Editor: Đá bào
Beta: Bảo Trân
—
Tin Nguyễn Sương và Trần Cương Sách chia tay lập tức được lan truyền nhanh chóng. Mọi người còn chưa kịp hỏi rõ ngọn ngành nguyên do thì một loại virus đã quét qua đất nước vào năm đó khiến tất cả các thành phố trên khắp cả nước bị phong tỏa và các trạm kiểm soát nghiêm ngặt được thiết lập trên đường cao tốc ở nhiều nơi để kiểm tra từng người, từng phương tiện qua lại. Tết năm đó có lẽ là dịp lễ lớn hiu quạnh nhất trong thế kỷ qua, những hàng rào cách ly cứ dần được xây lên.
May mắn là khi Tết Nguyên đán đến gần, các gia đình đều đã chuẩn bị được nhiều đồ dự trữ. Hàng tuần, mỗi gia đình lại cử một người đại diện ra khu cộng đồng mua nhu yếu phẩm và các thực phẩm bổ sung. Nguyễn Sương ở trong nhà cả ngày không có việc gì làm nên ngồi viết kịch bản. Mẹ cô nhìn thấy thế chịu hết nổi mà kéo cô đi chơi cầu lông trong sân. Chơi chưa được năm phút Nguyễn Sương đã bắt đầu phàn nàn rằng cô rất mệt, bố ở tầng hai thấy vậy thì trêu chọc cô: “Thể lực này của con có thể so sánh được với bà ngoại ở thời điểm hiện tại rồi đấy.”
“Vớ vẩn,” mẹ cô phản bác lại chồng.
Nguyễn Sương cảm động muốn rơi nước mắt. Kết quả lại nghe mẹ mình nói: “Gân cốt của bà ngoại còn tốt hơn con gái chúng ta.”
“…”
“…”
Đôi vợ chồng lôi con gái ra trêu chọc làm thú vui, trông cực kỳ hạnh phúc.
Lúc này Quý Tư Âm gọi điện thoại tới. Nguyễn Sương buông vợt xuống, cầm điện thoại di động đang đặt ở trên ghế nghỉ lên. Cuộc gọi vừa kết nối, Nguyễn Sương còn chưa kịp lên tiếng thì tiếng kêu thảm thiết của Quý Tư Âm đã truyền đến bên tai. Nguyễn Sương vừa bối rối vừa khẩn trương hỏi cô ấy bị làm sao, đã xảy ra chuyện gì rồi?
“Tớ xin lỗi Sương Sương, tớ đã nói dối chuyện Trần Cương Sách đang ở khu vực chỗ tớ. Cho đến hôm nay khi Bàng Tiện gọi điện tớ mới biết Trần Cương Sách đã bị mắc kẹt ở khách sạn bên này rồi.”
Mẹ của Quý Tư Âm là người đến từ tỉnh khác, dịp Tết Nguyên Đán năm nay cả gia đình đã đến nhà bà ngoại cô ấy ăn tết. Thật không ngờ loại virus quét qua thành phố lại có khởi nguồn từ tỉnh nơi bà ngoại Quý Tư Âm ở. Các thành phố khác thực hiện phong tỏa quy mô lớn nhưng hầu hết mọi người vẫn có thể di chuyển tự do trong cộng đồng. Nhưng chỗ của Quý Tư Âm thì không được phép, gần như tất cả bọn họ đã bị nhốt trong một khu biệt giam quy mô lớn và thậm chí không thể ra khỏi nhà. Chỉ cần bạn rời khỏi nhà thì sẽ được đưa đến bệnh viện coi như một người bị nhiễm virus.
Trong lúc nhất thời Nguyễn Sương không thể tin được những điều mình vừa nghe được, lại hỏi: “Cậu nói cái gì, Trần Cương Sách đi tới khu vực chỗ cậu?”
“…Tớ không biết, tớ thật sự không biết.” Quý Tư Âm cố bình tĩnh lại, giọng nói nghẹn ngào rõ ràng là đang khóc kể lại cho Nguyễn Sương tất cả những chuyện xảy ra mà cô ấy biết.
Rất nhiều người đến hỏi Quý Tư Âm về Nguyễn Sương và Trần Cương Sách. Để giữ gìn hình tượng cho bạn thân, Quý Tư Âm đương nhiên nói Nguyễn Sương là người đã bỏ rơi Trần Cương Sách. Mà sự thật thì Nguyễn Sương cũng chỉ nói nhẹ nhàng một câu rồi bọn họ liền kết thúc. Nguyễn Sương không nói ai đá ai, Quý Tư Âm cũng biết điều nên không hỏi. Làm gì có ai thất tình mà muốn nhận mình là người bị chia tay? Quý Tư Âm phóng đại nói rằng khi Sương Sương còn đang yêu đương, bất cứ khi nào được nghỉ cô sẽ dành thời gian cho bạn trai và chỉ có thể dành chút thời gian cho bạn thân là cô ấy. Bây giờ cô đã độc thân, tất cả thời gian của cô đều thuộc về cô ấy. Cô ấy sẽ sớm đến nhà bà ngoại, Sương Sương nói rằng cô chưa đến đó bao giờ và muốn đến cùng cô ấy. Vốn dĩ Nguyễn Sương cũng có dự định đến đó chơi với Quý Tư Âm vài ngày nhưng thời gian hai người thống nhất với nhau là sau năm mới.
Quý Tư Âm nói: “Tớ cũng không biết ai đã truyền đi tin này cho Trần Cương Sách biết. Tớ nghe từ chỗ Bàng Tiện nói rằng anh ấy đã đến được một ngày trước khi thành phố bị phong toả.”
Trước khi thành phố bị phong toả, đó đã là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngay cả những người con xa quê cũng chọn cách không trở về quê hương.
“Tớ phải làm thế nào bây giờ Sương Sương?”
“Bọn họ đều không liên lạc được với Trần Cương Sách.”
Nước mắt Quý Tư Âm không ngừng rơi xuống, “Có khi nào anh ấy đã xảy ra chuyện gì rồi không? Tớ sẽ không bao giờ dám nói xạo nữa, Sương Sương…”
Trong lòng Nguyễn Sương giật thót, muốn an ủi cô bạn: “Không sao đâu, có thể anh ấy không mang theo sạc pin. Tớ hiểu con người anh ấy, ra ngoài rất lười mang theo cục sạc, có khi còn không cả mang điện thoại di động.”
Cô có thể thuyết phục được Quý Tư Âm nhưng lại không có cách nào thuyết phục được chính mình. Sau khi cúp điện thoại, giọng điệu của cô tuy vẫn bình tĩnh không chút lo lắng nhưng đột nhiên lại chạy về phòng ngủ. Cô bước lên cầu thang phát ra tiếng động lớn.
Bố mẹ Nguyễn nhìn nhau ở ngoài ban công, bố cô hỏi: “Ai gọi tới thế?”
Mẹ Nguyễn nói: “Giọng nói đó hình như là của Quý Tư Âm nhưng qua điện thoại con bé cứ khóc suốt.”
“Có phải đã xảy ra chuyện gì đúng không? Em đi hỏi thử xem.”
“À ừm.”
Nguyễn Sương trở về phòng ngủ, đầu óc rõ ràng vẫn rất tỉnh táo nhưng các ngón tay lại không ngừng được mà mở điện thoại tìm số di động của Trần Cương Sách, bỏ số anh ra khỏi danh sách đen. Cô bấm gọi số liên tục nhưng kết quả chỉ nghe được giọng nói rõ ràng và chuyên nghiệp từ tổng đài: “Xin lỗi, số máy quý khách vừa gọi tạm thời không…”
Lúc này mẹ đã đi tới gõ cửa, bà đứng ở ngoài gọi tên cô nhiều lần.
Nguyễn Sương quay đầu lại, trên khuôn mặt lộ ra vẻ mất hồn mất vía, hỏi mẹ: “Mẹ, sao vậy ạ?”
“Con có sao không? Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
“Không có gì đâu ạ,” Nguyễn Sương không muốn mẹ lo lắng quá nên cười nói: “Điện thoại của Quý Tư Âm bị mất, con đang nghĩ cách tìm lại cho cậu ấy.”
Nguyên nhân và kết quả hết sức thuyết phục.
Sau khi mẹ đi, Nguyễn Sương nhận ra không tìm được cách nào khác nên cũng không cố gọi điện cho anh nữa. Mồ hôi lạnh toát tỏa ra khắp người, bộ quần áo mùa thu mỏng manh đã ướt đẫm nhưng cô vẫn rất tỉnh táo và bình tĩnh để cố nhớ lại những gì mình biết. Trần Cương Sách có nói với cô rằng trước giờ anh không ở chỗ cố định mà thường hay ở khách sạn. Cô còn nhân cơ hội nói đùa: “Vậy cũng có nghĩa là anh đã ngủ qua gần hết các khách sạn trong thành phố nhỉ?”
Anh lạnh lùng cười: “Đừng có phỉ báng anh.”
Sau đó anh nói rằng anh có một phòng Suite ở khách sạn Hilton có thể ở lâu dài. Nếu có ngày cô muốn qua đó, chỉ cần báo tên của cô. Điều anh muốn nói chính là cô cứ trực tiếp nói tên Nguyễn Sương chứ không phải tên Trần Cương Sách của anh. Có rất nhiều chuyện khi hồi tưởng lại sẽ khiến con người ta cảm thấy bất an và đau lòng.
Nguyễn Sương co hai chân lại, đặt lên ghế. Cô chống tay lên đầu gối, ngập ngừng bấm số của khách sạn Hilton duy nhất trong thành phố. Nhân viên khách sạn Hilton bắt máy, Nguyễn Sương bình tĩnh hỏi: “Phiền cô có thể chuyển cuộc gọi của tôi tới Trần Cương Sách được không?”
“Xin lỗi cô, chúng tôi không thể tiết lộ thông tin của khách hàng.”
“Vậy cô giúp tôi chuyển lời với Trần Cương Sách là nếu anh ấy thật sự phải chết thì tôi sẽ đến nhận thi thể giùm cho.”
“Xin lỗi, cô à…”
“Hiện tại anh ấy đang ở phòng tổng thống, nếu để anh ấy nổi giận thì e rằng người phụ trách khách sạn của cô cũng sẽ phải đích thân đến xin lỗi đấy.”
Nguyễn Sương giờ đã học được cách phân cao thấp với những người xung quanh một cách dễ dàng, chỉ cần có khí thế đủ mạnh. Nhưng suy cho cùng cô cũng không muốn làm người khác phải khó xử. Im lặng một lúc lâu, cô mới dịu giọng nói: “Phiền cô truyền đạt lại lời của tôi cho anh ấy, chỉ cần gọi điện thoại nói mấy câu thôi. Cô đừng lo lắng, anh ấy sẽ không trách cô đâu, nói không chừng khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, tâm tình anh ấy vui vẻ thì thậm chí còn có thể yêu cầu quản lý khách sạn thăng chức và tăng lương cho cô.”
Đối phương do dự một hồi mới bất đắc dĩ nói: “…Tôi sẽ thử xem.”
Có vẻ như chiêu này có tác dụng. Ba phút sau, điện thoại của Nguyễn Sương rung lên. Màn hình sáng lên, cái tên hiển thị khiến hốc mắt cô nóng bừng. Khi cuộc gọi được kết nối là một khoảng im lặng kéo dài. Tay cầm điện thoại của Nguyễn Sương run run nhưng giọng nói lại rất bình tĩnh. Bây giờ quan hệ giữa họ đã thay đổi, nếu quan tâm không đúng lúc e là lại trở thành một câu hỏi chất vấn: “Tình hình đang căng thẳng như thế, sao anh lại chạy đến đó?”
Sóng điện từ mang đến cho anh một tiếng cười nhẹ. Trong tình hình căng thẳng vì dịch bệnh và sự thiếu hụt vật tư mà anh vẫn giữ thái độ không quan tâm đ ến bất cứ điều gì, “Nghe giọng em nói thì hẳn bên đó không có chuyện gì xảy ra, vậy anh yên tâm rồi.”
“Cần anh phải lo lắng sao?” Môi Nguyễn Sương đã trắng bệch, cô nói: “Chúng ta đã chia tay rồi.”
“Cứ coi như em là tình cũ khó quên của anh đi.”
Anh thoải mái hỏi cô bằng giọng điệu cực kỳ mặt dày: “Em có nhớ anh không?”
Nguyễn Sương muốn cúp điện thoại, cũng muốn phản bác lại anh. Nhưng cô vẫn cầm máy, mấp máy môi nhẹ nhàng hỏi anh: “Anh không sao chứ?”
“Rất tốt,” anh trả lời thờ ơ, sau đó chuyển chủ đề và đùa giỡn một cách bất cần, “Anh nghe nói sau khi chết em sẽ đến nhận xác giúp anh. Vậy sau đó nhớ viết lên bia mộ anh dòng chữ – ‘Chồng tôi Trần Cương Sách.’ Chỉ cần mấy chữ này thì coi như anh chết cũng toại nguyện.”
“Trần Cương Sách——” Nguyễn Sương nhấn mạnh từng chữ, hệ thống sưởi trong phòng không có tác dụng gì, toàn thân cô lạnh ngắt, “Đừng đùa giỡn với mạng sống của chính mình.”
“Cái mạng này của anh, chết đi cũng là xuống địa ngục.” Trần Cương Sách nói: “Trăm năm sau, em sẽ là lên thiên đường.”
Giọng nói của anh rất trầm như đang tự nói với chính mình: “Anh nên làm thế nào bây giờ? Khi sống chúng ta không thể ở bên nhau, sau khi chết cũng không thể gặp nhau.”
Một vùng biển sương mù dần hiện ra trước mắt. Nguyễn Sương vốn cho rằng mình là một người tỉnh táo và lý trí nhưng bây giờ lại như lạc vào sương mù, hiếm khi thấy hoảng loạn.
Từ hôm đó, họ thường xuyên nói chuyện điện thoại vào những thời điểm không cố định. Có khi là buổi sáng sớm đầy sương mù, có khi là buổi chiều tà buồn ngủ nhưng phần lớn thời gian là vào nửa đêm tĩnh lặng. Không giống như trước đây họ có thể nói về bất cứ điều gì. Dù đã chia tay nhưng họ vẫn có sự ăn ý nhất định, ngầm hiểu nhau và lặng lẽ tránh mặt tất cả bạn bè. Bây giờ nội dung của cuộc trò chuyện rất hạn chế, vài chủ đề cứ lặp đi lặp lại.
“Chỗ em còn đồ ăn không?”
“Có trường hợp bị nhiễm nào được xác nhận trong khách sạn không?”
“Khi nào lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ?”
Sau đó là một sự im lặng lớn, họ bận rộn ngay cả trong sự im lặng này. Dù cả nước đang trong tình trạng căng thẳng nhưng kinh tế thì không thể tạm dừng. Ngày nối lại công việc liên tục bị đẩy đến giữa tháng 2, hầu hết các khu vực đã trở lại cuộc sống trước đó. Chỉ là trong đám đông khổng lồ, mọi người đều phải đeo khẩu trang. Các ngân hàng mở cửa, trường học khai giảng. Trần Cương Sách bận rộn, Nguyễn Sương cũng vội vã, cả hai người đều bận bịu trước màn hình máy tính.
Trường học chuyển sang mô hình lớp học trực tuyến từ xa. Có một lần, khi mọi người chưa có mặt đủ, người hướng dẫn đã hét lên với những sinh viên đã đến qua màn hình máy tính: “Những sinh viên nào còn chưa vào thì nhanh lên, lớp học sẽ bắt đầu sau một phút nữa.”
Có người bật micro, cười gượng trả lời: “Chị Huệ, họ không online, chị có gọi thì họ cũng không vào được đâu.”
Nguyễn Sương kể cho Trần Cương Sách nghe chuyện này, anh nghe xong chỉ cười khẽ một tiếng. Cô biết không phải anh không quan tâm đ ến cuộc sống thường ngày của cô, mà là trong cuộc sống đó có rất ít người, rất ít sự việc có thể khiến anh bộc lộ ra những cảm xúc rõ ràng. Nguyễn Sương biết mình là một trong số đó. Nếu không thì anh đã không chạy đến chỗ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh để tìm cô.
Nhưng cô biết rõ hơn rằng khoảng thời gian yên bình và ngọt ngào này là bọn họ đang lén trộm được, sớm muộn gì cũng phải trả lại. Sớm muộn gì cũng phải kết thúc. Họ biết thời điểm nào phải kết thúc, nhưng dường như cũng chưa biết rõ lắm. Khi nào lệnh phong tỏa được dỡ bỏ thì cũng là lúc chấm dứt. Nhưng không biết lúc nào lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ?
Câu trả lời là vào tháng Tư.
Lệnh phong tỏa đã kết thúc sau bảy mươi sáu ngày.
Trăng Gió Nơi Đây - Mộ Chi
Chương 31