Tượng Đồng Đen Một Chân
Chương 5: Một cái thai đang cựa quậy
Cuộc sống chẳng kéo được dài. Cái tin tìm thấy pho tượng đồng đen bắt đầu loang ra từ đám thợ xây, truyền qua lũ trẻ con của xóm, rồi sau đó đến tai các bà mẹ. Cuối cùng nó được thông báo thì thào vào tai những ông chủ vừa con vừa rể của xóm. Như một luồng gió xoáy bất ngờ cuốn tung đám lá khô. Từ những kẻ chủ tâm về đây bằng khát vọng cay cú muốn chiếm đoạt, đến những người già hơi tàn sức kiệt đã toan yên phận một bề, từ những bộ óc khôn ngoan lừa lọc hạng nhất xã hội đến lũ bé gái vốn rất ngây ngô, một chữ cắn đôi không biết, từ bầy con vốn tự coi mình có quyền chia bôi tài sản của ông bà để lại, đến đám người dưng nước lã, tất cả đều dồn cả về ông Ngang hỏi han, truy bức, chưởi rủa, nhiếc móc, đe doạ. Cả xóm cuống cuồng lên, nghĩ ra trăm thứ thủ đoạn để lừa lọc ông, phỉnh nịnh ông, gạ gẫm ngã giá với ông.
Thoạt đầu ông Ngang hoảng hốt, mặt tái xám, tái xanh, môi giật giật như bị động kinh. Nhưng sau đó thì ông điếc. Ông cứ nghếch cái đầu qua trái, rồi lại qua phải. Ai hỏi gì ông cứ há mồm ra. Chuyện cần phải gật đầu thì ông lắc, việc cần lắc thì ông gật. Mấy đứa con lớn làm chủ thầu căm giận ông tận xương tuỷ. Lũ con nhỏ thị lại sợ hãi tránh xa. Các bà vợ chưởi bóng, chưởi gió. Còn đoàn thợ xây thì phá. Có được mấy bao xi măng và bao vôi chúng đem trộn bừa vào nhau, bôi bừa bãi lên gạch, xây xiên qua xẹo lại, thỉnh thoảng lại xô đổ vài mảng tường. Rồi cũng chính từ trong đám thợ ác độc ấy, một cái tên mới được đặt cho ông chủ nhà: Ông Ngãng ! Tất cả đều cười rộ lên. Lũ trẻ cười, đám thợ cũng cười. Mấy ông chủ thầu càng cười to hơn.
Thế là từ hôm đó, mãi mãi về sau, không ai bảo ai người ta đều gọi tên ông là ông Ngãng.
Thời gian vận động thuyết phục bằng lời lẽ kéo dài gần nửa tháng không mang lại kết quả gì. Ông Ngãng ngày một thêm ngãng. Lũ con tức tối đến tận ruột. Đối với họ, những con người chủ thầu tài ba ấy, thời gian là vàng ngọc. Vì thế họ không thể kiên nhẫn được nữa. Nghi, chủ thầu gạch men, với tư cách người anh đã triệu tập Ngãi, Vi Hán lại họp và đùng đùng tuyên bố, không cần thiết phải úp mở, dấu giếm nữa, ngay lập tức phải cuốc tung cả khu đất này lên. Cả ba chủ thầu đều đưa nắm tay lên biểu quyết. Nhưng cuốc chỗ nào? Ngãi nhận định:
- Bấy lâu nay bố đã biết rõ việc ta về đây. Cũng biết rõ việc chúng ta tìm cách đào bới trong vườn. Vì vậy lần này chắc chắn bố sẽ không dám chôn tượng ở trong vườn nữa. Ông ấy có thể đã mang nó ra phía ngoài bìa rừng.
- Đúng - Vi Hán bổ sung thêm - Mang ra khỏi vườn là điều chắc chắn. Nhưng lại không dám mang đi xa vì sợ bị mất. Như vậy pho tượng sẽ được chôn ngoài vườn nhưng cũng gần sát quanh đó.
Nghi vỗ hai tay đánh "bốp" một cái, gật đầu mạnh:
- Đúng vậy, nhưng ông ta cũng không dại mà chôn thẳng hướng với ba tổ hợp của chúng ta. Chắc chắn ông ấy sẽ chôn vào giữa quãng hở, Vì vậy, tôi đề nghị, tất cả các tổ hợp đình chỉ mọi công việc sản xuất, chuyển qua đào đất. Hướng đào từ mép vườn trở ra ngoài đất hoang. Nhưng không đào thẳng hướng tổ hợp mình. Chú Nghi cho đào chếch qua tay phải, kéo cho giáp tới khu vực của dượng Vi Hán. Còn bên dượng Vi Hán thì đào qua phải giáp tới lò gạch của tôi. Tôi sẽ đào lên giáp với chỗ chủ Nghi.
- Đã đến giai đoạn này ta nên tống cổ thằng Phú Đản đi, chỉ cần mấy anh em ta thôi, tuyệt đối nội bất xuất, ngoại bất nhập.
- Đồng ý !
