Từ Bỏ Thế Giới Vàng
Chương 5
Và từ đây cho đến Dyea, họ cũng phải làm như thế. Ánh Sáng Ban Ngày chịu đựng việc ấy một cách tuyệt vời, nhưng cái tốc độ giết người đó bắt đầu có tác dụng xấu đối với Kama. Dù kiêu hãnh đến độ không thèm mở miệng phàn nàn, hắn cũng không sao che giấu được cái hậu quả của việc phổi bị nhiễm lạnh. Những tế bào quanh mô phổi, tuy rất nhỏ, cũng bị tác động bởi cái giá lạnh và bắt đầu chết đi, gây cho hắn những cơn ho khô khốc vật vã. Cứ mỗi khi phải rán quá sức là cơn ho lại kéo đến làm cho hắn trông giống như một kẻ bị động kinh. Máu dồn lên làm mắt hắn lồi hẳn ra. Nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Cứ mỗi lần bị khói bếp lúc chiên thịt mỡ muối bay vào mắt là hắn đau đớn đến hàng nửa giờ, nên hắn luôn luôn thận trọng đứng xuôi theo chiều gió mỗi khi Ánh Sáng Ban Ngày nấu ăn.
Cứ thế họ chậm chạp vượt qua vùng tuyết mềm lún hết ngày này qua ngày khác tưởng như vô tận. Ðây là một công việc cực nhọc và đơn điệu, thiếu hẳn cái thú vui say sưa khi được lao như bay trên mặt băng cứng. Lúc này người này tiến lên phía trước với đôi giày đi tuyết, lúc khác lại đến phiên người kia, cứ thế mà lội đi, chậm chạp, đều đặn một cách bướng bỉnh. Từng thước, từng thước tuyết rời cần được dậm xuống, và đôi giày đi tuyết, dưới sức nặng của một người, lún sâu xuống mặt tuyết mềm đến mười inches. Trong điều kiện như thế, việc dậm tuyết bằng giày đòi hỏi một sự hoạt động của cơ bắp khác hơn lúc đi bình thường.
Ði theo những đoạn tuyết nén không hoàn chỉnh này là mấy con chó, rồi đến người nắm cần lái cuối cùng là chiếc xe. Mạnh khoẻ đến như thế mà cố gắng hết sức họ cũng chỉ đi được có ba dặm một giờ. Ðiều này có nghĩa là phải đi nhiều giờ hơn, và Ánh Sáng Ban Ngày, để đảm bảo tốc độ, cũng như cố nhìn ra chút ít đề phòng trường hợp gặp tai nạn, đã phải bám đường mỗi ngày mười hai giờ liền. Vì phải tốn ba giờ đồng hồ để hạ trại nghỉ đêm, hầm đậu, dọn ăn sáng, nhổ trại và hâm lại đậu ăn trưa, họ chỉ còn có chín tiếng đồng hồ để ngủ cho lại sức, nên cả người lẫn chó đều không dám phí phạm một giây phút nào của chín tiếng đồng hồ ấy.
Ở Selkirk, trạm mậu dịch nằm gần sông Pelly(1), Ánh Sáng Ban Ngày đề nghị Kama nằm lại rồi sẽ nhập lại với anh khi anh từ Dyean qua trở về. Một thổ dân từ Hồ Le Barge lạc bước qua nơi đó sẵn lòng thế chỗ cho Kama, nhưng Kama vẫn bướng bỉnh. Hắn mở miệng làu bàu tỏ vẻ hơi bực bội, và thế là xong. Tuy vậy, Ánh Sáng Ban Ngày vẫn thay chó, để bầy năm con đã rũ rượi nghỉ lại cho đến lúc về, và lấy theo sáu con chó mới.
Ðêm hôm đến Selkirk họ đã phải đi đến tận mười giờ khuya, vậy mà mới sáu giờ sáng hôm sau họ đã lại lao mình vào cái vùng hoang dã trải dài gần năm trăm dặm từ trạm Selkirk đến Dyea. Một đợt lạnh thứ nhì lại đổ về, nhưng dù lạnh dù ấm thì công việc đối với họ cũng vẫn như cũ, nghĩa vừa đi vừa mở đường. Ánh Sáng Ban Ngày tăng gi bám đường lên đến mười ba giờ một ngày. Anh hết sức duy trì số chênh lệch mà anh đã cố nhìn ra, bởi vì anh biết rằng sắp tới còn nhiều đoạn khó đi nữa. Ánh Sáng Ban Ngày đoán là chưa đến giữa mùa đông và sông Năm Mươi Dặm cuồn cuộn chảy đã chứng tỏ là anh đoán đúng. Ở nhiều khi dòng sông chảy lan rộng, hai bên bờ có băng đóng hết sức bênh bênh. Ở nhiều chỗ khác, nước mạnh vào kè đá đốc cho nên băng không hình thành nổi. Hai người hết rẽ ngoặt lại đi vòng, lúc thì băng ngang sông, lúc thì lộn trở lại, có lúc phải mất cả năm, sáu lần cố công mới mở được đường để vượt qua một đoạn khó đi. Công việc được tiến hành thật chậm chạp. Cứ mỗi khì qua một cái cầu băng là họ lại phải thử sức chịu đựng của nó. Hoặc Ánh Sáng Ban Ngày hoặc Kama tiến lên phía trước, chân mang giầy đi tuyết tay cầm một cái đòn đài nằm ngang. Nếu có bị rơi xuống, họ có thể bám vào cái đòn lúc nãy đã bắc ngang qua miệng hố vừa bị nạn như thế. Khi nhiệt độ xuống đến năm mươi độ dưới không thì một người bị ướt đến ngang hông không thể tiếp tục đi được nữa vì thân thể bị tê cóng. Bởi vậy, cứ mỗi lần rơi xuống là mỗi lần cuộc hành trình bị chậm lại. Ngay khi vừa được vớt lên, người bị ướt phải chạy tới chạy lui để giữ cho máu lưu thông trong khi người kia phải gầy ngay một đống lửa. Ðược bảo vệ theo lối này, người ấy có thể thay quần áo khô, bộ đồ ướt sẽ được hong khô phòng khi bị nạn lần sau.
Tình hình còn tồi tệ hơn nữa vì không thể đi trên sông như vậy khi trời tối đen như mực. Do đó thời gian đi bị giảm xuống còn sáu giờ một ngày vào lúc tranh tối tranh sáng. Mỗi giây phút đều trở nên rất quý, và họ cố không để mất một giây nào.
Bởi vậy, ngay trước khi có dấu hiệu ngày đã bắt đầu, họ đã nhổ trại, chất đồ lên xe, thắng chó vào, rồi ngồi co ro bên đống lửa đợi giờ lên đường. Họ cũng không còn dừng lại để ăn trưa nữa. Hiện nay họ đã không theo kịp tốc độ dự kiến; và cứ mỗi mộ ngày trôi qua là họ thêm thâm lạm vào cái mức chênh lệch mà họ đã nhìn được lúc trước. Có những ngày họ chỉ đi được mười lăm dặm hoặc chỉ mười hai dặm. Có một đoạn đường quá xấu đến nỗi trong hai ngày mà họ chỉ đi được có chín dặm vì ba lần phải trở lui, bỏ đường sông để vác xe cộ và đồ đạc đi vòng theo đường núi.
Cuối cùng họ cũng vượt qua được Sông Năm Mươi Dặm đáng sợ để đến Hồ Le Barge. Nhìn Ánh Sáng Ban Ngày đã chào mừng việc đi thoát được sông Năm Mươi Dặm bằng cách bám đường trễ hơn mọi khi. Vào lúc mười một giờ sáng họ bắt đầu đi vào vùng hồ. Lúc ba giờ chiều, khi đêm Bắc Cực đã buông xuống, họ nhìn thấy bờ bên kia củ nó. Ánh Sáng Ban Ngày ngắm những ngôi sao mộc sớm để định phương hướng. Lúc tám giờ tối, họ đã bỏ vùng hồ phía sau lưng và đi vào vùng cửa sông Lewes(2). Ðến đây họ nghỉ chân nửa giờ đồng hồ để hâm lỏng mấy khoanh đậu đã nấu sẵn với thịt để ăn và quăng cho đám chó thêm một khẩu phần cá nữa. Xong xuôi họ ngược dòng sông đi tiếp cho để một giờ sáng mới hạ trại ngủ đêm.
Ngày hôm sau đó họ đã đi mười sáu giờ liền. Lũ chó mệt đến độ không thể cắn nhau hoặc ngay cả gầm gừ nữa. Còn Kama thì trong mấy dặm đường cuối cùng rõ ràng là phải đi khập khiễng. Vậy mà mới sáu giờ sáng hôm sau, Ánh Sáng Ban Ngày lại lên đường.
Ánh Sáng Ban Ngày vẫn không giảm tốc độ đi. Cứ mỗi ngày mười hai giờ họ bám đường, sáu giờ trong khoảng tranh tối tranh sáng, sáu giờ trong màn đêm. Họ để ra ba giờ để nấu ăn, vá đai cương, dựng trại và nhổ trại. Chín giờ còn lại, cả chó lẫn người lăn ra ngủ say như chết. Cái sức khoẻ sắt thép của Kama đã bị bẻ gãy. Cử động của hắn chậm dần, cơ bắp không còn dẻo dai nữa và hắn cứ đi khập khiễng suốt. Vậy mà hắn vẫn ráng sức chịu đựng, không trốn tránh công việc mà cũng không ca thán dù chỉ một lời. Mặt Ánh Sáng Ban Ngày trông hốc hác và mệt mỏi, song nhờ cái cấu tạo thân thể tuyệt hảo của mình, anh vẫn tiếp tục, tiếp tục một cách không thương tiếc. Trong đầu óc Kama, chưa lúc nào lại thần thánh như những ngày cuối cùng của cuộc hành trình xuyên về phương nam này.
Rồi đến lúc Kama không còn đủ sức để đi trước mở đường được nữa. Rõ ràng là hắn đã cạn kiệt lắm rồi nên mới chịu để Ánh Sáng Ban Ngày dậm tuyết cho chặt để mở đường suốt ngày. Họ băng qua hết hồ này đến hồ khác, qua dãy hồ từ Marsh đến Linderman, rồi bắt đầu leo đèo Chilcoot. Ánh Sáng Ban Ngày có thể tự cho mình quyền được hạ trại lúc đã lên được gần tới đỉnh đèo và khi ngày đã tắt, nhưng anh vẫn vượt đèo rồi lúc xuống cho đến khu Trại Cừu, bỏ lại sau lưng trận bão tuyết có thể đã cầm được chân anh trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Cái nỗ lực quá mức cuối cùng này đã hoàn toàn đánh quỵ Kama. Vào sáng hôm sau, hắn không còn đi đứng được gì nữa. Lúc năm giờ, khi được gọi, hắn ngồi dậy một cách vất vả, hộc lên một tiếng rồi ngã ngay xuống đất. Ánh Sáng Ban Ngày phải dỡ trại thay cho cả hai, buộc chó vào xe, và đến lúc khởi hành, cuộn người thổ dân đáng thương trong ba lớp áo đắp rồi cột hắn lên trên cá đống đồ. Ði đường không gặp trắc trở gì. Lúc này họ đã ở đoạn cuối cùng của cuộc hành trình, và Ánh Sáng Ban Ngày thúc cho chó chạy ào ào qua hẻm núi Dyea. Cứ thế, mặc Kama nằm trên đống đồ luôn miệng ca cẩm, mặc cho Ánh Sáng Ban Ngày phải bám cần lái và liên tục nhảy vọt lên để tránh bị ngã xuống dưới gầm xe, họ cứ lao đi cho tới lúc đến Trạm Dyea nằm bên bờ biến.
Giữ đúng lời hứa, Ánh Sáng Ban Ngày không nán lại, chỉ bỏ ra một tiếng đồng hồ để lấy lương thực và nhận thư, đổi chó và thuê một thổ dân mới phụ việc. Kama không hé môi nói một tiếng nào kể từ lúc đến trạm cho tới khi ánh Sáng Ban Ngày đến bên hắn từ biệt để lên đường. Họ bắt tay nhau:
- Ông giết chết thằng mọi đó mất, - Kama nói, - sẽ giết nó đấy, hiểu không?
- Hắn sẽ chịu được cho đến sông Pelly đấy, - Ánh Sáng Ban Ngày nhe răng cười.
Kama lắc đầu tỏ vẻ nghi ngờ, lăn mình qua một bên, quay lưng về phía anh để thay lời từ biệt.
Cũng ngày hôm đó, Ánh Sáng Ban Ngày vượt qua được đèo Chilcoot, thả dốc xuống được năm trăm foot trong trời đêm tuyết lất phất bay rồi hạ trại ở Hồ Miệng Núi Lửa. Lần này anh phải cắm trại "lạnh" vì đã không mang theo mọc được. Ðêm đó họ bị vùi dưới một lớp tuyết dày ba foot. Ðến sáng, lúc trời còn đen như mực, họ phải đào tuyết để chui ra và người thổ dân đã toan bỏ trốn. Hắn cho là đi chung đường với một kẻ điên rồ như thế là quá đủ rồi. Nhưng Ánh Sáng Ban Ngày đã và doạ nạt hắn phải ở lại với đoàn rồi tiếp tục đi qua Hồ Sâu Hồ Dài xuống đến vùng đất bằng thuộc Hồ Lindrman.
Lúc vào cũng như lúc ra họ đều đi với tốc độ giết người, và người thổ dân mới này chịu đựng không bằng Kama. Dù vậy hắn cũng không than một tiếng nào mà cũng không tìm cách trốn nữa. Hắn làm hết sức mình, nhưng vừa làm hắn vừa quyết định sau này sẽ cạch mặt Ánh Sáng Ban Ngày ra.
Lúc đến sông Năm Mươi Dặm thì họ gặp nạn. Khi đang băng ngang một cây cầu băng, mấy con chó bị sụp hố nước và bị nước cuốn đi mất dưới lớp băng. Sợi đai cột mấy con chó này với con đi đầu bị đứt tung và không còn thấy tăm tích chúng đâu nữa. Vì còn lại có mỗi con chó đầu đàn nên Ánh Sáng Ban Ngày phải cột chính anh và người thổ dân vào xe trượt tuyết. Nhưng con người làm sao có thể thay chó trong công việc đó được. Ðã vậy, chỉ có mỗi hai người mà lại phải kéo thay cho những năm con chó. Bởi vậy chỉ mới được có một giờ là Ánh Sáng Ban Ngày đã phải quẳng bớt đồ đạc đi.
Trước tiên là thức ăn cho chó, những đồ đạc không dùng tới, và cái búa dự trữ. Ngày hôm sau, vì phải làm việc quá căng, con chó bị đứt gân, trở thành tàn phế hoàn toàn. Ánh Sáng Ban Ngày đành phải bắn bỏ nó và bỏ luôn chiếc xe trượt. Anh chất trên lưng mình một trăm sáu mươi cân thư từ và thực phẩm, còn người thổ dân phải mang một trăm hai mươi lăm cân. Càng đi càng quẳng bỏ bớt đồ đạc một cách không thương tiếc. Người thổ dân đã phải phát hoảng lên khi thấy anh cố giữ đến từng lá thư một song lại quẳng bỏ hết đậu đến chén đĩa, xô chậu, áo quần dư, và chỉ giữ lại cho mỗi người mộ bộ áo đắp, một cái búa, một cái xô bằng thiếc và một ít bột với thịt muối. Ngay cả khẩu súng và hai mươi vòng đạn cũng bị bỏ lại.
Cứ theo cách này, họ vượt qua được hai trại dặm đường để tới Selkirk. Sáng họ khởi hành rất sớm, tối rất trễ mới dừng chân, bởi vì những thì gì trước kia dành cho việc hạ, dỡ trại và chăm sóc chó nay được dồn cả cho việc bám đường. Khi còn vài dặm nữa là đến Selkirk, Ánh Sáng Ban Ngày buộc lòng phải bắt người thổ dân đi trước bởi lúc này hắn cứ như người sắp chết, má hóp lại, mặt hốc hác lúc nào cũng chỉ chực quỵ xuống tiếp đi hoặc quẳng bỏ đống thư đang đè nặng trên lưng.
Ở Selkirk, sau khi thắng đai cương vào bầy chó trước kia, lúc này đã lại sức và sẵn sàng vào xe trượt tuyết, Ánh Sáng Ban Ngày lại lên đường, lấy theo người thổ dân ở Hồ Le Barge mà lúc anh ra đi đã tình nguyện theo anh. Họ lại thay phiên nhau cầm cần lái. Cứ theo như kế hoạch thì Ánh Sáng Ban Ngày đã bị trễ mất hai ngày, và suốt quãng đường từ đó đến trại Bốn Mươi Dặm trở anh vẫn cứ bị trễ như vậy vì trời đổ tuyết và đường trở đi thời tiết lại ưu đãi anh. Một cơn lạnh lại sắp ập về và anh quyết định bạc với nó, ra đi mà chỉ mang rất ít thực phẩm cho chó và người. Dân ở trại Bốn Mươi Dặm thấy vậy cũng lắc đầu ái ngại. Họ sợ anh sẽ làm gì nếu tuyết cứ rơi.
- Chắc chắn đợt lạnh sẽ đến thôi - anh cười và lên đường.
Vào mùa đông năm ấy đã có một số xe trượt tuyết đi đi về về từ trại Bốn Mươi Dặm đến thị trấn Vùng Cực nên mặt đường được nện rất cứng.
Hơn nữa đợt lạnh cũng đến và kéo dài, mà cũng chỉ còn hai trăm dặm nữa là đến thị trấn Vùng Cực rồi. Thêm vào đó, người thổ dân ở Hồ Le Barge cũng còn trẻ, hiếu thắng và không biết gì về những hạn chế của sức mình. Hắn không những bám sát được Ánh Sáng Ban Ngày mà lúc đầu còn mơ tưởng là sẽ tỏ ra xuất sắc hơn cả anh nữa. Trong một trăm dặm đầu hắn cứ để ý xem Ánh Sáng Ban Ngày có tỏ ra dấu hiệu xuống sức nào chăng, và khi không thấy điều đó thì hắn rất lấy làm lạ. Ðến một trăm dặm cuối thì hắn tự cảm thấy mình xuống sức dần, nhưng cũng đành cắn răng theo cho kịp Ánh Sáng Ban Ngày. Còn Ánh Sáng Ban Ngày thì cứ phóng như bay, lúc thì vừa chạy vừa nắm cần lái, lúc thì lại tót lên chiếc xe trưa tuyết đang lao hết cỡ để nghỉ. Vào ngày cuối cùng trời trong và lạnh hơn, đường rất dễ đi nên họ đã vượt được bảy mươi lăm dặm. Ðến mười giờ đến thì họ đã vượt qua chỗ bờ đất và phóng như ban dọc theo con lộ chính của thị trấn Vùng Cực. Người thổ dân trẻ, đang ngồi trên xe vì đến phiên hắn được nghỉ, cũng nhảy tót xuống và chạy theo xe một cách vui vẻ và vênh váo, mặc dù lúc này hắn đã hiểu những giới hạn của hắn và đã phải phấn đấu đến gần tuyệt vọng.
Chú thích:
(1) Pelly: con sông dài 880 dặm ở phía Tây Bắc Canađa tron Hạt Yukon chảy về phía Tây đổ vào sông Yukon
(2) thượng nguồn sông Yukon, gặp sông Pelly ở phía Nam
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp