Trở Về Đời Thanh
Chương 72: Tòng quân (3)
Phí tham lĩnh khom người đặt tay trước ngực trả lời: “Thuộc hạ lĩnh mệnh” Dứt lời, lại cúi đầu hành lễ với Dận Chân rất là lưu loát: “Nô tài xin dẫn Tứ gia đi tham quan một lượt, sau đó cùng đi Hỏa Khí Doanh duyệt quân, được không ạ?”
Dận Chân vội vàng đáp lễ lại và bảo: “Như thế tốt lắm!”
Hai người chào Phí quân môn để cáo lui. Dận Chân cũng đi theo ra khỏi lều. Vừa đi được mấy bước lại thấy Phí tham lĩnh xoay người một cái, hắn đột nhiên quỳ gối xuống làm một cái đại lễ với hắn, thấy Dận Chân tỏ vẻ kinh ngạc, Phí Dương Cổ mới giải thích: “Vừa rồi ở trước mặt quân môn, nô tài hành lễ theo thể chế của triều đình. Nhưng nô tài là thuộc vào biên chế Chính Hoàng Kỳ, ngài là thiếu chủ tử chính tông của nô tài, lễ trong nhà không được bỏ qua.”
Dận Chân thầm vui vẻ trong lòng, chí ít trong quân đội còn có một người có kinh nghiệm phong phú chỉ điểm bến mê cho mình, hắn không muốn làm ra cái trò cười gì đâu!
Theo lời tự giới thiệu của Phí Dương Cổ, Dận Chận đã hiểu ra. Thì ra Phí Dương Cổ vốn thuộc vào Chính Lam Kỳ, chỉ là một?thị vệ Lam Linh(1). Nhưng trong trận cung biến do phe Chu tam thái tử giả (2) gây ra kia, bởi vì hắn đã anh dũng hộ giá nên được Khang Hi đặc cách phong làm Nhị đẳng hà, lại nhấc lên Chính Hoàng Kỳ. Mấy năm nay hắn lại lên chức tằng tằng, từ tham tướng Hộ Quân Doanh thành phó thống lĩnh Bộ Quân Doanh, giờ lại sang tham lĩnh Hỏa Khí Doanh. Mới ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi đã được phong làm phó tướng nhị phẩm. Dận Chân đoán Phí Dương Cổ được Khang Hi ưu ái sẵn, nếu lần này xuất chinh thảo phạt Cát Nhĩ Đan mà lập được ít quân công nữa thì lên làm đại thần nhất phẩm cũng chẳng chơi.
Để tăng cường và duy trì thực lực của quân đội bảo vệ kinh kỳ, một tháng trước, Khang Hi đặc biệt lập lên Hỏa Khí Doanh, từ các nơi điều về kinh thành một bộ phận quân đội Bát Kỳ làm quân chủ lực, cho Phí Dương Cổ làm tham lĩnh, đồng thời lại phân một nhóm nhân viên từ phủ Nội Vụ xuống chuyên tập luyện bắn súng, cũng thao luyện kĩ thuật vừa trung bình tấn vừa ngắm bắn và các kĩ thuật khác. Súng được sử dụng ở đây chính là súng bắn chim mà Đới Tử đã phỏng chế và cải tạo, uy lực siêu cường. Bởi vì Hỏa Khí Doanh một khi đã thành quân đội thì lực công kích lẫn phòng vệ sẽ trở thành đứng đầu so với bất cứ doanh trại quân đội của Bát Kỳ hay quân bảo vệ kinh thành nào nên Khang Hi coi trọng lắm. Không chỉ phân phối hai ngàn năm trăm mười sáu khẩu súng hơi bắn chim xuống để trang bị cho Hỏa Khí Doanh, khi sắp xếp tướng lĩnh và binh lính cũng phí đầu óc suy tính rất kĩ. Mặc dù theo lời Phí Dương Cổ thì là chọn lọc ra tinh nhuệ của Bát Kỳ, nhưng theo Dận Chân thầm đoán và mỉa mai thì đấy chính là con em?“lớn lên dưới lá cờ đỏ”(3) hết ấy.
Súng hơi bắn chim thực ra chính là loại súng mà trong nòng súng có rãnh xoắn (tức súng trường). Dận Chân đã từng nhìn thấy một cây như vậy ở phủ của Dụ thân vương. Đường bắn có tầm xa hơn trăm bước nhưng độ chính xác thì không tệ lắm. Loại này so với loại súng bắn chim sử dụng phổ biến trong các doanh trại Bát Kỳ mà nói thì uy lực quá lớn. Vì loại phổ thông kia chỉ bắn được tầm xa khoảng trên dưới ba mươi bước, độ chính xác lại không cao. Cho nên khi chứng kiến uy lực của loại súng này, Khang Hi còn đặc biệt ra khẩu dụ rằng quy trình chế tạo súng này không qua tay bộ Công, cũng không do Thanh Lại Ti – đơn vị chuyên quản kho vũ khí của bộ Binh quản lý, mà tất tần tật đều do Đô Ngu Ti thuộc phủ Nội Vụ phụ trách. Chính là vì ông sợ loại vũ khí cao cấp này sẽ bị phát triển ra rộng rãi. Hơn nữa, Khang Hi cũng hạ lệnh rằng súng hơi bắn chim chỉ có thể phân phối cho Hỏa Khí Doanh, doanh trại của các Kỳ khác bao gồm Bát Kỳ, Hán Bát Kỳ, Lục doanh đều không được chế tạo và phân phối.
Sau một hồi giải thích của Phí Dương Cổ, Dận Chân càng thêm hứng thú với Hỏa Khí Doanh, nhưng điều này cũng làm cho hắn thầm phỏng đoán xem nguyên nhân chân chính khiến Đới Tử bị vạch tội là gì. Từ chỗ Cố Bát Đại hắn đã biết được rằng tay Nam Hoài Nhân đã hãm hại Đới Tử kia đã từng có “tiền án” vu hãm đối thủ của mình từ trước rồi: Năm Khang Hi thứ tám, Phó khâm thiên giám Dương Quang Tiên (là phụ tá của Chính khâm thiên giám đương nhiệm Nam Hoài Nhân) phản đối cách tính Dương Lịch của Nam Hoài Nhân. Hai người bọn họ từng tranh luận cực kì kịch liệt ngay trước mặt Khang Hi về cách tính lịch mới này. Về sau, theo kết quả kiểm chứng thì phương pháp tính lịch Dương chuẩn hơn nên Khang Hi vẫn đứng về phía Nam Hoài Nhân. Nhưng thật không ngờ, Nam Hoài Nhân lại là kẻ bụng dạ hẹp hòi đã hận Dương Quang Tiên thấu xương. Sau khi Khang Hi giam cầm Ngao Bái, Nam Hoài Nhân lập tức vu cáo Dương Quang Tiên là đồng đảng của Ngao Bái với Khang Hi, hòng đẩy phụ tá của mình vào chỗ chết mới thỏa lòng. Nhưng Khang Hi không chấp nhận, chỉ đuổi con mọt sách tư tưởng cổ hủ lại không hiểu về thiên văn và cách tính lịch là Dương Quang Tiên về nhà làm ruộng chứ không phán hình phạt gì cả.
Nhưng không hiểu vì sao một người khôn khéo như Khang Hi lại ra tay nặng như thế với Đới Tử đây? Bằng vào thái độ của Khang Hi đối với súng hơi kiểu mới này, Dận Chân cho ra một kết luận đáng sợ. Đây là vụ án oan mà Khang Hi cố tình tạo ra. Nguyên nhân chính là nếu quả thực Đới Tử thông đồng với nước ngoài thì với tính nết của Khang Hi hắn ta chắc chắn phải chết, chứ không phải chỉ có lưu đày thôi đâu. Không xử tử, điều này đã chứng minh Khang Hi biết rõ hắn không tư thông với Nhật Bản. Khang Hi chưa bao giờ hồ đồ trong chuyện đại sự, cũng không phải kẻ sẽ xử trí mọi việc theo cảm tính. Trước kia, Dận Chân chỉ cho rằng Khang Hi không muốn làm mất thể diện của một lão thần như Nam Hoài Nhân. Nhưng về sau, khi thấy được quyết đoán khi đánh vỡ phân chia quyền lực và thế cục trong Thượng thư phòng của Khang Hi, thì hắn biết việc này không hề đơn giản như những gì hắn đã tưởng tượng.
Còn nếu Khang Hi đã biết Đới Tử bị oan uổng, vì sao còn muốn xử lý Đới Tử như thế ư? Nguyên nhân chính là: đối với Mãn Châu mà nói, người này chính là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Nếu vũ khí mà hắn tạo ra có thể dễ dàng đánh bại kỵ binh của Mông Cổ, vậy thì việc đánh bại kỵ binh của Mãn Châu cũng sẽ chẳng có khó khăn gì. Mà kỵ binh của Mãn Châu quả thực chính là gốc rễ để thành lập triều đình Đại Thanh. Đối với ba trăm triệu nhân khẩu người Hán mà nói, người Mãn Châu chỉ như một nắm muối giữa đại dương mênh mông, cho dù Đới Tử đã vào triều làm quan thì tính cách của hắn vẫn rất quật cường. Chỉ cần nhìn việc hắn có can đảm khiêu chiến Nam Hoài Nhân là biết, nên Khang Hi thực sự không dám mạo hiểm. Đối với Khang Hi, việc chèn ép Đới Tử để đổi lấy nền thống trị vững chắc của Mãn Châu vẫn là có lời.
Cuối cùng, Khang Hi lại lấy Dận Chân làm cớ miễn xá cho Đới Tử, đơn giản cũng bởi vì Dận Chân có thể xem như ân nhân cứu mạng của Đới Tử. Về sau lại gia ân cho hắn được vào dưới Kỳ, thế cũng xem như giải quyết vần đề căn bản rồi. Dận Chân nghĩ đến đây, toàn thân không khỏi rùng mình một cái.
Phí Dương Cổ còn tưởng Dận Chân không được khỏe, vội vàng hỏi: “Tứ gia, có cần về lều nghỉ ngơi trước rồi hẵng đi Hỏa Khí Doanh không ạ?”
Dận Chân cố gắng thu lại suy nghĩ của mình và đáp: “Ta chỉ hơi thất thần thôi. Phí quân môn quả nhiên là danh tướng của triều ta, trong doanh quân kỷ sâm nghiêm, cả quân doanh to thế này, ấy vậy mà ai làm việc nấy, ai giữ vị trí ấy, không có bất cứ một tiếng ồn ào nào!”
Phí Dương Cổ nói: “Đúng là như thế. Nô tài đi theo Phí quân môn cũng học được không ít bản lĩnh đâu. Phí quân môn trị quân thưởng phạt phân minh, chúng nô tài bái phục lắm lắm. Lính của Hỏa Khí Doanh vừa mới được điều đến, nô tài bồi Tứ gia đi xem một hồi nhé!”
Trụ sở của Hỏa Khí Doanh nằm ở phía Đông của Duệ Kiện Doanh. Hai doanh trại cách xa nhau khoảng nửa dặm. Tổng biên chế của Hỏa Khí Doanh là ba ngàn sáu trăm người, đại thần giữ ấn một người, tham lĩnh một người, phó điểu thương hộ quân tham lĩnh tám người, thự điểu thương hộ quân tham lĩnh mười sáu người. Phía dưới còn một số chức quan nhỏ hơn khác, trong đó có hơn một ngàn quân tinh nhuệ được điều từ các Tiên Phong doanh, Hộ Quân doanh, Bộ Quân doanh, Duệ Kiện doanh, phủ Nội Vụ và Hộ Quân doanh Sướng Xuân Viên về, số còn lại do phủ Nội Vụ tuyển chọn người từ phủ kỳ điều vào. Quân đội sĩ quan trong doanh phần lớn là những người có lai lịch, số con cháu hoàng thân quốc thích trong triều cũng không phải là ít nên ai làm thống lĩnh cũng phải vò đầu bứt tai. Lúc trước Khang Hi chọn Phí Dương Cổ - Phí quân môn là đại thần giữ ấn, chính là muốn dựa vào kinh nghiệm và thân phận quý giá của ông ta để rèn luyện ra một cánh quân mới. Còn lão Phí được phái tới làm tham lĩnh, lại cài thêm một vị hoàng tứ tử vào với danh nghĩa học tập việc quân, đây cũng chính là một mánh khóe để ứng phó của Phí quân môn. Bằng vào kinh nghiệm và bối cảnh của lão Phí mà thống lĩnh Hỏa Khí Doanh này chỉ e là hơi đuối sức. Nhưng mà có Tứ a ca thì khác, trong doanh này, thân phận của sĩ quan có quý giá thế nào đi chăng nữa thì có sánh được với Tứ a ca không? Có Tứ a ca ở đây, cũng giống với việc tự nhiên có một thanh thượng phương bảo kiếm, hơn nữa binh sĩ thuộc Bộ Quân Doanh được điều đến Hỏa Khí Doanh này vốn chính là quân dưới trướng lão Phí, đấy cũng coi như một tầng bảo hiểm nữa rồi.
Chú thích:
(1) Thị vệ Lam Linh: là một chức quan võ thời nhà Thanh, hàm lục phẩm. Trong cuộc thi võ của triều đình, người xếp thứ nhất của nhất giáp (Võ Trạng Nguyên) là thị vệ nhất đẳng, người xếp thứ hai và thứ ba của nhất giáp là thị vệ nhị đẳng, những người thuộc nhị giáp là thị vệ tam đẳng, người đỗ tam giáp là thị vệ Lam Linh.
(2) Sự kiện Chu tam thái tử: là chỉ những sự kiện phản Thanh phục Minh lấy danh nghĩa hậu duệ của hoàng tộc triều Minh mà phát động, khởi binh đối kháng triều đình nhà Thanh, lập hậu duệ nhà Chu Minh lên làm hoàng đế. Đây là một trong các thủ đoạn mà những người khởi nghĩa dùng ở thời điểm thay đổi triều đại từ nhà Minh sang nhà Thanh. Thực tế, chỉ trong những năm Khang Hi, lịch sử ghi lại được hơn mười vụ Chu Tam thái tử. Đến năm Khang Hi thứ bốn mươi bảy, vị “Chu Tam thái tử” bị bắt này mới thực sự là tứ hoàng tử Chu Từ Chiếu của hoàng đế Sùng Trinh.
(3) Nguyên văn là “Căn chính miêu hồng”: chỉ gia đình xuất thân là người tốt, là một quan niệm phiến diện cực đoan thời kỳ cải cách văn hóa của TQ. Thời Mao Trạch Đông, đây là khái niệm hay được dùng trong chính trị. Khi đó các hộ gia đình sẽ bị xét nét rất mạnh về xuất thân “đỏ hay không đỏ”, “chính đáng hay không”.
Gia đình được gọi là “miêu hồng” tức “mầm đỏ”, nghĩa là xuất thân tốt như con cháu công nhân, bần nông, quân nhân, liệt sĩ. Người ta cho rằng con cháu xuất thần từ những gia đình này chắc chắn sẽ là người tốt, chắc chắn sẽ trung thành với cách mạng. Mầm này, tức là con cháu sinh ra trong nước Trung Quốc mới, lớn lên dưới lá cờ đỏ, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cũ.