Có thể miêu tả không khí của giai đoạn này với cái câu : dời non lấp biển. Cả ba đoàn thầu, mỗi đoàn có trên vai chục người làm, tất cả đều cong lưng ra cuốc xúc. Đất đằng trước đổ ra đằng sau, đất lớp dưới nhào lên lớp trên, người đứng sau cuốc vào bóng người đứng trước. Rồi máy húc lại được thuê tới. Lúc đầu do Nghi thuê, sau đó Ngãi cũng đi thuê. Vi Hán thì khó gì mà không chơi nổi. Ba chiếc máy húc chồm chồm nạo vét, tiếng gầm rú náo loạn đất trời. Máy húc có ưu việt là đào xuống rất sâu, nhưng nhược điểm là ùn đống lại. Giả sử đào được pho tượng cụt chân ấy, không khéo cũng sẽ bi lấp vào trong các đụn đất. Thế là mấy bộ óc siêu việt của các chủ thầu lại phải tư duy. Họ đuổi máy húc đi, thuê máy cày về. Dạo này đang giữa thời vụ, máy cày của huyện bận túi bụi cả ngày và đêm. Nhưng chuyện đó có gì đáng sợ. Ném tiền ra cùng với những tờ công văn viết tay không có dấu, rằng ba tổ hợp công nghiệp đang được mở mang với quy mô lớn đặng nhanh chóng làm giàu cho quê hương. Máy cày ầm ầm lao đến. Những lưỡi cày cắm sâu hết cỡ. Từng bầy người chạy tất tưởi phía đằng sau bệ cày, mắt mở trừng trừng nhòm xuống từng luống đất. Mồ hôi và bụi đất bết những vệt dày dẻo quẹo trên cổ, trên tóc, trên quần áo da thịt. Nhưng từ chủ thầu đến người làm công, tất cả đều như điên như dại, cố sống cố chết bám theo máy cày. Chưa từng có một công cuộc lao động nào hăng say đến như vậy.
Trong không khí ầm ào náo loạn đang vây bọc lấy khu vườn của xóm Linh Linh như vậy thì cả bảy bà vợ già của ông Ngãng, dù già đến đâu cũng không thể nào trấn an được lòng mình. Có cái gì đó bất ngờ quẫy lên cuống quýt giục gọi trong lòng họ. Tất cả đều nhảy thếch lên thi đua với tiếng máy cày, đồng loạt tấn công vào ông Ngãng. Lúc đầu họ năn nỉ, có người còn sụt sùi than thân trách phận, có mụ còn quỳ xuống van lạy ông để ông khả dĩ có thể cảm động mà chỉ ra nơi chôn cái hình cụt chân ấy. Ông bỏ ngoài tai mọi lời van xin.
Thế thì họ phải chưởi. Sư cha mồ tổ nó, người chi có thứ người ngu hơn con chó, có của mà cứ chôn như chôn mả tổ vậy. Tao có phải là vợ mi không ? Cái bầy nheo nhóc đó có phải là con mi không? Răng mi nở để cho vợ con mi tàn tạ đến rứa, áo toạc lưng, quần thủng đáy. Hay mi cứ ưng thủng như vậy để mà nhìn. Tổ cha cố tổ cái duyên kiếp, thà ngã ra cho con vượn nó trèo còn có ích hơn mi ...
Nhưng nào có thấm tháp chi với cái lỗ tai điếc. Họ chưởi cho chính họ nghe thôi. Ông Ngãng vẫn cứ ngãng.
Cuối cùng, cái kinh nghiệm đàn bà trong các bà trỗi dậy. Có lẽ chỉ trừ có bà La đã trên sáu mươi tuổi, bà Lê cũng gần tới sáu mươi, còn lại từ bà Lu trở xuống, dù rằng da thịt đã nhăn nheo, dũng khí ái tình đã tàn lụi, nhưng nhờ có hơi hám của tượng Mẹ Đất truyền cho nên các bà đã gắng hết sức mình như ngọn đèn gắng bừng lên phút chót. Bắt đầu là bà Lanh, tuy tuổi không còn trẻ nhưng bấy lâu nay nhờ ơn đứa con rể gần bằng tuổi nên bà vẫn chưa quên được các động tác cơ bản để kích thích hứng thú của đàn ông. Chính bà Lanh là người có công sáng lập ra chiến dịch lợi hại này. Bà mò lên lều của ông Ngãng, trong lúc bà La còn ho khụ khụ ở giường trong thì bà Lanh đã sà vào đùi ông Ngãng. Ông hơi ngớ ra một lúc, không hiểu nổi cái bà vợ thứ tư này định ăn vạ cái gì thì đã thấy một phần da thịt mình bị bóp. Cảm giác lúc đầu là nhồn nhột khó chịu. Sau đó là ngứa ngáy. Gần bảy mươi tuổi rồi, hơn nữa ông cũng không phải thuộc loại người vạm vỡ, đã thế như kẻ được ăn thịt mỡ đến lúc quá no nê cho nên đã lâu rồi ông không còn tơ tưởng gì chuyện này nữa. Cái phần cuối của cuộc sống, ông đã dành sự ân ái , tơ tưởng cho người đàn bà bằng đồng đen cụt chân ở dưới đất. Ông coi đây là người vợ thứ tám của mình.
Thế mà đêm nay, ông đã ngu dốt làm một cái việc khủng khiếp tưởng chừng như không tài nào vượt qua nổi ... Cái khi đang ở đỉnh điểm cao trào, ông có nghe bà vợ thứ tư thì thầm vào tai "Sống với em nghe! Cho cái tượng ắy nghe... " Ông quên mất rằng mình cần phải điếc. Ông ừ một cái. Sau đó là một nỗi mệt nhọc tưởng muốn đứt hơi đã kéo ông nằm phờ ra giữa đất. Ông ngủ gần như chết đến hơn nửa buổi sáng mai.
