Thuận Thiên Di Sử

Chương 22: Thiên Niên Hà Thủ Ô


Chương trước Chương tiếp

Nó vội thổi tắt ngọn đèn trên tay thiều nữ. Tiếng chân hai người tới cửa gỗ, rồi im bặt. Trong ánh sáng mờ ảo, thấy bóng dáng hai người, nó suýt bật cười, thì ra Mỹ-Linh với Tự-Mai. Nó tóm lược mọi truyện kể cho hai người nghe, tay chỉ xuống hầm:

- Ngoài đó có gì lạ không?

- Không.

Mỹ-An nói sẽ:

- Thôi chúng ta lên khỏi hầm.

Mỹ-An dặn:

- Cô cậu phải nhớ nhé, khi các đại lão hội họp, dù chúng ta cũng không được lai vãng. Chỉ lúc có lệnh mới được ra. Cô cậu tên gì?

Tự-Mai chỉ giới thiệu:

- Anh này tên Ngọc-Hiền. Tôi tên Ngọc-Đức. Còn chị này tên Ngọc-Phúc.

Ngoài sân vọng vào nhiều tiếng nói lao xao. Trong đó có tiếng rất quen. Mỹ-Linh ớn da gà, vì chính tiếng nói của Hoàng Văn. Một tiếng nói nữa, nàng nhận ra của Lê Ba. Mỹ-Linh nói nho nhỏ cho Tự-Mai nghe:

- Phải cẩn thận, tên Hoàng Văn biết mặt chị. Chị phải lánh mặt y, vì y làm quản gia phủ Khai-thiên vương.

Có tiếng Phạm Trạch gọi vọng vào:

- Mỹ-An đâu, ra tiếp khách nào.

Mỹ-An vội chạy ra. Ngoài Hoàng Văn, Lê Ba còn hai người đàn bà tuổi rất trẻ, xinh tươi. Phạm-Trạch chỉ vào thiếu phụ dáng người tha thướt:

- Đây là phu nhân của tam sư huynh Lê Ba. Tên Xuyên-Thủy.

Y lại chỉ vào một thiếu nữ hơi đậm đà:

- Đây phu nhân của tứ sư huynh Hoàng Văn. Tên Thuận-Ngôn. Em thay anh mời hai vị vào nhà uống nước, ăn bánh thưởng trăng.

Mỹ-An chào hai thiếu phụ. Trong lòng nàng nổi lên một lớp sóng:

- Không biết hai người này lý lịch ra sao? Họ thuộc Hồng-thiết giáo tình nguyện nguyện dâng hiến cho hai con quỉ hay cũng bị bắt như mình?

Mỹ-An mời hai người vào nhà. Mỹ-Linh, Tự-Mai, Tôn-Đản vội cúi đầu hành lễ. Vợ Lê-Ba nhìn Mỹ-Linh, nhăn mặt:

- Cô này là giáo chúng hay tỳ nữ?

Mỹ-An đáp:

- Tỳ nữ.

Xuyên-Thủy nói nhỏ:

- Em phải cẩn thận đấy. Với nhan sắc của em như thế này, e rằng mấy con quỉ không tha đâu.

Nghe Xuyên-Thủy nói, Mỹ-Linh biết nàng bị bắt làm cây thuốc, chứ không phải giáo chúng tình nguyện. Vì giáo chúng, chẳng bao giờ dám gọi trưởng lão bằng tiếng con quỷ.

Mỹ-An pha trà, lấy ra tám hộp bánh mứt mời khách. Mỹ-Linh là công chúa, nàng đã được thưởng thức tất cả mọi thứ bánh ngon, cho nên nhìn qua, nàng biết những thứ bánh Trung-thu này trân quí không kém gì trong Hoàng-cung.

Trong sân lại thêm Đỗ Xích-Thập với Hoàng Liên. Lê Ba hỏi:

- Cửu đệ thực tệ. Y tổ chức buổi họp hôm nay, mà giờ này y chưa tới. Không biết có gì trở ngại không?

Có tiếng nói vọng lại:

- Đệ tới đây rồi. Sao tam sư huynh khó khăn với đệ thế?

Tự-Mai nhìn Phạm Hổ:

- Cứ như Vũ Nhất-Trụ khai, tên này giả danh Trịnh Hồ, chủ nhân Ngọc-lan đình đây. Nếu bắt được tên này, sẽ biết chỗ giam mẫu thân ta.

Phạm Hổ vẫy tay, chín thiếu nữ quần áo mầu hồng nhạt, tha thướt, đầu đội mâm, đậy lồng bàn tiến vào sân. Như quen thuộc, chúng theo cây cầu, ra ngôi nhà thủy tạ. Sau khi để các mâm cỗ xuống, họ chia nhau người thắp đèn, người bầy cỗ. Phút chốc cỗ bầy ra làm chín cái bàn khác nhau.

Phạm Hổ đứng lên nói:

- Hồi xưa, mỗi lần bầy tiệc Trung-thu, có mười một bàn. Một bàn dành cho sư phụ, mười bàn dành cho anh em chúng ta. Nay sư phụ với ngũù sư huynh qui tiên, chỉ còn chín anh em ta. Nghĩ cũng buồn.

Y tính toán:

- Tại sao đại sư huynh với nhị sư huynh chưa tới?

Lê Ba thản nhiên:

- Không chừng có gì trở ngại chăng?

Nghe Lê Ba nói, Mỹ-Linh rùng mình về sự sảo quyệt của bọn Hồng-thiết giáo. Rõ ràng tên Lê Ba chôn sống Vũ Nhất-Trụ, y cũng biết rõ Đặng Trường bị bắt, thế mà y làm như không biết gì.

Hoàng Liên cất tiếng the thé:

- Tôi nghe nhị sư huynh bị lộ hình tích. Phái Đông-a bắt giao cho Khu-mật-viện. Không biết Khu-mật-viện giam ở đâu?

Lê Ba cười:

- Khu-mật viện là nơi làm việc cũ của đại sư huynh. Đại sư huynh chỉ dơ tay một cái, sẽ cứu đươc nhị sư huynh ngay.

Cả bọn ngồi uống trà nói truyện. Một lát sau, Hoàng Văn lên tiếng:

- Chiếu giáo qui của sư phu, đại sư huynh, nhị sư huynh đến trễ, chúng ta cứ khai hội. Tam sư huynh có vai vế cao nhất, xin mời lên chủ vị.

Lê Ba ngồi vào ghế đầu bàn.

Phạm Hổ đứng lên :

- Mời các vị nhập tiệc.

Bẩy người ngồi vào bẩy bàn, còn hai bàn dành cho Nhất-Trụ với Đặng Trường vẫn để trống.

Phạm Hổ cười nói:

- Trong chúng ta đây ai cũng mang theo thuốc cả. Đêm Trung-thu đẹp thế này, chúng ta mời thuốc cùng dự tiệc, nên chăng?

Hoàng Liên rít lên:

- Tiểu muội không mang thuốc theo. Sư huynh kiếm cho muội đi.

Phạm Hổ vui vẻ:

- Gì chứ thuốc cho muội thì dễ quá.

Y cầm dùi gỗ đánh vào cái chiêng một tiếng. Lát sau, từ bên phía Ngọc-lan đình có bốn thanh niên tuổi khoảng hai mươi đi ra. Người nào trông cũng khoẻ mạnh, đẹp đẽ. Bốn người đứng trước Phạm Hổ chờ lệnh.

Phạm Hổ bảo Hoàng-Liên:

- Bốn cây thuốc này, sư muội lựa cây nào?

Hoàng Liên đưa mắt quét qua bốn thanh niên một luợt, rồi mụ kéo một tên ngồi vào lòng. Mụ ôm thanh niên đó, hôn vào miệng. Thanh niên cũng hai tay ôm lấy cổ mụ. Hôn nhau chán, mụ nói:

- Đa tạ sư huynh, muội chọn cây thuốc này.

Phạm Hổ vẫy tay cho ba thanh niên kia lui. Thanh niên ở lại, ngồi bên cạnh Hoàng Liên. Một tay quàng cổ mụ. Một tay sờ soạng vào nhũ hoa, coi như trước mặt không có ai.

