Tiểu Tà Thần
Chương 31: Tái xuất giang hồ
Nước sông trong xanh và chảy cuồn cuộn. Cảm thấy trên người còn thấm dòng nước biển mặn, gây rít rấm khó chịu. Hơn nữa, nhìn nước sông tươi mát làm cho Tiểu Tà càng cảm khoái hơn liền phóng mình xuống dòng nước để tẩy đi chất mặn trên người.
Nước sông mát rượi gây cho Tiểu Tà một cảm giác sảng khoái. Tiểu Tà bơi tung tăng đùa giỡn khắp mặt sông. Và khi thấy có người đứng trên bờ sông nhìn chăm chú chỉ chỏ về phía mình thì Tiểu Tà càng ra sức trổ tài biểu diễn lướt sóng một cách điêu luyện đẹp mắt hơn. Vì đó là biệt tài mà Tiểu Tà đã quá thuần thục gần mười năm qua nơi hồ Một Tháp.
Tiểu Tà bơi mỗi lúc mỗi nhanh. Lúc trồi lên, lúc lặn xuống nhanh lẹ hơn là rái cá, làm cho số người đứng trên bờ xem phải thán phục.
Tiểu Tà chờ đợi một tràng pháo tay tán thưởng, ngờ đâu chỉ có sự yên lặng đáp lại rồi đám người tản đi.
Tiểu Tà bực mình chửi mấy câu rồi lặn xuống nước lội sang chổ khác, xuôi theo dòng sông độ một giờ sau thì đến Hàng Châu, mới lên bờ thở phào nhẹ nhõm, uốn mình, vươn vai rồi nói:
– Đến lục địa rồi, ta phải tìm nơi nghỉ ngơi, ngủ cho đã chứ mệt quá rồi.
Nói rồi, Tiểu Tà bước nhanh không thèm để ý đến quần áo ướt sũng, cứ hiên ngang đi về thị trấn Hàng Châu.
Đám đông vừa ngạc nhiên vừa tò mò nhìn Tiểu Tà mà tưởng rằng đó là kẻ vượt ngục.
Nhưng Tiểu Tà lại không nghĩ như vậy, không biết mình đang làm cho mọi người đi trên đường ghê sợ mà còn đưa tay vẫy chào mọi người lại một cách rất tự nhiên.
Có người sợ hãi bởi cử chỉ đó, có người thì bật cười, luôn cả mấy cô gái cũng ôm nhau cười khúc khích.
Tiểu Tà thấy vậy thì càng bộ tịch hơn, ngực ưỡn lên, tự đắc như mình là một Đại tướng thật sự.
Đi một lúc, Tiểu Tà thấy một Đại Tửu Lầu liền rẽ vào thẳng đến cửa thì bị một tên tiểu nhị giữ cửa chận lại, nói lớn:
– Ê! Tên ăn mày kia, ngươi đến đây làm gì thế, đi đi!
Vừa nói tên tiểu nhị vừa đẩy Tiểu Tà ra ngoài làm Tiểu Tà rất ngạc nhiên, liền nói:
– Tiểu nhị, ta vào đây ăn uống nghỉ trọ, tại sao ngươi gọi ta là ăn mày rồi đẩy ta ra? Ta có tiền mà, tại sao ta không vào được? Ngươi hãy tránh ra mau.
Tên tiểu nhị giọng cứng rắn:
– Ngươi có tiền sao? Vì ngươi ăn mặc rách rưới như bọn ăn mày nên ta gọi thế là đúng, ta đâu biết trong túi ngươi có tiền. Nếu ngươi có tiền ta đâu gọi ngươi là ăn mày.
Tiểu Tà khẽ gật đầu:
– Cũng đúng thôi! Có tiền sao gọi là ăn mày được, nhưng Tiểu Linh ...
Đột nhiên Tiểu Tà nhìn thẳng vào tên tiểu nhị nói:
– Ngươi chả biết cái khỉ gì hết. Ta hỏi ngươi, Bang chủ Cái Bang cũng gọi là ăn mày mà?
Tên tiểu nhị đáp ngay:
– Đúng!
Tiểu Tà hỏi:
– Vậy Bang chủ Cái Bang có tiền không?
Tiểu nhị trả lời:
– Có!
Tiểu Tà trề môi:
– Vậy mà vừa rồi ngươi nói có tiền thì không gọi là ăn mày thật là ngu.
Mấy người đứng gần đó bật cười thích thú.
Tên tiểu nhị đỏ mặt, tức giận nói:
– Tiểu quỉ ăn mày có cút đi không? Nếu có tiền thì đưa xem.
Tiểu Tà nhún vai:
– Tiền, ta có nhiều lắm!
Vừa nói, Tiểu Tà vừa thọc tay vào túi chợt “Ớ” lên một tiếng và lấy ra một xấp giấy bạc đã trở thành một xấp giấy vụn nát. Thì ra là do tiền ngân phiếu cất trong người bị ngâm theo trong nước sau một ngày một đêm và do bị cọ xát nên đã trở thành những tờ giấy rách bươm.
Tiểu Tà cúi nhìn xấp ngân phiếu rách nát ấy cười trong đau khổ:
– Tiền của ta ... hi hi ...
Nhìn Tiểu Tà với xấp giấy vụ trong tay cũng đủ hiểu, tên Tiểu Nhị được thể la lên:
– Cút! Ăn mày không có tiền mà muốn ở Đệ nhất đại tửu lầu Hàng Châu này à! Hãy cút ngay đi.
Vừa nói, Tiểu nhị vừa đuổi Tiểu Tà, nhưng Tiểu Tà liền nhảy tránh qua một bên rồi nói:
– Tiểu nhị! Ngươi hãy yên tâm. Ta hôm nay không có tiền ... không ở Đại Tửu Lầu này được. Nhưng ngươi hãy nhớ rõ rằng trong ba ngày nữa ta sẽ trở lại để mở tiệc mời ba trăm người cho ngươi biết.
