Thiên Kiếm Tuyệt Ðao
Chương 27: Đôi bạn tri kỷ
- Thanh Kim đao của vị Chính Nghĩa lão nhân ấy để lại, vì sao gọi là Chính nghĩa chi đao? Thanh đao được luyện bằng thép ròng, mà cũng không thấy gì là sắc bén, như nếu luận riêng về võ công, có giữ lại thanh đao ấy cũng chẳng lợi ích. Tuy nhiên, lão hủ có cảm tưởng là bên trong hẳn còn có sự bí mật.
Cao Quang khẽ cau mày nói :
- Chẳng lẽ cứ đọc sách là có thể hiểu được sao?
- Người chúng ta đang tìm gặp là một nhân vật học thức uyên thâm. Cứ riêng võ công, tuy không dám nói đến hai chữ cao cường nhưng quyết cũng chẳng dưới lão hủ.
Ngừng lại, lão đằng hắng tiếp lời :
- Nói về học thức, dường như sách vở trong thiên hạ, không có cuốn nào y chưa đọc qua, cho nên mỗi lần gặp y, lão hủ ngồi nghe y diễn thuyết không cũng mất hằng mấy ngày trời.
Hoàng Vĩnh hiếu kỳ xen vào nói :
- Người ấy nói chuyện gì với lão tiền bối?
- Thôi thì đủ cả, lão hủ hỏi đến đâu, y trả lời tới đấy. Nào là bói toán, y đạo, địa lý, thiên văn, không một môn gì mà y không thấu hiểu.
Cao Quang như thể chưa tin, nghĩ bụng :
- “Nếu đọc sách có lợi dường ấy, ai mà chả năng đọc”.
Là người thẳng tánh, nghĩ sao nói vậy nên chàng liền lên tiếng :
- Chúng ta gặp được người ấy, như thật có thể làm cho Cao mỗ chịu phục, mỗ nguyện sẽ vái lão tiền bối ba vái sát đất.
Vạn Lương mỉm cười nói :
- Khỏi cần đánh cuộc, tiểu huynh đệ chắc chắn sẽ thua.
Dọc đường, mấy người vừa đi vừa luận chuyện giang hồ, tối nghỉ ngày lại lên đường. Suốt quãng lộ trình không gặp một trở ngại nào.
Hôm ấy, trời vừa đúng ngọ, bọn người Thiếu Bạch đã đến dưới chân một dãy núi cao ngất. Vạn Lương dừng bước thở phào một hơi nói :
- Đến rồi, chúng ta nghỉ mệt một lát rồi sẽ đi gặp y.
Cao Quang ngước mắt nhìn ngọn núi cao chót vót hỏi :
- Vị tiền bối ấy ở mãi trên đỉnh núi à?
Vạn Lương khẽ lắc đầu :
- Không, y ẩn cư dưới chân núi.
- Vãn bối nghĩ, chúng ta khỏi cần nghỉ ngơi, vì đường chẳng còn xa, tại sao ta không đợi đến nhà lão tiền bối ấy hẵng nghỉ?
Đứng bên, Hoàng Vĩnh hơi bực, xen vào :
- Cao hiền đệ, Vạn lão tiền bối là người già cả, dù có nói khác ý hiền đệ cũng phải lắng nghe, để tránh điều thất kính.
Suốt mấy ngày nay, được nghe Vạn Lương không ngớt lời ca tụng người ấy bản lãnh cao cường, học thức uyên bác, Thiếu Bạch và Hoàng Vĩnh không khỏi sinh lòng kính nể. Cho nên sợ là Cao Quang ăn nói bừa bãi, làm mích lòng người, mới căn dặn chàng trước.
Cao Quang cụt hứng, khẽ thở dài :
- Phải, đệ sẽ không bói nhiều nữa.
Bốn người nghỉ hồi lâu, lại đứng dậy lên đường. Vạn Lương đi trước, bước theo một lối nhỏ ngoằn ngoèo như ruột đê. Qua một mỏm núi gồ ghề, trước mặt bốn người bỗng hiện ra một cái ao.
Hai con bạch nga đang thả tầu trong cao, vừa thấy bóng người lạ hốt nghểnh cổ ré dài mấy tiếng rồi vỗ cánh bay vào bờ ao, hướng thẳng về căn nhà tranh trước mặt.
Vạn Lương dừng bước dõi mắt theo bóng hai con bạch nga, sẽ lẩm bẩm :
- Đôi vịt trắng này, cũng có đến hơn ba mươi năm rồi.
Đưa tay phủi qua lớp bụi trên người, lão mới cất bước đi về ngôi nhà. Thiếu Bạch cũng sẽ rủ lớp bụi trên áo, chạy theo sát Vạn Lương.
Căn nhà tranh nằm trơ vơ giữa chốn sơn dã, được những bụi cỏ gai cây dại cao ngút đầu người bọc kín chung quanh. Trông xa như một vòng rào kiên cố. Và nhìn cái cảnh hoang vu ấy, ai cũng nghỉ đó là nhà của người tiều phu hay bác nông gia chứ không có cái vẻ thanh cao của một vị cao nhân ẩn sĩ.
Đến gần ngôi nhà chỉ thấy hai cánh cửa đóng chặt, còn đôi bạch nga ban nãy không hiểu đã chạy đi đâu mất dạng. Vạn Lương khoát tay ra hiệu cho bọn Thiếu Bạch dừng lại, khẽ giọng bảo :
- Ba vị tạm ở đây đợi giây lát, để lão hủ vào gõ cửa.
