Tình Yêu Đau Đớn Thế
Chương 17
Rõ ràng sáng nay, vì Đường Du vừa mới phá thai xong, Thang Dĩnh sợ cô lạnh nên cố ý chỉnh nhiệt độ điều hòa lên mấy độ, nhưng Đường Du vẫn thấy lòng mình tê tái, toàn thân run lẩy bẩy, trái tim như bị bóp nghẹt, đau đến ngộp thở, cảm giác như trời đất đang xoay vần. Sau khi phá thai, cơ thể cô yếu ớt hơn, mấy hôm nay lại không ăn uống gì, tay cô run run, lá thư tuột khỏi tay, chới với bay xuống gầm giường, toan nhặt lên, nhưng vừa mới cử động, toàn bộ xấp ảnh trên chăn liền rơi xuống nền nhà. Theo phản xạ, cô bước xuống giường nhặt, không ngờ, chân vừa mới chạm đất, cơ thể đã mềm nhũn rồi cả người đổ nhào xuống. Tiếng động rất lớn, hiện giờ trong phòng lại chẳng có ai, Tôn Văn Tấn lập tc chạy vào. Cô gượng đứng dậy, tóc tai rối bù che khuất nửa khuôn mặt. Tôn Văn Tấn chau mày, nhanh nhẹn chạy đến bên toan đỡ cô dậy, không ngờ cô bỗng quát lớn: “Đừng đụng vào tôi”.
Gã mặc kệ, nhưng khi tay vừa chạm đến người cô, cô lăn lộn hòng tránh đôi tay gã, lúc này, người cô va phải cái giá bằng hợp kim bên cạnh, mấy chiếc bình giữ nhiệt lắc lư rồi rơi xuống, nước canh văng đầy nền nhà, giờ gã mới nhìn thấy những bức ảnh rơi la liệt trên thảm.
Bỗng chốc, cả căn phòng trở nên yên ắng, Tôn Văn Tấn chỉ nghe thấy tiếng nhịp tim mình đang đập thình thịch. Rất lâu sau, gã mới dám ngẩng lên nhìn cô. Đường Du dựa người vào chiếc tủ, sắc mặt tái xanh, mái tóc dài rối bù như vừa bị một cơn gió lớn thổi tung, cô hoàn toàn kiệt sức. Cô lạnh lùng nhìn gã, đôi mắt mở to rơm rớm, tủi thân, tuyệt vọng, tổn thương, bao cảm xúc đan xen. Tôn Văn Tấn chợt nhớ lại ngày cô bị Tô Nhiêu đẩy ngã xuống cầu thang, tuy bị gãy chân nhưng cô vẫn gắng gượng đứng dậy, chân vừa chạm đất lại ngã sụp xuống. Cô bất chấp mọi đau đớn để cố đứng dậy, đau đến nhăn nhó mặt mày nhưng vẫn không ngừng gọi tên Tô Nhiêu, muốn xin Tô Nhiêu tha thứ cho mình.
Đầu gã ong ong, như thể có thứ gì đó vừa đổ sập xuống tận đáy lòng, gã đứng như trời trồng, không dám đến gần cô.
Cô vẫn nhìn gã, giữ một khoảng cách cố định, răng cắn chặt môi, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Cô đưa tay lên lau, nhưng càng lau, nước mắt lại càng nhiều. Cô không muốn khóc, nhưng chẳng thể nào kìm nén được nên đành mặc kệ. Cô vẫn nhìn gã như thế, ánh mắt mang theo bao tủi hờn, nhìn không hề chớp, như thể muốn nhìn thấu con người gã.
Nhưng một lát sau, gã ngẩng đầu đối diện với cái nhìn của cô, ánh mắt gã vô cùng thản nhiên và không hề lảng tránh, dường như gã cũng đã thừa nhận rất nhiều thứ khác, không chỉ là những tấm ảnh trên nền nhà, gã nhìn thẳng cô như chờ đợi sự phán quyết.
Miệng cô mếu máo, đôi môi run run, cơ hồ đang nén nhịn cực độ, nhưng người cô cứ run lên bần bật, mặt cô đỏ gay, nước mắt tuôn trào như thác lũ. Nhớ lần ở sân bay Quế Lâm, qua cánh cửa kính, cô nhìn thấy gã từ bên trong đi ra, sắc mặt tiều tụy, mệt mỏi, râu chưa cạo, đen đen một vùng ở cằm, ánh mắt gã nhìn cô lúc ấy chan chứa niềm thương yêu và sự hờn tủi, vừa gặp đã ôm chầm lấy cô. Nhưng giờ đây, gã như đứa trẻ bị bắt quả tang, bất cần, cũng không tự bào chữa, cứ lặng lẽ chờ cô phán quyết. Lòng cô quặn lại, nước mắt tuôn trào, trái tim vỡ vụn, bao nhiêu hồi ức, bao nhiêu kỷ niệm, tất cả đều không đủ sức thắng ánh mắt bình thản của con người này, mọi thứ hoàn toàn sụp đổ.
Hờn tủi, tuyệt vọng, tổn thương, tan nát cõi lòng, tất cả như tan biến theo dòng lệ lạnh băng, cứ thế tuôn rơi...
Tôn Văn Tấn vẫn đứng yên, gã nhìn cô, giọng bất lực: “Anh xin lỗi.”
Xin lỗi về điều gì? Xin lỗi vì không muốn giữ cái thai, ép cô phải bỏ con mình? Hay xin lỗi vì đã lừa dối cô bấy lâu nay? Nhưng gã có coi cô là gì, đối xử tốt với cô chỉ là vì cô giống với người ta, cô có là gì đâu, chẳng là gì cả. Cô không có người thân, cũng chẳng có bạn bè, không xuất sắc, cũng chẳng lợi hại, thậm chí còn đầy khiếm khuyết. Trước khi gặp gã, cô chưa từng nghĩ sẽ mạo hiểm vì một tình yêu vĩnh hằng bởi chính cuộc đời của mẹ đã dạy cô, khiến cô phải đơn độc, không nơi nương tựa trong ngần ấy năm trời, nhưng cô vẫn chịu đựng được. Lần trước, cô ngỡ mình mắc bệnh nan y, chỉ muốn tìm một nơi yên ả để thanh thản nằm xuống. Tai ương khổ ải ông trời đày, cô cũng chẳng sợ, ngay cả trước cái chết, cô cũng không chùn bước. Nhưng tại sao, gã lại tìm được cô, cho cô nhiều thế để cuối cùng, cái gọi là tình yêu, cái tưởng chừng là mãi mãi không xa rời ấy lại sự ngộ nhận.
Không sao nén được những dòng nước mắt, bỗng cô thấy ghét bản thân mình, như thể ý nghĩ ấy vừa mới vụt đến. Cô vịn tay vào tủ đứng lên, như không hề trông thấy gã, cô vòng qua rồi đi ra ngoài cửa. Dù thế nào đi nữa, cô cũng phải giữ lại cho mình chút tự trọng cuối cùng.
Cô vừa toan đi đã bị gã ngăn lại. Ánh mắt cô lạnh lùng nhìn gã, “Tránh ra.”
Khóe mắt Tôn Văn Tấn đỏ ngầu, giọng khàn khàn, “Em muốn đi đâu?”
“Tôi đi đâu, không cần anh quan tâm, anh tránh ra.”
Gã không nói gì nhưng cũng không tránh đường. Cô đi vòng qua, cánh tay cô bị gã kéo lại, nước mắt tuôn ra mau hơn. Cô ngoảnh đầu nhìn gã, giọt lệ tràn trong mắt, giọng run run: “Buông ra.” Như thể nếu gã không buông, cô sẽ chẳng thể kiên trì hơn được nữa.
Bộ dạng của cô khiến gã run tay, nhân lúc ấy, cô vùng thoát khỏi gã rồi chạy ra ngoài.
