Tiểu Sát Tinh
Chương 56: Chính nghĩa chi cung
Lúc ấy Tích Tố và Đàm Anh đang đấu với hai tên đại hán bịt mặt; trận đấu rất kịch liệt. Công lực của hai đại hán ấy không kém gì Hoa Thị Ngũ Hùng. Tích Tố với Đàm Anh tuy đã thắng thế nhưng vẫn không đả thương chúng, hiển nhiên là hai người muốn bắt sống để khảo cung chứ không muốn giết chúng, cho nên mới đấu lâu như thế.
Nguyên Thông không muốn để hai nàng thắng trận mà làm hỏng kế hoạch của mình, nên chàng vội rú lên một tiếng rồi nhảy tới đấu trường giả bộ không biết chuyện, ngăn cản hai nàng và nói: “Tại sao hai vị hiền muội lại sinh sự như vậy?”
Trong lúc chàng nói chuyện đã đưa mắt ra hiệu, hai nàng hiểu ý ngay, Đàm Anh đở lời: “Chúng lấy trộm nhuyễn giáp của Hoa bá bá đấy!”
Nguyên Thông quay lại bảo hai người họ rằng: “Quý hồ trả cái áo giáp đó ra ta sẽ tha cho các ngươi liền.”
Nói xong, chàng làm ra vẽ giận dữ khôn tả.
Hai đại hán nọ bị Tích Tố với Đàm Anh đánh cho cuống cả chân tay đến bây giờ lại thấy Nguyên Thông hiện ra hỏi như vậy. Tuy chúng biết chàng giận dữ, nhưng vẫn có dịp để chối cãi được, liền đồng thanh đáp: “Quả thực chúng tôi không biết cái áo giáp đó là vật gì, chắn hai cô nương này hiểu lầm đấy!”
Nguyên Thông lại nói tiếp: “Nếu hai người để cho ta khám thì mới chứng thực lời nói của người không ngoa và ta sẽ tha cho hai người đi ngay.”
Bị khám xét là một sự rất nhục nhã, người trong giang hồ dù bị chết chứ không bao giờ nhận lời nhưng hai tên cẩu tẩu của phái Vạn Dương Sơn thì lại khác. Chúng có coi khí tiết vào đâu, chỉ mong thoát thân thôi, cho nên chúng bằng lòng nhận lời cho khám.
Nguyên Thông vừa cười vừa nói: “Hai người đã bằng lòng để cho ta khám như vậy đủ chứng ming giáp không có ở trong người hai người rồi. Ta chả cần phải khám làm chi, hai ngươi đi đi”
Chàng thả cho chúng đi một cách rất dễ dàng.
Đàm Anh thấy hai tên đó đi rồi liền dậm chân nói: “Nguyên đại ca làm gì lạ thế? Chẳng lẻ để cho chúng lấy trộm cái giáp đi tự nhiên như thế hay sao?”
Nguyên Thông vừa cười vừa kể rõ kế hoạch của mình cho hai nàng nghe, rồi chàng lại nói tiếp: “Nếu hai vị hiền muội mà bắt hai tên ấy thì có phải là lỡ hết mưu kế của ngu huynh không?”
Đàm Anh nghe xong mới cười, không trách chàng nữa.
Sau đó ba người định bàn cùng thỏa thuận hãy đem Địa Phủ Huyền Tinh về Lư Sơn đã.
Khi ba người về tới Lư Sơn thì vừa năm hết tết đến rồi, và Diệu Thủ Nhân Y cũng đã về núi trước ba người.
Ngoài ra Ngọc Tiêu Tiên Tử với Dương Thái và Tĩnh Nguyên trưởng lão của phái Võ Đang cũng có mặt tại đó. Bọn Nguyên Thông về tới Minh Hiên Tiểu Trúc và ở nhà lại có đông đảo mọi người như thế thực là vui vẻ hết sức.
Từ Hàng Ngọc Nữ mừng rỡ khôn tả, tuyên bố năm nay sẽ ăn một cái tết thực là vui.