Không đợi câu trả lời, lão đã xăm xăm tiến tới trước nhà, đưa tay đập vào cánh cửa. Thật lạ, bọn Thiếu Bạch nghe thấy lão gõ, lúc chậm, lúc nhanh, như theo một ám hiệu nhất định, chừng đủ vài chục tiếng, lão mới dừng tay.
Cao Quang đứng quan sát tình thế bốn bề giây lâu, lòng thắc mắc :
- Có lý đâu đây lại là nơi ẩn dật của cao...
Nghĩ chưa dứt, từ trong căn nhà hốt vọng ra một giọng nói thật trong trẻo :
- Ai đấy?
Vạn Lương giật nẩy mình, như thể trong nhà lại có đàn bà. Giây lâu lão mới đánh tiếng :
- Tại hạ Vạn Lương.
Giọng nói êm ái trong căn nhà lại đưa ra :
- Vạn tiên sinh có điều chi chỉ giáo?
Hoàng Vĩnh sửng sốt nghĩ bụng :
- “Ai dè giữa nơi thâm sơn quạnh quẽ này lại có được giọng nói đàn bà thanh tao đến thế”.
Vạn Lương, người đã bao năm bôn tẩu giang hồ, cũng bị quyến rũ bởi cái giọng êm như tơ, đầy ma lực ấy. Lão ngây người hồi lâu, mới chậm rãi nói :
- Tại hạ có chuyện muốn gặp Phạm huynh, dám mong cô nương thông báo hộ một tiếng.
Chỉ nghe bên trong vẳng ra tiếng thở dài não ruột :
- Đáng tiếc Vạn tiên sinh đến đã quá muộn, gia sư qua đời lâu lắm rồi.
Từng tiếng truyền ra như những nhát dao đâm mạnh vào lòng Vạn Lương, khiến cho lão bàng hoàng, ngơ ngẩn đứng thừ người như kẻ mất hồn.
Dường như đợi lâu không thấy tiếng đáp lại, giọng trong nhà lại vọng ra :
- Nhà tranh thô lậu, chẳng dám giữ khách, mong Vạn tiên sinh thứ cho!
Vạn Lương trầm ngâm nói :
- Xin hỏi, cô nương vái làm môn hạ của Phạm huynh hồi nào vậy?
Trong nhà im bặt giây lâu mới có tiếng đáp :
- Kể đã nhiều năm rồi, có điều Vạn lão tiền bối chắc chưa tin?
Vạn Lương khẽ thở dài :
- Không phải tại hạ đa nghi, nhưng vì tại hạ không hề được nghe Phạm huynh nói đến việc có thu đệ tử, cho nên mới hơi ngờ ngờ.
- Vãn lão tiền bối chưa nghe gia sư nói đến chuyện thu đồ, nhưng chúng tôi thì vẫn được nghe người nhắc về lão tiền bối luôn.
- Không ngờ Phạm huynh vẫn còn nhớ đến người bạn già này.
Người trong nhà bỗng thở dài như cảm khái :
- Nếu như không được gia sư cho biết về Vạn lão tiền bối, vãn bối thật cũng chẳng dám nói nhiều thế.
Vạn Lương khẽ cau mày nghĩ bụng :
- “Khéo lắm, nói thì thật khách khí, mà cửa vẫn không chịu mở...”
Khi ấy, bọn Thiếu Bạch đứng cách đấy chỉ chừng sáu bảy thước, nên nghe hai người nói chuyện rất rõ ràng. Cao Quang chừng như sốt ruột, bàn với Thiếu Bạch :
- Hai cánh cửa gỗ ấy, xem cũng chẳng được chắc lắm, chỉ cần dùng ít sức là có thể mở toang ngay.
Thiếu Bạch mỉm cười, can em :
- Vạn lão tiền bối không chịu làm ngang thế, tất cũng phải có lý của người, còn chúng ta cứ yên lặng là hơn.
Vạn Lương khẽ đằng hắng, đánh tiếng :
- Cô nương đã biết rõ tại hạ là bạn cố tri của lịnh sư, sao không mở cửa đón tiếp, và cũng để tại hạ vái trước vong linh người quá cố vài lạy.
Trong nhà im lặng giây lâu mới có tiếng vọng ra :
- Thế thì xin thỉnh lão tiền bối!
Vạn Lương đưa tay khẽ đẩy, cánh cửa liền bật tung, ra là nó chỉ được khép hờ. Ngẩng đầu nhìn lên, ông thấy một thiếu nữ vận áo xanh đang ngồi quay mặt vào tường. Trên vách có treo bức truyền thần của Phạm Trung Minh, và bên trong lư hương trước thần vị người quá cố còn có một nén nhang đang cháy dở, tỏa khói thơm ngào ngạt khắp căn nhà.
Vạn Lương đưa mắt nhìn cái bóng mảnh mai của thiếu nữ áo xanh giây lâu nghĩ bụng :
- “Cứ xem phía sau, cũng đoán được là một giai nhân tuyệt sắc, huống là nhìn trước mặt, hẳn phải...”
Nghĩ chưa dứt, giọng nói của thiếu nữ hốt thánh thót vang lên :
- Vạn lão tiền bối đã thấy thần vị trên vách?
- Tại hạ thấy rồi.
- Tốt lắm, vãn bối xin đáp lễ đây!
Lời nói có ý giục Vạn Lương mau đi vái. Vạn Lương chột dạ nghĩ bụng :
- “Phạm huynh ta tinh thông y lý, đâu có thể chết một cách dễ dàng. Hơn nữa, thiếu nữ này lạ lắm, hẳn phải có liên quan gì đến cái chết của Phạm huynh”.
Lòng sanh ngờ, lão sẽ cất tiếng khấn :
- Phạm huynh vong hồn có linh, nếu như có chết oan chết ức, hãy báo điềm cho đệ...
Thanh y nữ thốt đánh tiếng :
- Gia sư lo nghĩ quá độ mà mất, thật không dám làm phiền lão tiền bối quan hoài.
Thì ra, thanh y nữ là người thông minh, vừa nghe Vạn Lương khấn vậy, đã biết lão có ý ngờ nên mới cất tiếng thanh minh.
Vạn Lương nhìn nhanh bức thần vị trên vách tiếp lời :
- Phạm huynh ôi! Phạm huynh, không phải đệ đa nghi, chứ huynh tài cao trí rộng, lại rành nghề y đạo. Đừng nói huynh xưa nay vẫn mạnh, không thể mang bệnh, mà dù cho có bệnh, cũng tự chữa khỏi ngay, lẽ nào đến nỗi phải vội lìa đời?
Lão không tiện nói thẳng với thiếu nữ, chỉ phân trần cùng thần vị của Phạm Minh. Thanh y nữ lại khẽ thở dài :
- Gia sư thật lo nghĩ quá độ mà mất, lão tiền bối như nếu không tin vãn bối đành xin chịu.
Thấy đối phương đã nói ngay mặt, Vạn Lương không thể thoái thác, bèn đằng hắng mở lời :
- Trước khi chưa rõ chân tướng, tại hạ cũng chưa dám quyết chắc.
Thanh y nữ thở dài, giọng rầu rĩ :
- Gia sư lúc lâm chung có dặn vãn bối, người nói, sau khi lão tiền bối đến đây, thể nào cũng sanh nghi với cái chết của gia sư.
Vạn Lương cao giọng :
- Sanh nghi thật đấy, rồi sao?
- Gia sư bảo cứ mặc cho lão tiền bối khảo nghiệm.
Vạn Lương ra chiều đắn đo :
- Lão hủ ta luận được việc sau như vậy, không có gì đáng lạ, chỉ ngại con bé này nói có thật hay không? Khó mà đoán biết được?
Nghĩ thế, lão đành đánh tiếng :
- Trước hết, tại hạ muốn được đến nơi mai táng của Phạm huynh, để coi qua mộ phần.
Thanh y nữ đáp nhanh :
- Phải lắm!
Tuy nói chuyện đã lâu mà nàng vẫn ngồi quay mặt vào tường, trước sau không hề ngoảng nhìn Vạn Lương, ngay cả cái liếc mắt. Điều ấy càng khiến Vạn Lương thêm ngờ vực. Lão nói :
- Dám phiền cô nương dẫn đường.
- Vạn lão tiền bối còn có việc chi xin dặn bảo luôn thể, để sau khi xem qua mộ phần của gia sư, khỏi phải trở lại nữa!
Tuy nói lời đuổi khách, giọng điệu nàng vẫn êm dịu, hòa nhã. Vạn Lương nghe qua biến sắc lắc đầu quầy quậy :
- Cái đó, lão hủ thật khó chìu ý cô nương.
Thanh y nữ buồn bã thở dài :
- Ôi! Gia sư nói không sai, lão tiền bối đa nghi thật!
- Cái chết của Phạm huynh là việc lớn, lão hủ quyết tra rõ chân tướng.
Thanh y nữ lẳng lặng cao giọng :
- Muội muội, hãy dẫn Vạn lão tiền bối đi xem qua mộ phần của gia sư.
Dứt lời, hốt thấy bức rèm mé tây sẽ rung động, một thiếu nữ vận áo xanh thong thả bước ra. Vạn Lương thoáng thấy, bất giác giật mình sửng sốt.
Thì ra thiếu nữ này, từ cách ăn vận cho đến vóc dáng đều giống thiếu nữ ngồi diện bích như đúc. Nàng, đôi mày liễu đen dài, khóe mắt long lanh như làn sóng gợn, môi đào mũi cao, dung nhan mỹ lệ, tựa như người trong tranh.
Chỉ thấy nàng nhẹ gót sen đến bên thanh nữ ngồi diện bích, thì thầm to nhỏ mấy câu rồi quay người bỏ ra ngoài.
Vạn Lương lấy làm lạ, nghĩ bụng :
- “Con bé này nếu là người dẫn ta đi viếng mộ Phạm huynh, tại sao có miệng mà chẳng gọi dùm một tiếng?”
Lòng đang kinh nghi, hốt nghe thanh y nữ ngồi diện bích nói :
- Đứa em của tiện nữ vốn không thích nói nhiều, xin lão tiền bối cứ đi theo nó, đừng nên thắc mắc hỏi gì là hơn.
- Nếu như ở trước mộ, lão hủ phát giác có sự vật khả nghi, muốn hỏi lịnh muội vài câu cũng không được sao?
Thanh y nữ trầm ngâm giây lâu nói :
- Tốt nhất là lão tiền bối đừng nói gì với nó, khi thấy có việc khả nghi tiền bối đừng nên để bụng!
- Sao có chuyện lạ như vậy?
Nhưng thiếu nữ ấy đã đi khỏi căn nhà khá xa nên lão đành phải cất bước chạy theo.
