Trân Châu Cảng
Chương 16
Ông không biết rằng giờ của thời khắc này, cũng không biết được hôm nay là ngày mấy. Đối với ông, thời gian chỉ gói gọn trong một giờ, ngay lúc này, ngay khoảnh khắc này thôi. Ông đánh dấu thời gian bằng cách hỏi xem đã mấy giờ rồi ông chưa đi ngủ hoặc tắm rửa. Mùi mồ hôi chua chua nồng nồng trên quần áo của ông và trên cả hàm râu quai nón mọc lởm chởm. Nếu bất cứ một sĩ quan cao cấp nào của ông được phép vào trong tầng hầm lúc này thì chắc chắn họ sẽ yêu cầu vị chỉ huy của mình đi tắm rửa nghỉ ngơi ngay lập tức và Thurman sẽ rủa ngay anh ta đi xuống địa ngục cho rảnh, quên chuyện tắm rửa và nghỉ ngơi đi cho ông nhờ, bởi vì đối với quân nhân, những chuyện như thế này là bình thường.
Vào những giờ khắc cuối cùng của những ngày cuối cùng, ông miệt mài với những chồng điện tín đã được giải mã, tất cả những báo cáo đều có đề tối mật. Phòng tình báo chụp những bức hình về tàu chiến của Nhật trong cảng, những máy bay, bom và ngư lôi, chuyện gì sắp xảy ra, chắc chắn thôi, chỉ tiếc rằng không ai trên đời này nói cho ông biết đó là cái gì.
Thurman bắt đầu hiểu ra những suy nghĩ của ông vẫn còn đang trong một vòng luẩn quẩn. Ông bắt mình phải đứng lên, lưng kêu răng rắc nhắc ông rằng ông cũng chỉ một vật thể sống bình thường. Ông bước ra cách bàn hai bước chân, trên bàn giấy tờ còn bừa bộn ngay trước mặt. Thurman biết lúc này ở phía bên kia quả địa cầu Yamamoto cũng làm việc với cường độ căng thẳng không kém gì ông, cũng đang nghiên cứu những lịch trình, bản đồ, những diễn biến phức tạp của tự nhiên cũng như tình hình chiến sự, và trên tất cả là chiến lược, chiến thuật để áp dụng trong quân đội cũng như trong hoàn cảnh thời tiết luôn thay đổi.
Thurman thán phục Yamamoto và thầm nghĩ: Nếu như cả hai người là bạn bè của nhau, chắc hẳn họ sẽ hiểu nhau ghê lắm. Đúng ra mà nói họ hiểu từng nhất cử nhất động của nhau và họ hiểu nhau còn hơn là những người bạn chiều chiều cùng ngồi trong một quán bar, cùng ăn bữa tối vào mỗi tối thứ tư như Thurman vẫn thường cố về nhà trong giờ đó để ăn tối với vợ. Thứ tư, Thurman nghĩ: Vợ, gia đình, hôm nay là ngày thứ mấy rồi nhỉ? Ông chộp lấy cuốn lịch và nhìn nó. Chênh vênh một hồi lâu mới hiểu ra rằng có nhìn mãi cũng chẳng ích gì, đồng hồ ông chỉ 12:15, 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm, ông xoa cằm, thấy râu mọc lởm chởm và khi nhìn vào bóng mình trên cái chân đèn bằng đồng đánh bóng đặt trên bàn thì ông giật mình, trông ông thật khủng khiếp. Ông chộp lấy áo khoác, ông phải ra khỏi đây thôi, hôn vợ và ôm những đứa con vào lòng.
Vừa đặt tay vào nắm cửa thì viên thiếu úy cảnh vệ thường đưa giấy tờ vào cho ông bước vào hành lang, tay này để râu quai nón nên chả bao giờ phải cạo. Tay anh ta cầm một chiếc phong bì có đóng dấu tối khẩn. Ở đây, mỗi ngày người ta nhận nhiều cái phong bì như thế nên chẳng ai còn nôn nóng khi thấy nó. Viên thiếu úy này không hề đổ mồ hôi hay thở hồng hộc như ở những nơi khác khi cầm một phong bì khẩn trên tay, bởi chẳng ai bảo anh ta nhanh lên cho kịp. Thurman hỏi:
- Phong bì này do ai gửi đến vậy?
- Thưa chỉ huy, ban đối ngoại ạ! - Viên thiếu úy trả lời. Cố kìm chế một cái ngáp dài.
- Này, đi kiếm ngay một cái giường, hoặc nếu không thì xin ra khỏi binh chủng hải quân ngày, đừng bao giờ ngáp trước mặt tôi nữa, anh hiểu chưa?
