Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 4: Bài học sinh tồn


Chương trước Chương tiếp

Thứ Năm, 7/6/1973 (Henry 27 tuổi, và Henry 9 tuổi)

HENRY: Tôi đang đứng bên kia đường đối diện với Viện Nghệ thuật Chicago vào một ngày tháng Sáu nắng chói chang năm 1973, cùng với tôi tuổi lên chín. Thằng bé du hành đến từ thứ Tư; còn tôi đến từ năm 1990. Chúng tôi có một buổi chiều dài và một buổi tối để tiêu khiển cùng nhau, nên chúng tôi đã đến một trong những viện bảo tàng nghệ thuật tuyệt vời nhất thế giới cho bài học móc túi.

“Chúng ta không thể chỉ thưởng ngoạn thôi sao?” Henry nài nỉ. Thằng bé đang lo lắng. Nó chưa bao giờ làm việc này.

“Không. Cháu cần phải học. Cháu sẽ sống sót thế nào nếu không biết ăn trộm?”

“Ăn xin.”

“Ăn xin rất phiền phức, cháu sẽ không ngừng bị công an gô cổ. Nghe này, khi chúng ta vào trong đó, chú muốn cháu đứng càng xa chú càng tốt, giả vờ như chúng ta không biết nhau. Nhưng đủ gần để theo dõi những gì chú làm. Nếu chú đưa vật gì cho cháu, đừng làm rơi nó, hãy nhét nó vào túi nhanh hết mức có thể. Được chứ?”

“Chắc là được. Chúng ta đi xem Thánh George được không?”

“Dĩ nhiên rồi.” Chúng tôi bước qua đại lộ Michigan, đi giữa các sinh viên và những bà nội trợ đang phơi nắng trên bậc thang của viện bảo tàng. Henry vỗ vào một con sư tử bằng đồng khi chúng tôi đi qua.

Tôi cảm thấy hơi áy náy. Một mặt, tôi đang dạy cho chính mình những kĩ năng sinh tồn cần thiết bức bách. Các bài học khác trong chương trình giảng dạy này bao gồm trộm đồ trong cửa hàng, đánh người, cậy khóa, trèo cây, lái xe, đột nhập, nhảy dù vào thùng rác và cách sử dụng những đồ vật kì quái như rèm cửa và nắp thùng rác để làm vũ khí. Mặt khác, tôi đang đầu độc thằng bé ngây thơ tội nghiệp là tôi. Tôi thở dài. Phải có người đứng ra làm thôi.

Hôm nay là ngày nghỉ nên bảo tàng chật kín người. Chúng tôi đứng xếp hàng, di chuyển dần vào cửa chính và chậm rãi trèo lên những bậc thang trung tâm vĩ đại. Chúng tôi bước vào phòng trưng bày nghệ thuật châu Âu và đi lùi từ Hà Lan thế kỉ 17 đến Tây Ban Nha thế kỉ 15. Thánh George đứng hiên ngang, như mọi lần, sẵn sàng đâm xuyên qua con rồng bằng lưỡi giáo mỏng manh của mình, trong khi nàng công chúa áo hồng e thẹn đứng đợi. Bản sao tôi và tôi yêu con rồng bụng vàng vô cùng, và chúng tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi biết giờ chết của nó chưa điểm.

Henry và tôi đứng trước một bức tranh của Bernardo Martorell trong khoảng năm phút, và rồi thằng bé quay về phía tôi. Trong phòng trưng bày lúc này chỉ có hai chúng tôi.

“Không khó lắm đâu”, tôi nói. “Hãy chú ý. Tìm người nào đang lơ là. Quan sát xem họ để ví ở đâu. Hầu hết đàn ông nhét ở túi quần phía sau hoặc túi trong áo vét. Phụ nữ thì để ví sau lưng. Nếu cháu đang ở ngoài đường thì cháu có thể giật cả túi, nhưng làm vậy, cháu sẽ phải chắc chắn rằng có thể chạy nhanh hơn bất kì ai có ý định đuổi theo. Sẽ an toàn hơn nhiều nếu có thể lấy mà không bị ai phát hiện.”

“Cháu xem trên ti vi thấy họ thực hành với chiếc áo vét không người mặc có gắn chuông, nếu họ làm dịch chuyển áo vét trong khi lấy ví thì chuông sẽ kêu lên.”

“Phải, chú cũng đã xem bộ phim đó. Cháu có thể tập ở nhà. Giờ thì theo chú nào.” Tôi dẫn Henry đi từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 17; chúng tôi đến giữa trường phái Ấn tượng Pháp. Viện nghệ thuật này nổi tiếng vì bộ sưu tập tranh thuộc trường phái Ấn tượng của nó. Tôi có thể dừng lại hoặc bỏ đi, nhưng như thường lệ, các căn phòng này chật kín người đang xô lấn, chen chúc nhau cho dù chỉ để kịp liếc nhìn Ngày Chủ Nhật ở La Grande Jatte hoặc một bức Đống rơm của Monet. Henry quá thấp để nhìn qua đầu những người lớn đang chen chúc, nên không thấy được các bức tranh, dù sao thằng bé cũng đang quá lo lắng để ngắm chúng. Tôi liếc quanh căn phòng. Một người phụ nữ cúi xuống đứa con nhỏ đang vặn vẹo khóc rống lên. Hẳn đã đến giờ ngủ trưa của nó. Tôi gật đầu với Henry và bước về phía cô ta. Túi xách của cô ta chỉ có móc gài đơn giản và được đeo trên vai, thả lỏng xuống một bên hông sau lưng. Cô ta hoàn toàn tập trung vào việc dỗ cho con khỏi khóc. Cô ta đang đứng trước bức Cối xay gió đỏ của Toulouse Lautrec. Tôi giả vờ ngắm nó trong lúc đi ngang qua, va phải cô ta, khiến cô ta bổ nhào về phía trước, tôi chụp lấy tay cô ta, “Tôi xin lỗi, tôi không để ý. Cô không sao chứ? Trong này đông quá...” Tay tôi đã luồn vào trong túi xách, cô ta bối rối. Cô ta có cặp mắt sẫm màu, tóc dài và ngực bự, vẫn đang cố giảm đi số cân đã tăng trong thời gian mang thai. Tôi nhìn vào mắt cô ta trong lúc vẫn mò tìm chiếc ví, tiếp tục xin lỗi, ví chạy tuột lên ống tay áo khoác của tôi, tôi nhìn cô ta từ đầu đến chân và mỉm cười, lùi lại, quay người bước đi, ngó nhìn qua vai. Cô ta đã bế con lên và đang nhìn tôi chằm chằm, có chút hụt hẫng. Tôi mỉm cười và bước đi. Henry chạy theo trong lúc tôi đang đi cầu thang bộ xuống Bảo tàng Thiếu niên. Chúng tôi gặp nhau trong nhà vệ sinh.

“Thật kì quái” Henry nói. “Tại sao cô ấy nhìn chú như vậy?”

“Cô ấy cô đơn”, tôi đáp. “Có thể chồng cô ấy thường xuyên vắng nhà.” Sau khi cùng chui vào một buồng vệ sinh, tôi mở ví ra. Tên cô ta là Denise Radke, sống ở Villa Park, Illinois. Cô ta là thành viên của viện bảo tàng và là cựu sinh viên Đại học Roosevelt. Cô ta mang theo 20 đô la tiền mặt, chưa kể tiền xu. Tôi chìa tất cả ra cho Henry xem trong im lặng, rồi đặt mọi thứ trở lại vào ví và đưa cho thằng bé. Chúng tôi bước ra khỏi buồng, ra khỏi nhà vệ sinh, quay trở lại cổng vào viện bảo tàng. “Đưa nó cho bảo vệ. Nói rằng cháu nhặt được trên sàn nhà.”

“Tại sao?”

“Chúng ta không cần đến nó; chú chỉ muốn làm mẫu cho cháu thôi.” Henry chạy lại phía bảo vệ - một phụ nữ da màu đứng tuổi - bà ta mỉm cười và cúi xuống ôm Henry nửa vời. Thằng bé chậm rãi quay trở lại và chúng tôi đi chỗ khác, cách đó chừng năm mét. Tôi đi trước dẫn đường xuống hành lang dài tối mò mà về sau sẽ là nơi trưng bày nghệ thuật trang trí và dẫn tới việc mở rộng khu nhà Lúa, còn lúc này chỉ là nơi chứa đầy áp-phích quảng cáo. Tôi đang tìm một mục tiêu dễ, và ngay trước mắt là đối tượng trong mơ của một kẻ móc túi. Lùn xủn, béo tốt, da cháy nắng, hắn ta trông như thể vừa đi lạc từ sân vận động Wrigley Field trong chiếc mũ bóng chày và cái quần vải poly với chiếc áo sơ mi ngắn tay, khuy nổi màu xanh sáng. Hắn đang lên lớp cho cô bạn gái rụt rè về Vincent van Gogh.

“Ông ta cắt tai của mình và tặng cho cô gái. Sao, em có thích được tặng một thứ như vậy không? Một cái tai nhé. Người ta ném ông ấy vào nhà thương điên...”

Tôi không dằn vặt chút nào khi phải móc túi gã này. Hắn điềm nhiên bước đi, cứ ông ổng nói không hề biết trời đất, ví nằm trong túi sau bên trái. Hắn ta bụng ễnh, mông lép, và chiếc ví chềnh ềnh vẫy gọi tôi lấy đi. Tôi thong thả đi sau họ. Henry có thể quan sát tường tận cảnh tôi khéo léo thò ngón cái và ngón trỏ vào túi đối tượng rồi nhẹ nhàng rút ví ra. Tôi dừng lại, họ đi tiếp, tôi luồn chiếc ví qua cho Henry và thằng bé nhét ngay vào trong quần khi tôi bước tiếp.

Tôi chỉ cho Henry một số kĩ năng khác như: cách lấy ví từ túi trong áo vét, cách che tay khi đang mò mẫm bên trong túi xách của mục tiêu, sáu cách làm phân tán một người khi đang lấy ví của họ, cách lấy ví ra khỏi ba lô, và cách khiến người ta vô tình chỉ cho bạn họ để tiền ở đâu. Thằng bé đã thư giãn hơn, nó thậm chí bắt đầu thấy thích thú. Cuối cùng, tôi nói, “Được rồi, giờ đến lượt cháu thử.”

Ngay lập tức thằng bé chết điếng. “Cháu không thể.”

“Dĩ nhiên cháu có thể. Hãy nhìn quanh và tìm một đối tượng.” Chúng tôi đang đứng trong phòng tranh Nhật Bản. Trong phòng toàn các phụ nữ luống tuổi.

“Không phải ở đây.”

“Vậy ở đâu?”

Thằng bé suy nghĩ một chút. “Trong nhà hàng.”

Chúng tôi im lặng đi đến nhà hàng. Tôi vẫn còn nhớ như in chuyện xảy ra. Tôi đã vô cùng sợ hãi. Tôi nhìn thằng bé và biết chắc điều đó, mặt nó trắng bệch vì sợ. Tôi mỉm cười, vì tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi đứng cuối hàng đợi đến lượt vào nhà hàng sân vườn. Henry nhìn quanh, suy nghĩ.

Đứng trước chúng tôi là người đàn ông trung niên cao lêu nghêu đang mặc một bộ vét nhẹ được may tinh tế màu nâu; không có cách nào biết được ông ta để ví ở đâu. Henry tiến lại gần, trên tay cầm một trong những chiếc ví tôi đã móc được trước đó.

“Đây có phải ví của bác không ạ?” Henry nhỏ nhẹ nói. Nó rơi dưới đất.”

“Hả? Ồ”, người đàn ông sờ túi quần sau bên phải để kiểm tra thấy ví của mình vẫn còn nguyên, ông ta nhoài người về phía Henry để nghe thằng bé rõ hơn, nhận lấy chiếc ví từ tay Henry và mở ra “Cháu nên đưa nó đến cho bảo vệ. Ồ, trong này có khá nhiều tiền.” người đàn ông liếc mắt qua cặp kính dày cộm của mình để nhìn Henry, trong khi ông ta nói và Henry luồn tay ra sau dưới lớp áo của ông ta, móc lấy chiếc ví. Vì Henry đang mặc áo phông ngắn tay nên tôi bước lại gần và nhận lấy chiếc ví từ thằng bé. Henry bỏ đi theo hướng người đàn ông chỉ dẫn, và tôi theo sau, vượt qua Henry, dẫn nó ra ngoài bảo tàng, qua mặt bảo vệ, tiến vào đại lộ Michigan cho đến khi chúng tôi dừng lại cười ranh mãnh ở Café Artists, nơi chúng tôi tự thưởng cho mình hai li kem sữa và khoai tây rán bằng những đồng tiền chúng tôi kiếm được (một cách không chính đáng). Chúng tôi ném tất cả số ví vào thùng thư sau khi đã móc hét tiền, và thuê một phòng ở Palmer House.

“Thế nào?” Tôi hỏi khi đang ngồi trên thành bể tắm nhìn Henry đánh răng.

“Sao ạ?” Henry trả lời, miệng đầy bọt kem đánh răng.

“Cháu thấy thế nào?”.

Thằng bé nhổ bọt. “Về cái gì cơ?”

“Móc túi.”

Nó nhìn tôi qua gương nói “Không tệ”, rồi quay lại nhìn thẳng vào tôi, miệng cười toe toét, “Cháu đã làm được!”

“Cháu đã làm rất tốt!”

“Đúng nhỉ?” Nụ cười vụt tắt. “Henry, cháu không thích du hành thời gian một mình. Đi với chú tốt hơn. Chú không thể luôn đi cùng cháu sao?”

Thằng bé đang đứng quay lưng lại phía tôi, và chúng tôi nhìn nhau trong gương. Tội nghiệp thằng bé tôi nhỏ bé: lưng gầy nhom, hai xương đòn gánh chòi ra như đôi cánh non. Thằng bé quay lại đợi câu trả lời, và tôi biết phải nói với nó điều gì. Tôi xoay thằng bé lại và bế nó lên để chúng tôi đứng ngang tầm nhau, mặt cùng quay vào gương.

“Cháu nhìn xem.” Chúng tôi quan sát cái bóng của nhau, cặp song sinh trong phòng tắm nguy nga mạ vàng ở Palmer House. Tóc chúng tôi cùng có màu nâu đen, mắt chúng tôi có cùng cái nhìn u ám và thâm quầng, vành tai có hình dáng y hệt nhau. Tôi cao và to con hơn, râu cạo nhẵn. Thằng bé mảnh khảnh, vụng về, chẳng có gì ngoài da và xương. Tôi đưa tay lên vuốt ngược tóc ra sau, chỉ cho thằng bé thấy vết sẹo sau tai nạn. Thằng bé làm theo trong vô thức, đưa tay chạm vết sẹo trên trán nó.

“Nó giống hệt của cháu”, thằng bé tôi nói, vẻ ngạc nhiên thích thú. “Sao chú cũng có nó?”

“Cùng một lí do như cháu. Nó cùng là một vết sẹo. Chúng ta là một.”

Một chút mơ hồ. Tôi đã không hiểu, rồi tôi hiểu, đơn giản vậy đấy. Tôi đứng nhìn nó diễn ra. Tôi muốn được trở thành cả hai chúng tôi cùng một lúc, để một lần nữa cảm nhận cảm giác quá sức chịu đựng, để lần đầu tiên nhìn thấy sự trộn lẫn giữa hiện tại và tương lai. Tôi đã quá quen thuộc, quá thoải mái với nó, nên tôi chỉ có thể ở ngoài nhìn vào, nhớ lại sự kì diệu của tuổi lên chín đột nhiên nhận ra người bạn, người chú, người hướng dẫn cũng chính là tôi. Tôi, chỉ tôi. Cô đơn du hành giữa dòng thời gian.

“Chú là cháu?”

“Khi cháu lớn lên.”

“Nhưng... còn những người khác thì sao?”

“Những người du hành thời gian khác?”

Thằng bé gật đầu.

“Chú không nghĩ còn ai khác. Chú chưa từng gặp bất kì ai.”

Nước mắt rớm chảy trong khóe mắt trái của thằng bé. Khi còn nhỏ, tôi đã hình dung ra cả một cộng đồng những người du hành thời gian, mà ở đó, Henry, người thầy giáo của tôi, là một đặc phái viên được cử đến hướng dẫn cho tôi để chuẩn bị cho sự gặp mặt sau cùng trong tình thân bao la. Giờ tôi vẫn cảm thấy như một kẻ bị ruồng bỏ, như thành viên cuối cùng của một loài giống đã từng đông đảo. Hệt như khi Robinson Crusoe khám phá ra bước chân trên bãi biển rồi nhận ra đó là của chính mình. Tôi, nhỏ như một chiếc lá, mỏng manh như làn nước, bắt đầu bật khóc. Tôi ôm lấy thằng bé, ôm lấy tôi, thật lâu.

“Sau đó chúng tôi gọi hai cốc sô-cô-la nóng và xem Johnny Carson. Henry chìm vào giấc ngủ khi đèn vẫn còn sáng. Khi chương trình kết thúc tôi nhìn qua và thằng bé đã biến mất, nó đã quay trở lại căn phòng cũ của bố tôi, đứng ngái ngủ bên cạnh chiếc giường rồi thả mình xuống đó trong hân hoan. Tôi tắt ti vi và tắt đèn ở đầu giường. Những âm thanh ồn ào của đường phố năm 1973 luồn qua ô cửa sổ đang mở vào trong phòng. Tôi muốn về nhà. Tôi nằm trên chiếc giường cứng ngắc của khách sạn, lẻ loi và đơn độc. Tôi vẫn không hiểu.

Chủ Nhật, 10/10/1978 (Henry 15 tuổi, và Henry 15 tuổi)

HENRY: Tôi đang ở trong phòng ngủ với tôi. Cậu ấy đến từ tháng Ba tới. Chúng tôi đang làm việc chúng tôi vẫn thường làm mỗi khi có được chút riêng tư, khi ngoài trời lạnh cóng, khi cả hai chúng tôi đã dậy thì mà chưa có bạn gái để trải nghiệm. Tôi nghĩ ai cũng sẽ làm vậy nếu họ có cơ hội tốt. Ý tôi là, tôi không đồng tính.

Đã gần đến trưa Chủ Nhật. Tôi có thể nghe thấy tiếng chuông vang lên từ nhà thờ Thánh Joe. Tối qua bố về muộn; tôi nghĩ chắc hẳn ông đã ghé quán bar sau khi buổi hoà nhạc kết thúc; ông đã say mèm và ngã xuống cầu thang, tôi phải kéo ông vào phòng và đặt lên giường. Tôi nghe thấy tiếng ông ho và tiếng ông lượn lờ trong bếp.

Tôi kia có vẻ bị phân tán; cậu ấy cứ không ngừng nhìn ra cửa. “Có chuyện gì thế?” Tôi hỏi. “Không có gì cả,” cậu ấy đáp. Tôi đứng dậy kiểm tra khoá cửa. “Đừng,” cậu ấy thì thào. Có vẻ như cậu ấy phải cố gắng lắm để mở miệng. “Tiếp tục nào,” tôi nói.

Tôi nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của bố ngoài cửa. “Henry?” ông nói và tay nắm cửa từ từ quay. Tôi đột ngột nhận ra mình đã vô tình mở cửa lúc đứng dậy kiểm tra; Henry nhảy bổ ra chặn lại nhưng đã quá muộn: Bố thò đầu vào và thấy chúng tôi in flagrante delicto[1]. “Ôi”, ông thảng thốt. Mắt ông mở to hết mức có thể và mặt ông lộ vẻ kinh hãi. “Chúa ơi, Henry.” Ông đóng cửa lại. Tôi nghe thấy tiếng bước chân ông quay trở về phòng mình. Tôi ném cho tôi cái nhìn trách móc trong khi mặc vội chiếc quần jean và áo phông vào. Tôi đi dọc hành lang đến phòng ngủ của bố. Cửa đóng. Tôi gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi đợi. “Bố?” Im lặng. Tôi mở cửa. “Bố?” Ông đang ngồi trên giường quay lưng lại phía tôi. Ông vẫn cứ ngồi đó. Tôi đứng ở ngưỡng cửa một lúc nhưng không đủ can đảm để bước vào phòng. Cuối cùng, tôi đóng cửa lại và đi về phòng.

[1] In flagrante delicto: tiếng Latin, có nghĩa ”Bắt quả tang tại trận”- ND.

“Đó hoàn toàn là lỗi của cậu”, tôi gay gắt mắng tôi. Cậu ấy đang mặc quần jean, ngồi trên ghế, gục đầu vào hai bàn tay. “Cậu đã biết, cậu biết nó sẽ diễn ra mà chẳng nói gì. Tính tự bảo vệ của cậu đâu rồi hả? Cậu có bị làm sao không thế? Biết trước tương lai thì có ích lợi gì nếu cậu không thể giúp chúng ta tránh khỏi bẽ mặt...”

“Im đi”, Henry rên rỉ. “Cậu im đi.”

“Tớ sẽ không im”, tôi lên giọng. “Tất cả những gì cậu cần làm chỉ là lên tiếng.”

“Nghe này”, cậu ấy nhìn tôi vẻ thoái thác. “Nó giống như ngày hôm đó ở sân trượt băng.”

“Ôi, chết tiệt.” Vài năm trước, tôi nhìn thấy một cô bé bị quả bóng khúc côn cầu trên băng đập vào đầu. Thật khủng khiếp. Về sau tôi được biết cô bé chết trong bệnh viện. Rồi tôi bắt đầu du hành thời gian quay trở lại ngày hôm đó, hết lần này đến lần khác, và tôi muốn cảnh báo cho mẹ cô bé, nhưng không thể. Nó giống như tôi chỉ là một khán giả đang ngồi xem phim. Tôi như một bóng ma. Tôi đã cố hét lên, “Không, hãy đưa cô bé về nhà, đừng để cô bé lại gần mặt băng, đưa cô bé đi, cô bé sẽ bị thương, cô bé sẽ chết đấy”, để rồi nhận ra tất cả những câu chữ đó chỉ vang lên trong đầu tôi, và mọi thứ lại diễn ra đúng như nó đã diễn ra.

Henry nói, “Cậu nói về thay đổi tương lai, nhưng đối với tớ đây là quá khứ, và theo những gì tớ biết, tớ chẳng thể làm gì được cả. Tớ đã thử, nhưng chính vì thử mà nó đã diễn ra. Nếu tớ không nói gì cả, cậu sẽ không đứng dậy...”

“Vậy tại sao cậu còn nói?”

“Vì tớ đã. Và cậu sẽ. Cứ chờ mà xem.” Cậu ấy nhún vai. “Giống như tai nạn của mẹ vậy. Immer wieder[2]” Luôn luôn tái diễn, luôn luôn giống nhau.

[2] Immer wieder (tiếng Đức): Một lần nữa và một lần nữa.

“Tự do ý muốn ở đâu?”

Cậu ấy đứng dậy, đi đến bên cửa sổ và nhìn ra sân sau nhà Tatinger. “Tớ vừa nói chuyện với bản thể khác của chúng ta năm 1992. Anh ấy có nhắc đến một điều rất thú vị: anh ấy nghĩ chỉ có tự do ý muốn khi chúng ta ở trong thời gian, trong hiện tại. Khi ở trong quá khứ, chúng ta chỉ có thể làm điều chúng ta đã làm, và chúng ta chỉ có thể ở đó nếu chúng ta đã ở đó.”

“Nhưng bất kể tớ ở đâu, đó sẽ là hiện tại của tớ. Chẳng phải tớ sẽ có thể quyết định...”

“Không. Không thể.”

“Anh ấy đã nói gì về tương lai?”

“Nghĩ mà xem. Cậu đi tới tương lai, cậu làm điều gì đó rồi quay trở lại hiện tại. Thì điều cậu đã làm là một phần của quá khứ. Nên đó cũng là điều không tránh khỏi.”

Tôi có cảm giác xen lẫn kì quái giữa tự do và tuyệt vọng. Tôi toát mồ hôi; tôi mở cửa sổ và không khí lạnh tràn vào trong phòng. “Nhưng như vậy thì tớ không phải chịu trách nhiệm cho bất kì điều gì tớ làm khi không ở trong hiện tại.”

Cậu ấy mỉm cười. “Tạ ơn Chúa.”

“Và mọi chuyện đã diễn ra rồi.”

“Có vẻ như vậy.” Cậu ấy đưa tay xoa mặt, tôi nhận thấy cậu ấy cần cạo râu đôi chút. “Nhưng anh ấy nói rằng cậu phải hành xử như thể cậu có tự do trong ý chí, như thể cậu phải chịu trách nhiệm cho việc mà cậu đã làm.”

“Tại sao? Điều đó thì có quan trọng gì?”

“Nếu không, mọi chuyện sẽ rất tệ.”

“Anh ấy đã trải nghiệm nó?”

“Phải”

“Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”

“Bố sẽ phớt lờ cậu trong ba tuần tới. Và chuyện này” - cậu ấy khua tay trên giường - “chúng ta phải dừng kiểu gặp mặt này”

Tôi thở dài. “Được rồi. Còn gì nữa không?”

“Vivian Teska.”

Vivian là cô gái trong lớp hình học, người tôi thèm khát nhưng chưa từng nói một lời với cô ấy.

“Sau buổi học ngày mai, hãy đến rủ cô ấy đi chơi.”

“Tớ thậm chí còn không biết cô ta.”

“Tin tớ đi.” Cậu ấy nhìn tôi cười tự mãn, theo kiểu khiến tôi tự hỏi vì lí do quái quỷ gì mà tôi nên tin cậu ta, nhưng tôi rất muốn tin. “Được rồi.”

“Tớ nên đi. Đưa tiền cho tớ.” Tôi phát chán cho cậu ta 20 đô la. “Thêm đi.” Tôi đưa thêm 20 đô la nữa.

“Đó là tất cả những gì tớ có.”

“Được rồi.” Cậu ấy mặc vào quần áo lôi ra từ đống đồ tôi không cảm thấy phiền nếu không được nhìn thấy một lần nữa. “Áo khoác?” Tôi đưa cho cậu ấy chiếc áo len trượt tuyết Peru mà tôi luôn ghét. Cậu ấy nhăn mặt rồi mặc nó vào. Chúng tôi đi tới cửa sau của căn hộ. Chuông nhà thờ điểm giữa trưa. “Tạm biệt”, tôi nói.

“Chúc may mắn”, tôi nói, xúc động kì quái trước bóng hình của chính tôi lầm lũi vào vô định, vào trong cái lạnh của buổi sáng Chủ Nhật Chicago mà cậu ấy không thuộc về. Cậu ấy giậm thình thịch xuống những bậc thang gỗ, còn tôi âm thầm quay trở lại căn hộ.

Thứ Tư, 17/11/ - Thứ Ba, 28/9/1982 (Henry 19 tuổi)

HENRY: Tôi đang ngồi trên ghế sau của chiếc xe cảnh sát Zion, Illinois, tôi đang đeo một chiếc còng tay và chẳng còn gì nhiều hơn thế trên người. Bên trong xe cảnh sát nồng nặc mùi thuốc lá, đồ da, mồ hôi và một mùi khác mà tôi không thể xác định. Có lẽ là mùi của sự hoảng loạn. Mắt trái của tôi sưng vù và phần trước cơ thể chằng chịt những vết bầm tím, vết cắt và đất bẩn sau khi bị chế ngự bởi hai cảnh sát hộ pháp trên nền nhà đầy thủy tinh vỡ trong trạng thái không một mảnh vải che thân. Viên cảnh sát đang đứng bên ngoài xe nói chuyện với người dân quanh đó, ít nhất một người trong số họ đã nhìn thấy tôi đang tìm cách đột nhập vào căn nhà Victoria vàng và trắng mà xe đang đỗ trước mặt. Tôi không biết mình đang ở thời gian nào. Tôi chỉ mới đến đây một giờ đồng hồ và đã dính vào rắc rối to. Tôi rất đói, rất mệt. Đáng lẽ tôi phải đang có mặt tại buổi họp chuyên đề Shakespeare của tiến sĩ Quarrie, hẳn là tôi đã bỏ lỡ. Thật tệ. Hôm nay chúng tôi sẽ bàn về Giấc mộng đêm hè.

Điểm có lợi ở chiếc xe cảnh sát này là: nó ấm và không ở Chicago. Cảnh sát Chicago ghét tôi vì tôi không ngừng biến mất trong khi bị tạm giam, và họ không thể hiểu vì sao. Chưa kể tôi từ chối nói chuyện với họ, nên họ vẫn không biết tôi là ai và ở đâu. Ngày họ tìm ra sẽ là ngày tử của tôi, vì có khá nhiều trát dưới tên tôi: đột nhập, ăn trộm, chống đối người thi hành công vụ, vượt trại tạm giam, xâm phạm đất đai, ở truồng nơi công cộng, trấn lột, và nhiều nữa. Có thể bạn sẽ nghĩ tôi là một tên tội phạm ngớ ngẩn, nhưng thực ra rắc rối chủ yếu là thật khó để trở nên kín đáo khi bạn đang lõa lồ. Lén lút và tốc độ là tài sản chính của tôi, nhưng khi tôi đang bẻ khóa đột nhập vào nhà người ta giữa thanh thiên bạch nhật mà lại trần truồng, thì đôi khi không được thành công cho lắm. Tôi đã bị bắt bảy lần, và cho đến giờ tôi luôn biến mất trước khi họ kịp lấy vân tay của tôi hay chụp ảnh.

Người dân xung quanh cứ không ngừng nhòm qua cửa xe cảnh sát nhìn tôi. Tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm. Chuyện này đang kéo dài quá lâu. Chết tiệt, tôi ghét thế này. Tôi thả người phía sau và nhắm mắt lại.

Cửa xe mở ra. Không khí lạnh - mắt tôi choàng mở - và trong thoáng chốc tôi nhìn thấy song sắt kim loại phân cách giữa khoan trước và sau, những chiếc ghế nhựa nứt nẻ, đôi tay tôi trong chiếc còng, đôi chân đang sởn gai ốc vì lạnh, bầu trời phẳng lặng sau ô cửa kính, chiếc mũ cảnh sát đặt trên bảng đồng hồ, bìa kẹp hồ sơ trên tay viên cảnh sát, khuôn mặt đỏ au của ông ta, lông mày xám xịt thành từng múi và các ngấn dưới cằm xệ xuống như rèm cửa - mọi thứ mờ nhạt, óng ánh, đủ màu như bươm bướm và viên cảnh sát nói, “Này, hắn ta như đang bị...” hai hàm răng tôi đập mạnh vào nhau và chiếc xe cảnh sát biến mất trước mắt tôi, tôi nằm ngửa mặt lên trời trong sân sau nhà tôi. Hay lắm. Hay lắm! Tôi hít đầy khí trời đêm tháng Chín ngọt ngào vào phổi. Tôi đứng dậy và xoay cổ tay, nơi chiếc còng vẫn còn để lại vết.

Tôi cười và cười. Tôi lại trốn thoát một lần nữa! Houdini, Prospero, hãy chú ý, tôi cũng là nhà ảo thuật nữa.

Cơn buồn nôn chiếm lấy tôi và tôi ói lên bụi cúc của Kimy.

Thứ Bảy, 14/5/1983 (Clare 11 tuổi, gần bước sang tuổi 12)

CLARE: Hôm nay là sinh nhật của Mary Christina Heppworth, tất cả các bạn gái lớp Năm ở trường Thánh Basil đang ngủ qua đêm tại nhà Mary. Chúng tôi dùng pizza, co-ca và sa-lát hoa quả cho bữa tối. Cô Heppworth đã làm một cái bánh to bự có hình đầu con ngựa một sừng với dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Mary Christina” bằng kem màu đỏ. Chúng tôi hát chúc mừng sinh nhật rồi Mary Christina thổi tắt 12 ngọn nến bằng một hơi. Tôi nghĩ tôi biết bạn ấy đã ước gì; bạn ấy ước mình đừng cao thêm nữa. Ít nhất đó là điều tôi sẽ ước nếu tôi là bạn ấy. Mary Christina là người cao nhất trong lớp chúng tôi. Bạn ấy cao 1 mét 75. Cô Heppworth thấp hơn Mary Christina một chút, nhưng bố bạn ấy thì rất, rất cao. Có lần Helen đã hỏi Mary Christina và bạn ấy bảo, ông cao gần 2 mét. Mary Christina là con gái duy nhất trong nhà, tất cả các anh trai của bạn ấy cũng rất cao và đều cạo râu nhẵn nhụi. Họ không thèm ngó ngàng đến chúng tôi mà chỉ chăm chú ăn thật nhiều bánh. Patty và Ruth cứ không ngừng khúc khích mỗi khi họ đi ngang qua. Thật xấu hổ. Mary Christina bắt đầu mở quà. Tôi đã tặng bạn ấy một chiếc áo len có viền ren màu xanh lá hãng Laura Ashley giống hệt chiếc áo màu xanh da trời của tôi mà bạn ấy rất thích. Sau bữa tối chúng tôi cùng nhau xem The Parent Trapy, cả nhà Heppworth cứ lởn vởn xung quanh để trông chúng tôi cho đến khi chúng tôi thay phiên nhau mặc đồ ngủ trong phòng tắm tầng hai rồi lũ lượt đổ về phòng Mary Christina, căn phòng được trang trí toàn màu hồng, đến cả thảm trải sàn cũng vậy. Bạn có thể thấy bố mẹ Mary Christina đã mừng đến thế nào khi cuối cùng cũng sinh được một cô con gái sau tất cả ngần ấy cậu con trai. Ai cũng mang theo túi ngủ nhưng chúng tôi xếp chồng chúng lại một bên phòng và cùng ngồi lên giường của Mary Christina lẫn dưới sàn nhà. Nancy có một chai rượu sơ-náp bạc hà, mỗi người chúng tôi uống một ít. Nó có vị thật khủng khiếp, tôi có cảm giác như thể cả lọ dầu Vicks VapoRub vừa chui tọt vào ngực. Chúng tôi chơi Sự thật hay thử thách. Ruth thách Wendy chạy dọc hành lang mà không mặc áo. Wendy hỏi Francie, Lexi - cô chị gái 17 tuổi của Frencie - mặc áo ngực cỡ bao nhiêu. (Câu trả lời: 38D), Francie hỏi Gayle bạn ấy đã làm gì với Michael Planner ở Dairy Queen thứ Bảy tuần trước. (Câu trả lời: ăn kem.) Sau một hồi, chúng tôi đã chán trò chơi này, chủ yếu vì chẳng thể nghĩ ra sự thách đố nào đủ khó mà chúng tôi dám làm, và vì tất cả chúng tôi đều đã biết hết mọi thứ về nhau - chúng tôi đã học cùng nhau kể từ mẫu giáo. Mary Christina nói, “chơi cầu cơ đi”, và chúng tôi đồng ý, vì đây là sinh nhật của bạn ấy, và vì trò này khá vui. Bạn ấy lấy tấm bảng từ trong tủ ra. Chiếc hộp đựng đã méo xẹo, và mũi tên nhựa nhỏ xíu dùng để chỉ vào các chữ cái đã bị mất ô nhựa. Có lần Henry kể cho tôi nghe rằng chú ấy đã tham gia một buổi gọi hồn và ruột thừa của bà đồng bục ra ngay trong lúc đang cầu hồn, họ đã phải gọi xe cấp cứu. Tấm bảng chỉ đủ rộng cho hai người chơi một lúc, nên Mary Christina và Helen đi chơi trước. Luật chơi là bạn phải nói to điều muốn hỏi bằng không sẽ không hiệu nghiệm. Hai bạn ấy thọc ngón tay vào mũi tên nhựa. Helen nhìn Mary Christina, người đang ngần ngại, và Nancy nói, “Hãy hỏi về Bobby”, nên Mary Christina đã hỏi, “Bobby Duxler có thích tôi không?” Mọi người cười khúc khích. Câu trả lời thật ra là không, nhưng cầu cơ đã nói có, nhờ Helen đấy. Mary Christina cười toét miệng, đến nỗi tôi có thể thấy cả hàm trên lẫn hàm dưới của chiếc niềng răng bạn ấy đang đeo. Helen hỏi có bạn trai nào thích bạn ấy không. Chiếc cầu cơ xoay một hồi rồi dừng lại ở D, A, V. “David Henley?” Patty nói và mọi người cười rộ. Dave là người da màu duy nhất trong lớp chúng tôi. Cậu ấy rất nhút nhát, nhỏ con và rất giỏi Toán. “Có thể bạn ấy sẽ giúp bạn làm phép chia nhiều con số”, Laura người cũng rất nhút nhát nói. Helen cười. Bạn ấy rất sợ Toán. “Đây, Clare, bạn và Ruth thử đi.” Chúng tôi thế chỗ Helen và Mary Christina. Ruth nhìn tôi, còn tôi chỉ nhún vai. “Tớ chẳng biết hỏi gì cả”, tôi nói. Mọi người lại khúc khích; có những câu hỏi nào có thể hỏi. Nhưng có rất nhiều điều tôi muốn biết. Mẹ có ổn hay không? Tại sao sáng nay bố mắng Etta. Henry có thật hay không? Mark đã giấu bài tập tiếng Pháp của tôi ở đâu? Ruth nói, “Cậu con trai nào thích Clare?” Tôi ném cho Ruth cái nhìn trách móc, nhưng bạn ấy chỉ mỉm cười. “Cậu không muốn biết sao?” “Không”, tôi nói nhưng vẫn đặt tay vào mũi tên nhựa. Ruth cũng đặt tay vào nhưng chẳng có gì di chuyển. Chúng tôi đều chỉ chạm nhẹ vào nó, chúng tôi đang cố gắng làm đúng cách - không đẩy. Rồi nó từ từ chuyển động. Nó quay vòng rồi dừng lại ở H. Nó tiếp tục tăng tốc. E, N, R, Y. “Henry”, Mary Christina nói. “Henry là ai?” Helen hỏi. “Tớ không biết, nhưng Clare đang đỏ mặt kìa. Clare, Henry là ai?” Tôi chỉ lắc đầu như thể nó cũng là một bí ẩn đối với tôi. “Đến lượt bạn hỏi đấy, Ruth.” Bạn ấy hỏi (ngạc nhiên lớn) ai thích bạn ấy; cầu cơ đánh vần R, I, C, K. Tôi có thể cảm nhận được bạn ấy đang đẩy. Rick là tên thầy Malone, giáo viên Khoa học của chúng tôi, người thích cô Engle, giáo viên tiếng Anh. Tất cả mọi người cười lớn, trừ Patty; Patty cũng thích thầy Malone. Ruth và tôi đứng dậy, Laura và Nancy ngồi xuống. Nancy quay lưng về phía tôi nên tôi không thể nhìn thấy mặt bạn ấy khi bạn ấy hỏi, “Henry là ai?” Mọi người im lặng nhìn tôi. Tôi nhìn tấm bảng. Chẳng có gì. Ngay khi tôi nghĩ mình đã an toàn thì mũi tên nhựa lại bắt đầu quay. Nó chỉ, H. Tôi nghĩ có thể nó lại chỉ nói Henry một lần nữa. Rốt cuộc thì Nancy và Laura đâu biết gì về Henry. Tôi cũng chẳng biết gì nhiều về Henry. Rồi nó tiếp tục quay: U, S, B, A, N, D.[3] Tất cả mọi người nhìn tôi. “Tớ đâu đã kết hôn, tớ mới 11 tuổi.” “Nhưng Henry là ai?” Laura thắc mắc. “Tớ không biết. Có thể là một người tớ chưa gặp.” Bạn ấy gật đầu. Mọi người băn khoăn. Tôi băn khoăn. Chồng? Chồng?

[3] Husband (tiếng Anh): Chồng.

Thứ Năm, 12/4/1984 (Henry 36 tuổi, Clare 12 tuổi)

HENRY: Clare và tôi đang chơi cờ bên đống lửa trong rừng. Đó là một ngày mùa xuân đẹp trời, khu rừng sống động với lũ chim đang ve vãn nhau và làm tổ. Chúng tôi đang né tránh gia đình Clare, họ đã ra ngoài dạo chơi từ trưa. Clare đang bí nước, tôi đã ăn quân hậu của cô ấy từ ba nước trước, cô ấy đã rơi vào thế bí nhưng quyết không đầu hàng mà không đánh trả.

Cô ấy ngước lên nhìn, “Henry, chú thích thành viên nào củaThe Beatles nhất?”

“Dĩ nhiên là John.”

“Tại sao lại là dĩ nhiên?”

“Ringo cũng không tệ nhưng ông ấy khá u ám. Còn George thì khá tân thời so với gu của chú.”

“Tân thời là gì ?”

“Tín ngưỡng kì quái. Nhạc ầm ĩ nhàm chán. Những cố gắng thảm bại để thuyết phục mọi người về tính vượt trội của tất cả mọi thứ liên quan đến người da đỏ. Các loại y học trừ Tây y.”

“Nhưng chú cũng không thích Tây y.”

“Đó là vì các bác sĩ cứ không ngừng bảo chú bị điên. Nếu bị gãy tay, chú sẽ rất chuộng Tây y.”

“Còn Paul thì sao?”

“Paul dành cho các cô gái.”

Clare mỉm cười e thẹn. “Cháu thích Paul nhất.”

“Vì cháu là con gái.”

“Tại sao Paul lại dành cho con gái?”

Cẩn thận nguy hiểm, tôi tự bảo mình, “Ừ thì, Paul giống như Con bọ Hiền lành, cháu hiểu không?”

“Đó là điều xấu sao?”

“Không hề. Nhưng con trai thích những người thú vị hơn, và John là Con bọ Thú vị.”

“Nhưng chú ấy chết rồi.”

Tôi cười. Cháu vẫn có thể trở nên thú vị kể cả sau khi chết. Thậm chí, nó còn dễ hơn, vì cháu không bị già đi, không béo lên và không rụng tóc.”

Clare ngân nga đoạn dạo đầu ca khúccho cô ấy biết, cô ấy vội vàng đi trở lại.

“Tại sao cháu thích Paul?” Tôi hỏi. Tôi ngước lên nhìn vừa kịp lúc để thấy cô ấy đang đỏ mặt ngượng ngịu.

“Chú ấy thật... đẹp”, Clare nói. Có gì đó trong cách cô ấy nói khiến tôi cảm thấy kì lạ khó tả. Tôi quan sát bàn cờ và nhận ra nếu Clare lấy quân Mã ăn Tượng của tôi thì cô ấy sẽ có thể chiếu tướng. Tôi tự hỏi có nên chỉ cho cô ấy biết. Nếu cô ấy còn nhỏ hơn một chút, tôi sẽ nói, nhưng 12 tuổi đã đủ lớn để tự xoay sở cho chính mình. Clare đang mơ màng nhìn bàn cờ. Tôi nhận ra mình đang ghen. Chúa ơi. Tôi không thể tin mình đang ghen với ngôi sao nhạc rock tỉ phú đủ già để làm bố Clare.

“Hừm”, tôi nói.

Clare ngước lên nhìn, mỉm cười ngây thơ. “Chú thích ai?”

Em, nhưng tôi không nói. “Ý cháu là khi chú ở tuổi cháu?”

“Ừm, phải. Chú ở tuổi cháu khi nào?”

Tôi nhẩm tính trước khi buồn rầu đáp. “Chú ở tuổi cháu vào năm 1975. Chú nhiều hơn cháu tám tuổi.”

“Vậy là chú 20 tuổi ?”

“Không. Chú 36 tuổi.” Đủ già để làm bố cháu.

Clare nhíu mày. Toán không phải môn học ưa thích của cô ấy. “Nhưng nếu chú 12 tuổi vào năm 1975 thì...”

“Ồ, xin lỗi. Cháu nói đúng. Ý chú là, chú hiện tại 36 tuổi, nhưng ở đâu đó ngoài kia...” tôi khua tay về phía nam“, chú mới 20. Ở thời điểm này.”

Clare cố gắng để tiếp nhận thông tin này. “Vậy có hai chú?

Không hẳn. Lúc nào cũng chỉ có một chú. Nhưng khi du hành, đôi khi chú đến nơi chú đã có mặt rồi, và phải, khi đó cháu có thể nói có hai chú. Hoặc nhiều hơn.” .

“Tại sao cháu chưa bao giờ gặp nhiều hơn một chú?”

“Cháu sẽ. Khi chú và cháu gặp nhau ở hiện tại của chú việc đó diễn ra khá thường xuyên.” Nhiều hơn chú muốn, Clare ạ.

“Chú đã thích ai ở năm 1975?”

“Không có ai cả. Ở tuổi 12, chú có nhiều thứ khác để lo lắng. Nhưng khi 13 tuổi, chú đã rất thích Patty Hearst.”

Clare có vẻ khó chịu. “Bạn cùng trường với chú?”

Tôi cười. “Không. Cô ấy là một nữ sinh đại học người California bị bắt cóc bởi những kẻ khủng bố chính trị tệ hại, chúng bắt cô ấy phải cướp nhà băng. Cô ấy xuất hiện trên bản tin mọi tối trong suốt nhiều tháng liền.”

“Chuyện gì xảy ra với chị ấy? Tại sao chú thích chị ấy?”

“Cuối cùng họ cũng thả cô ấy ra, cô ấy kết hôn và sinh con, giờ thì cô ấy đã trở thành một quý bà giàu có ở California. Tại sao chú thích cô ấy? Chú cũng không biết. Nó không có logic gì cả. Chú nghĩ có lẽ vì chú biết cảm giác của cô ấy, bị đem đi nơi khác và buộc phải làm những điều mình không muốn, rồi sau đó lại có vẻ như bắt đầu thấy thích thú với nó.”

“Chú có làm những việc chú không muốn không?”

“Có. Thường xuyên.” Chân tôi tê cứng, tôi phải đứng dậy và lắc cho đến khi nó ngứa ran. “Không phải lúc nào chú cũng an toàn và yên ấm như khi du hành đến chỗ cháu, Clare ạ. Hầu hết chú xuất hiện ở những nơi chú phải ăn trộm quần áo và đồ ăn.”

“Ồ.” Mặt cô ấy tối sầm lại, rồi cô ấy nhận ra nước đi của mình và ngước lên nhìn tôi đắc thắng. “Chiếu tướng!”

“Giỏi lắm!” Tôi khen. “Cháu đích thị là nữ hoàng Cờ Vua.

“Đúng vậy”, Clare nói, mặt đỏ bừng vì tự hào. Cô ấy bắt đầu xếp lại bàn cờ. “Lại chứ?”

Tôi giả vờ liếc nhìn chiếc đồng hồ tưởng tượng trên tay. “Được thôi.” Tôi lại ngồi xuống. “Cháu có đói không?” Chúng tôi đã ở ngoài này được vài giờ đồng hồ và đồ ăn đã sắp hết. Tất cả những gì còn lại là chút mẩu vụn của gói Dorito.

“Một chút.” Clare giấu các quân Tốt ra sau lưng; tôi gõ nhẹ vào khuỷu tay phải của cô ấy và cô ấy chìa ra đưa cho tôi quân Tốt trắng. Tôi bắt đầu bằng nước đi mở màn cơ bản, quân Tốt Hậu đi tới Q4. Cô ấy đáp trả bằng nước đi cơ bản khác, Tốt Hậu đi tới Q4. Chúng tôi đi mười nước tiếp theo khá nhanh, chỉ chạm chán chừng mực, rồi Clare ngồi trầm ngâm nghiên cứu bàn cờ một lúc. Cô ấy lúc nào cũng thử nghiệm, luôn âm mưu nổi loạn. “Giờ chú thích ai?” cô ấy hỏi mà không ngước lên nhìn.

“Ý cháu là ở tuổi 20? Hay 36?”

“Cả hai.”

Tôi cố nhớ lại mình ở tuổi 20. Chỉ mờ ảo bóng dáng những người phụ nữ khác nhau, những bộ ngực, chân, tay, da, tóc. Chuyện với họ tất cả là một mớ hỗn độn, và khuôn mặt họ không còn dính với tên. Tôi rất bận rộn nhưng cùng khổ ở tuổi 20. “Tuổi 20 không có gì đặc biệt. Không có ai cả.”

Tôi nhìn Clare chăm chú. Mười hai tuổi có trẻ quá? Tôi chắc rằng 12 tuổi là quá trẻ. Thà mơ tưởng đến ngôi sao đẹp đẽ, không thể với tới và an toàn như Paul McCartney còn hơn là phải tranh đấu với ông già du hành thời gian Henry. Mà cô ấy hỏi vậy để làm gì?

“Henry?”

“Sao?”

“Chú kết hôn chưa?”

“Rồi”, tôi miễn cưỡng thừa nhận.

“Với ai?”

“Với một phụ nữ xinh đẹp, tài năng, thông minh và giàu sức chịu đựng.”

Mặt cô ấy buồn thiu. “Ồ.” Cô ấy cắm quân Tượng mà cô ấy ăn của tôi hai nước cờ trước lên, và quay nó dưới đất như một con cù. “Thích nhỉ” Cô ấy có vẻ thất vọng trước tin này.

“Có chuyện gì vậy?”

“Không có gì.” Clare di chuyển quân Hậu từ Q2 đến KN5. “Chiếu tướng.”

Tôi di chuyển quân Mã đến chắn trước Vua.

“Cháu có kết hôn không?” Clare hỏi.

Tôi nhìn vào mắt cô ấy. “Hôm nay cháu hỏi nhiều quá đấy.”

“Có sao chứ? Dù sao chú cũng chẳng bao giờ nói cho cháu biết điều gì cả. Đi mà, Henry, hãy nói với cháu rằng cháu sẽ không trở thành một bà cô già.”

“Cháu là một nữ tu”, tôi trêu cô ấy.

Clare rùng mình. “Trời, cháu hi vọng là không.” Clare ăn quân Tốt của tôi bằng quân Xe của cô ấy. “Chú đã gặp vợ mình thế nào?” “Xin lỗi. Bí mật quốc gia.” Tôi ăn quân Xe của cô ấy bằng quân Hậu của mình.

When I’m 64. Cô ấy di chuyển quân Xe lùi lại năm ô. Giờ thì tôi có thể chiếu tướng, tôi chỉ ra

Clare nhăn mặt. “Có phải khi chú đang du hành thời gian? Lúc chú gặp cô ấy?”

“Khi chú không chõ mũi vào chuyện của người khác.”

Clare thở dài. Cô ấy ăn một quân Tốt nữa bằng quân Xe còn lại của mình. Tôi bắt đầu hết Tốt để cho cô ấy ăn. Tôi di chuyển quân Tượng bên cạnh quân Hậu đến KB4.

“Không công bằng khi chú biết mọi thứ về cháu còn chú chẳng bao giờ nói với cháu về mình.”

“Đúng vậy. Không công bằng.” Tôi cố tỏ ra hối lỗi và sốt sắng. “Ruth, Helen, Megan và Laura nói với cháu mọi thứ, và cháu cũng nói với họ mọi thứ.”

“Mọi thứ?”

“Phải. Nhưng cháu không kể cho họ về chú.”

“Ồ? Tại sao vậy?”

Clare có vẻ cảnh giác. “Chú là một bí mật. Dù sao họ cũng sẽ chẳng tin cháu.” Cô ấy bẫy quân Tượng của tôi bằng quân Mã của mình, ném cho tôi cái nhìn quỷ quyệt. Tôi nhìn chăm chăm vào bàn cờ, cố tìm cách ăn quân Mã của cô ấy hoặc di chuyển quân Tượng của tôi. Tình thế đang bí bách cho quân trắng. “Henry, chú có phải người thật không?”

Tôi bị kéo lại đôi chút. “Phải. Chú còn có thể là gì nữa?”

“Cháu không biết. Một linh hồn?”

“Chú thực sự là người, Clare ạ.”

“Chứng minh đi.”

“Chứng minh thế nào?”

“Cháu không biết.”

“Chú không nghĩ cháu có thể chứng minh cháu là con người, Clare ạ.”

“Dĩ nhiên cháu có thể.”

“Bằng cách nào?”

“Cháu có hình dáng của con người.”

“Chú cũng có hình dáng của con người.” Thật buồn cười khi Clare đề cập đến chuyện này. Vào năm 1999, tiến sĩ Kendrick và tôi đã xảy ra xung đột trong quan điểm về vấn đề này. Kendrick cho rằng tôi là tiến thân của một giống loài mới của loài người, như sự phát triển giữa người Cận Đại và người hàng xóm Neanderthal. Tôi cãi rằng tôi chỉ là một mẩu của tập hợp hỏng, và sự bất lực trong việc sinh con đã chứng tỏ tôi sẽ không trở thành một loài tiến hóa trung gian. Chúng tôi đã trích lời Kierkegaard và Heidegger để tranh cãi với nhau. Trong khi đó, Clare đang nhìn tôi nghi hoặc.

“Con người không xuất hiện và biến mất như chú. Chú giống như con mèo Cheshire.”

“Có phải cháu đang nói rằng chú là một nhân vật hư cấu?” Cuối cùng tôi cũng tìm ra nước đi của mình: Xe của Vua đến QR3. Giờ thì cô ấy có thể ăn Tượng của tôi, nhưng đổi lại cô ấy sẽ mất Hậu. Mất một lúc để Clare nhận ra và khi nhận ra, cô ấy lè lưỡi về phía tôi. Lưỡi cô ấy vàng khè màu Dorito đã ăn.

“Nó khiến cháu nghĩ đến những câu chuyện cổ tích. Nếu chú là thật, thì tại sao chuyện cổ tích không thể là thật ?” Clare đứng dậy, vẫn quan sát bàn cờ, và nhảy quanh như thể quần cô ấy đang bén lửa. “Cháu nghĩ mặt đất đang trở nên cứng hơn. Mông cháu tê hết cả rồi.”

“Có thể chúng là thật. Hoặc có thể một phần trong chúng là thật và người ta đã thêm thắt vào câu chuyện.”

“Như kiểu Bạch Tuyết thực ra bị hôn mê?”

“Cả công chúa ngủ trong rừng nữa.”

“Và Jack, người trồng đậu chỉ là một người làm vườn cực giỏi.”

“Và Noah là một ông già kì quặc với một chiếc nhà thuyền và rất nhiều mèo.”

Clare nhìn tôi chằm chằm. “Noah là trong Kinh thánh. Ông ấy không phải trong chuyện cổ tích.”

“Ồ. Phải. Xin lỗi cháu.” Tôi đang rất đói. Nell sắp rung chuông báo giờ ăn tối và Clare sẽ phải quay vào nhà. Cô ấy ngồi lại xuống bên kia bàn cờ. Tôi có thể biết cô ấy đã mất hứng thú với trận đấu khi cô ấy bắt đầu xây một hình chóp nhỏ bằng những quân cờ ăn được.

“Chú vẫn chưa chứng minh chú là thật”, Clare nói.

“Cháu cũng vậy.”

“Có bao giờ chú tự hỏi liệu cháu có thật hay không?” cô ấy hỏi, vẻ ngạc nhiên.

“Có thể chú đang mơ về cháu. Có thể cháu đang mơ về chú. Có thể chúng ta chỉ tồn tại trong giấc mơ của nhau và mỗi buổi sáng sau khi thức giấc, chúng ta sẽ quên.”

Clare tư lự, và đưa tay làm một động tác như để gạt đi ý tưởng kì cục này. “Nhéo cháu đi”, cô ấy yêu cầu. Tôi nhoái người lại và véo nhẹ vào tay cô ấy. “Mạnh hơn!” Tôi véo lại, đủ mạnh để lưu lại một vệt đỏ và trắng tồn tại trong giây lát rồi tan biến. “Chẳng lẽ chú không nghĩ cháu sẽ thức dậy nếu thực sự lúc này cháu đang nằm mơ? Dù sao thì, cháu không thấy như mình đang ngủ.”

“Còn chú không thấy như một linh hồn. Hay một nhân vật hư cấu.”

“Làm sao chú biết được? Nếu cháu đang tạo ra chú và cháu không muốn chú biết chú được cháu tạo ra, thì cháu sẽ không nói cho chú, phải không?”

Tôi ngọ ngoạy lông mày trêu chọc cô ấy. “Có thể Chúa đã tạo ra chúng ta, và Ngài không muốn cho chúng ta biết.”

“Chú không nên nói những điều như vậy”, Clare thảng thốt. “Hơn nữa, chú thậm chí không tin vào Chúa. Phải không?”

Tôi nhún vai và đổi chủ đề. “Chú thật hơn Paul McCartney.”

Clare tỏ vẻ lo lắng. Cô ấy bắt đầu đặt các quân cờ vào lại trong nộp của chúng, cẩn thận chia quân đen, trắng. “Rất nhiều người biết đến Paul McCartney - nhưng cháu là người duy nhất biết về chú.” “Nhưng cháu đã gặp chú, và chưa bao giờ gặp Paul.”

“Mẹ cháu đã đến xem buổi hòa nhạc của The Beatles.” Cô ấy đậy nắp bộ cờ rồi duỗi tay chân. “Nó diễn ra ở sân vận động Comiskey Park, Chicago, mùng 8 tháng 8, năm 1965.” Tôi chọc vào bụng cô ấy và cô ấy cuộn tròn lại như con nhím, cười khúc khích. Sau một hồi chọc léc và lăn lộn trên đất, chúng tôi nằm xuống tay nắm chặt tay đặt ở giữa và Clare hỏi, “Vợ chú có phải người du hành thời gian không?”

“Không. Tạ ơn Chúa.”

“Tại sao lại Tạ ơn Chúa? Cháu nghĩ nó sẽ rất thú vị. Chú và vợ có thể đi cùng nhau.”

“Một người du hành trong gia đình là quá đủ rồi Clare. Nó rất nguy hiểm.”

“Cô ấy có lo lắng về chú không ?”

“Có”, tôi nhẹ nhàng nói. “Cô ấy có.” Tôi tự hỏi Clare đang làm gì vào lúc này ở năm 1999. Có thể cô ấy đang ngủ. Có thể cô ấy không biết tôi đã biến mất.

“Chú có yêu cô ấy không?”

“Rất nhiều”, tôi thì thầm. Chúng tôi im lặng nằm cạnh nhau, ngắm lá rụng, ngắm trời và chim. Tôi nghe có tiếng sụt sịt, liền liếc qua nhìn Clare. Tôi ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt đang chảy dài trên má cô ấy. Tôi ngồi dậy và cúi xuống. “Có chuyện gì vậy Clare?” Cô ấy chỉ lắc đầu và mím chặt môi. Tôi vuốt tóc cô ấy và kéo cô ấy ngồi dậy, choàng tay qua người. Cô ấy là một đứa trẻ, ấy vậy mà không chỉ là một đứa trẻ. “Có chuyện gì vậy?”

Cô ấy nói rất khẽ, tôi đã phải bảo cô ấy nhắc lại: “Cháu đã nghĩ rằng, có thể chú sẽ kết hôn với cháu.”

Thứ Tư, 27/6/1984 (Clare 13 tuổi)

CLARE: Tôi đang đứng trong đồng cỏ một buổi chiều muộn cuối tháng Sáu; chỉ vài phút nữa thôi sẽ đến giờ ăn tối. Nhiệt độ đang giảm dần. Mười phút trước bầu trời còn xanh trong và khắp đồng cỏ bao trùm trong khí nóng, có cảm giác như vạn vật cong cong, như đang đứng dưới mái vòm thủy tinh khổng lồ, tất cả tiếng động bị nuốt chửng trong cái nóng giữa điệp khúc côn trùng vo ve. Tôi ngồi trên chiếc cầu treo nhỏ xíu ngắm những con nhện nước đang trượt trên mặt ao tù nhỏ phẳng lặng, và nghĩ về Henry. Hôm nay không phải ngày anh ấy đến; lần tới cách đây 22 ngày nữa. Trời đã mát mẻ hơn nhiều. Henry đang khiến tôi hoang mang bối rối. Suốt cả đời này tôi đã chỉ coi Henry như một phần nhỏ trong cuộc sống của mình; mặc dù anh ấy là một bí mật, một điều lôi cuốn diệu kì, Henry cũng như một phép màu mà chỉ đến gần đây tôi mới nhận ra hầu hết các cô gái không có một Henry cho mình, nếu có hẳn họ đã rất giỏi che giấu. Có cơn gió đang thổi tới; những ngọn cỏ cao dập dềnh trong gió, tôi nhắm mắt lại và nghe như tiếng sóng biển (điều mà tôi chưa từng trải nghiệm trước đó, trừ trên ti vi). Khi mở mắt ra, bầu trời đã ngả vàng rồi lại xanh. Henry nói anh ấy đến từ tương lai. Khi còn nhỏ tôi đã chẳng thấy có vấn đề gì với chuyện đó, tôi đã chẳng biết nó có nghĩa gì. Giờ thì tôi tự hỏi liệu tương lai có phải là một nơi chốn, hay ít nhất là giống như một nơi chốn, mà tôi có thể đi tới bằng một cách nào đó khác với chỉ đơn thuần là già đi. Tôi tự hỏi liệu Henry có thể mang tôi đến đó. Khu rừng đen sẫm những ngọn cây cong dạt xuống mặt đất và cúi chào. Côn trùng đã thôi ngân nga và những cơn gió đang san bằng tất cả, những ngọn cỏ dạt phẳng lì, những ngọn cây đang kẽo kẹt rên rỉ. Tôi sợ tương lai; nó giống như một thế giới khổng lồ đang đợi tôi đến. Henry nói anh ấy biết tôi ở tương lai. Những đám mây đen to lớn đang di chuyển lại gần đằng sau những ngọn cây, chúng ập đến quá bất ngờ khiến tôi bật cười khúc khích, chúng giống như những con rối, mọi thứ đang ào ào tấp về phía tôi, cả những tràng sấm dài và thấp. Tôi đột ngột nhận ra mình đang đứng mỏng manh thẳng tắp giữa đồng cỏ, nơi mọi thứ đang cúi rạp người xuống trước cơn giông. Nên tôi cũng ngả mình xuống mong trốn được con mắt của cơn bão lớn đang cuồn cuộn bước tới. Tôi ngửa mặt nhìn những giọt nước bắt đầu được thả xuống từ bầu trời. Quần áo của tôi ướt nhẹp trong thoáng chốc và đột nhiên tôi cảm thấy như Henry đang ở đây, một cảm giác mãnh liệt cần có Henry, cần được anh ấy vòng tay qua ôm lấy. Đối với tôi, cơn mưa này chính là Henry. Tôi đang một mình và đang muốn có anh ấy.

Chủ nhật, 23/9/1984 (Henry 35 tuổi, Clare 13 tuổi)

HENRY: Tôi đang ở khoảng rừng thưa, trong đồng cỏ một buổi sáng, ngay trước khi mặt trời ló dạng, một ngày cuối hè. Tất cả hoa và cỏ đã cao quá ngực. Trời lạnh giá và tôi đang một mình. Tôi lội qua những đám cây tìm đường đến hộp quần áo, mở nó và lấy ra chiếc quần jeans xanh và áo sơ mi trắng kèm đôi dép lê. Tôi chưa từng nhìn thấy những món đồ này trước đó, nên tôi không biết mình đang ở thời điểm nào. Clare cũng đã để lại cho tôi một chút đồ ăn: bơ lạc, sandwich mứt được gói cẩn thận trong giấy nhôm; một quả táo và túi khoai tây chiên. Có thể đây là một trong những bữa ăn trưa ở trường của Clare. Tôi nghĩ ngay đến cuối thập niên 70 hoặc đầu thập niên 80. Tôi ngồi xuống một tảng đá và ăn, và liền cảm thấy khá hơn rất nhiều. Mặt trời đang ló dạng. Khắp đồng cỏ ngập trong màu xanh, cam, và màu hồng. Những cái bóng dần được kéo dài ra, rồi ngày đã tới. Không có chút dấu hiệu của Clare. Tôi bò vào trong bụi cây, cuộn tròn trên nền đất cho dù nó vẫn còn đang ẩm hơi sương - và ngủ.

Khi tôi thức dậy, mặt trời đã lên cao và Clare đang ngồi cạnh tôi đọc sách. Cô ấy mỉm cười và nói, “Bình minh trong đầm lầy. Những con chim đang hót, ếch đang kêu, và đã đến giờ thức dậy.”

Tôi lầm bầm dụi mắt. “Chào Clare. Hôm nay là ngày bao nhiêu?”

“Chủ Nhật, 23 tháng 9, năm 1984.”

Clare 13 tuổi. Độ tuổi khó khăn và kì lạ, nhưng không khó khăn như những gì chúng tôi đang trải qua ở hiện tại. Tôi ngồi dậy và ngáp. “Clare, em có thể chạy vào nhà lén mang ra cho anh cốc cà phê được không?”

“Cà phê?” Clare nói như thể cô ấy chưa bao giờ nghe đến tên thứ chất này. Lớn lên, cô ấy nghiện món đồ uống này chẳng kém gì tôi.

“Được rồi, em sẽ thử.” Cô ấy chậm rãi đứng dậy. Đây là năm Clare cao lên rất nhanh. Trong năm ngoái, cô ấy đã cao hơn 12 centimet và cô ấy vẫn chưa quen với cơ thể mới của mình. Ngực, chân và hông, tất cả mới được đúc thêm vào. Tôi cố không nghĩ đến nó khi nhìn cô ấy bước đi trên con đường mòn trở vào nhà. Tôi liếc qua cuốn sách cô ấy đang đọc. Một tác phẩm của Dorothy Sayers mà tôi chưa đọc. Tôi đang ở trang 33 khi cô ấy quay lại. Cô ấy mang theo một cái bi đông, vài chiếc cốc, một tấm mền và vài cái doughnut. Mùa hè đầy nắng đã để lại tàn nhang trên mũi Clare, và tôi phải cưỡng lại ý muốn luồn bàn tay mình vào mái tóc của cô ấy, nó xõa dài xuống tay trong khi cô ấy trải tấm mền ra.

“Chúa phù hộ cho em.” Tôi nhận lấy chiếc bi đông như thể nó chứa bí tích. Chúng tôi ngồi xuống tấm mền. Tôi đá đôi dép lê ra, rót một cốc cà phê và đưa lên môi. Nó đắng và đặc khủng khiếp. “Ôi trời! Đây là nguyên liệu tàu vũ trụ hả, Clare?”

“Quá đặc sao?” Clare lộ vẻ buồn rầu, và tôi phải nhanh chóng khen ngợi cô ấy.

“Có lẽ không có gì gọi là quá đặc, nhưng món này cũng khá đặc đấy. Dù vậy, anh thích nó. Em tự pha hả?”

“Phải. Em chưa từng pha cà phê bao giờ, lại đúng lúc Mark bước vào, khiến em phân tâm, nên có lẽ em đã pha không đúng cách.”

“Không, nó rất ổn.” Tôi thổi cà phê cho nguội và tu ừng ực. Tôi cảm thấy khá hơn ngay lập tức và rót thêm một li khác.

Clare đỡ lấy chiếc bi đông từ phía tôi. Cô ấy tự rót cho mình chừng nửa phân cà phê và cảnh giác đưa lên miệng. “Chà”, cô ấy nói. “Món này dở tệ. Vị của nó lúc nào cũng thế này sao?”

“Thường thì nó nhạt hơn. Em thích uống cà phê với thật nhiều kem và đường.”

Clare đổ cốc cà phê của mình xuống đồng cỏ và cầm doughnut lên. Rồi cô ấy nói, “Anh đang biến em thành kẻ dở người.”

Tôi không có câu trả lời sẵn cho câu nói này, vì ý nghĩ đó chưa từng xuất hiện trong tôi. “Hừm, anh đâu có làm thế.”

“Có?”

“Không có.” Tôi dừng lại. “Ý em là sao khi bảo anh biến em thành một kẻ dở người? Anh chẳng biến em thành gì cả.”

“Như cách anh nói với em rằng em thích uống cà phê với kem và đường trước cả khi em kịp thử nó. Làm sao em có thể biết em thực sự thích như vậy hay vì anh đã nói em thích như vậy?”

“Nhưng Clare ạ, đó là sở thích cá nhân. Em phải có khả năng tự nhận ra mình thích cà phê như thế nào bất kể anh có nói gì hay không. Hơn nữa, chẳng phải em là người luôn đòi anh phải kể cho em nghe về tương lai sao?”

“Biết về tương lai khác với chuyện bị nói em thích gì”, Clare nói.

“Tại sao? Tất cả đều là tự do ý muốn.”

Clare cởi giày và tất. Cô ấy nhét tất vào trong giày rồi đặt chúng ngay ngắn bên rìa tấm mền. Rồi cô ấy nhặt đôi dép lê của tôi và đặt chúng bên cạnh giày của mình, như thể tấm mền là một chiếc tatami. “Em nghĩ tự do ý muốn là tội lỗi.”

Tôi suy nghĩ rồi nói, “Không, tại sao tự do ý muốn lại bị giới hạn bởi đúng và sai? Ý anh là, em vừa quyết định, bằng sự tự do ý chí cá nhân, để cởi giày ra. Nó không có gì quan trọng, không ai bận tâm nếu em có đi giày hay không, và nó không có gì là tội lỗi, hay có đạo đức cả; nó không ảnh hưởng đến tương lai, nhưng em đã thực hiện sự tự do của mình.”

Clare nhún vai. “Nhưng đôi khi anh nói cho em biết điều gì đấy và em có cảm giác như tương lai đã có sẵn ở đó. Như thể tương lai của em đã diễn ra và em không thể làm gì với nó.”

“Đó gọi là thuyết định mệnh”, tôi nói. “Anh luôn trăn trở với nó.

Trí tò mò của Clare đã bị kích thích. “Tại sao?”

“Nếu em đã cảm thấy bị bó buộc khi nghĩ đến tương lai của mình đã được định trước, thì hãy hình dung xem anh sẽ cảm thấy thế nào. Anh không ngừng dằn vặt với thực tế rằng anh không thể thay đổi bất cứ điều gì, cho dù anh đang ở ngay đó, nhìn nó diễn ra.

“Nhưng Henry, anh có thay đổi sự việc! Anh đã viết ra những thứ để em có thể đưa cho anh vào năm 1991 về đứa bé bị hội chứng Down. Cả danh sách nữa. Nếu không có danh sách, em sẽ không biết khi nào ra gặp anh. Anh không ngừng thay đổi sự việc.”

Tôi mỉm cười. “Anh chỉ có thể tác động đến những việc đã diễn ra. Anh không thể, ví dụ như, đảo ngược sự thật rằng em vừa cởi giày ra.”

Clare cười. “Tại sao anh bận tâm em có cởi chúng ra hay không?”

“Anh không bận tâm. Nhưng nếu như có, thì bây giờ nó cũng đã là một phần lịch sử không thể thay đổi của thế giới và anh không thể làm gì với nó. Tôi tự lấy cho mình một cái doughnut Bismarck loại yêu thích của tôi. Lớp kem đã bị chảy ra đôi chút dưới ánh nắng, nó dính vào các ngón tay tôi.

Clare ăn hết bánh doughnut của mình, vén gấu quần jeans và ngồi khoanh chân lại. Cô ấy duỗi cổ và nhìn tôi phiền muộn. “Giờ thì anh khiến em lo lắng. Em có cảm giác như mỗi lần em hỉ mũi là một lần em tạo ra sự kiện lịch sử nào đó.”

“Đúng là như vậy.”

Cô ấy đảo mắt. “Đối lập với thuyết định mệnh là gì?”

“Hỗn loạn.”

“Ồ. Em không nghĩ mình thích như vậy. Anh có thích như vậy không?”

Tôi cắn một miếng lớn Bismarck và cân nhắc về sự hỗn loạn. “Có và không. Hỗn loạn tức nhiều tự do hơn; thậm chí hoàn toàn tự do. Nhưng không có ý nghĩa. Anh muốn được tự do quyết định hành động nhưng anh cũng muốn hành động của mình phải có ý nghĩa.”

“Nhưng, Henry, anh đang quên mất Chúa - tại sao không thể có một vị Chúa trời tạo ra ý nghĩa của vạn vật?” Clare trầm ngâm thành khẩn và nhìn xa xa về phía bên kia đồng cỏ trong khi nói.

Tôi ném phần còn lại của chiếc Bismarck vào miệng, nhai chậm rãi để tranh thủ thời gian. Mỗi khi Clare nhắc đến Chúa, lòng bàn tay tôi lại đổ mồ hôi và dâng lên cảm giác muốn chạy trốn hay biến mất.

“Anh không biết, Clare ạ. Đối với anh, mọi việc có vẻ quá ngẫu nhiên và vô nghĩa để có thể tin rằng Chúa tồn tại.”

Clare xiết chặt hai tay quanh đầu gối. “Nhưng anh vừa nói mọi việc đều đã được định từ trước.”

“Hừm”, tôi chỉ ậm ừ. Tôi chụp lấy mắt cá của Clare, kéo chân cô ấy lại gần, đặt lên đùi tôi và cứ giữ như thế. Clare cười và nằm ngửa người ra, chống hai khuỷu tay xuống đất. Đôi bàn chân lạnh giá của Clare nằm gọn trong tay tôi; chúng rất hồng và sạch sẽ. “Được rồi”, tôi nói, “Xem nào. Những lựa chọn chúng ta có ở đây là một thế giới khép kín, nơi quá khứ, tương lai và hiện tại cùng tồn tại một lúc, nơi mọi thứ đều đã diễn ra. Thế giới hỗn độn, nơi bất kể điều gì cũng có thể xảy ra, không thể dự báo trước bởi vì chúng ta không thể biết hết tất cả các hằng số; và một thế giới Cơ Đốc, nơi Chúa tạo ra vạn vật và chúng đều có ý nghĩa riêng của mình, nhưng chúng ta vẫn có sự tự do ý muốn của mình. Đúng không?”

Clare ngoe nguẩy ngón chân về phía tôi. “Chắc vậy.”

“Em ủng hộ thế giới nào ?”

Clare im lặng. Sự thiết thực và cảm giác lãng mạn cô ấy dành cho Chúa và Đức mẹ, ở độ tuổi 13, gần như cân bằng. Nếu là một năm trước cô ấy sẽ nói, Chúa, mà không ngần ngại. Trong 10 năm nữa, cô ấy sẽ ủng hộ cho thuyết định mệnh, và 10 năm sau đó nữa Clare sẽ tin rằng thế giới là tùy tiện, rằng nếu Chúa tồn tại, thì Ngài không nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, rằng nguyên do và hệ quả là không tránh khỏi và tàn độc, nhưng vô nghĩa. Còn sau đó nữa? Tôi không biết. Nhưng vào lúc này, Clare đang đứng trên ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành với niềm tin ở một bên và sự hoài nghi một bên khác, tất cả những gì cô ấy có thể làm là cố gắng tráo chúng qua lại, hoặc cùng bóp nghẹt chúng cho đến khi chúng vỡ tan. Cô ấy lắc đầu. “Em không biết. Em muốn có Chúa. Có được không?”

Tôi cảm thấy mình như một kẻ khốn. “Dĩ nhiên là được. Đó là niềm tin của em.”

“Nhưng em không chỉ muốn tin, em muốn nó là sự thật.”

Tôi đưa ngón tay cái chạy dọc gan bàn chân của Clare, và cô ấy nhắm mắt lại.

“Em và Thánh Thomas Aquinas đều muốn vậy”, tôi nói.

“Em đã nghe nói về ông ấy”, Clare nói như cô ấy đang kể về ông bác yêu thích lâu ngày không gặp, hay về một MC chương trình ti vi cô ấy thường xem khi còn nhỏ.

“Ông ấy muốn có trật tự, có lí do và có Chúa. Ông ấy sống ở thế kỉ XIII, từng giảng dạy ở Đại học Paris. Aquinas tin vào cả Aristotle và các thiên thần.”

“Em yêu các thiên thần” Clare nói. “Họ thật đẹp. Em ước gì mình cũng có cánh để bay lượn khắp nơi và ngồi trên những đám mây.”

“Ein jeder Engel ist schrecklich.”

Clare thở dài, tiếng thở dài khe khẽ hàm ý Em không biết tiếng Đức, nhớ chứ? “Hả?”

“Mọi thiên thần đều đáng sợ. Đó là một phần trong loạt thơ có tên gọi Bi khúc Duino, của nhà thơ Rilke. Ông ấy là một trong các nhà thơ yêu thích của chúng ta.”

Clare cười. “Anh lại làm vậy nữa!”

“Làm gì?”

“Nói cho em biết em thích gì.” Clare dùng chân xoáy vào đùi tôi. Không suy nghĩ, tôi đặt chân cô ấy lên vai, nhưng rồi nhận nó quá riêng tư nên đã nhanh chóng đặt chúng trở lại vào lòng bàn tay và giữ trên cao bằng một tay trong khi cô ấy nằm ngả lưng xuống đất, thánh thiện và ngây thơ với mái tóc xõa ra như mưa dông quanh đầu trên tấm mền. Tôi cù léc chân cô ấy. Clare khúc khích cười và quẫy ra khỏi tay tôi như một chú cá, cô ấy bật dậy chạy vòng quanh khoảng rừng thưa, mỉm cười nhìn tôi như để thách tôi đuổi theo và bắt lấy. Tôi chỉ mỉm cười đáp trả, cô ấy quay trở lại tấm mền và ngồi xuống cạnh tôi.

“Henry?”

“Sao vậy?”

“Anh đang khiến em thay đổi.”

“Anh biết.”

Tôi quay sang nhìn Clare và chỉ trong một khoảnh khắc, tôi quên rằng cô ấy còn trẻ và lúc này đang là quá khứ nhiều năm về trước; tôi nhìn thấy Clare, người vợ hiền của tôi, ẩn hiện lên trong khuôn mặt của cô gái trẻ; tôi không biết phải nói thế nào với Clare này, người vừa già, vừa trẻ và khác biệt so với các cô gái khác, người biết rằng sự khác biệt có thể là khó khăn. Nhưng Clare không có vẻ như đang đợi một câu trả lời. Cô ấy nghiêng người tựa vào tay tôi và tôi vòng tay qua ôm vai cô ấy.

“Clare!” Phía bên kia đồng cỏ yên ắng, bố của Clare đang thét gọi tên cô ấy. Clare nhảy dựng dậy, chụp lấy giày và tất.

“Đến giờ đi lễ nhà thờ”, cô ấy nói, đột nhiên lo lắng.

“Tạm biệt em”, tôi nói. Tôi vẫy tay và cô ấy mỉm cười, lẩm bẩm nói lời tạm biệt rồi chạy dọc theo con lộ nhỏ và biến mất. Tôi nằm dưới ánh nắng một lúc, tự phân vân về Chúa, đọc Dorothy Sayers. Sau khoảng một giờ đồng hồ, tôi cũng biến mất, chỉ còn lại tấm mền và quyển sách, những chiếc cốc cà phê và quần áo, để chứng tỏ chúng tôi đã ở đó.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...