Bấy giờ, bọn Thiếu Bạch đứng ở mãi ngoài, mắt thấy một thiếu nữ áo xanh dung nhan diễm lệ đang rảo bước ra khỏi nhà, mà không thấy bóng Vạn Lương đều lấy làm lạ. Những chực rũ nhau vào xem thì đã thấy lão tất tả chạy ra.
Thiếu Bạch lo ngại vội hỏi :
- Lão tiền bối, chạy đi đâu mà gấp thế, nói cho vãn bối biết vị cô nương ấy là ai?
Vạn Lương khẽ giọng đáp nhanh :
- Bọn họ là đệ tử người bạn già của ta, giờ này, lão hủ phải viếng mộ y một chuyến.
Thiếu Bạch à một tiếng, hốt trở nên lưỡng lự :
- Bọn vãn bối đợi ở nơi đây, hay đi cùng với lão tiền bối?
- Chúng ta thử cùng đi coi...
Ngừng lại như sực nhớ ra điều gì, lão dặn :
- Có điều vị cô nương ấy vốn không thích nói nhiều, nên tốt hơn chư vị đừng hỏi gì y thị.
Dứt lời lão cất bước đi trước. Bọn Thiếu Bạch nối gót theo sau. Thanh y thiếu nữ dẫn đầu đi được chừng bốn năm dặm đường, tiến vào một sơn cốc u tĩnh.
Nói cho đúng, đấy chỉ là một cái tử cốc, vì trước mặt là một dãy núi cao chót vót, hai bên đều là vách núi cao ngất, trơn bóng như mỡ.
Vạn Lương đảo mắt nhìn quanh quất, nhưng không thấy ngôi mộ nào cả, lòng kinh nghi nghĩ bụng :
- “Con a đầu này gạt bọn ta đến đây, hẳn là có âm mưu gì chắc?”
Đang suy nghĩ, hốt thấy thanh y nữ ấy đi thẳng về một tảng đá thật lớn dưới chân ngọn cao phong. Vạn Lương tuy rất ngờ vực, muốn hỏi cho rõ lẽ nhưng nhớ lại đã trót căn dặn bọn Thiếu Bạch không nên nói chuyện với nàng, bây giờ nếu mình lại đi hỏi trước tiên tất sẽ làm trò cười cho bọn họ. Vì vậy, lão đành lẳng lặng theo sát thanh y nữ và lão định bụng, nếu đối phương có hành động khác lạ, sẽ lập tức xuất thủ chế ngự ngay.
Chỉ thấy thanh y nữ đi tới trước tảng đá ấy, hốt chuyển hướng rẽ ra phía sau. Vạn Lương theo đến thấy trước mặt mờ mờ hiện ra một thạch động ăn sâu vào vách đá, bên trong thấp thoáng có một bàn tay ngọc đang vẫy vẫy.
Lão đắn đo suy nghĩ :
- “Không vào hổ huyệt sao bắt được cọp con. Dù cho có bề nào, ta cũng quyết liều một phen”.
Tiến vào gian thạch động chừng bằng hai căn phòng, được quét dọn thật sạch sẽ. Lúc ấy thanh y nữ sớm đã quỳ sụp trước một cỗ quan tài. Và trên mỗi má đào, long lanh chảy dài hai giòng lệ. Nàng đã lặng lẽ khóc thầm.
Vạn Lương nhác thấy cỗ quan tài, cũng bàng hoàng, xót dạ. Lão chạy nhanh đến bên quan tài ấy, ôm đầu òa khóc như một đứa bé.
Hồi lâu, lão mới thôi khóc, lẩm bẩm nói :
- Phạm huynh! Phạm huynh tài trí tuyệt vời, lại rời khỏi cõi đời một cách lặng lẽ thế ấy còn gì là bi thảm xót xa hơn. Đệ không được thấy mặt huynh lúc sanh tiền, chẳng lẽ không thể nhìn qua di dung của huynh khi khuất bóng nữa sao?
Nói một mình, nhưng rõ ràng lão có ý cốt để cho thanh y nữ ấy nghe được. Vì tuy đã thấy quan tài đá, lão vẫn còn hoài người, muốn được mở ra xem lại.
Chỉ thấy thanh y nữ thốt đưa tay lau nước mắt, ngẩng đầu lên nhìn Vạn Lương, ánh mắt chớp nhanh những tia sáng lạ kỳ, muốn nói lại thôi. Giây lâu nàng lùi lại hai bước thật chậm. Vạn Lương nhanh như chớp thò hai tay nắm lấy nắp quan tài, giở mạnh lên.
Liền đó, sau một tiếng “cạch” khô khan, cái nắp quan tài bằng đá đã bị nhấc bổng lên. Và một luồng khói trắng từ trong quan tài ngùn ngụt bốc ra, thoang thoảng một mùi hương nhàn nhạt.
Vạn Lương đưa mắt nhìn lại, thấy thanh y nữ đã quì sụp dưới quan tài, hai tay ôm lấy mặt, bờ vai rung lên từng hồi. Hiển nhiên nàng đang khóc, có điều chỉ sụt sùi tủi hận mà không bật thành tiếng.
Màu khói trắng nhạt dần. Trong quan tài hiện ra một trung niên gầy, mình vận trường bào màu lam, yên lành nằm ngước mắt nhìn.
Vạn Lương coi kỹ, nhận thấy người bạn già ấy có khi gầy một tí, còn vẫn giống y cái lần gặp mắt cách đây đã mấy mươi năm. Không những thi thể chưa rữa, mà ngay mặt mũi, diện mạo vẫn còn tươi tỉnh, trẻ trung như lúc sống.
Là người đã nhiều năm bôn tẩu giang hồ, lão hiểu có lẽ nhờ đám khói trắng kia mà cái thi thể trong quan tài mới không bị rữa nát theo thời gian. Nên chi vừa thấy màn khói ấy tản mát dần, lão đâm hoảng, chực buông nắp quan tài xuống, hốt liếc thấy dưới đầu nằm của trung niên mờ mờ có một mảnh giấy trắng.
Vạn Lương giật mình như sực nhớ ra :
- Phạm huynh là người tài trí, hẳn đây phải là một sự sắp đặt sẵn, vì hai thiếu nữ ấy lúc đặt thi thể vẫn chưa nhìn thấy mà vô tình ta làm rung nắp quan tài, góc giấy mới tuột ra. Vậy thì biết đâu trong mãnh giấy này, Phạm huynh lại không thể nói về nguyên nhân cái chết của mình, chưa chừng còn chỉ rõ hung phạm là ai nữa?
Nghĩ thế, lão thò tay chụp nhanh mảnh giấy, cất kín vào người, rồi mới từ từ đóng nắp quan lại. Thanh y nữ vẫn ôm đầu quì trước quan tài, nhưng bọn Thiếu Bạch thì nhìn thấy rõ Vạn Lương chụp được mảnh giấy ấy rồi không kịp xem thử bên trong nói gì, đã lùi thật nhanh lại phía sau. Và lão dùng thuật truyền âm, nói ngầm với bọn Thiếu Bạch :
- Ba vị hãy canh chừng vị cô nương.
Rồi lão chạy nhanh ra ngoài. Thiếu Bạch hiểu ý, sẽ kéo áo hai em. Ba người đứng thành hình bán nguyệt âm thầm vây lấy thanh y thiếu nữ.
Vạn Lương lùi khỏi gian thạch động mới đem tấm giấy ra xem. Đấy là một phong thư niêm kín. Ở miệng phong bì trắng tinh, chứng tỏ chưa có người mở. Ngoài bì thư vỏn vẹn có năm chữ “Gửi riêng Vạn Lương huynh”.
Thấy vậy lão đâm chột dạ :
- Thì ra, Phạm huynh trước khi mất đã đoán biết sau này qua đời rồi thể nào ta cũng tìm đến và lại còn phải mở nắp quan tài nên mới để lại bức thư này.
Lão liền xé xem, thấy thư ghi bằng nét chữ đã nhạt màu :
- Thư này đến tay huynh thì đệ đã mất được vài năm rồi. Huynh ngàn dặm tới đây chịu tang đệ đúng vào lúc mà sát kiếp giang hồ bắt đầu...
Đọc được hai dòng, Vạn Lương rất kinh dị, luôn chặt lưỡi :
- Phạm huynh qua đời đã lâu, mà lại đoán chuyện xảy ra không sai mảy may.
Lặng cảm khái, ông coi tiếp :
- Hàn xá vẫn vậy, cảnh vật vẫn vậy, hẳn là đối với cái chết đột ngột của đệ huynh phải hoài nghi lắm, nhưng...
Vạn Lương cảm thấy hơi ngượng :
- Thể chất của đệ vốn chỉ có hạn, không thể luyện được võ công thượng thừa nên đệ mới chuyển sang cái học về Ngũ hành, bói toán và cũng nhờ ở tầm học thức uyên bác ấy, đệ hiểu là bể học mênh mông, khó có thể mà mở rộng hơn. Cho nên đệ đã tự đóng cửa, tự tuyệt cùng bè bạn tới thăm hầu mong cầu tiến. Nhưng bất ngờ, lúc đệ đang đi dần về cõi hóa cảnh bỗng cảm thấy lòng phập phồng như có điềm lạ.
Lão như thế đã hiểu :
- Ra là Phạm huynh vì đọc sách quá mà chết.
Xem lần xuống dưới :
- Đang khi hoang mang ấy, hốt có một nông gia đến cho đệ hai đứa bé, chúng là chị em sinh đôi, đều thông minh lạ thường, nên đệ đã nhận y bát đệ tử. Có điều trời xanh ghen phận má hồng, nên thật tiếc là chúng cái gì cũng toàn vẹn, nhưng lại là thiên sinh tàn khuyết. Chị mù em câm.
Vạn Lương hốt tỉnh ngộ :
- Thì ra thế, thiếu nữ ngồi diện bích trong nhà tranh ấy, hẳn phải là người chị vì cùng ta nói chuyện rất lâu, trước sau nàng vẫn không chịu ngoảnh mặt lại, còn thiếu nữ dẫn đường này tất là người em rồi.
Nghĩ vậy, lão tiếc rẻ ra mặt :
- Thật đáng tiếc, tuy ta chưa được thấy dung nhan nàng mù, nhưng cứ với vóc dáng và giọng nói êm ái thế đấy thì phải là một trang giai nhân tuyệt thế. Cùng về sắc của người em, cũng đáng là một trang quốc sắc, không nhường gì chị, chỉ tiếc đôi môi anh đào ấy lại không thể buông ra tiếng ngọc mà thôi.
Than tiếc mãi, lão mới đọc tiếp trang giấy :
- “Từ khi thâu dưỡng hai con bé, hôm sớm quanh quẩn bên chúng, đệ cảm thấy vào những tháng ngày cuối của đời mình cũng được khuây khỏa rất nhiều.
Đúng như dự đoán của đệ, tài trí của chúng nó thật hơn người, đứa chị tuy mù nhưng bù lại sách vở nghe đâu thuộc đấy, còn con em có bị câm, nhưng được cái nó học một hiểu mười, sáng dạ lắm.
Hai chị em nó ngày ngày quấn quít bên nhau trò chuyện khiến đệ cũng thấy vui lây, bèn đem sở học suốt mười năm còn lại truyền dạy cho chúng. Có điều đáng tiếc đệ chưa tròn nguyện ước thì bất thần căn bệnh chuyển kịch liệt, biết là khó lòng qua khỏi nên đệ mới thảo bức thư này để lại cho huynh tường tận”.
Đến đây có lẽ vì hết chống chỏi nổi với tử thần cho nên nét chữ thốt trở nên rối loạn, không còn nhìn ra Trọng Minh viết tiếp những gì. Tuy thế Vạn Lương cũng đã hiểu rõ nội tình. Lão gấp thư lại, niêm phong cẩn thận rồi cất kỹ trong mình. Bởi di thư của bạn cố tri vốn đã quý, hà huống lão còn biết rõ người bạn mình là người tài trí tuyệt vời thì những dòng nguệch ngoạc này hẳn là còn có dụng tâm mà hiện lão chưa thể đoán ra, phải đợi sau này tìm hỏi những bậc kỳ nhân mới có thể hiểu thấu đáo nội tình.
Định bụng vậy, lão thong thả đi về gian thạch động. Lúc ấy thanh y thiếu nữ vẫn quỳ sụp trước quan tài khóc nức nở. Vạn Lương áy náy khẽ thở dài đánh tiếng :
- Hài tử, đừng khóc nữa.
Lão thấy đối với Phạm Trọng Minh tình như anh em ruột, mà hai chị em thiếu nữ áo xanh là nghĩa nữ của Trọng Minh nên mới đổi giọng thân mật.
Thanh y thiếu nữ từ từ ngước mặt lên, nhìn Vạn Lương qua màn lệ giây lâu, rồi vụt chạy ra ngoài. Cao Quang khẽ hỏi :
- Lão tiền bối, chúng ta ở lại đây hay là đi theo ả?
Vạn Lương đáp nhanh :
- Đi tìm chứ!
Nói xong lão dậm chân phóng đi. Bốn người theo sát thanh y nữ, chạy trở về căn nhà tranh. Riêng Cao Quang lòng đầy thắc mắc, mấy lần toan mở miệng hỏi thiếu nữ cho ra lẽ, nhưng chợt nhớ đến lời cảnh cáo của Vạn Lương nên lại thôi.
Gần đến căn nhà, thiếu nữ áo xanh vẫy gọi mấy người theo sau, chạy tọt luôn vào bên trong. Vạn Lương dừng bước, khẽ giọng bảo bọn Thiếu Bạch :
- Xin chư vị ở ngoài chờ giây lát, lão hủ có đôi việc muốn bàn với chị em họ.
Cao Quang nói :
- Cứ ý tại hạ, khỏi cần bàn gì nữa, quí hữu đã mất, chúng ta coi như hỏng rồi, thì còn gì đáng nói với hai con nhãi ấy chứ?
Vạn Lương sa sầm nét mặt :
- Y tuy đã qua đời từ mấy năm nay, nhưng trong bức di thư, y có bảo trên chốn giang hồ sẽ có biến động lớn lao, và nhất là còn tiên liệu đúng việc ta sẽ đến đây.
Hoàng Vĩnh sợ xảy ra to chuyện nên vội can :
- Phạm lão tiền bối mấy năm về trước đã tiên đoán được giang hồ sẽ có biến động, thì tất cũng lo liệu sẵn?
Vạn Lương thở dài, mắt đăm đăm nhìn Thiếu Bạch :
- Hai chị em họ có chịu rút đao tương trợ hay không, còn phải đợi xem số vận của lão đệ.
Thiếu Bạch ngạc nhiên, bụng bảo dạ :
- Chẳng lẽ hai thiếu nữ trẻ tuổi ấy lại có thể giúp Thiếu Bạch ta tra xét ra việc phụ mẫu bị hàm oan?
Tuy còn nghi hoặc nhưng miệng vẫn cung kính nói :
- Xin nhờ lão tiền bối định liệu cả cho.
- Lão hủ tất nhiên sẽ dốc sức khuyên cậy chị em họ xuất sơn tương trợ lão đệ...
Ngẩng nhìn mặt trời giây lâu, lão thở dài :
- Vạn mỗ suốt một đời trừ có hơi phạm nhiều sát nghiệp, vẫn tự tin mọi hành vi của mình không gì là chẳng hợp đạo trời, thuận lòng người. Chỉ mong sao chị em họ chịu mang sở học chân truyền của cố hữu ra cứu vãn trường hoạt kiếp võ lâm này.
Xoay mình, lão thủng thẳng đi về phía căn nhà tranh. Thiếu Bạch lặng lẽ nhìn theo bóng lão, dáng đi thật nghiêm trọng lạ thường. Hiển nhiên lão rất quan tâm đến việc có khuyên được chị em thiếu nữ chịu xuất sơn hay không?
Cánh cửa căn nhà chỉ khép hờ. Vạn Lương nhẹ tay đẩy cửa bỗng nghe có một giọng rất êm ái đưa ra :
- Xá muội đã cho tiểu nữ biết, lão tiền bối là người rất thủ tín.
Vạn Lương nhìn vào, thấy thiếu nữ mù vẫn ngồi diện bích, còn nàng câm thì đứng bên cạnh chị, khuôn mặt phấn vẫn nhòa lệ chưa khô.
Lão áy náy, vòng tay nói :
- Lão hủ đã nhìn thấy bức di thư của Phạm huynh, mới biết vừa rồi nghi lầm nhị vị cô nương, thật lòng áy náy lắm.
Thanh nữ ngồi diện bích đỡ lời :
- Không sao cả, lão tiền bối và ân sư là bạn cố tri thì đó cũng là việc khó tránh.
- Trong di thư, Phạm huynh có cho biết nhị vị cô nương đã hoàn toàn lãnh ngộ sở học của người.
- Tiên sư tài trí siêu việt, còn chị em tiểu nữ xấu xí ngu muội, nên tuy có được tiên sư ra công dạy dỗ suốt bao năm trường nhưng cái sở học cũng khó bì trong muôn một.
- Nhị vị cô nương khỏi cần khách khí, Phạm huynh trong bức di thư đã nói cho lão hủ biết rõ...
Ngừng giây lâu, Vạn Lương tiếp :
- Trên giang hồ, mai này sắp xảy ra trường sát kiếp, nhị vị cô nương đã được tuyệt kỹ chân truyền của Phạm huynh, có lẽ đâu cứ ở mãi nơi này mà mai một tài hoa. Sao bằng xuất sơn theo lão hủ, dựng lên sự nghiệp lẫy lừng, cũng là khỏi phụ cái công nuôi dạy của người quá cố.
Căn nhà tranh trở nên lặng ngắt. Giây lâu mới nghe có tiếng thiếu nữ ngồi diện bích thỏ thẻ :
- Lão tiền bối quá khen ngu tỷ muội...
Và rồi thở dài, tiếp lời :
- Vạn lão tiền bối là bạn thân thiết của tiên sư, hẳn trong di thư tiên sư phải nói rõ chuyện chị mù em câm, thiên sinh tàn khuyết.
Vạn Lương vội đỡ lời :
- Cái đó, vong hữu của lão hủ trong di thư quả có nói qua, nhưng đồng thời Phạm huynh cũng đã hết sức ca ngợi nhị vị tài hoa siêu tuyệt, trí tuệ còn có phần mẫn huệ hơn thầy là khác.
- Chẳng qua là tiên sư quá khen, chứ chị em tiểu nữ tuy được tiên sư đón nhận, nuôi nấng và dốc truyền hết sở học như là con đẻ nhưng vốn đầu óc ngu tối, lại thiên sinh tàn khuyết, thật khó dám nhận lấy cái trọng trách cứu thế... đành xin phụ niềm kỳ vọng của tiền bối.
Thấy thiếu nữ có vẻ cương quyết, Vạn Lương đâm ra bối rối :
- Thế thì nhị vị cô nương muốn ở lại chốn này mãi sao?
Xem qua cách bày biện sơ sài trong nhà, lão đoán hai nàng như chưa có toan tính ở lại lâu dài.
Diện bích thiếu nữ nói :
- Lão tiền bối và tiên sư là chỗ chí giao, tiểu nữ cũng không dám giấu, chị em tiểu nữ quyết định là dăm ba hôm nữa sẽ dời đến ở trong gian thạch thất, nguyện làm bầu bạn với di thể của ân sư cho tới trọn đời.
- Phạm huynh đã đem sở học một đời truyền dạy cho nhị vị, nay nhị vị muốn được hôm sớm chăm lo nhang đèn cho người thì thật là việc chí hiếu. Nhưng thế không khỏi mai một tài năng của nhị vị cô nương, cô phụ cái tâm nguyện dạy dỗ bao năm của Phạm huynh?
Diện bích thiếu nữ thốt quay mặt lại, hỏi rằng :
- Chị mù, em câm, một đôi thiên sinh tàn khuyết yếu đuối thế này, thử hỏi, dù cho có được toàn bộ chân truyền, phỏng có làm được những gì cho võ lâm?
Vạn Lương đưa mắt nhìn kỹ, thấy thiếu nữ dung nhan mỹ lệ, có phần lấn cả cô em. Nếu không sớm biết đôi mắt nàng mù, thì không ai có thể ngờ được, một vị cô nương diễm kiều ấy lại phải sống với màn đen dày đặc từ tấm bé.
Lão cảm khái, khẽ thở dài :
- Việc ấy, Phạm huynh trong bức di thư đã nói thật rõ ràng.
Thiếu nữ mấp máy đôi môi, để lộ hai hàm răng trắng và thật đều :
- Thôi được rồi, lão tiền bối đã biết rõ, thì cũng khỏi cần bắt chị em mù câm này phải chen chân vào chốn giang hồ nữa.
- Phạm huynh tuy có nói nhị vị thân bị tàn khuyết, nhưng cũng mong nhị vị sớm có dịp phát huy sở học.
Thiếu nữ mù giơ tay vuốt lại mái tóc xõa ra trước trán giọng chậm rãi :
- Bây giờ lão tiền bối có nói cách nào, chị em tiểu nữ cũng không thể đem tấm thân tàn khuyết xuất hiện giang hồ.
- Cô nương đừng có bi quan, lão hủ tin rằng thiên hạ bao la, sớm muộn gì chắc cũng tìm được một vị danh y tật chứng của cô nương và lệnh muội.
- Lão tiền bối có hảo ý, chị em tiểu nữ xin tâm lãnh...
Ngừng một giây, thiếu nữ mù thốt nhiên đổi giọng lạnh lùng :
- Lão tiền bối, nếu như không còn việc gì khác, thì nên đi sớm đi.
Vạn Lương không ngờ nàng lại buông lời đuổi khách, lão ngẩn người :
- Nhị vi cô nương có biết trong bức di thư, Phạm huynh đã nói gì không?
- Không.
Vạn Lương định bụng :
- “Hai con bé này vì buồn đau tàn khuyết nhất định không dấn thân giang hồ, hẳn là ta phải tìm cách gạt chúng mới xong”.
Nên ông nghiêm giọng nói :
- Nếu người bạn quá cố của lão hủ để di thư bảo nhị vị cô nương phải xuất sơn vệ đạo thì sao?
Thiếu nữ mù sửng sốt :
- Nếu thật vậy, tiên sư trước kia phải nói cho chúng tôi biết.
- Thế Phạm huynh đã bảo qua với nhị vị chưa?
- Chưa!
- Nếu trong di thư để cho lão hủ, Phạm huynh có muốn nhị vị cô nương xuất sơn, có thể coi đó là di mệnh của lịnh sư.
Thiếu nữ mù lưỡng lự :
- Thật như thế, tất nhiên là di mệnh của tiên sư, nhưng có điều tiểu nữ không tin có chuyện ấy.
Vạn Lương nhớ lại, trong bức di thư quả nhiên không có việc Trọng Minh chỉ định chị em họ xuất sơn. Lão định tán láo nhưng lại kịp nghĩ uy vọng là một vị trưởng bối, mà đi gạt gẫm hai thiếu nữ mù câm, nếu bị lộ tẩy, tất không còn mặt mũi nào, còn nếu chị em họ có tin thật, thì lương tâm cũng bị cắn rứt suốt đời.
Nghĩ mãi, lão đành thở dài :
- Lệnh sư trong di thư tuy chưa nói thẳng ra, muốn nhị vị nối theo di thư của người xuất sơn hành đạo, nhưng dòng chữ lúc tục lúc đoạn, nét ngập ngừng đúng là cũng có ý ấy, người không chịu nói rõ, chắc còn có dụng tâm.
- Lão tiền bối có thể cho chị em tiện nữ được xem qua bức di thư không?
Vạn Lương đáp nhanh :
- Được chứ...
Rút bức thư ra, bụng rất lạ :
- Nàng mù cả hai mắt, không hiểu sẽ xem bằng cách nào?
Thiếu nữ mù cầm ly bức thư trao lại cho cô em và bảo :
- Hiền muội coi rồi nói lại cho ta.
Nàng câm lẳng lặng đỡ lấy, mắt dán vào trang giấy, tay phải thò ra đặt lên lòng bàn tay người chị vẽ nghí ngoáy.
Cách truyền thoại ấy, thật thế gian chưa thấy, khiến Vạn Lương ngồi há hốc nhìn. Nàng câm động tác rất nhanh, loáng một cái đã thuật cho chị biết lời trong thư không xót một chữ.
Thiếu nữ bỗng thở dài giọng thật buồn :
- Ân sư có tứ mệnh, chị em ta không thể không tuân.
Vạn Lương ngạc nhiên quá đỗi :
- Sao, nhị vị cô nương đã chịu xuất sơn?
Thiếu nữ khẽ gật đầu :
- Gia sư để thư cho tiền bối có nói rõ, nếu như lão tiền bối thỉnh cầu chúng tiểu nữ xuất sơn...
Vạn Lương hỏi vội :
- Thì sao?
- Chị em tiểu nữ không được từ chối.
- Thế sao lão hủ chẳng nhìn thấy câu ấy.
- Tiên sư dùng ẩn ngữ viết, lão tiền bối không hiểu ý nghĩ, tất là không nhìn ra.
- Đúng rồi, nhưng còn đoạn cuối, chỗ nét chữ nguệch ngoạc khó coi nói gì?
Thiếu nữ mù trầm ngâm :
- Đoạn ấy gia sư nói về một việc khác, lão tiền bối tạm giữ lại bức thư này, mai sau sẽ có việc dùng.
Vạn Lương nhận lấy lá thư nói :
- Cái thuở lịnh sư còn tại thế, mọi hành vi của người lão hủ lão gia thể nào lường tưởng được. Dè đâu thầy nào trò nấy, nhị vị cô nương lại học được cả cái chứng úp mở đấy.
Nàng mù lặng thinh, giây lâu mới khẽ thở dài :
- Lão tiền bối hẳn thương lượng với đồng bạn, để cho chị em tiểu nữ ba hôm thu xếp mọi việc, sau đó xin lão tiền bối đến đây đón chúng tôi cùng lên đường.
- Phải lắm, chúng tôi xin hứa ba hôm sau lão hủ sẽ quay lại.
Nói xong lão chuyển mình đi ra. Bọn Thiếu Bạch chờ lâu nóng ruột, mắt thấy Vạn Lương bước ra lật đật chạy cả lại hỏi dồn :
- Lão tiền bối đã nói chuyện với lưỡng vị cô nương xong rồi?
- Xong cả rồi, có điều phải đợi chị em họ thu xếp ít việc riêng, ba hôm nữa chúng ta sẽ quay lại đón họ đi.
Thiếu Bạch nói :
- Chúng ta cũng lợi dụng thời gian này để đề thảo các ứng phó cho việc tới.
Vạn Lương tỏ vẻ do dự :
- Lão hủ có một chuyện muốn nói rõ với tam vị.
- Chuyện gì thế?
- Phải khó khăn lắm mới mời được hai chị em họ xuất sơn, vậy chúng ta phải răm rắp nghe kể họ mới phát huy được hết sở học.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp