Thuật Yêu Đương
Chương 3
Yếu tố gây tình ái quan trọng nhất là tình thương che chở, bảo bọc.
Người đàn ông thích bảo bọc, người đàn bà thích được che chở. Cho nên, tình yêu nào do ân nghĩa gây ra là thứ tình yêu sâu sắc và bền bỉ nhất.
Người đàn ông nào cũng thế. Dường như tạo hóa tạo người đàn ông to lớn, vạm vỡ, mạnh mẽ hơn người đàn bà nhiều để họ làm tròn sứ mạng che chở, bênh vực người đàn bà. Họ thích làm người nghĩa hiệp, thi ân hơn là thọ ân. Hãnh diện của người đàn ông là nơi đó. Và chính đây là một tâm trạng sâu kín mà phần đông ít ai để ý: họ dễ “yêu” những kẻ nào được họ bảo bọc, bênh vực. Tình yêu của họ thường phát sinh nơi đó.
Bởi vậy, các bạn gái nào muốn được người đàn ông con trai “yêu” mình tha thiết, cần tỏ ra mình là kẻ bất tài, yếu đuối và nhút nhát, luôn luôn cần đến sự che chở đùm bọc của họ. Chắc chắn các bạn sẽ được yêu như ý muốn. Trái lại, nếu bạn tỏ ra tự cao ngạo nghễ, không cần đến ai cả, lại kình địch tranh khôn với họ, chắc chắn dù mình có được họ yêu thương bậc nào họ cũng sẽ “bỏ rơi” mình ngay. Ta nên nhớ rằng người đàn ông họ tự tôn, tự đại lắm, không bao giờ họ có thể yêu thương tha thiết được người đàn bà luôn luôn tỏ ra là người hay hơn họ, bất cứ về phương diện nào: tiền bạc, danh vọng, hay thông minh và nhất là thông minh. Họ yêu những kẻ mà họ “thi ân” và không yêu những kẻ mà họ thọ ân, đối với họ “ân càng sâu, oán càng thâm”.
Vở hài kịch “cuộc du lịch của chàng Perrichon” sau đây là một minh chứng. Chàng Perrichon cùng vợ và con gái đi du lịch bên Thụy Sĩ. Trong khi đi, có hai chàng trai cùng theo là Armand và Daniel, cả hai đều gấm ghé “tiểu thơ” Perrichon. Armand, được hân hạnh cứu Perrichon ba lần. Còn Daniel, thay vì “thích làm ân” lại thích “thọ ân”. Chàng khôn khéo làm bộ té hố để Perrichon có cơ hội ra ân cứu chàng. Bởi vậy, Perrichon thương chàng mà ghét Armand. Nên khi Armand dạm hỏi cưới con gái của anh, thì anh lại nhất định muốn gả cho Daniel… người thọ ân của anh.
Thật đây là một câu chuyện buồn cười… cười ra nước mắt. Một sự thật trắng trợn và đau lòng. Nhưng mà là một sự thật đáng được nghiền ngẫm. Về việc gây tạo “Tình Yêu” cũng thế.
Trước đây, ở màn bạc Sài Gòn có chiếu một vở tuồng Nhật, nhan đề “Người Xa Phu”, đã nói lên được một cách khá rõ ràng tâm trạng ấy. Dưới đời Meiji Taisho, tại tỉnh Kokura có một người xa phu tên là Matsugoro, tính nết ngang tàng. Tuy nhiên, với cái bề ngoài nghịch ngợm thô lỗ mà bên trong ẩn một tấm lòng hào hiệp, anh hùng… Một ngày kia Matsu cứu một em bé tên là Toshio té cây, anh bồng về cho cha mẹ em. Được ông bà đại úy Yoshiko ân cần cám ơn và mời mọc, anh đi lại chơi luôn. Anh rất mến em bé mà anh đã cứu ấy và tình gia đình này sưởi ấm lòng anh xa phu cô độc vốn mồ côi cha. Chẳng bao lâu đại úy lâm bệnh qua đời. Bà quả phụ Yoshiko nhờ Matsu trông nom đứa bé mồ côi cha. Matsu được giao trọng trách, liền bỏ rượu, đổi tính nết và săn sóc Toshio một cách chu đáo như một kẻ chí thân. Ngày tháng trôi qua, Toshio lớn lên… lại tỏ ra không bằng lòng thấy anh gọi tên mình như hồi cậu còn nhỏ vì mắc cỡ với chúng bạn. Cử chỉ ấy làm cho Matsu đau khổ vô cùng. Nhưng đau đớn nhất là Tashio phải lên kinh thành học tập. Xa em, Matsu quay về với rượu để tìm quên lãng… Nhưng trong lòng anh lại đèo thêm một mối tình tuyệt vọng: anh đã thầm yêu bà đại úy Yoshiko hồi nào mà anh không dám thổ lộ tâm tình. Mối tình thầm kín này đã nhen nhúm trong lòng anh lúc nào anh chẳng rõ: chỉ rõ là khi bắt gặp được người yêu, thì hình ảnh của bà Yoshiko đã chiếm cả trái tim chàng rồi. Trước mối tình tuyệt vọng và cảm thấy mình là người thừa đối với gia đình yêu quý ấy, anh đi tìm bà đại úy lần cuối cùng để từ biệt, rồi trong một đêm đông tuyết phủ, người ta tìm thấy xác anh chôn dưới làn tuyết lạnh. Trong túi áo anh người ta tìm thấy hai cuốn ngân phiếu để tên mẹ con bà quả phụ Yoshiko; thì ra, trong cuộc đời nghèo nàn cơ cực của anh, anh đã “nhịn ăn, nhịn mặc” dành dụm tiền do mồ hôi của anh gửi quỹ tiết kiệm cho những người mà anh yêu thương trên tất cả mọi sự trên đời, khỏi phải sống trong thiếu hụt.
