Việc Máu

Chương 40


Chương trước Chương tiếp

Khi được thẩm vấn vào đêm James Cordell bị ám sát, James Noone đã cung cấp cho cảnh sát một địa chỉ duy nhất cho cả nhà riêng lẫn nơi làm việc của y. Đến khi McCaleb tới đó, cái địa chỉ trên Đại lộ Atoll ở Bắc Hollywood hóa ra chẳng thể nào xác định là một căn hộ hay một văn phòng. Khu vực đó của Thung lũng là một mớ hổ lốn gồm cả khu dân cư, khu thương mại và thậm chí cả khu công nghiệp.

Ông chầm chậm lái xe về phía Bắc theo đường 101, lại băng qua Đèo Cahuenga, cuối cùng tăng tốc một chút khi chuyển sang đường 134 Bắc. Ông rẽ ở đoạn Victory và lái về phía Đông cho đến khi gặp Đại lộ Atoll. Khu vực ông vừa mới rẽ vào dứt khoát là khu công nghiệp. Ông ngửi thấy mùi một hiệu bánh, rồi băng qua một khoảnh sân quây rào trong đó có những phiến đá granit lởm chởm chất đống chĩa lên trời. Có những nhà kho chẳng có bảng tên. Có một nhà chuyên bán sỉ hóa chất dùng cho hồ bơi và một trung tâm tái chế rác thải công nghiệp. Ngay nơi Đại lộ Atoll biến thành đường cụt với một nhánh đường sắt cũ rẽ ngang, cỏ dại thòi ra giữa các thanh ray, McCaleb rẽ chiếc Taurus vào một đường ô tô nội bộ hai bên là hai dãy nhà kho nhỏ chỉ có chỗ đỗ cho một xe duy nhất. Mỗi đơn nguyên là một doanh nghiệp nhỏ hoặc kho hàng riêng biệt. Vài cái có mang tên của doanh nghiệp sơn trên cửa cuốn bằng nhôm, vài cái chẳng có dấu hiệu nào để định danh, hoặc không có ai thuê hoặc được ai đó giấu tên dùng làm chỗ cất hàng. McCaleb dừng xe phía trước cánh cửa gỉ sét ghi địa chỉ mà James Noone đã cho cảnh sát ba tháng trước. Không có dấu hiệu nhận dạng nào khác trên cánh của ngoài địa chỉ. Ông tắt máy rồi ra khỏi xe.

Đêm tối như mực. Không trăng, không sao. Dãy nhà kho tối om ngoại trừ một ánh đèn pha duy nhất nơi lối vào. McCaleb nhìn quanh. Ông nghe tiếng nhạc the thé - Jimi Hendrix hát “Let me stand next to your fire” - từ đâu đó dường như rất xa. Và mãi đầu kia đường nội bộ, cách sáu căn nhà kho, cửa mở vào một trong các nhà kho được kéo xuống không đều cho đến khi bị hóc, kẹt cứng, hé ra một khoảng hở chừng một mét cho thấy khoảng bên trong nhà kho, nom như một nụ cười xảo trá đen hơn cả bầu trời.

Ông kiểm tra đơn nguyên của Noone, khom xuống xem xét đường thẳng nơi cửa ga ra tiếp giáp với vỉa hè xi măng. Ông không chắc lắm nhưng dường như có một ánh sáng lờ mờ từ bên trong nhà kho hắt ra. Ông lại gần hơn thì nhìn thấy rõ một ổ khóa nối cái vòng thép trên cánh cửa cuốn với cái vòng tương ứng chôn vào nền xi măng.

Ông đứng dậy, xòe lòng bàn tay ra đập mạnh vào cánh cửa. Tiếng động vang lên thật to, ông nghe thấy nó vang vọng bên trong. Ông lùi lại nhìn quanh lần nữa. Ngoài tiếng nhạc, chỉ có im lặng. Không khí lặng như tờ. Gió đêm không tìm được lối để lùa vào khoảng không gian giữa hai dãy nhà kho.

McCaleb vào lại xe, khởi động rồi lùi lại một góc sao cho đèn trước rọi sáng được ít nhất một phần ga ra của Noone. Đoạn ông tắt động cơ nhưng đèn vẫn để sáng, rồi ra khỏi xe đi lại chỗ cốp xe phía sau. Nhấc thảm lót cốp xe lên, ông thấy bộ kích vẫn còn nguyên vẹn. Ông tháo tay cầm cái kích ra, đi vòng qua xe đến chỗ cửa ga ra. Ông nhìn trước nhìn sau con đường nội bộ một lần nữa rồi cúi người xuống cái ổ khóa.

Hồi còn làm đặc vụ của Cục, McCaleb chưa bao giờ dính vào một vụ đột nhập bất hợp pháp, vẫn biết đó chẳng qua chỉ là chuyện thủ tục, nhưng bằng cách nào đấy bản thân ông thường tránh được tình trạng khó xử về đạo đức ấy. Nhưng lúc này ông chẳng cảm thấy chút áy náy khó xử nào khi xỏ thanh sắt kia vào bản lề ổ khóa. Ông không mang huy hiệu của Cục và, còn hơn thế, vụ này là chuyện cá nhân. Noone là kẻ giết người và, còn tệ hơn thế, hắn tìm cách đổ tội lỗi của mình lên McCaleb. McCaleb chẳng buồn suy đi tính lại về chuyện Noone có quyền đòi luật pháp bảo vệ khi hắn bị lục soát và bắt giữ một cách không hợp pháp.

Cầm tay nắm cây kích ở đầu mút để làm đòn bẩy, ông bắt đầu chậm rãi kéo thanh thép theo chiều kim đồng hồ. Bản lề ổ khóa khá chắc, nhưng vòng thép bắt vào cánh cửa thì rên siết dưới sức ép và rồi bật hẳn ra, các mối hàn của nó không chịu nổi.

McCaleb thẳng người lên nhìn quanh, nghe ngóng. Chẳng có gì. Chỉ mỗi Hendrix hát bài “All Along the Watchtower” của Bob Dylan. Ông tất tả quay lại xe cất tay cầm kích vào túi dụng cụ thay lốp, kéo thảm thùng xe lại che lên rồi đậy nắp cốp xe.

Vòng quanh xe rồi, ông cúi xuống cạnh lốp xe trước, miết hai ngón tay dọc vành bánh, vét lên được kha khá bụi than đen nhẻm từ các má phanh đóng két vào. Ông đi lại cửa ga ra, ngồi xổm xuống cạnh ổ khóa, bôi đầy chỗ than đó lên những mối hàn bị gãy để trông như thể vòng khóa đã bị bẻ gãy khỏi cửa trước đây ít lâu và các mối hàn gãy đã bị phơi sương gió một thời gian. Đoạn ông chùi chỗ bụi bẩn còn lại trên ngón tay vào một trong hai chiếc tất đen đang mang.

Khi đã sẵn sàng, ông cầm tay nắm dùng để kéo cửa bằng tay phải.

Còn tay trái ông vòng ra sau lưng, lần xuống dưới áo khoác ngoài. Khi rút tay trở lại, ông nắm chắc khẩu súng, giữ ngang tầm vai, chĩa lên trời. Chỉ bằng một động tác ông đứng dậy đồng thời giật cánh cửa lên cùng với mình, dùng đà của chính nó để giữ cho nó trượt lên trên cho đến khi nó ở cao hơn đầu ông.

Mắt ông nhanh chóng quét qua các đường biên mờ mờ của ga ra, lúc này mắt ông chuyển đến đâu là súng chĩa theo đến đó. Đèn pha trước của xe soi sáng chừng một phần ba căn phòng. Ông thấy một cái giường gấp hãy còn chưa dọn, và một chồng hộp các tông dựa vào tường bên trái. Quét sang phải, ông thấy đường viền một cái bàn giấy và cái tủ hồ sơ. Trên bàn có một máy vi tính, màn hình nom như đang bật xoay về phía bức vách phía sau, ném lên tường một ánh sáng tím. McCaleb nhận thấy có một bóng đèn dài hơn mét tám treo trên trần. Trong ánh sáng nhá nhem mắt ông dò thấy đường cáp bằng nhôm xuất phát từ hộp nối mạch điện, men theo trần nhà rồi chạy dọc tường xuống một công tắc gần cái giường gấp. Ông bước ngang qua, với tay tìm cái công tắc mà không nhìn.

Một bóng đèn huỳnh quang nhấp nháy một cái, kêu vo vo rồi rọi sáng ga ra bằng ánh sáng gay gắt. Giờ McCaleb thấy rõ rằng trong phòng không có ai, cũng chẳng có cái buồng nhỏ nào để kiểm tra. Chỉ có một không gian sáu mét nhân ba mét rưỡi bừa bộn một đóng tạp nham bàn ghế và thiết bị văn phòng cùng những vật dụng thiết yếu cho một căn nhà - cái giường, tủ com mốt, một lò sưởi điện, một bếp lò hai cuộn dây, một tủ lạnh bằng nửa cỡ thường. Không bồn rửa bát, không buồng tắm.

McCaleb bước lùi lại, đi vòng quanh xe. Ông luồn tay vào trong xe qua cửa sổ để ngỏ mà tắt đèn pha. Đoạn ông nhét súng vào lại thắt lưng, lần này ở phía trước để dễ lấy hơn. Cuối cùng, ông vào lại trong ga ra.

Nếu bên ngoài vẫn có không khí thì ở trong này không khí dường như tù hãm. McCaleb chậm rãi vòng quanh cái bàn cũ bằng thép rồi nhìn vào máy vi tính. Màn hình đang mở, trên đó là một màn hình chờ đang tỏa sáng. Những con số ngẫu nhiên có kích cỡ và màu sắc khác nhau trôi trên một biển màu nhung tía. McCaleb nhìn màn hình một lát rồi thì cảm thấy có gì đó giật mạnh bên trong mình, hầu như là một cơ nào đó ở rất sâu cuộn thắt lại. Trong tâm trí ông hình ảnh một quả táo độc nhất màu đỏ ối nảy tưng tưng trên một sàn nhựa nhớp nhúa hiện lên rồi biến mất. Một cơn run lan dọc sống lưng ông.

“Mẹ kiếp,” ông nói thầm.

McCaleb rời mắt khỏi máy tính, nhận thấy trên bàn còn có một bộ sách kẹp giữa hai cái chặn sách bằng đồng. Hầu hết là sách tham khảo để truy cập và sử dụng internet. Có hai tập địa chỉ các trang Web và hai cuốn tiểu sử những tay hacker máy tính khét tiếng. Còn có ba cuốn sách về điều tra hiện trường tội ác, một cuốn cẩm nang về điều tra án giết người, một cuốn sách về cuộc điều tra của FBI đối với một tên giết người hàng loạt được biết tới dưới cái tên Nhà thơ, và, cuối cùng, hai cuốn sách về thuật thôi miên, cuốn thứ hai là về một người tên là Horace Gomble. Gã Gomble này thì McCaleb biết. Hắn từng là nghi phạm trong không chỉ một cuộc điều tra do ban tội phạm hàng loạt của Cục tiến hành. Gomble nguyên là một tay làm trò mua vui ở Las Vegas, thường dùng kỹ năng thôi miên của mình, cùng với thuốc kích thích, để gạ gẫm một loạt thiếu nữ ở các hội chợ hạt trên khắp bang Florida. Theo như McCaleb biết thì gã giờ vẫn đang nằm khám.

Giờ thì McCaleb chậm rãi men theo phía sau bàn rồi ngồi xuống cái ghế mòn vẹt đối diện với máy tính. Dùng một chiếc bút lấy trong túi áo ra, ông mở ngăn khóa giữa của cái bàn. Trong ngăn kéo chẳng có gì nhiều ngoài dăm cây bút và một hộp nhựa đựng đĩa CD. Ông dùng bút để bật nắp hộp ra thì thấy đĩa bên trong dán nhãn đề Quét não. Ông đọc nhãn ngoài hộp thì thấy CD này cung cấp cho người dùng một vòng tham quan bộ não người cùng với những hình vẽ chi tiết và phân tích cơ chế hoạt động của nó.

Ông đóng ngăn kéo rồi lại dùng cây bút để mở một trong hai ngăn kéo hai bên. Ngăn đầu tiên trống rỗng ngoại trừ một hộp Crackerjack chưa mở. Ông liền đóng lại, bên dưới đó là một ngăn đựng hồ sơ. Trong ngăn này có mấy tập hồ sơ đựng trong những cái kẹp màu xanh lục móc vào hai thanh trượt. Cúi xuống để nhìn rõ hơn, McCaleb đọc cái tên trên nhãn của tập đầu tiên.

GLORIA TORRES

Ông đánh rơi bút xuống sàn và cũng trong khoảnh khắc đó quyết định rằng sẽ không nhặt nó lên và rằng ông không còn bận tâm đến chuyện để lại dấu tay hay có thể làm xáo trộn hiện trường tội ác. Ông lôi tập hồ sơ ra đặt lên bàn, mở ra. Trong đó có ảnh chụp Gloria Torres mặc những bộ quần áo khác nhau vào lúc này lúc nọ trong ngày. Trên hai bức trong số đó cô chụp cùng với Raymond. Ở một bức thì cô chụp chung với Graciela.

Trong tập hồ sơ có những nhật ký đánh bằng máy chữ. Nhật ký giám sát. Mô tả chi tiết Gloria đi đâu, làm gì hàng ngày. Ông nhanh chóng đọc lướt qua thì tất thảy có những ghi nhận lặp đi lặp lại rằng về đêm cô thường tạt vào Siêu thị Sherman trên đường về nhà.

Ông xếp tập hồ sơ lại, để đó trên bàn rồi lấy tập kế tiếp trong ngăn kéo. Chưa nhìn thấy nhưng ông đã đoán được nhãn trên bìa hồ sơ ghi cái tên nào.

JAMES CORDELL

Ông chẳng buồn mở ra làm gì. Ông biết nó cũng sẽ bao gồm mấy bức ảnh và nhật ký theo dõi giống như tập đầu mà thôi. Ông lại thò tay xuống dưới và nhìn tập hồ sơ kế tiếp. Đúng như ông chờ đợi:

DONALD KENYON

Cả tập hồ sơ này ông cũng chẳng rút ra nốt. Ông dùng ngón tay lật ngửa các thẻ đính trên mấy tập còn lại để xem ấy là những hồ sơ nào. Trong khi ông làm vậy, trái tim ông chao đảo trong lồng ngực, như thể vì sao đó nó đã bị lỏng ra ở bên trong. Cả những cái tên trên các thẻ hồ sơ đó ông cũng đều biết cả. Biết từng tên một.

“Chính là mày,” ông thì thầm.

Và ông nhìn thấy trong tâm trí những quả táo đổ thông thốc xuống sàn rồi mỗi quả lăn một ngả.

Ông đóng sập ngăn kéo lại, tiếng đóng sầm ầm ĩ dội lại từ sàn bê tông và mấy bức tường thép, khiến ông giật nẩy mình như một phát súng. Ông nhìn ra màn đêm qua cánh cửa mở mà nghe ngóng. Ông chẳng nghe thấy gì, cả tiếng nhạc cũng không còn nghe nữa. Chỉ im lặng.

Mắt ông chuyển sang màn hình vi tính và ông nhìn các con số đang lười nhác di chuyển tới lui trên màn hình. Ông biết cái máy vi tính vốn được bật là có lý do. Chẳng phải vì Noone sẽ quay trở lại; McCaleb biết hắn đã đi từ lâu rồi. Không, cái máy vẫn được bật là để cho ông. Người ta đã chờ McCaleb đến chỗ này. Giờ thì ông biết, biết trong tâm khảm rằng Noone đã dàn dựng từng bước một.

McCaleb gõ nhẹ lên thanh space bar và màn hình chờ biến mất. Thay vào đó là một hộp thoại yêu cầu gõ mật khẩu. McCaleb không do dự. Ông có cảm giác như mình đang chơi đàn piano. Ông gõ vào các con số theo một thứ tự mà ông thuộc nằm lòng.

903472568

Ông nhấn phím Enter và màn hình đi vào hoạt động. Sau một chốc mật khẩu được chấp nhận và màn hình nhoáng cái chuyển sang khung giao diện quản lý chương trình, một màn hình trắng có mấy biểu tượng khác nhau rải từ bên này sang bên nọ. McCaleb xem xét nhanh các biểu tượng đó. Hầu hết là để truy cập các trò chơi. Cũng có những biểu tượng để truy cập American Online và Word for Windows. Biểu tượng cuối cùng mà ông nhìn là một tủ hồ sơ nhỏ xíu, ông đoán đó là biểu tượng cho tính năng quản lý hồ sơ của máy tính này. Ông tìm thấy chuột điện tử bên cạnh máy tính, liền dùng nó để dời mũi tên trên máy tính vào cái tủ hồ sơ. Ông nhấp đúp thì màn hình nhoáng cái chuyển sang trình quản lý hồ sơ. Chỉ là thao tác căn bản để tìm thông tin trong máy tính. Trong trình quản lý hồ sơ, danh sách các thư mục chạy thành một cột chỉn chu về bên trái màn hình. Khi ta chọn một trong các thư mục rồi nhấp mũi tên vào, tên các tài liệu nằm trong thư mục đó sẽ hiển thị thành một cột về bên phải màn hình.

Dùng chuột, McCaleb di mũi tên theo cột thư mục từ trên xuống dưới, săm soi kỹ từng cái một. Hầu hết là các thư mục chứa phần mềm điều hành một số chương trình có biểu tượng ngoài Desktop như American Online, trò Las Vegas Casino và những thứ khác. Nhưng cuối cùng ông gặp một thư mục mang tên MÃ. Ông nhấp chuột thì một số tên tài liệu liền xuất hiện phía bên phải màn hình. Ông đọc lướt qua thì nhận ra là chúng tương ứng với những cái tên ghi trên các thẻ hồ sơ nằm trong ngăn kéo bàn giấy.

Tất cả đều vậy trừ một tài liệu. McCaleb nhìn nó chòng chọc một hồi lâu, ngón tay đã nhấc lên sững lại trên phím chuột.

McCaleb.doc

Ông nhấp chuột thì tài liệu đó liền nhanh chóng tràn ra kín màn hình. McCaleb bắt đầu đọc nó như một người đọc bản cáo phó của chính mình. Câu chữ khiến lòng ông tràn ngập kinh hãi, vì ông biết chúng đã làm thay đổi cuộc đời ông một cách vô phương cứu vãn. Chúng tước linh hồn ông ra khỏi ông, cướp sạch mọi ý nghĩa khỏi những chiến tích của ông rồi thì nhạo báng chúng một cách kinh tởm.

Chào đặc vụ McCaleb,

Là mày đấy, tao hy vọng thế.

Ấy là tao đồ chừng thế. Tao sẽ giả định rằng mày đã tỏ ra xứng đáng với cái tiếng tăm kỳ tuyệt mày đã mang một cách đường hoàng đến thế kia.

Tao tự hỏi, phải chăng mày đang có một mình? Phải chăng giờ mày đang chạy trốn tụi kia như một thằng bị truy nã? Nhưng, dĩ nhiên, bây giờ mày có cái mày cần để tự cứu mình khỏi tay tụi kia. Nhưng tao hỏi là về trước lúc này kia, làm một thằng bị truy nã thì mày cảm thấy thế nào? Tao muốn mày biết cái cảm giác ấy. Cảm giác của tao... sống mà cứ nơm nớp sợ thì kinh khủng lắm, hả?

Nỗi sợ, nó có bao giờ ngủ.

Trên hết thảy, tao muốn là muốn một chỗ trong tim mày, Đặc vụ McCaleb ạ. Tao muốn luôn luôn ở bên mày. Cain và Abel, Kennedy và Oswald, bóng tối và ánh sáng. Hai đối thủ xứng tầm nhau, bị xiềng vào nhau xuyên suốt thời gian...

Lẽ ra tao đã giết mày được rồi. Tao đã có cái quyền năng và cơ hội ấy. Nhưng nếu thế thì dễ quá, mày không nghĩ vậy sao? Gã đàn ông trên bến thuyền hỏi mày đường đi. Hôm mày đi dạo buổi sáng, cái gã cầm cần câu ngồi trên đê chắn sóng. Mày có nhớ tao không?

Giờ mày nhớ rồi. Là tao đây. Nhưng nếu thế thì dễ quá, mày không đồng ý sao? Dễ quá.

Mày thấy đó, tao cần cái gì đấy nhiều hơn chứ không phải chỉ rửa hận hay là quy phục một kẻ thù. Chỉ những thằng xuẩn mới nhắm vào mấy cái đích ấy thôi. Tao muốn - không, tao cần và khao khát - cái gì khác kia. Muốn thử thách mày trước hết bằng cách biến mày thành tao. Thành kẻ ác. Kẻ bị săn lùng.

Thế rồi, khi mày chui ra khỏi ngọn lửa đó, da cháy sém nhưng mình mẩy nguyên lành, tao sẽ xuất đầu lộ diện như là kẻ gia ân cho mày nhiệt thành hơn hết. Phải, là tao đó. Tao đã theo dõi cô ả. Tao điều nghiên cô ả. Tao chọn cô ả cho mày. Cô ả là quà Valentine tao tặng mày.

Mày vĩnh viễn là của tao, Đặc vụ McCaleb ơi. Mỗi hơi mày thở đều thuộc về tao. Mỗi nhịp đập của trái tim bị cướp kia là tiếng vang của giọng tao trong đầu mày. Luôn luôn. Ngày ngày.

Nhớ lấy.

Từng hơi thở...

McCaleb khoanh tay trước ngực, ôm chặt lấy chính mình như thể mình vừa bị ai đó dùng mũi dao lột da. Một cơn run bần bật lan khắp người ông và một tiếng rên bật ra khỏi họng ông. Ông đẩy ghế ra xa khỏi bàn, xa khỏi cái thông điệp ghê rợn vẫn đang nằm trên màn hình, rồi gục người về phía trước, rơi vào tư thế ngã quỵ. Máy bay của ông đang lao xuống đất.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...