Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 279: Đảo Tề ám lưu


Chương trước Chương tiếp

Đội tuần tra của Dương Quảng đã tới quận Mã Ấp, hai ngày nữa sẽ tới công trường Phần Dương cung, tối hôm nay đội quân cắm trại ở bên đường.

Bọn binh sĩ bận rộn dựng trại, từng lều trại được dựng lên giữa cánh đồng hoang dã. Vốn dĩ một nơi yên tĩnh bỗng nhiên hai bên trở nên náo nhiệt khác thường. Lúc này vài con ngựa từ phía nam chạy gấp tới, trên ngựa là mấy tên quan viên thấp phẩm. Mấy viên quan này vẫn tiếp tục chạy tới dưới Lục Hợp thành, sớm đã có một tên quan thái giám đứng nghênh đón, y nói với người cầm đầu:

-Lưu sứ quân, sao bây giờ mới tới, hôm qua Thánh Thượng đã hỏi rồi.

-Đường xá xa xôi, chúng ta đã cố hết sức.

Viên quan cầm đầu lấy tấm lụa vàng sau lưng giao cho thái giám, lại nhét một thỏi bạc, nhỏ giọng nói:

-Nếu Thánh Thượng hỏi tới, hãy nói tốt vài câu cho chúng ta.

-Ta biết rồi!

Tên thái giám cầm tấm lụa vàng vào Lục Hợp thành.

Trong ngự thư phòng, Dương Quảng đang thảo luận về vấn đề đại hạn Hà Nam với vài tên trọng thần. Ngài đã nhận được tấu chương xin giúp đỡ khẩn cẩn của Thái thú các quận, đề nghị mở kho phát lương thực, cứu tế nạn dân, tình hình thiên tai vô cùng nghiêm trọng khiến cho Dương Quảng vô cùng lo lắng.

Ngưu Hoằng tấu:

-Bệ hạ, thần đề nghị các nơi thả kho lương trước, để đảm bảo không xảy ra tình trạng người dân bị chết đói, sau đó từ từ cứu giúp thiên tai theo từng tháng. Như vậy có thể giữ nạn dân ở lại quê hương, không tới mức tất cả đều kéo nhau vào Kinh.

Bùi Uẩn làm quan ở địa phương thời gian dài, đối với tình hình ở địa phương y rất am hiểu, y cũng tiến lên tấu:

-Bệ hạ, mở kho thả lương cũng tất nhiên sẽ xảy ra chuyện tham ô, thần tán đồng với ý kiến của Ngưu Thượng thư, thả kho lương trước, các quan trông giữ kho không được dễ dàng thả lương thực. Trước khi phát lương thực, các quan tuần tra phải đến từng địa phương cứu giúp thiên tai.

Dương Quảng gật gật đầu,

-Ý kiến của hai vị ái khanh đều rất đúng trọng tâm, trẫm có thể suy xét. Ngoài ra trẫm muốn phái một lão thần đức cao trọng vọng đi Hà Nam tuần tra, thay trẫm trấn an nạn dân, các khanh cho rằng ai đi sẽ thích hợp đây?

Bùi Củ và Bùi Uẩn nhanh chóng đưa mắt nhìn, đây là một cơ hội, Bùi Củ tiến lên nói:

-Bệ hạ, Tiền tướng quốc Tô Uy liên tục đi tuần tra các địa phương, trấn an nạn dân, giám sát tình hình, đức cao vọng trọng hơn nữa kinh nghiệm lại phong phú. Hiện mặc dù đã bị bãi miễn ở nhà nhưng lại lúc nào cũng muốn dốc sức cho bệ hạ, thần đề cử y làm Hà Nam An Phủ Sứ, thay bệ hệ tuần tra khác khu thiên tai.

Tô Uy là đồng minh của huynh đệ họ Bùi ở trong triều, Tô Uy bị miễn chức khiến huynh đệ họ Bùi mất đi một trợ thủ đắc lực. Bọn họ luôn chờ cơ hội để nói tốt cho Tô Uy, để cho y tái nhậm chức, tình hình tai nạn lần này lại đúng là một cơ hội.

Kỳ thực Dương Quảng bãi miễn Tô Uy nguyên nhân chủ yếu là thái độ muốn giết chết Cao Quýnh, ý của ngài cũng chuẩn bị định dùng lại y. Nếu Bùi Củ đã đề cử Tô Uy làm Hà Nam An Phủ Sứ, Dương Quảng cũng làm một ân tình thuận nước đẩy thuyền.