Tên tiểu nhị lắc đầu:
– Thằng ăn mày đừng nói dóc. Nếu có ngày đó thì ta sẽ uống nước rửa chân của ngươi. Bây giờ ngươi đừng lảm nhảm nữa hãy cút đi.
Tên tiểu nhị còn đá Tiểu Tà mấy cái nữa, nhưng Tiểu Tà vừa nhảy tránh vừa cười, nói:
– ...Khà ... khà ... Được! Ngươi nói gì thì nhớ lấy. Tiểu ăn mày sẽ đi ngay nhưng sẽ trở lại. Hãy nhớ tên ta là Dương Tiểu Tà.
Nói xong, quay người phóng ra đường lẫn vào dòng người đang ngược xuôi trên đường mà dấn bước.
Tiểu nhị bước tới mấy bước, lớn tiếng nói theo:
– Ngươi đừng có điên. Đòi mở tiệc mời ba trăm người, sao mà khoác lác quá.
Nói xong, tiểu nhị phun một bãi nước bọt về phía trước rồi quày quả bỏ vào trong Tửu lầu.
Tiểu Tà bước đi mà trong lòng ấm ức mắng thầm:
– “Mẹ kiếp! Kỳ trước ở tại thành Khai Phong cũng không có lấy một xu.
Cũng nhờ vào mấy hột xí ngầu này mà ta đã làm nên một việc thiện cho đệ tử Cái Bang. Chẳng những vậy mà còn dư giả trang trải việc ăn uống ở khách điếm, còn thừa ngân phiếu, chỉ vì sơ ý mà hôm nay trở thành trắng tay. Có lẻ phải đến lúc tìm một sòng bạc nào đó để lo cái ăn cái mặc nữa rồi!”.
Nghĩ vậy, Tiểu Tà vừa đi vừa dáo dác tìm xem hai bên đường có nơi nào mở sòng bạc hay không để tìm kế sinh nhai nơi vùng đất mới.
Tiểu Tà đi mãi, đi mãi vẫn không phát hiện được nơi nào có sòng bạc, khi đứng lại ngoảnh trước nhìn sau thì ra mình đã đi được một đoạn đường khá xa rồi.
Và trước mặt Tiểu Tà lúc bấy giờ là hiện hữu một hồ nước trong xanh biên biếc một màu. Tiểu Tà đến bên hồ nước, soi mình xuống mặt hồ, tự nói thầm:
– Thật ra, sau bao nhiêu ngày phiêu bạt giang hồ hết đất liền ra hải đảo rồi từ hải đảo trở lại đất liền, vui buồn đều có nhưng vui nhất vẫn là những tháng ngày sống bên Tiểu Linh và Tiểu Thất. Không biết giờ này Tiểu Linh ra sao rồi? Có nhớ đến ta không và đã gặp Tiểu Thất chưa?
Ném những viên đá cuội xuống nước thật xa, Tiểu Tà ngao ngán nói:
– Thế mà hôm nay chung quanh ta chỉ còn lại là sự trơ trọi vu vơ, và cơn đói đang dày vò mà không tìm đâu ra một nơi nào có sòng bạc để kiếm tiền mua thức ăn lót dạ.
Rồi ngước nhìn những người qua lại trên đường xem họ có ai vô ý đánh rơi tiền chăng để lượm mua thức ăn vì lúc này Tiểu Tà thực sự đã quá đói.
Mãi cho đến khi mặt trời ngã về hướng Tây, thì sự hoài công của Tiểu Tà nhìn những người khách qua đường trông chờ sự rơi vãi nơi túi ... của họ xuống đường đã hoàn toàn vô vọng.
Buổi cơm chiều đã đến. Nhìn quanh quất trên đường đi đã vắng người qua lại.
Tiểu Tà nghĩ đến cái bụng trống rỗng của mình đã hơn một ngày một đêm rồi chưa có gì nhét vào. Chợt Tiểu Tà nhìn xuống hồ nói:
– Trời sắp tối rồi, lượm tiền không phải dễ, thôi nhảy xuống hồ bắt cá lên nướng ăn rồi ngày mai hãy tính. Còn đêm nay mình không ngủ được quán trọ thì đành ngủ bên đường vậy ...
Nói xong, Tiểu Tà như đã tìm ra được kế sách đối phó với cái bao tử xẹp lép của mình liền cười ha ... ha ... ha ...
Dứt tiếng cười, Tiểu Tà liền nhảy ngay xuống hồ nước.
Hồ này rất rộng lớn và nổi tiếng là một thắng cảnh ở Hàng Châu có tên là Tây Hồ đẹp cả bốn mùa, cản vật nên thơ, tranh họa thơ đề của các tài tử giai nhân, theo từng mùa để thấy mưa bay tuyết phủ, sen hồng nở rộ tiếng tăm trong thiên hạ.
Sự yên lặng của mặt hồ đã bị Tiểu Tà khuấy động. Thích thú trước sáng kiến của mình, Tiểu Tà mãi mê lặn hụp bắt cá một cách say mê và quên đi màn đêm đã phủ xuống.
Càng về đêm thì cảnh Tây Hồ càng đẹp thơ mộng, du dương theo từng tiếng đàn lời ca vọng ra từ các nhà thủy tạ xung quanh hồ. Nhiều ngọn đèn được thắp lên xung quanh các nhà thủy tạ phát sáng in bóng xuống mặt hồ làm cho cảnh hồ thêm lung linh huyền ảo và lôi cuốn nhiều du khách đến với cảnh vật thiên nhiên nơi đầy hơn.
Tiểu Tà đang bắt cá ở giữa Tây Hồ, chợt nghe một loạt tiếng đàn ca vọng đến không ngừng. Có lúc âm thanh thánh thót như những giọt nước rót trên hoa sen, như gió rung cành là, như sương mờ đêm tịch, làm mê say hồn người.
Đột nhiên tiếng nhạc nghe rầm lên một tiếng kỳ lạ, hay người choi nhạc bị thương làm âm thanh dứt quãng như tiếng ai than khóc trong đêm.
Lúc đầu, Tiểu Tà không chú ý nghe mấy, nhưng càng nghe càng hay, cho đến khi có âm thanh kỳ lạ, tiếng đàn như tiếng khóc, làm cho Tiểu Tà phải thốt lên:
– Tại sao lại có tiếng đàn quái gở thế. Không được? Ta phải làm cho nó ngưng ngay, nếu không thì buồn đến khóc mất thôi.
Nói xong, Tiểu Tà hít hơi dài vận sức hét to lên một tiếng vang cả không gian chẳng khác gì một tiếng sét làm người nghe kinh hoàng.
Đúng là tiếng đàn đã đứt.
Tiếng hét của Tiểu Tà đã có sự trả lời, Tiểu Tà gật gù nói:
– Vậy thì được! Chứ khóc than thì ra cái quái gì.
Nói xong, Tiểu Tà lại tiếp tục bắt cá giữa hồ.
Khi đêm đã về khuya, cảnh vật nơi đây cũng chìm vào sự yên lặng tĩnh mịch.
Du khách từ các nhà thủy cũng lũ lượt ra về.
Tiểu Tà trồi lên mặt nước. Đảo mắt nhìn quanh xem nơi nào còn ánh đèn sẽ xin vào tá túc qua đêm và nướng cá để ăn.
Nhưng nhìn quanh quất một hồi Tiểu Tà thấy các nhà thủy tạ tuy đèn trước cửa còn sáng nhưng cửa nẻo đã đóng từ lâu. Cầm xâu cá chép trên tay, giơ cao trên mặt nước, Tiểu Tà nói:
– Ta nhất định tìm nơi nướng cá lót dạ đêm nay, nếu không con kiến đói sẽ cắn cồn cào bao tử và phá giấc ngủ đêm nay của ta mất.
Nói rồi cười hì hì ... với mấy con cá xấu số sắp đến giờ phải làm mồi cho cái bao tử lép xẹp của mình.
Phút chốc, Tiểu Tà phát hiện từ đàng xa phía Nam của hồ lấp lánh có ánh sáng. Hình như là một chiếc thuyền, ánh sáng trên thuyền phát ra từ hai ngọn đèn lồng thì phải. Tiểu Tà thầm nói:
– Khuya thế này mà còn có người câu cá. Cuộc sống của họ đâu có khác với ta. Phải đến đó kiếm một chỗ nghỉ nhờ qua đêm mới được.
Nghĩ sao làm vậy, Tiểu Tà liền lơi thật nhanh hướng chiếc thuyền.
Tiểu Tà bơi sát vào mạn thuyền lên tiếng gọi:
– Có ai ở trong thuyền không? Làm ơn cho tôi lên với.
Tiểu Tà gọi hai ba lượt thì từ trong mui thuyền, một ông lão độ tuổi lục tuần, tóc bạc trắng, mặc áo vải thô màu xanh, lưng hơi khòm, bước ra nhìn xuống nước thấy có người liền kéo lên nói:
– Ngươi sơ ý bị rơi xuống nước phải không?
Tiểu Tà cười đáp:
– Không phải đâu thưa lão bá, chỉ vì tôi mải bắt cá lo cho cái bụng của mình đấy.
Ông lão nói:
– Thì ra công tử đây đang chơi trò bắt cá trên hồ. Mà sao lại bắt cá giữa đêm khuya thế này? Cả người ướt sũng không sợ cảm lạnh à?
Nói xong, ông lão lấy chiếc khăn đưa cho Tiểu Tà, Tiểu Tà liền đón lấy lau khô người rồi nói:
– Cảm ơn sự quan tâm của lão bá đối với tôi. Xin giới thiệu với lão bá, tôi Dương Tiểu Tà lưu lạc tới Hàng Châu, chẳng may tiền bạc đã bị nhàu nát thành giấy vụn, không còn tiền để mua thức ăn phải xuống hồ bắt cá để ăn. Vậy, mong lão bá cho trú nhờ một đêm và xin lão bá ít lửa để nướng cá ăn, chứ tôi đói qua rồi.
Suy nghĩ một lúc, ông lão nói:
– Tối nay, công tử có thể ngủ ở đây, nhưng hãy nhớ ở phía trước thuyền có một vị cô nương, nên đừng phá rầy để tránh sự phiền toái cho lão.
Tiểu Tà vội nói:
– Tôi hiểu rồi thưa lão bá, còn bây giờ bao tử tôi đã sôi lên sùng sục rồi, xin lão bá nhanh nhanh cho tôi mượn cái lò để nướng mấy con cá này.
Ông lão nói:
– Mấy con cá đó công tử hãy để dành lại, ở trong còn ít cơm canh, lão sẽ đi lấy cho công tử dùng liền, hãy ở yên đây đừng đi đâu đấy.
Tiểu Tà liền nói:
– Cám ơn lão bá.
Nói rồi nghĩ thầm:
– Thế là đêm nay qua được cơn đói rồi! Rất tiếc mấy chú cá nấy không được tái liền bây giờ thì còn ngon hơn lúc nào hết.
Tiểu Tà đảo mắt quan sát con thuyền một lượt, và thấy cái gì ở đây cũng khang khác.
Thuyền thì không dài lắm, cũng khá đẹp, toàn chiếc thuyền sơn trắng nhưng trên thuyền có che như một cái nhà gỗ với những hoa văn điêu khắc khá mỹ thuật, chỗ Tiểu Tà đang đứng là ở phía sau. Hai bên nhà gỗ có hành lang nho nhỏ, có cửa sổ của lón khép kín.
Nhìn về phía căn phòng nơi có cô chủ của lão già đang ở trong đó. Tiểu Tà không khỏi bâng khuâng thắc mắc muốn tìm hiểu về gia chủ của chiếc thuyền này, nhưng chỉ vì lời dặn của ông lão đã đánh thức tính hiếu kỳ tò mò của Tiểu Tà.
Tiểu Tà nghĩ thầm:
– Ông lão đây quả là người tử tế, thấy ta ăn mặc chẳng ra gì mà còn gọi ta là công tử, có thể lão là người giúp việc hay quản gia gì đây. Người ở như vậy thì chắc ô chủ cũng thanh lịch tao nhã không kém.
Trong lúc chờ đợi ông lão đem cơm nước đến, Tiểu Tà thả bộ dọc hành lang của thuyền, mắt nhìn sao trời rồi lại nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng, suy nghĩ miên man:
– Cô chủ này là người thế nào nhỉ? Tại sao ở trên thuyền này? Già trẻ, đẹp xấu ra sao nhỉ?
Vừa lúc đó, ông lão bưng cơm canh ra Tiểu Tà vội cắt ngang dòng suy nghĩ đón lấy mâm cơm từ tay ông lão, rồi ăn lấy ăn để một cách ngon lành rất tự nhiên.
Sau khi no bụng, Tiểu Tà còn được ông lão cho một cái chăn để đắp qua đêm mà trước khi đi vào trong không quên dặn lại:
– Công tử! Công tử nhớ đừng tới trước quấy rầy cô chủ đấy!
Thấy ông lão rất tử tế và căn dặn nhiều lần như vậy, Tiểu Tà nghĩ:
– Đáng lẽ mình phải tìm hiểu cô chủ của lão, nhưng lão cứ căn dặn lo lắng thì thôi. Mình đánh một giấc rồi muốn gì ngày mai hẵng hay!
Nghĩ vậy, Tiểu Tà liền cởi áo rồi đáp mền nằm ngủ cho tới sáng vẫn chưa thức giấc.
Bình minh ló dạng, lão già, người giúp việc trên thuyền đã dậy từ sớm. Ông lão ung dung từ trong nhà gỗ bước ra. Lão thấy một chiếc thuyền khác cặp sát vào thuyền của cô chủ. Lão mỉm cười rồi quây quả trở vào trong nói nho nhỏ:
– Cô nương! Có Mạc Dung công tử đến xin cầu kiến.
Nói xong, lão ra ngoài thì thấy trên thuyền kia có một vị công tử khôi ngô, chừng hai mươi tuổi, mặc áo bông sang trọng, người cao, hơi ốm miệng mỉm cười nhìn ông lão. Ông lão vui vẻ:
– Mạc công tử! Cô nương tôi xin mời công tử vào.
Mạc Dung công tử mặt mày rạng rỡ:
– Xin đa tạ, tôi sẽ đến ngay.
Vừa nói vị công tử họ Mạc liền phóng qua thuyền của lão một cách nhẹ nhàng, rồi nghiêng mình lịch sự nói với ông lão:
– Xin mời!
Ông lão cũng lịch sự đáp lễ và nói:
– Mạc Dung công tử! Công tử đến đây cũng nhiều lần rồi, xin đừng quá khách sáo. Xin mời công tử vào phòng khách.
Mạc Dung công tử liền lấy một nén bạc trao cho ông lão, và nói:
– Xin phép gửi lão bá chút tiền xài.
Ông lão đưa hai tay nhận tiền và trịnh trọng:
– Đa tạ công tử! Mời công tử vào, để lão pha trà Long Tinh thượng hạng mời công tử.
Nói dứt, lão quay đi và Mạc Dung công tử kép lại cổ áo rồi đi vào phòng khách, đến ngồi trên một chiếc ghế được khảm xà cừ rất đẹp trong lúc chờ đợi cô chủ tới với vẻ hồi hộp tự mãn.
Phòng khách không lớn lắm. Đó là một nửa căn nhà trên thuyền với cách trang trí thanh lịch và tao nhã với toàn bộ dưới nền đều lót thảm đỏ. Đối diện với chiếc ghế mà Mạc Dung công tử đang ngồi là một cái bàn nhỏ, trên đó để một bức tượng cổ, một bình hoa lan tươi tỏa hương thơm ngát. Sát cạnh là cây đàn trông rất đẹp. Bức tường bên phải có treo một bức tranh vẽ trên lụa rất mỏng và nghệ thuật vẽ tranh rất sống động nhất là khi có gió thổi nhẹ, tấm màn rung rinh thì cảnh vật trên màn càng thêm sống động, kỳ ảo.
Bỗng có tiếng từ phòng trong vọng ra:
– Xin Mạc công tử chờ một chút nhé!
Âm thanh tiếng nói của cô chủ này phát ra sao mà nghe như chim họa mi kêu ríu rít, một điệu nhạc trầm bổng quyến rũ lòng người vậy. Không chần chờ, Mạc Dung công tử liền nói vọng vào:
– Không sao! Cô nương cứ tự nhiên. Tại hạ chờ đến mấy cũng được mà. Đêm qua, tại hạ có đến đây nhưng lúc đó Liễu Thanh cô nương đang bận nên không gặp được ...
Bên trong không có tiếng trả lời làm Mạc Dung công tử càng hồi hộp mong ngóng.
Vừa lúc đó, một cô gái từ bên trong bước ra, với y phục màu hồng phấn trang nhã, làm cho nét đẹp toàn diện của nàng tăng thêm phần quí phái. Khuôn mặt, thân hình đôi bàn tay ... tất cả tạo nên một tuyệt sắc giai nhân. Nét đẹp của nàng ngay cả con gái cũng phải ái mộ.
Cô gái ấy không ai khác là Liễu Thanh cô nương, đệ nhất mỹ nhân Hàng Châu.
Vừa bước vào phòng khách Liễu Thanh khẽ nghiêng mình nói:
– Mạc công tử! Để Mạc công tử đợi lâu, tiện nữ xin cáo lỗi.
Mạc công tử vẻ mặt náo nức đứng lên chào:
– Tại hạ đến quấy rầy cô nương, được cô nương tiếp là quý lắm rồi.
Liễu Thanh cười thật duyên rồi đến chỗ cây đàn và nói:
– Để bù đắp thời gian chờ đợi của Mạc công tử, tiện nữ xin gởi đến công tử một khúc đàn gọi là tạ lỗi.
Mạc công tử tươi tắn sắc mặt:
– Cô nương là đệ nhất tài sắc, cầm kỳ thi họa đã vang tiếng ở Hàng Châu này và tiếng đàn của cô nương dù tại hạ có nghe mãi cũng không chán.
Liễu thanh cười nhẹ:
– Công tử quá khen rồi, tiện nữ là một người vô danh, má phấn môi đào, được công tử để ý đến thật là vạn phúc.
Nét đẹp của Liễu Thanh thật sự đã cuốn hút say mê lòng người. Sự duyên dáng, yêu kiều của nàng bên cung đàn làm cho Mạc Dung công tử phải ngẩn người ra, trong lòng hớn hở với những lời êm ái dịu ngọt của nàng. Mạc Dung công tử khiêm tốn nói:
– Cô nương chớ nói vậy. Ai mà chẳng biết ở đất Hàng Châu này Liễu Thanh cô nương là người đàn hay họa giỏi, khiêm nhường trước những lời ong bướm rũ.
Tại hạ thật sự khâm phục tài nghệ của cô nương và được cô nương chiếu cố thì quả thật là vạn phúc cho tại hạ lắm rồi.
Liễu Thanh nói:
– Đa tạ công tử. Vậy bây giờ tiểu nữ xin dạo mấy khúc nhạc cho công tử nghe nhé!
Vừa lúc đó thì lão quản gia vội vã bước vào phòng khách nói:
– Tiểu thư! Ở ngoài có Lạc công tử cầu kiến, không biết tiểu thư ...
Liễu Thanh liền chặn lời:
– Hãy mau ra nói với Lạc công tử hôm nay ta có khách, ngày mai hãy đến đây.
Ông lão cảm thấy khó xử bèn nói:
– Thưa Tiểu thư! ...Lạc công tử là đại phú Hàng Châu ... không nên làm mất lòng, xin tiểu thư suy nghĩ lại ...
Liễu Thanh đưa mắt nhìn Mạc Dung công tử với vẻ tình tứ, rồi thở ra một hơi nhẹ nhàng nói:
– Ta biết là đắc tội với Lạc công tử, nhưng còn Mạc công tử ...
Liễu Thanh chỉ nói tới đó rồi im tiếng như muốn để Mạc công tử trả lời còn nàng chỉ đưa mắt nhìn chàng chờ đợi.
Dù có sự khó chịu trong lòng nhưng Mạc công tử cũng phải tỏ ra một thanh niên hào phóng thanh lịch nên nói:
– Ồ! Không có gì trở ngại đâu, vì nghe nhạc thì có hai người cùng nghe thì đâu có sao. Hơn nữa, Lạc Khả Dĩ, dầu tại hạ chưa quen nhưng cứ xem như bằng hữu. Hãy mời Lạc công tử vào đây luôn.
Liễu Thanh bước tới định quỳ xuống thi lễ tạ ơn Mạc Dung công tử đã có lòng, nhưng vừa cúi xuống thì Mạc công tử đã vội vàng nắm bàn tay nàng đỡ đứng lên làm nàng đỏ mặt và lúc đó Mạc công tử cũng ngại ngùng vội buông tay nàng, nói:
– Cô nương đừng đa lễ quá đáng, tại hạ đây hông dám đâu. Cô nương cứ cho mời Lạc công tử vào đây đi.
Liễu Thanh đôi má còn ửng hồng đáp:
– Vậy tiện thiếp xin y lệnh của công tử.
Rồi nàng quay qua nói với ông lão:
– Bá bá mời Lạc công tử vào đây và luôn tiện nói có Mạc công tử cũng đang ở đây nhé!
Ông lão liền gật đầu đáp “Dạ” một tiếng rồi bước nhanh ra.
Một lúc sau Lạc Khả Dĩ đã bước vào.
Lạc Khả Dĩ là công tử đại phú, tài sản không sao đếm xuể và có danh hiệu “Thái Đông Giang”, tuổi khoảng hai mươi, mặt xanh xao, người không đẹp lắm, y phục sang trọng với chiếc áo đắt tiền màu vàng kim, tay cầm cây quạt phe phẩy ra vẻ phong lưu.
Lạc Khả Dĩ nhìn hai người rồi cười nói rất tự nhiên:
– À! Thì ra là Mạc Dung Dạ công tử đã ở đây ...
Rồi nhìn Liễu Thanh, nói tiếp:
– Liễu Thanh cô nương, chúng ta vừa uống rượu vừa nghe đàn nhé!
Mạc công tử liền cười, nói:
– Ồ! Lạc công tử nói năng nhanh nhẹn, không biết ý của Liễu Thanh cô nương ra sao?
Nói xong, Mạc công tử quay nhìn Liễu Thanh thăm dò, nàng mĩm cười:
– Chỉ cần nhị vị công tử thích thì tiện thiếp xin chiều.
Sau đó, nàng gọi ông lão đưa rượu ra đãi nhị công tử rồi chuẩn bị đàn hát.
Nàng vừa đàn vừa hát một cách say sưa, du dương mê hoặc người nghe, quên đi thực tại, thả hồn theo tiếng nhạc lời ca ...
Trong lúc đó, Tiểu Tà vẫn còn nằm ngủ say sưa và đang mơ thấy mở được qua sòng bạc thì bị tiếng nhạc thánh thót làm thức giấc.
Tiểu Tà la lên:
– Nửa đêm khuya khoắt ...
La lên mấy tiếng, Tiểu Tà đã mở to mắt và chợt kêu lên:
– A! không phải, mới sáng sớm mà đã làm ta thức giấc, ai mà cả gan thế nhỉ?
Vừa nói, Tiểu Tà đi về hướng phát tiếng đàn, áo chưa mặc, còn quần cái chăn ung dung bước vào phòng khách và không ngừng ngáp lên ngáp xuống.
Người đầu tiên mà Tiểu Tà nhìn thấy là Liễu Thanh, Tiểu Tà vội thốt lên:
– Ồ! Một nàng thiếu nữ xinh đẹp.
Lúc này Tiểu Tà quả thật giống một thằng lọ lem không kiềm nổi lòng mình, đi qua chỗ Liễu Thanh đang ngồi gãy đàn, gật đầu chào lia lịa, khen:
– Đẹp quá!
Liễu Thanh và hai vị công tử đều kinh ngạc, không biết ở đâu rơi xuống một tên ăn mày không ra ăn mày.
Liễu Thanh lên tiếng trước:
– Chàng ở đâu đến đây thế?
Tiểu Tà thản nhiên đi đến trước mặt nàng rồi ngồi lên chiếc ghế cạnh cây đàn cười ha hả thích chí nhìn nàng, nói:
– Tiểu cô nương vội gì chứ? Cô tên gì? Có chồng chưa? Cô thấy tôi thế nào?
Hai chàng công tử nhìn thấy trong lòng rất bực tức, nhưng trước mặt mỹ nhân không dám ra tay, chỉ biết cắn răng chịu đựng.
Liễu Thanh tuy là một nàng ca nhi nhưng chưa bao giờ nghe những lời thật thà như vậy, nên bẽn lẽn:
– Tiểu công tử. Tôi là Liễu Thanh, một ca nhi.
Tiểu Tà gật đầu:
– Còn tôi là Dương Tiểu Tà, sắc đẹp của nàng quả thật đã cuốn hút đấng mày râu, sự hiện diện của hai vị công tử sang trọng kia là một minh chứng phải không?
Liễu Thanh nghe vậy mắc cỡ đỏ mặt. Nàng biết Mạc Dung Dạ và Lạc Khả Dĩ vì nàng mà đến nhưng bị nói ra cảm thấy xấu hổ quá phải cúi đầu thấp xuống.
Tiểu Tà đưa tay nâng cằm, nàng lên làm Liễu Thanh nhắm mắt, đỏ mặt nhìn Liễu Thanh mà tim Tiểu Tà đập mạnh.
Rồi tơ tưởng đến hình bóng của Tiểu Linh. Sắc đẹp của Tiểu Linh và cô gái này làm cho Tiểu Tà không khỏi có sự so sánh. Tiểu Tà nói:
– Nàng và Tiểu Linh như nhau, Tiểu như nhau, Tiểu Linh là Bồ Đào còn nàng đây là Anh Đào.
Liễu Thanh bẽn lẽn:
– Cái gì là Bồ Đào, cái gì là Anh Đào thế?
Tiểu Tà cười nói:
– Bồ Đào thì chua, còn Anh Đào thì ngọt, nhưng cả hai tôi đều thích cả, hiểu không?
Tiểu Tà lại vuốt tóc nàng làm nàng làm nàng càng thêm đỏ mặt hơn nữa.
Lúc này hai chàng công tử không nhịn được nữa bèn la lên:
– Tên ăn mày kia! Ngươi từ đâu chui ra mà dám giở trò với Liễu Thanh cô nương chứ?
Thấy thái độ của hai chàng công tử hậm hực muốn có sự đánh đấu, Tiểu Tà bình thản nói với Liễu Thanh:
– Nàng đừng sợ! Có ta ở đây thì chẳng tên nào dám giở trò gì đâu.
Tiểu Tà không thèm để ý đến Lạc Khả Dĩ mà chỉ an ủi Liễu Thanh và nàng khép nép bẽn lẽn nghe những lời nói ấy, cứ thế hai người vui vẻ chuyện trò mãi.
Lạc Khả Dĩ thấy Tiểu Tà và Liễu Thanh nói cười ra chiều đắc ý, không xem sự hiện diện của một chàng công tử như hắn ra gì nên hắn tức điên lên bước tới hét:
– Tiểu tử! Ngươi không muốn chết phải không?
Nhưng đi chưa được ba bước đã bị Mạc Dung Dạ kéo lại và nói nhỏ bên tai:
– Lạc huynh đứng thô lỗ như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu xem sao đã.
Lạc công tử bình tĩnh lại sau lời nói ấy, rồi gật đầu khẽ nói:
– Cũng đúng!
Đến lúc này, lão quản gia trên thuyền mới hốt hoảng chạy vào nói:
– Tiểu huynh đệ ơi! Tại sao lại vào đây làm rối chuyện thế này?
Tiểu Tà nhìn ông lão hỏi lại:
– Đây là tiểu thơ nhà ta phải không?
Ông lão đáp nhanh:
– Đúng vậy! Lão đã nói với tiểu huynh đệ rồi, không được vào đây, trời ơi!
Hãy nhìn lại mình đi kìa, còn vắt cái chăn trên người nữa. Thôi! Hãy theo lão ra ngoài đừng để hai vị công tử mất vui.
Tiểu Tà cười, hì hì:
– Tôi vô tình vào đây vì tiếng đàn đánh thức tôi dậy, ai dè ở đây có tiểu thư này xinh đẹp quá làm tôi quên lời của bá bá. Bây giờ thì tôi đi đây.
Nói xong, Tiểu Tà quay người bước ra xem như không có chuyện gì xảy ra.
Liễu Thanh nhìn thấy Tiểu Tà nói đi là đi ngay, làm nàng xót xa buồn bã bởi vì nàng là một người đẹp ai cũng thích, ai cũng lưu luyên, nay chỉ có Dương Tiểu Tà là người duy nhất nói đi là đi nên nàng buồn là vì thế.
Lúc đó Mạc công tử hỏi ông lão:
– Lão bá! Hắn là ai vậy?
Ông lão cười, nói:
– Đêm qua lão cứu tiểu huynh đệ đó từ dưới hồ lên, thấy tội nghiệp đã cho cơm ăn và cho ngủ qua đêm để sáng này sẽ đưa lên bờ, nào ngờ chuyện này đã đem lại rắc rối cho cô chủ, xin công tử bỏ qua cho già này.
Mạc công tử liền nói:
– Lão bá hãy ra đi, tôi có chuyện muốn nói với tên này.
Ông lão cảm giác được chiện chẳng lành sắp xảy ra, vội nói:
– Mạc công tử ...
Nhưng Tiểu Tà liền chặn lời lão nói lớn:
– Hai người kia là cái quái gì mà muốn nói chuyện với Dương thiếu gia chứ, còn làm khó lão bá bá đây nữa à? Các ngươi là ai cũng mặc kệ, hễ chọc tức Dương thiếu gia ta thì sẽ biết ... ha ... ha ...
Hai chàng công tử càng thêm tức giận. Lạc công tử quát:
– Tên ăn mày kia! Ngươi là cái quái gì mà dám đến gặp Liễu Thanh cô nương. Ngươi có biết nàng là mỹ nhân tài ba ở đất Hàng Châu này, gặp một lần là một ngàn lạng bạc không ...
Không để cho Lạc công tử nói hết ý, Tiểu Tà ngắt lời:
– À! Thì ra hai vị đã tốn một ngàn lượng bạc để nhìn mặt Liễu Thanh cô nương, nhưng Thông Thực Tiểu Bá Vương Dương Tiểu Tà này thì không tốn xu nào vẫn được nàng hầu chuyện một cách thỏa mãn. Vừa rồi các ngươi cũng đã chứng kiến ...
Nói đến đây Tiểu Tà quay nhìn Liễu Thanh cô nương và thấy nàng bẽn lẽn, thẹn thùng trước lời nói của mình.
Tiểu Tà hỏi luôn:
– Liễu cô nương! Hai người này là ai thế?
Liễu Thanh nói:
– Người mặc áo xanh là Mạc Dung Dạ công tử, con một đại phú gia ở đất Giang Nam. Còn kia là Lạc Khả Dĩ công tử cũng thuộc vào hàng đại phú gia của đất Hàng Châu này có danh hiệu là Thái Đông Giang, một danh hiệu cao quí.
Hai chàng công tử nghe Liễu Thanh nói ra như thế làm họ cảm thấy rất đắc ý cả hai nhếch nụ cười khoái trá.
Tiểu Tà nghe thế không lấy làm ngạc nhiên chỉ nhếch miệng cười nói:
– Danh hiệu họ cao quí, còn danh hiệu Thông Thực Tiểu Bá Vương Dương Tiểu Tà của tại hạ thì sao Liễu cô nương?
Liễu Thanh vui vẻ đáp:
– Tiện thiếp thấy danh hiệu của công tử hay hay và ngồ ngộ, nhưng sao mà dài thế? Công tử có thể cắt nghĩa cho tiện thiếp đây biết được không?
Tiểu Tà cười nói:
– Tôi cũng không biết. Nhưng hình như Mạc Dung công tử đại phú gia, Thái Đông Giang gì đó là tầm bậy, tầm bậy đấy ... ha ... ha ...
Tiểu Tà phá lên cười thật lớn, làm cho Mạc công tử giận dữ quát:
– Tiểu tử? Ngươi dám nhục mạ Mạc Dung thế gia à?
Nói xong Mạc Dung muốn đánh nhau.
Tiểu Tà bình thản:
– Mạc Dung, bộ tịch của nhà ngươi thế, không sợ nàng Liễu Thanh cười chê ngươi thiếu phong độ, hiếp một người ăn mày và nàng sẽ không thèm nhìn ngươi nữa thì lúc đó ta nghĩ ngươi ... bệnh tương tư mất thôi.
Mạc công tử nghe thế rút tay lại cố giữ lại trang nhã của một công tử hào hoa thanh lịch nhưng không giấu được sự bực tức trong lòng đối với Tiểu Tà. Một lúc lai thừ người ra ngồi xuống trơ mắt nhìn.
Tiểu Tà cười hi hi:
– Ta thấy Mạc Dung công tử đây cũng hơi dễ nhìn nên ta nói ngươi để ý đến phong cách. Còn Thái Đông Giang ta không để ý đến hắn.
Nói xong, Tiểu Tà đến bên Lạc Khả Dĩ cúi nhẹ lấy tay hất cái chăn đắp lên người công tử ấy rồi cười ha hả và cùng lúc muốn cho Lạc Khả Dĩ thấy những bắp thịt rắn chắc của mình.
Lạc Khả Dĩ chưa bị bất ngờ như thế bao giờ vội hất cái mền ra và hét to:
– Tiểu tử! Thật ngươi muốn chết sao?
Vừa hét, Lạc Khả Dĩ vừa đánh một quyền vào ngực Tiểu Tà nghe “Hự” một tiếng vì Tiểu Tà chẳng né tránh mà chỉ nói:
– Ha! Tự nhiên lại đánh người ta? Chẳng lẽ nơi đây không có luật lệ gì sao?
Ta sẽ đưa ngươi đi gặp quan huyện ngay.
Nói xong Tiểu Tà liền nắm cánh tay của họ Lạc lôi đị. Lạc công tử la lớn:
– Ngươi dám á! Thả tay ta ra mau! Ta nói cho ngươi biết đại nhân ở phủ kia là bằng hữu thân thích của phụ thân ta đấy.
Tiểu Tà vẫn nắm chặt tay Lạc Khả Dĩ lôi đi cười nói:
– Vương tử phạm pháp hiếp dân lành, chẳng lẽ ta còn phải sợ ngươi sao? Bây giờ có cầu cứu van xin cũng bằng thừa.
Lạc Khả Dĩ tưởng Tiểu Tà nói đùa không ngờ chàng ta làm tới, liền la lớn:
– Ngươi thật không buông ta ra sao, phụ thân ta và võ sư của ta sẽ không tha cho ngươi đâu.
Khi ấy, Liễu Thanh lo lắng cho Tiểu Tà sẽ gặp lôi thôi nên nói:
– Dương công tử hãy buông Lạc công tử ra đi. Những người ấy thế lực rất mạnh, không được đâu.
Tiểu Tà nói:
– Nàng muốn ta thả thì ta thả ngay, nhưng ta không xem Thái Đông Giang ra gì đâu. Nhưng ta hỏi nàng có bị khó khăn mà cần tiền không? Cứ nói ra xem, chứ tại hạ thấy hai tên ngốc này thật sự thích nàng mà bỏ tiền ra như thế thì không được rồi.
Liễu Thanh nói:
– Tiện thiếp cũng có dành dụm chút ít cho bản thân. Thật ra không phải tiện thiếp thiếu tiền, xin công tử hiểu cho.
Tiểu Tà lại hỏi:
– Vậy nàng có thích những vị công tử đây không?
Liễu Thanh nhỏ nhẹ:
– Tiện thiếp đều quý những ai là khách của tiện thiếp.
Tiểu Tà nói:
– Thôi được, ta không muốn hỏi gì thêm đâu, lát nữa ta sẽ đi, còn hai công tử kia nếu không xin lỗi ta thì ta không tha đâu.
Lạc công tử liền lên tiếng:
– Đừng hòng!
Tiểu Tà bước đến trước mặt Lạc công tử và nói:
– Đừng hòng phải không?
Cùng với lời nói, Tiểu Tà liền vung tay tát vào mặt Lạc công tử hai cái tát thật mạnh.
Lạc công tử giận dữ hét:
– Ngươi dám đánh ta à?
Hắn vừa dứt lời thì bị thêm hai cái tát nữa đến đỏ cả mặt.
Tiểu Tà mắng thêm:
– Tiểu ô quy, ta hỏi ngươi, nhà ngươi ở nơi đâu, ta sẽ đến đó đốt sạch cho ngươi xem.
Liễu Thanh lo sợ nói nhanh:
– Dương công tử, xin đừng làm thế ...
Mạc Dung thấy đã đến lúc có thể ra tay, nên hắn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với Tiểu Tà.
Trong khi đó, Tiểu Tà không hề biết được Mạc công tử tìm cách đánh lén.
Chợt Tiểu Tà nghe có luồng gió lạ ở phía sau thì một cú đánh đã tới, làm Tiểu Tà ngã nhào về phía trước miệng đầy máu nhưng cũng nhỏm dậy.
Liễu Thanh la lên một tiếng thất thanh vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, nàng không biết phải làm sao, nhưng khi thấy Tiểu Tà máu me đầy mặt, nàng liền chạy đến rút chiếc khăn tay ra lau máu cho chàng và lo lắng nói:
– Đừng sợ nhé, công tử!
Tiểu Tà vừa ngồi dậy vừa nói:
– Xin cám ơn Liễu Thanh cô nương. Tại hạ không thể chết đâu.
Rồi đứng lên nhìn Mạc Dung Dạ nhếch miệng cười, nói:
– Ta thật không ngờ Mạc công tử đánh lén ta từ sau lưng, bái phục, bái phục.
Mạc Dung công tử lạnh lùng nói:
– Ta tưởng ngươi ba đầu sáu tay kia chứ. Có dám ở đây đánh nhau nữa không.
Mới bị ta đánh một chưởng mà đỡ không nổi, hãy về nhà tập luyện thêm đi, khi nào đủ sức hãy đến đây, đừng để mất mặt trước mỹ nhân nhé!
Liễu Thanh vội nói:
– Mạc công tử! Xin hãy tha cho người ta đi. Người ấy là một kẻ lang thang rất tội nghiệp. Xin Mạc công tử đại ân đại đức tha cho vậy.
Nàng nói xong bật khóc.
Lạc Khả Dĩ thấy được dịp bèn nói ngay:
– Mạc Dung công tử đừng nể nang chi hết, hãy đánh tiếp nữa đi đánh cho hắn biết thế nào là xen vào chuyện riêng của người khác.
Tiểu Tà vẫn cười hì hì:
– Liễu Thanh cô nương, đừng có chịu thua như thế, đừng thèm van xin làm gì.
Dương Tiểu Tà này chưa từng van xin ai hết. Nàng hãy đứng qua bên đây đi để ta cho tên Mạc công tử này ngã liểng xiểng mới được và bắt con ô quy họ Lạc kia phải quỳ xuống đây xin tha tội nghe.
Nói xông, Tiểu Tà đẩy nàng Liễu Thanh qua một bên và chuẩn bị đối phó.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp