Thiên Văn
Chương 1: Mảnh da người
Cậu tôi tên là Tôn Anh Thạch, hồi trẻ từng tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở Thẩm Dương, và là họa sĩ sơn dầu nổi tiếng vùng Đông Bắc. Cậu làm việc tại Học viện Hội họa thành phố Cẩm Châu tỉnh Liêu Ninh, và cũng là Ủy viên Chính hiệp thành phố Cẩm Châu.
Cuối tháng Sáu năm 2009, khi tôi đang học bồi dưỡng để nâng lên cấp tá tại Học viện Cảnh sát Đại Liên, thì bỗng một hôm nhận được điện thoại của mẹ nói cậu bị tai biến mạch máu não. Cậu cháu tôi xưa nay vốn rất thân thiết, vì thế sau khi nhận được tin báo, tôi lập tức xin nghỉ phép và lái xe về thăm cậu.
Cậu tôi cả đời chưa từng kết hôn, tuy về già thường hay ốm yếu bệnh tật nhưng vẫn một mực ở vậy, chỉ thuê một bà ô-sin về chăm sóc dọn dẹp nhà cửa. Nghe mẹ tôi nói, cậu đổ bệnh đột ngột, khi mọi người đưa đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ đã thông báo với người nhà cần chuẩn bị lo hậu sự cho cậu.
Khi tôi cuống cuồng xông vào phòng bệnh thì cũng là giây phút cuối cùng cậu tỉnh táo trước lúc ra đi. Cậu nằm duỗi thẳng trên giường bệnh, mở to mắt nhìn xung quanh, nói năng bỗng trở nên lưu loát lạ thường, nhưng điều cậu trăng trối khiến mọi người ai nấy đều vô cùng ngạc nhiên. Cậu nói nhỏ nhưng rành mạch từng chữ:
- Mọi người hãy nhớ, khi ta chết không được báo cho bất kì ai, phải hỏa táng ngay, tất cả tranh vẽ trong nhà cũng phải đốt hết.
Cậu vừa dứt lời, mọi người liền quay sang nhìn nhau, không ai hiểu nổi tại sao cậu lại không muốn cho người khác biết. Còn những bức tranh nữa chứ, chúng có tới mười mấy bức, trong số đó có cả những bức thư họa của các danh nhân mà cậu sưu tập được, chúng đều rất đáng giá, chí ít cũng không dưới năm triệu tệ. Nay một mồi lửa đốt sạch, chẳng khác nào ném đi vé số độc đắc.
Thấy chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, cậu bỗng như bị kích động, hai tay túm chặt ga giường, cố gượng chút sức lực cuối cùng ngóc đầu lên, đau khổ kêu gào:
- Mọi… mọi người… thiêu ta, thiêu… thiêu luôn… những bức tranh đó.
Cậu thở hổn hển, lồng ngực phập phồng liên hồi, miệng không ngừng van nài:
- Cầu… cầu xin mọi người… đốt hết… đốt hết… Hãy nhận lời với tôi… nhận lời tôi…
Nói xong, dường như do quá gắng sức, cổ họng cậu rung lên, mặt mày tím tái, mắt hằn những tia máu, trông hết sức đáng sợ.
Mọi người có mặt trong phòng bệnh lúc đó đều cảm thấy có điều gì đó vô cùng kỳ dị và khó hiểu, như thể nếu không làm theo lời trăng trối ấy, cậu sẽ chết mà không nhắm mắt vậy.
Mẹ tôi là người đầu tiên đưa ra phản ứng, bà lao đến ôm lấy cậu, vừa rấm rứt khóc vừa nghẹn ngào đáp lời:
- Thạch ơi, em yên tâm, chị nhận lời em, sẽ đốt… đốt hết!
Nghe mẹ tôi nói vậy, cậu dần bình tĩnh trở lại, hai bên mép giật giật mấy cái, thở dài một hơi rồi từ từ nhắm mắt. Cậu tôi đã ra đi.
Cả căn phòng chìm trong tiếng khóc, mẹ tôi quỳ sụp xuống bên cạnh giường bệnh, nước mắt giàn giụa. Bà không ngừng vuốt vuốt mái tóc em trai mình, nghẹn ngào nói:
- Thạch ơi, em… em yên tâm ra đi nhé, chị và mọi người nhất định sẽ không cho ai biết, nhất định sẽ đốt hết những bức tranh đó đi.
Thấy mẹ quá xúc động, toàn thân run rẩy như sắp ngất đi, tôi cố kìm nước mắt, dặn bố và La Viễn Chinh đưa mẹ về nhà nghỉ ngơi. Đợi mọi người ra khỏi phòng bệnh, tôi và mấy người anh em bắt đầu lo việc hậu sự cho cậu.
Lòng đau như cắt, tôi cố giấu nước mắt, đặt di hài cậu nằm ngay ngắn, sau đó với tay định kéo khăn trùm lên đầu cậu. Nhưng lạ thay, đúng khoảnh khắc ấy, hình như tôi nhìn thấy khóe cười trên gương mặt cậu.
Tôi ngẩn người, tưởng mình bị hoa mắt, vội giật chăn ra, cúi sát đầu nhìn – quả đúng là cậu cười. Tuy hai mắt nhắm nghiền, nhưng môi cậu lại hơi nhếch về bên phải, dường như cậu rất hài lòng vì trước khi chết, chúng tôi đã đồng ý làm theo di nguyện của cậu.
Không nén nổi tò mò, tôi đưa tay ra vuốt nhẹ lên mặt cậu, các thớ thịt vẫn ấm và mềm. Nụ cười ấy của cậu vẫn không hề biến mất, mà trái lại, càng trở nên rõ hơn, đọng nguyên trên khuôn mặt cậu. Rõ ràng trước khi rời khỏi cõi trần gian, cậu tôi đã phải cố hết sức mình mới để lại nụ cười cuối cùng này. Lúc đó hẳn cậu thực sự thấy rất vui.
Tôi khẽ lắc đầu, nhẹ nhàng thu tay lại, mắt vẫn không ngừng nhìn chăm chăm vào mặt cậu. Dù đau đớn tột cùng nhưng trong đầu tôi vẫn hiện ra một câu hỏi lớn, tại sao cậu tôi lại để lại lời trăng trối kỳ lạ đến thế?
Tuy mẹ tôi nhận lời với cậu, nhưng khi lo chuyện hậu sự cả nhà vẫn nảy sinh ý kiến bất đồng nghiêm trọng. Rất nhiều người trong họ nghe xong chuyện này đều kịch liệt phản đối. Họ cho rằng cậu là niềm tự hào của dòng họ, nếu tiễn đưa trong yên lặng như thế, nhỡ khi có người hỏi đến sẽ chẳng biết ăn nói ra sao, vì thế họ muốn phải tổ chức tang lễ thật hoành tráng. Còn mẹ tôi do đã hứa với người đã khuất nên nhất định yêu cầu phải làm theo di nguyện, nếu không cậu sẽ không yên lòng nhắm mắt.
Mọi người tranh cãi rất lâu, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng đôi bên thỏa hiệp như sau: Chỉ báo cho bạn bè và học trò thân cận nhất của cậu khi còn sống, cố gắng không làm rùm beng mọi việc. Như vậy cũng coi như đã dung hòa được sở kiến hai bên.
Ngay tối hôm cậu mất, chúng tôi thuê một căn nhà mái bằng có cái sân nhỏ ngay sát bệnh viện để tạm thời làm linh đường, lại nhờ vào các mối quen biết để mượn một chiếc quan tài bằng kính trong suốt, phía dưới lót băng tảng, như vậy có thể đảm bảo thi thể cậu tạm thời không bị thối rữa, lại tiện cho người thân họ hàng đến phúng viếng.
Ngày hôm sau, bạn bè và học trò thân thiết của cậu hay tin đều lần lượt đến tiễn đưa. Mặc dù chúng tôi đã dặn đi dặn lại bọn họ đừng báo tin cho ai, nhưng một truyền mười, mười truyền trăm, người đến viếng càng lúc càng đông, mọi người trong dòng họ chỉ còn biết tất cả cùng xung trận, quay cuồng với chuyện tiếp đón và nhập liệm.
Tiễn bố lên xe taxi, tôi quay trở lại sân tìm La Viễn Chinh, định bàn với chồng việc hỏa táng cậu vào ngày mai. Bỗng nhiên, có tiếng va chạm chát chúa phía ngoài cửa, tiếp đó là tiếng người hét thất thanh:
- Đâm xe rồi! Đâm xe rồi!
Nghe thấy tiếng hét, mọi người đổ xô ra ngoài để xem, tôi cũng vội vàng lao theo. Trước mắt tôi là chiếc xe bán tải hiệu Great Wall và chiếc xe cá mập hiệu Jinbei đấu đầu nhau ngay phía bên kia đường. Chiếc xe cá mập bẹp dúm, đầu bị lõm sâu vào trong, rụng cả ba-đờ-sốc. Tài xế người bê bết máu, gục đầu trên vô-lăng bất tỉnh.
Với bản năng của một cảnh sát hình sự, tôi lập tức lách qua đám người đi về phía đầu xe, thò tay vào trong cầm cổ tay của nạn nhân bắt mạch. Mạch tuy yếu ớt nhưng chắc chắn vẫn có thể cứu được.
Do cửa xe bị biến dạng nghiêm trọng sau vụ va chạm, nạn nhân không thể tự chui ra được, tôi liền bấm số 120 gọi cảnh sát cơ động. Chỗ này rất gần bệnh viện trung tâm thành phố Cẩm Châu, hi vọng xe cấp cứu sẽ nhanh chóng có mặt.
Tôi cất điện thoại, đưa mắt nhìn lại hiện trường, phát hiện thấy chiếc xe cá mập đi đúng chiều, còn chiếc bán tải kia không hiểu sao lại lấn đường sâu như thế. Trên mặt đường vương vãi đầy những mảnh đèn xe vỡ, đủ thấy hai xe va chạm mạnh cỡ nào.
Lúc này, tài xế của chiếc bán tải gắng sức đẩy cửa xe, lảo đảo bước xuống, liếc quanh rồi tranh thủ lúc đám đông nhốn nháo định chuồn đi.
Tôi bực quá, vội bước nhanh lên phía trước, túm lấy tay hắn quát lớn:
- Chạy đi đâu, không biết mình vừa gây tai nạn sao?
Gã tài xế bán tải quay lại liếc xéo tôi một cái. Đó là một người đàn ông trung niên trạc bốn mươi tuổi, trông rất bình thường, tuy trán bị bầm tím nhưng hắn không hề tỏ ra chút gì là hoảng sợ về việc gây tai nạn. Hắn khẽ rít bên tai tôi:
- Mẹ kiếp, đừng xía vô chuyện người khác.
Nói rồi hắn vung mạnh tay định xô tôi. Tôi một tay túm chặt lấy hắn, một tay rút thẻ cảnh sát ra chìa trước mặt hắn:
- Thấy gì không? Cảnh sát đây! Trước khi cảnh sát giao thông đến, anh hãy ngoan ngoãn đợi ở đây cho tôi.
Nghe tôi nói vậy, hắn ta không dám ho he gì nữa, chỉ đứng yên một chỗ, lạnh lùng nhìn tôi.
Đúng lúc này, đám đông xung quanh bỗng nhao lên, có tiếng hét lớn:
- Cẩn thận! Có xe…
Tôi quay đầu lại, chỉ kịp thấy hai chùm sáng chói mắt đang chiếu thẳng về phía tôi. Thấy đám đông ầm ĩ hò nhau tránh xa, theo phản xạ tôi cũng vội buông tay, nhảy lùi vài bước về phía bên mép đường, gã tài xế xe bán tải nhân cơ hội ấy vùng chạy mất về hướng đối diện.
“Ke… e… ét!”. Sau tiếng phanh xe rợn người, một chiếc Honda Accord dừng ngay giữa đường, đầu xe suýt chút nữa đâm sầm vào đuôi xe cá mập. Tiếp đó cửa xe bật mở, một nam thanh niên mặt đỏ phừng phừng, người đầy mùi rượu lảo đảo chui ra.
Anh ta tái mặt nhìn mọi người, hai tay cứ thế vò xoắn lấy nhau, lắp bắp nói:
- Tôi… tôi… việc này… việc này… - Anh ta nói mãi không được một câu hoàn chỉnh, đúng là tên bợm rượu.
Sau vụ tai nạn, những người còn chưa hoàn hồn lại vây lại, tranh nhau mắng mỏ, chỉ trích anh chàng nọ. Anh ta chỉ biết cúi đầu xin lỗi mọi người, sau đó vội vàng lái xe đi mất.
Lúc này tôi mới định thần lại, vội nhìn quanh quất một vòng, tay lái xe bán tải đã chạy mất tăm mất tích từ lúc nào. Tuy nhiên chiếc xe vẫn còn ở lại hiện trường, chắc chắn tra biển số là có thể bắt được hắn.
Ít phút sau, xe cứu thương của bệnh viện trung tâm thành phố và đội cảnh sát tuần tra đã tới, bắt đầu công tác cứu hộ và khám nghiệm hiện trường.
Tôi khoanh tay đứng bên cạnh quan sát một lúc, nhận thấy tài xế chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, liền quay trở về chỗ sân đặt linh cữu cậu.
Trong những ngày tổ chức tang lễ, người nhà phải ngày đêm bên cạnh thi thể để thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, bởi theo quan niệm truyền thống làm như vậy người đã khuất sẽ yên lòng ra đi trong mùi hương ấm áp. Tôi cúi nhìn đồng hồ, đoán chừng cũng sắp đến giờ liền bước vào gian đặt linh cữu, chuẩn bị thắp nén hương mới cho cậu.
Gian đặt linh cữu cậu ở góc cuối sân, nhỏ bé tồi tàn, chỉ khoảng tám chín mét vuông, bốn bức tường đã có chỗ ố vàng, trên trần treo một bóng đèn tiết kiệm điện bên ngoài đầy mảng bám, ánh sáng mù mờ ảm đạm. Do lót băng phía dưới nên không khí hết sức lạnh lẽo, vừa có tiếng u u của máy nén khí, lại nồng nặc một mùi gì đó thật khó tả.
Tôi nhổ chân hương cũ, châm nén hương mới cẩn thận cắm vào bát hương, sau đó ngồi lên chiếc trường kỷ bên cạnh, lặng nhìn tấm rèm trắng treo chính giữa bậc đặt linh cữu, lòng xót xa vô hạn.
Ngồi một lúc lâu, tôi nhướn người lên phía trước để thay đổi tư thế ngồi cho dễ chịu, bất chợt nhìn xuống phía dưới chân, phát hiện thấy phía dưới tấm rèm trắng nhô nhô ra cái gì đó.
Thấy lạ, tôi liền khom lưng kéo lấy tấm rèm, cảnh tượng trước mắt khiến tôi giật thót mình – chiếc nắp quan tài bằng kính rất lớn đã bị cậy ra chỏng chơ dưới đất, tấm vải liệm trắng bọc thi hài bị giật ra vứt sang một bên. Cậu tôi mình trần, nằm nghiêng trên bậc đặt quan tài, sau lưng có vết thương to chừng miệng bát đang rỉ máu đỏ sẫm, lộ rõ trên vùng da trắng bệch dị thường.
Đầu tôi “u” lên một tiếng, trước mắt tối sầm, suýt chút nữa ngã xuống đất. Theo phản xạ tự nhiên, tôi vừa định thét gọi mọi người, nhưng rồi lại ngay lập tức lấy tay bịt chặt lấy miệng.
Tôi tự dặn mình không được kêu lên, tuyệt đối không được kêu lên. Nếu để mọi người biết thi thể cậu còn bị hành hạ ra nông nỗi này, các ông bà trong họ, nhất là mẹ tôi chắc sẽ không chịu nổi cú sốc này mất. Nhỡ đâu lại thêm một đám tang khác nữa, thì coi như họ Tiêu chúng tôi gặp đại nạn.
Tôi cắn chặt răng, nuốt đau buồn và căm phẫn vào lòng, hít sâu vài hơi rồi lập tức quay người đóng cửa phòng. Sau khi đã định thần lại được đôi chút, hai tay vịn vào bậc đặt linh cữu, tôi cúi xuống quan sát vết thương sau lưng cậu.
Vết thương khá tròn trịa, đường kính khoảng chừng bảy tám cen-ti-mét, nằm chính giữa hai bả vai. Nhìn hình dáng của vết thương có thể đoán định được đó là một vết cắt khá ngọt, xung quanh miệng vết thương là những mảnh da bị gập vào trong, chắc chắn là do vật gì đó sắc nhọn gây ra. Tuy nhiên, vết thương không sâu, chỉ lóc đi lớp da mỏng phía ngoài.
Tôi chau mày, lấy tay chấm vào vết máu, vân vê đầu ngón tay. Theo lý thuyết, con người sau khi chết tim sẽ lập tức ngừng đập, lượng ô-xi trong máu nhanh chóng giảm, tiểu cầu kết lại với nhau thành những hạt dấp dính màu đỏ sẫm. Nhìn vào trạng thái của vết máu và cảm giác khi tiếp xúc, theo kinh nghiệm của tôi, có lẽ vết cắt này được thực hiện vào thời điểm chúng tôi chạy ra xem tai nạn vừa nãy.
Tôi quay đầu nhìn chiếc quan tài bằng kính bên cạnh, rút chiếc khăn mùi xoa phủ lên rồi đẩy mạnh, không hề nhúc nhích, chắc nó cũng phải nặng cỡ một trăm ki-lô-gam, một nam thanh niên khỏe mạnh cũng khó mà dịch chuyển được, ít nhất phải cần đến hai người hợp sức lại.
Nghĩ đến đây, tôi chợt giật mình lùi lại một bước, tránh làm xáo trộn hiện trường.
Kéo nhẹ tấm rèm trắng lại vị trí cũ, lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi tự trấn an bản thân, làm ra vẻ không có chuyện gì xảy ra, cúi đầu lẳng lặng bước ra khỏi phòng.
Tôi đi tìm La Viễn Chinh, kiếm cớ kéo chồng đến một chỗ không người, ghé sát tai anh thuật lại chuyện thi hài cậu bị tổn thương. La Viễn Chinh nghe xong toàn thân run lên, kinh hãi nhìn tôi hỏi:
- Cái gì… cậu bị…
Tôi vội huých chồng một cái để anh nói nhỏ đi, chuyện này tuyệt đối không được để người khác nghe thấy, nhất là những ông bà già trong họ. Nếu chuyện này lọt ra ngoài, chắc chắn sẽ khiến mọi người vô cùng đau khổ và căm phẫn, lúc đó hậu quả sẽ khó lường.
La Viễn Chinh hiểu ý ngậm miệng lại, nhìn quanh quất sang hai bên, rồi quay lại hỏi nhỏ tôi:
-Vậy bây giờ phải làm sao?
Với những việc hết sức nghiêm trọng như thế này, nhất thiết cần tìm người điều tra mới được, vì thế tôi nói với anh:
- Chỗ này cũng gần đồn công an Cổ Tháp, em sẽ đến đó mời mấy anh trong đội cảnh sát hình sự đến xem thế nào, anh giấu được chừng nào thì cố giấu mọi người nhé.
La Viễn Chinh rối rít gật đầu:
- Được, được, em mau đi liên hệ đi, anh sẽ trông coi mọi việc.
Tiếp đó, tôi dặn La Viễn Chinh ngồi trong phòng trông coi quan tài, tuyệt đối không được rời nửa bước, không cho bất cứ ai kéo tấm rèm trắng ra vì bất cứ lý do gì, mọi việc đợi tôi về tính tiếp.
Tôi bước nhanh ra khỏi sân, tìm một góc yên tĩnh gọi điện cho đội trưởng đội hình sự công an Cổ Tháp – Phùng Siêu, nhờ anh ta nhanh chóng phái người đến, nhưng phải mặc thường phục và đem theo một số dụng cụ khám nghiệm cơ bản. Nghĩ một lúc, tôi thấy hơi ngần ngại vì lần này tìm anh lại là vì việc riêng chứ không phải việc công.
Phùng Siêu là bạn cùng trường cảnh sát với tôi, hồi còn học từng theo đuổi tôi, chúng tôi yêu nhau một thời gian, tuy sau đó vì rất nhiều lý do mà đã chia tay nhau nhưng quan hệ vẫn rất tốt. Nhất là vì chúng tôi đều là cảnh sát hình sự, nhiều lúc sẽ phải gặp gỡ nhau vì công việc.
Hôm đó vừa đúng ca Phùng Siêu trực đêm, anh vui vẻ nhận lời, lại còn hỏi tôi rốt cuộc xảy ra chuyện gì mà thần bí như vậy, không giống tác phong nói thẳng nói thật hàng ngày của tôi.
Tôi gượng cười đau khổ, nói:
- Anh đừng hỏi nữa, cứ đến rồi sẽ biết ngay. Nhớ là trước khi đến phải gọi điện cho em.