Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt

Chương 9


Chương trước Chương tiếp

Nạn nhân đầu tiên tên là Amelia Cortez. Cô ta là một trong hai phụ nữ có tay được tìm thấy ở hiện trường. Các khám nghiệm y tế cho thấy cô ta là nạn nhân đầu tiên của tên sát nhân, đã chết khoảng chừng mười năm. Pháp y đã nhận dạng được cô qua dấu vân tay.

Amelia hai mươi tư tuổi, và tấm ảnh hộ chiếu được gửi đến từ Đại sứ quán Philippiness cho thấy cô rất dễ thương - hai gò má cao, nước da sáng, trông ngây thơ và đôi mắt màu nâu nhạt. Cô đã được tuyển chọn ở Manila và được đảm bảo một công việc là trợ lý riêng cho một nhà báo nữ quyền cao chức trọng. Amelia có tham vọng trở thành nhà văn. Nhưng khi cô đến Jeddah, người bảo trợ của cô, một người đàn ông có tên Sonny Esposa, nói với cô rằng công việc duy nhất hiện có là giữ trẻ. Cô không có lựa chọn nào khác. Để được phép rời khỏi đất nước này, cô cần sự cho phép của Sonny, và ông ta đã giữ hộ chiếu của cô rồi.

Cô cũng đã ký một hợp đồng bảo đảm sẽ trả phí dịch vụ cho ông ta. Và mức phí dành cho người tuyển mộ vượt quá khả năng cô có thể chi trả. Cô sẽ phải trả ông ta mỗi tháng một ít và sẽ trả hết theo cách này. Thay vì làm việc với mức lương sáu trăm riyal một tháng, Amelia đã phải chịu nhận mức lương mỗi tháng là hai trăm riyal để chăm sóc năm đứa trẻ, tất cả đều dưới mười tuổi. Cô phải mất sáu năm để trả hết tiền cho người tuyển mộ. Cô không thể báo cảnh sát; họ sẽ chỉ buộc cô phải tuân theo hợp đồng. Chính vì vậy mà Amelia bỏ trốn. Những người thuê cô phàn nàn – bọn họ đã trả tiền trước hẳn một năm – còn Sonny thì biến mất. Không một ai biết chuyện gì xảy ra với Amelia và không ai đủ quan tâm để đi tìm cô. Gia đình cô ở Philippiness đã gửi rất nhiều thư đến lãnh sự quán, nhưng chẳng ích gì.

Ibrahim đã tự mình đến hỏi chuyện gia đình đã thuê Amelia. Ông đưa Daher và Shaya đi theo. Bọn họ cũng đã hỏi các nhân viên của lãnh sự quán, những người đã ghi chép lại sự việc nhưng không lập hồ sơ báo với cảnh sát. Câu chuyện vẫn vậy: người phụ nữ đó đã trốn. Cho dù người sử dụng lao động có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, khi một người giúp việc biến mất, thường là cô ta sẽ tìm kiếm một công việc tốt hơn ở đâu đó hoặc cố gắng để thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi. Đó là chuyện bình thường, và đến khi tìm được một thi thể, cảnh sát không có cách nào để chứng minh được đó có phải một trò xấu xa không. Bọn họ đã không gặp may khi lần theo kẻ đã tuyển mộ cô Cortez, Sonny Esposa. Hắn đã biến mất từ rất lâu rồi. Ibrahim xem xét tỉ mỉ những diễn biến của sự việc - những cuộc hỏi chuyện, những lần đi xe, những cuộc trao đổi ngoài lề với đồng sự của ông - trong phân nửa trạng thái hoang mang. Ông thấy hình ảnh Sabria ở khắp mọi nơi ở phòng khách, ở văn phòng lãnh sự, trong phòng họp cảnh sát. Ông hình dung rõ hình ảnh Amelia đang đi bộ dọc con phố có lẽ đang chạy việc lặt vặt cho chủ thuê mình - Cô có thể ra tiệm bánh mua ít bánh mỳ, và ra cửa hàng ở góc phố mua ít sữa được không? - và rồi Sabria chen ngang vào khung cảnh đó, mặc áo trùm và đeo mạng che mặt, và chính Sabria vào nhầm chiếc taxi, bị chĩa súng và tê liệt vì khiếp sợ. Chính Sabria đã bị đưa đến rìa sa mặc, bị đánh thuốc mê, sau đó bị đánh đập và bị bắn vào đầu rồi bị chặt tay.

Ông không biết làm thế nào tên sát nhân bắt được các nạn nhân của hắn, và ông vẫn còn chút khiếp sợ mơ hồ trước những người phụ nữ bị sát hại. Nhưng trong tâm trí Ibrahim, sự thực đã rõ như ban ngày. Thuốc mê. Dây trói bằng nhựa bền chắc. Một khẩu súng bán tự động có bộ phận giảm thanh. Một thanh kiếm nhỏ để chặt tay. Ông ý thức được rằng việc dựng lên những hình dung trong tâm tưởng có xen lẫn các giả định và nỗi sợ hãi cá nhân là không đúng nguyên tắc, nên ông để mặc những hình ảnh lướt qua như một bộ phim câm và tự nhắc mình mình rằng điều đó là không hợp lý khi Sabria, một phụ nữ với thiên hướng bất tín đối với đàn ông, lại bị ai đó bắt, kể cả khi hắn ta có súng. Tương tự với kẻ sát nhân, sẽ không hợp lý nếu hắn ta nhận ra Ibrahim ngay sau khi ông phát hiện ra các tử thi - và tìm ra thi thể và người tình của ông. Đó chính là niềm vui mơ hồ nhất của cái tôi nếu giả định nó chính là trung tâm của vũ trụ.

Chamelle Plaza là một trung tâm mua sắm dành cho phụ nữ bao gồm các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế và các cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp. Nó khiến Katya có cảm giác mình là một người quét đường Indonesia nghèo khổ đang thu lượm những chiếc chai rỗng bên cạnh một cung điện hoàng gia. Mười lăm phút nữa là tới giờ cầu nguyện cuối cùng trong ngày, cả trung tâm nhộn nhịp bởi những nhân viên phục vụ người Sri Lanka đang chăm sóc đám trẻ con trong khi mẹ chúng đi thăm thú các cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp và các tiệm làm móng, hối hả cho xong việc trước khi lời gọi cầu nguyện báo hiệu các cửa hiệu sẽ đóng cửa. Không khí mát mẻ và sạch sẽ. Katya đứng ở khoảng sân trung tâm chờ cho những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt khô ráo và chiếc áo trùm không bám dính vào quần áo của cô nữa. Suy nghĩ đầu tiên của cô là nếu bạn gái của Ibrahim làm việc ở đây thật, thì có khả năng cô ta đã chạy trốn với một doanh nhân giàu có nào đó hoặc thậm chí là một hoàng tử cũng nên. Không hẳn vì cô ta đã gặp anh chàng ấy ở trung tâm mua sắm này; chỉ đơn giản cô ta có lẽ là kiểu người khi đến sẽ sẵn sàng vứt bỏ một cái ví cũ sờn vì những thứ hào nhoáng hơn. Dạo qua những cửa tiệm đắt đỏ với những cô nhân viên trông kiêu kỳ trong bộ đồ Armani chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh cả.

Trước khi rời phòng thí nghiệm, cô đã thử tìm thông tin về những phụ nữ mất tích. Điều đó có lẽ là thừa - Ibrahim hẳn đã kiểm tra rồi - nhưng cô chỉ muốn chắc chắn về điều đó. Cô phát hiện ra thị thực của cô Sabria Gampon quả thực đã hết hạn. Cô ta vẫn chưa bị trục xuất ít nhất là về mặt chính thức; đôi khi phải mất vài tuần cho các công việc giấy tờ. Cô cũng phát hiện Sabria từng làm việc ở Đội Điệp vụ.

Katya tìm được cửa hàng cần tìm: La Mode Internationale. Nó nằm giữa một tiệm trang sức và một quán café nhộn nhịp. Cô đẩy tấm cửa kính bước vào và đi trên nền đá cẩm thạch trắng muốt rộng thênh thang với những sải chân kiêu kỳ mà cô hy vọng phù hợp với những thứ thời trang cao cấp xung quanh mình. Những ngóc ngách nhỏ trên tường đều được thắp sáng bằng ánh đèn đỏ, mỗi góc lại treo một chiếc túi xách tay trông giống một chiếc địu trẻ em có phần nôi cứng hơn là túi xách. Một phụ nữ bước tới và chào cô với một nụ cười gắn chặt trên khuôn mặt vênh váo mà Katya đã được hân hạnh gặp ở ngân hàng, nhưng ở đây cô thấy nó thật khó chịu.

“Xin chào quý khách.” Người phụ nữ lên tiếng. Bà ta là một phụ nữ Philippiness trung niên với giọng nói cao vút của một cô gái, nghe không tự nhiên cho lắm, màu son môi thì đỏ chót đến mức người ta khó lòng mà rời mắt được. Tấm biển ghi tên của bà ta là CHONA. “Chúng tôi có thể phục vụ gì cho quý khách hôm nay đây?”

“Tôi đang tìm một người bạn.” Katya nói. “Cô ấy đã kể với tôi về cửa hàng này từ lâu. Tôi sống cùng khu phố và nghĩ nên ghé qua sắm thứ gì đó.”

“Ồ, thật tuyệt.” Chona nói. “Vậy bạn của chị tên gì vậy?”

“Cô ấy tên là Sabria Gampon.”

Nét mặt Chona trở nên lạnh lùng, và bà ta không hề tỏ ra giấu giếm sự khinh ghét. “Sabria không còn làm việc ở đây nữa, tôi e là vậy.”

“Ổ?” Katya tỏ vẻ thất vọng. “Tôi tưởng mới tuần trước cô ấy còn làm việc ở đây.”

Chona lắc đầu. Bà ta len lén nhìn hai vị khách nữ khác phía sau máy tính tiền rồi thì thầm: “Chủ cửa hàng đã yêu cầu Sabria thôi việc từ ba tháng trước. Chúng tôi không hề gặp cô ta từ đó.”

“Ôi, trời.” Katya thốt lên. “Tôi tiếc khi nghe chuyện này.”

“Vâng.” Chona nói. “Nhưng chị đã đên đây rồi, vậy có gì khác chúng tôi có thể giúp chị không?”

“Không, không.” Katya nói. “Liệu Sabria...? Tôi hy vọng là không phải...?”

“Tôi lấy làm tiếc, tôi nhận ra cô ta là bạn chị...”

“Chúng tôi không biết nhau nhiều đến mức ấy đâu.” Katya nói. “Mà thực ra tôi không biết rõ cô ấy một chút nào.”

Chona mím môi. “Chúng tôi phát hiện ra cô ta đang lấy trộm túi xách ở kho sau.”

“Ổ không!”

“Đúng vậy đấy.” Bà ta lắc đầu. “Tôi đã biết ngay từ đầu là sẽ có vấn đề mà. Cô ta luôn đi làm muộn, và thỉnh thoảng còn nghỉ nữa chứ. Cô ta dành rất nhiều thời gian ở trong phòng vệ sinh, kêu ca rằng bị ốm. Cô ta làm việc ở đây được sáu tuần trước khi chúng tôi phát hiện ra sự việc. Người ta thực sự có thể lừa gạt chị.” Một trong hai người khách kia đang tiến về phía họ và Chona vội vàng nói: “Liệu tôi có thể giới thiệu với chị một mẫu túi xách của chúng tôi không?”

“Thôi.” Katya nói. “Nhưng cảm ơn chị nhé.”

Cô rời cửa hàng và liếc nhìn vài chiếc túi xách trông còn lố bịch hơn nữa đặt gần cửa trước. Một trong số đó đáng giá nửa tháng lương của cô.

Cô không thể gọi cho Ibrahim ở trong ô-tô hay ở nhà mà không bị em họ hay bố cô nghe được, vì thế cô ngồi lại trên chiếc ghế băng ở khoảng sân nhộn nhịp, vừa đúng lúc lời gọi cầu nguyện cất lên. Một số phụ nữ bước chậm rãi về phía khu vực cầu nguyện, nhưng hầu hết khách đều ngồi trên ghế băng và uống cà phê, quên luôn việc mặc tưởng bắt buộc của giờ cầu nguyện buổi tốỉ. Ibrahim bắt máy ngay từ tiếng chuông đầu tiên. “Katya.” Ông nín thở nói. “Cảm ơn cô đã gọi.” Cô nghe tiếng xe cộ trên đường qua điện thoại. “Cô phát hiện được gì vậy?” Ông hỏi

.“Tôi không chắc là ông muốn nghe điều này, nhưng theo mấy người phụ nữ ở cửa hàng, Sabria đã không làm việc ở đó ba tháng nay rồi.”

Đáp lại chỉ có sự im lặng và tiếng còi xe ô-tô phía xa.

“Cô có nói với họ rằng cô không đến đó vì vấn đề thị thực không?” Ông hỏi.

“Không hẳn vậy. Tôi nói tôi là một người bạn.”

“Tôi đã biết là cách này sẽ không hiệu quả.” Ông nói gần như với chính mình. “Bạn bè sẽ che chở cho cô ấy.”

“Có vẻ bọn họ không phải bạn bè thân thiết gì.” Katya nói. “Bọn họ nói với tôi là không ưa gì cô ấy ngay từ đầu. Cô ấy luôn đi làm muộn và không làm việc. Làm việc được sáu tuần thì cô ây bị bắt quả tang lấy trộm túi xách trong kho. Họ dường như không vui vẻ chút nào khi nhắc đến cô ây. Trực giác của tôi mách bảo rằng người phụ nữ tôi đã gặp ở đó không hề dựng chuyện.”

“Không thể.” Ông nói. “Chính tôi vẫn thường đưa cô ấy đi làm mà. Cô ấy đã vào khu mua sắm đó.”

“Có thể cô ấy không kể cho ông nghe về những gì đã xảy ra ở cửa hàng và cô ấy đến chỗ nào đó trong khu mua sắm thì sao? Một cửa hàng khác chẳng hạn?”

“Không thể.” Giọng ông càng kiên quyết hơn. “Cô ấy không nói dối đâu. Cô ấy đã nói là cửa hàng đó mà.”

Katya cảm thấy tiếc cho ông và tự hỏi làm thế nào mà Sabria có thể hoàn toàn đánh lừa ông đến vậy. Không quá khó khi nói dối về nghề nghiệp của cô ta, nhưng để có được lòng tin của ông, lừa dối ông một cách chủ ý - điều này dường như còn khó hơn rất nhiều. Cô nhớ người bảo trợ gần đây nhất của Sabria là sở cảnh sát Jeddah. Cô ta đã làm việc với Ibrahim ở Đội Điệp vụ. Có lẽ cô ta đủ biết làm thế nào để qua mặt người khác, nhưng nếu cô ta thuyết phục được Ibrahim tin vào những lời dối trá của mình, hẳn là ông đã phát điên vì cô ta, sẵn sàng bỏ qua những gì trực giác của ông cảnh báo.

“Tôi biết cô nghĩ tôi đã bị lừa.” Ông nói. “Nhưng tôi hiểu cô ấy. Tôi hiểu cô ấy hơn bất cứ ai. Và cô đúng. Có khả năng cô ấy làm việc gì đó khác trong khu mua sắm đó. Tôi không thể nghĩ được đó là việc gì. Nó có thể là bất cứ việc gì. Nhưng lẽ ra cô ấy có thể nói vói tôi về việc lấy trộm. Tôi hiểu điều này không có lý, nhưng cô phải tin tôi. Cô ấy tin tôi. Và tôi biết một sự thực là hằng ngày cô ấy vẫn đến khu mua sắm đó.”

“Thôi được rồi.” Katya nói. “Ông có bức ảnh nào của cô ấy không? Tôi không thể lấy được tấm ảnh nào trong hồ sơ thị thực”

“Cô đã kiểm tra thị thực rồi à?”

“Vâng.”

“Được rồi. Cảm ơn cô. Và có, tôi sẽ đưa cho cô một bức ảnh.”

Katya ra ngoài tìm Ayman trong bãi đỗ xe. Cô thấy run rẩy, và nó khiến cô bất ngờ. Chẳng có lý do gì phải choáng váng khi một người phụ nữ nói dối người tình. Chuyện có lẽ lúc nào chẳng vậy. Nhưng có điều gì đó trong giọng nói của Ibrahim rất kiên định và chắc chắn. Ông không đổ vỡ trước cú sốc Sabria biến mất; ông đang lo lắng. Ông biết có chuyện không hay đã xảy ra.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...