Vì Em Gặp Anh

Chương 22: Ngoại truyện ba: Nhà họ Kha có cô con gái mới lớn


Chương trước

Tôi là con gái thứ ba của nhà họ Kha, hai anh lớn đều đã thành gia lập nghiệp, còn lý tưởng của tôi là lập nghiệp trước, thành gia sau.

Bố tôi là đầu bếp, ông đã từng một lòng mong mỏi hai anh kế thừa sự nghiệp của mình, muốn truyền dạy tay nghề cho hai anh. Nhưng anh cả lại học về kinh tế, anh hai chạy đi làm nhà báo. Hai người anh hư thân chẳng ngó ngàng đến tâm nguyện của bố, trời nam biển bắc mỗi người hùng cứ một phương. Quán ăn nhỏ cả đời bố vất vả gây dựng cuối cùng đành trông chờ vào tôi.

Quán ăn nhà tôi có vị thế hẻo lánh, nên dù bố rất có tay nghề nhưng việc kinh doanh lại chẳng được phát triển lắm. Tôi tốt nghiệp xong, bố vô cùng sung sướng, vội vàng trao lại việc kinh doanh quán ăn cho tôi. Ngay ngày hôm sau ông đã đi làm thủ tục thay đổi chủ quán, tên quán ăn cũng đặt theo tên tôi: Quán ăn Nhật Thiền. Cứ như thể bố sợ tôi lại vứt gánh giữa đường như hai ông anh vậy.

Chắc chắn tôi không bắt chước các anh. Một khi đã tiếp nhận tôi sẽ gánh vác đến cùng. Dù ngày nào cũng mệt muốn đứt hơi, nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ bỏ mặc tâm huyết cả đời của bố.

Thực tế thì, chuyện kinh doanh của quán cũng chẳng khởi sắc hơn hồi trước. Dù tôi đã nghĩ đủ mọi cách, cải thiện hết mức chất lượng phục vụ và màu sắc thức ăn, thế nhưng khách hàng vẫn chỉ là những vị khách quen từ lâu.

Việc kinh doanh không thành công khiến tâm trạng tôi chẳng được vui vẻ, lại gặp một kẻ chuyên bới móc làm người khác rầu rĩ hơn.

Tôi cũng không biết sao mình lại đụng phải một kẻ như vậy. Mỗi tuần hắn đến ăn ở quán tôi hai đến ba lần, hoặc người khác mời hắn, hoặc hắn chủ động mời người khác. Theo lý mà nói, tôi phải đối xử nồng nhiệt với vị khách quen này, tuyệt đối không được đắc tội với hắn, song sau vài lần bị gọi đến hoạnh họe, tôi chợt tỉnh ngộ, không phải hắn có lòng chiếu cố việc kinh doanh của quán tôi, mà đơn thuần chỉ là đến để hoạnh họe.

Tiểu Triệu là nhân viên bưng bê thức ăn của quán. Cậu ta bảo hắn lại gọi đích danh tôi. Đang lấy đống hành tỏi mới mua trên xe xuống đem vào bếp, vừa nghe bị gọi đích danh, tôi bèn phẫn nộ ném đống hành tỏi xuống bàn, không bình tĩnh nổi, khập khiễng bước về gian phòng hắn đang ngồi.

Trong phòng vốn đang cười nói ầm ĩ, nghe tiếng gõ cửa lập tức im lìm. Hắn bình thản ngồi trên ghế, một cô gái ngồi cạnh. Thấy tôi bèn thu lại nụ cười, mặt mày nghiêm nghị.

“Hôm nay ông chủ Hứa lại không vui sao?” Đối mặt với ông thần ăn uống này, tôi nghĩ mình có thể nín được cơn giận mà cất tiếng hỏi thế này đã là hiếm lắm rồi.

“Đương nhiên là không!” Hắn đặt đũa xuống bàn, ôm ngực dựa vào thành ghế, chậm rãi nói: “Bà chủ Kha, tôi đã là khách quen ở đây, cô biết là khách quen thường sẽ đến quán của cô vì một món ăn có mùi vị độc đáo nào đó, đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên tôi gọi cô ra. Cô rắp tâm đối xử thế này với tôi hay thi thoảng không giữ được phong độ đây?”

Tôi đưa mắt nhìn con cá nằm giữa bàn ăn còn bốc khói nghi ngút. Một đĩa to tướng vẫn chưa có ai động đũa.

Món ăn nổi tiếng nhất quán tôi là cá luộc. Tôi đã định dựa dẫm món này để phát triển kinh doanh, kỳ thực có rất nhiều người đến quán vì món này. Hứa Thừa Cơ chính là một trong số đó.

Hôm nay đầu bếp Trương phụ trách nấu nướng. Tay nghề của đầu bếp Trương thật sự rất tuyệt. Nếu không phải người kén ăn, thì căn bản không phân biệt nổi cá do anh ấy luộc hay tôi luộc. Nhưng mà dưới gầm trời lại có người như thế đấy, kén chọn đến nỗi làm tôi nghĩ hắn sinh ra để đối đầu với mình.

Nuốt đầy bụng bất mãn, tôi khẽ lau bàn tay bị xước lên tạp sề, rồi giơ tay định nhấc đĩa cá lên, bất chợt bàn tay bị dính máu lọt vào tầm nhìn của hắn.

Nếu không phải bị đổ xe vì đâm vào chiếc ô tô rẽ ngang tùy tiện, tôi đã chẳng nói rằng không về kịp để làm món cá luộc này. Lúc tôi lồm cồm bò dậy, đầu bếp Trương gọi điện báo vị khách khó chiều đã đến, bảo tôi mau về nấu món cá luộc cho hắn. Nhưng chủ nhân chiếc ô tô khăng khăng bảo xe máy của tôi quệt hỏng đèn sau ô tô, đòi tôi bồi thường. Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến việc luộc cá cho hắn cả.

Tôi rửa tay, luộc con cá khác bảo Tiểu Triệu mang lên.

Đang định nhặt số củ quả bị đè bẹp lên, tôi chợt ngẩng đầu, thấy Hứa đại thần ung dung bước vào nhà bếp.

Hắn cúi người nhìn đống cà chua xẹp lép, tôi ngơ ngác nhìn vị khách quen. Hắn bỗng đưa tay cầm lấy tay tôi, kéo về trước mặt.

“Sao lại bị thương thế này?”

Tôi thuận theo ánh mắt hắn nhìn xuống tay mình, chỗ bị thương đã rửa sạch, vì thế màu đỏ phủ trên đó chỉ là nước cà chua mà thôi.

“Bị đụng xe chút xíu, không sao cả.” Tôi vội thu tay về, cảm thấy nếu hắn không hoạnh họe thì trong lòng cứ thấy kỳ quái thế nào đó.

“Chân cũng bị thương à?”

“Đầu gối hơi xước thôi.” Vẫn thấy kỳ quái, không biết trong giọng nói khẽ khàng ấm áp của hắn chứa đựng âm mưu quỷ kế gì?

“Có bảo đối phương đưa đến bệnh viện kiểm tra không?”

Kiểm tra? Tôi đần mặt nhìn hắn, phải đền hai trăm tệ, tên đó mới chịu đi cho. Tôi có thể bảo người ta đưa đến bệnh viện kiểm tra ư?

Hắn cau mày, hỏi: “Chuyện là thế nào?”

Tôi thuật lại quá trình một cách đơn giản. Nói đến đoạn tôi đền hai trăm tệ, Hứa đại thần đứng bật dậy, bảo: “Họ không đền thì thôi, cô còn đền hai trăm tệ?”

Tôi gật đầu, theo tôi thì chiếc xe đó hình như rất đắt.

“Gặp chuyện thế mà cô không biết gọi cảnh sát à? Ai đúng ai sai cứ để cảnh sát quyết định.”

“Nhưng mà cảnh sát sẽ không phạt tôi chứ? Lần trước Tiểu Triệu nói đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt hai trăm tệ”, tôi có đội mũ bảo hiểm đâu.

“Cô không đội mũ bảo hiểm à?”, hắn ngờ vực nhìn.

Tôi xấu hổ gật đầu, liếm môi cắn miệng, đột nhiên thầm nghĩ, sao mình phải sợ hắn chứ?

Hắn khẽ nhắm mắt, nói: “Quả nhiên cô chỉ thích hợp ở trong bếp thôi.”

“Cô có nhớ biển xe đó không?”

Tôi mau mắn gật đầu, nhớ chứ, đương nhiên là nhớ, biển xe đó rất dễ nhớ, và cũng rất ngầu, nên tôi mới không dám gây chuyện.

Nghe tôi đọc biển xe, Hứa đại nhân mặt vẫn chẳng biến sắc, rút di động gọi một cuộc. Đầu dây bên kia vừa nhấc máy, hắn liền đứng trước mặt tôi nói vào di động: “Tiểu tử, chú em đâm vào bạn gái anh mà còn dám lấy thêm hai trăm tệ của cô ấy hả?”

Tôi sững người, mặt nóng bừng. Dù biết hắn chỉ đang diễn kịch, nhưng tôi vẫn không khỏi xấu hổ.

“Chị dâu bán rau à?”, nghe đến đây, Hứa Thừa Cơ đưa mắt liếc tôi từ đầu đến chân, rồi nói: “Bạn gái anh là đầu bếp, nấu ăn ngon hết sảy.”

Mặt tôi lại nóng ran. Hắn gọi như thế là thật hay giả đây?

Hắn “ừ” mấy tiếng rồi cúp máy.

“Số di động của cô đâu?”, hắn hỏi tôi.

Tôi sững người, không hiểu gì hết.

“Mai gửi trả tiền cô, liên lạc cho thuận tiện.”

Tôi bật cười, nhanh nhẹn đọc số di động của mình.

Nhưng mà, kể từ hôm đó, điện thoại của Hứa đại thần vô cùng cần mẫn, gọi hết cuộc này đến cuộc khác, nội dung chẳng liên quan gì đến vụ tiền bồi thường, mà toàn chuyện vặt vãnh hằng ngày, ví như món gì ngon, quán của tôi cần cải thiện kinh doanh như thế nào, hay một số lý luận kinh doanh tôi còn nửa hiểu nửa không.

Tôi thấy ý kiến của hắn rất có lý, dần dần tiếp thu, từ từ cải thiện quán ăn của mình.

Chủ đề trò chuyện giữa chúng tôi ngày càng nhiều, thường xuyên kéo dài đến giữa đêm mà không hề hay biết. Thậm chí, nếu hắn đưa ra kiến nghị nào đó mà tôi thấy rất hữu dụng, tôi sẽ bò dậy vào nửa đêm lôi bút giấy ra ghi lại.

Mỗi ngày hắn đều gọi điện cho tôi vào một giờ nhất định. Tôi sẽ hoàn thành tất thảy công việc trước khi cuộc gọi đến. Tôi thấy mình càng lúc càng mong ngóng được nghe giọng nói của hắn.

Hai tuần sau tôi mới nhận được tiền bồi thường.

“Sao lại là năm trăm tệ?” Đếm tiền xong tôi há miệng trợn mắt nhìn Hứa đại nhân.

“Cô bị thương mà, thức ăn cũng hư hại một phần, chỉ bắt cậu ta đền ba trăm thôi.” Hứa Thừa Cơ điềm nhiên như không. Tôi thấy anh chàng này thật giỏi, chẳng những tôi không phải đền cho người ta, còn được đền lại tiền rau củ nữa chứ. Vết thương của tôi bôi ít thuốc là khỏi, phí thuốc chỉ mất vài tệ, chẳng cần chứng cứ đơn từ gì hắn đã đòi được ba trăm tệ cho tôi.

Không phải hắn lừa bịp dọ dẫm đối phương chứ? Lúc này, tôi mới nhận ra, mình hoàn toàn chẳng hiểu gì về con người Hừa Thừa Cơ cả.

Thế nào cũng được, đối với tôi mà nói, việc Hứa Thừa Cơ đòi lại được tiền bồi thường và bắt đối phương bồi thường lại cho tôi là một việc đáng vui mừng. Tôi nhét tiền vào túi áo, mỉm cười lấy lòng vị khách quen: “Ông chủ Hứa đợi chút nhé, tôi đi làm món cá luộc mời anh.”

Hắn vội ngăn tôi lại, nói: “Có thể đến nhà tôi nấu không? Dụng cụ làm bếp, thực phẩm tôi phụ trách, cô chỉ cần nấu thôi.”

Tôi sững sờ, cảm thấy đề nghị này chẳng những vừa mạo muội, lại có dụng ý gì đó nữa.

Dưới sự giúp đỡ của Tiểu Triệu, dụng ý của Hứa Thừa Cơ đã nhanh chóng bị vạch trần.

Buổi chiều tôi đồng ý đến nhà Hứa Thừa Cơ làm món cá luộc. Tiểu Triệu kể với tôi tin tức cậu ta nghe được, bảo rằng anh chàng này là cổ đông lớn của nhà hàng Phong Hoa.

Nhà hàng Phong Hoa là sao? Đó chính là nhà hàng nổi tiếng nhất thành phố này.

Món cá luộc thì sao? Đó là một trong những món ăn nổi tiếng nhất Phong Hoa.

Hứa Thừa Cơ muốn tôi đến nhà hắn nấu món này nghĩa là gì?

Tôi chùng vai vô cùng thiểu não, ngồi trước bàn dài. Xã hội này làm tôi thấy quá đỗi phức tạp, lòng người mưu mô. Tôi đột nhiên thất vọng chán chường với cuộc đời.

Tôi nhanh nhẹn đánh vảy, mổ cả. Các loại gia vị hành gừng tỏi giấm được Hứa Thừa Cơ chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của tôi. Vì món này hắn đã chuẩn bị rất kỹ càng, thậm chí còn cởi bỏ áo khoác, vén tay áo đích thân giúp tôi rửa rau bóc tỏi.

Nếu chẳng phải trong lòng tôi ủ rũ, thì khung cảnh hai người cùng nhau nấu nướng này khá là hài hòa ấm áp, cũng là giấc mơ bấy lâu nay của tôi. Tôi muốn tìm một người sẵn lòng vào bếp cùng mình, không để mặc tôi một mình lo việc bếp núc chỉ vì nghề nghiệp của tôi là đầu bếp.

Đáng tiếc, thật rất đáng tiếc.

Dường như phòng bếp của nhà Hứa Thừa Cơ rất hiếm khi được sử dụng, nhưng đồ đạc đầy đủ, dao nhọn bóng loáng. Hắn chỉ ở cùng ông nội, ông cụ có vẻ nghiêm nghị. Nhìn tôi bận rộn nấu nướng, chắc ông nghĩ tôi là người giúp việc theo giờ.

Trước khi cho cá vào nồi, tôi quay sang nghiêm mặt bảo Hứa Thừa Cơ: “Anh nhìn cho kỹ, tôi chỉ làm một lần thôi.”

Nghe tôi nói thế, Hứa Thừa Cơ bèn thu nụ cười nhẹ nhõm lại. Có vẻ như nhận thấy sự thận trọng của tôi, hắn liền trưng ra bộ mặt ngờ vực không hề giấu giếm. Tôi chẳng muốn nhìn hán diễn kịch nữa, quyết định mặc kệ anh chàng này, cứ bật lửa, cho dầu, tập trung nấu món cá luộc của mình. Tôi lấy rượu nặng khử mùi tanh của cá, đun cho tới khi nồi canh trắng như sữa bò, mới đổ gia vị vào, hương thơm vây kín căn phòng. Hai tay khoanh trước ngực, Hứa Thừa Cơ đứng bên cạnh, quan sát từ đầu đến cuối.

Còn chưa vớt cá ra khỏi nồi, căn phòng đã xuất hiện thêm một người. Ông nội Hứa Thừa Cơ chống hai tay đứng chếch ở một góc, chờ con cá của tôi ra lò.

Tôi vớt cá ra đĩa, xong xuôi đâu đấy mới quay sang bảo Hứa Thừa Cơ: “Nhìn rõ chưa? Cách làm có gì khác biệt với đầu bếp nhà anh không?”

Nghe thế, Hứa Thừa Cơ vội vàng quay đầu nhìn tôi. Tôi không muốn tìm hiểu xem ánh mắt đó chứa đựng điều gì, nhanh chóng cởi tạp dề và ống tay áo. Lúc rời đi, ánh mắt ấy vẫn dán chặt vào tôi. Ông nội hắn cầm đũa, gắp một miếng cá trong bát.

Tôi đã bỏ về như thế. Bước xuống bậc thang, tâm trạng tôi cũng chùng xuống như bậc thang càng lúc càng thấp kia. Tôi nhận ra mình rất có thiện cảm với người đàn ông này, dù lúc đầu đã từng ghét hắn. Nhưng ngay cả khi ghét hắn tôi vẫn có chút tán thưởng đầu lưỡi nhạy bén kia. Sự ghét bỏ nhanh chóng tiêu tan sau lần hắn ra tay trợ giúp tôi, rồi cả những cuộc điện thoại đã khiến thiện cảm của tôi với hắn càng lúc càng tăng. Song lúc này tôi thực sự ghét hắn, vô cùng ghét!

Một thời gian sau, Hứa Thừa Cơ không còn xuất hiện trong quán tôi nữa, cũng chẳng có ai hoạnh họe này nọ, những cuộc điện thoại dày đặc giờ không còn nữa.

“Đạt được mục đích rồi, dĩ nhiên không cần đến nữa.” Tiểu Triệu đã nói như thế, cậu ta rất để bụng chuyện tôi chẳng chút phòng bị làm món cá luộc trước mặt Hứa Thừa Cơ.

Tiểu Triệu nói tôi làm thế là ngốc. Tôi cũng thấy mình thật ngốc. Người ta chỉ mất có năm trăm tệ đã mua được một phương pháp gia truyền làm thức ăn.

Ban đầu, tôi chỉ muốn cho hắn biết, mình chẳng nghĩ ngợi điều gì, hắn có biết cách làm cũng chẳng sao. Tôi chỉ muốn làm một cuộc so sánh giữa sự thẳng thắn rộng lượng của mình với sự mưu mô xảo quyệt của hắn, để hắn biết trên đời vẫn còn một thứ gọi là không tính toán thiệt hơn, để hắn thấy xấu hổ vì hành vi của mình.

Nhưng bây giờ tôi lại đâm ra hồ đồ. Những người biết chuyện đều trách cứ, cười nhạo tôi, cách nghĩ của tôi bị lung lay. Tôi không hiểu sao trong mắt họ, hành vi của mình lại ấu trĩ và buồn cười thế. Tôi luôn băn khoăn, chẳng biết trong mắt hắn, tôi có buồn cười và thiểu năng vậy không?

Vì thế, lúc di động nhấp nháy tên của hắn, tôi chẳng những do dự mà còn sợ sệt.

Hồi chuông sắp tắt, tôi quyết định nhấc máy lên nghe, áp di động vào tai, hồi lâu không nói gì.

Đầu dây bên kia cũng im lìm mãi.

Sau đó, hắn nói: “Có thể đến nhà tôi một chuyến không?”

“Tôi đã nói chỉ nấu một lần thôi mà.” Tôi cụp mắt, rõ ràng trong lòng rối bời khổ sở, nhưng chẳng hiểu sao lại không thể thẳng thừng cúp máy.

“Không phải bảo cô đến nấu ăn, ông nội tôi muốn gặp cô.” Hắn nói vậy càng làm tim tôi quặn thắt.

Lần thứ hai tôi đến nhà hắn. Nhìn hắn rất giống người đàn ông của gia đình. Ông nội hắn cũng không nghiêm nghị như lần trước, mà đang mặc tạp dề bận rộn nấu nướng trong bếp. Biết tôi đến, ông cụ cố tình bước ra chào.

Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Sao ông nội của Hứa Thừa Cơ lại muốn gặp tôi chứ? Nếu không phải lý do ấy, tôi nghĩ mình đã chẳng dễ dàng nhận lời đến nhà người này một lần nữa.

Hứa Thừa Cơ đặt tay lên vai tôi, nhẹ nhàng ấn tôi ngồi xuống bàn ăn. Hắn tự chuẩn bị bát đũa, ông nội hắn bưng đĩa cá luộc đặt trước mặt tôi.

Nhìn đĩa cá luộc có vẻ ngoài không khác gì mình làm, tôi bỗng sững người trong vài giây. Tôi không hiểu, sao Hứa Thừa Cơ lại để một ông cụ học tay nghề của tôi.

“Không phải học theo cô đâu. Phong Hoa là nhà hàng do ông nội tôi sáng lập. Món cá luộc của Phong Hoa là món tủ của ông, cũng là món nổi tiếng của Phong Hoa từ xưa đến nay.”, vừa nói Hứa Thừa Cơ vừa đưa đũa cho tôi, ra hiệu tôi nếm thử.

“Nhưng mà ta già rồi, sẽ có một ngày không nhấc nổi xoong chảo, không làm đầu bếp được nữa. Đặc biệt, mùi vị đó không phải ai cũng học được đâu. Để nắm được tinh túy của món ăn này chẳng những cần có thiên bẩm và sự nỗ lực không ngừng, mà còn cần đến cơ duyên.”, ông cụ phụ họa cùng đứa cháu, giải thích cho tôi nghe.

Tôi chăm chú nếm món ăn trước mặt, hoàn toàn tán thành với lời nhận xét của ông nội Hứa Thừa Cơ. Quả thật cần có cơ duyên mới học được cách làm món này, lời dạy ấy bố tôi cũng từng nói qua.

Bố tôi đã dạy rất nhiều người, nhưng chỉ vài người học được cách nấu món này. Thực tế thì đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu, tại sao mình lại học một cái biết ngay, tại sao món cá luộc của tôi lại có mùi vị như thế. Bố tôi bảo đó là cơ duyên, vậy thì cứ coi là cơ duyên đi. Cho nên, khi nấu món cá trước mặt Hứa Thừa Cơ, tôi chẳng bận tâm hắn có học được tinh túy của món ăn hay không.

Nhưng lúc này, món cá tôi nếm có mùi vị giống hệt món cá tôi làm, nỗi nghi hoặc trong lòng càng lúc càng lớn.

Câu hỏi hiện rõ trên mặt, tôi quay sang nhìn Hứa Thừa Cơ.

Hắn cười bảo: “Những người kén chọn mùi vị như tôi thật ra không nhiều. Người đến Phong Hoa dùng bữa không phải muốn tận hưởng một mùi vị nào đó, mà chủ yếu muốn tận hưởng bầu không khí nơi ấy. Những người đòi hỏi mùi vị ngon tuyệt đỉnh cũng chẳng có yêu cầu khắt khe như tôi đối với một quán ăn nhỏ.”

Tôi đặt đũa xuống, hỏi: “Vậy anh cứ luôn hoạnh họe tôi, lý do là sao?”

“Bởi vì ta không còn xuống bếp nữa”, ông nội hắn tiếp lời, “Lúc học nấu ăn, thầy ta có quy tắc, một khi ngừng việc kinh doanh thì không được xuống bếp nữa.”

Tôi có thể hiểu được, bố tôi cũng như thế. Sau khi giao quán ăn cho tôi, ông không bao giờ bước vào bếp nữa.

“Đứa cháu này nói đã tìm được mùi vị thức ăn như ta nấu. Ta cứ ngỡ nó tìm thấy bố của cháu, vì thế không lấy gì làm lạ.”

Bố tôi ư?

“Tiểu Kha chính là đồng môn của ta.” Nghe ông nói thế, tôi bất ngờ tỉnh ngộ, chỉ là vẫn không hiểu, nếu như không phải vì muốn học lỏm bí quyết nấu món cá luộc thì sao Hứa Thừa Cơ lại tiếp cận tôi.

“Đã năm năm nay ta không đụng vào xoong chảo. Trước giờ Hứa Thừa Cơ đã nhiều lần đòi hỏi, nhưng ta vẫn từ chối xuống bếp. Hôm nay ta đặc biệt vì cháu mà xuống bếp, cháu có biết lý do vì sao không?” Vỗ nhẹ lên bàn tay tôi, ông cười tươi thích thú.

Tôi chẳng hiểu gì cả, thực sự không hiểu gì.

Hứa Thừa Cơ cướp lời bảo: “Bởi vì anh đã nói với ông, anh phải tìm cách xóa bỏ hiểu lầm của em về anh, nếu không thì anh chẳng còn bạn gái nữa.”



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...