Tử Tước Chẻ Đôi

Chương 3


Chương trước Chương tiếp

Khi chú tôi trở về RạngĐông, tôi đã được bảy hay tám tuổi. Lúc ấy là tháng Mười; vào một buổi chiều đã nhá nhem; trời u ám. Ban sáng chúng tôi có vụ mùa hái nho, xuyên qua các rặng nho, trên mặt biển xám xịt, chúng tôi trông thấy các cánh buồm của một con thuyền treo lá cờ hoàng gia tung bay phần phật đang lướt vào vịnh. Thời gian đó, mỗi khi trông thấy một bóng thuyền, thiên hạ lại kháo nhau:

– Tướng công Medardo hồi hương đấy.

Không phải vì chúng tôi nóng ruột mong chú về, mà chỉ để có điều gì đó mà trông chờ. Lần ấy chúng tôi đã đoán trúng: tới buổi chiều thì chúng tôi đã chắc, khi một cậu thiếu niên, tên là Fiorfiero, đang hái nho trên nóc cái bể chứa, kêu lớn:

– Ô, dưới kia kìa.

Lúc ấy trời sắp tối, nhìn xuống dưới thung lũng, chúng tôi trông thấy một hàng đuốc tỏa sáng dọc theo con đường đá; sau đó, khi đuốc đang băng qua cây cầu, chúng tôi nhìn ra được một chiếc cáng khiêng tay. Không nghi ngờ gì nữa: vị tử tước đang trở về từ cuộc chinh chiến.

Tin tức truyền lan khắp thung lũng; dân chúng tụ tập trong sân trong của tòa lâu đài: người nhà, người quen, thợ hái nho, mục đồng, lính kiểng. Chỉ còn thiếu bố chú Medardo, cụ tử tước Aiolfo, ông tôi, đã từ lâu không còn ra ngoài, ngay cả cất bước xuống sân. Mệt mỏi với sự đời, cụ đã nhường các đặc quyền của tước vị cho cậu con trai một, trước khi cậu lên đường chinh chiến. Giờ thì cụ dành niềm đam mê cho đàn chim đang nuôi trong một cái lồng vĩ đại ở tòa lâu đài, niềm đam mê ngày càng trở nên độc nhất hơn, thậm chí cụ đã mang cả cái giường ngủ của mình vào trong chiếc lồng đó, tự nhốt mình lại, ngày hay đêm đều không chịu ra. Thò qua các chấn song, người nhà đưa vào các món ăn cho cụ, và nắm hạt thức ăn cho loài lông cánh, cụ Aiolfo chia sẻ mọi thứ với những sinh vật ấy. Cụ bỏ hàng giờ vuốt ve sống lưng con gà lôi, con cu gáy, trông chờ ngày cậu con trai chinh chiến trở về.

Tôi chưa bao giờ trông thấy nhiều người đến thế trong sân trong tòa lâu đài: đã qua rồi cái thời hội hè và chiến tranh giữa những người láng giềng với nhau, cái thời tôi chỉ được nghe kể lại. Rồi lần đầu tiên tôi nhận ra tình trạng đổ nát của các bức tường, của những cái tháp, và tình trạng bùn lầy của cái sân trong, nơi chúng tôi thường mang cỏ lại cho dê, và đổ cám lên máng cho bầy heo. Trong khi chờ, mọi người bàn luận với nhau về việc tử tước Medardo sẽ trở về trong tình trạng như thế nào; tin chú mang trên người các vết thương nặng do quân Thổ gây ra đã truyền về đây được một thời gian, nhưng chưa ai biết đích xác là chú bị què cụt, mang bệnh, hay chỉ chịu những nhát chém đã thành sẹo: và bây giờ, trông thấy chiếc cáng, chúng tôi chờ đợi điều tệ hại nhất.

Cuối cùng, chiếc cáng được đặt xuống đất, và giữa bóng tối đen thẫm, người ta trông thấy tia lấp lánh của một hạt đồng tử. U già Sebastiana len tới gần, song từ trong bóng tối, một cánh tay giơ lên, kịch liệt bảo không. Rồi người ta trông thấy cái tấm thân trên chiếc cáng chuyển động với một nỗ lực xộc xệch và co giật; thế là trước mắt chúng tôi: tử tước Medardo xứ RạngĐông bật người đứng dậy, chống một chiếc nạng. Chiếc áo choàng đen mũ nắp, buông từ đầu xuống tận mặt đất; phần bên phải vắt ra đằng sau, lồ lộ một khuôn mặt một-nửa và một tấm thân một-nửa kẹp chặt chiếc nạng; còn phần bên trái thì dường như toàn bộ đã lặn đi đâu mất, và cái vạt màn rộng ấy rủ xuống thành các bờ mép và nếp gấp.

Chú đứng đấy nhìn chúng tôi, chúng tôi đứng thành vòng tròn bao quanh chú, mà không ai thốt được lời nào; song có lẽ, qua cái con mắt chằm chằm đó, chú không hề nhìn chúng tôi, mà chỉ muốn đẩy chúng tôi ra xa.

Một cơn gió biển ập tới, trên ngọn cây sung, một cái cành bị gãy, tiếng răng rắc truyền đi. Chiếc áo choàng của chú tôi uốn lượn, tung lên trong gió, căng ra như một cánh buồm, rồi có lẽ gió đã thổi thấu qua cái tấm thân ấy, hay đúng ra, cái tấm thân ấy đâu không thấy, và chiếc áo choàng thì rỗng không như của một con ma. Thế rồi, nhìn kỹ hơn, chúng tôi thấy nó như dán sát vào một cán cờ: đó là bờ vai, cánh tay, cạnh sườn, cẳng chân, toàn bộ những gì của chú đang tựa trên chiếc nạng, và phần còn lại thì thiếu vắng.

Đàn dê nhìn vị tử tước bằng cái ánh mắt đăm đăm và vô cảm của chúng, mỗi con xoay đầu từ một vị trí khác nhau, song đều áp sát vào nhau, sống lưng chúng tạo thành một hình thù lạ lùng, với vô số góc vuông. Bầy heo, nhạy bén và sẵn sàng hơn, eng éc bỏ chạy, bụng va vào nhau, và thế là ngay cả chúng tôi cũng không giấu được nỗi sợ. U già Sebastiana kêu lên:

– Ôi con tôi! – và dang tay – thằng bé khốn khổ.

Chú tôi, bực mình vì đã tạo cho chúng tôi cái ấn tượng như thế, chống mũi nạng xuống đất, lò cò nhún bước đi vào cổng tòa lâu đài. Nhưng trên các bậc thang dẫn lên cánh cửa lớn, đang có những người phu xe ngồi bắt chân chữ ngũ, ăn mặc kiểu ngực trần, đeo những chiếc khuyên tai bằng vàng, đầu cạo sạch chỉ chừa mọc một chỏm hoặc một dải đuôi tóc. Họ đứng dậy, một người với cái đuôi sam, dường như là phu trưởng , bảo rằng:

– Thưa ngài, chúng tôi đang chờ tiền thù lao ạ.

– Bao nhiêu? Chú Medardo hỏi, dường như có nhếch miệng cười.

Người phu tóc đuôi sam trả lời:

– Hẳn ngài biết giá vận chuyển một khách cáng là bao nhiêu...

Chú tôi rút ra một bọc tiền giắt ở thắt lưng, thảy xuống dưới chân người phu xe kêu đánh xoảng. Anh ta ướm thử sức nặng của nó, rồi thốt lên:

– Thưa ngài! Nó nhẹ hơn rất nhiều so với số tiền đã định ạ.

Chú Medardo, trong lúc gió thổi tung vạt áo choàng lên, nói:

– Nhẹ một nửa.

Chú lòn người qua người phu xe, lọc cọc bật cái cẳng chân độc nhất của mình thành những bước nhảy ngắn lên các nấc thang, băng qua cánh cửa mở toang dẫn vào bên trong tòa lâu đài, rồi chú thúc những cú nạng lên cả hai cánh cửa nặng trịch, chúng đóng sầm lại, thế rồi, bởi ô cửa xép còn mở, chú kích vào nó, và biến mất trước mắt chúng tôi.

Chúng tôi tiếp tục nghe ra tiếng chân và tiếng chống nạng kịch, cạch, kịch, cạch, luân phiên từ trong vang ra, di chuyển trên các hành lang dẫn tới bên cánh tòa lâu đài nơi dành làm khuôn viên riêng cho chú, rồi tại đó chú cũng kích cửa và cài then.

Bất động đằng sau song lồng chim, bố chú đứng chờ. Chú Medardo thậm chí đã không ghé qua chào cụ: chú kín cửa đơn độc trong các căn phòng của mình, cũng không thiết ra ngoài hoặc trả lời u già Sebastiana, người đã dừng lại gõ cửa một lúc lâu và tỏ lòng thương xót.

U già Sebastiana là một phụ nữ cao lớn, mặc bộ đồ đen, trùm khăn, gương mặt đỏ hồng, không một nếp nhăn, trừ mỗi cái nếp hầu như ụp khuất đôi mắt; u đã nuôi sữa tất cả các cậu con trai, đã ngủ với tất cả các quý ông cao tuổi nhất, và đã vuốt mắt cho tất cả những kẻ qua đời trong gia đình nhà RạngĐông. Giờ thì u đảo qua đảo lại từ khuôn viên này sang khuôn viên kia của hai kẻ kín cửa cài then, mà không biết cứu giúp bằng cách nào.

Sáng hôm sau, vì chú Medardo tiếp tục không tỏ ra dấu hiệu sự sống, chúng tôi lại bắt tay vào vụ mùa hái nho, song thiếu đi sự vui vẻ, và giữa những rặng nho thiên hạ không bàn tán gì khác hơn là số phận của chú, không phải vì mọi người rất yêu quý chú, mà bởi vì đề tài hấp dẫn và mịt mùng. Chỉ có u già Sebastiana ở lại tòa lâu đài, chú ý theo dõi mọi động tĩnh.

Song cụ Aiolfo, hầu như đã thấy trước việc con trai mình trở về buồn bã và hoang dại như thế, từ lâu nay đã huấn luyện một trong các con vật thân thiết nhất với mình, một chú chim bách thanh, bay tới tận cánh tòa lâu đài khuôn viên của chú Medardo, lúc ấy để trống, rồi sà vào cửa sổ phòng chú. Buổi sáng hôm đó cụ mở cửa lồng cho con bách thanh, dõi nhìn con chim vỗ cánh cho tới khung cửa sổ của cậu con, rồi quay trở lại chìa các hạt thức ăn cho con ác là, cho con sẻ ngô, vừa làm vậy vừa huýt sáo nhại tiếng chiêm chiếp của chúng.

Một lúc sau, cụ nghe thấy tiếng cạch của một vật thể va vào vách cửa. Cụ thò đầu ra ngoài, con bách thanh của cụ đang nằm trên bệ cửa sổ. Nâng nó lên trong lòng đôi bàn tay, cụ thấy một bên cánh bị gãy, như thể đã bị toan xé rời, một cẳng chân thì bị bẻ quặp lại như thể hai ngón tay đang khép, còn một con mắt thì bị móc lòi ra. Cụ ôm chú chim bách thanh trên ngực, bật khóc.

Cụ nằm liệt giường cùng ngày hôm đó, từ bên kia song lồng chim, người nhà nhìn thấy cụ đang ở trong tình trạng hết sức trầm trọng. Nhưng không ai có thể chui vào chăm sóc cụ, bởi cụ đã cài then và giấu mất chìa khóa. Lũ chim bay quanh giường cụ. Từ khi cụ nằm dài, cả đàn bay tứ tán, không thiết đậu, cũng chẳng ngưng vỗ cánh.

Sớm hôm sau, ghé mặt nhìn vào lồng chim, u già thấy cụ tử tước Aiolfo đã tắt thở. Cả đàn chim đậu trên giường cụ, như trên một thân cây bồng bềnh giữa biển cả.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...