Thurman cáu bẳn giật lấy cái phong bì và mở ra xem.
- Tuân lệnh - Viên thiếu úy đáp.
- Bây giờ thì cút khỏi đây ngay.
Thurman đọc thông điệp ở trong thật nhanh, rồi sau đó ông đọc lại một lần nữa. Chưa kịp đọc xong lần thứ hai thì ông đã quay trở lại ngồi bên bàn, vồ lấy cái máy điện thoại trước cả khi viên thiếu úy kịp đóng cửa phòng làm việc của ông.
*
Tổng thống Rossevelt nghe tiếng gọi mơ hồ như tiếng của các thiên sứ giữa các giấc mơ vậy.
- Thưa tổng thống.
Đó là tiếng Geoge, người hầu thân tín. Và khi Roosevelt mò được cặp kính trên chiếc bàn ngủ đầu giường ngoắc nó lên hai tai thì khuôn mặt của viên trợ lí tổng thống đã hiện ra ngay cạnh giường ông. Roosevelt hỏi giọng chắc nịch:
- Có chuyện gì thế?
Viên trợ lý đáp:
- Thưa tổng thống, chúng tôi vừa nhận được một thông điệp của đại sứ Peru ở Nhật, những nguồn tin của ông ta cho biết Nhật Bản đang gom những hạm đội lại để chuẩn bị tấn công chúng ta.
Giọng của Roosevelt nghe đã rành rọt nhưng tâm trí vẫn còn mù mờ bởi cơn ngái ngủ. Ông nghĩ một lát như muốn tống khứ những gì còn sót lại của giấc mơ ra khỏi đầu, ông nói:
- Chúng ta đã nhận được những lời cảnh báo từ các căn cứ quân sự ở vùng Thái Bình Dương rất có thể sẽ bị tấn công. Tại sao cái thông điệp của đại sứ Peru này lai làm anh hoảng lên thế?
Viên trợ lý chớp mắt cảm thấy sợ cái năng lực làm việc của Roosevelt, vừa mới lôi ra khỏi giường trong giấc ngủ say mà đã táng ngay hai câu hỏi hóc búa dồn trợ lý vào chân tường và đòi hỏi ngay anh ta phải có tình thần trách nhiệm với vấn đề đang trình bày. Viên trợ lý lắp bắp:
- Tôi….thật ra thì tôi đâu phải phát hoảng lên như vậy đâu thưa ngài. Chính tướng Marshall bảo tôi lên đánh thức ông, ông ấy nói ở bên phòng bộ phận tình báo của phòng tác chiến muốn được trình bày với ngày vấn đề này trong hai giờ nữa nếu như ngài sẵn lòng hủy bỏ giờ ăn sáng với ngài thượng nghị sĩ phụ trách phần các điều luật về tiền tệ vào sáng ngày hôm nay.
Hai cánh tay mạnh khoẻ của Roosevelt chống xuống giường nâng ông cao hơn một chút. Ông người hầu biết ý vòng ra sau kê gối để Roosevelt tựa cho cao hơn.
- Tướng Marshall nói có biết đại sứ Peru có cho biết mục tiêu chính là ở đâu trên vùng Thái Bình Dương hay không?
- Dạ thưa, ông ấy nói vị đại sứ không chắc lắm nhưng hình như là Trân Châu cảng.
Các tướng lĩnh, tư lệnh và các nhà tư vấn chính trị chủ chốt ngồi đàng sau Roosevelt nhìn cái bóng của cái đầu to đặc biệt nhô lên đằng sau cái ghế của xe lăn. Trong lúc màn hình chiếu phim tư liệu trước mặt ông đang chớp nháy liên tục, đoạn phim này là một đoạn phim trắng đen không có âm thanh. Người và khung cảnh trên đó giật giật như những đoạn phim câm có từ lần đầu tiên trong lịch sử, nó đang cho thấy cảnh của một cảng ở Nhật Bản, những cầu tàu hầu như không một bóng người hoặc tàu thuyền.
Một viên tư lệnh đang thuyết trình, tiếng của ông át tiếng rè rè của máy chiếu phim:
- Sĩ quan tình báo hải quân của chúng ta ở Tokyo đã bí mật quay cảnh này, nó khẳng định rằng cái hạm đội của Nhật đã thực hiện chuyến hải hành đi một nơi nào đó, chúng ta không biết rằng nó đi đâu. Tất cả máy bộ đàm và tín hiệu truyền thông trên hạm đội này đều không bắt sóng được. Rất có thể bọn chúng đang thực hiện một cuộc tập trận hay đến tập trung ở một vùng nào đó để chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn. Tôi chắc đến mười mươi là có cuộc tấn công này trong tương lai. Vấn đề ở chỗ là tấn công vào đâu? Và như thế nào?
Đoạn phim đã hết, viên tư lệnh gật đầu để cậu kỹ thuật viên bật đèn lên. Đèn vừa bật sáng, mọi người trong phòng đều nhăn nhó, khuôn mặt mệt mỏi cho thấy đêm qua chẳng ai được ngủ đủ cả.
Viên tư lệnh đến bên một chiếc khung lớn cho thấy máy bay do thám đang di chuyển theo mọi hướng từ các căn cứ của Mỹ trên khắp vùng Thái Bình Dương. Ông ta đã chán ngấy những ghi chú và thông tin quân sự viết trên những chồng hồ sơ dày, nên ông thích cách trình bày bằng hình ảnh.
- Chúng ta vẫn đang cho các máy bay trinh thám bay ở một phạm vi rộng, nhưng họ vẫn chẳng nhìn thấy gì. Ông dừng lại một lát để cho tổng thống có thời gian xem xét kỹ biểu đồ trên tường. Mặc dù cái biểu đồ này rất đơn giản. Sau đó ông tiếp tục với một lời trình bày với khung hình kế tiếp:
- Chúng tôi đã gửi tàu chiến tới những vùng sau đây.…
Roosevelt cảm thấy thế là quá đủ liền ngắt lời:
- Cả hai hàng không mẫu hạm lớn gần như nhất của Nhật Bản tự nhiên biến mất. Và bây giờ, chúng ta không biết chúng ở đâu. Ý ông đang định nói thế phải không?
- Dạ vâng, thưa tổng thống. Và chúng tôi….
- Tư lệnh này, tôi biết là bên hải quân đang làm hết sức mình, khỏi phải phân bua, nói tiếp đi! Cho tôi biết chúng đang ở đâu?
- Vâng, thưa tổng thống.
Viên tư lệnh quăng mạnh ba tấm biểu đồ khác lên khung như thể ông ta đột nhiên giận dữ những tay trợ lý đã chuẩn bị sẵn cho ông. Cuối cùng ông ta tìm thấy tấm bản đồ ta lớn của vùng biển Thái Bình Dương.
- Ở giữa nước Mỹ và vùng Viễn Đông là những con đường biển có sức gió và dòng hải lưu thuận tiện nhất để thực hiện những chuyến hải hành.
Ông dùng gậy để khoanh vùng đó lại rồi nói tiếp:
- Rất xa về phía trên là đường biển đi về phía Bắc, ở giữa Canada và Nga. Ở giữa đường biển Bắc tôi vừa nói và những đường biển giữa nước Mỹ và vùng Viễn Đông có một vùng mà người ta gọi là Vacant Sea. Nếu tôi là người Nhật, tôi sẽ giấu quân của mình ở đó. Người ta có thể mang cả vùng đất rộng lớn của châu Á giấu ở vùng biển hoang này mà không ai biết cả. Nó quá hoang vắng và tránh xa mọi cặp mắt dòm ngó của không quân và hải quân các quốc gia.
Tổng thống hỏi:
- Và thế là bọn chúng sẽ lao vọt ra từ vùng biển này. Thế nhưng chúng sẽ tấn công vào đâu?
- Rắc rồi chính là ở chỗ đó, thưa tổng thống. Bên tình báo cho rằng đó là Hawaii. Nhưng ngài cũng biết rồi đó, chúng ta nhận được những lời cảnh báo rằng cuộc đại tấn công này có thể nhắm vào bất cứ mục tiêu nào hiện có. Và sự thật là tại Vacant Sea, người Nhật có thể tấn công vào bất cứ nơi nào họ muốn: Philippin, Borneo,Guam.
Nhìn thấy tổng thống Roosevelt bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột, viên tư lệnh vội vàng nói tiếp:
- Chỉ huy Thurman của phòng tình báo hải quân đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và bây giờ ông ấy có vài lời muốn nói với chúng ta.
Mọi người trong phòng dồn mắt cả vào Thurman. Viên tư lệnh vội vàng ngồi xuống, Thurman không để phí thời gian.
- Đội giải mã bên chúng tôi mới đây đã dịch được những mật mã loại dùng cho quân sự ở cấp cao. Chúng tôi đã có những bằng chứng xác thực hơn về mục tiêu của cuộc tấn công sắp tới của người Nhật và thông điệp mới của đại sứ Peru đã giúp chúng tôi khẳng định những nghi ngờ trước đây của mình là đúng. Theo tôi thì mục tiêu chính là Trân Châu cảng.
Một trong các tướng lĩnh lên giọng hỏi:
- Anh có bằng chứng chắc chắn rồi ư?
- Nếu tôi có bằng chứng chắc chắn thì chúng ta đã tuyên chiến từ lâu rồi, thưa ngài!
Thurman trả lời. Viên tướng kia trừng mắt lên. Phó tư lệnh, người đã dẫn Thurman đến đây vì tin những kết luận của ông, nhăn mặt nhìn ra góc phòng. Không ai chối cãi rằng Thurman là một người thông minh, nhưng cũng rõ ràng không kém là đầu óc uyên bác của ông chẳng dính dáng gì đến khôn ngoan trong chính trị cả.
- Vậy thì ông có những bằng chứng loại nào hả?
Viên tướng kia hỏi. Thurman thấy đất rung chuyển. Làm sao ông có thể giải thích linh tính của mình cho những người chỉ tin vào những gì có bằng chứng xác thực mà thôi. Ông ngừng lại nhìn thẳng vào mắt viên tướng kia và trả lời.
- Những máy móc giải mã của chúng tôi đã không giải được những từ đã được phía Nhật cắt xén ra khỏi những thông điệp, thế nên để hiểu một cách đầy đủ những thông điệp kia nói gì, chúng tôi đành phải ngầm hiểu những khoảng trống đó để xem họ định nói gì.
- Ngầm hiểu ư? Ý ông nói là các ông phỏng đoán à? - Viên tướng kia nói.
Tư lệnh đỡ lời:
- Họ dùng khả năng ngoại cảm trong thông tin đấy ạ!
- Thưa ngài tư lệnh, cảm ơn ông đã đồng tình với chúng tôi. Nhưng ngài trung tướng đây đã nói đúng. Phải, chúng tôi đã đoán và đọc những thông điệp đó như thể thầy coi số tử vi vậy, bởi vì có ai đó chỉ cần đi lòng vòng bên ngoài cũng có thể đoán được bên trong nhà có cái gì. Thế nên điều mà tôi thấy đó là một cuộc tấn công vào Trân Châu cảng. Đó là khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Một cú đòn giáng vào hòn đảo Trân Châu có thể hủy diệt khả năng của nhiều hạm đội của chúng ta ở châu Á Thái Bình Dương khiến chúng ta không thể nào chống đỡ khi có chiến tranh xảy ra.
- Và thế là anh muốn lực lượng quân đội trên vùng châu Á Thái Bình Dương của chúng ta phải nhốn nháo vả lên trong tình trạng báo động, tiêu tốn hằng nghìn triệu đô la chỉ vì cái linh cảm nhỏ nhoi kỳ lạ của bản thân anh hay sao? - viên tướng hỏi vặn.
Chỉ huy Thurman đáp:
- Không, thưa ngài. Tôi hiểu công việc của tôi chỉ là thu thập những thông tin và giải mã chúng. Còn phần đưa ra những quyết định khó khăn dựa trên những tin không hoàn chỉnh từ những máy móc giải mã lạc hậu của bộ phận chúng tôi thì hoàn toàn phụ thuộc vào các ngài.
Mọi người trong phòng đều nhận ra rằng Roosevelt không nói gì, nhưng đã nghe toàn bộ những lời trao đổi trên đây. Cả hai ngừng lại, nhưng tổng thống vẫn không nói một lời nào. Cuối cùng, tư lệnh bảo:
- Thế thì hãy cho chúng tôi những tin tức xác thực hơn để chúng tôi có thể quyết định chính xác hơn, chỉ huy Thurman.
- Vâng, thưa ngài, xin tuân lệnh.
Thurman tin chắc tổng thống Roosevelt gật đầu khi nghe ông nói. Nhưng ông không hiểu rằng ông gật đầu như thế là đồng ý hay phản đối. Sau đó, ông thậm chí không chắc rằng tổng thống có gật đầu hay không nữa, nhưng ông tin chắc Roosevelt có nghe được mẩu thông tin mà ông phải bỏ ra nhiều ngày trời suy tính vật lộn với đồng giấy tờ mới có được
*
Hai đội xung kích của tướng Yamamoto gặp nhau ngoài khơi đúng theo kế hoạch phối hợp của ông không sai một ly. Sau khi tắt hết máy bộ đàm và phương tiện truyền thông, chỉ để lại những gì tối cần thiết, họ cũng hành quân đến Hawaii.
Yamamoto đứng trên một boong tàu đô đốc. Khi những người đánh tín hiệu trao đổi thông tin từ các tàu để xác minh lại mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp, có 6 tàu hàng không mẫu hạm tất cả, đó là: Akagi, Kaga, Soryu, Zuikaku, Hiryu Shokaky. 6 tàu chở hàng này mang trên mình tới 441 máy bay chiến đấu tất cả. Đi theo hai tàu chở hàng này là 2 tàu chiến, 9 tàu khui trục, 3 tàu tuần tiễu. Mặc dù có một đội tàu nhỏ đi theo cả đoàn tàu lớn ấy để bảo vệ nhưng Yamamoto không chắc mình có thể đụng độ với bất cứ một con tàu nhỏ bé nào trên đường đi. Bởi vì họ đang đi đến vùng biển hoang.
Phòng tác chiến của Mỹ đã đoán đúng về điều này. Tại Trân Châu cảng có 96 tàu của Mỹ, 8 tàu chiến, tất cả đều mang tên của các bang trên nước Mỹ: Arizona,Califonia, Maryland. Nerada, Oklahoma, Pennsylvania, Tennessee, West, Virginia. 8 tàu tuần tiễu, 2 tàu hạng nhẹ và 6 tàu hạng nặng được đặt tên theo những thành phố ở Mỹ: New Orleans, San Francisco, St Louis, Helena, Rakeigh, Detroit, Honolutu, Phoenix. 35 tàu khu trục mang tên những tướng lĩnh có công lao trong ngành hải quân, 4 tàu ngầm được đặt tên theo những con vật to lớn của biển cả. Thêm vào đó, là rất nhiều tàu thả thủy lôi, thủy phi cơ, những con tàu mang theo dụng cụ máy móc để sửa chữa khi cần, những tàu mục tiêu để tập bắn. Trong các sân bay xung quanh cảng này là rất nhiều máy bay chiến đấu các loại: P-40, P-376, P-26, F4F và các máy bay thả bom SBD, máy bay ném bom kiểu bổ nhào, máy bay ném bom hạng nặng B-7, máy bay ném bom hạng trung B-18, máy bay ném bom hạng nhẹ Anh-20, thêm vào đó là những thủy phi cơ chở nhiên liệu như PBY và các máy bay sử dụng vào mục đích hậu cần. Còn thêm nhiều đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, nhà kho chất đầy quân nhu, quân dụng để có thể đưa toàn bộ lực lượng quân đội khổng lồ này vào hoạt động một cách nhịp nhàng.
Dù trang bị kỹ càng như thế nhưng lực lượng quân đội ở đây không hề đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Hầu hết lực lượng quân đội to lớn như thế, hùng hậu như thế đang bất động, bình thản nằm phơi mình dưới ánh nắng rực rỡ của biển Hawaii. Một quần thể quân sự như vậy chính là mục tiêu tấn công của tướng Yamamoto. Trong đó, ông ta tha thiết nhất là 3 tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ mang tên Lesinton, Saratoga va Enterprise, đều đang neo ở Trân Châu cảng. Nhưng Yamamoto không dám chắc rằng 3 hạm đội đó còn ở vùng cảng này khi máy bay của ông tấn công.
Tuy nhiên, mục tiêu tấn công là con người thì không hề có gì đáng nghi ngờ, Hàng ngàn thủy thủ, binh lính và dân thường đang có mặt trên đảo, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Tất nhiên tướng Yamamoto chỉ nhằm vào những vị trí quân sự mà thôi, nhưng ông cũng biết câu nói nổi tiếng của đại văn hào Shakespeare: “Một khi đã ra lệnh tàn phá tức là đã chính thức khai chiến rồi”. Một khi cuộc tấn công này được thực hiện thì rất nhiều người sẽ phải chết.
Mãi về sau này, nhiều người Mỹ cho rằng Yamamoto là một tay khát máu, một tay giết người không run tay. Thế mà nhiều tư lệnh hàng đầu của nước Nhật còn đánh giá ông chưa đủ tàn bạo. Là một nhà chiến thuật, Yamamoto đã được huấn luyện để tập trung loại bỏ vũ khí, khí tài của kẻ địch để cho họ không còn khả năng tham chiến. Đó cũng chính là điều mà ông sắp làm đây. Ông biết rằng nhiều quân thù sẽ chết, nhưng bao nhiêu và chết như thế nào? Và ông phải chịu trách nhiệm như thế nào về cái chết của họ? Với tư cách là một thành viên của nhân loại, trong hoàn cảnh này ông chỉ còn biết chờ Chúa trời đưa ra câu trả lời.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp