Trang Tử Tam Kiếm
Chương 17: Phế võ nhàn cư phùng kiếm phổ - Xuân khai nhị độ tái dương uy
Đến cuối tháng sáu phòng tuyến đã lập xong. Sáu mươi cây hỏa đồng cũng đã hoàn tất. Sĩ Mệnh rỗi rãi, sớm chiều thăm hỏi Quách nhị nương và vui vẻ cùng bốn nữ nhân. Gương mặt của chàng đã được bàn tay tài hoa của Trang lão khôi phục lại. Viên Linh Chi Huyết Sâm Hoàn được hòa thêm vài chục dược liệu nữa đã phá tan những vết sẹo do khâu vá. Trang lão còn cố tình sửa sang khiến dung mạo Sĩ Mệnh anh tuấn hơn xưa. Chàng luôn tỏ ra vui vẻ nhưng không giấu được những người đầu ấp tay gối. Họ biết chàng nhớ nhung cảnh sương gió giang hồ. Sáng sáng, chàng vẫn ra vườn múa kiếm đi quyền, tối đến nhập định hành công như một võ sinh chăm chỉ. Nhưng ai biết nỗi đau trong lòng chàng to lớn đến dường nào? Nếu là người khác chẳng thể nào nở được nụ cười.
Bốn nàng cùng chung một mối lo nên rất thương nhau, không một lời hiềm khích vì sợ Sĩ Mệnh buồn. Họ bàn bạc rồi đòi Sĩ Mệnh dạy khinh công và kiếm pháp. Chàng vui vẻ xách thanh kiếm vua ban ra hướng dẫn.
Thanh kiếm này có khắc tên ở chuôi. Bốn chữ Hồng Lô bảo kiếm quả là khó hiểu. Nó ngắn hơn kiếm thường một gang và mỏng như lá liễu. Nước thép có màu xanh biếc và tỏa hơi lạnh ghê người. Nó rất nhẹ nên thích hợp với người yếu đuối như Sĩ Mệnh. Chàng biết đây là thần vật nên đã tặng cho bào đệ. Tây Môn Thù múa thử vài đường, ngượng ngùng trả lại :
- Đại ca, kiếm pháp của gia sư chủ về lực đạo, thanh kiếm này quá nhẹ nên không phát huy được sức mạnh của kiếm chiêu.
Ngược lại, pho Hạc Vũ kiếm pháp chủ ở chữ khoái và chữ ảo nên kiếm nhẹ càng hay. Với Hồng Lô bảo kiếm, Sĩ Mệnh có thể đánh được những chiêu không cần đến khinh công. Cả bốn nàng liên thủ cũng chẳng làm gì được Sĩ Mệnh. Nhưng chỉ cần họ phổ chân khí vào vũ khí, chàng sẽ không giữ được kiếm của mình.
Quách nương cảm kích trước sự hy sinh của Sĩ Mệnh nên hết lòng yêu thương chàng. Bà đem tình mẫu tử bù đắp cho đứa con cô nhi kia. Tây Môn Thù chỉ mồ côi cha, còn chàng thì mất tất cả.
Dần dần, Sĩ Mệnh cũng quen với nếp sống mới. Chàng say mê học hỏi y thuật của Trang lão cũng như nghề kiến trúc cơ quan của Vô Tỏa Đạo Chích.
Cuối tháng tám, khi những hàng ngô đồng bắt đầu rụng lá thì Phân đà Cái bang ở Tinh Châu đến đưa thư. Hồi Phong Kiếm báo rằng, Tây Môn Thù đã nhận lời làm Minh chủ Hắc đạo nên qui tụ được rất đông hảo hán. Họ kéo thẳng đến Hành Dương tấn công Tổng đàn Tam Hoàn bang. Lưu Hồng Lượng phải bỏ mạng, căn cứ bị thiêu hủy. Phục Cừu hội đang tiến hành xây dựng cơ ngơi trên núi Phục Long, ngoại thành Trường Sa. Hiện nay, thanh danh Phục Cừu hội lững lẫy võ lâm nên phải có trụ sở.
Sĩ Mệnh cũng mừng như mọi người. Nhưng đêm đến chàng thảo ngay một bức thư gửi cho Bích Thượng Hồ. Tiểu Phàm liền hỏi :
- Sao tướng công lại có vẻ ưu tư lo lắng như vậy?
Chàng buồn bã đáp :
- Nhị đệ vô tình nghe lời đường mật của Hán Thủy tiên sinh nên mới sa vào vòng danh lợi. Trước đây, nhờ yếu tố thần bí mà đối phương không làm gì được Phục Cừu hội. Nay y gióng trống dựng cờ xây dựng Tổng đàn thì vai trò sẽ đảo ngược. Quần ma mà liên thủ với nhau thì tai họa khôn lường.
Quách nương vô cùng hoan hỉ khi thấy Tây Môn Thù thắng lợi, vang danh thiên hạ. Sĩ Mệnh không muốn bà buồn nên cũng gượng vui. Chàng vùi đầu nghiên cứu y thuật để quên đi nỗi lo lắng trong lòng.
Một hôm, Sĩ Mệnh cùng Hỏa Quy lão tổ ngồi dưới mái tây hiên uống rượu và ngắm hàng phong đỏ rực cuối vườn. Nhờ bàn tay khéo léo của Diệp lão, cảnh sắc nơi đây trở nên xinh đẹp kỳ tú.
Bỗng có tiếng chân chạy quanh và tiếng cười khúc khích của bốn mỹ nhân. Chung Hải My đang bị ba nàng kia rượt đuổi. Trong tay Sơn Tây Hằng Nga là pho tượng Trang Tử bằng ngọc bích. Nàng vừa cười vừa gọi :
- Tướng công, họ tranh giành với thiếp.
Pho tượng này, chàng đã trao cho Hải My giữ, như một vật đính hôn.