-Được rồi! Trẫm đồng ý phương án này, bổ nhiệm Tô Uy làm Hà Nam An Phủ Sứ lập tức đi tới khu vực có thiên tai thị sát tình hình.

Dương Quảng chắp tay sau lưng rồi đi vài bước, lúc này ngài càng quan tâm hơn tới tình hình ở Kinh thành. Hôm qua ngài đã nhận được cấp báo từ Kinh thành, chợ Phong Đô xảy ra rối loạn nghiêm trọng, tử thương thê thảm làm cho trong lòng ngài vô cùng buồn phiền.

-Các ái khanh, Kinh thành xảy ra rối loạn nghiêm trọng, hôm qua trẫm đã hạ chỉ quân đội giới nghiêm, đồng thời phát năm trăm ngàn thạch lương thực, để ổn định giá lương thực. Nhưng lưu dân ở Kinh thành quá nhiều, làm thế nào để an trí (bố trí ổn thỏa) số lưu dân này đây, trẫm rất đau đầu, muốn thương lượng một chút với các vị ái khanh.

Lúc này, Bùi Củ lại tiến lên tấu nói:

-Bệ hạ, thần cho rằng an trí nạn dân không chỉ là trách nhiệm của quan phủ, các phú hộ trong dân gian cũng phải có trách nhiệm gánh vác việc này cùng với quan phủ. Thần biết ở Kinh thành phú hộ rất nhiều, đa số các nhà đều dư lương thực, bệ hạ có thể ra chỉ thị cưỡng chế, giao trách nhiệm cho phú hộ tham gia phát cháo cứu trợ thiên tai. Mỗi nhà phát cháo hỗ trợ thiên tai ít nhất ba ngày và phái Ngự Sử giám sát. Ngoài ra vị trí phát cháo hỗ trợ thiên tai phải ở ngoài thành để thu hút lưu dân ra khỏi thành, đồng thời phải dựng các lều trại ngoài thành để cho họ ở như vậy có thể đảm bảo trong thành sẽ không xảy ra chuyện gì.

Bùi Củ có thể nói là rất hiểu tâm tư của Dương Quảng, y biết Dương Quảng không nỡ mở kho thả lương cho nên mới thương lượng với bọn họ. Bùi Củ liền đưa ra ý kiến đầu tiên đề xuất phương án phú hộ trong dân gian tham gia cứu trợ thiên tai này.

Phương án này quả thực khiến Dương Quảng vô cùng hài lòng, ngài vui vẻ nói:

-Lời của Bùi ái khanh rất hợp ý trẫm, một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao. Sao có thể chỉ trông cậy vào quan phủ chứ, phương án này rất tốt, trẫm đồng ý.

Đúng lúc này, một tên thái giám ở cửa nói:

-Bệ hạ, tấu chương của Vi ngự sử tới.

Dương Quảng gật gật đầu, hướng về chúng thần nói:

-Ý kiến của các vị ái khanh đều không tồi, có thể viết từng tấu chương riêng, chi tiết một chút, đầy đủ một chút trẫm phê duyệt xong có thể thi hành, các khanh phải khẩn trương nắm bắt thời gian nhé.

Tất cả mọi người thi lễ rồi dần dần lui ra ngoài, một tên thái giám liền đem tấu chương của Ngự sử Vi Đức Dụ trình lên.

Dương Quảng bắc tuần lần này đã giao lại trọng trách trấn thủ Kinh thành cho Tề vương Dương Giản, kỳ thực ở một mức độ nào đó cũng là để khảo nghiệm y. Dương Quảng cùng đồng thời cử Ngự sử Vi Đức Dụ tiến hành quan sát Dương Giản và gửi tấu chương định kỳ báo cáo cho ngài.

Cho tới bây giờ, biểu hiện của Dương Giản khiến cho Dương Quảng vô cùng thất vọng, cưỡng đoạt dân nữ, cướp tài sản của dân, buông thả thuộc hạ dọa nát vơ vét tài sản, tiếng ác khắp nơi. Căn bản không có một khí chất của một thân vương hoàng tử nên có nào, đặc biệt là chuyện Kinh thành bùng nổ rối loạn lại càng khiến Dương Quảng thất vọng tới cực điểm.

Dương Quảng mở tấu chương của Vi Đức Dụ ra xem một cách tỉ mỉ, Vi Đức Dụ chủ yếu tường thuật về việc rối loạn ở chợ Phong Đô lần này. Trong tấu chương nói rất rõ ràng, nguyên nhân rối loạn là phòng ngự không kịp thời. Lúc đầu 300.000 lưu dân nhập Kinh, Kinh triệu phủ không thèm để ý gì mặc kệ họ, không có bất cứ thi hành bất cứ việc an trí nào. Sau khi lưu dân càng ngày càng nhiều cũng không phái quân đội tới khống chế, càng không có hành động nào cứu trợ nạn dân, làm cho lưu dân không thể sinh tồn, cuối cùng xảy ra việc cướp lương thực quy mô lớn.

Vi Đức Dụ tuy rằng không chỉ thẳng ra là do trách nhiệm của Dương Giản nhưng ý thì rất rõ ràng. Dương Giản trấn thủ kinh thành lại là Kinh triệu doãn, y không phụ trách thì ai phụ trách. Đặc biệt cuối cùng Vi Đức Dụ còn viết, trước một ngày khi thảm án bạo loạn Phong Đô xảy ra, Dương Giản mang theo 24 tì thiếp đi du ngạo Mang Sơn đến đêm chưa về, đây không nghi ngờ gì là điểm cuối cùng áp đảo Dương Giản.

Dương Quảng thở dài một tiếng, đặt tấu chương xuống. Nếu nói những hành vi của Dương Giản trước kia làm cho ngài thất vọng thì sự kiện Phong Đô càng làm cho ngài tuyệt vọng đối với người con trai này, người như thế này có thế làm Tùy tam thế (vị vua đời thứ 3 của triều Tùy) sao?

Dương Quảng chắp tay sau lưng đi ra ngự thư phòng, vô tình đi tới phòng sách bên cạnh, nơi đây lưu giữ hàng vạn quyển sách và bức họa.

Đi vào trong phòng chỉ thấy phía trước cửa sổ trưởng tôn (cháu trai) của ngài Dương Đàm đang ngồi chăm chú viết chữ. Y không hề phát hiện ra tổ phụ đang đứng phía sau, bên cạnh bàn của y xếp một chồng sách, đây là những sách mà y đã đọc qua. Dương Quảng âu yếm nhìn bóng dáng non nớt của tôn tử lại nghĩ tới đứa con trưởng đã mất hai năm trước, dưới khóe mắt ngài không khỏi rơm rớm nước mắt.

Dương Quảng không làm phiền trưởng tôn lặng lẽ lui ra trở về ngự thư phòng, ngài đứng ở trước cửa sổ trầm tư thật lâu, cuối cùng ngài hạ quyết tâm bèn quay đầu thấp giọng lạnh lùng nói:

-Truyền ý chỉ của trẫm, tức tốc mời Dương Nguyên Khánh tới gặp trẫm!

…………..

Dương Nguyên Khánh từ Tấn Dương cung trở về đã hai ngày, mặc dù hắn không lấy được chứng cứ Tề vương tư lĩnh vũ khí ở Tấn Dương cung nhưng hắn cũng hiểu được, Tề vương đã bí mật huấn luyện tư quân, trước kia là huấn luyện tử sĩ, bây giờ đã thăng cấp từ tử sĩ thành tư quân.

Từ xưa huấn luyện tư quân là một hành động cực kỳ nguy hiểm, không có bất cứ một hoàng đế nào dễ dàng tha thứ cho một đứa con huấn luyện tư quân. Bình thường khi Hoàng đế về già mới xuất hiện những việc như thế này.

Nhưng Dương Quảng năm nay mới 40 tuổi, nếu chỉ xét theo tuổi thọ thì ngài ít nhất còn làm Hoàng đế 20 năm nữa. Mà Dương Giản lại huấn luyện tư quân trong khi phụ hoàng của y đang thịnh vượng, như vậy hoặc là y chán sống một cách ngu xuẩn, hoặc là y đã có dã tâm.

Mặc kệ là ý nào đi nữa Dương Nguyên Khánh đều rất rõ ngày tận thế của Dương Giản sắp tới, trời làm bậy phải chịu, tự làm bậy không thể sống được.