Lê Ba nhìn mụ Hoàng Liên mỉm cười:

- Sư muội có đói không? Nếu đói xin cứ tự tiện. Trong căn nhà kia có phòng ăn kín đấy.

Mụ Hoàng Liên cười tủm tỉm:

- Tam sư huynh giỏi y lý thực. Sư huynh chỉ nhìn qua, mà biết muội đói. Thú thực, hơn hai ngày qua muội chưa ăn gì cả. Xin phép nhé.

Mỹ-An nói nhỏ vào tai bọn Mỹ-Linh, tay chỉ sang phòng bên cạnh:

- Mụ Hoàng Liên cực kỳ ác độc. Ba người mau sang đó núp. Chớ để mụ trông thấy mà mất mạng.

Bọn Mỹ-Linh vội mở cửa, lánh sang căn phòng nhỏ, đóng cửa lại.

Mụ Hoàng Liên vẫy tay. Thanh niên to lớn đứng lên đi với mụ vào căn nhà gỗ. Thấy bọn Mỹ-An ngồi đó, mụ lớn tiếng:

- Xin ba vị ra ngoài hầu hạ các trưởng lão, để bần ni luyện công.

Phạm Hổ gọi vào trong:

- Mời các cây thuốc quí ra.

Trong này Mỹ-An, Xuyên-Thủy, Thuận-Ngôn vội bước ra. Phạm Hổ trịnh trọng:

- Mời các chị ngồi vào với các anh.

Mỹ-An ngồi vào bàn Phạm Trạch. Xuyên-Thủy ngồi vào bàn Lê Ba. Thuận-Ngôn ngồi vào bàn Hoàng Văn.

Lúc đầu nghe nói đến thuốc, bọn Tự-Mai không hiểu gì cả. Bây giờ chúng mới tỉnh ngộ. Tự-Mai chửi thầm:

- Thì ra bọn đàn ông Hồng-thiết giáo dùng thiếu nữ. Bọn đàn bà dùng thanh niên luyện công, vì vậy chúng gọi là thuốc. Trong bọn này còn ba tên Xích-Thập, Lê Đức, Phạm Hổ, chưa có đàn bà, không hiểu thuốc của chúng là ai?

Thanh niên đi với Hoàng-Liên nhanh nhẹn đóng cửa phòng lại. Y thổi tắt ngọn đèn, trong phòng tối om. Có tiếng thanh niên nói:

- Đệ tử xin hầu trrởng lão.

Tiếng mụ Hoàng Liên cười the thé:

- Giỏi! Người tên gì? Bao nhiêu tuổi?

- Thuộc hạ tên Nguyễn Gia, năm nay hai mươi bốn tuổi.

- Người đến Ngọc-Lan này lâu chưa?

- Thưa hai năm rồi.

- Thôi người phục thị ta đi.

Bọn Mỹ-Linh, tuổi còn nhỏ, tuyệt không có ý niệm gì về những truyện dâm đãng. Ba người không hiểu trong bóng tối Nguyễn Gia cho mụ Hoàng Liên ăn cái gì? Tại sao ăn lại phải tắt đèn đi? Họ chỉ nghe tiếng mụ rên rỉ, tiếng thở hổn hển, tiếng quần áo sột soạt. Cứ như vậy lâu lắm, mới thấy mụ Hoàng Liên cất tiếng nói:

- Đốt đèn lên.

Có tiếng đá lửa chạm vào nhau, rồi ánh sáng ngọn đèn lọt vào căn phòng nhỏ. Bên ngoài tiếng Phạm Hổ vọng vào:

- Thế nào? Hoàng muội! Nguyễn Gia cho Hoàng muội ăn có đủ không?

- Đủ! No ứ hự rồi. Không biết mai này còn xử dụng võ công được không?

Mụ sóng đôi cùng Nguyễn Gia đi ra. Trong này đám Mỹ-Linh chui khỏi căn phòng nhỏ, núp sau cửa dòm.

Thình lình mụ vung tay vỗ lên đầu Nguyễn-Gia một chiêu quyền. Sau tiếng bộp, Nguyễn Gia lòi mắt, đầu vỡ chết tươi. Mụ rút con dao nhỏ trong bọc, cúi xuống cắt hai quả cật của Nguyễn-Gia, co chân đá xác y bay vào bụi cỏ. Vào nhà thủy tạ mụ trịnh trọng để hai quả cật vào cái đĩa trước mặt, rồi bảo một thiếu nữ đứng hầu:

- Người lấy cho ta một thang thuốc, như sau:

Kỷ tử 3 tiền, Thục địa 4 tiền,

Xuyên khung 2 tiền, Hoài sơn 3 tiền,

Hà thủ ô 4 tiền, Nhân sâm 1 tiền.

Ghi chú,

Đây là thang thuốc cổ. Tôi đã thử nghiệm lại, kết quả tốt, không hại. Phương thuốc dùng để tiềm gà ác (2kg) , thịt dê (2kg), cật dê (4 cái) cho Quý-ông đi vào tuổi trên 50, Quý-bà vào tuổi mãn kinh; để phục hồi tuổi xuân. Nhất là Quý-bà khỏi phải uống Hormones khi tuyệt kinh kỳ. Xơi liền 10 kg là... hồn xuân phơi phới phục hồi.

Tất cỏ bỏ vào một cái bát lớn, cùng với hai quả cật này, chưng cách thủy. Sau khi chưng xong, mang ra đây cho ta ăn.

Phạm Hổ chỉ chín thiếu nữ đứng hầu:

- Lục sư huynh, bát sư huynh, lựa lấy một cây thuốc đi chứ?

Xích-Thập lắc đầu:

- Những cây thuốc này chạ người quá, dùng lỡ bệnh thì sao. Cửu đệ kiếm cho mấy cây khác tốt hơn đi.

Phạm Hổ cười:

- Cái đó không thiếu. Có điều món ăn ngon thường hay cay. Phải cẩn thận mới được.

Phạm Hổ cầm dùi gõ năm tiếng chiêng, một thiếu nữ tha thướt từ bên Ngọc-lan bước ra, nước da nàng đen như than. Y kéo nàng ngồi xuống bên cạnh, giới thiệu:

- Nàng này tên Sa-ki-Na, gốc người Thiên-trúc, theo cha sang Long-thành buôn bán. Đệ bị chứng đau xương ngang lưng. Người ta nói, gái da đen làm thuốc khỏi bệnh đau lưng, tốt lắm, nên đệ tốn biết bao công phu mới mời được nàng về đây. Chứng đau lưng của đệ gần hết rồi.

Dưới ánh đèn sáng như ban ngày, tuy ở xa, nhưng bọn Tự-Mai cũng nhận thấy thiều nữ Thiên-trúc đẹp huyền ảo, lạ lùng. Dáng người nàng rong rỏng cao, vai tròn, lưng ong thắt lại, làm nảy ra bộ ngực căng. Mái tóc dài, đen óng ánh như giòng suối chảy xuống ngang vai. Mũi nàng cao, thẳng, mắt hơi sâu. Vẻ đẹp của nàng như có như không.

Thình lình nàng vung tay tát vào mặt Phạm Hổ một cái. Phạm Hổ, đưa hai ngón tay kẹp cứng bàn tay nàng lại. Sa-ki-Na quát lên:

- Tên khả ố này, mi đừng hòng bắt ta hầu hạ mi. Ta thà chết, chứ không chịu để mi đụng vào thân thể.

Phạm Hổ cười:

- Nàng là thuốc của ta mấy tháng nay rồi. Bây giờ còn chống làm chi?

Y vận khí vỗ vào vai nàng một cái nhẹ nhàng. Lập tức Sa-ki-Na run người lên, rồi ngồi im.

Y bảo một thiếu nữ đứng hầu:

- Hai vị sư huynh của ta chê các cô. Vậy cô đi mời hai cây thuốc thiên niên hà thủ ô và tuyết sâm vạn niên cực trân quí ra cho ta. Ta đãi hai sư huynh một lần.

Thiếu nữ đi liền. Lê Đức hỏi:

- Hai cây thuốc nào mà trân quí thế?

Phạm Hổ trả lời vòng vo:

- Lát nữa sư huynh sẽ thấy. Hai cây này khó kiếm trong Đại-Việt đã đành, mà đệ nghĩ khắp thiên hạ cũng không tìm ra hai.

