Tiệc Báo Thù

Chương 13


Chương trước Chương tiếp

Khương Minh định bảo: anh hãy nghiêm túc đi! Nhưng không nỡ vì thấy anh ta đang bị thương đeo băng treo cánh tay. Đới Thế Vĩnh kể lại sự việc một cách thoải mái và dí dỏm, không như Tạ Nhất Bân chỉ cố soi mói châm chích người ta, nhưng quá hồn nhiên thì cũng không cần thiết.

Ba Du Sinh hỏi, “Lúc trở lại đại sảnh, anh có chú ý đến khu nhà bếp không?”

Đới Thế Vĩnh ngẫm nghĩ, rồi nói, “Tôi chỉ chú ý nhìn hai người, đều mặc đồng phục, một người cao to mặc đồng phục bảo vệ, ngồi ở chân tường cứ như đang hết hơi, chân loang lổ máu chưa được băng bó. Tôi nói, ‘Các người cướp đã đành, nhưng nên có chút nhân đạo, băng bó cho người ta thì hơn.’ Hậu quả là bị thằng gay ấy đạp cho một phát. Sau đó hắn còng chung tay phải tôi với tay trái của anh bảo vệ, tay phải anh ta thì đang bị còng với tay trái của cô gái ở quầy tiếp tân. Những gã này nếu làm hậu cần, mua sắm, sử dụng trang thiết bị… sẽ rất biết tận dụng vật tư! Và một người nữa hơi có tuổi, mặc bộ đồ trắng của đầu bếp. Ông ta nằm co ro, bất động, cứ như đã chết rồi, bị còng hai tay. Có phải đó là bếp trưởng mà các anh nhắc đến không? Bên cạnh còn có hai người mặc đồ trắng nữa, tuổi tác chênh nhau nhưng đều còn trẻ, chắc không thể là bếp trưởng rồi.”

Ba Du Sinh, “Được rồi! Anh kể tiếp đi?”

“Sau đó, chúng làm một việc hết sức quái dị, chúng lục lọi trên bàn, chọn ra một chiếc di động đưa cho anh phục vụ bảo gọi điện báo cảnh sát. Tôi nghĩ bụng: hôm nay gặp phải hai con bệnh trốn khỏi nhà thương điên hay sao? Đời thuở nào ăn cướp rồi lại chủ động báo cảnh sát? Nhưng tôi lập tức nhận ra mình rất ấu trĩ, mình chưa có kinh nghiệm phạm tội. Hai tên ấy chủ động báo cảnh sát, tất nhiên có mục đích, nhằm tạo ra một vụ khống chế con tin, ra điều kiện mặc cả với nhà nước phải chiều ý chúng, vẫn thường thấy trên phim ảnh là thế… Chờ xe cảnh sát hú còi chạy đến bắc loa kêu gọi đầu hàng, chúng lại làm một việc quái dị nữa: bắt Lương Tiểu Đồng nhắn tin cho cảnh sát. Nội dung tin nhắn, tôi không biết, chỉ nghe thấy chúng nói đến hai chữ ‘thương lượng’. Nhưng chẳng thấy thương lượng gì hết, cả đám ngồi đợi suông mà không biết phải đợi cái gì. Cuối cùng mới hiểu chúng đợi một cô gái tên là Na Lan.”

Khương Minh hỏi, “Anh hãy nói về nội dung trao đổi giữa Na Lan và bọn chúng, chúng định đưa ra điều kiện như thế nào?”

“Điều này thì tôi không biết. Chúng tôi đều phải quay mặt vào tường, thỉnh thoảng nhìn trộm, nếu chúng phát hiện ra thì ăn đòn luôn. Nhưng tôi cũng nghe thấy Na Lan khuyên chúng đầu hàng, hứa rằng sẽ nói đỡ cho chúng phần nào, cô ấy còn hỏi chúng muốn điều kiện ra sao thì sẽ truyền đạt hộ. Một tên nói: bọn tôi không cần gì cả, hoặc nói cách khác, thứ mà chúng tôi muốn có e rằng không thể có được, nên đành phải liều! Na Lan không nói gì nữa. Cũng chẳng thể trách cô ta. Thực ra tôi cũng ù ù cạc cạc không hiểu. Về sau, một tên cướp - nói giọng miền Nam, là tên đã đánh tôi bị thương - đưa Na Lan sang phòng nhỏ bên cạnh lầm rầm trao đổi, nói gì thì không ai nghe rõ.” Đới Thế Vĩnh cúi đầu, người giật lên.

