Thiên Hạ Kiêu Hùng
Chương 413: Liêu Đông loạn chiến
Mà tình hình chiến sự ở quận Thượng Cốc phải muộn mất nửa tháng mới kết thúc. Lý Tĩnh dẫn mười ngàn quân từ ba phía bịt kín con đường xuống núi của quân Vương Bạt Tu. Nửa tháng sau, quân của Vương Bạt Tu bị cạn kiệt lương thực, bất đắc dĩ, y chỉ đành hạ lệnh đầu hàng quân Tùy. Nhưng chính vào lúc này, bên trong loạn quân lại xuất hiện nội chiến. Vương Bạt Tu và Tống Kim Cương phát sinh tranh chấp, Tống Kim Cương rút đao chém chết Vương Bạt Tu, dẫn theo mấy chục tên tâm phúc chạy trốn theo một con đường nhỏ men vách núi, không biết tung tích.
Bộ phận còn lại trở thành rắn không đầu, lần lượt xuống núi đầu hàng. Từ đó, hai nhánh loạn quân lớn trong cảnh nội của U Châu đều bị quan binh tiêu diệt.
Cuối tháng ba, triệu quân Tùy đã đến bên bờ tây sông Liêu, đồng thời hơn ba triệu dân phu cũng đã tới. Mấy triệu nhân khẩu tập trung bên bờ tây sông Liêu, người ngựa huyên náo. Còn quân Triều Tiên cũng có chục ngàn người trấn thủ ở nơi địa thế hiểm yếu bên bờ đông.
Thiếu phủ giám lệnh Hà Trù và Thiếu phủ thừa Vân Định Hưng phụng mệnh thi công cầu phao ở trên sông Liêu, đại quân tiến công sắp tới nơi.
Đúng lúc này, một tai họa không tưởng tượng được lặng lẽ giáng xuống người quân Tùy. Trong quân Tùy xuất hiện triệu chứng bị sốt cao, đó là bệnh trạng của bệnh thương hàn.
Sốt cao phát tác đầu tiên từ trong số mấy triệu dân phu, nguyên nhân do trên đường đi dân phu chết quá nhiều, xác chết quá nhiều không được chôn cất, cùng với việc thời tiết đang chuyển sang ấm áp, dịch bệnh do xác chết lan truyền bắt đầu xuất hiện.
Sốt cao lan rộng rất nhanh, càng lúc càng nhiều dân phu ngã quỵ. Trong binh lính cũng bắt đầu xuất hiện tình hình dịch bệnh, Tả đồn vệ Đại tướng quân Mạch Thiết Trượng cũng không may bị nhiễm bệnh. Mạch Thiết Trượng cũng là đại tướng của phái Nam Triều, năm nay khoảng bốn mươi tuổi, sức cánh tay hơn người, bước chân của ông ta như gió, chạy nhanh như ngựa, một ngày có thể đi được năm trăm dặm, là mãnh tướng nổi tiếng triều Tùy.
Trong lều lớn, Mạch Thiết Trượng nằm trên giường bệnh, sốt cao. Ba người con trai của ông ta là Mạnh Tài, Trọng Tài và Quý Tài xúm lại bên cạnh ông ta. Một người châm ngải đốt trên sống mũi, một người dùng cuống dưa xộc vào mũi, đây là thổ pháp trị bệnh sốt cao. Con trai cả Mạch Mạnh Tài đưa ngự y Ngô Cảnh Hiền ra ngoài lều lớn, thấp giọng hỏi:
- Phụ thân ta sao rồi?
Ngô Cảnh Hiền lắc lắc đầu, thở dài. Mạch Mạnh Tài sợ hãi, vội vàng nói:
- Ta thấy trạng thái của phụ thân ta vẫn còn khá, có lẽ do cơ thể ông ấy khỏe mạnh, có thể vượt qua được nạn này.
Ngô Cảnh Hiền cười khổ một tiếng:
- Không chịu nổi đâu, cơ thể ông ấy khỏe mạnh, cùng lắm là chống được mười ngày. Bây giờ ông ấy vừa mới bị bệnh, trông thì có vẻ rất khá, nhưng qua năm, sáu ngày nữa, ông ấy sẽ hoàn toàn khác. Đến lúc đó ông ấy phải được cách ly, các ngươi cũng không được tiếp xúc với ông ấy, nếu không các ngươi cũng sẽ bị lây bệnh.
Mạch Mạnh Tài hai mắt đỏ lên, giọng run rẩy hỏi:
- Thật sự… hết cách sao?
Ngô Cảnh Hiền thở dài:
- Năm ngoái Liêu Đông đấu gạo bảy trăm tiền, chết đói không biết bao nhiều người. Lúc đó cũng bùng phát bệnh dịch, nhân khẩu bị giảm mạnh tới hai phần (2/10). Bây giờ trong số dân phu đã chết một trăm mấy ngàn người, binh lính cũng bị lây bệnh, ài! Cuối cùng không biết sẽ chết bao nhiêu người đây?
Ngô Cảnh Hiền xoay người bước đi rồi, Mạch Mạnh Tài vẫn ngơ ngác đứng rất lâu, rồi mới xoay người quay về lều. Lúc này, Mạch Thiết Trượng ngọ ngoạy ngồi dậy, thở hổn hển hỏi:
- Ta còn mấy ngày nữa?
- Phụ thân!
Mạch Mạnh tài khóc gục xuống đất.
Mạch Thiết Trượng lớn tiếng quát:
- Không được khóc, nói cho ta biết còn mấy ngày nữa?
- Mười ngày ạ!
Ba người con trai cùng khóc lớn lên, Mạch Thiết Trượng ngơ ngác nhìn ra ngoài lều. Bỗng nhiên, ông ta nghiến răng nói:
- Thà chết trận vì nước, chứ không thể mất mạng vì bệnh.
Mạch Thiết Trượng thấy ba người con trai than khóc không ngừng, không khỏi tức giận nói:
- Các con khóc cái gì chứ, nếu ta chết trận rồi, đối với các con chỉ có thể có phú quý. Dù sao cũng là chết, đại trượng phu phải chết trên chiến trường.
Mạch Thiết Trượng tự phong là tiên phong, rồi viết một bức thư báo ân với đất nước, lệnh cho con cả sau khi mình hi sinh, thì trình lên Thánh Thượng.
Thành Lục Hợp của Dương Quảng nằm ở phía sau đại quân, được ba trăm ngàn cấm quân bảo vệ. Lúc này Dương Quảng cũng đã nghe nói tin tức bệnh dịch xuất hiện trong quân đội, ngay cả Nạp ngôn Dương Đạt cũng không may nhiễm bệnh mà chết. Một tháng trước, Quan Vương Dương Hùng cũng không may bị bệnh mà chết trên đường đến Liêu Đông. Hai trọng thần của hoàng tộc lần lượt chết trong vòng một tháng, khiến Dương Quảng vô cùng xót xa.
Ngự y Ngô Cảnh Hiền bẩm báo:
- Bệ hạ, dịch bệnh lan truyền rất nhanh, cần phải nhanh chóng sử dụng biện pháp.
- Bây giờ nghiêm trọng đến mức độ nào rồi?
Dương Quảng thản nhiên như không hỏi.
- Hồi bẩm bệ hạ, bên dân phu đã có một phần người bị bệnh (1/10), bên binh lính đỡ hơn một chút, nhưng cũng có mười ngàn người bị nhiễm bệnh. Thần đã kiến nghị các đại tướng phát hiện binh lính bị sốt thì lập tức cách ly, người chết cũng phải hỏa táng sau đó chôn cất, tất cả đồ dùng cũng phải thiêu hủy.
- Bệ hạ!
Ngô Cảnh Hiền lại chần chừ nói:
- Dịch bệnh một khi bùng phát, thì sẽ lan truyền nhanh chóng ở nơi dân cư đông đúc. Bây giờ bên bờ tây sông Liêu có mấy triệu người, dịch bệnh rất khó khống chế. Tốt nhất là rời khỏi nơi này, sơ tán quân đội, nếu không đến khi mùa hè nắng nóng, dịch bệnh sẽ càng lan nhanh, tới lúc đó thì đã khó mà thu dọn được ạ.
- Không được!
Dương Quảng quả quyết phủ quyết:
- Tấn công Triều Tiên là đại sách của quốc gia, sao có thể bỏ dở nửa chừng. Ngươi là lương y, phải tận hết khả năng trị liệu, sơ tán quân hay không, không phải chuyện ngươi nên quan tâm.
Ngô Cảnh Hiền không có cách nào khác, chỉ đành lui ra. Ánh mắt Dương Quảng chớp chớp, không biết ông ta đang nghĩ cái gì. Lúc này, hoạn quan ở cửa nói:
- Bệ hạ, Hợp Thủy lệnh Dữu Chất tới rồi ạ.
- Tuyên ông ta vào.
Dữu Chất vốn là Thái sử lệnh, sử học uyên bác, đối nhân xử thế cương trực ghét dua nịnh. Vì con trai ông ta khả nghi cùng Tề vương tạo phản, Dữu Chất bị giáng làm Hợp Thủy Huyện lệnh. Lần này ông ta đưa lương thực đến quận Trác, sau khi Dương Quảng biết, bèn lệnh ông ta cùng theo tới Liêu Đông.
Dữu Chất tiến lên thi lễ:
- Hợp Thủy Huyện lệnh Dữu Chất tham kiến bệ hạ!
Dương Quảng nghe ông ta nhấn mạnh mình là Hợp Thủy Huyện lệnh, bèn cười hỏi:
- Dữu Huyện lệnh ở huyện Hợp Thủy làm quan thế nào?
- Làm quan một phương, trị vì một phương. Thần luôn cẩn trọng, không dám chểnh mảng.
Dương Quảng nhìn ông ta một cái, lại nói:
- Trẫm tuyên ngươi đến, là muốn hiểu rõ một chút về tình hình Triều Tiên, ngươi nói cho trẫm nghe đi.
- Thần tuân chỉ!
Dữu Chất suy nghĩ rồi nói:
- Nước Triều Tiên vốn là Phù Dư Quốc do vương tử Jumont xây dựng, phụng Thương vương Thất Ky Tử làm tổ tiên thần. Tây Hán Nguyên Đế năm Kiến Chiêu thứ hai, Jumont trong cuộc tranh quyền trong nước thất bại, từ phía nam chạy trốn đến châu Tốt Bản, ở đó xây dựng nên Tốt Bản Phù Dư, là nhánh khác của Phù Dư Quốc. Hán Vũ Đế năm Nguyên Phong thứ ba, triều đình nhà Hán ở châu Tốt Bản xây dựng huyện Cao Câu Ly, Tốt Bản Phù Dư bèn đổi tên thành nước Cao Câu Ly, triều đình Trung Nguyên vẫn luôn gọi là nước Cao Câu Ly. Năm Khai Hoàng đầu tiên, Đại Tùy kiến lập, quốc vương Cao Thang của Cao Câu Ly tiến biểu quy thuận, tiên đế bèn phong làm Triều Tiên vương. Bởi vậy từ năm Khai Hoàng đầu tiên, nước Cao Câu Ly đổi tên thành nước Triều Tiên…
Dữu Chất vẫn chưa nói xong, Dương Quảng đã không kiên nhẫn mà khoát tay:
- Trẫm không muốn nghe cái này, trẫm muốn hỏi thực lực của nó ra sao?
- Hồi bẩm bệ hạ, Triều Tiên nhiều lần hưng suy, chưa bao giờ bị diệt vong, về sau lại dần dần hưng thịnh. Tuy nhiên bảy, tám năm gần đây, bởi vì lưu vực sông Hán nhân khẩu đông đúc bị kẻ thù Tân La chiếm cứ, thực lực của bọn chúng quá yếu, đã không còn mạnh như trước đây. Bởi vậy, quốc sách của Triều Tiên chính là trước tiên diệt Tân La, sau đó diệt Bách Tế, thống nhất bán đảo. Thực ra bệ hạ không cần tiến công Triều Tiên, chỉ cần giúp đỡ Tân La để Tân La cường mạnh, chúng tự nhiên sẽ thay bệ hạ diệt trừ Triều Tiên.
- Vậy sao? Nhưng trẫm cảm thấy sự uy hiếp của Triều Tiên đối với Đại Tùy ta rất lớn, tiên đế cũng cho là như vậy, năm Khai Hoàng thứ mười tám mới tiến công Triều Tiên, bởi vì nguyên nhân đó mà thất bại. Trẫm kế thừa di chí của tiên đế, tiếp tục chinh phạt Triều Tiên, đây là quốc sách của Đại Tùy ta sao có thể mượn tay người khác?
- Bệ hạ, tình thế đã thay đổi, trong năm Khai Hoàng, Triều Tiên quả thực khá là hưng thịnh, có trăm ngàn giáp sĩ. Nhưng chúng dù có dã tâm cũng không dám tấn công Đại Tùy. Không cần nói đến Đại Tùy cường thịnh hơn chúng mười lần, càng quan trọng hơn là quân địch Tân La và Bách Tế của chúng ở phía sau chúng, chúng dám hành động thiếu suy nghĩ sao ạ? Hơn nữa Tân La tám năm trước sau khi công chiếm sông Hán, thực lực của Triều Tiên giảm đi mạnh, chúng càng vô lực có ý đồ với Đại Tùy. Bệ hạ cần gì phải mệt nhọc sức lực của quốc gia ngự giá thân chinh, chỉ cần mỗi nơi một sứ thần đi Tân La, cũng có thể khiến nội bộ của Triều Tiên mâu thuẫn. Đại Tùy có thể lợi dụng Khải Dân Khả Hãn ly gián Đột Quyết, tại sao lại không thể lợi dụng Tân La đối phó Triều Tiên?
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp