Tơ Đồng Rỏ Máu
Chương 22: Ký sự lưu lạc
Để ông Trần Ngọc Đống tạm đứng chờ, Na Lan bước đến cổng nhà phúc lợi. Một sinh viên đeo kính trắng tươi cười hỏi, “Em là tình nguyện viên của trường nào? Đánh dấu vào tờ danh sách này đi!”
Thì ra mình vẫn bị đàn em nhìn nhầm là sinh viên lớp dưới, cô hơi đắc ý. Nhưng chợt nhớ ra mấy năm nay sinh viên Đại học Giang Kinh toàn gọi các bạn gái như thế, dù hơn hay kém tuổi, cô bèn mỉm cười, “Anh có quen những người làm ở nhà phúc lợi không?”
Anh ta nói, “Tôi ở hội sinh viên Đại học Y Giang Kinh, đã tổ chức hoạt động tình nguyện ở đây ba năm, rất quen biết nhà phúc lợi.”
“Anh có biết ai là nhân viên lâu năm ở đó không?”
“Sao lại hỏi… cô làm công tác gì?”
Na Lan khẽ nói, “Tôi ở Sở Công an.”
Anh sinh viên lắp bắp, “Chà… tôi không… không nhận ra.”
“Tôi nghe đây.”
Anh ta nghĩ ngợi rồi nói, “Nhân viên thâm niên nhất ở đó có lẽ là chị Triệu.”
Na Lan cau mày, “Chị Triệu?”
“Đúng mọi người đều gọi bà ấy như thế… à tôi quên chưa nói, gọi là chị Triệu nhưng thật ra là một bà già đã ngoài 80.”
“Thì ra là vậy.” Na Lan hơi thất vọng. “Tức là đã nghỉ hưu, đi đâu tìm bà ấy đây?”
Anh ta cười, “Ở ngay nhà phúc lợi. Bà ấy là cựu giám đốc, về hưu vẫn ở lại. Nghe nói bà ấy vốn là trẻ mồ côi được các xơ ở Cô nhi viện Thiên chúa giáo nuôi dạy. Không có nhà riêng. Cô nhi viện là nhà của bà ấy.”
Vừa gặp ông Mễ Dũng Liên ngoài 80 tuổi, giờ lại đi gặp chị Triệu ngoài 80 tuổi, Na Lan cảm thấy hôm nay là ngày của các cụ già thì phải! Nghe sinh viên kia kể, sau khi nghỉ hưu bà Triệu vẫn ở lại nhà phúc lợi cũng vì bà không thể xa đám trẻ mồ côi. Nhà phúc lợi chăm sóc bà chu đáo, để bà tiếp tục sử dụng căn buồng xép đã ở mấy chục năm.
Căn buồng bé tẹo, kê cái giường và vộ bàn ghế, ngoài ra chỉ còn chỗ cho ba người vừa khéo chứa được thêm Na Lan va Trần Ngọc Đống. Khuôn mặt bà Triệu đầy nếp nhăn của một người già đã trải bao phong sương suốt tám mươi năm, nhung bà vẫn tỉnh táo xởi lởi, nói năng rành mạch. Lưng hơi còng nhưng động tác cử chỉ vẫn gọn ngàng dứt khoát, xem chừng là người rất tháo vát. Miệng nói, tay thi thoảng mân mê cây thánh giá trước ngực. Bà dẫn cả hai ra sân, vừa đi vừa nói chuyện.
Trần Ngọc Đống nói ý định của mình.
Bà Triệu băn khoăn, “Ngày trước không biết quản lý hồ sơ một cách khoa học, nên tư liệu về bọn trẻ mồ côi hơi lộn xộn, lại trải qua mấy lần biến động... tư liệu cách đây năm mươi năm chắc chắn là không còn nữa.”
Na Lan đưa ra bức họa khuôn mặt Mễ Trị Văn của Sở Công an làm. “Bà còn nhớ người này không?” Cô đành thử vận may, dù biết rằng bà đã từng thu nhận nuôi dưỡng vô số trẻ mồ côi.
Bà Triệu mỉm cười, “Tôi vẫn nhớ những đứa trẻ đã từng ở cô nhi viện này.” Bà cầm bức họa, rồi sờ túi áo lấy cặp kính lão ra nhìn một lúc, nét cười trên mặt phai dần. Na Lan hỏi, “Bà nhận ra người này à?”
“Mễ Trị Văn.” Bà thở dài. “Mấy năm trước nghe nói nó phạm tội, hình như là cưỡng dâm giết người.”
“Nhưng chưa thành” Na Lan bổ sung một chi tiết khách quan. “Xem ra, ảnh máy tính tái tạo khá chính xác. Trí nhớ của bà cũng rất tốt nữa.”
“Có những đứa trẻ có đặc điểm gì đó, nên càng dễ nhớ. Mễ Trị Văn... nó rất gầy, nhưng không phải vì ăn uống thiếu chất. Hình như hoàn cảnh gia đình nó không hay mấy. Không hiểu sao lại gầy như thế. Và, cậu bé này rất tài hoa, nó biết kéo đàn nhị.”
“Tài thật!” Na Lan khẽ nói. Xem ra thập bát ban nhạc cụ cổ truyền, Mễ Trị Văn đều tinh thông.
“Thật ra không chỉ đàn nhị, nó còn biết chơi cổ cầm, đàn tranh, thổi sáo. Nhưng hồi đó cô nhi viện chỉ có đàn phong cầm phương Tây và một cây đàn nhĩ cũ kỹ đứt dây. Nó không biết chơi phong cầm, bèn đem sửa cây đàn nhị, thinh thoảng đem ra chơi vào dịp Nguyên đán, Trung thu hoặc Tết thiếu nhi 1-6, hễ cô nhi viện tổ chức liên hoan văn nghệ thì Mễ Trị Văn đều lên sân khấu biểu diễn. Nó chơi bản nhạc Nhị tuyển ánh nguyệt rất hay... Về sau tự nó mày mò rồi cũng chơi được đàn phong cầm, cho nên mỗi khi các cháu tập hát hợp xướng đều không cần mời nhạc công bên ngoài vào đệm đàn nữa.”
Trần Ngọc Đống hỏi, “Có lẽ các thầy cô giáo đều rất mến Mễ Trị Văn?”
“Đương nhiên nó được coi trọng, nhưng tính tình nó rất kỳ quặc, không bao giờ nói chuyện hoặc chơi cùng các bạn. Thể dục buổi sáng hoặc các giờ rèn luyện thân thể, nó đều tách riêng một chỗ, ngồi nghệt ra. Mắng nó, phạt nó vô số lần cũng không ăn thua. Vì ở ký túc xá nó không bao giờ hé răng nên bị các bạn đặt cho biệt hiệu ‘thằng câm’, và không tránh khỏi đôi khi bị bắt nạt.”
Na Lan thầm cảm thán, lại một vết thương thời niên thiếu, và lại thêm một lý do để xả giận. Cô hỏi, “Mễ Trị Văn ở cô nhi viện bao lâu, sau đó được người ta nhận nuôi hay trưởng thành trong cô nhi viện rồi vào đời tự kiếm sống?”
“Nó mất tích.”
Na Lan kinh ngạc.
Bà Triệu dừng bước, hơi ngẩng đầu, nghĩ ngợi một lát rồi lại nói, “Khi vào cô nhi viện, nó khoảng 10, 11 hay 12 tuổi gì đó, ở chỗ chúng tôi bốn đến năm năm. Tức là vào năm 15 hoặc 16 tuổi, một hôm bỗng không thấy nó đâu nữa. Mấy món đồ dùng cá nhân lèo tèo của nó cũng biến mất.”
“Tức là bỏ đi, có kế hoạch hẳn hoi. Trước đó các bác không nhận ra dấu hiệu gì à?” Trần Ngọc Đống hỏi.
“Một đứa trẻ quanh năm không nói một câu như thế, ai biết nó nghĩ gì, hay định làm gì.”
Trần Ngọc Đống lại hỏi, “Mễ Trị Văn có thể đi đâu, các bác cho là thế nào? Đến nhà họ hàng chẳng hạn...”
Bà Triệu lắc đầu, “Chúng tôi đã đến thôn Mễ Lung tìm hiểu, không đả đụng tời vụ mất tích, chỉ đến xem sao. Không thấy nó đâu, cũng không bỏ công sức đi tìm thêm nữa. Những năm tháng ấy... là một thời kỳ rất đặc biệt. Chắc cô gái này không thể ngờ, bấy giờ cách mạng văn hóa mới bắt đầu chưa lâu, trẻ con mười mấy tuổi đầu đã ngồi tàu hỏa đi khắp đất nước, lên rừng xuống biển, liên kết móc nối nhau làm bừa. Sau khi giám đốc cô nhi viện bị đánh đổ thì nơi này như rắn mất đầu, bọn trẻ con đứng ra chỉ mặt đấu tố giáo viên chúng tôi, hỗn loạn hết mức! Cho nên chẳng ai bận tâm cũng chẳng ai đào sâu xem xét vụ mất tích của Mễ Trị Văn nữa.”
Na Lan hỏi, “Mấy năm trước nghe tin Mễ Trị Văn biến thành tội phạm cưỡng dâm, bà cảm thấy thế nào?”
Bà Triệu trầm ngâm. Rồi lặp lại câu nói lúc nãy, “Nó là thằng bé rất kỳ quặc.”
Na Lan và Trần Ngọc Đống ra khỏi nhà phúc lợi, cả hai đều thấy nặng nề vì chuyến đi gần như vô ích.
“Các vị chờ đã!” Bà Triệu bước ra cổng nhà phúc lợi gọi họ. “Tôi vừa nhớ ra một chuyện có lẽ sẽ hữu dụng với hai vị. Hồi mới vào cô nhi viện, Mễ Trị Văn mang theo chiếc radio của nhà, cứ cách một ngày nó lại mở ra nghe một lúc. Về sau tôi để ý thấy rằng nó nghe một vở kịch nói. Hồi ấy người ta thường xuyên phát đi phát lại vở kịch này, về sau không phát nữa thì nó cũng thôi.”
Kịch nói! Na Lan thầm nghĩ, Mễ Trị Văn nghe giọng nói của bà mẹ.
“Đó là vở kịch nói của Tào Ngu, tên là Nhà, chuyển thể từ tiểu thuyết của Ba Kim.” Sở Hoài Sơn nói qua điện thoại. Anh ta xem kho dữ liệu kỹ thuật số về báo chí-điện ảnh, tìm thấy bảng kê tiết mục của Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh những năm 1964-1965, thứ Bảy hàng tuần có chương trình “Cửa sổ văn nghệ” phát từ 7 đến 8 giờ tối. Thời đó họ đã nhiều lần phát băng ghi âm vở kịch nói Nhà. Nhà ra đời từ những năm 40 của thế kỷ trước, đã có vô số đoàn kịch đưa lên sân khấu. Băng ghi âm vở diễn phát trên Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh dạo ấy, là do đoàn kịch thành phố kết hợp với các hạt nhân văn nghệ cơ sở biểu diễn năm 1960.
Na Lan nói, “Chắc chắn Hoàng Tuệ Trân có tham gia biểu diễn.”
“ Chỗ tôi có bảng diễn viên đây. Hoàng Tuệ Trân sắm vai Minh Phượng.”
Hồi trung học Na Lan từng đọc các tác phẩm Nhà, Xuân, Thu, còn nhớ Minh Phượng là một nhân vật bi kịch trong đó.
“Có thể lý giải được hành vi của Mễ Trị Văn. Mẹ bỏ nhà ra đi, cậu con trai lên mười chắc chắn rất nhớ mẹ. Minh Phượng trong vở kích nói có lẽ là kỷ niệm duy nhất Hoàng Tuệ Trân để lại, vì thế cậu ta mới nghe đi nghe lại qua radio.” Na Lan lẩm bẩm nói ra cảm nhận của mình. Rồi lại hỏi, “Có cách gì kiếm được bản ghi âm đó không?”
Sở Hoài Sơn nói, “Tôi đã thử gọi điện hỏi thư viện, phòng hồ sơ, đài phát thanh, nhà hát kịch, đều không được. Cô cần bản ghi âm làm gì?”
“Chỉ tò mò thôi. Tôi muốn nghe giọng bà ấy, nếu được gặp người thì càng hay.”
Di động bỗng “tinh tang”. Một tấm ảnh đã được gửi đến. Tấm ảnh đen trắng cũ, một cô gái xinh tươi trong sáng, trang điểm kiểu thời Dân quốc. Na Lan hỏi, “Bà ấy… là mẹ Mễ Trị Văn?” Đã biết còn hỏi. Cô chăm chú nhìn khóe miệng của Hoàng Tuệ Trân, rõ ràng là có nét cười nhưng mép không nhích lên mà lại hơi trễ xuống, chi tiết này thể hiện vẻ ai oán.
“Là áp phích quảng cáo cho vở Nhà, họa báo Giang Kinh năm 1962.”
Na Lan lộ vẻ tư lự, “Nếu Hoàng Tuệ Trân mất tích thật, chúng ta có thể đi tìm bà ấy, chưa biết chừng sẽ khiến Mễ Trị Văn phải nói thật.”
Sở Hoài Sơn im lặng rất lâu.
“Sao thế?”
“Ngây thơ!” Sở Hoài Sơn đáp.
Na Lan thở dài, “Cảm ơn anh nhận xét. À, cái chữ kia… có manh mối gì chưa?” Cô biết mình hỏi thừa, nếu Sở Hoài Sơn khám phá ra thì anh ta đã nói cho cô biết trước tiên.
Sở Hoài Sơn im lặng một lát, rồi nói, “Tôi lại muốn hỏi cô. Vì Mễ Trị Văn bảo chỉ cô mới giải mã được.”
Na Lan toang kháng nghị, thì anh cũng phải giúp tôi chứ! Nhưng chính cô không chịu động não thì Sở Hoài Sơn giúp thế nào được?
Tại sao lại là cô?
Con chữ đang đặt trên bàn, những nét cong cong như con sâu. Na Lan nhìn nó rất lâu, hình như con sâu sắp bò vào mắt cô. Cô hỏi, “Là chữ tượng hình phải không?”
“Trước khi rút khỏi vụ này, Ba Du Sinh đã thỉnh giáo một lô chuyên gia văn tự học, được một lô kết luận nhưng đều vô ích. Đa số các vị ấy cho là chữ tượng hình, ý kiến na ná nhau, phần trên giống chữ Thi hoặc giống chữ Trãi... đều là động vật.”
“Điều này ngay trẻ con cũng nhận ra. Thi là lợn, còn Trãi là con gì?”
“Nếu là Trãi thì hóc búa rồi. Thời cổ, chữ Trãi chỉ nhiều loài động vật, về sau thì những con vật không chân, di chuyển bằng cách trườn như sâu, giun...”
“Hơi thú vị đấy! Và gì nữa?” Na Lan nhớ đến những con vật bị mất xương ngón chân nằm dưới cái hố.
“Hết rồi. Còn lại nhờ cô.”
“Tôi? Tôi chưa bao giờ nuôi lợn, và cũng không thích sưu tầm giun.”
Mình đã làm gì? Để rồi Mễ Trị Văn cứ không buông tha mình? Na Lan cảm thấy một ý nghĩ đang dần hình thành...
Nhưng nó rất mờ mịt, mơ hồ, chập chờn, cô không sao nắm bắt được.
Mình từng làm những việc gì? Suýt bỏ mạng trong vụ án “năm xác chết” ở hồ Chiêu Dương, tình cảm tưởng như được rồi lại mất. Suýt chết trong núi tuyết Trường Bạch, người xưa trở về với mình rồi lại ra đi. Cách đây ba hôm trong cái hố sâu ở dốc Mễ Lung cũng suýt mất mạng bên đám xương động vật xác xơ và cuốn sách Không dũ tùy đàm.
Mễ Trị Văn đã đoán được rằng cô sẽ đến thôn Mễ Lung điều tra các chuyện thời niên thiếu của lão. Việc cô cứ loay hoay trong vụ án vô vọng này đến nay, có phải là một quá trình tất nhiên thậm chí là quá trình bắt buộc nếu muốn giải mã con chữ quái quỷ ấy không?
Rơi vào cái hố, thu hoạch lớn nhất của Na Lan là phát hiện ra mặt tối tăm của Mễ Trị Văn thời niên thiếu và cuốn sách Không dũ tùy đàm.
Cô nhớ lại cuốn sách lem nhem đã lật xem ấy, bên trong có nhiều chỗ đánh dấu và ghi chú. Cô gọi điện cho Kim Thạc.
Có thể coi cuốn Không dũ tùy đàm “khai quật” được ở cái hố là đồ cổ thực sự. Các kỹ thuật viên ở Sở Công an đã nhờ hai chuyên gia về sách cổ giám định, cho biết là bản in năm Quang Tự thứ 3 (tức năm 1878), có thể nói là cuốn truyện ký gần như duy nhất còn sót lại. Chứng tỏ thời đó số bản in chỉ lèo tèo.
Na Lan hỏi Kim Thạc đã đọc kỹ chưa, anh vừa ngạc nhiên vừa nghiêm túc nhìn cô, hình như ngờ rằng đầu óc cô có vấn đề, “Cô có muốn xem thời gian biểu công tác của tôi và các cán bộ khác ở Sở không? Ai có thì giờ mà đọc!” Anh chỉ món “đồ cổ” đặt trên bàn. “Chữ phồn thể, in dọc, quá cũ kỹ, nét tỏ nét mờ, lại là cổ văn, ai đọc thì đầu cũng chỉ chực vỡ tung!”
Na Lan mỉm cười, “Không đến nỗi thế! Chỉ là có thêm những ghi chép chú thích khi đọc. Rất có thể sẽ cho ta manh mối gì đó.”
“Tôi đã đọc những chỗ chú thích, chẳng có gì ahy ho. Cô muốn xem cũng được nhưng phải đến đây mà đọc, hôm nay đọc chưa hết mai đọc tiếp.”
“Được!” Cô nghĩ ngợi, rồi nói với giọng nài nỉ, “Tôi muốn phiền anh một việc nữa, có thể tìm băng ghi âm trích đoạn vở kịch nói Nhà của Tào Ngu, ghi âm năm 1964 hay 1965 gì đó không?”
Kim Thạc ngạc nhiên, “Nhà, là của Ba Kim viết kia mà?”
Na Lan, “Tào Ngu đã đem chuyển thể kịch nói, nhà hát kịch Giang Kinh diễn, Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh phát đi phát lại suốt hai năm.”
Kim Thạc hỏi, “Có liên quan đến vụ án không?”
“Rất liên quan! Bà mẹ Mễ Trị Văn sắm một vai trong đó, tôi muốn nghe giọng nói của bà ấy.”
“Giọng bà mẹ có liên quan đến vụ án hay sao?”
Na Lan khẽ thở dài. “Bà ấy bỏ đi từ khi Mễ Trị Văn còn rất nhỏ, có người nói bà đã bí mật lấy một nhân vật cỡ bự nào đó. Nếu chúng ta tìm thấy bà ấy, nhờ bà khuyên Mễ đại sư hợp tác với ta, thì sẽ đỡ tốn bao công sức.”
Kim Thạc bật cười. Na Lan cau mày, “Sao?”
“Tôi định bình luận cô bằng hai chữ.”
Na Lan lắc đầu, “Ngây thơ, chứ gì?”
Kim Thạc sửng sốt, “Sao cô biết?” Nhưng anh bỗng hiểu ra. “À, cô chuyên về Tâm lý học.” Anh tủm tỉm nhìn Na Lan hồi lâu, khiến cô mất tự nhiên. “Được, tôi sẽ thử hỏi. Băng ghi âm cổ lỗ sĩ, e rằng rất ít hy vọng.” Nói rồi anh bước ra khỏi phòng làm việc.
Lại thêm một lần mắc nợ, sắp phải đi thủ đô với anh ta cũng nên.
Na Lan nhớ đến Ba Du Sinh, không rõ hiện giờ anh đang bận rộn ở đâu, mấy lần đến sở đều không thấy anh.
Lẽ nào Ba Du Sinh buông tay khỏi vụ án này thật?
Mở cuốn Không dũ tùy đàm ra, nhìn chữ phồn thể in dọc ra quả là hơi chóng mặt. Nhưng Na Lan không cần đọc kỹ nội dung bản cổ văn này, cô chỉ chú ý đến những chỗ Mễ Trị Văn đánh dấu hoặc ghi chú bằng bút lông. Các chuyên gia bút tích học đã xác định đây là chữ của Mễ Trị Văn, chữ hồi đó tất nhiên non nớt, nhưng vẫn nhận ra trình độ thư pháp rất khá.
Phần lớn các ghi chú của Mễ Trị Văn viết ở góc trang sách, chủ yếu là trầm trồ, khen ngợi, bình luận. Na Lan cũng nhận ra yếu tố trẻ con trong những câu chữ này. Nhưng đây đó lại vương vất một thứ tà khí không trẻ con chút nào. Ví dụ, sau mẩu chuyện về cái chết li kỳ dữ dội của một nhân vật, Mễ Trị Văn viết, “Sống đời tầm thường, thà chết cho xong” ; một mẩu chuyện khác miêu tả hai nhà thơ vừa uống rượu vừa thi làm thơ, rốt cuộc một ông chết đuối một ông ngộ độc rượu rồi bại não, thì Mễ Trị Văn viết hơn trăm chữ bình luận, trong đó có câu “văn nhân dè bỉu nhau vốn đã đáng chết, chết như thế này là tất nhiên”.
Ngoài những câu chữ châm biếm và chế nhạo ra, có một số đoạn văn hoạc từ ngữ được đánh dấu khuyên đỏ, tức là những chổ khiến Mễ Trị Văn phấn khích nhất. Giở đến một bài ở giữa cuốn sách, Na Lan sửng sốt, cô lại nhìn cách đánh dấu sách bằng dây đàn, trang này là một chuyện ngắn viết về vụ án, tiêu đề được Mễ Trị Văn dùng bút đỏ khuyên rất đậm, Lã công thất tiết1.
Khúc đệm
Năm thứ 3 Thiên Khải, đời vua Minh Hy Tông2.
Trước khi thoái ngũ ở Đông Xưởng3, Lã Diệp Hàn rất hiểu cái nơi mà mình phục vụ này, cái nơi nổi tiếng từ triều đình đến giang hồ đến dân chúng này, là một tổ chức cực kỳ thối nát. Ông là một thám tử cao thủ được tuyển chọn kỹ càng, là một dịch tướng đeo kim bài ai ai cũng phải kính sợ, ông đã từng nổi danh tận tâm báo quốc, đã từng can dự những cấu kết đáng xấu hổ với trời đất, cho nên, hành động có vẻ như can đảm dừng bước của ông là một sự an ủi tâm trạng bất an, là một cách chuộc tội cho nhân cách đang xuống dốc của mình.
1. Ông họ Lã đánh mất khí tiết, vi phạm đạo đức.
2. Năm 1623.
3. Là cơ quan mật vụ trấn áp đắc lực, trực thuộc triều đình.
Ông mừng vì đã lựa chọn ra khỏi Đông Xưởng, làm một tay bổ khoái giúp dân trong các vụ án thường gặp, để tích chút âm đức dương đức, hi vọng mai kia hưởng trọn tuổi trời thì không đến nỗi bị xuống địa ngục A Tỳ.
Đương nhiên rất ít bộ khoái xuất sắc được hưởng trọn tuổi trời, vụ án rơi vào tay Lã Diệp Hàn không phải là vụ án bình thường.
Các văn nhân sau này viết truyện hoặc ký sự về vụ án đều gọi nó là vụ án ‘ngón tay khăn máu’. Nạn nhân đều là các cô gái trẻ, sau khi bị hành hạ lăng nhục rồi giết hại, đều bị chặt một ngón tay.
Hơn hai mươi nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khác nhau, tiểu thư khuê các, con gái nhà lành, gái quê lam lũ, gái làng chơi ở chốn thêu hoa... đủ cả. Hung thủ chỉ có mục đích khát máu là giết các cô gái vô tội chứ không có thâm ý gì rõ rệt.
Theo kinh nghiệm của Lã Diệp Hàn, kẻ ác như thế chỉ có thể khái quát bằng hai chữ “tà ma”.
Không chỉ tà ma, hắn còn rất mưu trí tinh khôn, giỏi giấu mặt và có võ công siêu việt.
Trước khi Lã Diệp Hàn nhận làm vụ án này, đã có ba bộ khoái dày dạn phải gục ngã bởi tay hung thủ, hai chết một bị thương, lại bị thương nặng ở não đến nỗi quên cả họ tên mình, quên cả người nhà, chẳng khác gì thẳng thằng điên, lúc cười lúc khóc, không thể tự kiểm soát bài tiết, sống mà khổ hơn chết. Lã Diệp Hàn thảm cảnh của đồng nghiệp, ông thề với mình sẽ báo thù rử hận cho họ, giành lại vị thế cho bộ khoái, trừ hại cho dân chúng.
Nhưng đã sáu năm tròn, kẻ ác ma chặt ngón tay vẫn bí mật tồn tại giữa chốn giang hồ ở phủ Giang Kinh, Lã Diệp Hàn biết tên khốn ấy đang sống ở địa bàn này nhưng hy vọng lôi hắn ra trước pháp luật dường như ngày càng mong manh.
Khi còn ở Đông Xưởng, Lã Diệp Hàn là một thám tử hàng đầu, ông không lần theo các manh mối không liên quan. Ông hiểu rằng cách điều tra khám phá hiệu quả nhất là phân tích tổng hợp, suy luận ra con người, tính cách, quy luật hành vi của hung thủ. Ông sưu tầm đầy đủ các tư liệu về vụ án “ngón tay khăn máu”, địa điểm gây án, khoảng thời gian giãn cách giữa các vụ án, đặc điểm của nạn nhân, thủ đoạn gây án... sau đó ông nghiền ngẫm suy đoán thấu đáo, suy ra lần gây án tiếp theo của hung thủ, hy vọng bắt được y trong lần gây án sắp đến.
Hai năm sau, Lã Diệp Hàn không thể không thừa nhận, đối thủ của ông vẫn lì lợm ẩn mình trong bóng tồi, y hơn hẳn những tên ác ôn nông nổi ngu xuẩn thô bỉ, y là tên tà ma đầy mưu mô toan tính và ngông cuồng đến cùng cực.
Rõ ràng Tà ma cũng biết rõ về Lã Diệp Hàn cao thủ mới nhậm chức tổng bộ khoái phủ Giang Kinh này từng làm ở trung tâm mật vụ tối cao Đông Xưởng của triều đình Đại Minh, từng khám phá ra nhiều vụ án kinh thiên động địa. Và thế là Tà ma bỗng nổi cơn hưng phấn gây án. Y cố tình để lại những manh mối mà phải rất đau đầu suy ngẫm mới nhận ra, để cho Lã Diệp Hàn từng bước tiếp cận y. Nhưng hết lần này đến lần khác y vẫn thoát hiểm trong gang tấc.
Mỗi lần y thoát hiểm thì một cô gái vô tội phải bỏ mạng thê thảm.
Một cái khăn tay dính máu, một bài thơ Đường, một con nhện đỏ sẫm, một thanh kiếm gãy, một con thuyền nan thủng đáy... là nhũng manh mối mà Tà ma để lại cho Lã Diệp Hàn. Y đều bố trí rất có dụng ý, hư hư thực thực, mờ ảo khó lường, chỉ có cao thủ phá án như Lã Diệp Hàn mới hiểu nổi và có đủ tư cách để chơi trò mèo vờn chuột với y. Có điều, trong trò chơi này ai là mèo ai là chuột, thì thực khó nói. Có thế mới thú vị! Hẳn là Tà ma đã sống sáu năm trời khoái trá nhất trong đời y.
Còn Lã Diệp Hàn, sự nhẫn lại của ông dần bị bào mòn. Cảm giác thất bại gặm nhấm từng chút một lòng tự trọng của ông. Trong sáu năm trời, Giang Kinh ba lần thay tri phủ, đám quan lại khó tránh khỏi bàn tán, thậm trí nghi ngờ vị tổng bộ khoái ì trệ không thể phá án này đã “ăn ở hai lòng”.
Một phó bộ khoái được điều từ kinh thành đến, tên là Mạc Tông Trạch, có lẽ tri phủ sẽ để anh ta thay chỗ Lã Diệp Hàn. Mạc Tông Trạch tuổi trẻ tài ba, rất nổi tiếng vì đã từng phá nhiều vụ án lớn ở kinh thành, được điều về Giang Kinh để hiệp trợ phá vụ án “ngón tay khăn máu”. Rõ ràng chuyện này thể hiện quan trên đã thất vọng với Lã Diệp Hàn. Lã Diệp Hàn thua kém thì đã rõ, tuổi ngoại tứ tuần, trông già nua với khôn mặt đã có không ít nếp nhăn, còn Mạc Tông Trạch là chàng trai tắng trẻo, môi hồng, mày dài, mắt sáng. Lã Diệp Hàn lưng đã hơi còng, Mạc Tông Trạch đẹp trai cao lớn ; Lã Diệp Hàn ít được gặp quan trên, Mạc Tông Trạch ngồi nâng cốc với tri phủ, tổng binh là thường. Lã Diệp Hàn đến giờ vẫn độc thân, Mạc Tông Trạch thì đã sớm lấy vợ đẹp ở kinh thành là tiểu thư con nhà thế gia võ quan khai quốc, nghe nói võ công của cô chẳng kém gì Mạc Tông Trạch.
Nhưng, điều mà Mạc Tông Trạch không có là sự tôn kính với bề trên và đồng nghiệp. Vừa đến Giang Kinh anh ta đã trỉ chích cả hệ thống trinh thám phá án của Lã Diệp Hàn. Ví dụ, tại sao Tà ma vẫn nhơn nhơn sát hại các cô gái vô tội? Tại sao lại chặt ngón tay? Lã Diệp Hàn nói, hung thủ muốn chứng minh rằng y tài giỏi hơn cả các cao thủ ở nha môn, ngón tay là chiến lợi phẩm, là vật kỷ niệm của y, y rất kiêu căng. Mạc Tông Trạch thì cho rằng đó là hung thủ tự bù đắp cho mình, bù đắp nỗi cô đơn, kém cỏi, sự nghiệp thất bại, thậm chí cho “của quý” bất lực, “ngón tay” đại diện cho “của quý” của y chứ còn gì nữa?! Lập luận kỳ quái của anh ta lại được tri phủ nhiều lần tán thưởng!
Lã Diệp Hàn càng rơi vào trạng thái bức xúc nặng nề.
Bấy giờ đang độ giữa thu, lúc chiều muộn khói mây mịt mờ, những ngôi nhà nhỏ bên sông Thanh An dường như ngùn ngụt âm khí. Lã Diệp Hàn đang ẩn thân dưới cái hố, ông nhìn qua khe nắp hô quan sát ô cửa sổ hé mở trên tầng hai của một ngôi nhà. Lưng giắt be rượu mạnh Nhất Giang Thu đặc sản địa phương, ông cầm lên tợp một ngụm lớn. Đã mấy đêm không ngủ. Vị cay xè thấm vào ruột gan của người đang sầu muộn chẳng giúp được ông thêm hưng phấn, nhưng nó như một liều thuốc tê khiến ông có thể tạm gác lại vấn đề tự trọng và thành kiến, tạm quên đi chuyện thế tục “tam thập1 công danh”, ông bất giác nhớ đến Đông Xưởng với bức họa danh tướng Nhạc Phi treo ở đại đường, nhớ đến bức hoành “Vạn thế lưu phương2” treo ở cửa vào... Giờ đây ông thấy “Vạn thế lưu phương” như một sự chế những hành vi đi ngược đạo lý của Đông Xưởng, và cũng đang giễu cợt chính ông – kẻ bất lực trước một vụ án lớn.
1. Mượn ý câu nói của Không Tử, “(Ngô) tam thập nhi lập” = (Ta) 30 tuổi đã lập thân (tự lập, thành công...)
2. Để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Nhưng dù sao những năm tháng làm ở Đông Xưởng cũng dạy cho ông điều này, muốn đạt được mục đích thì phải dùng bất cứ thủ đoạn nào.
Đây là ưu thế lớn nhất của ông để chiến thắng Tà ma.
Hung thủ của vụ án “ngón tay khăn máu” đã trải nhiều năm “thành công”, có lẽ y đã coi thường một điều quan trọng, không phải chỉ có mình y biết sắp đặt.
Trong ngôi nhà gác nhỏ kia, cách đây bốn tháng có một phụ nữ độc thân, một bà già giúp việc và một a hoàn đến ở. Đó là một thiếu phụ mới góa chồng, nhan sắc tuyệt trần, từ trang phục cho đến bài trí trong nhà đều cực kỳ sang trọng, nàng lại rất sàng vẽ hoa. Sự xuất hiện cảu nàng bỗng khiến cho các nhân vật phong lưu ở Giang Kinh xao động. Kẻ đã có vợ, người chưa vợ và người sắp lấy vợ đều như đàn ong phát cuồng đua nhau tìm đến thăm hỏi, nàng cung kính tiếp đãi, tươi cười đón nhận những tình ý nồng nànđang tràn đến như thủy triều, nhưng nàng không lơi lả buông tuồng, nàng chỉ để cho những người tự cho mình là phong lưu ấy có được chút tưởng tượng và kỳ vọng vừa đủ nhưng không thể vượt quá giới hạn.
Chỉ cần các nhân sĩ hơi nghe ngóng một chút sẽ biết ngay, Thích phu nhân tuổi mới 20, xuất thân danh gia vọng tộc ở Nam Kinh. Nhà họ Thích rất phồn thịnh đông đúc, con cháu dù làm quan hay là thương nhânđều thành công hiển hách. Nếu nói chuyện với bất cứ ai trong số họ sẽ biết ngay, trước khi đi lấy chồng, Thích phu nhân đã nổi tiếng là người đẹp vô song ở đất Kim Lăng, khiến vô số sĩ tử, anh hùng hào kiệt phải chết mê chết mệt. Nhưng số phận oái oăm, nàng lại chọn một tài tử Trương Hữu Linh làm chồng. Tài tử bạc mệnh, sau hai năm chung sống chàng đã qua đời. Thích phu nhân đau đớn vô cùng, nàng không muốn ở lại cái chốn phồn hoa, nên nàng đã chọn đô thị lớn Giang Kinh cư trú.
Thích phu nhân là then chốt trong kế hoạch thú vị của Lã Diệp Hàn.
Dúng là có Thích phu nhân và các chuyện liên quan nhưng chỉ có những người trong nhà họ Thích mới biết rõ sự thật, Thích phu nhân thực sự thì đã bí mật cắt tóc đi tu, bên ngọn đèn xanh và dưới chân bàn thờ Phật, tâm hồn bị tổn thương của nàng sẽ được an ủi. Còn mỹ nhân đang ở ngôi nhà nhỏ bên sông chẳng qua chỉ là một ca kỹ mới nổi danh trên sông Tân Hoài. “Thích phu nhân giả” này cũng có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành và biệt tài cầm kỳ thi họa. Lã Diệp Hàn đã dùng vốn liếng dành dụm bao năm qua của mình để thuê ngôi nhà này cho cô ta, thuê người giúp việc, a hoàn, và chu cấp đủ mọi phí tổn sinh hoạt.
Còn về con cháu nhà họ Thích? Họ vui lòng nói dối giúp Lã Diệp Hàn, cũng vì muốn báo đáp ân nghĩa rất lớn năm xưa ông đã giúp họ. Đó là vụ án cuối cùng ông làm trước khi rời Đông Xưởng, vụ án “Kim Lăng di lão”. Vào thời Minh, cụ tổ nhà họ Thích từng giúp sức đưa Kiến Văn Đế lên ngôi ở Kim Lăng, sau khi Kiến Văn Đế bị Thành Tổ phế truất thì nhà họ Thích bị liên lụy, luôn là đối tượng bị Đông Xưởng giám sát. Cách đây độ mười năm có người tố các với Đông Xưởng rằng người nhà họ Thích cấu kết với một số “người do Kiến Văn Đế để lại”, Lã Diệp Hàn được cử đi điều tra. Vừa nghe đến cái “nhiệm vụ” này ông đã cười ngao ngán, vụ án Kiến Văn trôi qua đã 200 năm, dù những “người để lại” là có thật thì họ còn làm nổi trò trống gì? Họ đoạt lại quyền bính sao được? Đây chẳng qua là do một số kẻ trong triều cố tình bài xích nhà họ Thích mà thôi. Theo phong cách thà xử oan còn hơn bỏ sót của Đông Xưởng, dù là chuyện vu vơ thì nhà họ Thích cũng không thể không bị liên đới, phãi hành hạ khiến họ tan cửa nát nhà mới xong. Âu khí số nhà họ Thích đã tận. Lã Diệp Hàn chán ghét cái thói ngang ngược trấn áp người ta, sau khi xác định nhà họ Thích trong sáng vô tội, ông chỉ viện cớ họ “không tử tế với bà con” phạt họ nộp bạc, rồi cho cả nhả được an toàn. Cho nên, vào lúc hệ trọng hiện giờ, nhà họ Thích sẵn sàng giúp Lã Diệp Hàn giăng bẫy.
Đúng lúc hệ trọng, là thời khắc rất hệ trọng trong sự nghiệp và trong cuộc đời Lã Diệp Hàn.
Ong đã phân tích, cách thức Tà ma gây án chặt ngón tay có vẻ như tùy hứng, nhưng ông cũng nhận ra vài nét có tính quy luật. Thoạt đầu, chắc là vì Tà ma chưa đủ lông đủ cách nên y chỉ chọn những phụ nữ bình thường để sát hại, vợ giận chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, con gái lén lút hẹn hò với tình nhân, a hoàn đi vào những lối tắt ngõ tối, kỹ nữ lầu xanh hạng bét nhan sắc đã tàn phai... giết những người này khá dễ, quan phủ cũng không mấy quan tâm. Ít lâu sau Tà ma dần có kinh nghiệm, y chọn đối tượng “khó làm” hơn, là tiểu thư khuê các, đào hát đã có danh tiếng, nữ đạo sĩ công phu cao cường, nạn nhân của vụ gần đây nhất là một tiểu thiếp của tổng bình phủ Giang Kinh, cứ đà này thì sẽ đến lượt con gái cưng của tổng binh cũng nên.
Cho nên Mạc Tông Trạch được “mời” đến gấp, vì lửa đã bén đến cổng nha môn quan phủ rồi.
Lã Diệp Hàn suy luận rằng, Tà ma nhiều lần đã gây án thành công, đối phó với quan phủ cũng thành công, thì y sẽ càng to gan và càng muốn gây ra vụ án chấn động hơn nữa, có thế y mới thực sự thỏa mãn.
Và đó cũng là pháp bảo để Lã Diệp Hàn chiến thắng Tà ma, ông gần như đã hiểu thấu tâm can y, cảm nhận được nhu cầu của y nên sẽ giúp y lựa chọn mục tiêu tiếp theo.
Ong có kế hoạch cài Thích phu nhân giả từ trước khi tiểu thiếp của tổng binh bị giết hại, bấy giờ quy luật hoạt động của Tà ma đã hình thành, vụ án tiểu thiếp tổng binh chỉ chứng minh thêm suy luận của Lã Diệp Hàn. Tà ma càng thèm khát gây trọng án càng hay, y chưa thỏa mãn với việc sát hại dân thường. Cho nên, “Thích phu nhân” dòng dõi cao sang danh giá lại đang nổi tiếng trong chốn xã giao Giang Kinh, sẽ là cơ hội trời cho, Tà ma không thể không mò đến.
Mấy tháng nay hầu như đêm nào Lã Diệp Hàn cũng đến mai phục bên ngoài ngôi nhà nhỏ của Thích phu nhân. Tà ma thường gây án vào ban đêm, cho nên chưa có ai nhìn thấy mặt mũi y ra sao, các bộ khoái biết mặt y thì đều đã bị giết chết hoặc mất trí nhớ. Đôi khi Thích phu nhân cũng tiếp khách buổi tối, đèn thắp sáng trưng, văng vẳng tiếng đàn tranh vọng ra, những lúc đó Lã Diệp Hàn có thể ngủ gật chốc lát. Khi khách ra về, căn nhà nhỏ tắt đèn tối om, thì ông phải tỉnh táo căng mắt ra. Canh gác kiểu này quả là thử thách lớn đối với thể xác và ý chí, cũng may Lã Diệp Hàn là người có nội công thâm hậu nên mới trụ vững ngần này tháng trời. Mạc Tông Trạch cũng được Lã Diệp Hàn gọi đi cùng theo dõi, đây cũng là dịp để một bộ khoái trẻ tuổi thể ghiệm nỗi gian nan khi điều tra phá án.
Mạc Tông Trạch coi thường hành động “gác đêm” này của Lã Diệp Hàn, đường đường tổng bộ khoái của phủ Giang Kinh lại phải nấp dưới căn nhà của đàn bà, cứ như sắp sửa xông vào để bắt trai trên gái dưới, đây gọi là khám phá vụ án hay sao? Nhưng là cấp phó thì anh ta phải tuyệt đối phục tùng cấp trên.
Lã Diệp Hàn linh cảm rằng đêm nay ông sẽ có thu hoạch sau bao ngày vất vả. Từ sáng sớm, bà già giúp việc bỗng đau ngực dữ dội, thầy lang chạy vào chạy ra, bà là người địa phương nên con trai đến đón về nhà chữa trị. Sau đó không hiểu sao Thích phu nhân lớn tiếng mắng mỏ a hoàn, nó bưng mặt khóc rồi chạy ra ngoài, lủi đi đâu không biết. Trong nhà chỉ còn một mình Thích phu nhân.
Mạc Tông Trạch được Lã Diệp Hàn phân công mai phục ở một bên của ngôi nhà, có thể thấy rõ mọi động tĩnh trên cửa sổ phía tầng hai và cửa sau. Anh ta đã được dặn dò cấm tự ý hành động, khi nào nhìn thấy mũi tiêu lửa bắn lên trời thì mới được xông vào nhà. Cả hai sẽ đánh kẹp từ hai phía trước sau, Tà ma dẫu mọc cánh cũng không thể chạy thoát. Mạc Tông Trạch cố nhịn cười, nói, vâng, tôi sẽ căng mắt ra, nếu hung thủ vào nhà thì tôi xin chờ lệnh ông.
Chữ “nếu” đầy vẻ nghi ngờ, tại sao ông biết tối nay hung thủ sẽ xuất hiện?
Lã Diệp Hàn không đần, tất nhiên nhận ra ẩn ý của thuộc hạ nhưng ông không tỏ thái độ. Tối nay bắt được Tà ma, mới là bài học tốt nhất cho gã trẻ tuổi kiêu ngạo này.
Đã quá nửa đêm, trên gác vẫn không có động tĩnh gì. Trong kế hoạch của Lã Diệp Hàn, “động tĩnh” là then chốt. Ông cho rằng Tà ma sẽ không khệnh khạng đi vào ngôi nhà, cho nên rất cần chú ý quan sát, rất có thể mình sẽ sơ suất không nhận ra y. Vì thế trước khi đưa Thích phu nhân giả vào ở, ông đã bí mật lắp một cái ống sắt từ buồng ngủ luồn ra ngoài chạy xuống nơi ông đêm đêm ẩn nấp, như thế hễ nghe thấy tiếng động lạ trên đó ông sẽ kịp thời có phản ứng. Tốt nhất là vẫn kịp cứu cô gái đáng thương rồi sẽ bắt sống hung thủ. Còn không thì, bắt được Tà ma từng tàn sát bao sinh linh thì dù phải hy sinh một ca kỹ cũng bõ.
Gió lạnh bên sông bủa vây, hàn khí như thấm vào tim. Lã Diệp Hàn lại nhấp một ngụm rượu.
Có tiếng kêu thét truyền qua ống sắt đến tai ông.
Đúng, không nằm ngoài dự đoán!
Lã Diệp Hàn nhảy vọt lên, cái nắp bùn và cỏ trên đầu vỡ vụn. Sau đêm nay cũng hoàn thành sứ mệnh. Lúc tung mình lên không trung, ông phóng một mũi tiêu lửa như đã hẹn, đầu mũi tiêu nhúng bột diêm tiêu lưu huỳnh, khẽ mài vào đá là cháy, một đường cung đỏ lửa rạch xéo màn đêm.
Lúc này, dù Tà ma trong nhà phát hiện ra có mai phục, nhưng bị hai bộ khoái thượng thặng cùng đánh kẹp lại thì y thoát sao nổi?
Sau vài lần lăng không, Lã Diệp Hàn đã lên đến cửa sổ tầng hai và nhảy vào luôn.
Đây là buồng ngủ của Thích phu nhân, gió thổi màn trướng đung đưa, những cái vòng đeo kêu tinh tang, ngoài ra không có bất cứ âm thanh nào khác.
Đêm đen tràn vào căn buồng không một bóng người!
Nhưng Lã Diệp Hàn cảm thấy có người đang lặng lẽ tiếp cận mình. Chắc chắn là tên hung thủ với võ công cao siêu mới có thể gây tội ác hàng chục năm mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Sát khí xuyên qua rèm tràn vào từ cửa lớn. Lã Diệp Hàn cảnh giác nghe ngóng, tay cầm thanh kiếm không hề run, mặc dù bàn tay đang nhớp mồ hôi.
Rèm cửa hơi động đậy, kiếm ảnh tung hoành.
Ông không nhớ nổi đời mình đã gặp phải đối thủ nào có kiếm pháp siêu việt như thế này. Các vị công công trong đại nội Đông Xưởng đều biết kiếm pháp của Lã Diệp Hàn là đệ nhất trong đám cao thủ như mây của Đông Xưởng, cho nên nếu chịu nổi mười chiêu của ông mà chưa gục, thậm chí dám đánh đến cùng, thì đã được coi là tuyệt đỉnh.
Khi cao thủ quyết đấu, “đánh đến cùng” cũng tức là một mất một còn.
Lã Diệp Hàn vã mồ hôi trán. Liệu mình có thể sống sót không?
Tuy nhiên tay ông cầm kiếm không hề run.
Vì kiếm trong tay đối phương cũng không hề run, mũi kiếm của y đang chĩa thẳng vào cổ ông.
May sao, mũi kiếm của ông cũng đang chĩa thẳng vào cổ y.
“Lã đại nhân!” Đối phương kêu lên rồi lập tức thu kiếm. Đó là Mạc Tông Trạch.
Lã Diệp Hàn cũng thu kiếm lại, thở phào. Nhưng ông lập tức băn khoăn, hai bộ khoái, một xông vào từ cửa sổ phía tây một xông vào từ cửa sổ phía nam, rốt cuộc đối mặt với căn buồng trống, Thích phu nhân giả biến mất!
Cả hai rất hiểu ý nhau cần phải làm gì. Lã Diệp Hàn lại từ cửa sổ bay xuống sân, đạp tung cửa ra vào, lục soát khắp tầng dưới. Mạc Tông Trạch ở lại kiểm tra buồng ngủ và cả tầng hai.
Không thấy bóng Thích phu nhân đâu.
Cả hai tập hợp. Mạc Tông Trạch nhìn khuôn mặt già nua của Lã Diệp Hàn, an ủi, “Lã bộ khoái đừng quá buồn, chúng ta lập tức bắn hỏa tiễn thông báo cho các bộ khoái đang mai phục quanh đây, có lẽ vẫn kịp chặn bắt hung phạm.”
Lã Diệp Hàn sửng sốt, bộ khoái nào mai phục quanh đây?
Mạc Tông Trạch lúng túng nói, “Bì chức biết đại nhân tin tưởng lần này sẽ thành công, nên đã tự ý huy động các bộ khoái mai phục khắp một dặm quanh đây...”
“Làm bừa rồi! Làm bừa rồi!” Lã Diệp Hàn hét lên. “Dù huy động hết các bộ khoái thì vẫn không đủ. Chưa kể, càng huy động đông người thì kế hoạch đêm nay càng dễ bị lộ, nếu các anh em phải đơn độc đối mặt với hung thủ thì chỉ bỏ mạng vô ích mà thôi!”
Mạc Tông Trạch ngớ ra, xịu mặt xuống, rồi lạnh lùng nói, “Chẳng lẽ Thích phu nhân giả bỏ mạng vô ích hay sao?! Khi sắp đặt kế hoạch này, đại nhân có nghĩ cho cô ta không?”
Lã Diệp Hàn tức quá trợn tròn đôi mắt, chỉ vào mặt Mạc Tông Trạch, “To gan! Thì ra... ta... ta đã...” Ông bỗng thấy ngực đau kinh khủng. Nỗi đau thất bại không sao chịu đựng nổi, rượu mạnh và trạng thái căng thẳng do thức đêm cùng lúc dâng lên khiến ông quay cuồng đầu óc, trước mắt hiện lên nét cười nhăn nhở đắc ý của Tà ma. Ông nhắm nghiền mắt trong cơn đau đớn.
Khi tỉnh lại, Lã Diệp Hàn thấy mình đang nằm trên phản gỗ ở nhà, dầu không ấm áp thì vẫn là thân thiết.
Đã xảy ra chuyện gì vậy?
“Lã đại nhân đã thấy khá hơn chưa?” Người hỏi là ông thầy lang quen vẫn giao thiệp với các bộ khoái. Sao ông ta lại ở đây?
Dưới ánh đèn lại là khuôn mặt của Mạc Tông Trạch, “Vừa nãy đại nhân vừa bị ngất ở hiện trường, bi chức vực đại nhân lên ngựa chở về nhà. Thầy lang nói ngài thiếu ngủ lâu ngày, khí huyết suy kiệt... Thứ cho bi chức lắm lời, đại nhân là trụ cột của anh em bộ khoái phủ Giang Kinh, cần phải giữ gìn, không thể gục ngã...”
Lã Diệp Hàn thấy ấm lòng. Xem ra lâu nay mình có phần hà khắc với Mạc Tông Trạch.
Thầy thuốc cáo lui, nói là về bốc thuốc, lát nữa sẽ cho người cầm đến.
“Mạc bộ khoái cũng nên về nghỉ đi, trời sắp sáng rồi đấy.”
Mạc Tông Trạch lại ngồi xuống đầu giường, “Bây giờ về cũng không ngủ được, tôi ở lại với đại nhân.”
“Tôi đã quen ở một mình, không sao đâu. Mạc bộ khoái còn có gia đình, đừng để phu nhân phải sốt ruột ngóng đợi.”
Mạc Tông Trạch mỉm cười, “Nhà tôi đã quen rồi. Cô ấy hạ cố đến làm vợ một anh bộ khoái, thì phải có những đêm phải ở nhà một mình chăn đơn gối chiếc...”
Không hiểu sao Lã Diệp Hàn bỗng có cảm giác bất an. “Đã thế, chúng ta sẽ bàn các bước tiếp theo vậy...”
“Bây giờ đại nhân phải nghỉ ngơi! Đợi đại nhân khỏe lại đã chúng ta sẽ lại bàn công việc.”
“Không! Chuyện này rất quan trọng. Vụ việc Thích phu nhân xảy ra hôm nay chỉ cách vụ sát hại tam phu nhân của tổng binh chưa đầy một tháng, chứng tỏ hung thủ gây án ngày càng dày, vụ tiếp theo có thể sẽ cận ngày hơn. Tôi đoán, mục tiêu sẽ là một phụ nữ còn đình đám hơn, khó gây án hơn cả Thích phu nhân và tam phu nhân của tổng binh... chúng ta nên sớm lường trước.” Lã Diệp Hàn do dự, có nên nói ra nỗi lo rất lớn của ông hay không?
Mạc Tông Trạch không hổ danh là nhân vật tài ba xuất chúng, lập tức đoán ra ý nghĩ của Lã Diệp Hàn, “Ý Lã đại nhân là... vợ tôi...”
“Thứ lỗi cho tôi...”
Mạc Tông Trạch bật dậy tung người chạy ngay đến cửa. Lã Diệp Hàn rất hiểu Mạc Tông Trạch thương yêu vợ đến nhường nào! Nhưng anh ta lại lưỡng lự, lắc đầu nói, “Nhà tôi võ công và mưu trí không hề thua kém tôi. Huống chi trong nhà có đủ các thiết bị phòng vệ, hung thủ muốn làm càn thì chỉ có cách lên trời mà hỏi. Gặp lúc nguy nan cô ấy còn có một thứ ám khí tuyệt mật, có thể tự giải cứu vào lúc gay go nhất.”
“Thế ư?”
“Ngón đeo nhẫn của cô ấy đeo chiếc nhẫn ngọc đen, trông rất bình thường nhưng bên trong lại chứa chất dịch độc, kể cả khi bị bắt trói, cô ấy chỉ cần kẹp ngón giữa và ngón út lại thì chất độc sẽ phun ra... Tôi nói điều này hơi xấu hổ, chỉ ngoại trừ lúc hai chúng tôi ở bên nhau trong khuê phòng thì cô ấy mới tháo nhẫn ra...”
Lã Diệp Hàn ngập ngừng, “Vậy thì, chỉ khi nào cô ấy lỡ mất cảnh giác...” Ông bỗng cảm thấy lần nói chuyện như thế này với Mạc Tông Trạch hình như đã từng xảy ra. Ông cố nhớ lại, hình như một lần ở nha phủ... Ông không nhớ ra nữa.
Mạc Tông Trạch rất cảm kích sự quan tâm của Lã Diệp Hàn, vội cáo từ rồi ra về. Chỉ còn lại một mình Lã Diệp Hàn, như hôm qua, hôm kia, và vô số ngày trước đó. Ông khẽ nhắm mắt lại, nhưng trước mắt ông không phải là một khoảng trống yên ả mà là vô số cái bóng không ngừng biến ảo. Đi theo những cái bóng này, hình như ông bước vào một thế giới khác. Điếu đáng buồn là thế giới này cũng như thế giới ông đang sống, vẫn cô độc, vẫn là ngôi nhà gác nhỏ bên sông gió lạnh hắt hiu, vẫn có bao kiếm ảnh quay cuồng, vẫn là cô gái mong manh như cánh hoa rơi, vẫn là những ngón tay nhợt nhạt.
Người đầm đìa mồ hôi, ông ra khỏi giường. Trời chưa sáng, đèn nến đã tắt ngấm. Mười năm sống một mình, ông thuộc căn nhà này như thuộc lòng bàn tay.
Trong bóng tối, ông đưa tay lên lất bức tranh Nhạc Phi treo trên tường, rối nhấc một viên gạch ra.
Trong hốc tường đó có một cái hộp vuông mỗi bề chừng gang tay.
Hộp bốc ra một mùi kinh khủng.
Ánh mắt ông đờ đẫn khác hẳn mọi ngày. Có lẽ vì vẫn ốm dở, vì thiếu ngủ lâu ngày, nên tay ông cũng cứng đơ và hơi run run. Ánh mắt ông nhìn vào một vốc xương khô trong hộp. Những mẩu xương thon nhỏ, và ngắn, có mẩu rất ngắn. Nếu tỉ mỉ chắp ba mẩu làm một thì nó sẽ có độ dài bằng một ngón tay.
Cuối cùng ông chăm chú nhìn vào một vật trong hộp, không phải xương.
Là một ngón tay chưa bị phân hủy!
Thậm chí có thể nói ngón tay này vẫn còn hơi ấm, vì nó vừa mới bị cắt ra cách đây chưa đầy hai canh giờ. Ngón tay đang đeo một chiếc nhẫn ngọc đen.
Là... là chuyện gì thế này? Tay ông run run cầm cái ngón tay lên, chăm chú nhìn cái nhẫn ngọc đen. Thế này là sao?
Tiếng cười như điên. Ai đang cười như điên?
Cười nhạo cái gọi là “ám khí tuyệt mật”.
Hồi trẻ luyện kiếm, thường hay chơi trò lia kiếm chém đứt đầu con ruồi đang bay. Nay đã có tuổi, mắt không còn tinh như xưa, nhưng nhẫn ngọc đen không khó nhận biết như cái đầu con ruồi. Nhẫn đen, đeo trên ngón búp măng trắng nõn, đủ để kiếm khách nhận biết và lia một nhát đứt ngay.
Người con gái đáng thương ấy đã phí hoài cả tuyệt kỹ võ công gia truyền, chưa kịp thi triển tài nghệ đã phải gục ngã dưới lưỡi kiếm của hắn. Chất kịch độc chứa trong nhẫn ngọc đen chưa kịp phun thì đã phải đi theo ngón tay đeo nó đến nằm trong cái hộp này!
Lã Diệp Hàn run bắn người. Cái chứng phong ma đáng ghét. Nếu ngươi rơi vào lưỡi kiếm của ta, ta sẽ vận dụng hết bản lĩnh chó săn của Đông Xưởng để tra tấn ngươi bằng cực hình.
Cười như điên. Hung thủ vẫn đang cười như điên?
Vang ngay bên tai Lã Diệp Hàn.
Lã Diệp Hàn đưa tay ra rờ thanh kiếm. Kiếm của mình đâu rồi? Chắc nó đã được Mạc Tông Trạch đặt bên giường. Ta đã đi quá xa rồi.
Ta đã đi quá xa. Bèn quay lại, nhưng liền đối mặt với mũi kiếm nhọn. Mũi kiếm ấy, sau một thoáng do dự khó bế nhận ra, đã thọc ngay vào tim Lã Diệp Hàn.
Lã Diệp Hàn gục xuống. Thấy không còn giãy giụa phản ứng gì nữa, Mạc Tông Trạch mới rút kiếm ra. Anh ta không nhìn thanh kiếm đang rỏ máu, anh ta nhìn chăm chăm vào ngón tay văng ra từ tay Lã Diệp Hàn. Ngón tay của người vợ yêu quý. Cái nhẫn ngọc đen. Anh đưa tay về phía cái nah64n, chỉ cần khẽ bóp nó thì sẽ có một tia đen đen phun ra, chất kịch độc dính da là chết ngay tức khắc.
Anh không thiết sống nữa. Mạc Tông Trạch hối hận muốn chết. Anh hối hận vì tự đắc nghĩ mình tài cao, rốt cuộc lại là kẻ phi thực tế, anh đã phân tích thấu đáo về Lã Diệp Hàn – cô độc, suy sụp, sự nghiệp bất như ý, tất cả đều phù hợp với Lã Diệp Hàn! Khi Mạc Tông Trạch đến lầu xanh thăm dò còn nghe bọn họ xì xào, cái của kia của Lã bộ khoái không hoạt động, người xuất thân từ đại nội có khác!
Mạc Tông Trạch ở kinh thành cũng từng nghe đồn đại, Lã Diệp Hàn rời Đông Xưởng không phải vì võ công chưa giỏi, thủ đoạn chưa đủ tàn độc, mà là vì ông ta có biểu hiện của chứng “phẫn uất” và “cuồng điên”, về danh nghia là từ chức nhưng thật ra là bị cách chức. Về Giang Kinh làm bộ khoái, các chứng bệnh kia không thể tự tiêu tan. Mạc Tông Trạch hối hận vì đã không sớm khẳng định một giả thiết, Lã Diệp Hàn chính là tên Tà ma giấu mặt vô cùng kín đáo! Giờ đây nghĩ lại, thấy có không ít dấu hiệu chứng tỏ điều này.
Có tên sát nhân nào võ công cao cường đến mức hạ sát hoặc đánh trọng thương một loạt cao thủ của nha môn? Có tên sát nhân nào đủ trí khôn nhận biết thậm chí lợi dụng ngay những cái bẫy do chính Lã Diệp Hàn bố trí?
Chỉ có Lã Diệp Hàn mà thôi.
Lã Diệp Hàn là Tà ma đồng thời cũng là người đã tổn hao tâm trí và công sức để lùng bắt Tà ma.
Một Lã Diệp Hàn làm tổng bộ khoái của Giang Kinh đầy chính nghĩa, và một Lã Diệp Hàn là hung thủ của các vụ án “ngón tay khăn máu”. Nếu kẻ thứ nhất bắt được kẻ thứ hai thì có thể chứng minh giá trị của Lã Diệp Hàn, sẽ để cho Đông Xưởng thấy hắn dù bị tống đi xa hắn vẫn phá được vụ án lớn. Nếu kẻ thứ hai tiếp tục xỏ mũi kẻ thứ nhất thì vẫn có thể chứng minh rằng, dù hắn có rớt xuống làm kẻ đồi bại thì hắn vẫn khiến cao thủ hàng đầu của Đông Xưởng phải bó tay.
Một thân xác ngày càng già đi lại chứa hai tên Lã Diệp Hàn khác nhau, khiến Mạc Tông Trạch không sao ngờ được.
Thích phu nhân giả, là một diệu kế. Mạc Tông Trạch càng không ngờ thừa lúc anh canh chừng ngoài ngôi nhà nhỏ thì Lã Diệp Hàn đã lẻn đến Mạc phủ của anh. Mạc phu nhân đáng thương, thấy tổng bộ khoái Giang Kinh đồng nghiệp của chồng đến, cứ ngỡ là chồng mình gặp nạn khi làm nhiệm vụ, ben mở của ra thì bị đâm luôn, thiết bị, ám khí và võ công tuyệt kỹ đều bất lực. Khi Mạc Tông Trạch chạy về nàh, nhìn thấy xác vợ, mới hiểu ra tất cả, mới vỡ lẽ tại sao Lã Diệp Hàn lại nói coi chừng vợ anh là nạn nhân tiếp theo.
Vì đây vốn là mưu toan của Lã Diệp Hàn! Một kế hoạch rất tinh vi. Chẳng qua, Lã Diệp Hàn chính trực và Lã Diệp Hàn tà ma dùng chung một cái đầu và một tâm trí, lúc hoang mang lú lẫn đã nói ra “thiên cơ”.
Nhìn cái nhẫn ngọc đen, Mạc Tông Trạch nước mắt như mưa, nhưng rồi anh vẫn không bóp cái nhẫn để kết liễu đời mình. Anh biết, Lã Diệp Hàn toi đời thì vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ chấm dứt, anh còn trẻ, sự nghiệp của anh đã lên đến đỉnh cao. Nay mai anh sẽ trở thành một tổng bộ khoái trẻ nhất của Đại Minh, tuy đã phải trả giá nặng nề.
Còn Thích phu nhân giả? Khỏi nói cũng biết chắc chắn cô gái ấy đã chết bởi tay hung thủ Lã Diệp Hàn. Ít lâu nữa sẽ phát hiện ra xác cô và chắc chắn cái xác đã mất một ngón tay.
Một tháng sau, Mạc Tông Trạch chính thức nhậm chức tổng bộ khoái phủ Giang Kinh. Tổng binh đích thân mở tiệc, toàn thể bộ khoái của địa phương đều đến nâng cốc chúc mừng, cáo biệt cựu tồng bộ khoái trầm uất nát rượu, nghênh đón tân tổng bộ khoái trẻ trung mạnh mẽ. Các đồng nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Việc Lã Diệp Hàn là hung thủ vụ án “ngón tay khăn máu” đã trở thành một bí mật. Tri phủ, tổng binh và cả Mạc Tông Trạch đều không muốn người đời biết rõ sự thật vì như thế sẽ càng chứng tỏ sự bất lực của đám quan lại ở Giang Kinh, càng khiến cho dân chúng ngán ngẩm bọn quan phụ mẫu chỉ giỏi vơ vét cho đầy túi tham, và cũng khó ăn khó nói với gia đình nhạc phụ Mạc Tông Trạch ở kinh thành xa xôi. Cho nên họ loan tin Lã Diệp Hàn tử trận khi đấu kiếm với Tà ma, Mạc phu nhân cùng chồng kề vai chiến đấu, nàng cũng bất hạnh hy sinh, cuối cùng Mạc Tông Trạch giết được Tà ma, ném xác y xuống sông. Cuộc chiến ấy vô cùng ác liệt, nhanh chóng trở thành câu chuyện ly kì trong dân gian.
Sự thật, chỉ có Mạc Tông Trạch, tri phủ và tổng binh biết.
Ít ra là Mạc Tông Trạch cho là thế.
Cho đến tối hôm nay.
Trên bữa tiệc tối nay, Mạc Tông Trạch uống hơi nhiều. Sau khi vợ chết, Mạc Tông Trạch bắt đầu kết duyên với rượu, bắt đầu trải nghiệm cảm giác bên mình luôn giắt be rượu như Lã Diệp Hàn. Các ca kỹ xinh đẹp yêu kiều bồi tửu luo6nm liếc mắt đưa tình, nói năng khiêu gợi, da thịt đụng chạm nhưng Mạc Tông Trạch chẳng hề hứng thú, anh chỉ muốn uống cho thật say.
Dang lúc tửu hứng dâng trào, một tên hầu của phủ tổng binh tay bưng một cái hộp vội vã bước đến bên Mạc Tông Trạch, thưa, “Mạc đại nhân, vừa nãy có người cầm đến hộp lễ vật, nói rằng phải đưa đến để đại nhân tự tay mở ra.”
Mạc Tông Trạch cười nhạt, “Ai mà chu đáo thế? Nếu là tri phủ hoặc tổng binh dặn dò thì ta vâng lời ngay, nếu là ai khác nói, thì tạm đặt nó sang bên, ta đem về, lúc nào rỗi sẽ xem.”
Tên hầu lại thưa, “Người đưa lễ vật nói, nếu đại hân không mở ra xem ngay, e rằng sẽ gặp đại họa mất mạng.”
Lúc này tổng binh cũng đã nhìn vào cái hộp quà.
“Làm gì có chuyện đó!” Mạc Tông Trạch tức giận. “Ngươi câm mồm đi! Xin tổng binh bỏ quá cho, tôi đã nặng lời với gia đinh nhà đại nhân, nhưng nghe đấy... hắn...”
Tổng binh nói, “Kẻ hầu của ta quá thất lễ... nhưng thiết nghĩ cứ mở xem thì cũng chẳng sao. Không vì câu nói dọa dẫm của người đưa quà thì cũng giải tỏa lòng tò mò...”
Mạc Tông Trạch khó mà từ chối, đành “Vâng” rồi cầm lấy cái hộp. Bên trên không ghi họ tên người gửi. Lạ thật! Anh đặt hộp lên bàn, bảo mọi người tránh ra, rồi đập một trưởng vào cái hộp.
Mảnh lụa bọc ngoài bung ra, hộp gỗ mỏng bật nắp, bên trong chỉ có một cái hộp nhỏ làm bằng trúc. Không có ám khí, không có thuốc nổ. Mọi người đều thở phào. Nhưng Mạc Tông Trạch lại cau mày. Anh đã từng nhìn thấy cái hộp này hoặc một cái hộp tương tự, đựng ngón tay của vợ anh.
Trong hộp trúc cũng có một ngón tay.
Tất cả mọi người rú lên kinh hãi.
Nhìn kỹ ngón tay một lúc, Mạc Tông Trạch lẳng lặng sải bước ra khỏi đại sảnh. Vài bộ khoái già dặn hiểu ý cũng nhanh chân đi theo Mạc Tông Trạch. Trong ngôi nhà gác nhỏ bên sông, xác “Thích phu nhân” đặt trên giường trải đệm thêu, đã bị băm nát nhừ, không ai nỡ nhìn. Pháp y nhìn xác đoán rằng cô ta bị giết chỉ cách đây hai canh giờ.
Mất ngón tay trỏ. Mạc Tông Trạch choáng cả người, suy đoán của anh trước đây là sai!
“Tà ma” thực sự, không phải là Lã Diệp Hàn!
Mạc Tông Trạch bỗng hiểu ra, Lã Diệp Hàn trải nhiều năm truy nã Tà ma, ông ta đã thâm nhập quá sâu, tìm hiểu Tà ma quá tỉ mỉ, thuộc lòng nhất cử nhất động của Tà ma, rốt cuộc đã vô tình mô phỏng Tà ma rồi bắt đầu tự thực hiện vụ án “chặt ngón tay”. Đêm hôm đó Lã Diệp Hàn lén đi giết Mạc phu nhân, còn hung thủ thực sự thì nhân lúc Lã Diệp Hàn vắng mặt đã xông vào đoạt Thi1chc phu nhân đem đi cho đến hôm nay, chờ khi Mạc Tông Trạch vừa được thăng chức thì y gửi “hậu lễ” đến tặng!
Chẳng khác gì tuyên bố, Lã Diệp Hàn đã thất bại thảm hại, từ nay là cuộc quyết đấu giữa Tà ma và Mạc Tông Trạch.
Sau khi tạm nguôi cơn cuồng nộ, Mạc Tông Trạch cười khẩy, được lắm, cuộc chiến này bắt đầu từ hôm nay. Ta sẽ tiếp ngươi đến cùng.
Đọc xong câu chuyện Na Lan hít vào một hơi lạnh.
Trong ngôi nhà nhỏ cách Sở Công an không xa, có một người cũng vừa đạoc xong câu chuyện này, rồi thở dài gấp cuốn Không dũ tùy đàm lại. Đây là cuốn sách tập hợp các truyện ký thời Minh-Thanh, trong đó có đủ thứ chuyện xảy ra ở vùng Giang Kinh. Người ấy lấy làm lạ tại sao trước đây mình không biết về cuốn sách này, chỉ vì nghe nói Na Lan tìm thấy cuốn sách trong cái hố mà Mễ Trị Văn hồi nhỏ đã đào, nên mới nhờ người đi tìm ở thị trường sách cũ, bỏ ra hơn tám ngàn đồng để mua được bản in năm thứ 3 đời vua Quang Tự. Người ấy rất mê đọc cổ văn, đọc cổ văn nhanh như đọc văn hiện đại, cho nên đã đọc xong ngay câu chuyện Lã công thất tiết hết sức li kỳ và cuốn hút này. Đọc đi đọc lại mấy lần, mỗi lần đọc lại, dường như lại có thêm điều tâm đắc.
Tiếc rằng, rốt cuộc nó vẫn là tiểu thuyết... Hay cải biên từ sự kiện có thật, ai mà biết được? Chưa chừng chuyện này có thật cũng nên. Tàn bạo sát ahi5 phụ nũ, rối chặt ngón tay, bây giờ vẫn đang xảy ra đấy thôi? Xảy ra ngay tại thành phố Giang Kinh.
Điều này, mình biết rất rõ.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp