Tôi Rất Nhớ Em
Chương 6
Hà Sùng nhận được cuộc điện thoại chủ động liên lạc của Chu Giai Ý vào một buổi tối trước kỳ nghỉ ngày lễ Lao động. Mở miệng câu đầu tiên cậu đã muốn trêu chọc cô: “Trường cậu chịu thả người rồi à?” . “Hà Sùng! Cậu giúp mình một việc được không?” Chu Giai Ý hạ thấp giọng, nghe có vẻ rất gấp gáp: “Ngày lễ Lao động trường mình vẫn bắt học bù. Mình muốn xin nghỉ học về nhà thăm ông ngoại, nhưng mẹ mình không cho. Ngày mai mình sẽ tới văn phòng giáo viên nói chuyện với cô giáo, rồi sẽ gọi điện cho cậu, cậu nhận máy, giả vờ là bố mình nói với cô giáo đồng ý cho mình nghỉ một ngày nhé.”
Thời gian này đáng lý cô vẫn đang tự học buổi tối. Trường học không cho phép mang điện thoại vào khu vực giảng đường. Hà Sùng nghi ngờ không biết có phải cô lại trốn tiết tự học, trốn vào nhà vệ sinh, gọi điện cho cậu không. Hơn một năm trước, ông ngoại của Chu Giai Ý đến bệnh viện kiểm tra, biết mình bị mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Cả người gầy rộc đi chỉ trong một đêm, chỉ còn da bọc xương. Ông ngoại suốt ngày kêu đau, đau chỉ muốn chết quách cho rồi. Gia đình họ bàn bạc, nửa năm trước đã đưa ông tới một số bệnh viện, dùng đủ mọi biện pháp trị liệu để ông thấy dễ chịu hơn, nhưng rốt cuộc bệnh cũng chỉ còn lại một ít thời gian ngắn nữa thôi. Mấy tháng nay ông ngoại đã hôn mê mấy lần, cuối cùng cũng phải đưa ông vào viện.
Ý của bố mẹ Chu Giai Ý là bây giờ việc học phải được đặt lên hàng đầu. Thêm việc giờ ông ngoại tiều tụy vô cùng, họ sợ cô gặp sẽ bị ảnh hưởng nên không để cô tới bệnh viện thăm ông. Hà Sùng biết những chuyện này, thế nên nghe Chu Giai Ý nói ra chủ ý ấy, cậu không cười nổi nữa.
“Cậu làm vậy lỡ để mẹ cậu biết thì làm thế nào?” Cậu thử khuyên cô: “Cậu đừng sốt ruột. Dù sao thì lễ Lao động mình cũng về nhà, vừa hay sẽ tới viện thăm ông ngoại cậu. Cậu cứ an tâm học ở trường đi, đừng suy nghĩ nhiều.”
Đầu kia điện thoại không lên tiếng.
Hà Sùng đợi gần nửa phút, không còn kiên nhẫn được nữa, gọi cô: “Chu Giai Ý?”
Đầu kia im lặng thêm mấy giây, cuối cùng cúp luôn điện thoại. Đây được coi là lần đầu tiên Chu Giai Ý cúp điện thoại của Hà Sùng. Hà Sùng nhìn chiếc điện thoại, đột nhiên rất bực bội. Cậu nhắn một tin cho cô, rằng cậu nhất định sẽ tới bệnh viện, rồi tắt máy. Ngày hôm sau cậu vừa về tới nhà, đặt hành lý xuống chuẩn bị tới bệnh viện, không ngờ vừa vào nhà đã thấy mẹ về.
Mẹ đi từ trong nhà ra, cầm trong tay mấy bộ quần áo tuần trước về cậu vứt trên giường, nhìn thấy Hà Sùng là bắt đầu quắc mắt nổi giận: “Con tự nhìn cái phòng con xem trông thế nào!” Hà Sùng mặc kệ mẹ, về phòng bỏ hành lý xuống, vừa thay quần áo vừa nghe mẹ gào thét như ăn phải thuốc nổ ngoài phòng khách: “Nhìn đi… Nhìn đi… Con làm cho cái này thành ra cái gì thế này! Phòng ốc mạng nhện giăng đầy cũng không biết đường lấy cái chổi quét đi!”
Sau khi Hà Sùng thay xong quần áo ra khỏi phòng, mẹ cậu lại sải bước từ trong phòng ngủ đi ra, tóm lấy cậu, hét lên: “Tại sao lại bật điều hòa trong phòng ngủ lớn lên? Con đưa người khác về nhà ngủ? Lớn tướng rồi còn không biết đường nghiêm chỉnh học hành, toàn ở ngoài làm loạn!”
Hà Sùng vốn định đi thẳng ra khỏi cửa, nghe thấy mẹ nói vậy cậu bèn dừng bước, quay lại nhìn mẹ. Cậu đã cao đến gần mét tám, giờ nhìn mẹ cũng là nhìn từ trên xuống: “Trước khi chú Chu ly hôn, lần nào về nhà cũng chỉ trích vợ.” Cậu nhìn mẹ với nét mặt vô cảm, cúi đầu: “Chú ấy không cần hai mẹ con cô ấy nữa. Còn mẹ thì có ý gì? Mẹ không cần cái nhà này nữa? Hay không cần con nữa?”
Dứt lời cậu thẳng ra tới cửa.
Mẹ cậu rõ ràng không vui, nghe cậu nói vậy càng bực mình, gào khản cổ, giọng khàn khàn: “Sao bây giờ mày lại ăn nói với mẹ kiểu đấy hả!”
“Mẹ còn biết mình là mẹ con cơ à?” Hà Sùng dừng lại bên cửa, dưng dửng nhìn mẹ: “Con tưởng mẹ quên từ lâu rồi.” Nói rồi, cậu cũng chẳng quan tâm mẹ phản ứng thế nào, mở cửa đi thẳng.
Liên tiếp hai buổi chiều, Hà Sùng đều mang hoa quả tới bệnh viện thăm ông ngoại của Chu Giai Ý. Ngày đầu tiên cậu còn bắt gặp cô Chu, không hề nhắc tới chuyện Chu Giai Ý nói rất muốn về. Sức khỏe của ông cụ hoàn toàn suy sụp. Hai ngày này tinh thần cũng khá tốt. Hà Sùng mua hoa quả cho ông, còn ngồi nói chuyện cùng ông ngoại. Sau hai lần ra khỏi bệnh viện, Hà Sùng lại nhớ nhắn tin cho Chu Giai Ý nói cô cứ an tâm. Cô không trả lời lại, có lẽ là đã khóa máy.
Ngày thứ ba, Hà Sùng có buổi họp lớp cấp hai, nên cậu không định tới bệnh viện nữa. Đám bạn cấp hai đó chẳng mấy người muốn chuyên tâm học hành, gặp nhau là điên cuồng. Buổi trưa họ đi ăn cơm rồi đi hát karaoke. Cả lũ uống không ít rượu, say mèm còn nhảy lên sofa gào khản cổ vào micro. Có người cười đùa hùa theo, có người bịt tai lại.
Tạ San San từ sau khi vào phòng hát, luôn ngồi bên cạnh Hà Sùng, cũng không chủ động bắt chuyện với cậu, chỉ điềm nhiên uống rượu. Cô ấy không lựa chọn học trung cấp như Hà Sùng, mà thi vào một trường cấp ba dân lập. Học hành cũng chẳng ra sao, nên giờ đã đi làm người mẫu ảnh. Cô ấy vốn đã xinh đẹp, lại hay thích trang điểm, gương mặt vô cùng ưa nhìn, người cũng cao lên một chút, gầy hơn trước một chút, chân đi đôi giày cao gót bảy phân, trên người mặc một chiếc váy đen thắt lưng, chiếc váy ngắn cũn cỡn, còn chưa che hết được nửa đôi chân.
Không ít bạn học nam cứ nhìn cô ấy chằm chằm. Hà Sùng ngồi cùng với bọn họ, cô ấy lại ngồi xuống bên cạnh, rõ ràng là chen vào đám nam sinh. Tạ San San nói chuyện với con trai trước nay luôn “như cá gặp nước”. Ai bắt chuyện cô ấy cũng cười rất tươi. Duy chỉ có Hà Sùng là chẳng thèm quan tâm. Cô ấy cũng chẳng trò chuyện gì với cậu, nhưng cứ kiên quyết ngồi bên cạnh, ai cũng hiểu ra ý đồ của Tạ San San.
Cả buổi, Hà Sùng đều coi Tạ San San như không khí. Khi cần uống rượu thì uống rượu, khi phải hát thì sẽ hát, thậm chí lúc sau còn đánh bài với mấy cậu bạn thân thiết, không thèm liếc nhìn cô ấy một cái. Ngược lại Tạ San San tửu lượng không quá tốt, cuối cùng cũng say khướt, nhưng vẫn khoác chặt lấy tay Hà Sùng, lẩm bẩm, không biết là đang khóc hay cười.
“Cậu còn cảm thấy mình sẽ lại ở bên cạnh cậu sao? Cậu ấy à… Cậu đúng là đồ bỉ ổi… Cái mồm bỉ ổi nhất…” Cô ấy cứ nói nhảm trong lúc say bí tỉ như thế. Dường như là những lời đè nén hai, ba năm rồi, giờ cuối cùng cũng mượn rượu nói ra hết: “Hà Sùng! Rồi cậu chống mắt lên mà coi… Cứ cái tính này của cậu, dù sau này không chịu thiệt thòi thì cũng chẳng ai chịu nổi cậu… Cả bố mẹ cậu cũng không chịu nổi cậu, cậu còn mong chờ cái gì? Cậu đáng đời, chết cũng chẳng ai biết…”
Hà Sùng chỉ đánh bài, không lên tiếng, sắc mặt không thay đổi. Chẳng mấy chốc có người kéo Tạ San San ra. Cậu chơi thêm một lúc nữa, rồi chào mấy người bạn, đi về trước. Cậu ăn tạm một bát bún ở dọc đường, nhìn đồng hồ mới có sáu rưỡi, thế là lại chạy tới trạm xe buýt, bắt xe tới bệnh viện.
Nửa đường, trời đổ mưa. Hà Sùng xuống xe không kịp tới gần đó mua hoa quả, mà dầm mưa chạy tới bệnh viện trước. Kết quả cậu phát hiện phòng bệnh của ông ngoại Chu Giai Ý trống không. Hà Sùng còn tưởng mình đi nhầm phòng, lại chạy sang hai phòng bên cạnh ngó thử nhưng cũng không thấy ông ngoại đâu.
“Hai ngày trước cháu có tới đây phải không?” Cô y tá gọi Hà Sùng lại: “Ông ấy vừa mới mất xong. Người nhà đã gọi đội tang lễ tới đưa ông đi rồi.”
Đầu óc Hà Sùng ngẩn ra, còn không biết nên phản ứng lại thế nào: “Sao qua đời đột ngột thế ạ? Chiều hôm qua cháu tới thăm ông vẫn còn khỏe mà…” Cô y tá còn đang bận đi đưa thuốc, chỉ vội vàng đáp: “Bệnh tình tối qua bất ngờ có chuyển biến xấu.”
Cậu cứ đứng đờ đẫn ở đó một lúc lâu, rồi mới rút điện thoại ra, thấy không có cuộc gọi nhỡ cũng không có tin nhắn, liền gọi ngay cho Chu Giai Ý. Điện thoại còn chưa kết nối, Hà Sùng lại cảm thấy tim mình như ngừng đập. Cậu còn nhớ rõ khung cảnh ngày bà nội mất, thật không dám tưởng tượng Chu Giai Ý sẽ ra sao.
Nhưng đầu kia lại vang lên tiếng của mẹ Chu Giai Ý: “Alô?”
“Cô ơi, cháu là Hà Sùng.” Hà Sùng nhỏ giọng hỏi: “Giờ Chu Giai Ý đang ở cùng với cô ạ?”
“Giờ cô và nó đang ở xưởng đãi than.” Giọng của mẹ Chu Giai Ý khản đặc, âm mũi rất nặng, hình như vừa mới khóc. Hà Sùng do dự một lúc, vẫn quyết định hỏi: “Giờ cháu muốn qua đó, có tiện không ạ?”
“Không sao, cháu qua đi!”
Xưởng đãi than mà mẹ Chu Giai Ý nói chính là khu xưởng nằm trong tiểu khu. Ban đầu khi nó còn chưa phá sản, những người làm việc ở đó đều sống trong tiểu khu. Sau này người tới sống mỗi ngày một đông, còn xây dựng cả trường học. Ông bà ngoại của Chu Giai Ý vốn sống trong tiểu khu của xưởng đãi than. Họ đều là giáo viên, dạy học trong chính ngôi trường đó. Mẹ Chu Giai Ý không nói cụ thể vị trí của họ, nhưng khi Hà Sùng bắt taxi tới đó đã tìm ngay được họ.
Nhà tang lễ nằm trong một con ngõ cách tiểu khu không xa, trong đó được dựng một linh đường tạm thời, dùng cây trúc làm cột, bên ngoài bọc vải da rắn chống thấm, nhìn trông giống một chiếc lều. Bên trong vẫn có điện. Họ bật một ngọn đèn nhỏ màu vàng, đặt máy thu thanh bên cạnh, phát những bài nhạc tang ai oán.
Khi Hà Sùng tới nơi, người đầu tiên cậu gặp là mẹ Chu Giai Ý. Bà cầm ô đứng ngoài cửa, nhìn thấy Hà Sùng bèn giữ cậu lại, thấp giọng nói với cậu: “Hà Sùng! Cháu cũng biết ông ngoại vừa qua đời, mấy ngày nay nhà cô còn rất nhiều việc phải làm. Cô và bố con bé đã bàn bạc xong rồi. Ngày mai là cuối tuần, vừa hay cháu hết ngày nghỉ cũng phải quay lại tỉnh, nhân tiện cháu đưa Chu Giai Ý về trường học đi.”
Hà Sùng khom lưng, trốn trong chiếc ô nhỏ, nửa người vẫn còn ướt mưa, gật đầu: “Vâng ạ!”
“Cháu ăn cơm chưa?” Mẹ Chu Giai Ý hỏi cậu, sau khi biết cậu ăn rồi mới khẽ gật đầu: “Nó còn chưa ăn tối, hỏi nó có đói không nó cũng chỉ biết lắc đầu. Lát cháu vào nói chuyện với nó, xem có thể đưa nó đi ăn chút gì được không. Tối nay phải trông cả đêm, cô sợ nó không ăn gì, không trụ nổi.”
Hà Sùng cúi đầu nghe: “Dạ!”
“Trước nay cháu luôn hiểu chuyện hơn Chu Giai Ý, mấy năm nay chăm sóc nó vất vả cho cháu rồi. Cô cảm ơn cháu!” Bà vỗ vai cậu, khóe mắt đỏ ửng, trong con người còn hằn lên những tia máu đỏ, từng lời nói dè dặt thận trọng, nói mà như đang thở dài: “Nếu như nó thật sự không muốn ăn thì cũng đừng ép buộc nó. Cô tới nhà tang lễ đây, cháu buồn ngủ thì cứ về nhà nghỉ ngơi sớm, không cần ở bên cạnh nó đâu.”
Hà Sùng chợt nhớ lại mấy năm trước bà nội qua đời, mắt cậu cũng đỏ như vậy. Cậu liền gật đầu, vẫn chỉ một chữ đó: “Dạ!” Trả lời xong, cậu vỗ lại vai mẹ Chu Giai Ý rồi đi vào trong linh đường.
Chu Giai Ý đang quỳ trước di ảnh ông nội, phía trước có đặt một chiếc chậu đồng, trong chậu có ánh lửa. Tay cô cầm một xấp tiền giấy, cúi gằm mặt xuống, đốt cho ông nội. Cô vẫn mặc nguyên đồng phục. Mưa tháng năm hơi lạnh, không biết ai đã mang khoác thêm cho cô một chiếc áo vest màu đen bên ngoài, trùm qua chiếc váy ngắn. Đã gần hai tháng Hà Sùng không gặp cô rồi, thoạt nhìn đã thấy cô gầy đi rất nhiều, gương mặt tròn trịa đã nhìn được thấy cằm.
Dưới đất ướt rượt. Dưới chân Chu Giai Ý được lót một chiếc gối lớn cũng đã thấm nước hơn nửa. Hà Sùng đi tới, ngồi xuống bên cạnh cô, cầm thêm một tập giấy, đốt giúp cô. Cậu không lên tiếng, Chu Giai Ý dường như cũng mấy chú ý tới cậu, tới tận khi đốt hết xấp giấy trong tay, cô mới ngẩng lên nhìn cậu.
Hà Sùng vừa ngước lên, đập vào mặt là đôi mắt sưng húp của cô. Cô không lên tiếng, chỉ đỏ mắt nhìn cậu chằm chằm, bờ môi run rẩy. Hà Sùng nhìn vào mắt cô, trong đầu hiện lên hình ảnh ngày hôm đó cô gọi điện cho cậu. Cho dù Chu Giai Ý vẫn đang im lặng, nhưng Hà Sùng biết cô nhìn cậu như vậy là có ý gì.
Cũng chính vì như vậy, ánh mắt đó của cô khiến cậu rất không thoải mái.
“Đừng nhìn mình như vậy!” Hà Sùng cảm thấy như đang có một ngọn lửa thiêu rụi cổ họng: “Cậu vẫn muốn trách mình?”
Chu Giai Ý bất động nhìn cậu, không nói câu nào, hô hấp dần trở lên nặng nề. Đương nhiên Hà Sùng biết cô tức giận lắm, nhưng cậu cũng giận đấy thôi. Cậu nổi nóng chưa bao giờ quan tâm tới tâm trạng của cô.
“Nếu cậu thật sự quyết tâm quay về, cho dù không tìm mình giúp thì cũng khóc lóc xin cô giáo được.” Cậu nói như vậy: “Đừng có tự tìm cớ cho mình. Cậu là đồ hèn, có lườm mình đi nữa thì cậu cũng là đồ hèn!”
Khi nói mấy lời ấy, điều Hà Sùng nghĩ tới chính là những gì Tạ San San đã nói lúc say rượu. Trước đây mỗi khi giận dữ, cậu đều đâm thẳng vào nỗi đau của Chu Giai Ý, nhưng nói cô là đồ hèn trong lúc tâm trạng cô đang tệ thế này là lần đầu tiên.
Chu Giai Ý trừng mắt, giọt nước mắt đọng trong khóe mắt cuối cùng cũng rớt xuống. Cô cắn chặt, không lên tiếng, chỉ nhìn cậu không chớp mắt. Hà Sùng không xin lỗi cô, cũng chẳng an ủi. Cậu đứng dậy, đi ra khỏi linh đường, mặc cho mưa gió cũng không quay đầu lại.
Có một khoảnh khắc Hà Sùng cảm thấy mình đối xử với Chu Giai Ý như vậy chẳng khác nào mẹ đối xử với cậu. Thật ra cậu đã từng nghĩ Chu Giai Ý rất có thể sẽ vì chuyện này mà không thèm quan tâm tới cậu nữa. Nhưng bước chân của cậu không hề dừng lại. Cậu chạy tới cửa của xưởng đãi than, bắt xe về nhà.
Sáng ngày hôm sau, Hà Sùng đang chuẩn bị quần áo quay về trường, trước khi xuất phát cậu gửi một tin nhắn cho Chu Giai Ý, hỏi cô giờ đang ở đâu. Chu Giai Ý không trả lời. Cậu xách hành lý, đi xuống nhà. Không ngờ vừa đi xuống, ngẩng đầu liền nhìn thấy Chu Giai Ý đang đứng đó đợi cậu.
Trên người cô vẫn là bộ đồng phục đó, lưng đeo cặp sách, tay trái xách hai túi sữa, tay phải xách một chiếc túi ni lông trong có đựng hai quả trứng gà. Sắc mặt cô vẫn rất khó coi, tức giận, đứng từ xa nhìn cậu. Nhìn cậu nhìn qua, cô mới bực tức giơ tay trái về phía cậu, lắc lư túi trứng gà trong không trung.
Hà Sùng giây trước còn sưng mặt, giây sau đã bật cười, nhưng nụ cười có phần xót xa.
Cậu sải bước tới, bá vai cô, giơ tay véo má cô nhưng không nói gì, chỉ đón lấy túi trứng gà. Chu Giai Ý có ảo giác, hình như mắt Hà Sùng cũng đỏ, nhưng nhìn lại hình như không phải vậy. “Cậu vẫn ổn chứ?” Hà Sùng mỉm cười hỏi, cố tình giơ tay vẽ lại quầng mắt đen thui của cô.
Chu Giai Ý cả đêm không ngủ, rõ ràng là không thể ăn nói tử tế với cậu: “Cậu nói xem?”
Hà Sùng cứ khoác vai cô như thế, dẫn cô đi về phía trạm xe: “Tâm trạng thế nào?”
Cô nhận ra những gì cậu hỏi hệt như lần trước cô đã hỏi cậu khi họ đi dạo ở quảng trường Viêm Đế, sau ngày bà nội cậu qua đời. Bỗng chốc mắt Chu Giai Ý lại ươn ướt. Kìm nén bao lâu không lên tiếng, cô bấm bụng nuốt nước mắt vào trong, xé một chiếc ống hút trong túi sữa ra, uống sữa mà không khác gì uống nước chua.
“Bác sỹ đã nói ông ngoại không còn ý thức rồi nhưng mẹ vẫn liều mạng nói chuyện, bảo rằng ông ngoại nhất định nghe thấy.” Chu Giai Ý ngậm ống mút trong miệng, nói không rõ ràng, nấc lên từng hồi, không biết là vì uống sữa hay vì nghẹn ngào: “Cậu bảo sao mình lại không tin chứ?”
Hà Sùng chỉ im lặng, siết chặt vai cô.
Hai người họ yên lặng đi về phía trước. Khi đi qua thùng rác lúc nhỏ hay vứt trứng gà và sữa, không ai quay đầu lại…