Trở Lại Tìm Nhau (One Day, Perhaps)

Chương 18: In my secret life


Chương trước Chương tiếp

Ta luôn phải tự coi mình như những người ngày hôm sau sẽ chết. Chính thời gian ta tưởng vẫn còn giết chết chúng ta.

Elsa TRIOLET 2

- CẨN THẬN!

Cú va chạm thật khủng khiếp.

Chiếc xe chạm vào cô bé trước khi kịp phanh lại, đâm thẳng vào người cô. Jessie ngã xuống mui xe trước khi bị hất tung lên không rồi rơi mạnh xuống kính chắn gió của chiếc xe bán tải đi ngược chiều.

Giao thông tự ngưng lại. Trong giây lát, con phố chìm trong im lặng, cho đến khi tiếng la hét lo lắng vang lên từ đám đông.

Ngay lập tức, vài người túm tụm quanh cơ thể cô bé. Vài kẻ hiếu kỳ lập tức đồng loạt rút điện thoại cầm tay, kẻ thì chụp một kiểu ảnh ly kỳ, người thì gọi cấp cứu.

Ethan và Meredith hoảng hốt chạy lại bên Jessie. Mắt nhắm nghiền, khuôn mặt tái mét, cô bé nằm bất động giữa phố.

Vài phút sau, chiếc xe cấp cứu đến. Nhóm cấp cứu gồm một bác sĩ, một y tá và một nhân viên cấp cứu. Họ quỳ xuống bên cơ thể cô bé để đánh giá tình hình. Bác sĩ là một cô gái trẻ người lai - đang thực tập tại tổ chức y tế nơi điều phối các vụ cấp cứu - đang thực hiện các thao tác như một người chỉ huy dàn nhạc. "Bắt đầu xoa bóp cơ tim. Rico, Pete, cởi quần áo cô bé ra. Động chân động tay đi, các cậu!" Cảnh cấp cứu từng xem quá nhiều trên truyền hình đến mức người ta có cảm giác thực tế sao chép phim ảnh chứ không phải ngược lại. "Glasgow độ 3, không thấy mạch đùi. Khỉ thật, chúng ta không cứu được cô ấy, các cậu ơi, chúng ta không cứu được cô ấy rồi!" Hai cảnh sát có mặt tại hiện trường vất vả lắm mới ngăn cản được các "khán giả" đứng ngay hàng đầu xem cảnh cấp cứu trực tiếp này. "Chuẩn bị máy sốc điện, cho sốc điện ngay. Rico, phết gel đi. Không phải thế, giời ạ. Đầu đất à? Cẩn thận với điện cực kìa! Pete, cho hiển thị sóng điện tim đi! Gần hơn đi, tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Cậu cố tình đấy à? Nào, đưa cho tôi mấy cái bàn sốc điện! Vị trí thẳng, 200 jun! Chú ý, sốc!" Trong khi Jessie từ từ trôi giạt đến cái chết, Ethan quỳ gối xuống giữa phố để nhặt khẩu súng trước khi cảnh sát làm điều đó. "Kiểm tra mạch. Tôi tiếp tục xoa bóp. Mở đường truyền vào tĩnh mạch đi, ta đặt ống vào rồi cậu truyền cho cô ấy một miligramme adré và hai ống Cordarone. Rico, nhanh tay lên, đừng có đứng đó ngẩn tò te nữa!"

Nữ bác sĩ trẻ dùng gan bàn tay nén ngực Jessie theo nhịp khoảng 100 lần một phút. "Nào! Nào! Nào! Được, ta lại cho sốc điện nữa nhé. 200 jun! Các cậu lui ra!"

Meredith đứng hơi cách xa một chút, khóc nức nở và gần như phát điên, hoảng sợ nhìn những thiệt hại mà cô cho là mình phải chịu trách nhiệm.

- Không phải tại mẹ đâu, Robbie an ủi mẹ. Tại cô ấy đấy chứ, cô ấy qua đường mà không nhìn gì cả.

Lần sốc điện thứ hai thành công trong việc làm đồng bộ hóa các co thắt của sợi cơ trong cơ tim, giúp tim đập bình thường và máu lại lưu thông.

- Ổn rồi, Rico cười toét miệng nói. Tim lại đập rồi!

- Thì sao, cậu muốn được thưởng huy chương chắc? cô bác sĩ mắng mỏ cậu.

Cô đội lên đầu Jessie vòng ổn định khớp cổ rồi nói:

- Nào, đưa cô bé lên xe và báo cho bệnh viện đi!

Đôi khi cái chết do đâu mà đến... Vài giây sơ ý và thế là tai nạn xảy ra. Đôi khi sự sống do đâu mà có... Vài luồng điện và thế là trái tim đập trở lại.

Rico và Pete cẩn thận đặt Jessie lên tấm nệm cấp cứu có dây chằng và đưa vào trong xe cấp cứu.

- Các anh chị chở cháu đi đâu? Ethan hỏi.

- Đến bệnh viện St. Jude, Pete vừa trả lời vừa khởi động xe. Ngay gần đây thôi.

Thoạt tiên Ethan định lấy xe mình đang đỗ trong bãi xe và đi theo đến bệnh viện, nhưng khi đám đông bắt đầu tản ra, anh nhìn thấy một chiếc taxi hình dáng tròn trịa đang đỗ trên vỉa hè.

Một người đàn ông da đen to lớn một mắt sụp xuống kèm nhèm dựa vào mui xe, vừa hút thuốc vừa nhìn anh.

o O o

- Này, anh chơi trò gì đấy hả? Ethan cộc cằn hỏi.

- Chơi trò Cuộc Sống và Số Phận, người lái taxi trả lời.

Giao thông dần dần khôi phục lại.

- Tôi đưa anh đi nhé? Curtis Neville vừa đề nghị vừa mở cửa chiếc xe Checker cũ kỹ.

- Anh biến đi cho tôi nhờ!

- Lên đi, chỉ năm phút là tới bệnh viện thôi.

- Anh không làm tôi sợ đâu, Ethan báo trước rồi ngồi vào ghế sau trong xe.

- Tôi biết, người duy nhất làm anh sợ chính là bản thân anh.

Ethan ngẫm nghĩ về lời nhận xét và không chịu thừa nhận là nó có phần đúng.

Curtis lái xe rất nhanh, chẳng thèm bận tâm đến giới hạn tốc độ hay Luật đường bộ, như thể những quy định đó không dành cho mình vậy.

- Anh tưởng tìm cách lấy khẩu súng là cứu được cô ấy ư?

- Tôi đã cứu được cô bé, Ethan bẻ lại.

Curtis cúi xuống để vặn nhỏ âm thanh chiếc radio cũ kỹ K7 gắn trên ô tô đang phát đi một bản rhythm and blues thời kỳ Motown 3.

- Có một điều anh cần phải hiểu, anh Whitaker ạ: dù có được sống lại ngày này đến cả triệu lần, anh cũng không bao giờ cứu được cô bé đâu.

- Bởi vì số cô bé là vậy, đúng không?

- Tôi nghĩ anh phải chấp nhận thôi: mọi việc diễn ra không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Chống lại điều đó chẳng khác nào chống lại cối xay gió.

- Nhưng tôi đang chứng tỏ điều ngược lại, phải không?

Curtis lảng tránh không trả lời, chỉ nhận xét:

- Đôi khi người ta bất hạnh vì cố gắng một cách tuyệt vọng để tác động lên những điều không phụ thuộc vào họ.

- Anh lại lôi những hình ảnh sáo rỗng và những lời trích dẫn ra rồi. Anh lấy đâu ra những thứ đó thế hả?

- Trong một cuốn sách mà tôi mới đọc, Curtis vừa thú nhận vừa lục trong ngăn đựng đồ lôi ra một cuốn sách có bìa cứng.

Vừa lái xe, anh vừa mở cuốn sách tới trang đã gập góc đánh dấu.

- Anh thấy câu này thế nào: "Thực ra, chúng ta chẳng có cách nào khác là đón nhận những gì số phận mang đến cho chúng ta, dù đó là bệnh tật, tang tóc hay cái chết", và câu này nữa: "Điều duy nhất chúng ta thực sự làm chủ được, đó là cách chúng ta phản ứng với các sự kiện ảnh hưởng đến chúng ta".

Ethan thuộc lòng những câu này:

- Và câu này nữa, Curtis kết thúc: "Học cách sống, tức là học cách được tự do. Và tự do tức là chấp nhận việc gì phải đến sẽ đến".

Người lái xe chìa cuốn sách cho Ethan. Trên bìa sách là chân dung anh: răng trắng, mắt xanh, khuôn mặt được chỉnh sửa qua photoshop.

- Anh đã biết chân lý vì nó được viết trong các cuốn sách của anh, Curtis nhận xét khi dừng xe trong bãi đỗ xe của bệnh viện. Nhưng áp dụng các nguyên tắc này vào đời mình lại là chuyện khác, phải không?

o O o

Ethan sập cửa xe taxi mà chẳng buồn trả lời.

Anh bước vào tiền sảnh khu cấp cứu nơi anh bắt đầu thấy quen thuộc, cũng như người phụ nữ ở bàn đón tiếp và mái tóc dựng lên như "bờm sư tử" của cô. Anh hỏi cô về cô bé bị tai nạn vừa được chở đến.

Cô chỉ anh đến khu đa chấn thương nơi Shino Mitsuki chuẩn bị vào phòng mổ. Người bác sĩ không tỏ ra ngạc nhiên về sự hiện diện của Ethan. Vả lại bác sĩ cũng chẳng có thời gian mà hỏi han tìm hiểu tình hình. Cô bé anh sắp phải mổ ở trong tình trạng rất xấu: gãy chân, sai khớp hông, dập xương sườn, đứt ruột...

- Tôi sợ nhất là tổn thương não, bác sĩ giải thích: tụ máu, xuất huyết hoặc phù não. Đấy là còn chưa kể đến xương sống bị dập tủy.

Ethan có rất nhiều điều muốn hỏi bác sĩ, nhưng anh này đã biến đi để chuẩn bị phẫu thuật. Vậy là tim thắt lại, ruột gan quặn lên, anh gieo mình xuống ghế, tay ôm đầu. Anh sợ rằng ca mổ sẽ diễn ra rất lâu và giờ anh chẳng giúp ích gì được nữa rồi.

Ethan bỗng cảm thấy lả đi vì mệt mỏi và chán nản. Theo lời bác sĩ Mistuki thì cơ hội sống sót của cô bé chẳng là bao, mà kể cả có sống được thì di chứng cuxgn rất nặng nề. Anh nhắm mắt lại trong giây lát. Một hình ảnh bỗng len lén thoáng qua tâm trí anh: hình ảnh Jessie ngồi trên xe đẩy, miệng đầy rớt dãi và mắt đờ đẫn.

Anh đấm một cú trút giận vào cái máy bán cà phê đặt cạnh ghế anh ngồi. Cái thứ được coi là cơ hội thứ hai cho anh thực ra chỉ là mồi đánh lừa. Con đường đau khổ của anh đang lặp lại y hệt. Dù anh có làm gì thì vẫn cứ phải trải qua những thảm kịch đã làm nên cái ngày đáng nguyền rủa ấy.

Anh vớ lấy cái ba lô của Jessie đang vứt dưới chân mình. Chiếc ba lô hiệu Eastpak màu hồng nhạt được dính thêm nhiều nhãn mác và phủ chằng chịt những dòng chữ nổi loạn bằng bút xóa màu trắng. Anh chần chừ vài giây rồi quyết định mở cái ngăn nhỏ ra. Trong đó có một chiếc iPod bé xíu đời đầu, có thể mua trên eBay với giá không đến 40 đô la. Pin máy đã gần cạn, nhưng Ethan vẫn kịp xem qua hết nội dung lưu trữ trong máy. Anh thấy ngạc nhiên với những gì tìm thấy: chủ yếu là các bài hát hoặc album đã trở thành huyền thoại, có từ thời cuối những năm 80, đầu 90: Comes As You Are của Nirvana, Losing My Religion của R.E.M., Sinead O'Connor hát Nothing Compares 2 U, Tracy Chapman với The Cure, U2 và album Joshua Tree của họ, hay album nổi tiếng Unplugged do Clapton thu âm vài tháng sau khi con trai ông qua đời. Cũng có cả những bản cũ hơn của các ban nhạc và ca sĩ như Led Zepp, Leonard Cohen, Otis Redding, những bài hát hay nhất của Dylan... Tất cả những bản nhạc từng đánh dấu tuổi trẻ của anh nhưng sự hiện diện của chúng trong máy nghe nhạc của một cô bé mười bốn tuổi thì thật lạ lùng.

Anh tiếp tục khám phá và mở ngăn chính ba lô ra. Bên trong có một cuốn nhật ký bìa cứng giả da có in dòng chữ In My Secret Life. Tò mò, anh tìm cách mở ra, nhưng sổ bị khóa bằng một cái khóa kim loại. Sự bảo vệ này chẳng đáng kể gì, nếu anh muốn bẻ khóa được ngay, nhưng sự tò mò của Ethan dừng lại trước sự riêng tư: nếu là anh chắc anh cũng ghét bị một kẻ lạ lẻn vào đời sống bí mật của mình.

Trong ba lô còn có ba cuốn sách loại bỏ túi, giấy đã úa vàng: một tập thơ của Emily Dickinson 4, Bắt trẻ đồng xanh của Salinger và Tình yêu thời thổ tả của García Márquez.

Những cuốn sách này... Anh từng mua những cuốn sách như thế này khi sắp hết tuổi thiếu niên, khi anh khám phá ra văn học, khi anh hiểu rằng người ta có thể quan tâm đến những thứ khác ngoài bóng chày và kênh MTV, khi anh cảm thấy rằng bằng cách nào đó, anh sẽ không bao giờ còn giống như trước kia nữa.

Ethan giở lướt qua cuốn tiểu thuyết đang cầm trên tay cho đến khi chợt giở đến trang lót ở đầu sách. Khi nhìn thấy cái tên viết nắn nót, máu anh như đông lại. Anh chết sững như thể trong anh có cái gì đó đã ngừng lại, lắng nghe tiếng tim đập âm thầm đang nhanh dần lên và dội vào ngực anh.

Cái tên đó chính là tên anh.

Chú thích

1. Tiếng Anh trong nguyên bản, có nghĩa là Đời sống bí mật của tôi.

2. Elsa Triolet (1896-1970), nhà văn Pháp gốc Nga.

3. Những năm 1960-1970.

4. Emily Dickinson (1830-1886), nữ nhà văn người Mỹ. Sau khi bà mất, những bài thơ ngắn diễn tải nội tâm của bà được in và có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca Mỹ.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...