Vì Tùy Đế Dương Quảng sắp tới nên Dương Nguyên Khánh cũng đẩy nhanh tiến độ. Mấy hôm nay do sử dụng phương án của Lý Xuân, tạm thời chưa lát gạch, số lượng gỗ và đá lớn bắt đầu dần dần được chuyển lên núi. Đây cũng là một công trình lớn, hơn 200.000 dân phu xếp hàng dài mười mấy dặm, lợi dụng việc lăn gỗ và dùng dây thừng kéo để đưa những khối đá nặng hàng ngàn cân chuyển lên núi.

Lý Uyên cũng về tới công trường Phần Dương cung, sự kiện Nguyên Thượng Ứng cũng dần lắng lại. Mặc dù Lý Uyên chuyên viết thư cho Nguyên Thọ kể tỉ mỉ về việc Nguyên Thượng Ứng bị giết, nhưng trong lòng y biết, bất luận là y có giải thích thế nào đi nữa thì giữa y và Nguyên Thọ đều sẽ xảy ra rạn nứt, hơn nữa không thể bù đắp được.

Kết quả này khiến Lý Uyên có chút chán nản, cũng không biết làm thế nào, nhưng qua chuyện này y cảm nhận được sự quyết đoán và tàn nhẫn của Dương Nguyên Khánh.

Mặc dù trong lòng Lý Uyên cũng có chút bất mãn với Dương Nguyên Khánh nhưng ngoài mặt y không thể hiện ra và cũng cố gắng thuyết phục bản thân đừng để trong lòng chuyện này. Dù sao sau khi Dương Nguyên Khánh giết chết Nguyên Thượng Ứng thì việc đãi ngộ cho phu được cải thiện lớn. Cho tới thời điểm này đã gần nửa tháng rồi mà dân phu mới chết hơn mười người, việc này chưa từng có trong các công trình của Đại Tùy, cũng khiến cho Lý Uyên có chút cảm kích đối với Dương Nguyên Khánh.

-Dương tướng quân, nếu theo tiến độ này, ta cho rằng lâu nhất là 2 tháng Phần Dương cung có thể hoàn thành.

Lý Uyên và Dương Nguyên Khánh chậm rãi đi ở công trường, Dương Nguyên Khánh cười cười nói:

-Thực ra những dân phu này họ cũng mong muốn có thể hoàn thành sớm để sớm được về nhà, chỉ cần cho họ ăn no họ tự nhiên sẽ cố gắng, kỳ thực thì cũng không cần nhiều giám sát như vậy.

Lý Uyên thờ dài một tiếng:

-Đó là do Dương tướng quân không tham tiền tài, nhưng bọn quan quân Nguyên Thượng Ứng này khó khăn lắm mới vợt được con mồi béo bở này, bọn họ có thể không tham sao? Đạo lý thì ai cũng hiểu nhưng để thực sự làm được thì đó không phải là chuyện dễ. Một là muốn dựa vào việc ăn bớt lương thực để phát tài, tiếp theo là nhờ vào tiền chuộc để phát tài. Quân đội vì muốn lấy tiền chuộc bèn thay đổi biện pháp tra tấn đám dân phu này, tra tấn họ gần chết, người nhà họ thì bán ruộng bán đất cũng phải chuộc người thân ra, hoặc là tra tấn họ tới chết để người nhà mang tiền tới chuộc xác. Nếu để cho những dân phu này sống khỏe mạnh thì quân đội sao mà phát tài được chứ? Cho nên trong một công trình ít nhất cũng phải tử vong tới 50% trở lên, nguyên nhân là do đây, những người thực sự bị mệt chết, bệnh chết không nhiều.

Dương Nguyên Khánh gật gật đầu, hắn bây giờ mới hiểu được tấm màn đen ở trong này, chẳng trách mỗi một công trình lại có nhiều người tử vong như vậy. Trước giờ hắn vẫn cảm thấy rất kỳ lạ, Dương Quảng không thể bất chấp sức lực của dân phu nhưng những cái động nuốt chết đám dân phu thực sự lại là quân đội.

Đúng lúc này một gã binh sĩ đi sau liền chạy tới,

-Dương tướng quân!

Dương Nguyên Khánh dừng ngựa lại, quay đầu lại hỏi:

-Có chuyện gì?

-Trong doanh trại có người tìm tướng quân, từ Kinh thành tới, nói là cố nhân của Dương tướng quân.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...