Khoảng thời gian tăm tối đó thoáng tái hiện trước mặt Vu Bác Văn như một dòng nước chảy lững lờ. Ông nghĩ tới cuộc sống vất vả khi đó, ông thân là một sinh viên công nông binh thời kỳ cách mạng văn hóa, được phân về làm việc hành chính trong một công ty xây dựng tồi tàn ở Bắc Kinh. Vì muốn ở bên ông, Liễu Thanh đã bỏ qua cơ hội được làm giáo viên ở Thượng Hải mà lựa chọn công tác tại một bệnh viện bình thường ở Bắc Kinh, bà làm nha sĩ ở đó. Lúc thầy cô giáo ông tiễn hai vợ chồng họ rời khỏi Thượng Hải đã nắm chặt tay Vu Bác Văn, nghiêm túc dặn dò: “Bác Văn, thầy cô giao Thanh Thanh cho em, em phải che chở, bảo vệ nó suốt đời nhé!”
Trước mặt bố mẹ vợ, Vu Bác Văn gật đầu chắc nịch, ông nhìn Liễu Thanh cùng mỉm cười, cảnh tượng này mãi mãi đã trở thành câu chuyện xưa cũ.
Làm việc được hai năm, đó là những ngày tuy đói khổ nhưng rất vui vẻ, là khoảng thời gian hạnh phúc mà Vu Bác Văn mãi mãi khắc ghi. Không có nhà, hai người đều ở ký túc xá của đơn vị mình, đến cuối tuần mới có thể tranh thủ thời gian không có đồng nghiệp khác trong phòng mà gần gũi thân mật, đến khi Liễu Thanh mang thai, hai bên đơn vị cũng không thể phân cho họ một khoảng trời thuộc riêng về lứa đôi.
Dưới tình hình đó, Vu Bác Văn quyết định từ chức, ông muốn cho Liễu Thanh và đứa con sau này một căn nhà có thể che nắng che mưa và cuộc sống ngày càng đủ đầy. Theo tình hình kinh tế dần mở rộng hơn, ông lợi dụng quan hệ của chị gái Vu Nhã Cầm ở cục đường sắt mà hợp tác với mấy người bạn cùng buôn bán hàng hóa trên toa trần. Mấy lần đầu tiên rất thuận lợi, tiền lãi kiếm được nhiều. Nhưng đến ngựa còn có thể bị sảy chân, huống hồ con người. Đêm trước khi Trần Lãng ra đời, chính quyền quyết định trừng trị thẳng tay, lần này một toa xe chất đầy sắt thép, vật liệu xây dựng mà Vu Bác Văn vận chuyển từ Đông Bắc về bị triệt phá, Vu Bác Văn kẹt lại trong tay cảnh sát đường sắt.
Vu Nhã Cầm tìm mọi cách xoay xở, một bên thì lật đật tìm người quen, tìm mối quan hệ để cứu em trai khỏi cảnh tù tội, một bên thì em dâu khó sinh, chảy máu nhiều nên chỉ cứu được đứa con, người mẹ không qua khỏi, bà chẳng biết phải làm thế nào mới trao được đứa trẻ cho Vu Bác Văn. Chịu bao khổ sở, Vu Nhã Cầm nuôi đứa trẻ đến khi nó được một tuổi, trông thấy cặp má mũm mĩm, phính phính, đường nét tinh tế chẳng khác nào mẹ đẻ Liễu Thanh của nó. Một đứa bé xinh xắn đáng yêu nhường đó, lúc chập chững tập đi thường nhào vào lòng bà, bi bô gọi “mẹ ơi” khiến trái tim Vu Nhã Cầm – người phụ nữ mãi mà vẫn chưa có thai mềm hẳn, bà liền giữ đứa trẻ lại bên mình.
Khó khăn lắm Vu Bác Văn mới được thả ra. Ông thuê một căn nhà nhỏ, vốn có ý định đưa Trần Lãng tới đó ở nhưng Trần Lãng bé nhỏ kiên định không gì sánh được, không chịu đi theo Vu Bác Văn mặt đầy râu ria. Hễ Vu Bác Văn nhắc tới việc sẽ đưa Trần Lãng đi, cô liền níu chặt tay áo Vu Nhã Cầm gào khóc khản giọng. Có lần, Vu Nhã cầm lừa gạt đưa Trần Lãng tới nhà Vu Bác Văn rồi chính mình lặng lẽ trở về, thấp thỏm bất an, bà giữ kín chuyện không dám nói với Trần Lập Hải. Chịu đựng đến nửa đêm thì bị Vu Bác Văn đập cửa gọi dậy, ông ôm chặt Trần Lãng đang khóc đến mặt mũi tím tái, hơi thở bất ổn trong lòng. Vu Bác Văn buồn rầu nói: Nếu không đưa Trần Lãng về đây thì nó sẽ khóc đến chết mất! Suy cho cùng vẫn chỉ là đứa trẻ hơn một tuổi, Trần Lãng khóc đến hai mắt sưng húp, vừa nhìn thấy Vu Nhã Cầm liền nhoài người về phía bà, giang rộng hai tay, yếu ớt kêu gào: “Mẹ, mẹ, bế con!”
Tất cả mọi người đều không nỡ.
Cứ thế, Trần Lãng chính thức trở thành con gái của Trần Lập Hải và Vu Nhã Cầm. Vốn dĩ, các bậc bề trên định để Trần Lãng lớn thêm chút nữa sẽ nói sự thật cho cô nhưng cuối cùng Vu Nhã Cầm cũng có thai. Sau khi sinh Trần Tụng, Vu Bác Văn dần thay đổi cách nghĩ, ông dùng tiền lời kiếm được sau chuyến hàng đầu tiên tự mở công ty, hàng ngày bận rộn bù đầu, thỉnh thoảng rảnh rỗi thì thấy cảnh Trần Lãng năm tuổi và Trần Tụng một tuổi thân thiết cùng đùa nghịch trong phòng liền cảm thấy hạnh phúc, an ổn hơn bao giờ hết. Ông hạ quyết tâm, nói với chị gái Vu Nhã Cầm: “Chị à, cứ để như vậy đi, cuộc sống có đủ cả bố lẫn mẹ là tốt nhất cho Lãng Lãng!”
Đương nhiên, Vu Nhã Cầm và Trần Lập Hải không có ý kiến, Lãng Lãng là đứa trẻ do chính tay họ nuôi dưỡng, hoàn toàn không cách nào dứt bỏ, sớm coi cô như con đẻ mình. Thực chất, Vu Bác Văn không ngờ ông bà ngoại của Trần Lãng cũng ủng hộ quyết định này, lý do của họ rất đơn giản: “Bác Văn à, sớm muộn con cũng kết hôn sinh con, công việc lại bận bịu như thế nên không thể toàn tâm toàn ý chăm sóc nó được. Dù sao mọi người đều là người một nhà, duy trì tình trạng như hiện nay chính là thích hợp nhất với con bé!”
Sau khi Trần Lãng vào tiểu học, cô cởi mở hoạt bát, tan học thì kéo theo cái đuôi sau lưng là Trần Tụng, vui vẻ phấn khởi về nhà. Hiển nhiên, cô đã sớm quên lãng đủ loại hành vi vĩ đại như kêu gào khản giọng hồi bé, vô cùng thân thiết với ông cậu thi thoảng mới về nhà một lần, thông minh, có tài. Chỉ những lúc ấy, Vu Bác Văn mới mỉm cười trong lòng: “Chỉ cần Lãng Lãng thấy vui, mình sao cũng được.”
Sau khi Liễu Thanh qua đời, Vu Bác Văn luôn sống một mình. Mãi đến khi Trần Lãng tốt nghiệp cấp ba, thi vào đại học, không ngờ cô nghe theo lời khuyên của Vu Bác Văn chọn học chuyên ngành nha khoa. Bấy giờ, Vu Bác Văn mới dần sống chung với bạn gái, đồng thời chuyển hướng sự nghiệp của mình tới điều trị nha khoa, ra sức phát triển, mở một chuỗi các chi nhánh của nha khoa Bác Văn. Sau đó nữa, Vu Bác Văn kết hôn sinh con nhưng xuất phát từ một suy nghĩ nào đó, ông đưa vợ con di dân sang Canada. Vốn dĩ, Vu Bác Văn luôn lặng lẽ chờ đợi một ngày sẽ giao nha khoa Bác Văn cho Trần Lãng, ông có thể rảnh rang, tự do tự tại đến dưỡng lão, sống cùng gia đình ở Canada. Có điều, người tính không bằng trời tính, một hai tháng nay ông bỗng nhiên cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều nên đành phải thay đổi kế hoạch, cố gắng đẩy nhanh, xúc tiến công việc mau lẹ.
Cảnh tượng tiếp theo rất hỗn loạn, Vu Nhã Cầm và Trần Lập Hải vây quanh Trần Lãng nói mãi không thôi, còn Vu Bác Văn thì im lặng không lên tiếng ngồi đờ người bên cạnh, thật lâu sau mới cất tiếng: “Chị, anh rể, em muốn nói chuyện riêng với Lãng Lãng!”
Vu Nhã Cầm và Trần Lập Hải nhìn nhau cùng tỏ vẻ đồng tình, Vu Nhã Cầm nói: “Vậy hai cậu cháu nói chuyện đi, anh chị ra ngoài trước!”
Vu Bác Văn lắc đầu: “Không cần, em đưa cháu ra ngoài!”
Tuy trong lòng Trần Lãng có đôi chút không muốn lắm nhưng vẫn theo Vu Bác Văn rời khỏi nhà, mãi đến khi chiếc Audi của Vu Bác Văn lướt nhanh trên đường vành đai bốn ở phía Tây, lòng cô mới thoáng hiểu được chút ít nhưng vẫn hỏi Vu Bác Văn vẫn im lặng không nói gì từ nãy đến giờ: “Cậu định đi đâu?”
Vu Bác Văn chưa bao giờ có cảm giác như hôm nay, tiếng “cậu” đó quả chói tai vô cùng, ông đưa mắt nhìn Trần Lãng: “Con đã biết hết rồi mà vẫn gọi bố là cậu ư?”
Trần Lãng nhìn sắc trời đang tối dần đi ngoài cửa sổ xe, từng chiếc cột điện đều bị chiếc Audi này bỏ rơi phía sau, không khỏi thấy hậm hực, thật lâu sau mới nói: “Đã quen rồi, chỉ trong một chốc lát thì có lẽ cháu chưa sửa được!”
Vu Bác Văn va phải cây đinh mềm, ông không nói năng gì, ngẫm nghĩ hồi lâu mới bảo: “Bố dẫn con đến chỗ mẹ, để mẹ ngắm con!”
Trần Lãng thò đầu ra khỏi cửa xe, cô thật sự không muốn để Vu Bác Văn trông thấy giọt nước mắt lưng tròng trong mắt mình. Trước khi rời khỏi Bắc Kinh đến Hong Kong học, cô đã khéo léo hỏi thăm Vu Nhã Cầm và biết xương cốt của Liễu Thanh được an táng ở nghĩa trang công cộng Phúc Điền dưới chân núi phía Tây. Một mình cô tìm quanh quẩn rất lâu trong nghĩa trang rộng lớn, cuối cùng phải nhờ tới sự giúp đỡ của nhân viên ở đó mới tìm được bia mộ có khắc tên Liễu Thanh. Vu Bác Văn nhất định đã từng tu sửa lại, ngôi mộ của Liễu Thanh đẹp đẽ, đàng hoàng, lặng lẽ núp sau màu xanh mướt của vô số cây đào, ngôi mộ theo phong cách cổ kính lịch thiệp, tao nhã. Trên bia mộ khắc một bức ảnh của Liễu Thanh, nụ cười tươi tắn như hoa y hệt Trần Lãng bây giờ, phía dưới khắc một bài cổ từ[1] vô danh: “Hạo hạo sầu, mang mang kiếp; đoản ca chung, minh nguyệt khuyết; úc úc giai thành, trung hữu bích huyết. Bích diệc hữu thì tẫn, huyết diệc hữu thì diệt, nhất lũ hương hồn vô đoạn tuyệt. Thị da? Phi da? Hóa vi hồ điệp.”[2]. Đọc xong lòng Trần Lãng chua xót, nước mắt thi nhau trào ra. Phía dưới là những câu thường gặp, khẳng định tất cả phán đoán của Trần Lãng, vì trên đó viết: Ái thê Liễu Thanh an nghỉ nơi này, Vu Bác Văn nắm tay con gái Lãng Lãng, ngày ngày thương nhớ, luôn luôn tưởng niệm.
[1] Từ, tên gọi khác là trường đoản cú, là thể loại văn vần thời Đường, Tống
[2] Dịch nghĩa: Buồn mênh mang, cướp mênh mang; trong bài đoản ca, vầng trăng khuyết; nghĩa trang xanh ngắt, có giọt máu đào bên trong. Màu xanh cũng có điểm cuối, máu cũng có lúc cạn nhưng hương khói là bất tận. Là đúng, là sai đều hóa thành bươm bướm
Tuy Vu Bác Văn vẫn tập trung lái xe nhưng thừa biết Trần Lãng đang ngoảnh mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, cô luôn im lặng, ông bèn hỏi: “Nghĩ gì vậy? Lãng Lãng?”
Trần Lãng quay lưng về phía Vu Bác Văn, mắt mở to, không dám chớp mắt vì cô sợ chỉ cần mình khẽ chớp nhẹ một cái thì những giọt lệ vòng quanh trong mắt lúc này sẽ không kiềm được mà rơi xuống. Nửa ngày sau mới bảo: “Trời tối rồi, có lẽ nghĩa trang đã đóng cửa?”
Vu Bác Văn thoáng nghe thấy giọng mũi trong lời nói của Trần Lãng, không khỏi đưa mắt liếc nhìn bóng lưng cô, đúng lúc bắt gặp hành động giơ tay phải lên lau mặt của Trần Lãng liền với tay đưa cho cô một hộp khăn giấy: “Cho con cái này nè!”
Trần Lãng thoáng giật mình, tuy không muốn lắm nhưng vẫn nhận. Tai cô nghe thấy Vu Bác Văn bình thản nói: “Yên tâm, bố có kinh nghiệm rồi, thời gian này, nghĩa trang vẫn mở cho người ngoài, chưa đóng cửa đâu!”
Trần Lãng thoáng kinh ngạc, thở dài khe khẽ trong lòng.