Quả thực trên Ngũ Lão Phong chưa hề có đông người như thế này bao giờ. Không nói gì đến người trẻ tuối cứ nói đến chuyện Ngọc Tiêu Tiên Tử với Thanh Sam lão nhân hai người thù oán nhau mấy chục năm bây giờ đã xử hòa, chỉ một chuyện ấy cũng đủ vui mừng rồi. Huống hồ Thẩm Nhất Chi lại hay pha trò, nên lúc nào trong Minh Hiên tiểu trúc cũng có tiếng cười.
Ngày Tết mọi người một mặt hưởng cái Tết vui vẻ, một mặt sửa soạn cho Nguyên Thông xuống núi lần thứ ba. Bốc Kính Thành luyện Vạn Diệu linh đơn, cần rất nhiều linh dược mà số thuốc của ông tích trữ thì không đủ luyện. Cũng may Dương Thái với Tĩnh Nguyên đạo trưởng hai người đồ đệ của ông có mang theo rất nhiều linh dược; cứ việc theo đơn mà phối hợp chứ chả cần phải đi kiếm ở ngoài nữa. Chỉ chờ ba ngày Tết xong là bắt đầu luyện Vạn Diệu linh đơn ngay.
Nguyên Thông, Tích Tố và Đàm Anh cũng không chịu bỏ phí thì giờ, cả ba gắng công luyện tập. Bây giờ chỉ sự thành tựu của Tích Tố và Đàm Anh hai người cũng đủ thắng nổi Ứng Thành Luân. Sự vui thú trong gia đình khiến ai nấy đều cảm thấy ngày giờ rất ngắn ngủi, chỉ thoáng cái đã đến rằm tháng giêng rồi.
Đêm hôm nguyên tiêu không khí ở Minh Hiên tiểu trúc nghiêm túc và gây cấn hết sức.
Thẩm Nhất Chi với các nhân vật già thương lượng một hồi, rồi bảo Nguyên Thông, Tích Tố và Đàm Anh rằng: “Ba con thu xếp hành trang để ngày mai xuống núi”
Hai mươi mấy ngày qua các vị lão tiền bối thỉnh thỏang vẫn chỉ bảo bọn Thẩm Nguyên Thông cho nên bây giờ không phải nói nhiều.
Lúc nào Nguyên Thông cũng định tâm xuống núi, nhưng bây giờ nghe Thẩm Nhất Chi nói như vậy, chàng bổng cảm thấy quyến luyến, mồm tuy nói “vâng” nhưng mắt đã ứa lệ.
La Công Bắc có ý nói khích chàng nên xen lời: “Cháu sợ việc làm ấy khó khăn phải không?”
Nguyên Thông nghe nói hăng hái đáp: “Lần này xuống núi, nếu không thành công quyết không về núi”.
Từ Hàng Ngọc Nữ nghe con nói như vậy kinh hãi hỏi: “Hừ! Con nói gì thế?”
Nguyên Thông không muốn cho mẹ lo âu liền cười đáp: “Ý của con là lần này xuống núi thế nào cũng có thành tích như vậy mới phải đạo làm con cháu.”
Từ Hàng Ngọc Nữ thở dài một tiếng rồi nói: “Nếu vậy chỉ mong công việc làm của con mã đáo thành công, diệt trừ được tai kiếp cho võ lâm”
Nguyên Thông biết lòng từ bi của mẹ, nên trước khi từ biệt chàng dốc lòng hiếu thảo, liền cùng Từ Hàng Ngọc Nữ đi ra khỏi Minh Hiên tiểu trúc để được đượm tình mẫu tử.
Tích Tố quyến luyến không muốn xa ông, còn Đàm Anh thì đã có sư phụ Ngọc Tiêu Tiên Tử săn sóc.
Sáng sớm hôm sau, Nguyên Thông, Tích Tố và Đàm Anh chào các lão tiền bối rồi xuống núi.
Sau khi bọn Nguyên Thông đi khỏi lại có ba bọn nữa rời khỏi Ngũ Lão Phong.
Tốp thứ nhất là Hồi Xuân Thủ Dương Thái với Tĩnh Nguyên đạo trưởng hai người đi lấy thuốc.
Tốp thứ hai là Từ Hàng Ngọc Nữ với Thái Hà hai thầy trò.
Tốp thứ ba là đôi tình nhân già Thanh Sam Lão Nhân với Ngọc Tiêu Tiên Tử.
Trên Ngũ Lão Phong ở Lư Sơn chỉ còn lại Thẩm Nhất Chi, La Công Bắc, Bốc Kính Thành có xuống núi hay không thì chưa ai được biết.
Hãy nói Nguyên Thông, Tích Tố và Đàm Anh xuống Lư Sơn thủng thẳng đi về phía Cửu Giang. Tối hôm đó đã tới nơi và ngủ trọ ở đấy.
Nguyên Thông bàn với hai nàng rằng: “Từ ngày mai trở đi ngu huynh cùng hai vị hiền muội chia làm hai nhóm. Ngu huynh đi một mình, hai vị hiền muội đi với nhau. Mỗi nhóm một ngã và làm mội việc, không nên đi cả tốp như thế này. Vì đi như thế này việc làm của chúng ta không có kết quả”
Đàm Anh giận dữ nhìn chàng đáp: “Đại ca định chia ra như thế để làm gì? Có lẽ vì ghét chúng tôi chăng? Có phải đại ca tưởng đại ca quý báu lắm phải không?”
Nàng không tán thành ý kiến của Nguyên Thông nên mới nổi giận như vậy.
Nguyên Thông đưa mắt nhìn Tích Tố, nàng nọ hiểu ngay tủm tỉm cười khuyên Đàm Anh: “Anh muội, chắc đại ca có mưu kế gì đây. Nhưnh anh ấy có ý chọc tức chúng ta”
Nguyên Thông rất kính phục Tích Tố, chờ nàng ta nói xong, chàng liền đỡ lời: “Tố muội nói rất phải, nhưng Tố muội phải đoán xem mưu kế của ngu huynh như thế nào”.
Đàm Anh vẫn còn tức giận lên tiếng nói: “Chị Tố, chị đừng đoán mưu kế quỷ gì của anh ấy. Anh ấy thích đi một mình cứ để anh ấy đi và anh ấy không nói cho chúng ta hay cứ mặc anh ấy. Xem anh ấy giữ được đến lúc nào?”
Tích Tố kéo tay Đàm Anh rỉ tai nói: “Chúng ta đoán trúng tâm sự của anh ấy, anh ấy không làm bộ được nữa đâu”
Nguyên Thông thấy thái độ ngây thơ của Đàm Anh trong lòng thích thú. Chàng lại thấy Tích Tố đang cau mày nghĩ ngợi: hai người cùng đẹp như tiên nữ. Nói về tính nết mỗi người có một điểm hay riêng, một người thông minh hòa thuận, lúc nào cũng vui vẻ, một người thì ngây thơ hoạt bát đầy hào khí. Chàng càng ngắm nhìn hai nàng càng vui vẻ và nghĩ thầm rằng: “Được hai người vợ thế này, thực kiếp trước ta đã khéo tu”
Nghĩ tới đó chàng bỗng cười lên tiếng.
Đàm Anh thấy Nguyên Thông ngẩn người ra rồi cười khì, liền vỗ tay vừa cười vừa nói: “Chị Tố mau đoán đi, bằng không Nguyên đại ca sắp nói ra đấy”
Tích Tố hai mắt sáng ngời tủm tỉm đáp: “Chị đã nghĩ ra được đại khái rồi.”
Đàm Anh sợ Nguyên Thông nói ra vội thúc giục: “Chị mau nói đi, chúng ta đoán trúng xem từ giờ trở đi anh ấy còn làm bộ làm tịch thế này nữa không?”
Tích Tố nhìn Nguyên Thông, chàng nọ bỗng giật mình bụng bảo dạ rằng: “Có lẽ nàng đã đoán ra tâm sự của ta rồi”
Với vẻ mặt kính phục chàng liền nói: “Tôi biết Tố muội thông minh lắm, thế nào cũng đoán ra được tâm sự của tôi”
Tích Tố thấy chàng nói khen mình lấy làm khoái chí thẳng thắng đáp: “Tiểu muội rất phục cao kiến của đại ca”
Đợi chờ mãi thấy Tích Tố chỉ nói được một câu như thế, Đàm Anh nóng lòng sốt ruột, liền giục: “Chị Tố nói mau đi, em đã nóng lòng sốt ruột quá lắm rồi”
Tích Tố vẫn tủm tỉm cười trả lời: “Tất nhiên chị phải nói cho em nghe…”
Nói tới đó, nàng quay mặt nhìn Nguyên Thông và nói tiếp: “Ứng Thành Luân là một tên ma đầu rất lợi hại, đâu đâu cũng có tai mắt của y. Nếu chúng ta đi cùng với nhau như thế này lộ liễu quá, làm sao mà theo dõi hành động của y được.”
Nguyên Thông gật đầu nói: “Tố muội nói rất phải, vì vậy ngu huynh muốn chúng ta chia ra hai tốp mới dễ len lỏi vào sào huyệt của tên ma đầu mà hành động.”
Đàm Anh thấy Tích Tố và Nguyên Thông nói rất hữu lý đành phải ưng thuận.
Nguyên Thông ân cần nói với Đàm Anh: “Anh muội, sau khi chúng ta chia làm hai tốp rồi điều cần nhất hiền muội phải nghe lời chị Tố đừng có bướng bỉnh”
Tích Tố đáp: “Đại ca cứ yên tâm, Anh muội với tôi hai người đồng tâm như một, có việc gỉ cũng bàn tán với nhau.”
Đàm Anh nghĩ đến lúc phải chia tay với Nguyên Thông liền rầu rĩ hỏi: “Còn đại ca thì sao?”
Ý của nàng là lo âu cho Nguyên Thông và muốn hỏi chàng sẽ đi đâu.
Nguyên Thông vừa cười vừa đáp: “Ngày mai ngu huynh định đi núi Cửu Nghi trước, muốn gặp Vô Hình Kiếm Tôn Gia Gia rồi mới định việc khác sau. Còn hai vị hiền muội thì tốt hơn hết đừng vào chốn nguy hiểm cứ ở hai tỉnh Hồ Nam. Hồ Bắc này gây nên phiền phức cho y cũng đủ rồi. Chờ tới ngày mùng năm tháng năm chúng ta sẽ gặp lại nhau.”
Nói xong, ba người dặn nhau những ám hiệu để liên lạc rồi chia tay đi ngủ.
Ngày hôm sau, Nguyên Thông tiễn Tích Tố với Đàm Anh mấy dặm mới đi núi Cửu Nghi.
Bấy giờ Nguyên Thông đã là người có tên tuổi lừng lẫy trong giang hồ, người của núi Vạn Dương trông thấy chàng chỉ ngấm ngầm theo dõi thôi, chứ không ai dám gây hấn với chàng cả.
Còn những nhân sĩ giang hồ khác chỉ nghe thấy tên của chàng chứ chưa hề gặp mặt bao giờ, cho nên gặp chàng mà họ cũng không biết chàng là ai. Vì vậy chàng mới đỡ bị phiền phức.
Chàng đi từ Cửu Giang đến Cửu Nghị suốt dọc đường không xảy ra chuyện gì cả.
Núi Cửu Nghị là chỗ xây dựng Chính Nghĩa Chi Cung của Ứng Thành Luân và cũng là chỗ để y giải quyết những sự nguy nan giúp đỡ các nhân sĩ võ lâm. Cho nên đi tới đó hỏi là biết ngay Chính nghĩa Chi cung ở đâu.
Thì ra Chính Nghĩa Chi Cung lập ở trong miếu vua Thuấn. Vì nhân viên chấp sự rất đông và người mộ danh tới cũng đông như kiến Ứng Thành Luân phải xây thêm nhiều nghênh tân quán. Những nhà để liên tiếp lại thành một tòa nhà lớn, khí thế rất hùng vĩ và tráng lệ khiến ai trông thấy cũng phải ngưỡng mộ.
Vạn Gia Sinh Phật Ứng Thành Luân tuy là người sáng lập ra Chính Nghĩa Chi Cung và cũng là người chủ trì của tòa nhà đó nhưng y thường đi vắng luân, ít khi có mặt tại đó.
Ứng Thành Luân có quyền oai tối cao ở Chính Nghĩa Chi Cung, y luôn luôn tỏ ra một phong độ khiến người ta phải kính mến và phải tin tưởng nữa. Nếu cứ đo lường bề ngoài của Ứng Thành Luân thì y đã thành công tới mức tột độ, vì ai ai cũng ca tụng y.
Suốt dọc đường, Nguyên Thông bị những sự ca tụng Ứng Thành Luân của mọi người làm cho chàng cũng nghi hoặc. Mặc dầu chàng đã đối địch với y một trận và biết y là một tiểu nhân ác độc một trăm phần trăm, nhưng cái việc của núi Cửu Nghi này làm cho chàng do dự. Chàng cố tìm lý do để chứng thực những cái mắt thấy tai nghe ở trên núi Cửu Nghi này là giả dối lòe đời.
Chàng vừa đi vừa suy nghĩ, không bao lâu đã tới trước cửa Chính Nghĩa Chi Cung. Chàng thấy trước cửa Cung có mười sáu đại hán chia làm hai bên đứng canh gác, trông rất oai nghiêm.
Chàng vừa tiến lên, định nhờ những đại hán đó vào truyền báo. Ngờ đâu mười sáu đại hán nọ vừa trông thấy chàng đã đứng một cách nghiêm trang để đón chào. Trong lúc chàng đang ngơ ngác thì bên trong đã có hai đại hán bước ra vái chào chàng và hỏi: “Tiểu hiệu có phải họ Thẩm đấy không?”
Nguyên Thông liền gật đầu đáp: “Phải, tiểu sinh lên đây muốn cầu kiến Tôn lão tiền bối.”
Hai đại háng tủm tỉm cười, liền lớn tiếng nói vọng vào bên trong: “Thẩm thiếu hiệp giá lâm”
Nguyên Thông thấy tình hình lạ lùng liền hỏi: “Chính Nghĩa Chi Cung đối với khách nào cũng tiếp đãi như thế này hay sao?”
Một người trong bọn nghiêm nghị đáp: “Thẩm thiếu hiệp danh trấn giang hồ, Chính Nghĩa Chi Cung chúng tôi tôn kính tiểu hiệp là một nhân vật chính khí. Lễ phép này chỉ dùng để nghênh tiếp một mình tiểu hiệp thôi.”
Nguyên Thông ngạc nhiên hỏi lại: “Sao? Các người đã biết trước ngày hôm nay Thẩm mỗ tới đây ư?”
Đại hán nọ làm ra vẻ rất bí mật, khẽ đáp: “Khi tiểu hiệp còn ở ngoài xa hai trăm dặm, trong Cung chúng tôi đã biết tiểu hiệp tới rồi”
Nguyên Thông kinh hãi thầm, nhưng mặt vẫn thản nhiên, hai đại hán nọ đồng thanh nói tiếp: “Mời tiểu hiệp vào.”
Nói xong, chúng đi trước dẫn đường, Nguyên Thông theo hai đại hán đi qua một con đường trải đá, hai bên trồng thông và bách. Khi đi tới trước cửa thứ hai, có một đám người đứng chờ để nghênh đón. Hai người đứng trước mặc áo dài gió thổi bay phấp phới, trông rất đạo mạo.
Nguyên Thông mặt bỗng biến sắc, chưa kịp lên tiếng thì người nọ đã tỏ vẻ hoan nghênh, cười ha hả liền.