Trong Bóng Tối - Kim Thập Tứ Thoa

Chương 127: Rắn người (1)


Chương trước Chương tiếp

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Trong ảnh selfie của Đường Tiểu Mạt còn có gương mặt của một người đàn ông, nhưng vì khoảng cách quá xa, người nọ lại nấp sau cửa kính của một quán cà phê nên đường nét gương mặt đã trở nên mờ nhòe khó phân biệt, dường như cũng không nhìn được rõ. Thẩm Lưu Phi hỏi tiếp viên hàng không một tách cà phê và một cây bút chì, sau đó tập trung suy nghĩ cất bút, cà phê còn chưa kịp nguội, máy bay cũng còn lâu mới hạ cánh, nhưng y đã khôi phục hoàn chỉnh nguyên dạng người đàn ông này trên giấy.
Một gương mặt đàn ông thon gọn, mày thẳng mắt to, anh tuấn nho nhã, đàn ông kiểu này rất dễ nhận được thiện cảm từ chị em khác giới dù kẻ đó có là nguy hiểm trí mạng, giống như cây ăn thịt há miệng tiết ra mật ngọt chờ đợi con mồi.
Rời khỏi sân bay, Thẩm Lưu Phi đã xác định được mục tiêu nên y đi thẳng tới quán cà phê mà Đường Tiểu Mạt đã chụp ảnh tự sướng.
Y đã kết luận sơ bộ Đường Tiểu Mạt mất tích là một vụ bắt cóc. Vì mẹ từng biến mất nên y đặc biệt quan tâm tới những vụ án phụ nữ mất tích, và trong những tài liệu y thu thập được thì gần như tất cả đều liệt Thái Lan vào “điểm đến du lịch có rủi ro cao”. Chốn thiên đường với phong cảnh lộng lẫy này cũng là thị trường buôn người lớn nhất Đông Nam Á, mà những nô lệ bị buôn bán phần lớn đều là du khách nước ngoài bị bắt cóc khi đi du lịch và một số ít rắn người* nhập cư trái phép.
*Rắn người là một thuật ngữ được sử dụng ở Hồng Kông, dùng để chỉ những người vượt biên bằng tàu. Trong những năm đầu, nhiều người đại lục khom lưng như rắn và trốn trong boong tàu để nhập cư trái phép tới Hồng Kông bằng tàu thuyền. Vì vậy, người Hồng Kông gọi những người này là “rắn người”, còn những băng đảng tổ chức buôn lậu người sang các nước khác được gọi là “đầu rắn”.
Xét về mặt vị trí thì quán cà phê này ở gần các điểm danh lam thắng cảnh, nếu gã đàn ông trong bức vẽ là tội phạm buôn người đã phạm tội nhiều lần thì khả năng cao sẽ thường xuyên ngồi canh ở đây chờ đợi con mồi.
Có rất nhiều người Trung Quốc và Hoa kiều trong khu vực danh lam thắng cảnh này, Thẩm Lưu Phi cầm bức tranh hỏi bà chủ quán cà phê cũng là người Hoa: “Bà đã nhìn thấy người đàn ông này bao giờ chưa?”
Y duỗi tay ra đưa bức tranh, lại quên mất sợi dây chuyền mặt viên đạn của Tạ Lam Sơn vẫn còn đang quấn quanh cổ tay mình nên nó đã nhẹ nhàng rơi ra. Cánh tay vươn ra của Thẩm Lưu Phi khựng lại, một làn gió nhẹ thổi tới, mạnh mẽ đâm vào lòng y.
Y nhìn chằm chằm vào sợi dây chuyền này, sau đó chợt nhớ đến một câu thơ:
Dù cho bình minh ngày mai ló dạng, họng súng và Mặt Trời máu chảy đầm đìa… Tôi cũng quyết không giao nộp màn đêm… Nhất quyết không giao nộp người.
*Trích trong bài thơ Đêm Mưa của Bắc Đảo, tên thật là Triệu Chấn Khai, là nhà thơ đương đại Trung Quốc. Ông là một trong những nhân vật tiêu biểu của trào lưu Mông lung thi.
Thơ của Bắc Đảo rất hay, nhưng sao có thể thờ ơ đối mặt với cái chết đẫm máu như trong bài thơ đã viết. Thật ra Thẩm Lưu Phi đã suy nghĩ ích kỷ một chút, bất kể có phải là phản bội mẹ mình hay không, y vẫn sẽ trói chặt người đó vào bên cạnh, nhưng y luôn cảm thấy thứ tình yêu không biết khởi nguồn từ đâu này vừa sâu đậm lại vừa khó hiểu, vừa ích kỷ lại cũng quá ích kỷ để thuyết phục bản thân.
Bà chủ đáp lại y, nhưng y cũng không nghe thấy.
“Thưa anh? Thưa anh?” Người nọ liên tục gọi y.
“Xin lỗi.” Thẩm Lưu Phi hơi khom người, xin lỗi người trước mặt vì khoảnh khắc thất thần hoang mang của mình.
Bà chủ cười một tiếng rồi nói với y, người này tên là Anucha, là một thầy giáo dạy hóa địa phương, rất hay lang thang ở gần đây, tính cách khá nhiệt tình.
Biết được tên tuổi nghề nghiệp thì không khó để tìm địa chỉ, Thẩm Lưu Phi nhớ rõ mình chưa hề đến Thái Lan, ấy vậy nhưng không hiểu sao y lại chẳng hề thấy lạ lẫm với thành phố này.
Nơi Anucha ở có an ninh không được tốt, đến khi tìm tới theo địa chỉ thì trời đã tối rồi. Thẩm Lưu Phi lững thững bước trên đường, sau đó có một người hớt hải chạy tới trước mặt y.
Một người đàn ông mặc một chiếc áo gió dài màu xám, vóc người tam giác ngược rất bắt mắt, cao xấp xỉ Thẩm Lưu Phi, cơ bắp cũng cường tráng. Người nọ cúi gằm đầu, cổ áo được dựng cao như cố ý không muốn người đi qua thấy được mặt mình. Thậm chí anh ta còn cố ý xoay người sang một bên lúc đi lướt qua Thẩm Lưu Phi, tay trái thì nâng lên che mặt, tay phải thì đỡ đũng qu@n.
Hành động vô tình này đã khiến Thẩm Lưu Phi phải nhìn người này kỹ hơn, y phát hiện người nọ đi một đôi bốt da đen bóng loáng, chính là loại mà cảnh sát Thái Lan thường đi.
Thế thì động tác đỡ đũng qu@n kia lập tức trở nên dễ hiểu, cảnh sát Thái Lan mặc đồng phục bó sát người, bình thường thắt lưng sẽ được thắt khá thấp, những thứ đồ như bao súng hay bộ đàm được treo ở trên, bọn họ sẽ mò xuống dưới theo bản năng.
Đột nhiên còi cảnh sát vang lên, người đàn ông vội vàng bước nhanh hơn, tránh né hướng xe cảnh sát rồi biến mất trong một con ngõ nhỏ.
Thẩm Lưu Phi đi tới dưới tầng tòa nhà Anucha ở thì thấy cảnh sát đã bao vây nơi này trước y. Nghe người đứng hóng nói có một thầy giáo dạy hóa mới được phát hiện đã tử vong trong nhà.
Thẩm Lưu Phi là người nước ngoài nhưng lại liên tục hỏi thăm thông tin về Anucha thì chắc chắn sẽ thu hút thêm sự nghi ngờ không cần thiết. Có vẻ như cảnh sát đang thảo luận vụ án, y xoay người rời đi, tới khu phố Tàu gần đó tìm một khách sạn nghỉ qua đêm.
Dù sao y cũng đã biết người mặc áo xám vừa nãy là cảnh sát, ngày mai y có thể tới sở cảnh sát thăm dò, không lo không tìm được đầu mối mới.
Khách sạn ngột ngạt ẩm thấp, cách âm cũng kém. Thẩm Lưu Phi mặc nguyên áo nằm trên giường, nhìn những bức tường loang lổ vết nứt của khách sạn, suy nghĩ một chút về tung tích của Đường Tiểu Mạt, sau đó lại cầm lòng không đặng mà nhớ đến Tạ Lam Sơn.
Bọn họ vừa đơn thuần lại vừa nồng nàn, khi tách ra cũng không nhung nhớ, ai cũng biết người kia có chuyện quan trọng cần làm, nhưng một khi rảnh rỗi thì cả ngày nằm với nhau trên giường vẫn cảm thấy không hề đủ. Thẩm Lưu Phi đã từng là người lạnh lùng đạm mạc, dường như không một chuyện gì nơi nhân gian lọt vào mắt y, nhưng hiếm khi tĩnh tâm nghĩ lại, mỗi phút hồi tưởng lại là một lần giày vò đắng cay thấu tận tâm can.
Phòng không bật đèn, từng mảng ánh đỏ hắt vào từ đèn đuốc ngoài cửa sổ khiến căn phòng chật chội này nhuốm thêm hương vị tình d*c, từng đợt tiếng Triều Sán và tiếng Khách Gia* xuyên qua vách tường, dù nghe không hiểu nhưng vẫn cảm thấy thân thương.
*Triều Sán là một vùng văn hoá-ngôn ngữ ở miền đông Quảng Đông, Trung Quốc. Triều Sán có phần kém cạnh hơn về kinh tế so với vùng đồng bằng Châu Giang lân cận. Đây là nơi hình thành tiếng Triều Sán thuộc nhóm tiếng Mân Nam.
Tiếng Khách Gia hay tiếng Hẹ, là ngôn ngữ giao tiếp của tộc người Khách Gia sống chủ yếu ở vùng Đông Nam Trung Quốc và hậu duệ của họ sống rải rác khắp khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cũng như trên toàn thế giới. Ngôn ngữ Khách Gia có nhiều thổ âm sử dụng ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu và các đảo Hải Nam và Đài Loan.
Nỗi nhớ mong được gặp lại cố nhân nơi tha hương lại càng khiến cảm giác mệt mỏi trong lòng nặng nề hơn, y xoay xoay viên đạn gắn trên chiếc vòng ở cổ tay trong bóng tối, sau đó nhắm mắt lại.
Hai ngày sau khi Thẩm Lưu Phi đến Băng Cốc, Tạ Lam Sơn cũng đã theo bước chân y đến nơi. Anh nghĩ nếu Đường Tiểu Mạt mất tích ở Băng Cốc thì chắc chắn Thẩm Lưu Phi sẽ muốn tới đây tìm cô nàng, mặc dù hai người tạm thời bị ngắt liên lạc, nhưng cũng may mục tiêu vẫn thống nhất với nhau.
Tạ Lam Sơn nằm vùng ở Tam Giác Vàng nhiều năm về trước, tình cờ thế nào lại kết bạn với một cảnh sát người Thái Lan. Vị cảnh sát già ấy tên là Song Saa, biết Tạ Lam Sơn là gián điệp bên Trung Quốc thì đã hợp tác giữ kín danh tính của anh, còn từng giúp đỡ anh vài lần trong khả năng của mình. Hai người như đã hình thành một tình bạn vong niên vì có chung sự nghiệp và sứ mệnh, Tạ Lam Sơn nghe nói Song Saa đã được điều chuyển đến Băng Cốc, anh ngay lập tức nghĩ rằng ông ta có thể giúp mình tìm Đường Tiểu Mạt.
Vừa mở cửa ra, hai người đã ôm nhau đầy nồng nhiệt, không cần những lời hỏi thăm khách sáo, tất cả đều tự nhiên như những năm quen biết trước kia.
Cảnh sát già Song Saa là một người gốc Thái điển hình, không phải người lai cũng không hề đẹp, da ngăm môi dày, tuy không cao nhưng rất cường tráng, tóc bạc trắng từ hai bên mai lên trên, nhưng vẫn không hề mất đi thần thái nghiêm nghị của một cảnh sát. Tiếng Trung của ông ta khá tốt, vừa thấy Tạ Lam Sơn đã thân thiết gọi anh là “A Lam”.
Cảnh sát già đã sắp về hưu, không ngờ đến cuối sự nghiệp rồi lại gặp phải một vụ án giết người. Ông ta bàn bạc với Tạ Lam Sơn theo kiểu nửa đùa nửa thật, nói mình có thể giúp anh tìm cô gái mất tích ở Thái, nhưng điều kiện là anh phải giúp ông ta giải quyết vụ án giết người này.
Tạ Lam Sơn ngẫm nghĩ, cho rằng có qua có lại mới toại lòng nhau, nhưng một cảnh sát nước ngoài đương nhiên sẽ không có quyền chấp pháp ở Thái, huống hồ anh còn bị cách chức rồi. Anh nhướng mày cười đầy tinh nghịch với Song Saa: “Bản thân tôi thì không có vấn đề gì, chỉ là không thể phạm lỗi liên lụy tới một cảnh sát sắp về hưu như chú thôi.”
“Không sao đâu.” Song Saa cũng cười, “Chúng tôi đã nhận được thông báo từ cấp trên, yêu cầu hợp tác với cảnh sát xuyên biên giới để giải cứu một ngôi sao nổi tiếng bị bắt cóc rồi.”
Mấy chữ “hợp tác xuyên biên giới” nói nghe nhẹ tênh nhưng thực hiện chắc chắn không hề dễ dàng, có quyền thực thi pháp luật hay không và mức độ thực thi pháp luật như thế nào đều phải đàm phán bàn bạc, nhưng bước đầu đã xác định đội đặc công Lam Hồ của cục công an tỉnh Hán Nam sẽ phái hai cảnh sát đặc nhiệm tới đây, tham gia vào các cuộc đàm phán hợp tác về vụ mất tích của ngôi sao Ôn Giác.
Nghĩ đến đây, Song Saa cũng rất ngạc nhiên, ông ta hỏi Tạ Lam Sơn: “Cậu cũng là thành viên của Lam Hồ mà, sao lại tới trước?”
“Giờ thì không phải.” Đã rời Lam Hồ gần ba năm, nhưng những khúc mắc này không thể giải thích rõ ràng trong vài ba câu được. Ánh mắt Tạ Lam Sơn tối đi, một lúc lâu sau mới khẽ thở dài tiếp tục, “Nói ra thì dài dòng, chưa kể tôi tới không phải để tìm ngôi sao kia, tôi tới để tìm một người bạn.”
Đương nhiên Song Saa không thể hiểu được sự chua xót và bất lực trong tiếng thở dài này, chỉ đành chân thành gật đầu: “Không làm cảnh sát phòng chống ma t úy cũng tốt, năm đó cậu thật sự… thật sự rất khổ.”
Tạ Lam Sơn không muốn nhắc lại chuyện không vui, anh lại cười với ông ta: “Chú nói tôi nghe về vụ án đi đã.”
“Nạn nhân là một người đàn ông trưởng thành tên là Anucha, ba mươi tám tuổi, độc thân và sống một mình, gã là giáo viên dạy hóa của một trường quốc tế ở đây, trường quốc tế này rất chất lượng, bảo là tốt nhất Băng Cốc cũng không ngoa.” Song Saa nói xong thì quay đầu đi tới cạnh bàn, lấy vài bức ảnh trong tập tài liệu ra cho Tạ Lam Sơn, trước khi anh không mời mà tới thì ông ta cũng đang tập trung suy nghĩ về vụ án này.
Tạ Lam Sơn nhận ảnh chụp, ngoại hình của nạn nhân Anucha rất đoan chính, mặt thon gọn, mày rậm mắt to, nhìn không ra một người đàn ông gần tứ tuần, trái lại trông còn khá có dáng dấp ngôi sao.
“An ninh nơi Anucha sống rất tệ, gần khu nhà không có camera giám sát, thời gian chết của gã là khoảng chín giờ tối hai ngày trước, thời điểm báo cảnh sát được ước tính là trong vòng hai mươi phút sau khi gã bị giết, một hàng xóm đi qua nhà của nạn nhân thấy cửa nhà nạn nhân chưa đóng kín, định vào nhà nhắc nhở gã, ai ngờ lại phát hiện người này đã bị đánh chết.”
“Vị hàng xóm này có hơi nhiệt tình quá không?” Tạ Lam Sơn nghi ngờ theo bản năng.
“Vì Anucha từng nói với hàng xóm mình định chuyển nhà, còn nói gã cảm thấy tính mạng mình đang bị đe dọa.” Cảnh sát già nói, “Ai mà ngờ lại xảy ra chuyện thật.”
“Ngoài ra còn gì không?” Tạ Lam Sơn hỏi tiếp.
“Không biết được gì hơn, hàng xóm nói nạn nhân cứ quanh co úp mở.”
Tạ Lam Sơn xem những bức ảnh chụp tại hiện trường, nạn nhân đã chết do va chạm gây dập và rách nội sọ bởi chiếc gạt tàn đập vào sau đầu, hung thủ đã đánh nạn nhân hai lần, và cái gạt tàn là của nạn nhân.
“Hàng xóm còn nói có nghe thấy gã mở cửa đón khách vào khoảng tám rưỡi, dù không thấy mặt nhưng có thể chắc chắn người tới là đàn ông.”
Điều này chứng tỏ hung thủ và nạn nhân quen biết nhau, Tạ Lam Sơn gật đầu rồi tiếp tục lật xem ảnh, anh thấy một bức ảnh chụp mặt tường trong nhà của nạn nhân, có vẻ như bình thường vẫn được phủ một tấm vải trắng, bức tường đằng sau tấm vải trắng dán chi chít những bức ảnh sặc sỡ của những cô gái trẻ. Những bức ảnh này hẳn đều là ảnh chụp lén.
Trước mặt mọi người là quân tử, sau lưng lại là ma quỷ. Tạ Lam Sơn nhíu mày cầm bức ảnh này giơ ra trước mặt Song Saa: “Chú nói nạn nhân là một giáo viên dạy hóa được mọi người kính trọng, nhưng có vẻ như anh ta còn có một phương diện khác không muốn ai biết nhỉ.”
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân tôi muốn cậu tham gia điều tra phá vụ án này ngay khi vừa nghe cậu bảo muốn tìm một người bạn là nữ bị mất tích,” Song Saa nhận lấy tấm ảnh và thở dài nói, “dựa theo kinh nghiệm phá án nhiều năm của tôi, gã này hẳn là một kẻ buôn người.”
Thái Lan cấm cờ bạc nhưng không cấm mại dâm, cô gái nào rơi vào tay bọn buôn người này thì khả năng cao là lành ít dữ nhiều. Tạ Lam Sơn nhướng mày nhìn Song Saa, ánh mắt lạnh lùng, hàng lông mày nhíu chặt, dường như anh đang chờ ông ta nói tiếp.
“Hiện tại chúng tôi kiểm soát và trấn áp tội phạm ma t úy rất chặt chẽ, nhiều cánh đồng trồng cây thuốc phiện trước đây giờ đều đã chuyển sang trồng chè, hơn nữa thu nhập cũng rất tốt. Thị trường xuất khẩu thuốc phiện truyền thống như her0in đã bị siết chặt hơn nhiều so với trước, vậy nên đám xã hội đen ở đây có xu hướng thích buôn người hơn. Dù sao thì thuốc phiện chỉ bán được một lần, nhưng phụ nữ có thể mua bán nhiều lần.” Nói đến đây, vị cảnh sát già cũng gục đầu thở dài.
“Xã hội đen?” Tạ Lam Sơn ngẫm nghĩ rồi nghiêm túc hỏi, “Ý chú là Quan Nặc Khâm?”
“Chính là Quan Nặc Khâm.” Song Saa gật đầu, “Hơn nữa sau khi kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng thì gần đây Anucha có giao dịch tiền bạc trị giá rất lớn.”
Tạ Lam Sơn không nói nữa, anh tiếp tục lật xem ảnh chụp hiện trường vụ án, một tấm ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của anh.
Nhà của Anucha không có phần sảnh nghỉ mà người Trung Quốc hay làm, bài trí trong phòng cũng khác với các hộ dân bình thường. Không biết có phải cố ý hay không mà thứ đầu tiên đập vào mắt sau khi đẩy cửa vào chính là một cái tủ chạm trổ cao đến ngực trông rất sang trọng và cổ điển, bên trên hoa thắm trăng mờ, chiếc đồng hồ báo thức treo ngay bên trên tủ cũng theo phong cách cổ điển tinh xảo.
Tuy nhiên trên chiếc tủ như vậy lại có một món đồ chơi bằng gỗ giống như bàn tính, là loại mà trẻ em thường chơi, cực kỳ không phù hợp với cách trang trí của cả căn phòng.
Bàn tính đồ chơi có sáu thanh gỗ, mỗi thanh gỗ được xâu mười hạt tròn, màu sắc lần lượt là đỏ, đen, vàng, xanh lá, xanh lam và tím.
Tạ Lam Sơn nhận ra có hai lỗ đối xứng nhau ở bên trên cùng của bàn tính đồ chơi này, tức là món đồ chơi này đã bị ai đó tháo mất một thanh gỗ, vốn phải có bảy thanh.
Các hạt được gạt sang để tạo thành một dãy số: 679234.Hết chương 127.
*Bàn tính gỗ loại cho trẻ em:



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...