Khi gần đến nơi, một con mèo tình cờ phóng qua. Hải My vướng chân vấp ngã. Nàng gượng được nhưng pho tượng rơi xuống đất. Tiếng ngọc chạm nền gạch ngân lên trong trẻo. Cả bốn người tái mặt, đứng sững người nhìn Sĩ Mệnh, lộ vẻ hối lỗi.
Pho tượng lăn đến chân Sĩ Mệnh, chàng cúi xuống nhặt lên rồi mỉm cười :
- Pho tượng này cứng rắn như thép. Không dễ gì vỡ được đâu.
Bốn nàng mừng rỡ chạy lại đứng sau lưng Sĩ Mệnh. Nhìn pho tượng họ sợ hãi nhận ra vết nút bằng sợi tóc từ đỉnh đầu xuống đế. Sĩ Mệnh hớn hở bảo :
- Bội Linh, nàng vào phòng lấy thanh Hồng Lô bảo kiếm ra đây. Còn Khả Khanh, mời ngay Trang lão và Diệp lão đến đây.
Hải Mỹ, Tiểu Phàm ngồi xuống hai bên phu tướng. Sĩ Mệnh vui vẻ đưa cho lão tổ :
- Lão gia xem này, nhờ rơi mạnh mà mối nối mới chịu mở ra.
Doãn lão cầm lấy xem rồi cười bảo :
- Chắc có chân kinh bí kíp gì đây.
Mọi người ra đến, Hắc Đạo Hoa Đà hoan hỉ :
- Cuối cùng thì thiếu chủ cũng tìm ra bí mật của bảo vật.
Diệp lão dùng thanh Hồng Lô bảo kiếm mỏng mảnh, nhẹ nhàng lách theo khe hở. Pho tượng rời ra hai mảnh và để lộ một quyển sách mỏng ố vàng được cuộn tròn. Trên bìa là bốn chữ “Trang Tử kiếm phổ”.
Chàng mở trang đầu, liếc sơ rồi đọc cho mọi người cùng nghe :
“Lão phu là cháu bốn đời của Trang Chu nhưng không có thành tựu nào về Đạo học, mà lại thiên về kiếm thuật. Nhớ khi xưa, Trang cao tằng tổ từng thuyết kiếm, đem ba loại kiếm Thiên Tử, Chư Hầu, Thứ Dân ra giáo huấn Triệu Vương. Lão phu dồn hết tâm huyết biến lời nói ấy thành ba chiêu tuyệt kiếm. Mong con cháu họ Trang hoặc những người hữu duyên sử dụng mà tạo phúc cho bách tính.
Kiếm Vương Trang Thọ cẩn bút.”
Hắc Đạo Hoa Đà chỉnh sắc nói :
- Thiếu chủ cứ cố công rèn luyện ba chiêu kiếm này. Lão phu đang nghiên cứu một phương thuốc để bồi bổ công lực cho thiếu chủ. Ba mươi năm chân khí do Thiên Niên Xuân Quả tạo ra thì đã mất hẳn, nhưng hai mươi năm tu vi khổ luyện vẫn có cơ phục hồi.
Chung Hải Mỹ mừng rỡ nói :
- Trang lão cần dược liệu gì thì cứ dạy bảo. Dẫu phải hy sinh cả cơ nghiệp này, bọn tiểu nữ cũng chẳng từ nan.
Sĩ Mệnh cảm động nói đùa :
- Thế lúc ấy, chúng ta sẽ ở đâu? Lại còn các con nữa chứ.
Bốn nàng thẹn thùng, nhìn xuống bụng mình. Diệp lão thở dài :
- Thực tâm, thì bọn lão phu rất lo cho nhị thiếu gia. Y là người cương cường hiếu thắng và man dại nên không được như thiếu chủ. Giờ đây, Phục Cừu hội đã trở thành mục tiêu chung của bọn đại ma đầu. Nếu ba phe Thiên Độc mỹ nhân, Chí Tôn bang, Tam Hoàn bang liên kết lại, chỉ e Tổng đàn Phục Cừu hội ở Trường Sa chưa kịp xây xong đã sập. Vì vậy, việc phục hồi võ công cho thiếu chủ là điều cấp thiết.
Sĩ Mệnh trấn an :
- Ta đã gửi thư cho Bích Thượng Hồ và Tây Môn Thù, bảo họ dùng kế nghi binh. Một mặt vẫn xây Tổng đàn, mặt khác, rút lực lượng ẩn bên ngoài để, mai phục.
Lão tổ giơ ngón cái khen ngợi :
- Không ngờ Mệnh nhi lại quyết đoán nhanh như vậy. Ai dám bảo ngươi là ngu ngốc chứ?
Bốn nàng sung sướng nhìn nhau mỉm cười. Hơn nữa lời hứa của Hắc Đạo Hoa Đà đã đem lại sinh khí cho Sĩ Mệnh. Đạo học mà Thiên Hạc chân nhân đã dạy cho Sĩ Mệnh là Đạo học uyên bác thâm sâu.
Ông bảo rằng :
- Lão Tử nói, “vi vô vi, tắc vô bất trị” nghĩa là “làm điều vô vi, tức không điều gì không làm”. Nếu đạo hoàn toàn vô vi thì Trang Tử thuyết giáo làm gì?
Chính vì vậy, Sĩ Mệnh luôn giữ tâm hư tĩnh nhưng sẵn sàng tiêu diệt tham quan, trừ lục tà ma. Chúng làm hại nhân quần không phải như lũ ác thú trong rừng cần ăn để sinh tồn mà do cái tâm tham dục vậy. Chàng không ghét bọn dã thú vì chúng do tự nhiên sinh ra. Chúng được quyền tồn tại. Nhưng bọn tham tàn lại phá hoại tự nhiên để thỏa chí của mình.
Chàng là người học võ chứ không yếu đuối như Trang Tử, Lão Tử nên cách làm sáng tỏ đại đạo có khác nhau. Chàng dùng ba thước gươm thiêng chặt bớt cỏ độc để cánh đồng được xanh tươi. Không vì danh, không vì lợi. Người hiệp khách âm thầm làm điều nhân nghĩ mà chẳng dám để cho ai biết.
* * * * *
Hôm sau, Sĩ Mệnh bắt tay rèn luyện ba chiêu tuyệt kiếm. Chàng hân hoan nhận ra chúng còn ảo diệu, tinh kỳ hơn cả Hạc Vũ kiếm pháp. Nhờ thiên bẩm và lòng nhẫn nại phi thường, hơn tháng sau, Sĩ Mệnh đã thông thuộc trọn vẹn. Có điều chàng không còn nội lực nên chẳng thể xuất chiêu với tốc độ cần thiết.
Tin từ Trường Sa lại bay về, quả nhiên, Lưu Hồng Lượng và Dư Tâm nhiên liên thủ để tấn công Tổng đàn Phục Cừu hội. Nhưng nhờ sự nhắc nhở của Sĩ Mệnh, phần lớn lực lượng ở bên ngoài nên bọn Tây Môn Thù đã đại thắng trận này. Gia Lăng công tử, Thanh Vụ song sát, Vân Nam nhị quỷ đều bị giết, thanh thế của Tây Môn Thù càng thêm lẫy lừng.
Rằm tháng mười, Sĩ Mệnh đưa bốn vị phu nhân đi dâng hương ở chùa Phổ Quang phía Tây thành Tinh Châu. Chàng tu đạo Tam Thanh nên không vào mà cùng Hỏa Quy lão tổ dạo quanh trước sân để ngắm cảnh. Lão tổ cười bảo :
- Bốn nha đầu này mà thắp hương đủ trăm bức tượng phật thì cũng còn lâu. Ông cháu ta ra ngoài làm vài chung cho ấm bụng.
Hai người rảo bước đi ra tìm tửu quán.
Đang ăn uống, một phụ nhân ăn mặc rách rưới, mặt mũi lem luốc bước vào chìa tay xin.
Sĩ Mệnh cho bà ta hết số bạc vụn của mình. Nhưng phụ nhân vẫn ngần ngừ không chịu đi, dán mắt vào bầu rượu. Chàng bèn đưa luôn và gọi bầu khác. Phụ nhân cúi đầu cảm tạ rồi đi ra.
Hơn khắc sau, bà ta trở lại, trả chiếc bầu không, mặt mũi đỏ gay, mắt lờ đờ nhưng miệng cười toe toét. Phụ nhân rời quán, miệng nghêu ngao hát :
- Dư Tâm Thái! Dư Tâm Thái! Ta không giết được ngươi thì ta tự giết ta vậy.
Sĩ Mệnh giật mình gọi tiểu nhị tính tiền rồi kéo lão tổ đi theo người đàn bà rách rưới kia. Chàng nói mau :
- Lão nhân gia, bà ta chính là Tiêu Mỹ Trân, nhũ mẫu của Tiểu Phàm. Xin người vào chùa gọi gấp bọn họ ra đây.
Lão tổ rảo bước đi ngay.
Sĩ Mệnh bám theo Tiêu nhũ mẫu. Thấy bà ta nằm xuống gốc cây bồ đề ở cạnh tường hông của Phổ Quang tự. Bà ta đã say mèm. Bốn nữ nhân ra đến, Sĩ Mệnh nghiêm giọng bảo :
- Hải Mỹ mau gọi kiệu đưa người này về trang. Bà ta đang say, không thể hỏi han gì được đâu.
Mãi đến chiều, phụ nhân mới tỉnh lại. Bà ngơ ngác nhận ra mình đã được tắm gội sạch sẽ và thay y phục mới. Căn phòng này hoa lệ, xinh đẹp như trong dinh thự đại thần. Gần đấy lại có bốn nữ nhân xinh đẹp tuyệt trần đang ngồi trò truyện. Trong số ấy có một nàng trông rất quen thuộc.
Thấy bà thức giấc, họ chạy đến bên giường. Nữ lang áo xanh dịu dàng hỏi :
- Phải chăng nhũ danh của đại nương là Tiêu Mỹ Trân?
- Phải! Nhưng cô nương là ai mà lại biết ta?
Nữ lang hớn hở đáp :
- Tiểu nữ là Dư Tiểu Phàm, đứa bé năm xưa đã được nhũ mẫu nuôi nấng.
Tiêu nương biến sắc :
- Chẳng lẽ ta bị bắt về Dư gia trang rồi sao?
Tiểu Phàm xua tay :
- Không phải đâu, nhũ mẫu cứ yên tâm, đây là nhà của thuyết phu, ở tại Tinh Châu.
Tiêu nương thắc mắc :
- Ta trốn đi khi tiểu thư mới lên ba, sao lại biết mặt ta?
Tiểu Phàm giải thích :
- Hài nhi nghe một người họ Quan nói rằng đã từng tình cờ nhắc đến tên Dư Tâm Thái. Hơn nữa, gần đây, tính tình gia phụ trở nên tham lam tàn ác và lạnh nhạt, khiến hài nhi nghi ngờ thân thế của mình.
Tiêu nương bật khóc :
- Đúng như vậy, hai mươi năm trước, Dư Tâm Thái âm thầm đột nhập Dư gia trang, giết hại Dư lão gia rồi thế thân vào. Lão là em song sinh với lão gia nên giống như hai giọt nước. Lúc ấy, phu nhân đang mang thai nên không phát hiện. Khi sinh xong vài tháng, vợ chồng gần gũi mới biết giả chân. dương v*t của Dư Tam Thái nhỏ hơn lão gia nên không thể giấu được. Phu nhân đòi tố cáo thì hắn dọa sẽ giết cả hai mẹ con.
Nhưng bà đã kể cho ta nghe và bảo trốn đi, tìm đến kinh đô kiện cáo, vì quan lại Chiết Giang đều bị Dư Tâm Thái mua chuộc. Ta bèn trốn ra rồi đi đến Bắc Kinh. Nhưng vì quê mùa, ngu dại, dọc đường, ta bị kẻ gian lừa lấy sạch tiền bạc, đành bỏ cuộc, ăn xin để sống qua ngày. Lòng vẫn thầm hổ thẹn với phu nhân nên uống rượu để quên chuyện cũ.
Tiểu Phàm ôm lấy bà khóc lóc và bảo :
- Nhũ mẫu cứ ở lại đây với hài nhi. Còn chuyện giết Dư Tâm Thái sẽ tính sau.
* * * * *
Đầu tháng mười một năm nay, vùng phía bắc Hoàng Hà rét đậm, tuyết rơi dầy, phủ trắng cảnh vật. Trong cảnh ảm đạm ấy, tin dữ bay về.
Tây Môn Thù thống lĩnh tám trăm quân tấn công căn cứ đối phương ở khu đồi Bạch Hổ gần Cảnh Đức trấn. Không ngờ Sấu Vũ Hầu đã chế tạo hơn trăm cỗ chiến xa cực kỳ lợi hại đánh tan tác đại quân của Phục Cừu hội. Và dồn được bon Tây Môn Thù vào Bát Quái Mê Hồn trận. Tổng cộng có tám người bị nhốt trong trận kỳ môn, cách Phục Hổ Khâu hơn dặm. Lưu Hồng Lượng không giết họ mà còn ném lương thực vào. Lão thách Sĩ Mệnh đến Phục Hổ Khâu phá trận. Nếu không đúng sáng mùng một ngày tết, lão sẽ đem cả tám người ra chém để khai trương năm mới.
Đọc xong thư, Sĩ Mệnh chết điếng trong lòng, buồn bã nói :
- Nếu ta đến nạp mạng, không hiểu họ Lưu có tha cho tám người bọn họ hay không?
Hỏa Quy lão tổ cười nhạt :
- Sao Mệnh nhi hồ đồ như vậy? Tây Môn Thù cũng là giọt máu họ Tây Môn, Lưu Hồng Lượng đâu ngu dại gì mà buông tha.
Sĩ Mệnh hỏi Hắc Đạo Hoa Đà :
- Trang lão có phương cách bá đạo nào giúp ta hồi phục võ công ngay, bất kể hậu quả hay không?
Quách nương nghiêm nghị bảo :
- Sĩ Mệnh! Ngươi có xem ta là di nương hay không?
Sĩ Mệnh sợ hãi đáp :
- Hài nhi vẫn kính yêu nhị nương như từ mẫu.
- Vậy thì đừng bao giờ nhắc đến chuyện đi Giang Tây cứu Tây Môn Thù nữa. Nếu ngươi không nghe, ta sẽ tự sát ngay. Ta dù là người sơn dã nhưng cũng biết đạo nghĩa, đâu thể để con chết oan như vậy. Khi nào Trang lão luyện xong linh đan, dùng cách chính đáng mà phục hồi công lực, thì hãy đi giết hai lão họ Lưu, họ Dư. Dẫu vài ba năm cũng phải chờ. Lúc ấy, đòi luôn món nợ của Thù nhi và bảy hảo hán kia.
Quách nương nói mà không hề rơi lệ, mắt bà lộ vẻ kiên quyết và sắt đá. Sĩ Mệnh vội hứa cho bà nguôi giận.
Từ đó, Chung gia trang không còn tiếng cười nữa.
Bảy ngày sau, Bích Thượng Hồ và Trích Tinh Thử về đến. Hai người phục xuống trước mặt Sĩ Mệnh mà nhận tội.
Quan Phát Dụng run rẩy nói :
- Thuộc hạ bất tài, phụ lòng ký thác của thiếu chủ.
Chàng đỡ họ lên rồi an ủi :
- Ta biết không phải do lỗi của Quan lão. Nhưng Hán Thủy tiên sinh đâu rồi?
- Bẩm thiếu chủ, lão ta chết trong trận Bạch Hổ Khâu rồi.
Quách nương nghiêm nghị hỏi :
- Ta nghe nói chính lão họ Văn đã đưa Thù nhi lên làm Minh chủ Hắc đạo?
- Thưa phải, lão phu có can ngăn nhưng nhị thiếu chủ không nghe. Y bảo rằng phải dương danh họ Tây Môn mới xứng đáng là con cháu.
Trích Tinh Thử hậm hực nói tiếp :
- Trận tấn công Bạch Hổ Khâu vừa rồi cũng do lão trù hoạch toàn bộ. Quan lão khuyến cáo thì Văn Tắc Sĩ gạt phăng. Nhị thiếu gia non dại nên không biết phân cân lợi hại, nghe theo lời họ Văn. Trận này thương vong hơn sáu trăm người, Phục Cừu hội coi như tan nát.
Quách nương thẫn thờ lẩm bẩm :
- Đó cũng là do ta không biết dạy con.
Sĩ Mệnh vội ôm vai bà :
- Nhị nương nào có lỗi gì. Thù đệ tuổi mới đôi mươi tất phải có nhiều sơ xuất.
Trưa ngày mười tám tháng ấy, Quách nương cùng bốn nàng dâu tổ chức đám giỗ phu thê Tây Môn thượng thư. Bà khóc mà khấn rằng :
- Tướng công, tiện thiếp sắp mất Thù nhi nhưng kiên nhẫn chờ ngày Mệnh nhi hồi phục. Giết xong Lưu Hồng Lượng, tiện thiếp sẽ xuống suối vàng sum họp với tướng công và đại thư.
Bốn nữ nhân đều khóc theo. Nhất là Chung Hải Mỹ, nàng thương cho bốn anh chị chờ chết trong thạch trận.
Cúng tế xong, cả nhà quây quần ăn uống. Ai cũng gượng cười dù lòng héo hắt. Sĩ Mệnh lơ đãng nhìn ra vườn. Những bông tuyết bay bay trong ngọn gió đông khiến tâm trạng chàng thêm nặng trĩu. Tám người trong thạch trận đang phải chịu cảnh cơ hàn. Không biết vùng Giang Nam năm nay có tuyết hay không.
Chàng hồi tưởng lại từng gương mặt thân quen, mơ màng cạn chén liên tục.
Quách nương hắng giọng :
- Sĩ Mệnh! Ngươi định uống cho say mèm hay sao?
Chàng giật mình chống chế :
- Bẩm nhị nương không ạ! Hài nhi đang suy nghĩ đến những người trong trận kỳ môn kia.
Chàng quay sang hỏi Bích Thượng Hồ :
- Quan lão! Địa hình chung quanh thạch trận ấy thế nào?
- Bẩm thiếu chủ! Thuộc hạ cùng Hà Văn Tịch đến tận nơi xem xét và vẽ lại.
Lão lấy ra một tấm lụa đồ. Đó là một ngọn đồi nhỏ trơ trọi giữa đồng, chung quanh đầy những loạn thạch. Sấu Vũ Hầu đã dùng những tảng đá nhỏ này mà bày trận. Bìa trận có bố trí những chiến xa để phòng thủ. Tóm lại, bất cứ ai đến gần cũng bị phát hiện ngay và khó thoát khỏi hàng rào cung nỏ.
Hỏa Quy lão tổ thở dài :
- Nghĩa là muốn phá trận thì phải giết bọn Lưu Hồng Lượng trước đã.
Quách nương gạt đi :
- Không được nói đến chuyện ấy nữa.
Thế là mọi người lại gượng sống, chờ đợi kết quả của lò luyện đan. Nhưng ai cũng thầm hiểu chẳng mấy hy vọng thành công và sẽ rất lâu.
Sĩ Mệnh không luyện kiếm nữa. Chàng ôn lại những kiến thức về kỳ môn trận pháp và đọc những cuốn sách y học của Trang Vỹ.
Hắc Đạo Hoa Đà phải thán phục về trí nhớ phi thường và đầu óc mẫn tiệp của chàng. Lão cười bảo :
- Thiếu chủ chỉ cần học một năm là lão phu chẳng còn gì để dạy nữa.
Gần cuối tháng chạp, chàng đã học đến phần cuối cùng của quyển y kinh. Trong trang liệt kê các loại kỳ trân dị dược có một câu “Xuân khai nhị độ”. Sĩ Mệnh không hiểu liền xuống phòng luyện đan hỏi Trang Vỹ :
- Trang lão! Câu này có nghĩa là gì?
Trang Vỹ mỉm cười ngượng ngùng :
- Lão phu cũng từng hỏi ân sư là Thái Bạch Thần Y nhưng người cũng không biết. Quyển y kinh này có bốn đời rồi.
Sĩ Mệnh trở lại thư phòng, luôn miệng lẩm nhẩm câu trên. Chàng linh cảm rằng mình có thể giải được nan đề này. Sơn Tây Hằng Nga bước vào. Trên tay nàng là chén sâm thang nóng hổi.
Thấy Sĩ Mệnh lẩm bẩm mãi như người điên, nàng sợ hãi hỏi :
- Tướng công! Chàng sao vậy?
Sĩ Mệnh quay lại cười bảo :
- Không có gì, ta đang suy nghĩ về một câu trong y kinh.
Hải Mỹ tò mò hỏi :
- Đó là câu gì?
- Xuân Khai Nhị Độ.
Sơn Tây Hằng Nga buột miệng :
- Chắc ý nói là cây Xuân Thụ có thể kết quả hai lần chứ gì?
Sĩ Mệnh vui mừng khôn xiết, nhảy đến ôm chặt Hải My, hôn như điên cuồng lên má nàng :
- Giỏi lắm hiền thê! Thế mà ta nghĩ không ra. Câu này đề cập đến cây Thiên Niên Xuân Thụ ở Lã Lương sơn.
Hải My thẹn thùng thỏ thẻ :
- Lòng thiếp luôn nhớ những kỷ niệm ngày nào nên buột miệng nói vậy.
Sĩ Mệnh cảm động, nhìn vào đôi mắt huyền sâu thẳm, lòng dạt dào yêu thương.
Chàng bảo nàng gọi cả nhà lên khách sảnh để bàn tin mừng. Trang Vỹ dè dặt nói :
- Có thể Xuân Thụ kết quả hai lần nhưng đâu chắc là lúc nào?
Sĩ Mệnh lắc đầu :
- Trang lão yên tâm, nếu đủ bốn chục năm mới nở thì không thể gọi là nhị độ. Ta đoán rằng chỉ trong năm nay thôi.
Dù nửa tin nửa ngờ nhưng đám nam nhân vẫn phải đưa Sĩ Mệnh đến Lã Lương sơn vào sáng hôm sau. Cánh rừng tre quanh Lô Sơn đã mọc lại nhưng chưa đủ để cản bước chân người. Bầy hổ dữ trên núi chẳng hiểu đã đi đâu hết cả. Có lẽ chúng sợ cái lạnh của mùa đông nên không ló ra?
Hỏa Quy lão tổ cõng Sĩ Mệnh nhảy lên miệng hang cũ. Lần này vào rất nhanh vì đã biết phương pháp do Ải Tiên truyền lại.
Trích Tinh Thử cầm đuốc soi đường, còn Bích Thượng Hồ và Hắc Đạo Hoa Đà theo sau.
Gần đến nơi, mùi hương nhè nhẹ tỏa vào mũi năm người, xác nhận sự phán đoán của Sĩ Mệnh. Lát sau, Linh thụ xuất hiện trước mặt, trên ngọn là một trái màu cam vàng rực. Cả bọn vui mừng khôn xiết, cười vang cả động đá. Hắc Đạo Hoa Đà đứng lên vai Lão tổ, sợ nắn linh quả và gật đầu :
- Đã có thể dùng được rồi!
Lão hái xuống, trao cho Sĩ Mệnh, bắt chàng cởi áo ngồi kiết già, như đang tọa công vậy. Lão nghiêm giọng bảo :
- May mà thiếu chủ đã mất hết công lực, nên không cần phải tốn hai mươi mốt ngày dung hoá. Lão phu sẽ dùng phép Kim Châm Quá Huyệt, dẫn dắt chân khí lưu thông nhanh hơn. Xét về mặt y dược, không chừng quả lần thứ hai sẽ tốt hơn lần đầu.
Sĩ Mệnh cười đáp :
- Ta đã có Hồng Lô bảo kiếm và ba chiêu Trang Tử tam kiếm, dẫu chỉ ba mươi năm công lực cũng đủ rồi.
Chàng bèn cắn từng miếng xuân quả, nhai thật kỹ mới nuốt vào. Sĩ Mệnh nhận ra có vị đắng nhưng vẫn cố ăn hết, dù không biết họa phúc thế nào.
Ăn xong, chàng lại phải uống bảy viên thuốc của Trang lão đưa cho.
Gần khắc sau, một luồng khí nóng rực cuồn cuộn tỏa lan khắp cơ thế, da thịt đỏ hồng lên. Trang Vỹ nhanh tay cắm những mũi kim vàng dọc theo hai mạch nhâm đốc, qui tụ luồng nhiệt khí tản mác ở toàn thân về Đan Điền, Khí Hải dần dần nóng rực như lửa và trương phồng.
Sĩ Mệnh mừng rỡ, dùng Hỗn Nguyên tâm pháp di chuyển chân khí vào kinh mạch. Sau một ngày đêm hành công liên tục, linh quả đã hoàn toàn được dung hoá. Sĩ Mệnh nghe cơ thể sung mãn, nội lực tự lưu chuyển liên miên bất tuyệt. Chàng thở phào mở mắt. Bốn người kia hân hoan chúc mừng.
Hoa Đà hỏi :
- Thiếu chủ thấy kết quả thế nào?
- Lần này linh quả có vị đắng của dược thảo chứ không ngọt. Luồng chân khí lại nóng và mãnh liệt hơn lần trước. Còn thành tựu thế nào phải thử mới biết được.
Chàng đứng lên, vận toàn lực tung mình lên nóc động, độ cao hơn hai trượng, chứng tỏ công lực thâm hậu hơn xưa. Sĩ Mệnh hạ thân, kinh ngạc hỏi :
- VÌ sao lần này lại thu được đến sáu mươi năm chân khí?
Trang Vỹ mỉm cười :
- Thiếu chủ chẳng nhớ câu “Rỗng không thì chứa được nhiều” hay sao?Hơn nữa, bảy viên dược hoàn lúc nãy là tinh chất của mấy chục cân Lão Sâm trường bạch và Hà Thủ Ô trăm năm.
* * * * *
Về đến Chung gia trang, Sĩ Mệnh quì xuống trước mặt Quách nương :
- Nhị nương! Hài nhi đã khôi phục võ công, xin được phép đi cứu nhị đệ.
Quách nương nghiêm giọng :
- Nếu thế thì được. Nhưng phải tuyệt đối cẩn trọng, không được liều mạng. Dẫu cứu được Thù nhi mà ngươi bỏ mình thì ta cũng không sống nổi.
Sĩ Mệnh cảm nhận được ánh mắt thương yêu của. Chàng kính cẩn hứa :
- Nhị nương yên tâm! Hài nhi vẫn chủ trương tiên bảo kỳ thân.
Chàng bảo Tiểu Phàm, Bội Linh đưa Quách nương vào hậu sảnh nghỉ ngơi. Rồi bắt đầu bàn bạc kế hoạch phá trận.
Sĩ Mệnh nhìn lại sơ đồ khu thạch trận, hỏi Bích Thượng Hồ :
- Quan lão! Phía Bắc ngọn đồi này có rừng rậm hay vườn tược gì không?
- Bẩm thiếu chủ, cách hơn nửa dặm mới có một vườn đào của một lão phú nông. Có lẽ mặt Bắc là tử lộ nên không phòng thủ vững chắc lắm. Phía Nam giáp với khu đồi Bạch Hổ, có pháo hiệu là bọn Lưu Hồng Lượng kéo ra ngay.
Sĩ Mệnh gật gù :
- Quan lão nói không sai, cửa sinh môn chính là nằm ở phía Nam. Nhưng ta sẽ vào trận bằng cách nhảy từ trên không xuống, lúc trở ra thì sinh tử đảo ngược nên phía Bắc lại an toàn.
Tiểu Phàm sợ hãi nói :
- Tướng công! Nơi ấy làm gì có vách núi cao để chàng nhảy xuống?
Sĩ Mệnh mỉm cười :
- Vào thời Đường Đức Tông, quan tiết độ sứ Giao Châu là Cao Biền từng cưỡi diều quan sát phong thuỷ, để trấn yểm long mạch của đất An Nam. Nay ngọn Bắc Phong đang thổi mạnh, ta sẽ nhờ diều vải mà vào trận.
Diệp lão kinh hãi :
- Không được! Với độ xa nửa dặm thì độ cao phải là năm chục trượng, thiếu chủ sẽ tan xác thôi. Phía dưới là đá chứ đâu phải mặt nước?
Bội Linh buồn rầu nói :
- Lần ở Cảnh Giang cũng đủ khiến bọn thiếp đứng tim. Nay lại quá cao thế, chẳng ai yên tâm được.
Sĩ Mệnh nghiêm giọng :
- Mọi người chớ lo, ta đã tính toán hết sức chu đáo. Không phải là nhảy xuống mà là tuột theo dây chão. Khi diều lơ lửng trên đầu thạch trận, ta sẽ thả dây để bọn Tây Môn Thù giữ lấy.
Mọi người ồ lên thán phục ý kiến tuyệt diệu này.
* * * * *
Gần đến ngày đưa Táo Quân, khí hậu vùng Giang nam lạnh hẳn lên. Tuyết bay lất phất nhưng cũng đủ khiến tình cảnh của tám người trên ngon đồi loạn thạch thêm khốn khổ, họ uể oải ngồi quang đống lửa cạnh tảng đá lớn nhất để sưởi ấm.
Khẩu phần ít ỏi mà Lưu Hồng Lượng cho thủ hạ dùng tên bắn vào khiến cơ thể họ ngày cáng suy kiệt. Đại Lực Thần Sát có phạn lực rất lớn nên cảm thấy đói hơn ai hết. Gã đứng lên, xiết chặt thắt lưng rồi lẩm bẩm :
- Không biết thiếu chủ có kịp đến để cứu chúng ta hay không nữa?
Ma Ảnh Tử cười nhạt :
- Ngươi quên rằng thiếu chủ đã mất hết công lực rồi sao? Người có đến đây cũng chỉ uổng mạng mà thôi!
Sát Thần tuyệt vọng nói bừa :
- Biết thế ở lại quách Chung gia trang chứ chẳng theo nhị thiếu gia làm gì. Kim mỗ theo thiếu chủ đánh trận nào cũng thắng, bụng lúc nào cũng no.
Hồi Kiếm Phong nạt ngang :
- Ngươi có câm miệng lại không?
Kim Gia Đống nghĩ mình sắp chết nên chẳng còn sợ hãi nữa :
- Kim mỗ nói sai ở điểm nào? Thiếu chủ tuy có võ công cái thế nhưng luôn cẩn trọng giấu mình, chắc thắng mới tấn công. Nay nhị thiếu gia háo danh, háo thắng khiến thủ hạ chết gần hết và chúng ta lại bị giam giữ chốn này.
Cuồng Sư điên tiết định đánh Sát Thần thì Tây Môn Thù ngăn lại :
- Gã nói đúng! Tất cả đều do lỗi của ta. Đại ca đã có thư cảnh báo mà ta không nghe, gây nên hậu quả này, ta xin lấy cái chết để tạ tội.
Đôi mắt sói của gã rực lên niềm hổ thẹn khôn cùng, định rút kiếm tự sát. Dạ Điểu kịp thời điểm huyệt Tây Môn Thù, tước vũ khí rồi nghiêm giọng :
- Thiếu chủ là người tình thâm nghĩa trọng, dẫu biết chết cũng sẽ đến đây. Thiếu gia hãy chờ gặp mặt, nói lời tạ tội rồi hãy chết. Huynh đệ đi chung đường cho vui. Thiếu gia có đủ dũng khí ấy không?
Lời nói của Lý Kỳ Hân như những nhát dao cứa vào lòng Tây Môn Thù, nhưng lại khiến y không dám tự sát nữa. Tây Môn Thù thẫn thờ đáp :
- Đúng vậy! Ta phải gặp đại ca mới được.
Bỗng từ ngoài xa văng vẳng tiếng mõ trâu. Có lẽ chú mục đồng nào đó đưa trâu đến vùng này gặm nốt đám cỏ trước khi tuyết phủ kín. Tiếng mõ rời rạc buồn chán, nhưng cũng là cái duy nhất để họ quên đi niềm tuyệt vọng.
Sát Thần lẩm bẩm :
- Giá mà con trâu kia đi lạc vào đây nhỉ? Kim mỗ làm thịt trâu rất thiện nghệ.
Hồi Phong Kiếm quát :
- Câm miệng! Hình như là tín hiệu của Thượng Hồ. Để ta nghe thử.
Lão là bạn thân của Quan Phát Dụng nên rất rõ cách truyền tin đặc biệt này. Bon Lưu Hồng Lượng có nghe cũng chẳng thể hiểu được.
Hồi Phong Kiếm kiên nhẫn chờ đợi chắp nối từng chữ vì con trâu chẳng thể lúc lắc cái đầu dồn dập được. Hơn khắc sau, lão thở phào, hoan hỉ nói :
- Canh ba đêm nay, thiếu chủ sẽ dùng diều vải, bay lơ lửng trên đầu thạch trận và thả dây xuống.
Bạch Bì quả phụ lo lắng :
- Thiếu chủ không còn công lực mà lại dám nghĩ ra kế hoạch mạo hiểm như vậy, tiểu muội chẳng yên lòng chút nào cả.
Hà Bắc Lãng Tử trấn an :
- Nhị thư chớ lo, thiếu chủ đã tính toán thì không thể sai được.
Cuồng Sư vuốt mấy bông tuyết trên đỉnh đầu buồn bã nói :
- Thiếu chủ liều mạng vào trận đưa bọn ta ra nhưng ai cũng kiệt lực, biết có thoát nổi hay không?
Dạ Điểu cười mát :
- Lo cũng vô ích, tất cả hãy vận khí hành công, cố khôi phục chút đỉnh khí lực để đêm nay sử dụng.
Đầu canh ba, bọn Tây Môn Thù bỏ những nhánh củi khô cuối cùng vào đống lửa để làm dấu cho Sĩ Mệnh. Trận thế chung quanh đồi luôn mờ mịt sương mù ma quái nên không sợ bên ngoài trông thấy.
Trời rét hơn và tuyết cũng rơi nhiều hơn. Tám người căng mắt nhìn về phía bắc đợi chờ. Tây Môn Thù có nội công thâm hậu nhất nên gã nhìn thấy trước tiên. Gã xúc động thì thầm :
- Đến rồi!
Gần khắc sau, cánh diều trắng to bằng sáu mảnh chiếu lơ lửng trên đầu thạch trận. Nhưng ngọn bắc phong tai quái nhồi lắc con diều vải khiến nó đảo lộn điên cuồng.
Tám người ở dưới kinh hoàng, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Họ nhận ra Sĩ Mệnh đã thả dây xuống nhưng chiều dài không đủ, còn thiếu đến hai chục trượng.
Sĩ Mệnh tuột xuống cuối dây, đong đưa giữa không trung, chờ lúc gió nguôi đi, diều sẽ xuống thấp hơn. Nhưng dường như gió lại đổi chiều, đưa chàng lệch sang hướng Tây.
Không còn cách nào khác, Sĩ Mệnh buông tay, lao mình xuống đỉnh đồi. Bạch Bì quả phụ rít lên :
- Trời ơi! Thiếu chủ!
Tám người chết lặng nhìn Sĩ Mệnh rơi xuống đám loạn thạch. Họ sa lệ lúc nào chẳng hay. Tây Môn Thù lẩm bẩm :
- Đại ca! Tiểu đệ đã hại đại ca rồi.
Bất chợt, Sĩ Mệnh giương rộng đôi cánh vải, vẫy mạnh để hãm đà rơi. Chàng lượn một đoạn, nhẹ nhàng hạ xuống cạnh đống lửa. Cả tám người đều chạy đến phục xuống chân chàng. Tây Môn Thù lết đến cúi đầu xuống đất khóc vùi :
- Đại ca! Tiểu đệ thật đáng chết.
Sĩ Mệnh đỡ gã lên, siết chặt vào lòng :
- Nhị đệ còn trẻ, tất phải có điều sơ thất. Ta không trách ngươi đâu.
Chàng buông gã ra, bảo các thủ hạ đứng lên rồi tươi cười :
- Ta có mang theo rượu thịt, anh em ăn uống cho no rồi xuất trận.
Hồi Phong Kiếm vội hỏi :
- Dường như thiếu chủ đã phục hồi công lực?
- Phải! Cứ ngồi xuống rồi ta sẽ kể cho nghe.
Dương Tiểu Hào mau mắn đỡ lấy bọc vải trên lưng Sĩ Mệnh. Hai mươi cân chả bò và túi rượu nhỏ là món quà cực kỳ quí giá.
Sát Thần ăn được vài miếng khoan khoái nói :
- Thế mà thuộc hạ tưởng kiếp này sẽ không kịp biết nữ nhân là gì. Thoát chết trận này, mong thiếu chủ cho Kim mỗ cưới vợ ngay.
Cuồng Sư bật cười :
- Ta sẽ chọn ả nô tỳ hung dữ nhất Chung gia trang mà gả cho ngươi.
Trong lúc tám người kia ăn uống, Sĩ Mệnh kể lại việc khám phá ra trái thứ hai của Xuân Thụ.
Ăn xong, khí lực khôi phục được hơn nửa ai cũng hăng hái hẳn lên. Sĩ Mệnh bảo Tây Môn Thù :
- Nhị đệ có thể bớt áy náy vì số thương vong của Phục Cừu hội không cao như dự đoán ban đầu. Bích Thượng Hồ đa mưu túc trí nên bảo toàn được lực lượng của Thanh Long trại và Phi Tiễn trại. Chỉ có cánh quân của Văn Tắc Sĩ là chết sạch. Hiện giờ anh em Hỏa Tiễn đường đang phục quang đây chờ chúng ta ra.
Sĩ Mệnh đã đến đây được mấy ngày, ẩn mình tìm cách phá trận. Chàng dễ dàng đưa bon Tây Môn Thù đào thoát.
Đến bìa trận, cả bọn phi thân lướt mau, cố rời xa tầm bắn của trường tiễn. Khi bọn phòng thủ phát hiện thì đã muộn, chúng bèn bắn với theo. Nhưng hai trăm trái hỏa đạn bay vút đến trút lên đầu bọn cung thủ khiến chúng náo loạn cả lên. Ánh lửa cháy bùng làm chúng lóa mắt, chẳng thấy mục tiêu đâu mà bắn.
Anh em Phục Cừu hội bắn thêm loạt thứ hai rồi rút nhanh. Khi đại quân của Lưu Hồng Lượng và Dư Tâm Nhiên kéo đến, thì phe Sĩ Mệnh đã rút sạch. Họ Lưu điên tiết chửi mắng bọn bang chúng :
- Phòng tuyến dày đặc thế này sao lại không phát hiện ra được người xâm nhập?
Gã đầu lĩnh hết lời thề thốt :
- Bẩm Bang chủ! Bọn thuộc hạ xin lấy phụ mẫu ra mà thề rằng chẳng hề có ai vào trận cả.
Sấu Vũ Hầu cũng nói :
- Mạn Bắc này là tử lộ, tuyệt đối không thể vào được. Lão phu cho rằng bọn chúng vào bằng lối khác.
Lưu Hồng Lượng và Dư Tâm Nhiên nghe lời, đi kiểm tra các cửa khác, nhưng đều nghe báo là không ai vào. Quả thực, với khoảng cách mỗi trượng một người liên lạc thì chuột cũng khó vào. Hận Thiên lão quái hậm hực nói :
- Lần trước khi lão phu cùng bầy độc thử vây chặt Cảnh Sơn cũng bị tiểu tử Sĩ Mệnh cứu người đi mất. Chả lẽ gã có tài thăng thiên hay độn thổ?
Dư Tâm Nhiên cau mày :
- Chúng ta đã tra khảo Văn Tắc Sĩ và được biết Sĩ Mệnh đã truyền hết công lực để cứu Tây Môn Thù. Có thể người vào trận là Nam Long Ma Kiếm chứ chẳng phải Sĩ Mệnh.
Lưu Hồng Lượng cười nhạt :
- Nếu là Tư Mã Hân thì không đáng ngại. Ba ngày nữa. Thiên Độc mỹ nhân sẽ đến đây liên thủ với chúng ta...
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp