mà...
Ông vồ lấy mà không đợi Lý đưa. Và thái độ ông đổi khác ngay khi ôm gói quà trong tay:
- Con Mỹ Nhung của ông đâu? Nó được bao lớn rồi? Nó sao không về đây vấn thuốc cho ông hả?
Những câu hỏi liên tục khiến Lý chưa biết trả lời sao thì chợt anh nhìn thấy một ảnh chân dung phóng lớn treo trên vách nhà, hình một bé gái tuổi khoảng lên ba, có nét hao hao với Mỹ Nhung. Linh cảm khiến Lý ứng đối kịp thời:
- Dạ, Mỹ Nhung nay đã lớn rồi, cô ấy có thể mồi thuốc cho ông hút được! Đang vui, bỗng ông nhìn Lý quát lớn:
- Sao tập cho con gái hút thuốc hả? Không được nghe chưa!
Nói xong, ông giữ chặt gót thuốc trong tay vừa bước thẳng vào trong như sợ có người giật lại gói quà của mình. Quan sát sự việc, Lý đã đoán phần nào tính khí và tình trạng sức khoẻ của ông cụ. Anh lại dịu giọng nói:
- Mỹ Nhung gửi lời thăm ông và dặn ông không được ăn uống thất thường. Mỹ Nhung...
Bỗng dưng ông cụ quay trở ra, chỉ tay lên bức ảnh bé gái, vừa mếu máo nói:
- Con nhỏ chết khi mới chừng ấy tuổi thôi, tội lắm trời ơi! Bây giờ đến phiên Lý kinh ngạc, anh lúng túng:
- Dạ, cháu... cháu...
- Ngồi xuống đi, rồi nói cho ta nghe coi cháu tao bây giờ ở đâu?
Thì ra ông cụ không bình thường, nhớ chuyện này xọ qua chuyện kia. Lý nắm bắt tâm lý khá giỏi bởi đã du học khoa tâm lý ở nước ngoài mấy năm, anh tiếp tục dùng sở học của mình:
- Dạ, để cháu vấn thuốc cho ông hút, Mỹ Nhung có chỉ cho cháu.
Quả nhiên cách nói đó của Lý đã chinh phục được ông già. Ông tỏ ra thân thiện hơn:
- Được rồi, mấy bữa nay ta ho nhiều nên cữ hút thuốc. Vậy con hãy rót nước cho ông uống đi, giống như Mỹ Nhung hồi ấy...
Lý rót ngay một ly nước trong bình trà đã nguội đưa cho ông và nói:
- Ông uống đỡ, để chờ cháu đi nấu nước sôi pha ấm trà khác cho ông nghe. My Nhung nói ông thích uống trà đậm.
Chi tiết này là Lý bịa ra, không ngờ đúng ý ông:
- Phải, con nhỏ nhớ dai quá. Ta thích uống trà nóng và đậm mà phải là trà sen kia.
Cũng may trong gói quà Lý mang theo có cả thuốc lá và trà, anh vội nói:
- Mỹ Nhung có gửi cả trà sen cho ông. Ông cụ cảm động:
- Con nhỏ còn thương! Tội nó quá...
Lý thầm nghĩ: thì ra đây là ông nội của cô gái, còn ông già ở cạnh nhà mình là ông ngoại.
Anh tự nhiên đi ra sau bếp mà không gặp sự phản đối nào của ông cụ. Anh tìm thấy ấm nấu nước để chỏng chơ trên lò, không có chút nước nào trong đó, chứng tỏ ông già sống chỉ một mình và không ai chăm sóc cơm nước.
Chờ ấm nước sôi, Lý mang lên châm vào bình, xin ông cụ lấy gói trà sen trong bọc thuốc lá. Anh bịa thêm:
- Mỹ Nhung nói ông thích vừa ngồi uống trà vừa kể chuyện cho con cháu nghe, vậy bây giờ...
Anh định khơi gợi để bắt đầu cuộc truy hỏi những điều mình cần biết, và anh
đã thành công khi ông già bảo:
- Ngày trước lúc nào nó cũng biết đòi ta kể chuyện những lúc ta ngồi hút thuốc, uống trà. Bàn tay nhỏ nhắn của nó cầm nhúm thuốc không xong, vậy mà lúc nào cũng đòi vấn cho nội hút. Thấy mà thương cái bàn tay búp măng đó!
Nhìn đôi mắt rưng rưng ngấn lệ của ông, Lý biết rằng trong lòng ông đang sống lại hình ảnh đứa cháu gái thân thương, nên anh đánh thẳng vào điểm yếu đó bằng câu nói:
- Nếu Mỹ Nhung yêu cầu ông kể cho nghe tại sao cô ấy bỏ ông đi, ông có sẵn lòng nói không?
Lý chờ những lời kể thật câu chuyện mà anh cần biết, hoặc có thể là cơn thịnh nộ của ông già. Không ngờ, giọng ông cụ bỗng trở nên nhẹ nhàng, tình cảm hơn:
- Nó bỏ ta mà đi khi ta chỉ có nó là cháu nội duy nhất! Hôm đó cũng bằng giờ này khi nó đang ngồi nghe ta kể chuyện thì vụt chạy ra ngoài, kêu lên là nhà của nó bị cháy. Nó hoảng loạn lên, bởi khi ấy ba má nó đang ngủ say trong đó, mà lúc sang đây do sợ trộm vào lấy dồ nó đã khoá cửa từ bên ngoài! Trời ơi...
Ông cụ kể tới đó thì nấc lên và hầu như không còn đủ sức để ngồi vững nữa, ông ngã chúi nhủi về phía trước. Lý hốt hoảng:
- Kìa, ông ơi!
Anh đỡ ông cụ lên và kịp nghe ông nói rất khẽ:
- Gặp con Mỹ Nhung hãy nói với nó là đừng làm khó người ta... không phải do thằng ấy gây ra đâu..
Câu nói mập mờ khó hiểu, khiến Lý phải hỏi lại:
- Ông nói thằng đó là ai?
- Thằng Dương Cường... không phải nó... mà chính con vợ nó...
Ông nói tới đây thì kiệt sức, ngoẹo đầu sang bên và ngất đi. Lý bế ông lên chiếc ghế dài giữa nhà:
- Ông ơi!
Sờ thấy ông còn thở, Lý hơi yên tâm, nhưng nỗi thắc mắc trong lòng vẫn khiến anh không yên. Tại sao ông cụ nói về cha mình như thế?
- Ông ấy nói đúng. Tôi đã gặp ông và hỏi kỹ rồi, đang tính về sẽ gặp lại cậu nói rõ. Nhất là gặp mẹ con con Thu Hà để giải mối hận trong lòng chúng nó bấy lâu nay.
Giọng nói đó khiến Lý bàng hoàng, anh quay lại và ngơ ngác khi thấy ông già mà anh từng gặp ở ngôi nhà gần nhà mình, nơi có những ngôi mộ.
- Kìa, sao bác lại ở đây?
Ông già bình tĩnh ngồi xuống ghế và đáp:
- Thì cũng như cậu, tôi đi tìm hiểu sự thật.
- Vậy ra bác vắng nhà mấy bữa nay là lên đây! Mà sao có một cỗ quan tài nằm giữa nhà bác ở dưới?
- Cậu không nhận ra sao, đó là quan tài của cha cậu, ông Dương Cường!
Câu nói đó khiến Lý rúng động:
- Trời ơi, sao Iại như thế!
- Đó là ý của con Thu Hà! Hơn mười năm nay nó chỉ nung nấu việc trả thù, dẫu đã là người cõi âm nó vẫn không nguôi chuyện thù hận. Bởi nó vẫn tin chắc rằng cha cậu là người gây ra cái chết cho vợ chồng, con cái nó. Cho đến mới đây...
Ông lấy từ trong túi áo một phong thư và đưa cho Lý:
- Cậu đọc đi rồi sẽ hiểu.
Lý cầm lấy và ngạc nhiên kêu lên:
- Đây là lá thư người ta gửi cho má cháu!
- Thì ra cậu đã biết, chính con Mỹ Nhung đưa về cho tôi. Nó bảo sau khi hiểu ra điều này rồi, nó không còn hận cha cậu nữa, mà nó cũng muốn mẹ nó làm như vậy...
- Hôm qua cháu cũng nhận lá thư này trong cái hộp của mẹ cháu, hình như cũng đo Mỹ Nhung đem tới.
Ông già gật đầu:
- Nó đó! Con Mỹ Nhung có cảm tình với cậu, nên nó không muốn mẹ nó tiếp tục hận thù, tiếp tục gây ra những cái chết cho nhà họ Dương nữa...
Lý hốt hoảng:
- Những cái chết nhà họ Dương? Ông già tiếp lời bằng giọng bức xúc:
- Ba cậu chết là do con Thu Hà bắt hồn, mẹ cậu cũng thế và rồi sẽ tới cậu! Lý tái mặt:
- Ông... ông nói thật ư?
Ông già tiếp tục thở dài:
- Oan gia nghiệp chướng mãi như thế làm sao được! Bởi thế hôm cậu sang nhà tìm con Mỹ Nhung là tôi sợ thất thần rồi! Tôi đâu muốn con gái mình tiếp tục lún sâu vào cuộc hận thù đó, mặc dù nó có quyền...
Ông nói tới đây thì oà lên khóc, khiến Lý cũng mủi lòng, ông nghe mắt mình cũng cay cay...
- Thưa ông...
Lý bị ông già chặn ngang:
- Cậu để tôi nói hết đã. Hôm đó tôi nói dối cậu rằng có hai con Mỹ Nhung. Thật ra chỉ có một và đó là Mỹ Nhung nằm dưới mộ. Còn Mỹ Nhung mà cậu gặp chính là...
Lý chặn lời ông:
- Cháu đã hiểu, đó là hồn ma cô ấy!
- Nhưng có những điều cậu còn chưa hiểu. Như nơi cậu đang sống...
- Ông nói gì cháu không hiểu? Ngôi nhà cháu đang ở là sao?
- Đó là ngôi nhà do ba cậu xây cho... ông Năm Lực đây mà! Lý ngơ ngác:
- Có chuyện đó sao? Vậy mà cháu nào biết. Cháu mua là do có người mách.
- Do oan hồn con Thu Hà khiến cậu đó. Nó muốn đưa cậu về đây, để... Ông tiếp bằng giọng run run:
- Nó muốn bắt hồn cậu đi luôn! Lý thất thần:
- Thảo nào gần hai năm nay, lúc nào trong đầu cháu cũng như vang lên những âm thanh kỳ lạ, khiến cháu mất ngủ triền miên và rất sợ bóng tối! Cháu không hề biết gì về ngôi nhà mình đang ở...
Ông già kể tiếp:
- Hồi đó anh sui gia tôi đây cất ngôi nhà ở cạnh nhà tôi. Con Thu Hà ngày ấy còn sống, và nó với cha cậu là một cặp đôi mà tưởng chừng như không có gì chia lìa chúng dược. Tôi cũng tán đồng chuyện chúng nó yêu nhau. Nhưng chẳng hiểu sao đùng một cái, cha cậu lại đi lấy vợ, lấy người mà sau này cậu gọi là mẹ đó! Con Thu Hà đau khổ khóc sưng cả mắt và cứ tìm cách níu kéo, kêu gọi cha cậu hồi tâm trở về với nó! Tôi biết được điều đó nên cương quyết bảo
nó cắt đứt chuyện tình với cha cậu, bởi tôi không muốn con gái mình mang tiếng phá hoại gia cang người khác, mặc dù nó là kẻ đến trước. Đến trước mà về sau cậu à...
Ngừng lại một lúc, rồi ông tiếp bằng giọng bùi ngùi:
- Nó đã trả thù lại bằng cách... đi lấy chồng! Con trai ông Năm Lực đây khi ấy sống trong ngôi nhà cậu ở bây giờ, tức sát vách nhà tôi và con Thu Hà. Chúng nó phải lòng nhau thật sự hay chỉ là cuộc tình gán ghép để thoả cơn thù hận của con Thu Hà thì tôi không dám chắc, nhưng có điều là khi chúng sống với nhau, tôi nhận ta thằng Hoà con anh Năm đây thương con Thu Hà thật. Cho đến khi chúng có với nhau đứa con đầu lòng, con Mỹ Nhung, thì tôi tin là chúng sẽ ăn đời ở kiếp với nhau được. Tôi mừng lắm. Nhưng...
Ông ngừng lại, cơn uất nghẹn làm cho ông không thể tiếp tục câu chuyện được nữa. Phải mất gần năm phút sau Lý mới nghe ông lên tiếng, giọng khàn đục:
- Vậy mà một buổi chiều kia, lửa trong nhà bỗng dưng bốc cháy! Lúc đó tôi đi ra chợ chưa về, còn con Mỹ Nhung lúc ấy hơn ba tuổi thì sang nhà nội nó chơi, chỉ kịp chạy về khi lửa đã cháy trùm toàn ngôi nhà.
- Cửa ngoài đã bị khoá, con Mỹ Nhung cố lao vào để mở cửa và cũng bị thiêu cháy theo ba má nó! Trời ơi...
Ông cụ lại ngất đi. Lúc này trong ngôi nhà nhỏ có đến hai ông già nằm bất động, khiến Lý bối rối, anh phải chạy đi lấy khăn nhúng nước lau cho cả hai người. Lát sau họ tỉnh lại. Ông Năm Lực tiếp bằng giọng trầm buồn:
- Bấy lâu nay tôi buồn đau quá mà hoá rồ, bởi tôi chỉ có mỗi thằng con trai, nó chết đi rồi tôi không còn thiết sống nữa.
- Bởi vậy anh ấy mới bán ngôi nhà mà cậu đang ở đó, bỏ về đây ở ẩn. Hôm qua tôi tìm đến để hỏi thêm anh ấy vài việc liên quan tới con gái mình, và định trở về khuyên con Thu Hà, đừng nuôi hận thù nữa. Chứ thật ra khi nó mang cỗ quan tài ba cậu về đặt giữa nhà đó là cho liệm xác cậu vào đó mới hả giận. Đêm qua đúng ra là cậu đã bị hại rồi, nếu không có con Mỹ Nhung. Nó đã cãi nhau với mẹ nó một trận, không cho Thu Hà đón đường cậu lúc cậu định đi Bà Rịa.
Lý hốt hoảng kêu lên:
- Thì ra cô ấy ngăn không cho cháu đi Bà Rịa bằng cái hộp đựng đồ vật của mẹ cháu!
- Phải! Thật ra cái hộp này giữ ở nhà ông nội cháu đây từ lâu, chứ không ở
nhà bà ngoại cậu. Con Mỹ Nhung đã lấy đem đưa cho cậu, mục đích giúp cậu
hiểu rõ mọi chuyện, đồng thời ngăn không cho cậu ra ngoài. Bởi nếu cậu đi đêm qua thì cậu đã không toàn mạng!
Lý rùng mình, hết nhìn hai ông cụ rồi nhìn một lượt khắp ngôi nhà. Thấy bức
ảnh của Mỹ Nhung thời thơ ấu, anh thắc mắc:
- Lúc chết cô ấy mới ba tuổi, sao giờ đây là một cô gái. Ông Năm Lực tỉnh táo đáp:
- Người trong thế giới vô hình cũng lớn lên theo thời gian. Nó đã trở về đây nhiều lần, mà mỗi lần bước vào nhà tôi cứ tưởng là cô gái nào, đâu ngờ là nó. Nếu nó còn sống thì năm nay cũng đã mười bảy mười tám rồi...
Ông lại khóc. Rồi ông già kia cũng khóc theo. Và đến lượt Lý cũng không cầm được nước mắt...