Người ta chỉ biết anh xa phu này thuộc về một giai cấp thấp hèn lại dám đèo bòng yêu một bà đại úy… tỏ ra anh là một người có cao vọng hão huyền. Nhưng thực ra, ở đây, người ta chỉ muốn đưa ra một sự thật về tâm lý, một căn nguyên gây tạo ái tình và lịch trình diễn tiến của nó. Anh yêu một cách vô tâm, cũng như bà Yoshiko đã vô tâm gây ra mối tình lãng mạn này. Cả hai đều vô tâm gây thành một cái án tình muôn thủa.
Tâm lý người đàn ông, như ta đã thấy, hay đem lòng yêu thương những kẻ được mình chở che, đùm bọc. Tình yêu ấy nó âm thầm ăn sâu vào lòng người mà không ai dè cả. Bà đại úy Yoshiko lại vô tình mỗi mỗi đều giúp cho anh xa phu này những cơ hội để “thi ân” và đặt bà vào địa vị của một người kém thế là “mang ân”, luôn luôn tỏ ra phi thường lỗi lạc. Như thế, bà đã gián tiếp âm thầm gây nơi lòng người xa phu bạc phước này một mối tình sâu nặng. Bởi vậy, sau này khi bà hay biết thực sự thì bà đã phải nức nở khóc lên. Những giọt nước mắt cùng câu nói của bà: “Chúng tôi từ xưa đến giờ vẫn nhờ vả vào ân huệ của anh ấy mãi, mà tự mình không được giúp đỡ anh mảy may gì cả…!”, đủ tỏ lòng hối tiếc của bà vì đã gián tiếp “giết” người ân nhân của bà vậy. Thật vậy, đúng như bà đã nhận định, chính vì từ xưa đến nay bà và con đã không “thi ân” cho anh chàng bạc phúc này mảy may ân huệ gì cả, và cũng chỉ vì xưa đến nay, bà đã “nhờ vả” mãi vào anh mà bà đã gây ra mối tình sâu nặng và lai láng “giết người” như thế. Lỗi chẳng nơi ai, lỗi là tại sự vô tình của hai bên, của hoàn cảnh éo le khiến cho hai bên gặp gỡ để có đủ điều kiện gây tạo một mối tình ngang trái do giai cấp xã hội gây nên, mà rồi sự thiệt hại bao giờ cũng đổ dồn về cái người mang bên lòng mối tình tuyệt vọng.
Sở dĩ anh xa phu này yêu thương đứa bé Toshi như một người cha thứ hai, là vì cậu là người đã được anh xa phu này cứu sống và dạy dỗ săn sóc… Cậu là một đứa bé yếu đuối, nhút nhát… luôn luôn nhờ vào sự dạy dỗ chăm nom của anh mà trở nên một người thanh niên anh hùng, phải chăng cậu là đứa “con tinh thần” của anh? Kết quả, cậu vì quan niệm sai lầm giai cấp đã làm cho người ân của cậu phải một phen tủi nhục. Giải sử mà đời anh đừng gặp đứa bé này bị tai nạn, và lòng anh không biết xúc cảm, giơ tay ra cứu vớt… thì anh đâu phải đau khổ sau này vì lòng bội bạc của nó! Giả sử mà anh đừng gặp bà đại úy luôn luôn tỏ mình bất lực, điều khiển không kham sự giáo dục con mình và nhờ vả mãi vào anh trong bất cứ một việc gì khó xử để anh có cơ hội thi ân và che chở, bênh vực… thì đâu có gây được nơi lòng anh mối tình sâu nặng vô phương cứu chữa để phải “khối tình ôm xuống tuyền đài” một cách thê thảm như thế này? Trước đây, anh sống một mình, tuy cô đơn thật, nhưng lòng anh vẫn thản nhiên bằng phẳng như mặt nước lóng lánh hồ thu… Từ khi gặp gia đình bà Yoshiko, tuy anh cảm thấy lòng cô đơn được sưởi ấm lại một phần nào, nhưng anh chàng nhận thấy cô đơn hơn nữa và sóng lòng nổi dậy… rồi bão tố tiếp theo đánh tan nát tâm hồn của một đấng anh hùng mà xưa nay chưa biết khuất phục trước bất cứ lực lượng nào. Trước khi anh yêu bà Yoshiko thì lòng anh cô đơn nhưng “có một”. Sau khi hình bóng người yêu đã in sâu vào tâm khảm, thì lòng cô đơn của anh càng thấy cô đơn hơn nữa vì tâm hồn đã bị phân hai mà lại mất đi phân nửa… Và khi thấy không còn hy vọng gì nối lại “cái phân nửa” của lòng mình, anh đâm ra tuyệt vọng và cảm thấy mất cả ý nghĩa của cuộc đời để đi đến một cái chết thương tâm thê thảm. Ai có thể dè trong đời sự may rủi hay phúc họa thường lại nương nhau mà đến: trong phúc thường có ẩn cái họa, trong cái may thường có ẩn cái rủi, không biết sao lường trước được. Sự gặp gỡ gia đình bà Yoshiko là cái may hay cái rủi của chàng xa phu này? May là anh đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời anh để đi đến một tình yêu chân thật và hy sinh triệt để đã đưa cao tâm hồn anh đến một cõi đời thơ mộng, nhưng chắc chắn cái chết của anh đâu còn phải là cái phúc cho anh.
Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến hai vở tuồng không kém tinh vi sâu sắc khác là vở “Ánh sáng đô thành” của Charlie Chaplin và “Khúc nhạc đồng quê” của Andre Gide[2].
Vở tuồng “Ánh sáng đô thành” là câu chuyện một anh chàng nghèo kiết, sống lang thang trên các vỉa hè hay đầu đường xó chợ. Bỗng anh gặp một thiếu nữ mù… Động lòng trắc ẩn, quên cảnh nghèo túng của mình, anh đem về nuôi… và hơn nữa tìm cách xoay tiền để chữa bệnh mù cho cô bé ấy. Không dè trong khi anh lo che chở, bao bọc và hy sinh cho cô gái mù ấy… anh đem lòng yêu và tình yêu càng ngày càng thêm sâu nặng. Sự hy sinh của anh thật vô bờ bến. Nhưng mỉa mai thay… khi nàng “mở mắt” thấy được sự tưng bừng đẹp đẽ của thế giới bên ngoài… thì cô nhận thấy không làm sao cảm được cái anh chàng thất thểu kia. Thất vọng, chàng bỏ ra đi… trên con đường vô định, ôm theo một mối tình tuyệt vọng não nề. Ân càng sâu thì tình càng nặng, mà chung quy tai họa lại đổ về anh chàng hào hiệp kia. Trước khi anh hy sinh cho cô bé mù ấy, tuyệt nhiên chỉ vì lòng thương hại… nhưng sự hy sinh của anh càng sâu lại càng gây cho anh mối tình càng thêm nặng…
Trong “Khúc nhạc đồng quê” thì đề tài cũng giống “Ánh sáng đô thành”. Một vị mục sư đã lớn tuổi gặp một cô bé mù, mồ côi, khốn nạn đến mức sống như con vật… thầm lặng như một vật vô tri vô giác. Động lòng trắc ẩn, ông đem về nuôi. Lần lần, với không biết bao nhiêu nhẫn nại, hy sinh ông đem lại cho cô bé một nguồn sống mới… Cô ấy sống dưới một tình yêu đầy âu yếm mà nàng tưởng chừng không bao giờ có được trong lúc tứ cố vô thân, không một ai thèm ngó ngàng đến. Vị mục sư, ngày tối chỉ bận lòng lo lắng cho cô bé ấy, tìm đủ thiên phương bách kế để cho trên miệng nó nở lại nụ cười… mà từ nhỏ đến giờ đã tắt hẳn… Lần lần ông cảm thấy yêu nàng… và cũng được nàng yêu lại. Kết cuộc… qua bao nhiêu việc trớ trêu bất ngờ xảy đến, mối tình ngang trái ấy chấm dứt bằng một cái chết đau thương của nàng. Vị mục sư lúc ban đầu, đâu có bao giờ nghĩ đến cái tai họa sắp đem lại cho ông khi đem đứa bé mồ côi này về nuôi. Ông là một vị đạo đức tu hành… nhưng người con gái này đã giao phó tất cả mạng sống của nàng cho ông lo lắng chu toàn. Ông khổ cực chăm nom cho nàng từng li từng tí, còn cô thì đày đọa ông từng chút việc cỏn con. Ông là vị cứu tinh, ông là nguồn an ủi duy nhất của đời cô, ông là người đã vớt cô trong khi cô như là người chết đuối, vì vậy mà ông yêu cô đến đỗi khi cô từ giã cõi trần ông đến phải nghẹn ngào: “Tôi muốn khóc, thế nhưng tôi cảm thấy lòng tôi khô cạn như sa mạc!”
Người đàn ông thường hay yêu một cách rất dễ dàng những ai được họ bênh vực, che chở, đó là tình yêu bảo bọc (amour de protection); còn người đàn bà trái lại, yêu những người ân nhân, hay che chở, đùm bọc họ. Bởi vậy, họ yêu một cách say mê những bậc vĩ nhân, anh hùng có những tài năng quán chúng… là vì họ cảm thấy với tình yêu của mấy người ấy, đời họ được bảo đảm chắc chắn. Những kẻ nhút nhát, bất tài… dễ làm mất lòng yêu của họ ngay lập tức.
Tạo hóa đã tạo ra người đàn ông và người đàn bà với những tâm trạng đối lập, nhưng lại bổ túc cho nhau: người thích che chở và người thích được che chở. Như thế, tình yêu nảy sinh ra do sự phối hợp nhu cầu của đôi bên là những mối tình sâu sắc và bền vững nhất.
Ta thấy đối với người đàn ông cũng như người đàn bà, những cái ẩn sâu thường dễ lôi kéo đến những mối tình thắm thiết nhất.
B. TÌNH YÊU NÀO LÀ CHÂN THẬT?
Làm cách nào biết được tình yêu nào là tình yêu chân thật?
Tình yêu chân thật nào cũng căn cứ nơi yếu tố thứ nhất và căn bản này: lòng hy sinh.
Không có sự hy sinh, không bao giờ có tình yêu chân thật cả.
Hy sinh là quên mình, quên hạnh phúc của bản thân để mưu hạnh phúc cho người khác, lấy cái hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình.
Cho nên muốn nhận thấy rõ ràng mình đã có yêu hay không. Khi nào mình tự thấy đã đồng hóa với người yêu, đã lấy cái quyền lợi của người yêu làm quyền lợi của mình, lấy cái sướng khổ của người làm cái sướng khổ của mình.
Những kẻ nói “yêu” mà bắt người yêu phải chiều theo ý muốn của mình, chiều theo thị dục của mình…, người ấy chưa yêu hoặc chưa biết yêu là cái gì cả. Họ yêu một cách ích kỷ, vì họ chỉ yêu họ trước nhất.
Muốn biết rõ thế nào là tình yêu chân thật, hãy lấy tình mẫu tử và tình phụ tử mà suy cứu. Cha mẹ yêu con không đòi hỏi gì ở con cả. Tình yêu của mẹ cha là ở chỗ hoàn toàn hy sinh, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình để mưu hạnh phúc cho con, và đời sống của mẹ cha hoàn toàn “chỉ vì con” mà thôi.
Tình yêu của mẹ cha là một thứ tình yêu bền bỉ nhất, thiêng liêng nhất. Ít khi nào thấy mẹ cha từ bỏ con dù con có bạc bẽo thế nào. Tình yêu của vợ chồng, trái lại, không bao giờ biết tha thứ sự bội phản. Tình yêu của vợ chồng thường là một thứ tình yêu so đo cân nhắc cho qua lấy lại. Nếu có “cho” mà không có “lấy” lại, tức khắc sẽ bị tan rã. Bởi vậy, chuyện ly dị là chuyện hàng ngày, “vợ chồng như áo mặc ngoài cởi ra” hết sức dễ dàng. Vì thiếu yếu tố căn bản của tình yêu là hy sinh nên nhục ái thường dễ tan vỡ. Nó là một thứ tình nồng nhiệt lắm, sôi nổi lắm vì tiếng gọi của nhục dục, nhưng là thứ tình mau tan rã nhất, vì “vội bồi vội lở”.
Trong hai người yêu nhau, kẻ nào cho nhiều mà “lấy ít” là người yêu nhiều nhất, cũng như kẻ nào chỉ lấy mà không cho là người không yêu gì cả.
Yếu tố thứ nhì là sự âu yếm. Âu yếm là tỏ tình bằng những cử chỉ chiều chuộng, nâng niu yêu quý và làm vui lòng. Người đàn ông cũng như người đàn bà đều khát khao sự âu yếm và cho đó là bằng chứng cụ thể của tình thương. Nhất là người đàn bà, họ không thể quan niệm một tình yêu suông mà không có sự âu yếm. Đối với họ, âu yếm có nghĩa là yêu thương. Nhưng ở đây họ đã lầm lẫn cứu cánh với phương tiện, và đây cũng là nhược điểm rất tai hại cho người đàn bà con gái. Đành rằng có thực yêu mới có những cử chỉ âu yếm, nhưng lắm khi cũng có những cử chỉ âu yếm mà không có tình thương. Họ âu yếm vì thói quen, hoặc vì muốn xã giao và làm vui lòng, với một ẩn ý lợi dụng nhất thời theo tiếng gọi của nhục tình. Trong khi muốn thỏa mãn một thị dục nhất thời, người ta tỏ ra âu yếm để cám dỗ, để rồi sau khi thỏa mãn nhu cầu nhất thời ấy, họ ruồng bỏ lạnh lùng. Người đàn bà con gái nào cũng vậy, đều đòi hỏi sự âu yếm và dường như tất cả lẽ sống của đời họ là muốn được âu yếm suốt đời. Trước một cử chỉ lạnh lùng vô ý, họ nghi là người yêu ghẻ lạnh. Bởi vậy, với một món quà dù nhỏ mọn đến đâu cũng làm cho họ sung sướng hạnh phúc, họ tin tưởng rằng người yêu của họ vẫn luôn luôn nhớ đến họ. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi bàn đến thuật yêu đương.
Người con gái thường rất cảm động dễ dàng trước mọi cử chỉ âu yếm thương yêu. Một tiếng khen, một món quà, một sự săn đón, chiều chuộng, nhã nhặn, một sự thăm nom hay đưa rước… làm cho họ đã được yêu rồi. Không được ai để ý đến, họ cảm thấy một cái gì lạnh lẽo, cô đơn, ghê sợ. Họ rất hãnh diện được có nhiều kẻ để ý đến và tỏ lời âu yếm thương yêu. Bởi vậy, gặp ai gắn bó, theo đuổi và tỏ tình âu yếm thương yêu là họ sẵn sàng yêu ngay.
Đấy là mối nguy nhất của đời người con gái. Phần đông dường như chỉ tìm có bấy nhiêu và bằng lòng với bấy nhiêu điều kiện đó thôi, không cần để ý đến tính tình, đức độ, tài năng và lòng hy sinh thật sự của người con trai như thế nào cả.
Sở dĩ tôi nhấn mạnh điểm này là vì phần đông những người con gái thiếu kinh nghiệm về sự đời cũng như về tâm lý, thường hay lầm lẫn cứu cánh và phương tiện, nghĩa là nhận lầm sự âu yếm và cho đó là tình yêu chân thật. Sự âu yếm là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân chính của tình yêu. Chỉ có yêu thực thì rồi sự âu yếm do tình yêu gây ra mới thực là biểu lộ của chân tình. Đó là điều cần thiết mà người đàn bà con gái phải để ý suy nghĩ nghiền ngẫm cho kỹ trước khi bắt đầu yêu. Biết bao nhiêu người đàn bà con gái sa ngã và ê chề đau khổ thất vọng chỉ vì tưởng lầm rằng yêu chỉ là tán tụng nhau, như họ đã thường thấy diễn trên màn bạc… Có khi những cử chỉ âu yếm ấy chỉ là những cách khôn khéo tán gái của bọn sở khanh sành tâm lý biết rõ những nhược điểm ấy của người đàn bà… Những kẻ yêu “giả dối” có thể rất âu yếm, nhưng khi mình đòi hỏi họ một hy sinh nào cụ thể, tức khắc sẽ thấy họ thay đổi thái độ liền.
Còn nhiều kẻ yêu tha thiết nhưng quá ngây thơ, quá thật thà, không biết âu yếm, nên họ thường bị “bỏ rơi” rất đáng thương.
Yêu có nghĩa là hy sinh và âu yếm. Hy sinh là yếu tố căn bản, nhưng nếu thiếu âu yếm thì tình yêu không được đậm đà. Yêu mà thiếu âu yếm là một tình yêu còn thiếu sót lớn đối với người đàn bà. Còn âu yếm mà không có lòng hy sinh là một tình yêu giả dối.
Lại còn một yếu tố thứ ba này nữa là sự hòa hợp của nhục thể. Một nhà tâm lý học danh tiếng P. Dufoyer bảo: “Không có tình yêu nào chân thật mà thiếu tâm hồn và tâm cảm; nhưng không có tình yêu nào đầy đủ, nếu không có xác thịt pha vào”. Tình yêu chân thật có ba phần: Tinh thần, nghĩa là hy sinh, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình; tình cảm, nghĩa là âu yếm và săn đón; vật chất, nghĩa là hòa hợp thể xác. Tóm lại “yêu” là sự hòa hợp cả linh hồn cả thể xác đối với người yêu. Người đàn ông, phần đông tình yêu chỉ dừng nơi yếu tố thứ ba là thể xác, thường lại thiếu tinh thần và tình cảm. Trái lại, người đàn bà thì tình yêu thuộc về tình cảm, mà thiếu sót về tâm hồn và thể xác. Người đàn bà khi yêu, phần nhiều do nơi tình cảm, thích được âu yếm hơn là thiên về nhục dục. Trái lại, người đàn ông thiên về nhục dục hơn âu yếm. Nhưng cả đôi bên phần đông đều không để ý đến những yếu tố căn bản là hy sinh, tức là quên mình. Tình yêu của họ vì thế mà dễ bị tan vỡ. Tình yêu của họ phần nhiều là do lòng yêu ích kỷ gây ra nên không bao giờ bền vững. Người đàn bà đòi hỏi âu yếm, thiếu âu yếm họ đi tìm âu yếm khác mà thay vào hoặc chịu bất mãn và đau khổ âm thầm. Người đàn ông thì đòi hỏi nhục tình, nhục tình thì không bao giờ thỏa mãn hoặc nếu thỏa mãn được, thì cũng dễ sinh chán, lạnh nhạt bơ phờ. Nhục tình là thứ tình yêu dễ chán nhất dù là bồng bột nhất nơi người đàn ông.
Muốn đo lường trình độ của tình yêu, phải quan sát cho kỹ người yêu mình coi họ có dám hy sinh gì cho mình không và họ đã hy sinh cho mình những gì? Hy sinh là “cho ra” vô điều kiện, là “quên mình” một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Muốn biết rõ thế nào là hy sinh hãy nghiền ngẫm tình thương và hy sinh của cha mẹ đối với con. Và cũng vì tình yêu của cha mẹ căn cứ vào sự hy sinh, nên nó là thứ tình thương thanh cao bền bỉ nhất… Ái tình nào mà căn cứ được trên sự hy sinh hoàn toàn là mối tình cao đẹp hạnh phúc nhất trần ai vậy.
Một người con gái nọ mà tôi quen biết đã lâu rồi…, một hôm hỏi tôi:
“Trước giờ tôi sống thản nhiên, vô tư, vô lự… Tôi cảm thấy cuộc đời bình thản lạ… Ai sao mặc ai, việc nước, việc nhà… tôi chả bao giờ tha thiết đến. Một hôm tôi gặp một người bạn trai của anh tôi bị thương vào nhà xin trú đụt… Cha và anh tôi săn sóc chàng và giao cho tôi trông chừng thang thuốc… Ngày kia chàng mạnh, ra đi… Từ ấy đến nay, tôi thấy mất ăn mất ngủ, chỉ lo lo, sợ sợ… vì nghe nói hai bên đánh nhau kịch liệt ở C… (lúc nàng nói đây là lúc đang kháng chiến chống Pháp). Tôi cứ phập phồng trông tin anh tôi về để hỏi thăm tin tức chàng, mà một ngày một bặt… Tại sao tôi cứ để ý lo sợ mãi như vậy, mà trước đây, như ông đã biết, tôi là người vô tư lự và thản nhiên đến đỗi có nhiều chị em bảo tôi quá lạnh lùng với thế sự… Tâm trạng tôi như thế nghĩa là gì? Mong ông chỉ cho phương pháp để trấn tĩnh tâm hồn… vì tôi cảm thấy nao nao đau khổ lạ…”.
Tôi trả lời: “Nghĩa là cô đã yêu chàng trai ấy nhiều rồi!” Cô trả lời: “Không! Tôi chỉ tội nghiệp chàng một thân trơ trọi, chớ tôi đã có chỗ có nơi rồi, do cha tôi định đoạt”. Tôi bảo: “Cô lầm! Cô đã yêu người ấy mà cô không dè. Yêu là lấy cái lợi hại của người làm lợi hại của mình. Cô không sợ gì cả cho cô, nhưng cô đã lấy cái họa phúc của người kia làm vận mạng của cô, đó là cô đã yêu người ấy rồi”. Nhà thi sĩ Lamartine nói: “Quand on aime, un rien vous fait peur”. Khi mình yêu, một việc không đâu cũng làm cho mình lo sợ. Người mình yêu là “lẽ sống của mình” rồi! Về sau, tôi lại hay tin cô ấy đã tình nguyện đi ra mặt trận và đã chết ở sa trường. Người ta đều khen cô là cô gái nước Nam anh dũng không kém đàn ông con trai và tuyên dương công trận, nhưng chỉ có riêng tôi là hiểu rõ tâm sự bi đát của nàng thôi.
Tóm lại, tình yêu chân thật nào cũng đều phải có đủ ba yếu tố này: lòng hy sinh hoàn toàn, tình âu yếm săn đón tế nhị và nhục tình. Giữa trai và gái không bao giờ có những tình thương lý tưởng trên mặt tinh thần và tình cảm suông mà thiếu tình thương nhục thể pha vào.
Người ta có thể vì hoàn cảnh ngang trái không thực hiện được sự hòa hợp thể chất, mà cứ đứng trên phương diện tinh thần và tình cảm để yêu nhau như một đôi tri kỷ, nhưng đó là mối tình ngang trái đau khổ nhất đời: Luôn luôn người ta cảm thấy trong đời có một cái gì thiếu thốn, trống rỗng, vô vị và lắm khi đi đến sự chán nản bi quan rồi chôn mình vào tu viện… Lịch sử xưa nay đã từng ghi những trang tình sử não nùng ấy. Bởi vậy, nếu biết trước không bao giờ có thể đi đến tình yêu đầy đủ, tốt hơn trốn tránh trước đi, kẻo về sau khó mong thoát nổi cảnh bi đát của một tình thương tuyệt vọng. Nên để ý rằng trong những tình thương khởi điểm bằng tinh tần và tình cảm là những tình thương sâu nặng và bền bỉ nhất, một khi đã kết chặt rồi thì không phương thế gì thay đổi… Những tình thương hạ cấp căn cứ vào nhục dục hay tình cảm âu yếm rẻ tiền là những mối tình thiển cận, hễ gặp trở ngại thì dễ tan rã và đem tình thương khác mà thay vào, không có gì là khó khăn cả. Trái lại, những mối tình do ân nghĩa gây nên, trong đó lấy hy sinh làm căn bản là những mối tình gốc rễ rất sâu xa và bền bỉ nhất, và nếu không thực hiện được đầy đủ, thường chỉ giải quyết túng cùng bằng “cái chết” hay “vào tu viện”… “Khối tình ôm xuống tuyền đài không tan”! Những mối tình tuyệt vọng này không có gì có thể an ủi được.
Ngoài ba yếu tố trên đây, lắm khi lòng thương hại cũng gây được tình yêu, nhất là đối với người đàn bà. Đây là một thứ tình mẫu tử biến tướng. Tâm hồn người đàn bà thường hay thương xót và khó dửng dưng với sự đau khổ, bởi vậy ta thường thấy trước lúc chiến tranh, nhiều nữ y ta săn sóc bệnh nhân rồi yêu thương họ luôn. Những người đàn ông đau khổ, sa ngã lắm khi cũng được người đàn bà giàu lòng từ ái ấp yêu che chở. Phần này sẽ bàn đến rộng hơn ở chương “Chọn lựa người yêu”.
C. TẠI SAO ÁI TÌNH DỄ TAN RÃ?
Kinh nghiệm cho ta thấy, không biết bao nhiêu cuộc tình duyên lúc ban đầu mặn nồng âu yếm lắm, nhưng ngày qua tháng lại… dần dần lại trở thành lạnh lùng tẻ nhạt… Ít bao giờ thấy được những cuộc tình duyên lâu bền. Nguyên nhân nơi đâu?
Đứng về phương diện người đàn bà mà tìm hiểu, ta thấy sở dĩ ái tình không bền bỉ bằng tình phụ tử hay mẫu tử, bởi tình mẫu tử là tình yêu tự nhiên của thiên tính. Trái lại, ái tình là một thứ tình thương lọc lừa. Tình thương theo thiên tính không phải dùng đến lý trí để yêu thương mà thương là tự nhiên, không so đo, không cân nhắc. Bởi vậy, dù có gì đi nữa, cha mẹ vẫn yêu con vô điều kiện “lựa chọn”, vừa ý hạp tình, … hoặc là trả lời được những đòi hỏi nào của lòng mình. Ngày nào những đòi hỏi ấy mất đi, thì tình yêu tan vỡ. Nếu tình yêu đòi hỏi sắc đẹp, sắc đẹp mà phai đi thì tình yêu tan mất. Tình yêu mà đòi hỏi tiền bạc và địa vị thì khi tiền bạc địa vị hết rồi, tình yêu sẽ cùng theo đó mà mai một. Dù có cố gắng mà sống chung nhau, sự sống chung ấy chỉ là một cảnh lỡ làng chịu đựng… Sống với nhau như vợ chồng mà thực sự là một cảnh sống chung không tình ái.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho ái tình dễ tan vỡ là sự cấu tạo của nó quá thiên về tình cảm.
Người con gái thường chỉ quan niệm ái tình theo tiếng nói của tình cảm.
Bởi vậy đối với người đàn bà, bất cứ một cử động nào mà có vẻ âu yếm yêu thương, họ thích lắm. Ví dụ như một món quà. Dù là một vật nhỏ không có gì đáng giá, họ không cần. Họ rất lấy làm sung sướng hãnh diện có người tặng cho mình một món quà dù là một cành hoa bẻ bên đường… Họ cho đó là tượng trưng của một tình thương kín đáo, của một cái gì tha thiết dạt dào.
Vì thế tặng quà là cả một nghệ thuật: Người đàn bà bao giờ cũng quý trọng món quà mà mình tặng cho họ do lòng tốt của mình hơn là do đòi hỏi hay xin xỏ, vì như thế thì giá trị tượng trưng của món quà ấy đã mất cả ý nghĩa thâm trầm của nó. Tuy trước sau cũng chỉ một món đồ nhưng món đồ tặng trong trường hợp trước đối với người đàn bà sẽ có một giá trị tượng trưng của một tấm lòng thương yêu vô cùng âu yếm, trái lại, trong trường hợp sau, món quà sẽ chỉ là một món nợ mà người ta đã phải trả cho mình, không hơn không kém.
Đối với người đàn bà, chỉ có tình cảm và quả tim của họ chỉ huy cả đời sống của họ. Không phải nói thế là phủ nhận cái đời sống lý trí của họ đâu. Thường lắm khi người đàn bà cũng dám sống với lý trí lắm, nhưng một khi họ mà bị bắt buộc phải tranh đấu với lòng, thường thường họ sẽ bị tình thắng lý. Lý mà thắng được tình cảm của họ, thì sự thắng trận ấy cũng chỉ là sự thắng trận nhất thời thôi. Hoặc cũng sẽ thắng được lòng họ… nhưng với một cõi lòng tan nát.
Tình cảm không phải là một điều dở, vì nhờ nó mà đời người mới có được những gì cao đẹp như tin tưởng, hăng hái, tận tụy hy sinh.
Cho nên xây dựng tình yêu trên tình cảm là điều rất quý và đáng mong mỏi lắm, song nếu chỉ căn cứ vào tình cảm mà thôi để mưu hạnh phúc ái tình thì thật là nguy hiểm. Tình yêu nào mà chỉ căn cứ hoàn toàn trên tình cảm và chỉ nghe theo tiếng gọi của nó mà thôi thì dễ sa vào con đường lầm lạc tang tóc.
Không cần phải tìm viện chứng đâu xa, bất cứ một cô gái nào cũng có thể tự xét lấy mình mà kinh nghiệm. Hãy thành thật nhớ lại thuở hãy còn là thiếu nữ, nếu không phải tất cả cũng là một phần đông phụ nữ, ai lại không có say mê một cô giáo nào của mình hoặc một vài chị em bạn học hay bạn đồng nghiệp nào của mình mà tin rằng tình thương ấy sẽ là mối tình bất diệt. Thế mà thời gian qua, ngày nay còn lại những gì? Phải chăng bất quá chỉ còn lại một vài kỷ niệm dịu dàng, một mối cảm tình còn sót lại, nhưng không còn gì những tính cách nồng cháy thiêu đốt nữa. Tình yêu nào cũng thế, luôn luôn đi từ nồng cháy đến lạnh nhạt và chán chê. Đó là định luật mà không một cuộc ái ân nào thoát khỏi.
Cũng có nhiều bạn gái theo kim thời, thích lân la các nơi đô hội để có được nhiều bạn trai tán tỉnh, nói đùa… Nhưng thời gian qua, các trò đùa và tán tỉnh ấy trở nên tẻ nhạt vô sỉ làm sao! Cái mà lúc trẻ mình thích, nay lại thấy chán vô cùng. Các cậu trai mà trước đây mình cho là có duyên, ăn nói dễ thương thì nay nhận thấy toàn là đồ “hề”, không đầu óc và vô giá trị… Rồi thì tự mình lại xa lánh phồn hoa, tìm sống nơi cô tịch.
Thật ra cũng có nhiều cuộc tình duyên càng ngày càng tăng phần đậm đà thông cảm, trái lại cũng có rất nhiều cuộc yêu đương càng ngày lại càng đi vào con đường tan tác đau khổ. Như thế cũng để cho ta suy ngẫm nhiều: ta cần phải xây dựng ái tình trên những nền tảng khác hơn là chỉ xây dựng trên tình cảm suông mà thôi.
Những cuộc tình duyên đột ngột bùng cháy như sấm chớp là những thứ tình duyên dễ tan rã nhất, một khi tình cảm khêu gợi lúc đầu mất lần hứng thú của nhục tình. Chỉ nghe theo tiếng gọi của “con tim” thật là nguy hiểm đối với hạng phụ nữ đa cảm, đa tình.
Nguyên nhân thứ ba về sự mỏng manh của ái tình là sự lý tưởng hóa nó, không biết nhìn thấy phần thực tế rất tầm thường của nó.
Cái đại mộng của các cô gái là có chồng và có con. Họ tin tưởng sẽ tìm được nơi đó một nguồn vui sướng hạnh phúc đẹp đẽ nhất đời. Họ mong mỏi sẽ được có những người mà họ có thể yêu thương, cùng hy sinh và luôn luôn sẵn sàng mong đợi ngày thực hiện cái mộng đó. Họ tin tưởng rằng nơi người chồng tương lai của họ, họ sẽ được che chở, bảo bọc, an ủi vỗ về… “thân cát đằng được núp bóng tùng quân”.
Những ý nghĩ sau đây, không phải cố ý gieo vào lòng các chị em mối bi quan… làm tăm tối cuộc đời thơ mộng. Đời không phải toàn là mộng đẹp, mà cũng không phải toàn là ác mộng. Nó là một sự chen lẫn cả những vui buồn sướng khổ, đầy ngọt bùi mà cũng đầy những nỗi chua cay. Muốn đừng bị thất vọng ê chề thì phải dám nhìn thẳng sự đời.
Và đây là “bề trái” của cuộc đời. Đã nói đến yêu thương tức là phải đề cập đến ba điều quan trọng này: chồng, hôn nhân và con cái.
Nói đến “chồng”! Than ôi! Nếu biết rằng lúc ban đầu khi đang yêu nhau trong thời kỳ hứa hôn thì người con gái chỉ để ý nhất về những tính tốt của vị hôn phu mình mà thôi. Tại sao ở thời kỳ tiền hôn nhân người ta không nhận thấy được những tính nết xấu xa, phải đợi lúc “ăn ở” với nhau rồi, bấy giờ mới chịu để ý đến những thói hư tật xấu của người mình yêu? Bởi vì ai cũng vậy, đều mong mỏi được một hạnh phúc tuyệt đối, sợ thấy sự thật mà tự đánh lừa mình… bằng cách “dệt mộng”. Nhưng khi bị bắt buộc phải sống chung đụng nhau hằng ngày, đến lúc mà cái thú chinh phục của người đàn ông đã thỏa mãn và bắt đầu chán nản, lần lần người đàn ông đã mất dần những chiều chuộng, săn đón, vồn vã âu yếm như lúc chưa cưới, điều mà có một hạng người đàn bà rất ưa thích. Cái mộng của họ bắt đầu tan dần. Lắm khi bạn còn bị người đàn ông chán chường hắt hủi, bắt buộc người đàn bà phải nhìn thấy những sự thật phũ phàng. Họ đâu có dè tâm địa con người đàn ông mau thay đổi thế? Có gì, chỉ vì tại họ không biết nghĩ xa, họ không biết tình yêu chân thật thường không bao giờ bộc lộ nhiều. Những cử chỉ vồn vã, âu yếm, săn sóc quá độ thường là những cử chỉ kém thành thật, tựu trung có ẩn ý chinh phục hơn là thành thật yêu đương.
Lại cũng có lắm phụ nữ rồi đây sẽ bất mãn vì họ mong mỏi đem thân phận “nhược chất liễu bồ” mà gửi gắm nơi một “ông chồng” có đủ tài lực để bênh vực che chở đùm bọc họ. Nhưng rồi trái lại, họ cảm thấy chính họ lại phải gánh vác và khuyến khích ông chồng thiếu can đảm và kiên gan, thiếu tài hoa và sáng kiến của họ. Có ông lại trổ tài nói khoác, không làm sao có thể tin cậy được. Có ông thì tính tình yếu đuối, hay lãng phí, nghe theo bè bạn chè chén tối ngày. Ông thì keo kiệt, ke re, cắc rắc từng đồng từng cắc. Ông thì lại ham mê cờ bạc, hoặc ham mê hội hè hay làm chính trị… bỏ “bà” luôn ngày luôn đêm “phòng không vò võ”. Có ông thì lười biếng, việc nay hẹn mai, không thiết nghĩ gì đến công cực nhọc của vợ hiền, ăn ngày nay không nghĩ đến ngày mai, vui đâu trút đó, cuối tháng lương đem về cho vợ con “mớ nhắm” không đủ đâu vào đâu cho việc thu xếp gia đình. Có ông lại vụt chạc, nóng nảy, thô cộc, độc tài…, ăn nói thì chửi thề như bọn người mất dạy… mà trước đây vì muốn mua lòng mình nên đã khéo léo giấu giếm dưới cái cười “bô lô ba la” mà mình tin là có nhiều duyên dáng khả ái. Còn nói gì gặp phải những ông chồng hay ghen bóng ghen gió thì là cả một tai nạn ghê gớm! Đời mình sẽ là một người “tù tội” đáng thương… Nhân phẩm của mình dĩ nhiên bị chà đạp một cách phũ phàng… Mình chỉ còn là vật sở hữu của con người ích kỷ, tha hồ sử dụng mình theo ý muốn.
Cũng rất may là không phải đàn ông nào cũng có đủ những tật xấu ấy. Nhưng, bất cứ là tật xấu nào của ông chồng cũng sẽ là niềm hối hận và đau khổ cho các bà vợ.
Đối với người đàn ông cũng thế. Những tật xấu của các bà… sau ngày cưới hỏi, ông chồng mới nhận thấy được chân tướng… Sự thất vọng cũng chua chát không kém!
Thật ra, không có ai là hoàn toàn cả. Nhưng có những tật xấu nơi người đàn ông mà người đàn bà không thể chịu nổi. Cũng như có nhiều tật xấu của người đàn bà mà không có người đàn ông nào chịu nổi cả. Người khôn ngoan phải đề phòng trước khi lựa chọn người bạn trăm năm của mình, vì đó “là người mà mình chịu đựng suốt đời”.
Còn nói gì đến hôn nhân. Hôn nhân nó gài mình vào một cuộc đời đầy sự buồn chán và cực nhọc. Nó là những công việc bếp núc, may vá, giặt giủ nặng nề, lao lực… mà ngày nào như ngày nấy, buồn chán vô cùng. Mỗi ngày mỗi lo nấu ăn, săn sóc từng miếng ăn miếng uống mà nào có ai biết mở miệng cám ơn một tiếng cho vui lòng!
Sau tuần “trăng mật”, những tiếng “cám ơn”, những nụ cười duyên… không còn nghe thấy nữa… Người ta cảm thấy làm việc như kẻ “tôi đòi” và mất cả tự do đi lại tha hồ theo ý muốn như thuở còn con gái. Hễ đi phải có nơi, về phải có giờ như một tên “tù” giam lỏng. Không có gì nhàm chán bằng cảnh vợ chồng sống phải cố gắng chịu đựng nhau vì “quyền lợi” chứ không phải vì “yêu nhau”… như xưa nữa.
Rồi đến khi có con. Đành rằng lòng mong ước của người đàn bà là có con… Nhưng bên hạnh phúc có đứa con đỏ đẻ… không biết bao nhiêu nỗi âu lo, ngày không ăn, đêm không ngủ khi đứa trẻ “se da”, ấm đầu… Có con là một sự cực nhọc vô cùng. Đời người là thế ấy! Những cô nàng mong mỏi hôn nhân đem lại hạnh phúc tuyệt vời… đều ê chề chán nản trước thực tế cả.
Tuy nhiên, nói thế thì người con gái không nên nghĩ đến hôn nhân sao? Không! Nếu muốn tìm hạnh phúc cho mình thì đừng nghĩ đến hôn nhân, vì hôn nhân không bao giờ gây cho mình hạnh phúc cả. Trái lại, nếu muốn gây hạnh phúc cho người yêu, nếu dám hy sinh mình để mưu hạnh phúc cho kẻ khác thì mới nên nghĩ đến sự thực hiện hôn nhân mà thôi. Yêu thương là tìm cái hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người, hay nói một cách khác, lấy cái hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình. Có được tâm trạng ấy mới nên nghĩ đến hôn nhân và hôn nhân mới có thể đem lại ít nhiều hạnh phúc cho mình mà thôi. Tình yêu chân thật sẽ là ngọn lửa thần, thiêu mất lần lần cái lòng ích kỷ của con người, lẽ dĩ nhiên là sau không biết bao nhiêu đau khổ.