Khoảng nhai dập miếng trầu, thiếu nữ áo hồng trở lại, dẫn theo hai thiếu phụ. Mới thoáng trông thấy, Tự-Mai run bắn người lên, vì một trong hai cây thuốc là mẫu thân. Cạnh nó, Mỹ-Linh cũng run lật bật, vì nàng nhận ra một người là mẫu thân nàng. Khác với những người đàn bà kia, hai bà bị xiềng chân tay bằng những sợi xích sắt, tiếng xích kêu leng keng.

Tự-Mai, Mỹ-Linh định nhảy ra cứu mẫu thân. Nhưng suy nghĩ lại, cả hai có nhảy ra cũng uổng mạng. Xung quanh đây, thị vệ đã vây kín, việc cứu mẫu thân cũng không khó, đâu cần ra tay vội, có khi làm chết cả mẹ lẫn bản thân mình.

Tất cả bọn Hồng-thiết giáo đều ngây người ra mà nhìn hai người đàn bà. Phạm Hổ chỉ vào người đàn bà thứ nhất:

- Đây là Triệu Liên-Phương nữ hiệp, ái đồ của sư thái Tịnh-Tuệ, chưởng môn phái Mê-linh. Trước nàng là vương phi của Lý Phật-Mã tước phong Khai-thiên vương. Sau này nàng cải tà qui chính, gia nhập bản giáo, tình nguyện làm thuốc cho các vị trong hội đồng trung ương giáo vụ luyện công. Nàng được phong làm cây thiên niên hà thủ ô. Ai thưởng thức nàng, tóc trắng thành đen. Mắt mờ thành sáng. Trí óc minh mẫn.

Liên-Phương co giò đá vào mông Phạm Hổ. Y nghiêng mình tránh khỏi, miệng la:

- Dữ quá. Thuốc này dữ quá!

Y chỉ vào thiếu phụ thứ nhì:

- Người này tên Cao Huyền-Nga, đệ tử phái Sài-sơn, trước làm vợ Trần Tự-An. Sau vì mộ tiếng bản giáo, xin gia nhập, hiến dâng tất cả làm thuốc cho các vị. Bản giáo phong cho tên cây thuốc tuyết sâm vạn niên.

Đỗ Xích-Thập nắm lấy tay Triệu Liên-Phương:

- Con mẹ nó thằng chăn trâu Lý Công-Uẩn. Vì nó mà mỗ phải phiêu bạt khốn khổ bao năm. Bây giờ mỗ dùng con dâu nó làm thuốc, luyện công, để ngày mai đánh con bà nó bọn triều Lý.

Triệu Liên-Phương đưa mắt nhìn Hoàng-Liên, bà đổ oán hờn lên mụ:

- Hoàng thái sư thúc. Thái sư thúc là đệ nhất cao nhân phái Mê-linh, mà thái sư thúc để cho bọn ma quỉ làm nhục đệ tử bản môn như vậy sao?

Trong quá khứ, Hoàng Liên từng dan díu với Xích-Thập. Sau này cả hai đều già, mỗi người đi một ngả. Mụ kiếm bọn trai trẻ làm thuốc. Xích-Thập cũng vậy. Mới đây, mụ thưởng thức thanh niên Nguyễn Gia, rồi giết chết, lấy cật ăn sống. Thế nhưng nhìn Liên-Phương đẹp quá, mụ nổi máu ghen lên, phất tay một cái, kình lực mãnh liệt đánh vào tay Đỗ Xích-Thập. Xích-Thập vội thu tay lại. Y chửi thề:

- Mụ ni cô ăn thịt chó, quạ mổ, điều tha. Mụ làm gì thế?

Mụ Hoàng Liên cười the thé:

- Tên dơ bẩn kia, mi không được đụng đến đồ tôn của lão ni. Bằng không lão ni sống chết với mi ngay lập tức. Mi nên biết rằng luật lệ phái Mê-linh từ hồi vua Bà đến giờ, là không bao giờ để người ngoài làm nhục đồng môn. Mai này lão ni sắp xuất hiện làm tôn sư, mà không bảo vệ đồ tôn, còn ra thể thống gì nữa?

Lê Ba an ủi Xích-Thập:

- Thiếu gì cây thuốc khác trẻ hơn. Cây thuốc này đã ba mươi ba tuổi rồi, già như sơ mướp, ích gì mà sư đệ phải đụng đến, khiến mụ ni cô kia nổi giận?

Xích-Thập vòng tay ôm lấy Cao Huyền-Nga, kéo nàng vào lòng. Cao Huyền-Nga cựa tay định thoát ra. Nhưng bà bị y ôm cứng, không dẫy được. Y ghé miệng hôn vào môi nàng:

- Thơm quá, thơm quá.

Cao Huyền-Nga kêu lên:

- Sư thúc Dương Ẩn.

Lê Ba núp trong phái Sài-sơn, ít người biết chân tướng y. Không ngờ Cao Huyền-Nga lại biết tung tích, gọi đúng đạo hiệu y. Y giật mình hỏi:

- Cô nương là đệ tử của vị nào trong bản phái? Tại sao cô nương biết mặt ta?

Cao Huyền-Nga bật lên tiếng khóc:

- Sư thúc tuy qui ẩn, nhưng không thể dấu tung tích được. Ngày giỗ thánh Gióng mười bốn năm trước, sư thúc có tiếp sư phụ đệ tử trong viện Thiên-văn. Bấy giờ đệ tử đi theo hầu sư phụ.

Lê Ba tỉnh ngộ:

- Thì ra người là đệ tử của sư tỷ Hoàng Mai đấy.

Y nói với Phạm Hổ:

- Không nên đụng vào người đàn bà này trước mặt ta.

Phạm Trạch cười rung hai môi quả chuối lên:

- Này Lê tam sư huynh, thập muội. Phàm luyện công phải dùng đàn bà biết võ công, tinh khí, tinh huyết, nước tiểu mới tốt. Thế mà cấm đụng vào đệ tử các võ phái thì kiếm đâu ra bây giờ? Tôi nghĩ, nếu như hai nàng này thuận dâng hiến cho hai vị Đỗ, Lê hẳn sư huynh, sư muội không cấm cản?

Lê Ba hiểu ý Phạm Trạch:

- Dĩ nhiên ta không nói gì.

Phạm Hổ móc trong bọc ra hai viên thuốc đưa cho Xích-Thập:

- Nhờ sư huynh ra tay cho.

Xích-Thập búng tay một cái, hai viên thuốc hướng Cao Huyền-Nga, Triệu Liên-Phương, quay thực nhanh, kêu lên tiếng vo vo. Khi tới gần hai người, kêu vù một tiếng rồi vỡ tung ra thành bụi, chụp xuống đầu.

Mỹ-Linh thấy thủ pháp của Đỗ Xích-Thập, nàng nhủ thầm:

- Thủ pháp này nguyên của phái Tản-viên thời Lĩnh-nam, do ngài Trần Đại-Sinh chế ra, để trị bệnh. Mình nghe phàm người bị bệnh, dù uống thuốc, dù thoa bóp cũng phải hàng giờ thuốc mới có kềt quả. Còn lối phóng thuốc này, thấm vào da thịt ngay, chỉ vài khắc sau hiệu nghiệm. Tên Đỗ Xích-Thập là vai sư thúc chưởng môn Đặng Đại-Khê, nên y biết thủ pháp này. Không biết y phóng loại thuốc nào vào vương mẫu ta với Trần phu nhân?

Trong đầu óc nàng loé lên đoạn Lĩnh-nam vũ kinh chép về thủ pháp này. Nếu luyện tinh thục, nó trở thành một thứ võ công có sát thủ kinh khiếp. Nàng nhẩm đọc tâm pháp, rồi vận khí, quả nhiên tay nàng rung động mạnh. Không ngờ chân khí của nàng mạnh quá, phát ra tiếng véo. Cũng may từ chỗ nàng núp đến nhà thủy tạ khá xa, nên bọn Hồng-thiết không nghe thấy.

Bỗng Cao Huyền-Nga rên lên một tiếng, ôm lấy Lê Đức, nàng ngồi vào lòng y. Hai tay bá cổ y mà hôn vào hai môi y.

Lê Đức phân trần với Lê Ba:

- Tam sư huynh, đồ tử của sư huynh ái mộ đệ, chứ đệ không hề cưỡng ép nàng. Sư huynh khỏi bận tâm.

Bên cạnh, Triệu Liên-Phương cũng ôm lấy Đỗ Xích-Thập trong hoàn cảnh tương tự. Mỹ-Linh kinh ngạc đến đờ người ra. Tôn Đản nói nhỏ:

- Sư tỷ đừng quên bọn Hồng-thiết giáo chuyên dùng độc. Đỗ Lệ-Thanh nói rằng, mỗi khi họ muốn người con gái nào, chỉ cần cho người con gái ấy uống một viên thuốc, thì dù gái tơ, dù bà già, dù mệnh phụ cũng cuồng lên như lợn phải nái. Chắc hai bà bị tên Đỗ Xích-Thập phóng thuốc ấy vào người.

Mỹ-Linh định rút kiếm nhảy ra cứu vương mẫu, chợt có hai tiếng vo vo kêu lên inh tai nhức óc. Nàng đưa mắt nhìn: Từ hai phía bờ ao đối nhau, có hai vật tròn, to bằng quả cam, lấp lánh như bạc đang quay thực mau, hướng lầu thủy tạ. Bọn Hồng-thiết giáo vội đúng đậy định bắt hai trái đó. Không ngờ hai trái bay đến nhà thủy tạ, tự nhiên đổi chiều bật ra xa, chạm vào nhau đến chát một tiếng. Khói bụi bay mù mịt, bao phủ khắp cả ao, lan đến bờ. Nhà thủy tạ nằm trong vùng khói.

Lê Ba la lớn:

- Nguy quá, chạy mau. Xích Trà-Luyện độc khí.

Xích Trà-Luyện độc khí, một thứ ám khí do giáo chủ Tây-dương Hồng-thiết đời thứ nhì chế. Loại độc khí này phát ra do một trái cầu. Trong trái cầu chia làm hai ngăn cách biệt với nhau. Một ngăn đựng bột độc, một ngăn đựng rượu. Khi trái độc ném vào đâu, vỏ vỡ tung phát ra tia lửa. Trong khi đó, rượu với bột độc lẫn với nhau, thành một thứ hỗn hợp cháy. Hỗn hợp gặp lửa, lập tức bùng lên, biến thành khói độc, bao trùm trong vòng đường kính ba trượng (6 mét). Người nào dù công lực cao đến đâu ngửi vào, chân tay mềm nhũn ra như người không biết võ.

Loại độc khí Xích Trà-Luyện, chỉ mình Nhật-Hồ lão nhân biết chế. Trước đây trong thời gian Hồng-thiết giáo tranh giang sơn với Thập-nhị sứ quân, lão đem ra xử dụng nhiều lần. Mỗi lần như vậy dù võ lâm cao thủ đến đâu cũng đành bó tay chịu chết. Trong lúc quân hai bên giao tranh, trái độc Xích Trà-Luyện tung ra, đoàn quân bên địch hoàn toàn tê liệt. Cho nên võ lâm Đại-Việt nghe đến tên đều táng đởm kinh hồn.

Từ khi Nhật-Hồ lão nhân bị đệ tử giam, dối rằng lão chết rồi. Võ lâm tưởng loại độc khí này tuyệt tích. Nào ngờ, hôm nay giữa lúc các đại ma đầu trong Hồng-thiết giáo họp, lại thấy độc khí Xích Trà-Luyện xuất hiện tấn công.

Cả bọn vội qui tức, vọt người khỏi nhà thủy tạ vào bờ. Người chạy đầu là Phạm Hổ. Gần đến bờ, thì ngay đầu cầu có ba người đứng dàn hàng ngang. Một người vung tay phát chiêu. Bình, bình, bình. Bọn Lê Ba bị đánh bật tung trở lại thủy các. Tuyệt ở chỗ, tên nào tên ấy rơi ngay vào chỗ chúng ngồi.

Đúng ra, với bản lĩnh cao thâm vô cùng của chúng, trên thế gian này, dễ gì có người chỉ phát hờ một chưởng khiến chúng bay vọt vào như thế. Nguyên chúng thấy độc khí Xích Trà-Luyện, vội qui tức, không thể vận khí được nữa, thành ra chúng trở thành người bình thường. Cho nên người kia chỉ phát chiêu nhẹ, khiến chúng bay vọt trở lại. Chúng ngộp thở, qui tức, lại bị đánh văng trở vào, bắt buộc chúng phải hít một hơi. Hơi độc nhập tạng phủ, gân cốt trở thành mềm nhũn, không xử dụng võ công được, chứ chân tay không bị tê liệt hoàn toàn. Chúng kinh hoảng, ngồi im bất động.

Bốn người đứng trên bờ cười ha hả, khoan thai theo cầu gỗ vào thủy các. Họ ngồi vào bàn trống của Vũ-nhất-Trụ, Đặng-Trường.

Tôn Đản hỏi Mỹ-Linh:

- Bọn nào, mà công lực mạnh đến như vậy? Không lẽ người của Khu-mật-viện?

Tự-Mai nhăn mặt:

- Khu-mật-viện không biết xử dụng độc khí Xích Trà-luyện. Cứ chờ xem.

Một lát sau, khói tan dần, trong ánh sáng lờ mờ, Mỹ-Linh thấy bọn ma đầu, vương mẫu, cùng tất cả mấy cây thuốc đều ngồi ngay ngắn trên ghế, chân tay uể oải như người bệnh. Ba người lạ mặt, tay rót rượu bưng lên uống. Khi khói tan hẳn, Mỹ-Linh nhận ra bốn người là Nhật-Hồ lão nhân, Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường và Nguyễn Chí.

Mỹ-Linh kinh ngạc không ít, vì rõ ràng Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Nguyễn Chí bị Khu-mật-viện giam, mà nay sao chúng lại ở đây. Không lẽ chúng vượt ngục? Hay chú nàng thả chúng ra rồi?

Bọn Lê Ba nhận ra ba người. Y kinh hoàng kêu lên:

- Sư phụ, nhị sư huynh, ngũ đệ.

Không ai bảo ai, chúng đều phục xuống đất rập đầu binh binh lạy Nhật-Hồ lão nhân, rồi phủ phục, không dám đứng dậy nữa.

Bọn Đỗ Xích-Thập, Phạm Trạch, Lê Đức, Phạm Hổ, Hoàng Liên cùng bật lên tiếng kêu:

- Sư phụ, ngũ ca. Thì ra lão nhân gia vẫn còn tại thế.

Lê Đức liếc nhìn Lê Ba:

- Cách đây hai mươi năm, tam sư huynh nói rằng lão nhân gia qui tiên. Rồi làm lễ an táng, xây lăng, tuyên cáo di chúc của sư phụ... thì ra láo cả!

Nhật-Hồ cười nhạt:

- Việc này Đặng Trường đã kể cho ta nghe. Ta cũng còn nhớ. Bấy giờ tuổi ta cao, ta sợ chết đi, uổng quá, nên ngày đêm lo luyện công. Hàng ngày ta cũng uống tinh huyết phụ nữ, đến nỗi mê muội không biết gì, bị tên Lê Ba nịnh hót, nên tin y, để y hầu hạ bên cạnh. Nhất, nhất bao nhiêu chỉ dụ, ta đều sai y truyền cho bọn mi. Y lợi dụng hoàn cảnh ấy, mưu phản ta, hại ta.

Lão chỉ vào Hoàng Văn:

- Y biết dù có phản ta, cũng không nắm được giáo đồ. Y bàn với Nhất-Trụ và tên này. Y giả lệnh ta phái Đặng Trường đi Trung-Quốc, phái Đỗ Xích-Thập, Lê Đức đi Tây-dương, phái Phạm Hổ, Hoàng Liên đi Chiêm-thành. Trong khi ở nhà, rình lúc ta xuống hầm tha Nguyễn Chí, rồi xông thuốc mê, giam ta. Một mặt y phao ta bị bệnh nặng. Y đem xác chết nào đó hơi giống ta, dối rằng xác ta. Các người đi vắng, khi về thì y đã chôn ta từ lâu, vì vậy các người tưởng ta chết thực.

Rồi lão tường thuật tiếp đoạn Mỹ-Linh vào cứu lão với Nguyễn Chí, rồi Vũ Nhất-Trụ bị đánh lừa xuống hầm. Y kéo then cho hầm sập, đổ nước mong lão chết ngộp như thế nào.

Bọn Đỗ Xích-Thập, Lê Đức, Hoàng Liên xúm vào chửi mắng Lê Ba.

Nhật-Hồ lão nhân móc trong túi ra một bình thuốc, đưa cho Nguyễn Chí:

- Trao thuốc giải cho Xích-Thập.

Bọn Lê Ba bị trúng độc khí Xích Trà-Luyện, gân cốt rủn ra, không xử dụng võ công được, chứ không đến nỗi tê liệt hoàn toàn. Nguyễn Chí trao cho Đỗ Xích-Thập một viên thuốc. Y bỏ vào miệng nuốt trửng, hướng vào Nhật-Hồ lão nhân:

- Đa ta sư phụ.

Y rập đầu binh, binh bốn cái liền, rồi đứng dậy, ngồi vào bàn của mình.

Lê Đức, Phạm Hổ, Hoàng Liên xoè tay ra chờ đợi. Nguyễn Chí đưa mắt nhìn sư phụ. Nhật-Hồ lão nhân mỉm cười:

- Trao thuốc giải cho chúng.

Nguyễn Chí trao thuốc cho ba người. Bọn Lê Đức bỏ thuốc vào miệng nuốt, rồi lay tạ Nhật-Hồ lão nhân. Còn lại chỉ có Lê Ba, Hoàng Văn.

Lê Ba biết nếu không được thuốc giải, thì trong vòng ba ngày, công lực mất hết, y lập tức trở thành một người tàn phế. Y nháy mắt cùng Hoàng Văn, hướng Nhật-Hồ lão nhân rập đầu binh binh:

- Sư phụ, xin sư phụ mở rộng lòng như biển, tha cho đệ tử một phen.

Nhật-Hồ lão nhân thản nhiên uống rượu.

Đặng Trường cười nhạt:

- Lê Ba, người còn dám coi mình là đệ tử của sư phụ ư? Người đánh thuốc mê, giam sư phụ dưới hầm sâu hai mươi năm nay. Thế mà người dối rằng sư phụ qua đời. Người còn giả di chúc của sư phụ, bắt chúng ta tuân theo. Bây giờ người gì để nói không?

Lê Ba vốn ngu dốt, xảo quyệt, đến nước cùng đường, y nghĩ: Bề gì mình cũng chết, thì ít ra mình lôi kéo thêm mấy người nữa chết theo. Y nói:

- Sư phụ, thực tình đệ tử không muốn phản sư phụ. Đây là do Vũ sư huynh cùng với Hoàng sư đệ bàn với nhau. Đệ tử vô tình nghe được, bị Vũ sư huynh ép theo. Mọi việc do đại sư huynh chủ trương hết.

Đặng Trường cười nhạt:

- Cứ như mi nói, thì mi là đứa trung thành hẳn? Thế còn việc mi mưu chôn sống sư phụ cùng đại sư huynh với ngũ đệ cũng do lòng tốt của mi mà ra chăng?

Từ đầu đến cuối, Nhật-Hồ lão nhân không nói một câu, bây giờ lão mới lên tiếng:

- Nguyễn Chí, việc thẩm cung tội nhân trong hội đồng giáo-vụ trung-ương không thể cho người ngoài biết. Vậy hãy đem những cây thuốc này đi chỗ khác đã.

Nguyễn Chí móc trong bọc ra mấy viên thuốc. Y kéo hàm từng người trong đám đàn bà, rồi bỏ vào miệng mỗi người một viên thuốc.

Y hỏi Phạm Hổ:

- Đám đàn bà này có nguy hiểm chăng? Nên giam lại hay giết đi để trừ hậu hoạn.

Phạm Hổ chưa kịp trả lời, thì Nhật-Hồ đưa mắt nhìn qua những cây thuốc. Lão vuốt râu:

- Không nên giết. Giết đi thực phí phạm vô ích. Trên thế gian dễ gì kiếm được những cây thuốc quí như thế này.

Phạm Hổ cầm dùi gõ vào chiêng ba tiếng. Lập tức từ phía Ngọc-lan đình một lão già tiến ra. Lão nhìn thấy Nhật-Hồ, thì run run quỳ xuống lạy như tế sao:

- Lão... lão tiên sinh còn tại thế ư?

Giọng nói đầy vẻ thương cảm, kính trọng. Nhật-Hồ lão nhân vuốt râu cười:

- Đinh Hiền, ta vẫn còn sống.

Đinh Hiền chạy lại ôm lấy chân Nhật-Hồ lão nhân mà khóc. Y tỏ ra cảm động thực sự.

Phạm Hổ bảo Đinh Hiền:

- Sư đệ đem những cây thuốc quí này sang bên Ngọc-lan đình, bầy cỗ cho họ thưởng trăng Trung-thu, đợi lát nữa, khi có lệnh, lại đưa sang đây hầu hạ lão tiên sinh cùng các vị trong hội đồng giáo vụ trung ương.

Đinh Hiền dẫn bọn phụ nữ sang phía Ngọc-lan đình.

Mỹ-Linh đưa mắt cho Tự-Mai, Tôn Đản. Cả ba người lui vào nhà, mở cửa đường hầm, chui xuống, theo lối cũ về Ngọc-lan đình. Đến Ngọc-lan đình, chui lên căn phòng, Mỹ-Linh vẫy tay cho hai sư đệ núp vào gầm một cái ghế trường kỷ lớn. Còn nàng núp sau con hổ nhồi bông.

Chỉ lát sau, Đinh Hiền dẫn chín thiếu nữ áo hồng cùng bọn Liên-Phương sáu người về tới.

Đinh Hiền nói với bọn Liên-Phương:

- Mời các vị tiên cô lên sân thượng. Lão sẽ cho bầy tiệc để các vị thưởng trăng.

Đám đàn bà đều được thư thả. Chỉ riêng có Liên-Phương, Huyền-Nga, Sa-ki-Na bị xiềng chân tay bằng xích sắt. Họ cùng lên lầu. Đinh Hiền cầm dùi gõ vào cái chuông nhỏ hai tiếng. Lan-Hương từ nhà dưới lên, chắp tay chờ lệnh. Đinh Hiền chỉ lên sân thượng:

- Sư muội mau cho bầy tiệc, gồm mười lăm chỗ ngồi cho những cây thuốc của các vị đại ca trong hội đồng trung ương giáo vụ. Cử người hầu hạ thực cẩn thận. Sau khi bầy cỗ xong, ta sẽ trở về khai mạc tiệc Trung-thu.

Nói rồi lão hướng nhà thủy tạ ra đi.

Lan-Hương rời đình Ngọc-lan một lúc, rồi trở lại với hai thiếu nữ, một thiếu niên trong y phục giáo chúng. Mỹ-Linh thấy trên nút áo của họ đều có sợi chỉ đỏ, thì biết là người của Khu-mật-viện, nàng yên tâm. Nhìn dáng đi của ba người, thấy hơi quen, nhưng trong mờ mờ bóng đèn, nàng không biết là ai.

Ba thiếu niên theo đám phụ nữ lên sân thượng rồi. Mỹ-Linh từ bóng tối nhảy ra. Lan-Hương giật mình hỏi sẽ:

- Đã tìm ra người định cứu chưa?

- Thấy rồi. Chính là hai người đàn bà bị xích chân tay đó.

Mỹ-Linh nghĩ tới cứu vương mẫu, nàng run run hỏi:

- Trong trang này còn cao thủ nào không?

- Các trưởng lão thuộc hội đồng giáo vụ trung ương họp cả ở nhà thủy tạ. Hiện ở Ngọc-lan đình này chỉ có đám giáo chúng phụ trách nấu bếp. Bọm giáo chúng cao cấp khác đang ăn uống ở trên lầu Động-đình. Đinh Hiền là một cao thủ duy nhất có mặt. Phải cẩn thận lắm. Kiếm thuật y bậc nhất trong Hồng-thiết giáo.

- Chúng tôi lên lầu được không?

- Cứ việc. Nhưng các vị đừng quên mình là người hầu hạ đấy nhé. Hãy chờ đây một lát, đầu bếp đưa cỗ tới, các vị tiếp lấy, rồi mang lên sân sân thượng. Người trên đó sẽ bầy ra bàn. Các vị chỉ có nhiệm vụ bưng từ đây lên mà thôi.

Mỹ-Linh vẫy tay cho Tôn Đản, Tự-Mai chui ra. Tôn Đản nói nhỏ:

- Em thỉnh cầu chị Mỹ-Linh với Tự-Mai một truyện.

- Truyện gì?

- Nếu chị với Tự-Mai nghĩ rằng có thể trấn áp tâm thần, khi gặp hai vị bá mẫu, hãy lên lầu cứu các vị. Bằng không đừng lên, e cứu không được người, mà còn làm mất mạng tất cả.

Mỹ-Linh nhìn Tự-Mai:

- Em nghĩ sao? Chị ư? Chị có đủ khả năng chế chỉ tâm thần.

- Được mà. Bộ em cùi sao?

- Thôi, chúng ta lên lầu.

Năm đầu bếp đã bưng cỗ đến. Mỹ-Linh đưa mắt cho hai em tiếp lấy, rồi bưng lên lầu.

Sân thượng khá lớn. Trăng chiếu sáng vằng vặc như ban ngày. Sân thượng trang trí như một vườn hoa. Những chậu hoa toả mùi hương ngào ngạt.

Ba giáo chúng lên trước đã bầy xong mười lăm cái bàn theo hình bán nguyệt. Ở giữa hình bán nguyệt, còn một cái bàn khá lớn. Bàn, ghế đều làm bằng gỗ sơn son, thiếp vàng. Dưới ánh trăng, phản chiếu long lanh. Mười lăm người đẹp, mỗi người ngồi sau một bàn. Mỹ-Linh, Tự-Mai, Tôn Đản chuyển cỗ cho ba giáo chúng lên trước, để họ bầy ra.

Sau bốn lần lên xuống, cỗ đã bầy xong. Chín thiếu nữ áo hồng, dường như quen biết nhau, họ trao đổi với nhau những câu truyện vặt về các buổi hiến thân cho bọn trưởng lão hội đồng giáo vụ trung ương luyện công. Cô khoe được Phạm Hổ giữ trong ba tháng liền. Có cô khoe được hầu Vũ Nhất-Trụ. Bọn Xuyên-Thủy, Mỹ-An, Thuận-Ngôn quen biết nhau. Họ nói truyện với nhau rất sẽ. Nội công của Mỹ-Linh cao thâm biết mấy, nhưng cũng nghe câu được câu chăng.

Triệu Liên-Phương, Cao Huyền-Nga, và Sa-ki-Na ngồi gần nhau, lọt vào giữa hai đám người kia. Ba người ngồi im, không ai nói với ai câu nào cả.

Cái bàn ở giữa để trống, dường như chờ đợi một nhân vật quan trọng nào ngồi vào đó.

Khoảng nhai dập miếng trầu, lão Đinh Hiền trở lại. Y tiến đến ngồi vào cái bàn chính giữa. Tay y tháo kiếm để xuống bên cạnh.Thì ra y chủ tọa bữa tiệc hôm nay. Y trịnh trọng lên tiếng:

- Các vị tiên cô. Như các vị tiên cô biết, Nhật-Hồ lão nhân, vị giáo chủ kính yêu của muôn dân Đại-Việt, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua Xiêm-la vắng bóng trong hai mươi năm, nay người lại trở về. Từ khi người qui ẩn luyện công đến giờ, giáo chúng tản mát khắp nơi. Các vị trong hội đồng giáo vụ trung ương không người chỉ dạy, nên bản giáo trải qua thời kỳ phân hoá.

Đám phụ nữ nghe lão nói, có ba phản ứng khác nhau. Nhóm chín cô gái áo hồng vui vẻ, mỉm cười khoan khoái ra mặt. Còn nhóm của Đinh Mỹ-An nhăn mày, tõ vẻ khinh bỉ. Nhóm Triệu-liên-Phương lầm lỳ.

Lão tiếp:

- Các vị sinh ra có nhan sắc, lại không bệnh tật, trời phú cho trong người tiết ra mùi thơm, vì vậy bản giáo phong các vị làm cây thuốc, để giúp các trưởng lão luyện công. Công lực các trưởng lão cao thâm, là nhờ các vị. Các vị thực có huân công lớn với bản giáo. Năm nước Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp, Xiêm-la đều tri ân các vị. Hôm nay, sắp Trung-thu, lão phu thay mặt giáo chủ mời các vị dự tiệc. Nào mời các vị.

Ba giáo chúng tiến đến từng bàn rót nước trà cho những cây thuốc. Mỹ-Linh, Tự-Mai nhìn mẫu thân cúi mặt xuống uống nước ăn bánh. Hai người những muốn nhảy lại ôm lấy mẹ. Song nhớ lời Tôn Đản dặn, đành đứng im.

Đinh Hiền bưng chung rượu uống cạn, rồi hướng vào Cao Huyền-Nga, Triệu Liên-Phương, Sa-ki-Na:

- Ba vị là những cây thuốc trân quí bậc nhất trên thế gian này. Khi các vị mới đến đây, lão phu đã cho biết, các vị được là cây thuốc trong bản giáo, thực vinh hạnh, sung sướng nhất thế gian. Thế mà hơi một tý các vị vô phép với bậc trưởng lão. Trước đây, lão phu đã nói, nếu các vị không khéo hầu hạ các trưởng lão. Bắt buộc lão phu sẽ ra lệnh đánh thuốc độc chồng, con, bố mẹ các vị. Nhờ các vị tận tâm hầu hạ chư vị trưởng lão. Cho nên, mấy năm qua, gia đình các vị vô sự. Thế mà hôm nay...

Lão chỉ vào Sa-ki-Na:

- Cô nương dám đá trưởng lão Phạm Hổ. Nếu cô nương không khéo hầu hạ Phạm trưởng lão. Người mà nổi giận, ắt đem thân mẫu cô nương ra tùng xẻo. Cô nương phải biết điều chứ?

Lão chỉ Triệu Liên-Phương, Cao Huyền-Nga:

- Một cô nương dám đánh trưởng lão Đỗ Xích-Thập. Một cô vô phép với trưởng lão Lê Đức. Đến nỗi phải dùng thần dược mới khiến các cô ngoan ngoãn. Ta nói cho cô nương Liên-Phương biết, chồng cô là Khai-thiên vương sắp lên kế vị làm vua. Con gái cô nương tên Mỹ-Linh, Kim-Thành, Trường-Ninh lớn lắm rồi. Chúng xinh đẹp vô cùng. Nếu cô nương không biết điều, ta sẽ cho đánh thuốc độc giết chồng cô, sau đem con gái cô vào đây thay thế .

Lão chỉ vào Cao Huyền-Nga:

- Còn cô. Con trai cô hiện bị chúng ta bắt. Con gái cô tên Thanh-Mai đã lớn, sắp được tuyển làm vương phi Khai-quốc vương. Nếu cô không biết điều, ta đem con trai cô làm cây thuốc cho các bà chức sắc bản giáo. Con gái sẽ thay thế cô.

Nghe lão Đinh Hiền nói láo quá, Tự-Mai không chịu nổi, nó vọt người tới phóng vào lưng lão một chưởng. Đinh Hiền tuyệt không ngờ một giáo chúng còn trẻ, tự nhiên phóng chưởng đánh lão. Lão tung người lên cao tránh thế chưởng ác liệt. Chưởng phong làm bay cái bàn của lão đi.

Trên cao, lão phóng xuống một chưởng, chụp vào đầu Tự-Mai. Tự-Mai trầm người, đẩy lên một chưởng. Hai chưởng chạm nhau đánh bùng một tiếng. Đinh Hiền bay bổng lên cao. Trong khi đó Tự-Mai cảm thấy lồng ngực như muốn nổ tung ra. Ở trên cao, Đinh-Hiền kêu lên:

- Thì ra mi là gian tế của phái Đông-a, len lỏi vào bản giáo.

Miệng nói, y phóng xuống một chiêu chưởng rất quái dị. Tự-Mai thấy chưởng phong có sát thủ kinh hồn, lẫn với mùi hôi tanh, thì biết y xử dụng Nhật-Hồ độc chưởng. Nó thu chưởng về, nhảy vọt ra ra, tay cầm cái ghế đưa lên đập vào chân lão. Chát một tiếng, cái ghế vỡ tan tành. Đinh Hiền đau thấu tâm can, nhưng y vẫn phóng ra một chiêu độc chưởng. Hai người đứng quá gần nhau. Tự-Mai vội uốn cong người bật ra xa.

Trong khi Tự-Mai chiết chiêu với Đinh Hiền, Mỹ-Linh chụp kiếm của y để trên bàn. Nàng lách mình một cái đã tới trước Cao Huyền-Nga với Triệu Liên-Phương. Ánh kiếm loé lên, xích chân tay Liên-Phương, Huyền-Nga, Sa-ki-Na bị chặt đứt. Nàng nói với đám Đinh Mỹ-An:

- Các vị muốn thoát thân hãy theo bọn tại hạ.

Đến đó Mỹ-Linh quay lại, Tôn Đản đang nhập cuộc đấu với Đinh Hiền. Tự-Mai dùng võ công Đông-a, Tôn Đản dùng võ công Cửu-chân. Tuy hai người đã gặp kỳ duyên, học được bí kíp võ công, nhưng thời gian luyện tập không được bao lâu, lại nữa công lực Đinh Hiền cực kỳ cao thâm, chưởng của lão là độc chưởng, nên hai đứa cứ phải nhảy tránh né.

Mỹ-Linh sợ dằng dai, bọn Nhật-Hồ tới thì mất mạng. Nàng lạng người đi, đưa một chiêu kiếm vào bụng Đinh Hiền. Đinh Hiền khinh thường, lão dùng hai ngón tay kẹp thanh kiếm của nàng. Không ngờ, Mỹ-Linh chuyển tay một cái, thanh kiếm chĩa vào cổ y. Y kinh hoàng, miệng hét lên be be, bật ngửa người ra sau, lộn đi ba vòng tránh thế kiếm đó. Nhưng khi y vừa đứng xuống thanh kiếm Mỹ-Linh lại chĩa vào ngực, cổ y.

Triệu Liên-Phương kêu lên tiếng « ủa » kinh ngạc. Còn Đinh Hiền thản nhiên nói:

- Con bà nó, mi là người hay ma? Kiếm của mi hơi giống Mê-linh kiếm pháp. Song mi dùng tà thuật, mỗ không phục.

Trên sân thượng đã thêm một giáo chúng nữa, thân thể y cao lớn, đen thùi thũi như than. Người này rút kiếm liệng cho Đinh Hiền. Mỹ-Linh thấy trên cổ giáo chúng nào có sợi dây đỏ. Nàng kinh ngạc tự hỏi:

- Rõ ràng anh này là người của Khu-mật-viện, tại sao anh ta lại trao kiếm cho Đinh Hiền?

Đinh Hiền cầm kiếm nhìn Mỹ-Linh:

- Cô nương tên gì? Ta thấy cô nương xử dụng Mê-linh kiếm pháp, ắt cô nương thuộc phái này. Cô nương ơi! Ta độ chừng đến sư thái Tịnh-Tuệ đấu kiếm với ta cũng chưa chắc hơn nổi. Ta muốn cô nương dạy dỗ cho mấy chiêu nữa.

Y phóng ra một chiêu kiếm lóe lên như tia chớp. Mỹ-Linh không đỡ, nàng đợi cho kiếm đối thủ sắp tới bên, khẽ lách người một cái tránh khỏi. Tay nàng phóng một chưởng vào ngực Đinh Hiền. Binh một tiếng, Đinh Hiền bay vọt trở lại sau. Y oẹ một tiếng, khác ra bụm máu. Tay y ôm ngực thở hổn hển:

- Cô nương, chiêu chưởng vừa rồi là Tiêu-sơn tượng đầu chưởng. Vậy cô nương thuộc phái Tiêu-sơn chăng?

Mỹ-Linh không trả lời. Đinh Hiền phóng liền bẩy chiêu kiếm chụp lên đầu Mỹ-Linh. Mỹ-Linh thản nhiên chiết chiêu. Kiếm pháp Mỹ-Linh xử dụng là Long-biên kiếm pháp, do Vạn-tín hầu Lý Thân thời vua An-dương chế ra. Với pho kiếm này, Lý Thân thắng hết các kiếm khách Trung-nguyên. Đến thời vua Trưng, Đào Kỳ, Phật-Nguyệt, Phương-Dung học được, làm anh hùng Trung-nguyên kinh hồn táng đởm. Kiếm pháp đặt trên cơ sở, Bát-quái, lấy mau thắng chậm. Trong khi đó kiếm pháp của Đinh Hiền là kiếm pháp Nhật-Hồ cũng lấy mau thắng chậm. Vì vậy hai người đấu với nhau, như hai quả cầu bạc.

Từ khi học được kiếm pháp Mê-linh. Mỹ-Linh đã đấu với Cao Thạch-Phụng, Nguyên-Hạnh, nàng đều thắng một cách dễ dàng. Hôm nay, nàng mới gặp một kiếm khách xứng đáng.

Đấu được trên trăm hiệp, Mỹ-Linh muốn hạ y thực không khó. Nhưng nàng muốn nghiên cứu kiếm pháp Nhật-Hồ danh trấn Hoa-Việt xem sao. Vì vậy nàng khoan thai ra chiêu, tay trái bắt kiếm quyết.

Bỗng Tự-Mai lên tiếng:

- Mau lên chị tư ơi!

Mỹ-Linh tỉnh ngộ, nàng nhảy xéo về bên trái đưa mũi kiếm vào giữa cổ Đinh Hiền. Y vung kiếm đỡ. Nhưng kiếm Mỹ-Linh co lại như con rắn. Y đỡ hụt. Kiếm Mỹ-Linh vọt tới, mổ vào vai phải y. Kiếm y rơi xuống sân thượng. Mỹ-Linh chĩa kiếm vào cổ y. Nàng hỏi:

- Mi phục chưa?

Đinh Hiền lòng nguội như tro tàn. Từ trước đến nay, y tự hào kiếm thuật của mình cao bậc nhất Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Không ngờ đêm nay bị bại dưới tay một cô gái vô danh. Y thở dài:

- Lão phu xin phục cô nương. Nhưng lão phu có một điều thắc mắc: Không biết cô nương là cao đồ của vị tiền bối nào?

Mỹ-Linh nói thực:

- Tôi có hai sư phụ. Một vị là cao tăng phái Tiêu-sơn, một vị là thúc phụ của tôi. Song rất tiếc tôi không thể nói tên các ngài ra được.

Tên giáo chúng ném kiếm Đinh Hiền nói:

- Đinh tiên sinh. Chúng tôi mạn phép mời tiên sinh đưa chân chúng tôi rời khỏi đây với mấy « cây thuốc » này. Mong tiên sinh thuận cho.

Tự-Mai nói với mọi người:

- Ai muốn thoát khỏi cảnh này, mau theo bọn tại hạ.

Chín cô gái áo hồng, cùng ba giáo chúng hầu hạ lắc đầu. Còn lại bọn Triệu Liên-Phương sáu người đều đứng dậy, theo sau Tự-Mai. Gã giáo chúng đen thui lấy giây trong bọc ra trói sáu cô gái lại thành một chùm, xé vạt áo nhét vào miệng các cô, rồi nói:

- Chúng ta đi thôi.

Tự-Mai nhìn gã giáo chúng đen thui, nó tự nghĩ:

- Anh này hành sự mẫn cán. Anh ta trói ba giáo chúng vốn là người của Khu-mật-viện lại như vậy, để bọn Hồng-thiết không ngờ vực họ, hầu họ tiếp tục công tác.

Mỹ-Linh đi theo Đinh Hiền, chĩa kiếm vào lưng bắt y đi trước. Phía sau là bọn Tự-Mai, Tôn Đản với sáu « cây thuốc ». Ra khỏi Ngọc-lan đình, tên « giáo chúng đen thui » chợt nhớ ra điều gì, y vào bếp, trói Lan-Hương với mấy người làm bếp lại, rồi cũng nhét nhẻ vào miệng.

Rời khỏi khu vực Ngọc-lan đình, tới bờ sông, đã có con đò chờ sẵn ở đó. Trên đò có hai cô gái, một cô lái, một cô chèo. Bấy giờ tên giáo chúng đen thui mới gỡ lớp đất đắp trên mặt ra.

Tự-Mai kêu lên:

- Anh Thiệu-Thái.

Mỹ-Linh thấy người yêu, nàng mừng khôn xiết. Thiệu-Thái nói nhỏ vào tai Mỹ-Linh, Tự-Mai:

- Cậu hai dạy, tuyệt đối không được lộ thân thế ra cho mẫu thân các em biết. Vì cần bảo vệ danh dự các bà.

Thiệu-Thái ra lệnh:

- Mời các vị xuống đò.

Đinh Hiền hỏi Mỹ-Linh:

- Cô nương định bắt ta đi đâu đây?

Thiệu-Thái lạnh lùng:

- Chúng tôi mời tiên sinh đến thăm Khu-mật-viện.

Nghe đến Khu-mật-viện, Đinh Hiền kinh sợ:

- Các vị là quan quân ư?

Tự-Mai đáp:

- Đúng thế.

Con đò rời bờ sông, đi về phía bến Ngự-long. Khi sắp đến bến Ngự-long, cô gái chèo đò bỗng cất tiếng hát:

Sông hồ một giải con con,

Gặp cơn sóng gió, chớ non tay chèo.

Yêu nhau, sinh tử đã nhiều.

Thương nhau, lặn suối, qua đèo có nhau.

Lập tức một chiến thuyền trên bến Tiềm long có hai ngọn đèn đưa lên, đưa xuống làm hiệu. Cô lái đò cho mũi thuyền quay vào. Đò tới bến. Trên bến đã sẵn sáu cái kiệu. Một người mặc quần áo như thái giám đang đứng chờ. Y nói với bọn Triệu Liên-Hương:

- Mời các vị lên kiệu.

Sau khi rời khỏi Ngọc-lan đình, Liên-Hương không nói một câu. Vì kể từ lúc bị Lê Ba lấy ra khỏi quan tài, cho xác người khác vào thay thế, bà mê mê tỉnh tỉnh, không biết chúng giam mình ở đâu. Trong suốt hai năm bà phải làm « cây thuốc » cho bọn Nhật-Hồ luyện công, đổi lấy an ninh cho chồng con. Bởi chúng đe doạ, nếu bà tự tử, chúng sẽ đánh thuốc độc giết chồng bà cùng các con. Bây giờ bà mới nhận ra, nơi mình bị giam không xa kinh thành Thăng-long làm bao.

Bà hỏi tên thái giám:

- Người đưa ta đi đâu?

Tên thái giám không biết bà là vương phi của Khai-thiên vương:

- Tôi được lệnh đón các cô bằng kiệu. Lát nữa các cô sẽ biết mình về đâu.

Có sáu võ sĩ trói Đinh Hiền lại.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản, Tự-Mai lên ngựa theo sau sáu cái kiệu. Kiệu vòng sang cửa Đại-hưng, vào điện Uy-viễn thì ngừng lại. Sáu người đàn bà, đã có sáu cung nữ khác nhau đón.

Bọn Mỹ-Linh, Thiệu-Thái bước vào cửa chính Khu-mật-viện. Bên trong, Khai-quốc vương cùng ngồi với đại sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử, Tạ Sơn. Huệ-Sinh vẫy tay ra hiệu miễn lễ.

Khai-quốc vương đứng dậy vòng tay ôm lấy đầu Mỹ-Linh vào ngực:

- Con gái chú giỏi quá. Mới mấy tháng qua, mà con đã đổi từ một cô gái khuê các thành một người kinh lịch như một tướng ngoài biên cương.

Ông bảo Tự-Mai:

- Em thuật cho anh nghe hết mọi sự từ khi xẩy ra.

Tự-Mai thuật chi tiết, không thiếu chút nào. Nó thắc mắc:

- Tại sao ba tên Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Nguyễn Chí đang bị giam tại đây, mà chúng lại đi với lão Nhật-Hồ?

Khai-quốc vương cười:

- Em thử đoán xem?

Tự-Mai lắc đầu:

- Em đoán không ra.

Khai-quốc vương vỗ đầu nó:

- Để anh giảng cho em nghe, hầu thêm kinh nghiệm.

Vương trầm tư một lúc rồi nói:

- Khi anh lên cầm quyền Thái-úy, thì đã biết Đàm Can tức Vũ Nhất-Trụ là một trưởng lão cuả Hồng-thiết giáo. Vì vậy anh phải tâu với phụ hoàng thăng chức tước cho y, hầu đẩy y rời khỏi Khu-mật-viện. Tuy vậy chân tay của y trong viện còn khá nhiều. Anh cứ để im, theo dõi. Hôm nay, sau khi thẩm vấn, anh thả Nhật-Hồ lão nhân ra, để lão về kiến thiết lại Hồng-thiết giáo.

Mỹ-Linh gật đầu tỏ ý hiểu:

- Nếu giết, hay bỏ tù lão, thì tên Lê Ba cầm quyền. Hồng-thiết giáo vẫn mạnh. Nay tha lão ra, tất lão thanh toán tên Lê Ba. Mà hơn hai chục năm nay, giáo chúng toàn chân tay của Lê. Do vậy lão phải thanh toán hết. Ta mượn tay lão tàn phá Hồng-thiết giáo.

Tự-Mai à lên một tiếng:

- Chắc chắn anh cả dùng một tên giáo đồ gian tế trong Khu-mật-viện, báo tin cho Nhật-Hồ biết nơi giam Nhất-Trụ, Đặng Trường, Nguyễn Chí. Lão ắt tới cứu chúng ra. Ba tên này cũng có một số chân tay theo chúng. Như vậy cuộc tàn sát trong Hồng-thiết giáo mới kinh khủng hơn.

Khai-Quốc vương hỏi Tôn Đản:

- Còn nữa. Em thử nói xem có đúng không nào?

Tôn Đản nhăn mũi lại:

- Dễ quá. Anh đã biết tên Vũ Nhất-Trụ là Đàm Can. Chức tước của y tuy bị cách, nhưng vợ con y còn đó. Anh ra lệnh cho y phải làm tai mắt cho triều đình trong Hồng-thiết giáo, bằng không, anh đem cả ba họ y ra chặt đầu.

- Chưa hết.

Tự-Mai cười khúc khích, rồi nó ôm gối

không nói gì. Khai-quốc vương vỗ lưng nó:

- Em biết rồi hả. Giỏi đấy.

Mỹ-Linh ngơ ngác:

- Còn gì nữa? Tự-Mai cho chị biết đi.

Tự-Mai đến bên Mỹ-Linh:

- Mỏi lưng quá, chị đấm lưng cho em một tý đi.

Mỹ-Linh không đừng được, dùng tai tay tẩm quất cho Tự-Mai. Tự-Mai cười khúc khích:

- Sướng thực. Được công chúa đấm lưng cho thì còn gì bằng nữa. Nào bây giờ thầy đồ nói cho công chúa nghe. Lát nữa đây, em đem kiệu đưa mẫu thân về gặp bố. Em kể cho bố nghe về vụ tên Đặng Trường giả thua để bị chú em bắt sống, chính y là người đánh thuốc độc mẹ em. Như vậy ngày mai này, bọn Nhất-Hồ xuất hiện với mưu đồ giả giúp Hồng-Sơn đại phu hầu gây cho Đại-Việt rối loạn, quân Tống sang. Chúng được thể đứng lên xuất lĩnh anh hùng chống xâm lăng. Bố em sẽ đập chết chúng. Mà bố em đập chết chúng, đương nhiên bỏ không giúp Hồng-Sơn đại phu ép Thuận-thiên hoàng đế thoái vị nữa.

Nùng-Sơn tử nghiêm trang nói:

- Bây giờ, những đau khổ của vương phi Khai-thiên vương, cũng như phu nhân Thiên-trường, Hồng-sơn phải giữ thực kín. Nếu không, ba vị đó ắt tự tử. Như vậy chẳng hoá ra các bà sống với Hồng-thiết giáo không sao, khi về với triều đình lại bị dồn vào chỗ chết.

Khai-quốc vương đứng dậy:

- Hà! Tự-Mai, Thiệu-Thái đi với anh được rồi.

- Đi đâu?

- Đem Hồng-Sơn phu nhân về với chồng con.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...