“Anh sao thế?” Ba Du Sinh hỏi.

“Không sao, không sao.” Đới Thế Vĩnh hít vào một hơi thật sâu, rồi thở ra. “Được, tôi nói thật, vì nhớ đến các sự việc xảy ra sau đó, tôi lại thấy hơi hoảng loạn.”

Cả ba cảnh sát đều im lặng, không truy hỏi tại sao.

Khi ghi bút lục ba người trước đó, họ đều gặp tình huống tương tự: ba người ấy nói đến đoạn cuối cùng tức là vụ nổ và hỏa hoạn, đều tỏ ra kinh hãi hoang mang. Đúng là những hình ảnh ghê rợn không nên nhắc lại, vụ nổ ấy là một trải nghiệm cận kề cái chết của mọi người có mặt. Đới Thế Vĩnh tuy mồm mép tép nhảy, không ngớt hài hước nhưng khi nhắc lại giây phút bạo lực kinh hoàng ấy thì vẫn không thể bình tĩnh nổi.

“Ông Đới Hướng Dương… muốn tự sát.” Đới Thế Vĩnh hít sâu một hơi, “Nhưng còn định kéo cả bọn chúng tôi chết theo.”

Cả căn phòng lại chìm vào im lặng.

Đới Thế Vĩnh tiếp tục độc thoại, “Chắc các anh sẽ nghĩ rằng tôi rất nghiệt ngã, phải không? Vì tôi kết luận rất vô căn cứ như thế về một người vô tội bị hại, với con người mà tôi gọi là chú… Tại sao ông ấy chết, tại sao tôi nói ông ấy tự sát? Nhưng nếu các anh hỏi kỹ, thì rất có thể cũng sẽ có kết luận như tôi. Trước đó tôi và ông ấy ngồi ở bàn ăn nói chuyện về nghiệp vụ và khả năng sẽ hợp tác… đều là những đề tài thông thường trên thị trường, tôi vẫn quan sát phản ứng của ông ấy. Tôi công nhận rằng mình có những ưu nhược điểm về chuyện quan sát người khác, tôi rất thẳng thắn, vì việc quan sát sẽ… chắc các anh cũng biết rồi, tức là nhìn vẻ mặt và nghe cách nói năng. Dù là vẻ mặt hay cách nói, tôi đều rất sát sao. Quan sát đối phương là kỹ năng cơ bản của người kinh doanh bán hàng. Nhiều khi một thương vụ thành bại ra sao rất phụ thuộc vào năng lực của người tiếp thị đánh giá đối phương và nắm bắt thời cơ…”

Khương Minh có vẻ sốt ruột, ngắt lời, “Anh Đới Thế Vĩnh…”

“Xin lỗi, tôi hơi lan man. Tôi định nói rằng, mục tiêu của tôi khi đến bữa ăn đó là chốt được sự hợp tác với tập đoàn Hâm Viễn, được Đới Hướng Dương tin cậy và thiện cảm. Cho nên tôi chăm chú quan sát ông ta, sắc mặt, ánh mắt, và thái độ khi nói chuyện, đánh giá mức độ hứng thú của ông ta đối với sự hợp tác. Nhưng kết quả thì… các anh đoán xem, tôi nhận ra điều gi?”

Ba Du Sinh, “Chúng tôi thời gian hạn hẹp, và cũng muốn nhanh chóng kết thúc để anh được nghỉ ngơi nhiều hơn. Anh cứ nói luôn đi.”

“Được.” Dù quan sát Đới Hướng Dương như thế nào, anh ta vẫn tỏ ra hào hứng. “Tôi nhận thấy ông ta mệt mỏi, cũng là điều bình thường thôi, vì một tổng giám đốc tập đoàn lại không mệt mỏi tức là không ham công việc. Tôi còn nhận ra ông ta không hứng thú với các nghiệp vụ mà tôi nêu ra, cũng là bình thường, tôi vẫn tự tin vào khoa nói của mình. Nhưng điều tôi thấy rõ nhất là thái độ thờ ơ lạnh nhạt với cuộc sống, công việc và sơn hào mỹ tửu trước mặt hình như chỉ là phù vân với ông ta. Ánh mắt ông ta thậm chí bi ai, cứ như đã linh cảm thấy sau nửa giờ nữa tất cả sẽ tan thành mây khói.”

“Được! Tôi tin rằng anh quan sát rất nhạy bén sắc sảo nhưng nếu chỉ dựa vào ánh mắt và vẻ mặt thì rất khó mà…” Ba Du Sinh không biết nên làm gì để đánh loãng trí tưởng tượng dâng trào của Đới Thế Vĩnh.

“Đúng là những điều này không thể coi là chứng cứ gì cả, nhưng còn cách nói năng của ông ta nữa. Tôi đã nói lúc trước rằng ông ta rất hứng thú muốn hợp tác với tôi. Việc ông ta dành thời gian để tiếp kiến một nhà buôn nhỏ như tôi nhân ngày khai trương hội quán Tiêu Tương chứng tỏ điều đó. Nhưng khi nói đến tương lại, thì ông ta đã vài lần nói rằng Yên Vệ Bình sẽ tổ chức tập đoàn Hâm Viễn thế này, thế kia… Vệ Bình là cháu rể ông ta, các anh đã biết rồi, hoặc ông ta nói: e rằng tôi không đợi đến cái ngày ấy nhưng Vệ Bình và Hâm Viễn sẽ thế này thế khác. Nghe có vẻ như Yên Vệ Bình sẽ là người kế thừa Hâm Viễn, điều này thì ai cũng đã biết cả, nhưng hãy nghĩ kỹ mà xem, tại sao ông ta nói không thể đợi đến cái ngày ấy? Tại sao lại tách mình ra khỏi Hâm Viễn? Bấy giờ tôi không đào sâu suy nghĩ nhưng kết hợp với hành động về sau của ông ta, thì rõ ràng là ngụ ý rằng mình chẳng sống được bao lâu nữa, khi ngồi cùng bàn ăn, ông ta đã có ý tìm đến cái chết. Chẳng ai biết ban đầu ông ta dự định thế nào nhưng vụ cướp bất ngờ xảy ra hôm nay đã cho ông ta một cơ hội rất tốt.”

Cả ba cảnh sát không thể hiện thái độ gì. Khương Minh hỏi, “Anh kể rõ xem, Đới Hướng Dương đã làm những việc gì?”

Đới Thế Vĩnh uống một ngụm nước, dường như chìm trong suy tưởng, sau đó nói, “Nên bắt đầu từ đâu nhỉ… À, một tên cướp đang thương lượng với Na Lan trong gian phòng nhỏ.” Anh ta nhìn lên trần nhà, cố nhớ lại. “Không rõ họ thương lượng bao lâu. Tôi ngồi quay mặt vào tường, vì tay bị trật khớp nên đau lắm, chỉ muốn chết. Bỗng phía sau như có loạn, khiến tôi tỉnh hẳn. Rồi loảng xoảng một hồi, kính cửa sổ vỡ tan, thật kỳ quái, tôi ngoảnh lại nhìn, thấy Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đã nhảy bổ vào tên cướp, vồ mấy lần đều trượt vì hắn né tránh, nhưng rồi họ cũng đè được hắn xuống đất. Lúc đó cả gian nhà trở nên hỗn loạn, ai cũng la oai oái. Tôi nghe thấy Đới Hướng Dương hét lên: đồ khốn nhà mày có súng chứ gì, sao không bắn đi? Mày có giỏi thì bắn cụ mày xem? Chính câu đó khiến tôi nghĩ ông ta có ý tự sát.”

Ba Du Sinh và Khương Minh nhìn nhau. Lần đầu tiên hai anh nghe nói điều này.

“Trước khi anh kể tiếp, tôi muốn hỏi nhanh một câu: giả sử phán đoán Đới Hướng Dương muốn tự sát là chính xác, thì trước đó, khi đang ngồi ăn, trong lúc nói năng ông ta có hé lộ câu nào thể hiện ý định này không?” Ba Du Sinh nhớ rằng có lần Na Lan đến Sở Công an tư vấn, cô nói bất cứ ai định tự sát đều có một vài dấu hiệu báo trước, ngầm ngụ ý thậm chí nói thẳng nguyên nhân khiến cho mình phẫn uất rồi nghĩ quẩn, còn người nghe có nhận ra dấu hiệu hay không lại là chuyện khác. Đới Thế Vĩnh hồi tưởng sự việc, cảm nhận rằng Đới Hướng Dương muốn tự sát, vậy cảnh sát nên gắng tìm hiểu nguyên do khiến ông ta chán sống.

Đới Thế Vĩnh, tay mân mê cái băng đeo cánh tay trật khớp, nghĩ một hồi rồi lắc đầu, “Con người ông ta… có lẽ là gừng càng già càng cay thật, ông ta không tùy tiện bổ bã thiếu chọn lọc nghĩ sao nói vậy như tôi. Tôi và ông ta nói chuyện gần một tiếng đồng hồ, tôi phun ra cả mấy đời tổ tiên nhà mình, mà ông ta thì rất ít nói về bản thân, không kể lể lịch sử phất lên, không nói về các thành viên gia đình và càng không tâm sự các vấn đề tâm lý của mình.”

Ba Du Sinh, “À, nhắc đến vấn đề tâm lý… Tôi muốn anh nhớ lại một vấn đề có thể là rất khó, mong anh chuẩn bị. Anh hãy kể về cảnh vụ nổ đó?” Mấy người đã ghi bút lục khi trước, lúc kể về vụ nổ, ít nhiều đều rối trí, không ai chủ động miêu tả cảnh tượng chết người ấy. Ba Du Sinh rất thông cảm, đương nhiên không thể trách gì họ. Thụ động chứng kiến một vụ nổ là cơn ác mộng không bao giờ quên. Đó là một cảnh tượng đáng sợ ám ảnh họ suốt đời. Hai tiếng đồng hồ sau vụ nổ kinh hồn, những người may mắn sống sót đều muốn xóa sạch dấu ấn về nó, chứ mấy ai muốn miêu tả lại cảnh tượng đổ máu ấy? Người may ra đủ khả năng hỗ trợ cảnh sát, chỉ có thể là nhà doanh nhân trẻ nói như rồng leo này thôi.

Đới Thế Vĩnh cúi đầu im lặng. Hồi lâu sau mới ngẩng lên, “Nhất thiết… phải kể về nó à?”

“Việc này rất quan trọng, giúp chúng tôi tìm hiểu các tình tiết vụ án. Hay là chúng tôi cứ hỏi anh một số câu, anh gắng trả lời vậy, được không?” Ba Du Sinh hỏi.

Đới Thế Vĩnh gật đầu, “Như thế… thì dễ hơn.”

“Lúc nổ và sau khi nổ, anh có bao quát được tình hình thương vong không?” Ba Du Sinh hỏi.

Đới Thế Vĩnh lại hít sâu một hơi, đầu lúc lắc rất nhanh, rồi thở mạnh. “Máu thịt bắn tung tóe.” Sắc mặt tái nhợt từ lúc nào không biết.

Ai nấy nín lặng, chừng mười giây sau, Khương Minh hỏi, “Anh có thể nói cụ thể hơn không? Chết và bị thương… bao nhiêu người, là những ai?”

Sắc mặt Đới Thế Vĩnh càng bợt bạt, nhưng anh ta vẫn gắng trả lời, “Tôi đứng ở cửa ra vào, họ vật lộn đánh nhau đến góc tường đằng xa, cho nên tôi chỉ nhìn thấy lửa chớp sáng lóa rồi khói đen bốc lên, không biết là một người hay nửa thân người bay lên… các khúc chân tay và máu bắn ra tứ tung. Sau đó cả ba người đang đánh nhau đều bất động. Hình như…” Anh ta ngửa đầu, như thể trên trán hiện ra những thước phim vô hình ghi lại cảnh tượng máu me kinh khủng cách đây hai tiếng đồng hồ, “Vì ngay sau đó là hỏa hoạn cho nên tôi không chú ý được nữa, chỉ nhớ rằng một trong ba cái xác tương đối nguyên vẹn, tôi đoán là Yến Vệ Bình, còn hai cái xác kia thì đều nát tan thậm chí không còn ra hình người nữa… Còn mọi người thì… vừa nghe có người quấn thuốc nổ trong mình, ai nấy đã lùi ra, cách họ càng xa càng tốt. Sau tiếng nổ có người kêu thét lên, tôi không nhìn thấy ai ngã thêm nữa, đoán rằng một số người chỉ bị các mảnh vụn bắn vào mà bị thương. Số tôi tương đối may mắn…” Anh ta đập vào dải băng đang treo cánh tay, “Đương nhiên, cũng không thể nói tôi bị thế này là may mắn, nhưng ít ra không sứt sẹo, cũng không bị bỏng vì vụ nổ. Sau đó, đến bệnh viện, tôi nhìn thấy rất nhiều người bị thương.”

Ba Du Sinh hỏi một vấn đề mà các sĩ quan cảnh sát đều rất quan tâm, “Anh có chú ý đến tên cướp thương lượng với Na Lan ở gian phòng nhỏ bên cạnh, sau vụ nổ và hỏa hoạn, hắn ta đi đâu không?”

“À…” Đới Thế Vĩnh ngẩn người, dường như chợt hiểu ra. “Hắn ta, đáng lẽ tôi nên chú ý mới phải! Bây giờ thì… đúng là không thể nhớ ra. Sau tiếng nổ mọi người đều hoảng loạn, có người nhảy qua cửa sổ, có người… có hai ba người bị còng liền với nhau, ví dụ như tôi…” Anh ta bỗng run bần bật, ngay giọng nói cũng run run, “Tôi… tôi và anh bảo vệ cao to bị còng với nhau, khi lửa bùng lên tạt thẳng vào mặt tôi, khăn trải bàn trên bàn ăn lập tức bốc cháy, tôi gọi anh ta: mau đứng lên hai ta cùng chạy thôi… Anh ta nói: tôi chỉ còn một chân thì chạy sao được? Lúc này tôi mới nhớ ra một tay mình bất lực, tay kia bị còng, kéo anh ta thế nào đây? Tôi choáng váng, nghĩ bụng: thế là hết, đành đi đời nhà ma mất rồi! Lửa cháy mỗi lúc một to, bàn ghế, tường, đều cháy, tôi nhìn thấy cô gái tiếp tân tên là Chân đang cố kéo anh bảo vệ đứng lên, tôi bèn gọi: này đồ thộn, chúng ta ít ra cũng cứ nên thử xem sao! Nói thì dễ, và có lẽ anh ta cũng muốn cố gắng, nhưng cổ tay tôi dường như sắp đứt, tôi và Chân vẫn không thể kéo nổi anh ta đứng lên. Đúng lúc đó bỗng có một người chạy đến xốc anh bảo vệ đứng dậy và cùng hai chúng tôi dìu đỡ anh ta. Lúc này khói đen dày đặc, nhưng tôi vẫn nhận ra người ấy là Na Lan.”

Ba Du Sinh khẽ thở dài, thầm nghĩ: Na Lan, em luôn rơi vào cảnh hiểm nguy, là yếu tố ngẫu nhiên lặp lại hay là quy luật tất nhiên dành cho em?

Đới Thế Vĩnh tiếp tục, “Cô ấy đỡ anh bảo vệ đứng dậy rồi cùng chúng tôi đi xuống tầng dưới. Lúc này lại có thêm một anh cao cao gầy gầy, lúc nãy anh ta bị còng chung với Na Lan, bây giờ thì hai tay bị còng, anh ta kêu lên: Na Lan, cô không bị còng, cứ ra cửa sổ nhảy xuống, tôi đỡ anh ta cho! Na Lan hơi do dự, rồi cũng bằng lòng để anh ta đỡ anh bảo vệ, sau đó nhảy qua cửa sổ. Bốn chúng tôi vừa đi được mấy bước, chưa ra đến cửa, thì tiếng nổ thứ hai vang lên.” Đới Thế Vĩnh đưa ống tay áo quệt mồ hôi trán, rồi tiếp tục, “Vụ nổ ấy tuy cách hơi xa nhưng cũng đủ để hất chúng tôi vốn đang đi loạng choạng ngã nhào xuống đất. May sao các nhân viên cấp cứu đã kịp thời chạy đến, nếu không, có lẽ da dẻ tôi còn đen thui hơn nữa.”

Khương Minh đưa tờ sơ đồ mặt bằng đại sảng tầng hai ra, “Phiền anh, đánh dấu vị trí xảy ra hai vụ nổ.”

Đới Thế Vĩnh nhanh chóng đánh dấu vị trí vụ nổ thứ nhất. Nhưng sau một lúc lâu nghĩ ngợi, anh ta mới miễn cưỡng khoanh một vòng tròn nhỏ ở góc Đông Bắc đại sảnh, rồi ngẩng lên, “Lúc đó trong nhà mù mịt khói, cho nên khẳng định là cái gì nổ, nổ ở chỗ nào thì tôi chịu. Tôi chỉ hơi có ấn tượng và áng chừng phương hướng xảy ra vụ nổ nên đánh dấu ở đây, các anh đừng cho nó là tuyệt đối đúng.”

Lúc này di động của Ba Du Sinh bỗng rung mạnh, nhìn tên người gọi đến, anh lập tức bắt máy, “Cát Sơn, anh nói đi!”

Hai tiếng bốn mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại hiện trường khám nghiệm lầu chính Tiêu Tương.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...