Tôn Văn Tấn nhanh nhẹn phản ứng, chỉ vài bước đã đuổi kịp, gã nắm chặt khuỷu tay cô, sắc mặt trở nên lạnh lùng, “Em không được khỏe, đừng làm liều.”
Gã nắm rất chặt, cô không sao vùng thoát được, vừa khóc lóc, vừa gào thét, tay đấm chân đá, mọi vẻ xác xơ khốn khổ đều phơi bày. Tay gã tựa như gọng kìm, kẹp chặt cả cơ thể cô vào lòng, không còn cách nào khác, cô đành ngồi sụp xuống, bất lực gào khóc trong lòng gã: “Tôn Văn Tấn, cầu xin anh hãy buông tôi ra.”
Thẩm Tử Tịnh vừa từ trong thang máy bước ra, chị giật mình khi nghe thấy tiếng kêu khóc đầy tuyệt vọng của Đường Du. Kể từ khi quen biết đến nay, Đường Du luôn tỏ ra lạnh lùng, lãnh đạm, chị chưa từng thấy cô tuyệt vọng cầu xin thế này bao giờ, chị vội rảo bước qua. Tôn Văn Tấn vẫn ôm ghì cô trong lòng, có thể do vùng vẫy mạnh, tóc cô lòa xòa trên mặt, nước mắt đầm đìa, cặp mắt sưng húp, dáng vẻ vô cùng đáng thương.
Tôn Văn Tấn hạ giọng dỗ dành, “Tiểu Du, giờ em không được khỏe, hãy nghe anh, sau này em muốn gì, không cản.”
Cô mím chặt môi mà tiếng khóc vẫn vỡ òa, thôi không giãy giụa nữa.
Thẩm Tử Tịnh không biết giữa hai người đã xảy ra chuyện gì nên không dám vào khuyên can. Khi Tôn Văn Tấn ngoảnh đầu lại nhìn thấy chị, Tử Tịnh mới tiến lại đỡ Đường Du, giọng nhẹ nhàng an ủi, thấy Đường Du đã bình tĩnh lại, chị nháy mắt ra hiệu Tôn Văn Tấn đi chỗ khác. Tôn Văn Tấn đi rồi, chị dìu Đường Du vào phòng, đưa lên giường rồi kê gối đắp chăn gọn gàng. Lúc này Thẩm Tử Tịnh mới để ý đến những tấm ảnh la liệt đầy phòng, chị nhặt lên xem, thấy đầu ong ong, giờ mới vỡ lẽ. Chị lo lắng nhìn Đường Du, mặt cô đỏ gay, nước mắt đẫm gối, cả con người như không còn chút sinh khí. Việc này xem ra nghiêm trọng hơn lần trước nhiều.
Thẩm Tử Tịnh thở dài, đưa tay ra nắm tay cô, “Tiểu Du...” toan nói mà không biết nói gì tiếp, chị cứ ấp úng.
Lúc này, Đường Du bỗng nắm tay chị, nghẹn ngào, “Chị Tử Tịnh, hãy để em đi, em không thể ở đây thêm một phút nào nữa.”
Đường Du thấy tuyệt vọng vô cùng, cô không ngừng cầu xin Thẩm Tử Tịnh, nước mắt tựa chuỗi hạt cườm bị đứt dây, lã chã rơi xuống. Thẩm Tử Tịnh không cầm lòng được, chị nghĩ để cô thay đổi môi trường cũng tốt, nên nói: “Hay em đến nhà chị, như vậy cũng tiện cho chị chăm sóc em.”
Đường Du lắc đầu liên tục, “Không, không.” Cô hận là mình đã không thể biến mất ngay trước mặt Tôn Văn Tấn, ở nhà Thẩm Tử Tịnh có khác gì so với ở đây.
Thẩm Tử Tịnh thấy khó xử, nói “Vậy em muốn đi đâu? Giờ em không được khỏe, đừng liều lĩnh.”
Đường Du thấy giọng của Thẩm Tử Tịnh đã mềm mỏng hơn, tia hy vọng chợt le lói, không kịp suy nghĩ, cô nói ngay: “Chị gọi điện thoại cho Lý Văn giùm em, em muốn đến chỗ cô ấy.”
Tử Tịnh suy nghĩ, trong tình hình này, muốn có chuyển biến, giữa họ cần một khoảng thời gian để bình tĩnh lại, cùng lắm là tìm một người đến chăm sóc cho cô, vì vậy liền đáp: “Được, chị sẽ nói với Văn Tấn, nhưng em phải hứa đừng quá kích động, tuyệt đối không được làm liề
Đường Du vội gật đầu đồng ý.
Lý Văn mới rời khỏi chỗ Đường Du, vừa đặt chân đến tầng một của công ty hôm nay hẹn phỏng vấn thì nhận được điện thoại của Thẩm Tử Tịnh. Nghe chị kể lại đại khái sự việc, cô lập tức đồng ý qua đón Đường Du ngay, bỏ cuộc phỏng vấn đã hẹn.
Lý Văn thuê chung nhà với một cô gái khác, do người đó vừa bỏ việc, hơn nữa chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết nên đã về quê, vừa đúng còn một phòng trống. Sau khi thu xếp cho Đường Du xong, cô định đi chợ. Trước khi về nhà, Thẩm Tử Tịnh đã dặn dò cô phải chăm sóc Đường Du cẩn thận, thậm chí còn lấy từ trong ví ra một xấp tiền, bắt Lý Văn phải cầm. Lý Văn chỉ biết rằng Đường Du mới bị sẩy thai, ngoài ra không biết gì hơn, nhìn sắc mặt của Đường Du, nghĩ cô mới làm phẫu thuật được mấy tháng nên cũng thấy thương. Trước đây, trong hộp đêm Loạn thế giai nhân, có rất nhiều chị em phá thai, đều do Lý Văn chăm sóc, lần này cô cố ý bắt xe đến một chợ xa tít để mua con gà mái tơ về hầm canh.
Có lẽ vì cảm động tấm lòng của Lý Văn, canh hầm xong, Đường Du miễn cưỡng uống vài thìa, nhưng vẫn không nói năng gì, chỉ ăn một ít rồi đi ngủ. Lý Văn nhìn thân hình bé nhỏ của cô co mình trong chăn, khuôn mặt nhỏ bằng lòng bàn tay nhợt nhạt, cũng không biết cô có đau không, trong lòng thấy buồn thương kỳ lạ, bất giác nhớ lại chuyện Chu Nhiễm tự sát.
Đến tối Lý Văn phải đến hộp đêm Loạn thế giai nhân làm nốt những ngày cuối, ban ngày cô ở nhà, khi Thẩm Tử Tịnh và Thang Dĩnh đến thăm, Đường Du đều không muốn gặp, không thấy tăm hơi của Tôn Văn Tấn đâu. Lý Văn lờ mờ đoán được giữa hai người đã xảy ra chuyện, nhưng cụ thể ra sao thì cô không biết, chỉ biết toàn tâm chăm sóc Đường Du.
Thoáng cái, một tuần đã trôi qua, Tôn Văn Tấn vẫn chưa xuất hiện. Đã gần đến trung tuần tháng Giêng, Lý Văn vốn định về nhà ăn Tết nên mới xin nghỉ làm sớm, thành phố B cũng giống như những nơi khác, càng gần Tết lại càng khó mua vé. Cô bỏ luôn ý định tìm việc, mà hỏi ý kiến Đường Du rồi nhờ bạn mua giúp hai vé đi miền Nam.
Nhà Lý Văn ở Quảng Tây, tuy là mùa đông, nhưng có mặt trời nên thời tiết vẫn rất ấm áp, non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình đã phần nào xua tan những u ám trong lòng người.
Người nhà Lý Văn đều rất thoải mái, nhiệt tình, gần đến ngày Tết nên cả nhà đều về đoàn tụ, ai cũng quan tâm đến Đường Du. Người anh họ của Lý Văn có một đứa con gái ba tuổi, trắng trẻo xinh xắn, cô bé là cục cưng của cả nhà, nó gọi Đường Du là “Dì xinh đẹp”, cô bé đặc biệt thích ăn bưởi. Một hôm, lúc Đường Du gọt bưởi cho nó, không cẩn thận nên bị con dao gọt hoa quả cứa vào tay, chảy máu. Con bé lập tức cứ ôm lấy tay Đường Du và không ngừng thổi thổi vào chỗ đau, vừa thổi vừa lo lắng hỏi xem cô có đau không, cứ như thể trên đời này không gì quý hơn ngón tay cô, Đường Du không sao cầm lòng được, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Con bé lại tưởng cô đau nên mới khóc, chẳng biết an ủi thế nào, cứ bối ra bối rối, đau đớn nhìn cô, hình ảnh này giống hệt Tôn Văn Tấn khi khó xử trước mặt cô, vì thế cô càng khóc thảm thiết hơn.
Trong cuộc đời, có một số người, ta không nên nhớ vì hễ nghĩ đến, quá khứ lại ùa về khiến trong lòng xáo động như thể có trăm ngàn con sóng cuộn dâng.
Ở Quảng Tây chưa đầy hai ngày, Đường Du bỗng nhận được điện thoại của thầy hướng dẫn, yêu cầu cô về trường gấp. Lúc này trường đã nghỉ đông, thầy hướng dẫn chỉ nói có việc, cần gặp trực tiếp, Đường Du đành đồng ý. Thực ra, nếu không nhận lời, cô cũng không thể ở nhà Lý Văn quá lâu, vì không khí gia đình cô quá ấm cúng, quá hạnh phúc, gợi cô nhớ đến rất nhiều chuyện. Sống một mình cũng đâu có sao, lâu rồi sẽ thành quen, nhưng giờ thì khác, sống trong nhà Lý Văn, cô sợ mình có thể khóc bất kỳ lúc nào. Vì cô đã dự định từ lâu, năm nay cô sẽ đón Tết cùng Tôn Văn Tấn, nhưng kết cục lại như thế này.
Ngày hôm sau cô đi tàu lên miền Bắc, khi đến phòng của thầy, trong phòng khách đã có hai sinh viên khác đang ngồi ở đó. Trông thấy cô, thầy liền nói: “Thật đúng lúc, Đường Du, em đến rồi, có việc này thầy muốn nói với các em.”
Thầy nói: “Là thế này, Bộ Giáo dục có chương trình hợp tác bồi dưỡng các sinh viên năm thứ ba với trường Lyons ở Pháp, hằng năm chúng tôi đều cử những sinh viên xuất sắc nhất sang Pháp du học. Năm nay khoa tiến cử ba em, giờ các em cần nhanh chóng chuẩn bị.” Dứt lời, thầy liền đưa cho mỗi người hai tờ đơn, “Trước hết phải điền vào đơn này, những vấn đề khác một lát nữa thầy sẽ nói hệ thống hơn.”
Mấy sinh viên nhìn nhau, không kịp phản ứng, vừa nhận được điện thoại triệu tập lên khoa, giờ lại bảo chuẩn bị đi du học Pháp, mọi việc với họ cứ như một giấc mơ.
Thầy giáo lại nói tiếpền nhanh lên, một tờ điền bằng tiếng Trung và một tờ điền bằng tiếng Pháp, điền luôn bây giờ, lát nữa thầy còn rất nhiều việc cần trao đổi.” Nói xong liền đưa bút để họ viết.
Một sinh viên nam nhận lấy chiếc bút rồi kê ngay lên chiếc bàn uống nước để điền, còn Đường Du và một sinh viên nữ khác cứ đứng đó nhìn nhau. Thấy vậy, thầy liền quay sang hỏi: “Sao? Vẫn chưa điền à?”
Sao lại không muốn đi, được học tập trong môi trường tiếng Pháp là ước mơ của tất cả sinh viên khoa tiếng Pháp, nhưng sự việc quá bất ngờ, khiến người ta cảm giác là không có thật, nhưng lại không biết nên hỏi gì. Nghe thầy nói thế, cả hai liền tìm chỗ ngồi xuống điền.
Sau khi điền đơn xong, thầy lại cầm một tờ lịch trình đã được in sẵn rồi dặn dò mọi người phải làm thủ tục và visa.
Trường của Đường Du, hằng năm có khoảng một phần ba số sinh viên tốt nghiệp có cơ hội đi nước ngoài. Trong các bảng thông báo của trường luôn có sẵn quy trình làm thủ tục đi du học, Diễn đàn trên mạng của trường cũng có giới thiệu chi tiết, vì tò mò nên Đường Du cũng đã tìm hiểu qua. Hoàn cảnh gia đình của hai sinh viên còn lại cũng bình thường, tuy chưa từng nghĩ đến việc đi du học, nhưng cũng biết được đôi chút, nên với một số việc thầy dặn, họ đều tỏ ra vô cùng quen thuộc.
Kế hoạch thầy đưa ra cho họ rất chu đáo, đợi thầy dặn dò xong, khi rời văn phòng khoa, hai sinh viên kia mới dám chắc đây đúng là sự thật, họ đều tỏ ra vui vẻ, bàn luận râm ran. Vì không học cùng lớp nên mọi người vội giới thiệu về mình. Chẳng mấy chốc, thậm chí Đường Du còn như bị bọn họ quên lãng, chủ đề chuyển sang các trường ở Pháp, do đã học tiếng Pháp được gần ba năm, trong lòng mọi người đều hướng về một nước Pháp lãng mạn, giờ giấc mơ đã trở thành hiện thực, không vui sao được.
Chỉ có điều, sau khi ba người chia tay, ra khỏi cánh cổng trường, Đường Du bỗng cảm thấy bâng khuâng, cô sắp được sang Pháp, không ngờ cô lại được trường cử đi du học.
Có lúc, rất nhiều chuyện, khi vừa mới bắt đầu đã giống như bước lên tấm băng chuyền, tự mình không điều khiển được, cũng chẳng tài nào dừng lại được, đợi đến khi dừng lại thật sự rồi mới phát hiện, hóa ra mọi thứ đều đã được an
Khi các sinh viên khác quay lại trường sau kỳ nghỉ đông, cả ba người đều đã nhận được chứng chỉ TEF, giấy báo nhập học bên Pháp, bảo lãnh chỗ ở, hộ chiếu, visa, ngày cuối cùng họ đến văn phòng khoa lấy vé máy bay. Niềm vui của hai người bạn đi cùng lên đến tột đỉnh, họ đã chuẩn bị trong gần ba tháng trời, ngày mai thôi, ước mơ sang Pháp sẽ trở thành hiện thực, không hưng phấn sao được. Thầy chủ nhiệm khoa và thầy hướng dẫn đều có mặt, chủ nhiệm khoa chân thành nói: “Hoàn cảnh gia đình của cả ba em đều khó khăn, nhưng đều là sinh viên xuất sắc được khoa tuyển chọn. Việc du học ở nước ngoài rất vất vả, nhưng đây cũng là cơ hội hiếm có, các em phải cố gắng học tập, giúp đỡ lẫn nhau, sau khi thành tài trở về giúp ích cho nước nhà.”
Hai bạn kia đều phát biểu hùng hồn, Đường Du chỉ nói vài câu phụ họa. Mọi chuyện xảy ra với cô y như một giấc mơ, như vừa mới hôm qua thôi, cô vẫn miệt mài cả ngày ôn thi để lấy chứng chỉ TEF đi Pháp, sao bỗng dưng lại đến văn phòng khoa, bỗng dưng làm xong xuôi mọi thủ tục?
Có lẽ, do bị ảnh hưởng bởi vẻ thất thần của Đường Du, ra khỏi văn phòng khoa, hai bạn sinh viên kia như ý thức được rằng, ngày đi Pháp cũng là ngày rời xa tổ quốc, xa người thân để đi đến một đất nước xa xôi, bỗng chốc, tâm trạng ba người đều nặng trĩu, lúc trước còn đề nghị sẽ cùng nhau ăn mừng giờ đã bị hủy, thời gian còn lại, ai lo việc người nấy.
Đường Du một mình lang thang trên đường, nhìn những tòa nhà cao tầng quen thuộc xung quanh, nhìn dòng xe tấp nập qua lại, nghĩ đến việc ngày mai mình sẽ lên chuyến bay của hãng hàng không quốc tế sang Pháp. Từ nay về sau, con người, sự việc nơi đây sẽ cách xa cô ngàn vạn dặm.
Cô tự hỏi lòng, thật sự mình có muốn đi Pháp không?
Cô thấy mọi thứ giống như một giấc mơ, thực sự sắp đi Pháp sao? Cô bạn đi cùng còn dự định, nếu may mắn sẽ ở lại Pháp tìm một công việc, hoặc cưới một anh chàng Pháp, như vậy thì có thể định cư ở đó, cả đời sẽ không quay về nữa. Có thể, cô cũng làm thế, học ở Pháp xong, tốt nghiệp rồi tìm việc, như thế cả đời này không cần phải quay lại nơi này nữa. Nhưng... nhưng... cô lưỡng lự, không lẽ cuộc đời này lại như thế sao?
Cô nhớ đến một người, cô từng nghĩ sẽ cùng người đó đối diện với cuộc đời hiu quạnh, hững hờ nhìn tháng ngày trôi qua suốt cuộc đời này. Cô hồi tưởng lại: lần đầu gặp nhau, lúc ấy gã là bạn trai của Tô Nhiêu, đã hôn nhầm cô rồi đỏ mặt xin lỗi. Lần thứ hai gặp ở quán bar, lúc ấy vì việc của Chu Nhiễm và Diệp Đào Hoa mà bị mọi người đem ra bàn luận. Người đàn ông này, bạc bẽo, vô tình nhưng vẫn khiến người ta động lòng. Lần thứ ba ở thành phố N, gã đứng cạnh Tô Bất Dị, khuôn mặt lạnh lùng, từ trên cao nhìn xuống... Bao nhiêu ký ức, người đàn ông này cứ luôn thấp thoáng, vừa gần gũi lại vừa xa xôi, đến bên đời cô. Khi đã quen thuộc rồi, anh rất hay nói với cô bao nhiêu lời đùa vui, lo lắng cho bệnh tình của cô, nâng niu cô như báu vật. Một người như thế, sao có thể nói quên là quên được ngay?
Đường Du gọi điện thoại báo cho Lý Văn trước tiên, nói là mình sắp ra nước ngoài. Kể từ hồi Tết đến giờ, Lý Văn vẫn chưa quay lại thành phố B, hình như ở nhà, đi xem mặt rồi định lấy chồng luôn. Lý Văn mừng cho cô rồi luôn miệng chúc mừng. Sau khi cúp máy, suy nghĩ một lát, cô mới gọi điện cho Thẩm Tử Tịnh. Lúc đầu, hai người hỏi thăm qua loa vài câu, không ai dám nói nhiều, nếu không có Tôn Văn Tấn thì giữa họ chẳng hề có một chút liên quan nào, nhắc đến chuyện gì cũng chỉ toàn liên quan đến gã mà thôi. Thẩm Tử Tịnh càng không dám nói vì sợ chạm vào nỗi đau trong lòng cô, kiểu hỏi thăm dè chừng này chỉ dăm ba câu là hết chuyện rồi chào tạm biệt nhau. Đang định cúp máy, Đường Du đột nhiên nói với Tử Tịnh: “Ngày mai em sang Pháp du học rồi.” Cô đứng trên cầu vượt, đèn đường dưới chân rực sáng, xe cộ cuồn cuộn qua lại, cơn gió tháng Ba thổi đến, giọt nước mắt cô rơi trên thành vịn của cầu, cố gắng lắm mới giữ vững chiếc điện thoại di động trong tay.
Thẩm Tử Tịnh ngập ngừng, chị không dám hỏi nhiều, chỉ nói: “Chúc em thượng lộ bình an.”
“Cám ơn chị.”
Lại một hồi im lặng, Đường Du muốn nói nhưng lại thôi. Thẩm Tử Tịnh hỏi dò: “Ngày mai, chị đi tiễn em nhé?”
“Không cần đâu, cám ơn chị, tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
Sau khi cúp máy, cô không sao cầm được nước mắt, cô sang Pháp rồi, có lẽ lần này sẽ thật sự một đi không trở lại. Cũng giống những người từng gặp trong đời trước đây, qua vài năm thời thế đổi thay, bạn tiểu học, bạn cấp hai, bạn cấp ba, sau khi nói câu tạm biệt thì đúng là không còn gặp lại nhau nữa. Phải chăng, sau lần đi này, Tôn Văn Tấn cũng sẽ mãi mãi biệt tích giữa biển người bao la, không còn có thể gặp lại
Sau này có lẽ cả đời sẽ không gặp lại anh nữa.
Thật ra có nhiều chuyện, khi ngoảnh lại thì đã hết một đời.
Ngày hôm sau lúc ở sân bay, ngoài Đường Du ra, hai người bạn đi cùng đều có người nhà ra tiễn, chỉ có cô là không ai bên cạnh, vì thế cô đứng rất xa để tránh sự soi mói của mọi người. Mẹ của anh bạn kia ngồi khom xuống giúp con trai thu dọn lại hành lý, nào là thuốc thang, dầu gió, còn có cả vài miếng thịt khô, vài quả táo và mấy hộp gia vị. Cậu ta nói: “Mẹ ơi, con không mang mấy thứ này đâu, hành lý quá cân là bị phạt tiền, phạt mấy trăm tệ đấy.”
“Phạt thì phạt, đến nước ngoài toàn ăn mấy thứ ngọt ngậy, chẳng có chất dinh dưỡng, con mang tất đi. Còn táo nữa, lấy ra lát mang lên máy bay ăn, đồ ăn trên máy bay cũng chẳng có chất gì.” Bà mẹ khom lưng, dùng khăn giấy cẩn thận lau sạch mấy quả táo, rồi lại đút vào túi nilon như thể giận mình không thể sang tận Pháp chăm sóc con trai, bà vừa lau vừa căn dặn: “Sống ở nước ngoài, mọi chuyện đều chỉ dựa vào bản thân, làm gì cũng phải cẩn thận con ạ, đừng đắc tội với người khác, phải thật thà.”
Cô bạn đi cùng, thấy Đường Du một mình, không ai ra tiễn liền cầm máy ảnh chạy đến: “Đường Du, cậu giúp mình chụp hình với bố mẹ được không?”
Đường Du mỉm cười nhận lời, nhưng khi chụp hình, bà mẹ lại bật khóc, vì sợ con gái trông thấy nên vội vã lau đi, nhưng ông bố đã nhìn thấy. Ông chau mày, “Có gì đâu mà khóc, con được ra nước ngoài du học là điều đáng mừng chứ, có phải đi luôn không về đâu.”
Con gái chắc sợ mẹ buồn, liền cười an ủi: “Mẹ ơi, đừng khóc nữa, cả nhà mình chụp hình đi, cười lên nào.”
Nhưng khi Đường Du bấm máy, ông bố bỗng quay mặt đi lau nước mắt, chỉ có hai mẹ con mắt đỏ hoe nhưng vẫn gượng cười nhìn ống kính. Chứng kiến cảnh này, Đường Du thấy nhói đau trong lòng. Sau khi trả lại máy ảnh cho bạn, một mình cô trốn đến sau cây cột xa xa lau nước mắt. Dường như trong thoáng chốc, sau lưng cô chỉ còn lại một đại sảnh trống rỗng, bốn bề rực sáng, soi rọi chiếc bóng đơn lẻ của cô.
Cuối tháng Ba, Đường Du cùng hai người bạn học lên đường sang thủ đô Paris