Tướng Minh

Chương 127-1: Phải là hắn (1)


Chương trước Chương tiếp

Giáo Úy đại nhân...Đại tướng quân nói thế nào?

Vẫn là Trần Tước Nhi không kìm nổi mạnh dạn hỏi trước.

Lý Nhàn chầm chậm ngồi xuống tảng đá lớn, cởi túi nước bên người ra uống một ngụm.

- Đại quân vẫn phải tăng tốc, tranh thủ trong vòng mười ngày đuổi tới Bình Nhưỡng và hội quân với Thủy sư của Đại tướng quân Lai Hộ Nhi, sau đó nhanh chóng lấy được Bình Nhưỡng, chậm nhất là giữa tháng chín phải quay về.

- Vẫn phải tăng tốc sao?

Lạc Phó hơi sửng sốt, lập tức cúi đầu mắng một câu:
- Mẹ kiếp! Không phải là tự mình tìm…

Chữ đằng sau, y không muốn thốt ra.

- Đây cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi, vừa qua sông Mã Tí, đại quân không thể không tấn công mà quay về được.

Thiết Lão Lang giang tay ra, tỏ vẻ sự lựa chọn của đám người Vũ Văn Thuật là vô cùng đúng đắn.

- Hôm nay Tả Võ Vệ Đại tướng quân Vương Nhân Cung tự mình đến tìm Tân tướng quân, hình như không vui vẻ gì. Vương Nhân Cung giận đến mức sắc mặt trắng bệch, hình như Tân tướng quân cũng tức giận vô cùng, đá quăng bàn ra.

Lý Nhàn nói cho mọi người những tin mà hắn nghe được.

- Tại sao? Đại tướng quân Vương Nhân Cung không phải là tiền đội sao, chạy đến chỗ chúng ta làm gì?

Phục Hổ Nô hỏi.

Vương Khải Niên há miệng thở dốc , muốn hỏi, nhưng nhìn chung quanh đều là thân tín mà Giáo Úy đại nhân dẫn theo, vì vậy mới không dám hỏi. Nghe Phục Hổ Nô hỏi, y cũng nghiêng đầu đợi Lý Nhàn trả lời.

- Mượn lương thực!

Lý Nhàn chậm rãi thốt ra hai chữ. Đây mới là lý do căn bản mà Tân Thế Hùng gọi Lý Nhàn đến. Bởi vì Vương Nhân Cung đến mượn lương thực, Tân Thế Hùng nhất định phải biết mình có lương thực cho mượn không?

- Mượn lương thực?

Nghe được hai chữ này, Vương Khải Niên ngồi không yên.

] Giáo Úy đại nhân à! Ngài phải khuyên Đại tướng quân của chúng ta, không nên làm như vậy! Mặc dù lương thực của chúng ta tổn thất ít nhất nhưng không đủ để rút quân từ Bình Nhưỡng về, nếu ăn uống tiết kiệm còn có thể kiên trì được hai mươi ngày. Nếu như mượn được thì binh sĩ Tả Đồn Vệ của chúng ta sẽ ăn gì?

Lý Nhàn nhìn y một cái, thở dài nói:
- Ta chỉ là Giáo Úy hộ lương binh mà thôi!

- Á…

Vương Khải Niên ngẩn ra, lập tức im lặng.

- Tân tướng quân chắc hẳn không đồng ý với yêu cầu của Đại tướng quân Vương Nhân Cung, nếu không thì ông ấy sẽ không tức giận mà bỏ đi.

Lý Nhàn phân tích.

Mọi người gật đầu.

Mặc dù nói lương thực để lại rồi nhưng trong lòng mọi người đều không có cảm giác vui vẻ gì. Binh của Tả Đồn Vệ là binh của Đại Tùy, binh của Tả Võ Vệ cũng là binh của Đại Tùy, trơ mắt nhìn đồng bào sắp cạn lương thực, trong lòng ai ai cũng đều cảm thấy khó chịu.

Lý Nhàn day day lông mày, thở dài:
- Tân tướng quân nói, cần tranh thủ trước khi đánh hạ Đại Thành, nhưng thời gian cấp bách, nếu trong ba ngày không lấy được thì đại quân nhất định phải xuất phát. Tốt nhất là trước cuối tháng phải hội quân với Thủy sư của Đại tướng quân Lai Hộ Nhi, nếu không thì đại quân thật sự sẽ bị bức đến đường cùng.

Hắn ngẩng đầu nhìn trời với vẻ mặt lo lắng, sự nặng trĩu trong lòng còn âm u hơn trời cao.

- Đừng cản phía sau!

Hắn lại nghĩ tới những lời nói trịnh trọng của Vũ Văn Sĩ Cập, trong lòng không khỏi đắng chát.


Thành lớn chặn ở phía trước không biết tên là gì nhưng sự kiên cố của nó lại không thua kém gì thành Liêu Đông. Người Cao Cú Lệ đã có thời gian gần hai năm để chuẩn bị thì tất nhiên sẽ không để lãng phí một giây một phút nào. Thành lớn này căn bản không có ký hiệu gì trên bản đồ, xem ra ít nhất cũng đủ để hơn năm vạn dân và binh sĩ sinh sống. Trong vòng trăm dặm không tìm được bất cứ thôn nào có người, vì vậy có thể đoán được người Cao Cú Lệ sớm đã trốn ở sau tường cao đợi Đại Tùy tấn công.

Người phụ trách tiến công là Đại tướng quân Hữu Vũ Vệ Vu Trọng Văn và lĩnh quân Tả Đồn Vệ Tân Thế Hùng.

Mấy vạn đại quân vây công ba ngày nhưng cuối cùng không tấn công được tòa thành này. Sau khi bị Ất Chi Văn Đức lây nhiễm, mỗi người Cao Cú Lệ đều tin rằng một khi thành bị phá thì chắc chắn sẽ có cảnh chém giết, vì vậy kể cả là phụ nữ hay trẻ em đều đứng ở trên tường thành tham gia phòng ngự, vất vả ôm những tảng đá lớn ném xuống với ý đập chết tướng địch.

Dưới sức đè ép của xe nỏ và lượng lớn các cung thủ, quân Tùy ồ ạt tấn công lên đầu thành, nhưng rất nhanh đã bị trọng giáp bộ binh trên thành đẩy xuống. Không ít binh sĩ quân Tùy ôm thi thể quân địch rơi từ trên tường thành xuống đến gãy xương đứt gân. Máu thịt họ và máu thịt của địch hòa trộn vào nhau, khó mà phân biệt được.

Tấn công không phân biệt ngày đêm được ba ngày ba đêm, quân Tùy bị tổn thất không dưới ba nghìn binh sĩ, nhưng người Cao Cú Lệ tổn thất nhiều hơn quân Tùy rất nhiều, từ đây có thể thấy sức công phá mãnh liệt của quân Tùy và sức chiến đấu mạnh mẽ của các binh sĩ. Chinh chiến từ xưa đến nay, rất ít khi có trường hợp phòng ngự bên khi chiếm ưu thế về địa hình cát cứ mà lại tổn thất nhiều hơn bên tấn công, trừ phi sức chiến đấu của bên tấn công đã đạt đến mức độ kinh người. Rõ ràng, so với người Cao Cú Lệ, sự tinh nhuệ của quân Tùy quả thực không phải là điều mà họ có thể đem ra so sánh. Trên thực tế, nếu như không phải người Cao Cú Lệ có gần hai năm để chuẩn bị chiến tranh thì bọn họ căn bản không thể ngăn cản được hùng binh bách chiến bách thắng của Đại Tùy.

Giờ khắc này, người đã cho quân địch gần hai năm để chuẩn bị chiến tranh như Hoàng đế Đại Tùy nếu như nhìn thấy cảnh thảm thiết như này, không biết sẽ có cảm nhận như nào.

Có lẽ là bởi vì từng tấn công lên đầu thành, Vũ Văn Thuật vốn định ra chỉ tấn công trong ba ngày lại kéo dài thời gian thêm một ngày nữa. Nhưng ngày này qua đi rất nhanh trong biển máu này, quân Tùy vẫn không thể tấn công phá tan tòa thành lớn này.

Nhưng trong ngày thứ tư, Đại tướng quân Cao Cú Lệ là Ất Chi Văn Đức tự mình dẫn một đội quân vượt trên năm vạn nhân mã tấn công cánh sườn của quân Tùy. Vũ Văn Thuật phái Tả Kiêu Vệ Đại Tướng Quân Kinh Nguyên Hằng dẫn binh xuất chinh, Hữu Ngự Vệ Tướng quân Trương Cẩn dẫn quân đến giáp công cánh sườn của quân Cao Cú Lệ.

Sau một trận đổ máu, Ất Chi Văn Đức không địch lại được nên suất quân lui lại.

Binh sĩ Tả Kiêu Vệ và Hữu Ngự Vệ liên tiếp đuổi tới hai mươi dặm, giết được hơn hai vạn người. Ất Chi Văn Đức chật vật chạy trốn, trốn vào trong núi lớn không thấy tung tích. Vì lo lắng có mai phục, Kinh Nguyên Hằng và Trương Cẩn chỉ huy quân đội sau khi truy kích hai mươi mấy dặm thì dẫn quân quay về, binh thây Cao Cú Lệ nằm dài hai mươi dặm, máu chảy thành sông.

Chỉ có điều, vì sự kiềm chế của Ất Chi Văn Đức nên tốc độ tấn công thành của quân Tùy đành phải chậm lại. Người Cao Cú Lệ giữ thành có được cơ hội nghỉ ngơi, lại một lần nữa bố trí phòng bị trong thành lớn.

Thấy không có cách nào phá được tòa thành này, Vũ Văn Thuật bất đắc dĩ hạ lệnh cho đại quân xuất phát.

Lại ba ngày, đại quân đã vượt qua sông Tát thẳng đến ép Bình Nhưỡng.

Vừa lúc đó, cửu quân viễn chinh thật ra đã cạn lương thực rồi.

Sau khi vượt qua sông Tát, đám người Vũ Văn Thuật lập tức phái thám báo tìm kiếm vị trí chỗ ở của Thủy sư Đại tướng quân Lai Hộ Nhi, qua một ngày tìm kiếm, các thám báo quay về không phải là tin tốt lành mà họ vô cùng mong đợi mà là tin Thủy sư đã chiến bại đành phải lui về trên biển. Tin này đối với cửu quân viễn chinh Đại Tùy mà nói quả là tin dữ, tin tức mà các thám báo tìm hiểu được, đại quân Thủy sư dưới sự chỉ huy của Đại tướng quân Lai Hộ Nhi đã thuận lợi đổ bộ lên bờ, sau đó trên đường hát vang tấn công nhưng vì khinh địch mà trúng kế mai phục của người Cao Cú Lệ mà đại bại, sau khi tổn hại hơn nghìn người ngựa đành phải quay về trên biển. Người Cao Cú Lệ vẫn luôn đuổi đến bên biển nhưng vẫn không làm gì được hạm đội thủy quân hùng mạnh có một không hai lúc bấy giờ như Đại Tùy. Hạm đội mà Vương Cao Nguyên của Cao Cú Lệ phái đến không chịu nổi một đòn nào trước Thủy sư Đại Tùy, sau khi tổn thất mấy trăm thuyền nhỏ thì chật vật quay về.

Tin này giống như sấm sét giữa trời quang, khiến đám người Vũ Văn Thuật hồi lâu không nói gì. Không có sự tiếp ứng của Thủy sư, ba mươi vạn đại quân đã cạn kiệt lương thực sẽ dựa vào gì mà đi?

Nhưng đã đến bên ngoài thành Bình Nhưỡng, quân Tùy đã không còn lương thực, đánh hạ Bình Những thì có khả năng thu được đủ lương thực cho đại quân ăn một bữa, quay về đường cũ thì chỉ có con đường chết mà thôi.

Vũ Văn Thuật triệu tập các tướng nghị sự, vất vả lắm mới đưa ra quyết định tấn công Bình Nhưỡng.

Ngay lúc này, Ất Chi Văn Đức phái người đến.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...