Dĩ nhiên bà Lanh chẳng dại dột gì mà hở môi nói ra cái chuyện ấy. Nhưng đàn bà nói chung có một sự nhạy cảm đặc biệt. Chỉ sau một ngày là cả xóm đã biết. Thế là các mụ lồng lên. Đầu tiên là bà Lục, người em út trẻ tuổi nhất. Tiếp đến là Lương tuy có hơn tuổi Lục nhưng chỉ có một đứa con duy nhất, sức lực còn căng tràn, da thịt hãy còn cứng rắn lắm. Các bà thay nhau lao đến, thay nhau cà mũi nắn bóp vào da thịt lão gần bảy mươi nửa điếc nửa thức ấy. Rồi bà Lam, bà Lu cũng cố gắng vặn mình vặn mẫy, bẻ xương nắn cốt để mà theo kịp các em. Ông Ngãng bơ phờ rệu rã. Hơi thở bỗng nhiên khò khè, mắt ngập nước và ghèn, những cơn ho kéo dài hàng tràng không dứt. Cái không khí hạnh phúc đột ngột ấy chẳng mấy chôc được công khai hoá, hênh hoang khoác loác trước mặt nhau, bĩu môi chê bai nhau, vu khống đặt điều tệ hại để dèm pha nhau. Cái hệ quả tất yếu đã xẩy đến. Một buổi sáng cả bảy bà đùng đùng chấu mồm vào nhau mà chưởi. Sau đó tay kéo quần, tay vỗ vỗ vào cái nơi đáng lẽ đừng cho người khác chú ý, các bà xăm xăm bước lại trước mặt nhau, mồm chưởi, tay xỉa, háng hắt ra. Rồi như cái cao trào của một lần tình ái, họ xô cả vào nhau, bứt tóc, xé áo, cào mặt, kêu la thảm thiết. Ông Ngãng nhìn ngơ ngác không hiểu vì sao. Lũ trẻ nhỏ oà ra khóc náo động.
° ° °
Công trình xây nhà coi như bị huỷ bỏ hoàn toàn. Những mảng tường loi thoi khấp khiểng, vôi gạch ngổn ngang bề bộn chỏng chơ giữa vòng vây của ba tổ hợp công việc cũng dở dang bề bộn khiến cho người ta có cảm giác ngầm rằng cả xóm Linh Linh bây giờ là một khu công nghiệp liên hợp đang ở giai đoạn xây dựng cơ bản! Chủ thầu thợ xây Phú Đản bị tập thể ba chủ thầu kia ép phải rời khỏi xóm và không được quay lại chừng nào người của xóm chưa chính thức mời lại. Lý do là vì trong đám thợ xây có chứa chấp kẻ gian, đã bị bắt quả tang vì trộm cắp ! Dĩ nhiên Vĩ Kiều được ở lại vì cô là cháu dâu của xóm. Hơn cả thế, cô là người tình khó xa lánh của tất cả các chủ thầu.
Vĩ Kiều, mặc dù thường xuyên dùng thuốc tránh thai nhưng không hiểu do sơ hở lần nào mà nay ả đã có mang. Không xác định rõ cái thai đã được mấy tháng. Nhưng nói chung bụng đã căng, người sệ ra, hơi thở sè sè và nước da Vĩ Kiều xanh mét. Mặc dù ả đã cố tình thắt dây lưng thật chặt, song cái dáng điệu thuôn thuỗn ấy không sao dấu nổi những con mắt tinh đời của đám chủ thầu ranh mãnh. Họ bắt đầu tẻ nhạt né tránh Vĩ Kiều.
Thế thì uất quá, và nhục quá ! Tuy vậy, đối với Vĩ Kiều sự nhục nhã cũng không có gì quan trọng cho lắm. Điều làm cô sốt ruột và hoảng hốt chính là không khí cuốc xới của ba tổ hợp công nghiệp và sự tấn công ngày một quyết liệt của bảy bà vợ ông Ngãng. Tình thế này có lẽ đã sắp đến phút hạ màn. Cái tượng đồng đen ấy ắp bị lôi lên khỏi mặt đất. Thế mà cô vẫn ở ngoài vòng, vẫn hoàn toàn bị coi là người ngoài cuộc.
Nấp trong căn lều của bà La, Vĩ Kiều trợn mắt nhìn ra sân nơi các bà em đang quần nhau một cách khốc liệt như đấu võ, cô thấy cần phải nghĩ gấp ra một mưu kế gì đó, phải giành cho bằng được một vị trí nếu không hơn thì cũng ngang bằng ba lão chủ thầu kia.
Và cô đã nghĩ ra. Mình cũng là một chủ thầu đấy thôi. Chủ thầu ái tình. Mà không chừng mình còn cao hơn các chủ thầu khác bởi chính bọn người ấy đã trở thành kẻ làm thuê cho mình.
Nhưng khốn thay, cái thai đang cựa mạnh. Người ngợm cô đã tái mét và thuỗn ra. Vĩ Kiều căm tức nhìn xuống bụng mình. Cô biết rõ ràng rằng " đám thợ ái tình" kia đang tránh né chủ nó ! cái thai ! cái thai ! Biết đổ tội ác cho ai ? Ô, cho thằng chồng ngô nghê của mình chứ cho ai nữa ! Sư cha nó chứ, đã mấy tháng rồi nó đi biệt tăm biệt tích. Mặc kệ, tất cả là của nó, nó phải hứng chịu hoàn toàn.
Vĩ Kiều hằm hằm chui ra khỏi nhà, cúi đầu bước một mạch ra ngoài đường cái ! Cô hỏi đường lên huyện. ở đó, cô biết xí nghiệp xây dựng đang thi công xây rạp chiếu bóng. Vĩ Kiều xấu hổ tìm đến. Quá trưa hai vợ chồng gặp nhau.
- Nì, về !
Nghê trợn mắt nhìn vợ, kinh ngạc.
- Có chuyện chi rứa ?
- Chuyện chi thì chuyện, về rồi nói
- Nhưng mà hôm nay chưa về được
Vĩ Kiều dòi mồm ra:
- Hôm nào mà chẳng về được ?
- Ồ, em tưởng đi làm công nhân nhà nước mà cũng giống làm thuê ở các đoàn thầu sao ? Có phải ưng thì làm không ưng thì thôi đâu.
Vĩ Kiều nghiến hai hàm răng lại, giọng rít lên:
- Rứa anh định đi hoài hoài à ?
- Ừ, đi công nhân mà.
- Rứa tôi đẻ đứa con này ra cho ai ?
Nghê hơi sững ra, mặt thoắt đỏ ửng lên. Anh hỏi thì thào
- Rứa ... em ... đã có thai ?
Vĩ Kiều lại oang oang:
- Chồng với con, ngu ngơ hết chỗ nói. Nhìn người thì phải biết chứ ?
- Mấy tháng rồi ?
- Hai
Nghê mấp máy:
- Hai ... Nhưng mà ... hai tháng nay anh có về nhà đâu ?
- Thì ba
- Ba ... nhưng ba tháng nay anh cũng không về
Vĩ Kiều lồng lên:
- Thì bốn, thì năm. Thì sắp để đây rồi. Mi có về không?. Mặt Nghê đột ngột tái xám lại.
- Này, cô phải nói thật đi, có phải con tôi không ? Vĩ Kiều run lên vì tức giận. Cô xáp đến sát mặt Nghê:
- Rứa mi có nằm với tao lần nào không ? Đ. mạ cả họ chúng mày, vô ơn bạc nghĩa.
- Mi ... mi ... dám chưởi cả họ tao à !
- Cả họ mi thì là cái thứ chi mà tao không dám chưởi. Mi tưởng quý hoá lắm à ? Tưởng tao theo mi về đây là để phụng thờ cái họ mi ư ? Về mà coi ! Về mà coi ! Chúng nó đang xé xác nhau như lũ chó ấy. Chúng nó giành nhau cái cục tượng như chó giành nhau cái khúc xương. Chỉ có mi là cù lần thôi. Tiền vạn bạc triệu thì không muốn lại chui đầu đi làm để kiếm vài chục bạc. Ngu đã thành nòi rồi !
Nghê đứng ngẩn người, cổ họng nghẹn tắc lại vì giận dữ. Còn Vĩ Kiều thì quay lưng đi, vừa đi vừa gào vừa chưởi. Những người bạn công nhân trong xí nghiệp đổ xô ra. Vĩ Kiều đang gào thét một cách thê thảm. Ai đó buông tiếng thở dài:
- Tội nghiệp !
- Nó đánh vợ à ? Thằng ấy không ngờ lại cục tính. Thời đại này rồi mà lại đánh vợ.
Nghê bỗng thấy điếc ù cả hai tai.
- Chắc là ghen ?
- ừ, có lẽ cu cậu lại lòng thòng với ả nào đó ...
- Hư hỏng ! mới thoát li vài ngày đã thoái hoá biến chất rồi.
- Thôi, kiểu này trả cậu ta về thôi.
- Kỷ luật !
Nghê quay phắt lại, khoé mắt anh nhoè nước. Không nhận ra những ai vừa mới bình luận những câu ấy, tất cả đang nhìn anh với ánh mắt trách móc ! Ngô đột ngột gầm lên:
- Cút đi ! Đ.mạ chúng mày.
° ° °
Vĩ Kiều về đến xóm Linh Linh thì trận ẩu chiến ở đây đã kết thúc. Các bà vợ cùng với con cái họ đã tản ra vòng ngoài của mảnh vườn, chia nhau bám chặt những chiếc máy cày. Cả bảy túp lều có lẽ chỉ còn có hai người. Ông Ngãng nằm thờ ơ ở ngôi nhà một gian hai chái. Ngẩu ngồi thổi sáo ở túp lều bà Lục. Vĩ Kiều vẫn hằm hằm tức giận. Đương nhiên không phải cô giận chồng bội bạc. Bởi đã bao giờ cô thương yêu đến Nghê đâu. Cô căm giận cái thời thế nói chung, căm giận tất cả mọi người đã không thừa nhận cô là một chủ thầu. Bởi người đời có con mắt. Cô căm giận tất cả những con mắt cứ chòng chọc nhìn vào cái bụng đã phình phình và nước da xanh mét của cô. Vĩ Kiều nghiến răng lại thề độc rằng, nếu có phép biến hoá, cô sẽ làm cho tất cả loài người này đui hết.
Ông chú mù vẫn ngồi thổi sáo ! Đáng ghét làm sao hắn cứ thổi đi thổi lại cái bài "Tình yêu có từ nơi đâu". Có lẽ hắn yêu mình thật. Vĩ Kiều nghĩ vậy và cảm thấy lộn ruột. Chẳng lẽ không còn một ai yêu mình đến nỗi phải nương tựa vào tình cảm thằng mù ? Có lẽ cần phải dạy cho hắn một bài học, hỡi cái kẻ không nhìn thấy gì kia, mày cần phải biết rằng ta cần mày cái gì và không cần mày cái gì !
Vĩ Kiều bước thẳng đến trước mặt Ngẩu. Tiếng sao ngừng bặt. Đôi môi Ngẩu khẽ mấp máy:
- Cháu ... phải không ?
- Không phải cháu mà là em !
- Ô ..Vĩ Kiều.
Vĩ Kiều nhếch một mép gần như cười. Nhưng Ngẩu nào đâu có thấy được thái độ khinh mạn ấy. Giọng anh run rẩy
- Vĩ Kiều ... em ...
- Vào trong này !
Vĩ Kiều bước nhanh vào giường. Ngẩu quờ quạng chạy theo. Chạm tay vào Vĩ Kiều, Ngẩu lớ quớ định ôm lấy.
- Khoan đã, ngồi im đấy !
Đôi tay Ngẩu chùn lại, mặt ngệt ra.
- Hãy nghe cháu hỏi đã. Chú có mù thật không ?
- Ô hay ... sao Vĩ Kiều lại hỏi thế ? Chẳng lẽ chú giả bộ ...
- Nghĩa là chú không nhìn thấy bất cứ cái chi ?
- Không mà ... Giọng Ngẩu đột ngột nghẹn lại - Vĩ Kiều có biết được cái nỗi buồn thê thảm ấy không ? Đôi khi nghe tiếng dép của cháu đi qua ...
- Thôi - Vĩ Kiều cắt ngang - Đây không muốn nghe ca sáu câu đâu. Rầu thấy mồ.
Nói rồi Vĩ Kiều lăn ngửa ra giữa chiếu, nghiêng mặt nhìn chằm chằm vào Ngẩu nói như ra lệnh:
- Hãy đưa một bàn tay ra !
Cánh tay Ngẩu thò ra, run run.
- Đưa cao lên. Cấm sờ soạng nghe ! Chừ cháu nói đặt xuống chỗ nào chú phải đặt đúng chỗ đó, chệch một phân cũng không được. Nếu trúng liền được ba lần cháu sẽ cho chú ... thoả mãn. Trật thì đừng hòng. Bắt đầu. Lỗ mũi !
Ngẩu hơi ngớ ra một tí nhưng liền đó anh nhoẻn miệng cười. Bàn tay hạ xuống chụp đúng mũi Vĩ Kiều.
- Rồi, vú trái !
Ngẩu xích bàn tay xuống một đoạn, ước lượng cự ly rồi đột ngột hạ nhanh xuống.
- Trật rồi. Thế là toi công nghe.
Nhưng Ngẩu đã chồm người lên:
- Thôi mà ... đừng hành tội chú nữa ... mắt chú mù thiệt mà ... sao em nỡ mang sự mù loà ra mà trêu ghẹo anh ? ...
Vĩ Kiều xô mạnh một cái vào giữa ngực Ngẩu khiến anh suýt bổ ngửa ra. Cô ngồi đựng dậy:
- Đã bảo đây không thích nghe sáu câu. Đồ dê mù.
Nói rồi Vĩ Kiều chui ra khỏi lều, đi thẳng.
Ngẩu ngồi chết lặng, mặt đực ra mà không tự biết mặt mình đực ra. Anh ngồi thế rất lâu và không sao ý thức được mình ngồi thế từ bao giờ. Có lẽ từ lúc mới lọt lòng mẹ ? Phải. Tất cả là do cái màn tối khủng khiếp ấy, cái màn đen bịt bùng bí bức. Nó là cội nguồn thăm thẳm của mọi nỗi khát khao, là bào thai của tất cả những lỗi lầm. Đương nhiên với Ngẩu, anh chỉ thấy ngột ngạt, uất ức chứ không sao nói ra được những lời về cái màn đen tàn ác như ta vừa nói. Anh chỉ cảm nhận đựoc một cách thật sự chua xót rằng, tất cả mọi người xung quanh đều thuộc về cái màn đen ấy, tất cả đều ở trong đấy mà ra.
Có bước chân nặng nhọc chầm chậm bước lại gần. Ai ? Ngẩu thầm hỏi và cảm thấy sợ hãi, một cạm bẫy nào đó đang rập rình quanh đấy
- Ai ?
- Chị đây !
Đó là lần đầu tiên trong đời Ngẩu tỏ ra quan tâm và cất tiếng hỏi khi có bước chân tiến lại gần. Và cũng là lần đầu tiên chị Lào, người chị cục cằn dữ tợn lại trả lời bằng hai tiếng "chị đây" nghe như một tiếng nấc. Lào ngồi khẽ xuống bên Ngẩu, hỏi rất khẽ:
- Sao cậu không thổi sáo ?
- Em ... buồn.
Có một tiếng thở dài. Ngẩu ngước mặt lên quay về phía chị.
- Còn chị ? Hình như chị cũng buồn ?
- Hơn vậy nữa. Chị ngao ngán ...
- Ngao ngán chuyện chi rứa chị ?
- Tất cả mọi chuyện. Em mù rứa mà hay - Chị Lào lại thở dài - Đã đến lúc chị không thể chịu đựng được nữa "Đã đến lúc chị không chịu đựng được nữa" Nghĩa là chị ấy bắt đầu yêu ? Ngẩu chợt cười nhợt nhạt:
- Chị Lào ơi, sao hồi chừ chị không chịu lấy chồng ? Chị Lào bỗng hắt ra một tiếng thở như cái nút chai bị bật, rồi đùng đùng chị nổi cái cơn tam bành bẩm sinh vào tai cậu em:
- Chồng là chó gì ? Toàn là những con súc vật. Cậu không thấy cả một lũ súc vật đó sao ! May mà tao không lấy chồng. Không đẻ con ... Tao đã lỡ sinh ra trên đời rồi thì không muốn có một kiếp người khác vì tao mà sinh ra nữa. Lắm lúc tao muốn băm vằm chúng nó ra như vằm rau lợn ấy .. Không thể chịu nổi nữa.
Ngẩu thấy rùng mình. Anh có cảm giác rất rõ là chị Lào đang chưởi bới anh, nhiếc móc anh vì những tội lỗi mà anh mắc phải. Giọng Ngẩu run rẩy:
- Chị Lào ! Sao chị lại dữ dằn thế ?
- Không dữ để chúng nó ăn thịt à ? ở với cái lũ súc vật ấy không dữ sao được:
Hình như chị ấy còn căm tức cái gì đó nữa, không riêng gì anh. Ngẩu tò mò hỏi:
- Chị ... định bảo em chuyện gì ?
Ngừng lặng. Lại một tiếng thở dài nhưng khẽ hơn. Cuối cùng là tiếng nói ngập ngừng, đứt đoạn:
- Chị định bảo em ...nhưng chừ nghĩ lại ..thấy không cần ...chị không muốn em phải khổ vì ... vì chị.
- Nhưng chị cứ nói thử coi ?
- Không.
- Nếu không nói thì nói chuyện khác ...Chị cứ nói một chuyện chi đó cũng được, em đang buồn mà ..
- Vì sao lại buồn ?
Ngẩu bỗng nói to lên:
- Em cũng không thể chịu đựng được nữa. Thật là ghê rợn ...
- Thế thì ... Lào vừa reo lên đã vội ngậm lại. Nhưng Ngẩu đã tinh khôn nhận ra:
- Thì sao hở chị ?
Ngần ngừ một lúc, Lào buộc phải thổ lộ:
- Thế thì chị em mình hãy bỏ chỗ này mà đi đi !
- Đi đâu ?
- Đâu cũng được. Trên đời không phải chỗ nào cũng tối tăm như thế này đâu. Chị đã định đi lâu rồi ... nhưng đi một mình không dám. Dẫu sao mình cũng là đàn bà ... Cả cái xóm này chị chỉ còn tin vào một mình cậu thôi. Dù cậu mù loà nhưng vẫn là một con người. Có chị có em, tức là có máu mủ ruột thịt . Dù đến ở đâu, mình cũng có bà con. Hơn nữa, sáng nay ra chợ, gặp người dưới xã vừa ở trong Đắc Lắc về, ông ấy nói có gặp cậu Ngụ.
Ngẩu kêu lên:
- Cậu Ngụ con dì Lan ?
- ừ, hình như cậu ấy đã lập gia đình và làm ăn ngay trong đó. Nếu chị em mình vào được nữa là có thể mở mang thành một làng mới được rồi.
- Lại đặt tên làng Linh Linh chứ ?
- Thôi hãy quên tên đó đi !
Im lặng một lúc Ngẩu hỏi:
- Chị định khi nào đi ?
- Thì cứ biết vậy đã. Khi nào có dịp thuận lợi thì đi .. Chị có nghe đồn hiện nay ở huyện mình sắp có cuộc vận động đi kinh tế mới. Nếu có chuyện đó, chị sẽ xin đi.
Bất ngờ Ngẩu quyết định:
- Chị đừng đi theo họ.
- Vì sao ?
- Vì như vậy em sẽ không theo chị được. Ai người ta cho loại mù như em đi kinh tế mới.
Lào reo lên mừng rỡ:
- Vậy là em ưng đi theo chị hí ?
- Ưng.
Hai tay Lào chụp lên tóc đứa em trai cùng cha khác mẹ mà lắc lắc liên hồi khiến Ngẩu la lên ai ái. Có thể từ nay, Lào nghĩ, chị phải gánh vác lên vai mình một cuộc sống của cả đứa em mù loà này. Nặng nhọc vô chừng, nhưng chắc chắn lòng chị sẽ thư thái hơn.
° ° °
Sau khi hành hạ được người chú mù mắt, Vĩ Kiều bước ra khỏi túp lều của Ngẩu và mang ngọn lửa hãnh tiến ấy trong người mà xông thẳng vào đám chủ thầu ở ngoài bìa rừng. Cần phải xác lập được vị trí của ta - loại chủ thầu trên mọi chủ chầu - Cần phải cho mọi người hiểu rõ sự có mặt của ta trong xóm nhỏ này. Để nếu chúng nó có tìm thấy pho tượng kia và chia nhau thì không thể bỏ qua mặt con này được. Vĩ Kiều bước nhanh tới chỗ bụi đất đang ùn ùn cuộn lên, lòng bừng bừng một ý chí như vậy.
Nhưng tại đây, ở cái "mặt trận" ngoài bìa rừng này, Vĩ Kiều đã gặp thất bại. Thoạt đầu sự thất bại cũng nhẹ nhàng không đến nỗi nhục nhã gì cho lắm. Vĩ Kiều gọi các chú và dượng. Người ta quay lại nhìn rồi quay mặt đi. Vĩ Kiều giả bộ õng ẹo nhờ chú Nghi nghỉ việc đèo xe máy đi chút xíu. Nghi lắc đầu hấp tấp: "Chú bận quá mà ... cháu coi, công việc đang rối mù" Ngãi nói cộc lốc: "Lui ra con nhỏ !" Còn Vi Hán thì độc địa hơn, hắn cười khẩy: "Xe non hơi rồi đèo nặng không nổi !"
À, ra thế ! Đồ đĩ đực, đồ Sở khanh ! Thế là Vĩ Kiều uốn chiếc bụng ra mà cười. Nhưng máy cày rú to quá, tiếng cười của ả chết chìm . Đám trẻ con mà Vĩ Kiều vẫn phải gọi bằng các cô đang reo hò bám từng luống đất. Chẳng ai thèm để tâm đến chuyện vặt ấy. ở cái xóm Linh Linh này chưởi nhau là chuyện vặt. Vĩ Kiều như muốn phát điên lên. Cô xông thẳng vào trước mặt từng ông chủ, học theo cách diễn đạt nổi tức giận của các mệ, cô cũng vỗ vỗ tay vào cái nơi mà các chú cũng nhiều lần vỗ vỗ, rồi cô gào thực to át cả tiếng máy cày.
Thế là hậu hoạ đã đến. Bắt đầu bằng một bạt tai. Vĩ Kiều nhổ nước miếng vào kẻ tát mình. Thế là chú Nghi cho luôn một đấm vào giữa mặt. Sức vóc đàn bà trụ sao nổi cú đấm thật lòng của một chủ thầu béo tốt. Vĩ Kiều ngã sóng soài trên đất, máu miệng trào ra mép. Đám trẻ hốt hoảng bu lại coi. Vĩ Kiều cứ nằm vậy mà chưởi. Cô chưởi từ tổ tông, cố vãi, ông bà trở xuống. Không thể để yên cho nó chưởi, Ngãi cúi xuống túm lấy mái tóc cụt lủn của Vĩ Kiều dặc mạnh, lật sấp người cô lại. Vi Hán vội vã giật chiếc xẻng trong tay một anh thợ sầm sầm chạy đến. Ông dượng quý hoá ấy hăng hái dập lưỡi xẻng lún sâu xuống đất, hất lên tấp vào lưng Vĩ Kiều. Có lẽ chỉ cần độ vài chục nhát xẻng là lấp sống được một đứa cháu dâu duy nhất ấy. Nhưng bất ngờ có tiếng thét khủng khiếp làm dạt bay lũ trẻ con ra hai bên và tay xẻng của Vi Hán dừng sững lại. Một người đàn bà lao đến. Chị dằng lấy xẻng và hua lên, nhằm thẳng mặt Vi Hán mà bổ xuống. Vi Hán hết hồn ngã lăn ra, nhào hai vòng. Người đàn bà tiếp tục xông lên. Vi Hán lồm cồm vừa bò vừa chạy. Hai ông chủ thầu khác xông đến định đỡ đòn cho đưa em rể nhưng người đàn bà đã quay lại, chiếc xẻng lại hua hua lên. Họ không đủ dũng cảm để xông vào, để thẳng tay nện những cú đấm vào mặt con người hung dữ ấy. Bởi vì đó là chị của họ, con người được mệnh danh là bất khả xâm phạm của cái xóm này.
Khi đám chủ thầu cùng với cái bọn a dua ấy bỏ chạy tan tác thì Lào mới buông tay xẻng, chạy vội đên bên xác Vĩ Kiều. Chị mếu máo khóc, tay thọc xuống bụng đứa cháu dâu để bế nó lên. Dưới làn da thô tháp của chị, một cái gì đó đang cựa quậy. Lào khóc oà lên. Mặc dù cả một đời chưa hề biết đến chuyện mang thai sinh để, nhưng với bản năng đàn bà, chị biết cái thai kia dang đòi được giải thoát.
° ° °
Vĩ Kiều được nằm tỉnh dưỡng trong căn nhà bà La với một sự chăm sóc đặc biệt của Lào. Chị nấu cháo cua, cháo cá, đôi khi có cả chào gà nữa cho Vĩ Kiều ăn. Kể ra sức khoẻ của Vĩ Kiều không đến nỗi đáng lo ngại lắm. Nhưng điều làm cho Lào sợ hãi nhất là cái bào thai chưa đến ngày sinh nở kia, cứ thỉnh thoảng lại quẫy lên tròn vo từng cục như thể đứa bé bên trong đang co rúm lại vì đớn đau.
Lào dùng tất cả cái uy dữ của mình để bắt nạt bố, bắt ông phải cố nhớ lại những vị thuốc nam có tác dụng dưỡng thai. Lúc đầu ông Ngãng làm ra vẻ ngãng thật, nhưng khi nom thấy hai con mắt của đứa con gái đã trợn trừng lên, hai gò má giật giật thì ông hoảng quá, lỗ tai bắt buộc phải lắng nghe những yêu cầu của con. Rồi ông gật gật đầu nói lí nhí:
- Để bố nhớ ... nhớ đã ... cũng lâu ... lâu quá rồi ... Ngải cứu này ... trứng gà này ... Để bố nhớ thêm tí đã.
- Nhớ đi ! Lào ra lệnh và quay ngoắt đi.
Và thế là ông Ngãng đã bình tâm để nhớ. Phải rồi đã một thời ông là thầy lang, không thật nổi tiếng nhưng cũng làm được điều bổ ích. Cả một thời trẻ trung, tâm hồn ông lẫn hoà trong hương vị thuốc bắc, cái vị hương kỳ lạ không trộn lẫn với bất kỳ thứ hương hoa nào. Cả một thời lương thiện ấy, ông chỉ nhập tâm mấy chục tên gọi sâm, quy, thục, địa, cam thảo, trần bì ... Nhìn vào người nào ông cũng "vọng sắc, văn thanh, vấn chứng" để thăm dò thể lực, cầm tay họ lên là cảm nhận được lục phủ ngũ tạng trong ba bộ mạch thốn quan xích, phù là bệnh ở biểu, trầm là suy ở lý, cứ vậy mà suy, khi mạch sáo có lực, khi mạch trầm vô lực, mạng sống của con người có thể cảm thông được qua ba đầu ngón tay.
Một thời như vậy đã có thật trong ký ức ông. Nhưng đã lâu lắm rồi, từ ngày có câu chuyện về pho tượng cụt chân ấy thì âm dương lộn nhào, ngũ hành biến sắc, kim không khắc mộc mà lại khắc người ...
Ông nhớ ... hình như đã có một thời, ông có vẻ hào hoa. Đi ra có kẻ bẩm thầy, về nhà có người phục dịch. Ông ăn nói cũng từ tốn nhẹ nhàng , ý nghĩ hầu như toàn là điều phúc hậu. Thế rồi, như một con bệnh uống nhiều thuốc mà sinh biến chứng, bắt đầu là ma lanh, lừa phỉnh sau đó là tội ác điên khùng. Ngoại tà nhập lý, bệnh đã thuộc dạng nan y khó mà cứu được.
Ông nhớ ... rồi ông nhớ, còn có sự tra tấn nào ác nghiệt hơn đối với một người già khi bắt họ phải nhớ lại rành rọt những tội lỗi chồng chất suốt một đời người của họ. Nhưng với ông không lấy đó làm điều đau khổ. Vì ông nhớ lại không phải là một sự sám hối, mà như kẻ giữ kho kiểm kê tài sản để bàn giao. Ông có thể bàn giao tất thảy, cả cái thời hào hoa lẫn những năm tháng trác táng, cả những khi làm phúc lẫn mọi lần độc ác, gian hùng .. Duy chỉ có một điều ông đã nguyền rằng sống để dạ chết mang theo. Đó là tượng Mẹ Đất, cái tác nhân gây bệnh cho cả cuộc đời ông.
- Răng bố ? Người con gái lớn tuổi lỡ thì quay trở vào cắt đứt mạch nghĩ của ông - Chắc bố nhớ kỹ rồi chứ ?
- À ... à ... cũng có nhớ.
- Vậy thuốc chi ? Dưỡng thai là một, bổ huyết là hai. Nói đi !
- À ... à ... có thể là phương: Hà thủ ô, ích mẫu, long nhãn, nam kỳ ... Có thể thang Sa nhân, rễ chuối tiêu ... Hoặc là cây chỉ thiên một nắm, cam thảo bắc hai đồng cân sắc vàng uống lúc còn ấm. Mà cũng có thể dùng Tam lăng, Nga Truật, Đào Nhân, Nam mộc hương, Nam Tam Thất với chi Hương phụ ...
Lào kêu lên oai oái:
- Ôi thôi, thôi, nghe nửa tây nửa tàu thế ai mà biết được. Tốt nhất bố hãy dậy, đi vào rừng kiếm lấy một thang về đây.
Ông Ngãng dướn cặp mắt lên nhìn lơ láo:
- Mi bảo tao đi à ? Tao là bố mi mà mi lại dám ...
- Cái thai đang đau đớn đó có phải là chắt của bố không ?
- Ui chà ... chắt với chả chít ...
Lào xông thẳng vào:
- Chắt chít thì làm sao , há ?
- Ờ ... thì sao, thì là chút chắt ...
- Hừ, đồ mất giống !
Ông Ngãng nhổm cả người dậy:
- Mi ... mi chưởi tao à ? Đồ vô phúc !
Lào cũng chồm tới:
- Ông có đi không ? Có đi không thì bảo ?
- Thì ... thì ... cũng phải để cho tao ăn một cái chi trong bụng đã chứ. Tổ cha con với cái !
Dĩ nhiên là Lào san phần cháo của Vĩ Kiều cho ông một bát. ăn xong, ông chìa bát xin thêm, Lào nguýt dài một cái nhưng cũng múc. ăn hết bát thứ hai, ông Ngãng đứng dậy vươn vai, rồi ông đi lui ra phía hồi nhà tìm cái thuỗng. Ông đảo mắt nhìn khắp vườn một vòng ý tứ xem có ai lảng vảng gần chỗ ông chôn pho tượng không. Sau đó ông uể oải đi vào rừng.
Rõ ràng trong nhà này ông Ngãng có vẻ sợ và nể đối với Lào. Trước hết vì đó là một đứa con khác thường, tính khí cục cằn và dữ tợn. Sau nữa, bởi đó là một trong hai đứa con bất hạnh nhất của ông: Thằng Ngẩu thì mù loà, còn Lào lại lỡ thì qúa lứa. Còn có một lý do nữa, cái lý do khiến chẳng riêng gì ông mà hầu như cả xóm đều bị Lào chưởi, là đã suốt bao nhiêu năm nay cả cái đại gia đình này hầu như chẳng làm gì ra ăn, suốt ngày chỉ đào bới đất đai, chưởi bới cãi vã nhau về chuyện pho tượng, tất cả mấy chục con người đều thoi thóp sống dựa vào hai bàn tay chai sần và cả tấm thân rám nắng của Lào. Chỉ có duy nhất con người lỡ thì xấu số ấy mới tin ở hai bàn tay và đôi vai bầm sẹo của mình, còn nữa thóp bụng lại mà mơ pho tượng.
Thế là cùng một lúc ở xóm Linh Linh xẩy ra ba hiện tượng bất bình thường khiến cho những bộ óc vốn rất tinh đời của các chủ thầu không thể không để tâm lưu ý. Một ông già đã nằm ỳ suốt mấy năm bỗng nhiên đứng dậy lụi cụi đi vào rừng. Một bà cô vốn cực kỳ hung dữ, đột ngột trở nên ít lời và cung cúc tận tuỵ chăm nom một con đĩ. Hiện tượng cuối cùng là chú em mù tự nhiên không thổi sáo nữa. Anh ta ngồi hàng buổi trước cửa nhà, câm lặng một cách đáng sợ. Thậm chí đôi khi Nghi thử gọi vẫn không thấy Ngẩu trả lời.
Cả ba vị chủ thầu liếc mắt cho nhau rồi đột ngột chuyển hướng. Họ đình chỉ mọi máy cày, máy húc. Họ thì thầm trao đổi và thống nhất nhận định rằng: Đứa cháu đích tôn kia và đứa chắt đích tôn ấy là kẻ được thừa kế hưởng pho tượng đồng đen ! Như vậy, một tình huống mới được đặt ra, muốn làm chủ kho báu trong nhà này trước hết cần làm chủ cái bào thai đang cựa quậy ấy.
Tất cả đều vắt óc nhớ lại những ngày, những tháng đã chung đụng với đứa cháu gái. Rồi họ lấy sổ tay, những cuốn sở thường dùng chấm công thợ và cộng trừ lỗ lãi, ghi vào đấy những bằng chứng cụ thể để sau này có thể chứng minh hùng hồn rằng vào đêm đó, giờ đó, tại chỗ đó, tôi đã ngủ với Vĩ Kiều. Cả ba chủ thầu đều làm việc đó với một tư duy trùng hợp. Sau đó họ nhẫn nại chờ cái ngày đứa trẻ kia tòi ra, lấy ngày đó tính ngược trở lại chín tháng mười ngày để khẳng định có phải là giọt máu của mình không ?
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp